Monday, January 31, 2022

TIỂU ĐOÀN 42 BIỆT ĐỘNG QUÂN “CỌP BA ĐẦU RẰN” (KBC 4533) - Nguyễn Khắp Nơi - Phần 1/4

 

Nguyễn Khắp Nơi

(Viết cho những Biệt Động Quân trên khắp bốn vùng chiến thuật, Để tưởng nhớ hương hồn Cố Thiếu Tá Quách Hồng Quang, Tiểu Đoàn Trưởng cuối cùng của Cọp Ba Đầu Rằn).

 



BIỆT ĐỘNG QUÂN HÀNH KHÚC (Theo Dấu Giày Sô)



Được tuyển chọn kỹ lưỡng, được huấn luyện đầy đủ, với kỹ thuật chợt ẩn chợt hiện, đánh nhanh đánh gọn, binh chủng Biệt Động Quân, từ khi mới được thành lập vào ngày 1 tháng 7 năm 1960, đã lập được rất nhiều chiến tích, làm kinh sợ kẻ thù và là niềm hãnh diện của những người trai thời chiến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Trong những tiểu đoàn nổi tiếng của các tiểu đoàn nổi tiếng nhất của Biệt Động Quân, chúng ta phải nói tới:Tiểu Đoàn 42 “Cọp Ba Đầu Rằn” với vị Tiểu Đoàn Trưởng lừng danh: Thiếu Tá Lưu Trọng Kiệt. Tiểu Đoàn 44 “Cọp Đen” với Thiếu Tá Nguyễn Văn Dần và huyền thoại “Nữ Hổ Tướng Hồ Thị Quế”.

Tiểu Đoàn 52 “Sấm Sét Miền Đông” do Thiếu Tá Nguyễn Hiệp làm Tiểu Đoàn Trưởng. Với tinh thần dũng mãnh, cộng thêm với bộ quân phục mầu áo hoa rừng, chiếc nón sắt sơn rằn ri với đầu con ben đen thui, cặp mắt đỏ rực sáng quắc trên nền ngôi sao trắng toát, đã làm cho người chiến binh Biệt Động có một dáng vẻ oai hùng, đáng nể và đáng sợ (đối với Việt Cộng mà thôi) Cũng từ những oai hùng đó, danh xưng “Cọp Ba Đầu Rằn” đã trở thành một cái gì đó huyền thoại!

Bất cứ ai, dù lính hay dân sự, cũng ít ra có một lần nhắc tới hoặc được nghe kể về “Cọp Ba Đầu Rằn”. Thậm chí, mỗi khi nói tới Biệt Động Quân, đã có nhiều người tưởng rằng, danh xưng “Cọp Ba Đầu Rằn” là dùng chung cho tất cả những chàng trai Biệt Động.

Được gọi là cọp, đã cảm thấy mình mạnh bạo, oai hùng rồi, Lại được gọi là cọp . . . ba đầu, rằn ri nữa! Nghe càng thấy hùng tráng, độc đáo, phải không các bạn? Thế nhưng, khi được hỏi:

- “Cọp Ba Đầu Rằn” là cái gì? Ai đặt ra cái danh xưng này?

Đặt ra hồi nào? Ở đâu? Nhiều Biệt Động Quân (trong đó có tôi) đã không có câu trả lời thỏa đáng. Mãi cho tới gần đây, khi đọc bài viết của huynh trưởng Hồ Viết Lượng, tôi mới được mở mang trí tuệ. Xin được viết lại ra đây để quý độc giả cùng thưởng lãm: “Cọp Ba Đầu Rằn” hay là “Cọp Ba Chân Đầu Rằn” cũng giống nhau, cũng là danh xưng của tiểu đoàn 42 Biệt Động Quân.

Như chúng ta đã biết, binh chủng BĐQ được thành lập năm 1960 theo nhu cầu chiến trường lúc bấy giờ. Việt Cộng trong khoảng thời gian này, đã dùng những tên nằm vùng tổ chức những đám du kích để khuấy phá các vùng nông thôn hẻo lánh trên khắp lãnh thổ VNCH.

Theo chính sách “Dĩ độc trị độc”, Tổng Thống Ngô Đình Diệm, dựa theo lời khuyến cáo của các Tướng Lãnh và những chuyên gia quân sự, đã quyết định thành lập những đơn vị “Phản Du Kích” được gọi là “Biệt Động Quân”. Hầu hết các vị chỉ huy, các binh sĩ của Biệt Động Quân, đều là những chiến sĩ xuất sắc, được tuyển chọn từ những đơn vị thiện chiến.

Sau một khóa huấn luyện đặc biệt về du kích chiến ở các Trung Tâm huấn luyện BĐQ, đã được đưa ra phục vụ tại 50 đại đội BĐQ biệt lập ở khắp bốn vùng chiến thuật. Trong khoảng thời gian từ 1960 đến 1964, các đại đội biệt lập này đã hoạt động thật là hữu hiệu. Họ đã áp dụng chiến thuật phản du kích, để tiêu diệt phần lớn lực lượng du kích của địch, làm cho chúng không còn hoạt động được nữa.

Để chống lại chiến thuật “Biệt Động” thần diệu này, vào khoảng đầu năm 1965, VC đành phải sát nhập các đơn vị du kích còn lại vào lực lượng địa phương của chúng, tạo thành những đại đội, tiểu đoàn và trung đoàn, để mong dùng số đông dành lại phần nào những mất mát trước đây.

SOURCE:

Tran Anh TruongQuốc Ngữ Việt Nam Văn Hiến

 XIN ĐỌC TIẾP PHẦN 2

 

TIỂU ĐOÀN 42 BIỆT ĐỘNG QUÂN “CỌP BA ĐẦU RẰN” (KBC 4533) - Nguyễn Khắp Nơi - Phần 2/4

 


TIỂU ĐOÀN 42 BIỆT ĐỘNG QUÂN “CỌP BA ĐẦU RẰN” (KBC 4533)

(Phần hai)

Biết được âm mưu này của bọn VC, Bộ Tổng Tham Mưu của QLVNCH cũng đã nghiên cứu và quyết định gom những đại đội BĐQ biệt lập lại để tổ chức thành các Tiểu Đoàn, Liên Đoàn BĐQ, để đáp ứng lại với nhu cầu gia tăng của chiến trường.

Vào khoảng tháng 2 năm 1966, bốn đại đội BĐQ biệt lập sau đây đã được gom lại để thành lập Tiểu Đoàn 42 Biệt Động Quân (KBC 4533):

* ĐĐ 362/BL, được đổi tên thành Đại Đội 1/42, do Thiếu úy Vương Văn Trổ (K.10 TĐ) làm Đại Đội Trưởng.

* ĐĐ 315/BL, được đổi tên là Đại Đội 2/42, do Thiếu úy Nguyễn Tấn Giai (K.2 NT) làm Đại Đội Trưởng.

* ĐĐ 368/BL, được đổi tên là Đại Đội 3/42, do Thiếu úy Hồ Viết Lượng (K.10 TĐ) làm Đại Đội Trưởng.

* ĐĐ 370/BL được đổi tên là Đại Đội 4/42, do Thiếu úy Nguyễn Văn Út (K.18 VBĐL), sau là Thiếu úy Nguyễn Văn Huy (K.16 VBĐL) làm Đại Đội Trưởng.

Khi đã thành lập xong, bắt đầu đi hành quân chung, thì Đại úy Nguyễn Văn Biết (Biết “ống vố”) được chỉ định làm Tiểu Đoàn Trưởng.

Trên giấy tờ, thì TĐ 42 có 4 đại đội, nhưng trên thực tế, tiểu đoàn chỉ gom lại được có 3 đại đội mà thôi, còn đại đội 370 BĐQ Biệt lập (tức đại đội 4/42) vẫn còn . . . biệt lập.

ĐĐ4/42 do Thiếu úy Nguyễn Văn Huy (Huy lé) vẫn còn đang hành quân bảo vệ an ninh và là chủ lực của quận Thới Bình, thuộc tỉnh Cà Mau. Đại đội đang đóng đồn và khai quang, công tác còn dở dang nên chưa có thể về hành quân cùng TĐ được.

Trang bị ban đầu của các TĐ/BĐQ cũng như các TĐ/BB khác, chỉ có thêm một loại súng Shotgun, bắn đạn chài. Còn Quân phục thì BĐQ cũng vẫn mặc quân phục Bộ Binh màu xanh olive, chỉ khác bên vai trái có mang phù hiệu cọp đen và đội Mũ Nâu mà thôi.

Tiểu đoàn 42/BĐQ trong thời gian đầu, được tăng phái cho Sư Đoàn 21 Bộ Binh, đã tham dự hầu hết các cuộc hành quân Dân Chí của Sư đoàn này tổ chức, tại các điạ danh thuộc Khu 42/CT như sau:

• Kinh Thác Lác, Phụng Hiệp, Búng Tàu v…v… (thuộc tỉnh Cần Thơ).

• Đầm Dơi, Thới Bình, Khai Quang, Biện Nhị. Năm Căn, Bờ Đập v…v… (thuộc tỉnh Cà Mau).

• Rạch Sỏi, Đầm Răng, Đầm Rầy, Cán Gáo v…v… (thuộc tỉnh Rạch Giá).

• Hỏa Lựu, Hưng Long, Long Mỹ, Ngọc Hòa v…v… (thuộc tỉnh Chương Thiện).

Qua các cuộc hành quân này, TĐ 42/BĐQ đã chạm địch liên miên, giáng cho chúng những đòn chí tử, gây tổn thất nặng nề cho các đơn vị địa phương cũng như chủ lực của VC.

Bọn nón cối bị đòn đau, sợ quá, bèn tìm hiểu điều tra cặn kẽ, xem ai đã đánh chúng những đòn tơi bời hoa lá như vậy? Sau khi biết rõ kẻ địch là Tiểu Đoàn 42 Biệt Động Quân, với quân số chỉ có 3 đại đội, mang huy hiệu “Cọp Đen” trên vai áo, bọn VC đã kính nể, đã kinh sợ mà đặt tên cho tiểu đoàn 42 là:

-“Cọp Ba Đầu”.

Sau một thời gian hành quân lùng và diệt địch, tiểu đoàn 42 BĐQ được nghỉ dưỡng quân. Vì mới thành lập, chưa có hậu cứ, nên TĐ phải dưỡng quân bằng cách . . . đóng quân dọc theo quốc lộ, tỉnh lộ, hoặc trong nhà của dân.

Trong thời gian đơn vị dưỡng quân tại xã Hoà Bình thuộc tỉnh Bạc Liêu. Một buổi sáng, Đại úy Nguyễn Văn Biết, Tiểu đoàn trưởng, đi ngang qua vị trí đóng quân của ĐĐ2/42, do Thiếu úy Nguyễn Tấn Giai làm ĐĐT, ông thấy một số binh sĩ của đại đội này đang tụ họp để trang trí những cái nón sắt của họ bằng cách vẽ hình đầu cọp đen của binh chủng ở đằng trước và sơn rằn ri trên phần còn lại nón sắt bằng các màu đỏ, trắng, vàng, xanh v…v… trông rất “ngầu”.

Đại Úy Biết thấy cũng . . . hay hay, nên đã ra lệnh cho tất cả Tiểu đoàn đều sơn và vẽ trên nón sắt giống như ĐĐ2 vậy.

Kể từ đó, mỗi khi tiểu đoàn đi hành quân, nhất là về ban đêm, cái nón sắt mầu trắng, đen, nâu, đỏ của tiểu đoàn 42 BĐQ hiện ra chập chờn như những bóng ma về đòi mạng bọn Việt Cộng, làm cho bọn chúng nổi da gà ớn lạnh sương sống, mất hết cả tinh thần chiến đấu.

Vì thế, các đơn vị địa phương và chủ lực như Trung Đoàn 18B của bọn VC đã bị những thiệt hại nặng nề khi giao tranh với những “Thần Chết” ở tiểu đoàn 42 Biệt Động Quân, trong những vùng chiến trận chung quanh Cần Thơ, Sóc Trăng v. v…

Rồi tới các cuộc hành quân Dân Chí, tiểu đoàn 42 BĐQ ít khi đụng độ với các đơn vị của VC, mặc dù tin tình báo đã xác nhận sự có mặt của bọn chúng.

Sau này chúng tôi mới vỡ lẽ, khi dân chúng trong vùng hành quân cho biết, bọn cán bộ VC cao cấp đã chỉ thị cho các cấp chỉ huy địa phương: “Khi gặp Tiểu đoàn “Cọp ba chân đầu rằn” hoặc “Cọp Ba Đầu Rằn”, là phải né, vì kỹ thuật tác chiến của Tiểu đoàn này rất giỏi, tinh thần binh sĩ rất cao, gan dạ, không sợ chết.

Chỉ khi nào không tránh né được mới phải đương đầu mà thôi! Nhưng dù có đương đầu, cũng tìm cách rút dù để bảo toàn đơn vị”.

Kể từ đó Tiểu đoàn 42/BĐQ mới có danh hiệu là “Cọp Ba Đầu Rằn” hay “Cọp ba chân đầu rằn”. Cọp đen và đội Mũ Nâu mà thôi.

 

XIN ĐỌC TIẾP PHẦN 3