Friday, August 30, 2024

Madame HỒ NGỌC CẨN Tiễn Biệt Người Góa Phụ Trung Kiên - Giao Chỉ

 

ÔNG BÀ HỒ NGỌC CẨN

.

Các Niên Trưởng Đồng Đế cho biết Bà Hồ Ngọc Cẩn , nhũ danh Nguyễn Thị Cảnh vừa ra đi sáng hôm nay 30 / O8/ 2024 tại Stevenson Ranch , Nam California Hoa Kỳ . Nguyện Cầu Linh Hồn Bà sớm về nước Trời hưởng Nhan Thánh Chúa và bình an trong chốn Thiên Đàng - Amen !
 
Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn - Người vợ lính ở Thủ Đức
 
Mùa xuân năm 1959 . Họ đạo Thủ Đức có đám cưới nhà quê . Cô dâu Nguyễn Thị Cảnh mỗi tuần giúp lễ và công tác thiện nguyện cho nhà Thờ . Chú rể là anh Trung sĩ huấn luyện viên của trường bộ binh Thủ Đức .
Cha làm phép hôn phối . Họ Đạo tham dự và chúc mừng . Bên nhà gái theo đạo từ thuở xa xưa . Bên nhà trai cũng là gia đình Thiên Chúa Giáo . Cô gái quê ở Thủ Đức , 18 tuổi còn ở với mẹ . Cậu trai 20 tuổi xa nhà từ lâu . Cha cậu là Hạ sĩ quan , gửi con vào Thiếu sinh quân Gia Định từ lúc 13 tuổi . Khi trưởng thành , anh Thiếu sinh quân nhập ngũ . Đi lính năm 1956 . Mấy năm sau đeo lon Trung sĩ .
Quê anh ở Rạch Giá , làng Vĩnh Thanh Long , sau này là vùng Chương Thiện . Ngày đám cưới , ông già từ quê lên đại diện nhà trai . Đứng trước bàn thờ , Cha xứ hỏi rằng anh Quân nhân này có nhận cô gái làm vợ không . Chú rể đáp thưa có . Cha hỏi cô gái có nhận anh Trung sĩ này làm chồng , no đói có nhau , gian khổ có nhau ? Cô gái Thủ Đức vui mừng thưa có . Anh Trung sĩ Rạch Giá phục vụ trường bộ binh , đi lễ nhà thờ gặp cô gái xóm đạo Thủ Đức nên kết nghĩa vợ chồng . Cô gái thề trước nhà Chúa , có cả họ Đạo chứng kiến .
Cô đã giữ trọn đời làm vợ người lính . Từ vợ Trung sĩ trại gia binh cho đến phu nhân Đại tá trong dinh Tỉnh trưởng . Cô theo chồng đi khắp 4 phương suốt 16 năm chinh chiến , để rồi 30 tháng 4 năm 1975 trở thành vợ người tử tội .
Cô đem con trở về Thủ Đức lánh nạn chờ ngày chồng bị xử bắn . Dù thăng cấp , dù thắng hay bại , dù sống hay chết , chồng cô vẫn là người anh hùng . Cô mãi mãi vẫn là người vợ lính . Anh lính đầu đời chinh phu của cô , lúc lấy nhau đeo lon Trung sĩ và khi ra đi đeo lon Đại tá . Thủy chung cô vẫn sống đời vợ lính . Chồng của cô là Đại tá Hồ Ngọc Cẩn .
Hiện nay cô vợ lính gốc Thủ Đức , sau khi tìm đường vượt biên , đem con trai duy nhứt qua Bidong , Mã Lai rồi vào Mỹ sống ở Nam Cali . Cô may thuê , bán quán nuôi con . Con trai lập gia đình có 2 cháu . Người vợ lính năm xưa từ 1975 đến nay , ở vậy thờ chồng , đã trở thành bà nội ở chung một nhà với con cháu . Suốt đời vẫn nghèo , nghèo từ Trung sĩ mà nghèo lên Đại tá . Nghèo từ Thủ Đức mà nghèo qua Chương Thiện . Nghèo từ Việt Nam mà đem theo cái nghèo qua Mỹ . Bởi vì suốt đời chỉ là người vợ lính .
 
Một đời chinh chiến . Chuyện người chồng.


Hồ Ngọc Cẩn sinh ngày 24 tháng 3 năm 1938 . Xuất thân Thiếu sinh quân Gia Định , rồi nhập ngũ và lên cấp Trung sĩ , huấn luyện viên vũ khí tại trường Bộ binh . Sau khi lập gia đình có 1 con thì anh Trung sĩ tìm cách tiến thân , xin vào học lớp Sĩ quan đặc biệt tại Đồng Đế . Từ anh sinh viên sĩ quan Đồng Đế 1960 cho đến 15 năm sau , Hồ Ngọc Cẩn trở thành Đại tá Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Chương Thiện , hầu hết cấp bậc đều lên tại mặt trận . Ông đã từng mang mầu áo của Biệt động quân và các sư đoàn Bộ binh . Huy chương và chiến công nhiều vô kể .
Suốt một đời chinh chiến từ Trung đội trưởng lên đến Trung đoàn trưởng , Hồ ngọc Cẩn tung hoành khắp Hậu giang và Tiền giang . Năm 1972 ông Thiệu cho lệnh toàn thể sư đoàn 21 từ miền Tây lên tiếp tay cho quân đoàn III , giải tỏa An Lộc . Lại cho lệnh tăng cường thêm 1 Trung đoàn của Sư đoàn 9 . Tư lệnh quân khu , ông Trưởng ( Trung Tướng Ngô Quang Trưởng) nói với ông Lạc (Chuẩn Tướng Huỳnh Văn Lạc) sư đoàn 9 đưa 1 Trung đoàn nào coi cho được .
Trung tá Hồ ngọc Cẩn dẫn Trung đoàn 15 lên đường . Trung đoàn ông Cẩn phối hợp cùng nhẩy dù đánh dọc đường 13 tiến vào An Lộc . Anh Đại úy đại đội trưởng của Trung đoàn , suốt mấy tuần giằng co với địch trước phòng tuyến của Tướng Hưng , Tư lệnh An Lộc , nhưng chưa vào được . Lính hai bên chết đều chôn tại chỗ . Thiết vận xa M113 của ta còn phải lui lại phía sau . Chỉ có bộ binh của Trung đoàn 15 nằm chịu trận ở tiền tuyến . Anh sĩ quan kể lại, chợt thấy có một M113 của ta gầm gừ đi tới .
- A , tay này ngon .
Chợt thấy một ông xếp từ thiết vận xa bước ra , phóng tới phòng tuyến của đại đội . Nhìn ra ông Trung đoàn trưởng Hồ Ngọc Cẩn . Ông quan sát trận địa rồi hô quân tiến vào . Cùng với tiền đạo của Nhẩy dù , Trung đoàn 15 bắt tay với lính phòng thủ An Lộc . Sau khi Bình Long trở thành Bình Long Anh Dũng , ông Thiệu hứa cho mỗi người lên 1 cấp .
 
Trung tá Hồ Ngọc Cẩn ngoài 30 tuổi đeo lon Đại tá , trở về trong vinh quang tại bản doanh Sa Đéc . Rồi ông được đưa về làm Tiểu khu trưởng Chương Thiện . Vùng đất này là sinh quán của ông ngày xưa . Cho đến 30 tháng 4-1975 Sài Gòn đã đầu hàng , nhưng Chương Thiện chưa nhận được lệnh Cần Thơ , nên Chương Thiện chưa chịu hàng .

Chiều 29 sáng 30 tháng 4 , Tiểu khu trưởng vẫn còn bay trực thăng chỉ huy . Khi radio Sài Gòn tiếp vận về tin buông súng , các đơn vị bên ta rã ngũ . Lính tráng từ Tiểu khu và dinh Tỉnh trưởng tan hàng , Đại tá Tiểu khu trưởng Hồ Ngọc Cẩn bị lính cộng sản vây quanh khi còn ngồi trên xe Jeep với vũ khí , quân phục cấp bậc đầy đủ . Câu chuyện về giờ phút cuối cùng của người chồng , đã được người vợ kể lại cho chúng tôi . Thực là một kỷ niệm hết sức bi thảm .
 
Giây phút cuối của Chương Thiện
 
Bà Cẩn với âm hưởng của miền quê Thủ Đức kể lại qua điện thoại . Cô Cảnh nói rằng suốt cuộc đời chưa ai hỏi thăm người thiếu phụ Thủ Đức về một thời để yêu và một thời để chết . Bà nói :
“ Kể lại cho bác rõ , những ngày cuối cùng nhà em vẫn hành quân . Đánh nhau ngay trong Tiểu khu . Anh Cẩn vẫn còn bay hành quân . Nhà bị pháo kích . Tuy gọi là dinh Tỉnh trưởng nhưng cũng chỉ là ngôi nhà thường . Chiều 30 tháng 4 mẹ con em theo các chú lính chạy ra ngoài . Đi lẫn vào dân . Ở Chương Thiện không ai biết em là vợ Tỉnh trưởng . Ai cũng tưởng là vợ lính . Từ xa ngó lại mẹ con em thấy anh Cẩn bị chúng bắt giải đi . Bà con kéo mẹ con em tìm đường chạy về Cần Thơ . Chú lính nói rằng bà không đem con chạy đi chúng nó bắt thì khổ . Em dẫn thằng con nhỏ chạy bộ . Mẹ con vừa đi vừa khóc . Hình ảnh cuối cùng thằng con hơn 10 tuổi nhìn thấy bố ngồi trên xe Jeep , Việt cộng cầm súng vây quanh . Bước xuống xe , anh không chống cự , không dùng dằng , không nói năng . Đưa mắt nhìn về phía dân ở xa , giơ tay phất nhẹ . Như một dấu hiệu mơ hồ cho vợ con . Chạy đi . Đó là hình ảnh cuối cùng đã gần 40 năm qua .
Từ đó đến nay mẹ con không bao giờ gặp lại . Thân nhân bên anh Cẩn , mẹ và các chị giữ không cho em và con trai ra mặt . Sợ bị bắt . Được tin anh ra tòa nhận án tử hình . Rồi tin anh bị xử bắn . Thời gian anh bị giam , gia đình bên anh có đi tiếp tế nhưng không thấy mặt . Chỉ giao tiếp tế cho công an rồi về . Hôm anh bị bắn ở sân vận động Cần Thơ , gia đình cũng không ai được báo tin riêng , nhưng tất cả dân Tây Đô đều biết . Mỗi nhà được loan báo gửi một người đi coi . Bà chị họ đi xem thằng em bị bắn . Chị kể lại là không khí im lặng . Từ xa , nhìn qua nước mắt và nín thở . Chị thấy chú Cẩn mặc quần áo thường dân tỏ ý không cần bịt mắt . Nhưng bọn cộng sản vẫn bịt mắt . Bác hỏi em , bà chị có kể lại rõ ràng ngày xử bắn 14 tháng 8 năm 1975 .
 
Mỗi lần nói đến là chị em lại khóc , nên cũng không có gì mà kể lại . Chúng bịt miệng , bịt mắt nên anh Cẩn đâu có nói năng gì . Suốt cuộc đời đi đánh nhau anh vẫn lầm lì như vậy . Vẫn lầm lì chịu bị bắt , không giơ tay đầu hàng , không khai báo , không nói năng gì cho đến chết . Anh làm Trung đội trưởng , Đại đội trưởng , Tiểu đoàn trưởng , Trung đoàn trưởng rồi đến Tiểu khu trưởng . Báo chí , anh em nói gì thì nói , anh Cẩn chả nói gì hết . Bác hỏi em là mồ mả ra sao . Em và con về nhà mẹ ở Thủ Đức . Gia đình không cho em ra mặt . Bà chị và mẹ anh Cẩn đi xin xác không được . Chúng đem chôn ở phía sau Trung tâm nhập ngũ Cần Thơ . Mấy năm sau mới xin được đem về Rạch Giá .
Rồi đến khi khu này bị giải tỏa , nên lại hỏa thiêu đem tro cốt về nhà ông chú bên Long Xuyên . Ngày nay , em nói để bác mừng là sau khi vượt biên qua Mỹ em đã đưa di hài anh Cẩn qua bên này . Anh Cẩn bây giờ cũng đoàn tụ bên Mỹ với gia đình . “
“ Cô đi năm nào ”, tôi hỏi bà Cẩn .
Mẹ con em ở Thủ Đức ba năm sau 1975 . Đến 1978 thì vượt biên qua Pula Bidong . Ở trại 8 tháng thì bà con bảo trợ qua Mỹ . Qua bên này mình chả biết ai , không ai biết mình . Cũng như bao nhiêu thuyền nhơn , mẹ con ở với nhau . Em đi làm nghề may , rồi đi bán quán cho tiệm Mỹ . Bây giờ cháu trai duy nhứt của anh Cẩn đã có gia đình sinh được 2 con .”

Chuyện đời người vợ lính thời chinh chiến với kết thúc bi thảm và anh hùng , tôi nghe kể lại thấy lòng xót xa lắng đọng .Tôi bèn quay qua hỏi chị Cẩn sang đề tài khác . “ Nãy giờ nói toàn chuyện buồn , cô nhớ lại xem suốt đời từ đám cưới cho tới năm 1975 , cô có những kỷ niệm nào vui không .”
Bà Cẩn ngừng lại suy nghĩ .
“ Em thấy năm nào tháng nào cũng vậy thôi . Toàn lo việc nhà , nội trợ nuôi con . Anh Cẩn đi đâu thì mẹ con cũng đi theo . Từ Trại gia binh đến cư xá Sĩ quan . Chúng em không có nhà riêng , không có xe hơi , không có xe gắn máy . Từ Sa Đéc , Trung đoàn 15 qua đến Tiểu khu Chương Thiện , toàn là ở trại lính ”.

Tôi hỏi tiếp :
“ Cô có đi dự tiệc tùng , mừng lên lon , thăng cấp , dạ hội gì không ?”.
“ Không , em chả có đi đâu . Ở Chương Thiện em cũng không đi chợ . Dân chúng cũng không biết em là ai . Mua bán gì em về Cần Thơ , đông người , cũng chả ai biết em là ai . Em cũng không có nhà cửa nên cũng không mua sắm đồ đạc . Lương nhà binh cũng chẳng có là bao . Em cũng không ăn diện nên chẳng có nhiều quần áo .

Năm 1972 ở An Lộc về , anh Cẩn mang lon Đại tá , không biết nghĩ sao anh nói với em , vợ chồng chụp được một tấm hình kỷ niệm . Đây là tấm hình gần như duy nhứt . Xin bác dùng tấm hình này của nhà em mà để lên tấm bia lịch sử ”.
Tôi nói rằng , tấm hình của cô và anh Cẩn rõ ràng và đẹp lắm . Hoàng Mộng Thu có đưa cho tôi xem . Chúng tôi sẽ dùng hình này . Nhưng tôi vẫn gặng hỏi : “ Thế bao nhiêu lần anh thăng cấp cô có dự lễ gắn lon không ?”.
” Em đâu có biết . Chỉ thấy anh Cẩn đi về đeo lon mới rồi cười cười . Cũng có thể gọi là những giây phút hạnh phúc của đời nhà binh ”.
“ Thế cô chú ở Thủ Đức có khi nào đi chơi Vũng Tàu tắm biển không ?”.
Bà Cẩn thật thà nói rằng :
“ Khi anh Cẩn học ở Đồng Đế thì em và con có ra thăm Nha Trang nên thấy biển . Còn chưa bao giờ được đi với anh Cẩn ra Vũng Tàu . Sau này đến khi vượt biên thì mẹ con em mới thấy biển Vũng Tàu…”

Trong số một triệu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa , dường như Sĩ quan , anh nào cũng có 1 lần đi với vợ con hay người yêu trên bãi biển Vũng Tàu . Chỉ có hàng binh sĩ , chỉ những người lính là chưa có dịp . Hồ Ngọc Cẩn ở Rạch Giá suốt đời chưa đem vợ đi Vũng Tàu . Vì vậy chị Cẩn suốt đời vẫn chỉ là vợ lính .
Trong quân đội , dù là Tướng tá hay Sĩ quan , anh nào mà chả có thời làm lính . Sau đó mới làm quan . Chỉ riêng cô Nguyễn thị Cảnh , hiền thê Đại tá Hồ Ngọc Cẩn là người đóng vai vợ lính suốt đời . Những ngày vui nhất của chị là thời gian được làm vợ anh Trung sĩ hiền lành của trường bộ binh Thủ Đức .
Ngày đó đã xa rồi hơn nửa thế kỷ , ở bên kia địa cầu , trên ngọn đồi Tăng Nhơn Phú , có vợ chồng anh lính trẻ mỗi sáng Chúa nhựt cầm tay nhau để đi lễ nhà thờ .
 
Giao Chỉ 

Link:

https://quangtribacca.blogspot.com/2024/09/madame-ho-ngoc-can-tien-biet-nguoi-goa.html#more

 

 

 

Sunday, August 18, 2024

NỢ MỘT ĐIỀU KHÔNG NÓI

 



Hình phía trên là cổng quân trường Đồng Đế Nha Trang. Hình phía dưới chụp ngày 07/07/70 là ngày mãn khoá 6/69 của chúng tôi . Đội hình các tân sĩ quan sau khi được gắn lon chuẩn uý đang chuẫn bị đi diễn hành cuối khoá trước khi từ giã quân trường để ra mặt trận.
Quân trường Đồng Đế là nơi huấn luyện cấp hạ sĩ quan cho Quân lực VNCH. Bắt đầu 1968 sau vụ tổng tấn công tết Mậu Thân của việt cộng mà phía Hà Nội đứng phía sau, chính phủ nước Việt Nam Cộng Hoà phía nam đã ra lệnh tổng động viên. Vì thế trường được khuếch trương để đảm nhiệm thêm đào tạo sĩ quan trừ bị cho quân lực
Quí bạn có để ý phía sau cổng quân trường in đậm trên bầu trời là dãy núi với hình dạng của một người con gái nằm xoã tóc . Đó là núi Cô Tiên mà vào những đêm trăng nằm ứng chiến ở vũ đình trường hình người thiếu nữ hiện rõ trên vòm trời đã tạo cho trong tôi có nhiều cảm xúc vô cùng khó tả . Dưới chân dãy núi có một ngọn thấp hơn tên Hòn Khô. Trên đỉnh núi này có một bức tượng nghe nói được một khoá sinh hạ sĩ quan nguyên là một điêu khắc gia thực hiện vào những năm có khoá hạ sĩ quan đầu tiên của quân trường Đồng Đế .  Bức tượng được dùng xi măng đúc với hình dáng của một người lính đứng trong tư thế thao diễn nghĩ cùng khẩu garand M1 sơn màu trắng. Bức tượng cao 25 mét nên bất cứ ai ngồi trên xe đò từ Ninh Hòa vô Nha Trang trên quốc lộ 1 khi xổ hết dốc đèo Rù Rì từ ngoài đường đều có thể nhìn thấy . Sau khi có bức tượng đó thì xuất hiện hai câu thơ “Anh đứng ngàn năm thao diễn nghĩ. Em nằm xoã tóc đợi chờ ai “truyền khẩu cho mãi đến bây giờ.
 Tôi theo học khoá 6/69 SQTB Nguyễn Viết Thanh nên tôi không biết những khoá trước tôi hay sau tôi trong ngày làm lễ gắn alpha thế nào . Chứ riêng khoá tôi thì tất cả khoá sinh dự bị sĩ quan đều thức dậy từ tờ mờ sáng để thực hiện một cuộc hành quân có tên gọi là “chinh phục hòn Khô “. Nghĩa là chúng tôi với ba lô súng đạn đầy đủ bắt đầu dưới chân núi và đi dọc theo sườn đồi quanh co suốt một ngày ròng rã với mục tiêu cuối cùng là bức tượng người lính đứng thao diễn nghĩ . Chúng tôi phải thực hiện thủ tục sờ tay vào chân tượng như để nhận sự uỷ thác và ký gửi hứa hoàn thành tiếp đoạn đường chiến binh sẽ phải đi . Sau đó thì súng cầm tay hô to xung phong rồi chạy thẳng từ trên đỉnh xuống để làm lễ gắn alpha . Với chiếc ba lô nặng ít nhất 20 ký trên lưng sau một ngày lội rừng mồ hôi đã đổ ra không biết bao nhiêu lít mà kể , chúng tôi đứa nào đứa nấy đều muốn hộc xì dầu . Lễ gắn alpha luôn tổ chức vào ban đêm dưới ánh đuốc . Sau khi được gắn alpha chúng tôi mới được trở thành sinh viên sĩ quan , chứ trước đó thì tên gọi của chúng tôi là khoá sinh dự bị sĩ quan . Ngày đầu tiên trở thành sinh viên sĩ quan chúng tôi có 8 giờ phép ra phố ngoài áo quần ủi hồ thẳng thóm giày bóng lưỡng có thể nhe thấy răng còn phải kèm theo những điều luật cấm như sau :
- nếu đi xe đò hoặc xe lam đều phải ngồi trước với tài xế chứ không được ngồi sau . Nếu đón chiếc xe nào mà đã có người dành hai chỗ đó rồi thì ráng đợi chiếc sau
- Nếu có vô rạp xem phim thì mua vé hạng nhất tệ lắm là hạng nhì nếu không đủ tiền thì khỏi xem
- Khi bước vô quán ăn hay quán cà phê phải chào tay bảng hiệu của quán. Và khi ngồi trong quán thì phải chọn ghế hướng mặt nhìn ra đường (tôi nhớ lần bước vô quán pate chaud sữa đậu nành ở góc đường Độc Lập - Công Quán Nha Trang tôi đưa tay chào bảng hiệu bị mấy cô áo trắng bụm miệng cười chọc  quê , kể từ đó tôi sợ luôn con gái Nha Trang)
- Nếu đi chung với phái nữ thì đi bên cạnh không được nắm tay và ngực phải ưỡn thẳng phía trước không được ngó láo liên (sau này tôi có quen một cô và áp dụng luật này kết quả cô bạn đó gài số de vì chê cù lần)
Năm 70 tôi ra trường được thuyên chuyển về Darlac. Khỏi phải nói, ai cũng biết đó là vùng cao nguyên với núi và rừng . Tôi sống trong rừng nhiều hơn sống dưới đồng bằng nên tha hồ mà lội . Lội rừng suốt năm suốt tháng như vậy nhưng thỉnh thoảng vẫn nhớ Hòn Khô ở Đồng Đế với dãy núi cô gái nằm xoã tóc và người lính ngàn năm thao diễn nghĩ . Chiến tranh ở ngay trước mặt, tôi không được phép thao diễn nghĩ nên vẫn còn hoài thắc mắc không biết cô gái đợi chờ ai với tháng năm dài phơi sương cùng tuế nguyệt . Chắc chắn là không phải đợi chờ tôi bởi vì theo dòng lịch sử đẩy tôi đi về phía trước thì hình bóng cô gái xoã tóc ấy khuất nẽo lại phía sau . Tôi loay hoay bì bõm giữa hai dòng đẩy sém chết mấy lần. Tôi chưa được chết cho nên không có kinh nghiệm nói về điều đó, nhưng tôi đã từng được sống và trên thế gian này nếu sống chỉ là một sinh hoạt theo nhu cầu ngày hai buổi và cứ thế tiếp diễn đến ngày nằm xuống gọi là chết thì sống và chết có gì khác nhau ? Vì thế cái chết chưa chắc hẳn đã là điều phải sợ.  Riêng tôi giả dụ như nếu trong tâm lý có sự hiện diện của trạng thái sợ chết chẳng qua tôi còn thèm sống để nuôi một hy vọng nhỏ nhoi đó là đất nước tôi sẽ được chuyển mình
Cuối cùng từ một người lính tôi trở thành một người tù, tôi không còn bì bõm bơi trên dòng chinh chiến nữa mà bơi qua biển Thái Bình Dương trở thành người biệt xứ . Giờ đây sau những giây phút an bình hạnh phúc hay những lúc gian nan khốn nhục hình ảnh người lính đứng trên đỉnh Hòn Khô ở Đồng Đế Nha Trang vẫn lừng lững xuất hiện trong giấc mơ, bắt nhịp từ bờ dĩ vãng bước qua bến tương lai . Tôi vẫn phải tiếp tục bước đi cho dù đi cà nhắc
Ngày xưa thuở còn đi học thầy dạy té từ chổ nào thì đứng dậy từ chổ đó, nhưng giờ đây từ nơi tôi đứng dậy hành trang đầy nặng trĩu hình bóng của quê nhà . Tôi còn đang mệt mỏi khom mình thì một cái vèo như chớp mắt, người lính năm nào nay đã là một lão già đang chờ Nam Tào điểm danh đến lượt mình.
Từ khi đặt tay chạm vào chân bức tượng người lính trên đỉnh Hòn Khô nhận lời uỷ thác của tổ quốc giao cho mà không chu toàn nhiệm vụ . Xem như  tôi vẫn còn mắc nợ tổ quốc tôi một điều chưa nói

Núi kết núi dáng em nằm xõa tóc
Đợi chờ ai mà năm tháng mõi mòn
Thành phớ biển cùng em trong tiềm ức
Ta nhớ mình còn có một Nha Trang
Nha Trang với cánh chim trời bay lạc
vào hồn ta hót tiếng hót nhẹ nhàng
Chia tóc em thành hai bờ trái đất
Nửa ở bên này nửa ở cố hương
Nửa ở bên này dòng sông em chảy
Len êm đềm qua ngõ ngách đời ta
Có chuỗi nắng ai xâu từ ký ức
Đeo nụ hôn lên gò má trắng ngà
Có giọt biển xưa chạy vòng khoé mắt
Như bóng hoàng hôn quanh quẩn nỗi sầu
Từ New Orleans ngồi nhớ về cổ tháp
Nối nụ buồn vào mắc xích hư vô
Chiều xa xứ vàng hồn ai vật vã
Rót thời gian xuống dòng nước xanh trong
Con đường cũ hỏi khi nào trở lại
Để bao giờ biển mặn được vầng trăng
Mơ một giấc mơ về một thành phố
Cổng nhà ta xưa dĩ vãng chứa đầy
Có tiếng guốc em đi từ một buổi
Cùng lời thề ước nguyện ở đâu đây
Cuộc sống vốn có nhiều điều khác biệt
Cuộc đời ta và em chẳng giống nhau
Ta có một tuổi thơ đầy khánh kiệt
Tuổi thơ em dòng sữa ngọt ca dao
Ta trải qua thời chiến tranh gian khổ
Thành trái cây lột vỏ vứt ngoài đường
Em là giọt sương bón ta nhú rễ
Nứt xuân thì trên cuối biển đầu non
Rừng hành quân xưa mùa này sim nở
Nghe bên tai tiếng bìm bịp kêu chiều
Nỗi thấm đó giải thích sao em hiểu
Dĩ vãng của ta buồn như tương lai
Mưa xuống núi trôi Nha Trang ra biển
Xưa bày em môn đánh lưới ái tình
Tay lớ ngớ bủa ra ngoài vô vọng
Mõi mắt trông vời đã mấy mươi năm
Ta mắc nợ em một điều không nói
Lịch sử đi qua phá sản ngôn từ
Đêm chắc lưỡi tiếng thạch sùng quá khứ
Nếu có luân hồi xin hẹn kiếp sau

Tác giả: Dương Quan

 













Photos’ Link:

https://www.facebook.com/media/set/?set=a.1147292998657572.1073742409.1000762106643996&type=3&_rdr

 




Friday, August 16, 2024

Thông Báo Final Trình Chiếu Phim "My South Vietnam"

 

 Chủ Nhật 01 Tháng 9 năm 2024 tại Nam California

 

 

 

Kính mời quý vị đến tham dự xem phim "My South Vietnam" sẽ được trình chiếu lần đầu tiên tại miền Nam California, Hoa Kỳ vào lúc:

*Thời Gian: 2 giờ chiều Chủ Nhật mùng 1 tháng 9 năm 2024

*Địa Điểm: Lavender 14190 Beach Blvd., thành phố Westminster, CA 92683 (trên đường Beach góc đường 13th, cạnh nhà hàng Bleu).

*Chương trình sẽ được khai mạc đúng giờ nên xin quý vị ghi tên với Ban Tổ Chức và đến sớm vì chỗ ngồi có giới hạn.

*Quý vị đã liên lạc với BTC để giữ chỗ nhưng vẫn mong quý vị đến sớm trên căn bản "First Come First Serve".

*Vào cửa tự do. Có thức ăn nhẹ và giải khát.

*Một cuốn phim đã làm cho khán giả xúc động và bồi hồi nhớ lại những thời gian còn sống những ngày tháng thật an bình hạnh phúc tại Sài Gòn, Hòn Ngọc Viễn Đông, và nhớ lại những thành tựu đáng tự hào của hai nền Cộng Hòa tại Miền Nam VN (1954-1975).

Kinh chuyển đến Quý vị Trailer của bộ phim My South Vietnam


Chu Lynh

Vietnam Film Club

www.vietnamfilmclub.org

PGĐ (T/M BTC)