Monday, November 22, 2021

Part 4: Lâm Vĩnh Thế - Tình Báo Trong Chiến Tranh Việt Nam

 

Tình Báo Trong Một Số Trận Ðánh Quan Trọng 

Trong suốt thời gian khoảng trên dưới 20 năm chiến tranh đó, hệ thống tình báo của cả 2 phe đã hoạt động rất tích cực và đạt hiệu quả khá cao nhưng vẫn không tránh khỏi có những thất bại rất nghiêm trọng. Phần này của bài viết cố gắng tìm hiểu, phân tích và đánh giá các hoạt động tình báo của cả 2 phe trong 2 trận đánh quan trọng và tiêu biểu của 2 giai đoạn trong Chiến tranh Việt Nam:

 1) Cuộc Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân (tháng 2-1968) của giai đoạn có quân Mỹ tham chiến;

2) Trận Ban Mê Thuột (tháng 3-1975) sau Hòa Ðàm Paris và quân Mỹ đã rút khỏi Miền Nam. 

Trận Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân (Tháng 2-1968)

Trận Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân bắt đầu vào ngày 31-1-1968 (mùng 2 Tết Mậu Thân) trên khắp các thành phố của VNCH là một bất ngờ rất lớn trong cuộc chiến tranh vì cả 2 phe lâm chiến đều đã đồng ý hưu chiến 3 ngày trong thời gian Tết. Phần lớn quân nhân, công chức của VNCH đều được nghỉ phép để về quê ăn Tết với gia đình (kể cả Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng về ăn Tết ở quê vợ là Mỹ Tho). Việc không tiên đoán được cuộc tấn công với quy mô lớn như vậy của phe Cộng Sản là một thất bại rất lớn về tình báo của cả VNCH và Hoa Kỳ. Câu hỏi cần phải đặt ra là tại sao VNCH và Hoa Kỳ, với một hệ thống tình báo to lớn, đầy đủ và tinh vi như vậy mà không phát hiện được sự chuẩn bị của phe Cộng sản cho cuộc tổng tấn công này. Ðể có thể trả lời câu hỏi quan trọng này, chúng ta cần phải tìm hiểu những diễn biến trong cuộc chiến từ sau khi Hoa Kỳ đưa quân bộ chiến vào Miền Nam từ tháng 3-1965.

Sau cuộc đổ bộ của 5.000 Thủy Quân Lục Chiến vào Ðà Nẵng ngày 8-3-1965, quân số Mỹ tại Miền Nam đã gia tăng một cách vô cùng nhanh chóng: (55)

• Cuối năm 1965: tổng số quân Mỹ là184.300
• Cuối năm 1966: tổng số quân Mỹ là 385.300 
• Cuối năm 1967: tổng số quân Mỹ là 485.600 

Trong mùa khô 1966-1967, trong chiến lược “lùng và diệt địch” (search and destroy) của Tướng Tư Lệnh MACV Westmoreland, quân đội Mỹ đã tổ chức ít nhứt là 5 cuộc hành quân lớn (cấp sư đoàn) tấn công vào các mật khu, căn cứ an toàn, và các trung tâm hậu cần của phe Cộng sản: (56)

• Hành quân Attleboro: tại Dầu Tiếng (Tây Ninh), từ ngày 14-9 đến ngày 24-11-1966
• Hành quân Paul Revere IV: tại Thung lũng Plei Trap (phía Tây Pleiku, gần khu vực ba biên giới), từ ngày 20-10 đến ngày 30-12-1966
• Hành quân Thayer II: tại BÌnh Ðịnh, từ ngày 25-10-1966 đến ngày 12-2-1967
• Hành quân Cedar Falls: trong khuTam Giác Sắt (Bến Cát, tỉnh Bình Dương ), từ ngày 8 đến 26-1-1967
• Hành quân Junction City: trong Chiến Khu C (Tây Ninh, nơi đóng tổng hành dinh của TUC), từ ngày 22-2 đến ngày 14-5-1967 (đây là cuộc hành quân trực thăng vận Việt-Mỹ lớn nhứt trong Chiến tranh Việt Nam, với tổng số 25.000 quân tham chiến) 

Các cuộc hành quân này, cùng với rất nhiều những cuộc hành quân khác của QLVNCH và các quân đội đồng minh trong thời gian 1966-1967 đã gây thiệt hại rất nặng nề về quân số (cả Việt cộng và Bắc Việt), tổ chức (mật khu, khu an toàn), và hậu cần (lương thực, vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng) của phe Cộng sản. Tổng hành dinh của TUC (COSVN) trong Chiến Khu C phải dời sang lãnh thổ của Kampuchia. Tinh thần cán bộ, binh sĩ Cộng sản bị dao động, sa sút rất nghiêm trọng; điều này thể hiện rất rõ trong các quyển nhật ký của binh sĩ Bắc Việt tịch thu được trong các cuộc hành quân Việt-Mỹ. Số cán binh Cộng sản về hồi chánh cũng gia tăng lên rất nhiều. 

Về mặt an ninh lãnh thổ của VNCH, chương trình bình định (Pacification) trong các vùng nông thôn cũng đang tạo được nhiều thành quả đáng kể từ giữa năm 1967 với những số thống kê như sau: 

• 67% dân chúng sinh sống trong các vùng do chính phủ VNCH kiểm soát
• 222 quận (trong tổng số 242) được xem là có an ninh
• 8.650 ấp (trong tổng số 12.600) đã được bình định xong

Robert W. Komer (1922-2000), đứng đầu Chương trình CORDS (Civil Operations and Revolutionary Development Support) của MACV phụ trách về bình định (gồm cả Chương trình Phượng Hoàng—Phoenix Program—với mục tiêu là tiêu diệt hạ tầng cơ sở của Mặt Trận Giải Phóng—VCI = Viet Cong Infrastructure), đã lạc quan báo cáo về tình hình Chiến tranh Việt Nam cho Tổng Thống Johnson vào ngày 28-2-1967 như sau: “…wastefully, expensively, but nonetheless indisputably, we are winning the war in the South.” (57)

(xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “…phí phạm, tốn kém nhưng không thể chối cãi được, chúng ta đang thắng cuộc chiến tại Miền Nam”). 

Cũng trong thời gian này, về phương diện chính trị, VNCH đã vượt qua được thời kỳ hỗn loạn và đã thành công tạo được sự ổn định với Hiến Pháp 1967 đưa đến việc thành lập của nền Ðệ Nhị Cộng Hòa vào cuối năm 1967 (58)

Tất cả các điều này đã tạo ra cho các cấp lãnh đạo Việt-Mỹ (kể cả các cấp lãnh đạo về tình báo) một tinh thần lạc quan quá trớn đưa đến sai lầm trong nhận định và đánh giá về quyết tâm và khả năng của phe Cộng sản.

Việc tiến hành cuộc Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân đã được lãnh đạo của Ðảng Lao Ðộng Việt Nam quyết định tại Hà Nội trong phiên họp của Bộ Chính Trị vào ngày 7-7-1967 (59) và ngày khởi sự cuộc tấn công đã được định là ngày 29-1-1968, tức là ngày Mùng 1 Tết Mậu Thân, sau đó được dời lại một ngày, là ngày 30-1-1968, tức là Mùng 2 Tết Mậu Thân (60) 

Như vậy, VNCH và Hoa Kỳ đã có một khoảng thời gian gần 7 tháng mà vẫn không tiên đoán được về cuộc tấn công và hoàn toàn bị bất ngờ. Có đúng thật là hệ thống tình báo của VNCH và Mỹ đã hoàn toàn bất lực? Sự thật không phải như vậy. Cả VNCH và Hoa Kỳ đều có nắm được một số tin tình báo về cuộc tấn công này.

Về phía VNCH, Phòng 2 BTTM QLVNCH đã nhận được một số tin tức và tài liệu của phe Cộng sản như sau: (61) 

• Tháng 3-1967: một tài liệu tịch thu được của Công Trường 5 (tức là Sư Ðoàn 5 của Việt Cộng) về một kế hoạch tấn công vào Sài Gòn
• Ðầu tháng 10-1967: tài liệu học tập về Nghị Quyết 13 của Trung Ương Ðảng Lao Ðộng Việt Nam, kêu gọi thực hiện một cuộc tổng tấn công để đạt chiến thắng nhanh chóng 
• Cũng trong tháng 10-1967: một tài liệu của Chiến Trường B-3 (mật danh của phe Cộng sản để chỉ vùng Cao Nguyên Trung Phần của VNCH), tịch thu được tại Dakto, đề cập đến những chuẩn bị với quy mô lớn cho Chiến dịch Ðông-Xuân 1968
• Cuối tháng 11-1967: một tài liệu đề ngày 1-9-1967, với tựa đề “Sứ mạng mới, công tác mới,” đề cập đến một cuộc tấn công lớn cùng với một cuộc tổng nổi dậy của dân chúng với tên tắt là “TCK-TKN” (viết tắt cho cụm từ Tổng Công Kích-Tổng Khởi Nghĩa) 
• Một số tài liệu lẻ tẻ đề cập đến cách tác chiến trong thành phố, một hình thức chiến thuật trước kia không bao giờ được đề cập đến trong các tài liệu tịch thu được

Như vậy, rõ ràng là tình báo VNCH có nắm được một số tin về ý đồ của phe Cộng sản cho một cuộc tấn công quy mô lớn vào các thành phố của VNCH. Vậy tại sao các cấp lãnh đạo của hệ thống tình báo VNCH đã không khuyến cáo chính phủ để chuẩn bị đối phó với cuộc tổng tấn công đó khiến cho VNCH hoàn toàn bị bất ngờ.

Có hai lý do chính:

1) Cũng cùng tâm trạng lạc quan như các cấp lãnh đạo chính trị và quân sự, giới lãnh đạo tÌnh báo VNCH không tin là phe Cộng sản, trong tình trạng sa sút tinh thần trầm trọng của cán binh và sự thiệt hại nặng nề về vật chất (quân số, tiếp liệu, vv) trong các năm 1966-1967, có thể thực hiện nổi một cuộc tổng tấn công như vậy; nhận định và đánh giá của giới tình báo VNCH là: “Địch có ý đồ nhưng không có khả năng.” Giới tình báo VNCH tin rằng ngay như nếu họ có báo động thì các cấp lãnh đạo quân sự cũng sẽ không tin (62) 

2) Nhận định và đánh giá vừa kể cũng dựa trên tin tưởng là địch vẫn còn trong Giai đoạn 1 của Chiến lược mà họ đã theo đuổi từ lâu. Chiến lược này đã từng được áp dụng rất thành công trong Kháng chiến chống Pháp (1946-1954), nên lại được áp dụng một lần nữa trong cuộc chiến tranh này và gồm 3 giai đoạn:

1) Giai đoạn 1: Phòng ngự,

2) Giai đoạn 2: Chuẩn bị tổng tấn công

3) Giai đoạn 3: Tổng tấn công. Giới tình báo VNCH không tin là phe Cộng sản có khả năng tiến thẳng từ giai đoạn 1 sang ngay Giai đoạn 3. 

Về phía Hoa Kỳ, cách nhận định và đánh giá tin của giới tình báo có phần hơi khác với phía VNCH. Thời gian 7 tháng (từ ngày 7-7-1967 cho đến 30-1-1968) có thể chia làm 2 giai đoạn:

• Từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 11-1967: giới tình báo Hoa Kỳ, đồng quan điểm với giới tình báo VNCH, tin rằng phe Cộng sản vẫn còn trong Giai đoạn 1, nghĩa là không tin vào khả năng hiện thực của cuộc tổng tấn công
• Từ đầu tháng 12-1967: giới tình báo Hoa Kỳ, dựa trên những tin tức mới, đã tin là kế hoạch tổng tấn công của phe Cộng sản là có thật và họ đã có tiến hành việc chuẩn bị đối phó với cuộc tổng tấn công này

Chúng ta cố gắng tìm hiểu xem mọi việc đã xảy ra như thế nào về phía Hoa Kỳ trong giai đoạn từ đầu tháng 12-1967 trở đi.

Trước hết, trong tháng 12-1967, tình báo Hoa Kỳ đã ghi nhận một số lượng xe vận tải rất lớn di chuyển dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh: 6.313, so với 3.823 trong tháng 11-1967 (63) 

Cũng trong tháng này, tình báo Hoa Kỳ, cả CIA lẩn J2-MACV, đều ghi nhận việc sử dụng nhiều loại vũ khí mới trong các đơn vị quân Cộng sản, như AK-47, RPG-7 (tức là súng phóng lựu chống xe tăng B-40), súng phóng hỏa. J2-MACV cũng phát hiện một số sư đoàn chủ lực của Bắc Việt, là các Sư Ðoàn 2, Sư Ðoàn 325, và Sư Ðoàn 304 (Sư Ðoàn 304 là sư đoàn đã từng tham gia trận Ðiện Biên Phủ vào năm 1954) tập trung lại chung quanh căn cứ Khe Sanh trong Vùng I.

Tất cả những diễn tiến này khiến cho Tướng Westmoreland, Tư Lệnh MACV, tin rằng phe Cộng sản sẽ đánh lớn tại Vùng I và cuộc tấn công này sẽ xảy ra trong tháng 1-1968. Ông cũng nghĩ rằng phe Cộng sản cũng sẽ tấn công khắp lãnh thổ VNCH nhưng đó chỉ là nghi binh, để đánh lừa vì mục tiêu chính của cuộc tổng tấn công này sẽ là tại Vùng I, dọc theo Khu Phi Quân Sự, với trọng điểm là chung quang căn cứ Khe Sanh, và ông cũng không tin là phe Cộng sản sẽ tấn công vào Thủ đô Sài Gòn, và vì vậy ông đã đồng ý giao lại trách nhiệm bảo vệ Sài Gòn từ một đơn vị Hoa Kỳ cho Liên Ðoàn 5 Biệt Ðộng Quân của QLVNVCH tại một buổi lễ vào ngày 20-12-1967. Sau đó, ông đích thân bay ra Vùng I để thị sát và thảo luận với Thiếu Tướng Robert E. Cushman, Jr., Tư Lệnh Lưc Lượng Thủy Bộ số 3 của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ (3rd Marine Amphibious Force, 3rd MAF), về việc phòng thủ dọc theo Khu Phi Quân Sự mà nếu cần, ông sẽ cho tăng cường thêm cả Sư Ðoàn 1 Kỵ Binh Không Vận (1st Cavalry Division, phe Cộng sản thường gọi là Sư Ðoàn 1 Anh Cả Ðỏ) (64) 

Sự tin tưởng về trọng điểm của cuộc tổng tấn công sắp đến của phe Cộng sản của Tướng Westmoreland xuất phát từ suy nghĩ của ông về Chiến tranh Việt Nam và dựa trên kết quả của các chiến lược mà ông đã áp dụng: “lùng và diệt địch” (search and destroy), và “hao mòn” (attrition) từ năm 1965. Ṓng tin rằng Bắc Việt quyết lòng đánh bại chiến lược tạo ra phòng tuyến bao che (shield strategy) mà ông đã xây dựng dọc theo biên giới của VNCH và đặc biệt là dọc theo phía Nam Khu Phi Quân Sự (vĩ tuyến 17) để ngăn chận sự xâm nhập của quân Bắc Việt vào Miền Nam. Căn cứ quan trọng của lực lượng Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Hoa Kỳ tại thung lũng Khe Sanh đóng một vai trò khá giống căn cứ Ðiện Biên Phủ của Pháp vào năm 1954. 

Ngày 30-12-1967, Ngoại Trưởng Bắc Việt Nguyễn Duy Trinh tuyên bố tại một buổi tiếp tân của Bộ Ngoại Giao tại Hà Nội là việc ngưng oanh tạc Bắc Việt sẽ đưa đến thương thuyết giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt. Ðây là một thay đổi quan trọng trong lập trường của Bắc Việt về thương thuyết vì trước kia họ chỉ nói là việc Hoa Kỳ ngưng oanh tạc có thể đưa đến việc thương thuyết. Ðiều này càng củng cố thêm sự tin tưởng của Tướng Westmoreland là Bắc Việt (qua sắp xếp của Tướng Võ Nguyên Giáp) đang tìm cách chơi lại ván bài mà họ đã chơi và thắng trong Hội Nghị Genève năm 1954, với Khe Sanh sẽ đóng vai trò Ðiện Biên Phủ trong ván bài lần này. Hai hôm sau, ngày 1-1-1968, Ðài Phát Thanh Hà Nội lập lại lời tuyên bố của Ngoại Trưởng Trinh, cho thấy đây quả thật đã trở thành lập trường chính thức của Bắc Việt. 

Qua tháng 1-1968, rõ ràng có những hoạt động của quân Bắc Việt nhắm vào Khe Sanh. Vào đêm 2-1-1968, TQLC Mỹ đi tuần tra đã bắn chết một số quân Bắc Việt (trong số này phát hiện có một sĩ quan Trung Ðoàn Trưởng) đang thám thính gần căn cứ hỏa lực tại Khe Sanh. Tướng Cushman tin rằng đó là bằng cớ chứng tỏ quân Bắc Việt sẽ tấn công Khe Sanh. 

Vì định kiến này, các cấp lãnh đạo tình báo và quân sự Hoa Kỳ đã coi nhẹ và bỏ qua rất nhiều tin tức liên quan đến các hoạt động quân sự của phe Cộng sản nhằm chuẩn bị cho cuộc Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân trong tháng 1-1968 như các vụ sau đây: (65)

• Ngày 3-1-1968, J2-MACV đã có báo cáo về việc khám phá vụ chôn dấu vũ khí của Việt Cộng trong một nghĩa địa trong vùng ngoại ô Sài Gòn.
• Ngày 4-1-1968, QLVNCH khám phá một hầm chôn dấu vũ khí quan trọng tại Ðịnh Tường (Vùng IV), trong số này có cả 55 quả đạn bích kích pháo 55mm là loại vũ khí chưa từng được VC sử dụng trong Vùng IV; sau đó một cán bộ VC chỉ huy một đại đội vận tải bị bắt đã khai báo và hướng dẫn QLVNCH tìm thêm được 41 địa điểm chôn dấu vũ khí nữa trong vùng.
• Cũng trong ngày 4-1-1968, J2-MACV đã có báo cáo về việc một toán đặc công VC toan xâm nhập vào khu vực tổng hành dinh của MCV tại Tân Sơn Nhất bằng cách xin công việc làm tại sân bay.
• Ngày 5-1-1968, J2-MACV cũng có báo cáo về một tài liệu tịch thu được tại Pleiku mang tựa đề “Lệnh Tác Chiến Khẩn Cấp Số 1”; ngoài kế hoạch tấn công Pleiku, tài liệu còn bao gồm cả chỉ thị cho cán bộ trong việc kêu gọi dân chúng nổi dậy.
• Ngày 9-1-1968, tình báo Mỹ cũng tịch thu được một tài liệu trình bày việc tổ chức lại hệ thống chỉ huy của VC. 

Giới tình báo Mỹ chỉ thật sự quan tâm khi được giới tình báo VNCH cho biết họ thật sự rất lo lắng về tin VC đã có kế hoạch khủng bố lớn nhắm vào người Mỹ (cả dân sự lẩn quân sự) sinh sống và làm việc tại Sài Gòn (66) 

Cho đến gần cuối tháng 1-1968, Tướng Westmoreland vẫn còn giữ nguyên định kiến của ông về ý đồ của phe Cộng Sản. Trong báo cáo đề ngày 22-1-1968 gửi cho Ðô Ðốc Ulysses S. Grant Sharp, Jr. (Tổng Tư Lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tại Thái BÌnh Dương, CINCPAC = Commander-In-Chief, Pacific, cấp chỉ huy trực tiếp của Tướng Westmoreland) và Ðại Tướng Earle G. Wheeler (Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ = Chairman of the Joint Chiefs of Staff), Tướng Westmoreland báo cáo như sau: “I believe that the enemy will attempt a country-wide show of strength just prior to Tet, with Khe Sanh being the main event. In II Corps, he will probably attack Pleiku and Kontum cities, and I expect attacks on the Special Forces camps at Da Seang, Duc Co, and Dak To. In III and IV Corps, province towns are likely targets for renewed attacks by fire. Terrorism will probably increase in and around Saigon.” (67) 

(Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Tôi tin rằng địch quân sẽ cố gắng thực hiện một cuộc biểu dương lực lượng trên toàn quốc trước Tết, với Khe Sanh là biến cố chánh. Tại Vùng II, có thể địch quân sẽ tấn công các thành phố Pleiku và Kontum, và tôi cũng nghĩ là họ sẽ tấn công các trại Lực Lượng Ðặc Biệt tại Dak Seang, Ðức Cơ và Ðắc Tô. Tại Vùng III và IV, các tỉnh lỵ có thể lại là mục tiêu cho các cuộc pháo kích. Hoạt động khủng bố có thể sẽ gia tăng tại Sài Gòn và các vùng phụ cận.”) 

Trong các ngày 23-26 tháng 1-1968, J2-MACV liên tục nhận được tin về các hoạt động khủng bố của địch nhắm vào thành phố của VNCH, đặc biệt là thủ đô Sài Gòn. Sáng ngày 27-1-1968, Tướng Davidson, J2-MACV, báo cáo tình hình cho Tướng Westmoreland, tiên đoán VC sẽ có tấn công lớn trên toàn quốc, và ông đặc biệt nêu tên 2 thành phố Pleiku và Kontum. (68)

 Sáng sớm ngày 30-1-1968, tức Mùng Một Tết Mậu Thân, VC tấn công cùng một lúc 6 thị trấn tại các tỉnh Miền Trung. Ngay buổi sáng hôm đó, lúc 7 giờ, Tướng Davidson lập tức báo cáo cho Tướng Westmoreland về các cuộc tấn công này và tiên đoán VC sẽ tái diễn các cuộc tấn công này trên tất cả các vùng còn lại trên khắp lãnh thổ VNCH vào tối hôm đó. Tướng Westmoreland hoàn toàn đồng ý và lập tức ra lệnh báo động và thông báo cho tư lệnh các đơn vị quân Mỹ về khả năng địch sẽ tấn công lớn vào đêm đó. (69)

Kết luận:

Về phương diện tình báo, đối với cả VNCH và Hoa Kỳ, việc không tiên đoán được cuộc Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân của phe Cộng Sản, không thể chối cãi được, là một thất bại hết sức nghiêm trọng. 

Về phía VNCH, rõ ràng là các cơ quan tình báo đã có nắm được một số tin tức khá rõ ràng liên quan đến kế hoạch của cuộc Tổng Tấn Công này nhưng việc phân tích, nhận định, và đánh giá tin của các cấp chỉ huy tình báo đã không chính xác, chủ yếu dựa vào sự lạc quan, tin tưởng là địch tuy có ý đồ nhưng không có khả năng thực hiện một cuộc tấn công với quy mô trên cả nước như thế. Nhờ thất bại này, giới tình báo VNCH đã học được một bài học lớn về quyết tâm của địch và vì vậy đã tiên đoán được rất chính xác đợt tấn công lần thứ hai vào Sài Gòn của VC vào tháng 5-1968. 

Về phía Hoa Kỳ, Hội Ðồng Cố Vấn Tình Báo Hải Ngoại của Tổng Thống (President’s Foreign Intelligence Advisory Board, viết tắt là PFIAB) đã thiết lập một ủy ban cấp cao để điều tra về công tác tình báo trong thời gian trước cuộc tấn công. Báo cáo của ủy ban, gồm 9 trang, với tựa đề là “Intelligence warning of the Tet Offensive in South Vietnam,” được hoàn thành trong tháng 4-1968.

Trong phần kết quả điều tra (General Findings), ủy ban đưa ra một số kết luận như sau: “Although warning had thus been provided, the intensity, coordination, and timing of the enemy attack were not fully anticipated. … A second major unexpected element was the number of simultaneous attacks mounted. … Underlying these specific problems was a more basic one: most commanders and intelligence officers, at all levels, did not visualize the enemy as capable of accomplishing his stated goals as they appeared in propaganda and in captured documents. Prevailing estimates of attrition, infiltration, and local recruitment, reports of low morale, and a long series of defeats had degraded our image of the enemy. The general picture presented was an enemy unable to conduct an offensive of such scope and intensity.” (70) 

(Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Mặc dù đã có những báo động, cường độ, phối hợp, và thời điểm của cuộc tấn công của địch đã không hoàn toàn được dự đoán trước. … Một yếu tố quan trọng nữa đã không được đoán trước là con số những cuộc tấn công sẽ được thực hiện cùng một lúc. … Bên dưới những vấn đề cụ thể đó là một vấn đề căn bản hơn: phần lớn các cấp chỉ huy và các sĩ quan tình báo, ở tất cả mọi cấp, đã không hình dung ra được là địch quân có khả năng hoàn thành được những mục tiêu đề ra mà chúng đã tuyên truyền hay trong các tài liệu tịch thu được. Những ước lượng về địch quân đang thịnh hành về các mặt hao mòn, xâm nhập, và tuyển mộ tại địa phương, các báo cáo về việc xuống tinh thần, và một chuỗi dài những thất trận của họ đã làm cho chúng ta xem thường địch quân. Hình ảnh tổng quát được trình bày cho chúng ta là một địch quân không có khả năng thực hiện một cuộc tấn công với tầm vóc và cường độ như thế.”).

Tướng Davidson, Trưởng J2-MACV trong thời gian Trận Mậu Thân, cho biết ông đồng ý với kết quả điều tra của ủy ban này, nhưng quan điểm của ông có khác biệt về mức độ. Ông cho rằng yếu tố quan trọng nhất trong bất ngờ về chiến thuật không phải là thời điểm của cuộc tấn công, mà là ở điểm địch quân đã tấn công vào quá nhiều thành phố và vào cùng một thời điểm. (71) 

Về phía phe Cộng sản, họ đã thành công trong việc tạo được bất ngờ nhờ họ đã rất tích cực trong các công tác bảo mật và phản gián (đánh lừa đối phương). Phe Cộng sản hiểu rất rõ là để có thể thành công trong kế hoạch tổng tấn công này họ phải giữ bí mật tuyệt đối về ngày giờ tấn công và địa điểm tấn công. Và họ đã làm được tốt công tác này trong cả hai lãnh vực bảo mật và đánh lừa đối phương. Trong lãnh vực bảo mật, vì tất cả các cấp chỉ huy quân sự của VC và quân Bắc Việt đều là đảng viên cộng sản, việc bảo mật không phải là một vấn đề vì họ đã quá quen thuộc với việc này. Mặc dù vậy, chỉ có cán bộ từ cấp trung đoàn trở lên mới được học tập đầy đủ về kế hoạch này. Vì thế, nhân viên Việt-Mỹ của Chiến địch Phượng Hoàng ở khắp lãnh thổ của VNCH, nhưng chủ yếu nhắm vào hạ tầng cơ sở của VC, đã không phát hiện được kế hoạch này.

Trong lãnh vực đánh lừa đối phương, phe Cộng sản đã thực hiện một số công tác quan trọng:

1) dùng chiêu bài hưu chiến trong thời gian Tết;

2) tấn công một số tiền đồn và căn cứ Việt-Mỹ ở biên giới, và, đặc biệt đe dọa căn cứ Khe Sanh của TQLC Mỹ;

3) dùng đòn ngoại giao của Ngoại Trưởng Nguyễn Duy Trinh để cho chính phủ Mỹ nghĩ và tin rằng họ đã không còn chịu đựng nổi việc oanh tạc liên tục của Hoa Kỳ và đã muốn thương thuyết.

NEXT TO PART 5, PLEASE.

 

No comments:

Post a Comment