Mời đọc một bút ký mới về ngày Tết xưa của tác giả Tường Nhung, ái nữ nhà
văn Thạch Lam.
QUÊ XƯA
TẾT TẾT TẾT. Tiễn Rồng Giáp Thìn đi. Rước Rắn Ất Tỵ về.
Lại một mùa Tết trở về trên xứ người. Tết đã gợi lại bao kỷ niệm quê nhà.
Mà quê nhà giờ thì đã xa, xa lắm.
Hình ảnh của những ngày Tết từ một thủa thanh bình trên bảy mươi năm qua
vẫn luôn hiển hiện trong trí nhớ tôi như một đoạn phim quay chậm.
Thủa ấu thơ, gia đình tôi thuộc hàng khá giả nhất nhì trong một phố huyện
nhỏ. Hàng năm, vào khoảng trung tuần tháng chạp, cả trang trại đã nhộn nhịp mỗi
người mỗi việc, chú quản gia bận tới tấp chạy đầu này ngó chỗ nọ, chỉ bảo nhóm
khoảng 6-7 người phụ việc, đem hết lư đồng ra đánh bóng, chùi dọn bàn thờ, sắp
lá dong, chặt tre làm lạt để gói bánh chưng, v.v...
Bà nội tôi quê tại làng Hương Thủy, thành phố Huế, sinh trưởng trong gia
đình quan quyền nên bà rất cẩn thận tỉ mỉ trong những việc cúng lễ giỗ chạp.
Sau Tết, cả năm có hai lần giỗ, mùng 5 tháng giêng giỗ cụ huyện bà, và giỗ ông
nội vào ngày 23 tháng mười. Chúng tôi, đám cháu nội ngoại của bà, đứa nào cũng
háo hức đợi đến ngày Tết vì cả một trang trại rộng trên vài mẫu thường ngày
vắng lặng.
Sau ngày cúng táo quân 23 tháng chạp, mọi việc được sắp đặt cho ba ngày
Tết đã gần xong, chỉ còn chờ người thợ gói bánh. Một thanh niên khoảng dưới 30
tuổi từ làng bên đã đến với vẻ mặt hiền lành, dáng cục mịch, nước da sạm nắng,
tỏ rõ anh là một nhà nông. Anh lúng túng trong bộ áo quần còn xếp nếp, cẩn thận
kiểm soát lại từng phần gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, mấy chồng lá dong trước
khi ngồi vào chiếc chiếu mới. Bàn tay anh thoăn thoắt nhịp nhàng, chỉ một loáng
anh đã gói xong chiếc bánh to độ hơn gang tay vuông vắn, bốn cạnh bằng nhau.
Chiếc bánh được buộc ngang buộc dọc bằng lạt tre chẻ mỏng trên màu xanh mướt
của lá dong, từng cái chồng lên nhau. Chồng bánh đã khá cao trong lúc thợ gói
tay vẫn đang nắn nót lại những chiếc bánh vừa xong. Vài người làm cũng bỏ dở
công việc của mình đến xem gói bánh và cũng để học hỏi. Hình ảnh sống động
thanh bình và đúng là vui như ngày Tết. Bánh chưng là một loại bánh tượng trưng
cho ngày Tết để cúng tổ tiên. Trên bàn thờ chính giữa là mâm ngũ quả đủ màu
sắc, hoa lay ơn màu đỏ rực, bánh chưng màu xanh ngọc bích, chân nến bằng đồng
cắm hai cây nến thật to tỏa ánh sáng lung linh. Mùi trầm quyện cùng khói hương
bay tỏa tạo nên một hình ảnh trang trọng, tôn nghiêm, đầm ấm.
Éc Éc -- tiếng lợn bị chọc tiết nghe thê thảm trong khi mấy tay “đồ tể”
giọng ồm ồm cười nói oang oang. Hai, ba con lợn béo tròn đã bị nhóm mổ thuê
chia ra từng phần đựng trong mấy cái nong cái nia lót lá chuối giao cho các đầu
bếp.
Mẹ tôi và cô Năm kiểm điểm những nguyên liệu khô như bông thùa, yến sào,
nấm hương, măng khô, bào ngư, vi cá, v.v... Những thứ này của các bác ở Hà Nội
gửi về để nấu cỗ cúng trong dịp lễ tết hay giỗ chạp.
Mẹ tôi được bà nội giao phó cai quản mọi việc trong trang trại. Những
ngày giỗ, Tết cô tôi khi nào cũng về trước cả tuần để phụ giúp. Bà Nội tỉ mỉ
tỉa mấy củ thủy tiên, săn sóc những loại hoa quý cánh nhỏ tỏa mùi thơm như hoa
ngâu, hoa sói, hoa quỳnh... được trồng trong các chậu có hình vẽ cầu kỳ mỹ
thuật.
Gian nhà bếp vang tiếng cười đùa vui vẻ. Đám con gái rủ nhau vào bếp, nói
là muốn học nấu nướng nhưng thật ra chỉ muốn vét nồi vét chõ tí xôi, tí miến
măng còn sót lại. Miếng thịt gà đang chặt chẳng may bắn ra khỏi thớt, ôi thôi
mới ngon làm sao! Mẹ và Cô đang sắp đặt bày mâm cỗ để cúng Tổ Tiên, Ông Bà
trong ba ngày Tết. Gia đình các bác các chú ở Hà Nội vừa về tới, đông đủ các
con các cháu cùng tham dự. Bác Cả thắp hương đứng trước bàn thờ mồm lâm râm
khấn vái, tạo nên vẻ trang nghiêm, chung quanh không một tiếng động. Lũ anh chị
em chúng tôi thường lúc chọc nhau chí chóe, bây giờ tự nhiên không ai bảo ai,
tất cả đều yên lặng như thể các cụ tổ tiên đã hiện về. Bữa cỗ cúng chiều ba
mươi ăn vừa xong, chú Bảy lên tiếng, ‘’Các cháu đứa nào muốn canh nồi bánh? ‘’
Cả bầy nhao nhao, “Cháu muốn, cháu cũng muốn...” Nồi bánh cuối cùng cả nhà quây
quần bên bếp lửa kể chuyện xưa chuyện nay vui buồn một năm qua cũng là để canh
kẻ trộm trong lúc chờ đón giao thừa. Thỉnh thoảng, chú chó vện sủa vài tiếng vu
vơ. Vài tia lửa củi bắn ra tiếng lách tách, ánh lửa từ trong bếp hắt ra soi
sáng một khoảng sân. Bên ngoài yên ắng tối đen...
Tiếng pháo nổ đì đùng đánh thức lũ chúng tôi vẫn còn ngái ngủ vì tối hôm
qua cố thức canh bánh muội là loại bánh mỏng và nhỏ gom từ nếp, đậu, thịt thừa
mà cô tôi để cho tụi tôi tự gói. Bánh muội chỉ cần luộc chừng vài giờ là chín,
trong khi bánh to phải luộc tới 14 hoặc 15 tiếng. Chúng tôi được bà cho phép ăn
bánh muội trước, còn tất cả bánh lớn dành để cúng.
Bác cả và các bác các chú các thím đã khăn áo chỉnh tề. Bác cả trong
chiếc áo dài in hình chữ thọ màu xanh đậm vẻ trang trọng nhưng nhìn hơi lạ với
lũ trẻ chúng tôi; còn bác gái thì khăn vấn nhung đen, mồm ăn trầu môi đỏ nên
trông bác trẻ hơn. Mẹ tôi cũng khăn vấn bằng nhiễu màu hạt dẻ, đám con giai chỉ
mặc áo sơ mi trắng, còn lũ con gái được áo dài nhung màu đỏ. Áo của tôi rộng
thùng thình, nhưng mẹ bảo sang năm nhớn hơn sẽ vừa...
Tất cả đã tụ hội đông đủ và đứng ngoài hàng hiên đợi khi bà nội ngồi trên
sập gụ mời vào để chúc Tết mừng tuổi. Con giai một bên đứng theo thứ tự, con
dâu một bên. Còn các cháu nội, ngoại cũng phải sắp theo thứ tự. Tôi đứng cuối
hàng mặc dù tôi nhớn hơn vài anh chị họ vì bố tôi là thứ sáu trong bảy anh chị
em, còn chú út Bảy thì chưa có vợ.
Bác Cả mở lời chúc Mẹ trước. Sau đó lần lượt tới các bác các chú cũng
những câu chúc ý nghĩa tương tự giống nhau. Anh chị em chúng tôi mừng lắm vì
được bà mừng tuổi bằng những đồng bạc Đông Dương mới tinh.
Trước giờ cúng buổi trưa bà cho đốt thêm mấy dây pháo. Tiếng nổ đì đùng
tung xác màu đỏ rực bay tung tóe. Vài anh đi nhặt những cái pháo bị tịt ngòi.
Trang trại trở nên nhộn nhịp. Lũ con trai rủ nhau ra chơi đá bóng chạy
đuổi ngoài cánh đồng chỉ còn trơ lại những gốc rạ úa đã ngả màu nâu xen kẽ từng
bụm rau khúc lá xanh tươi. Lá khúc trộn với bột nếp và nhân đậu xanh thêm tí
thịt mỡ nắn hình tròn bao ngoài bằng gạo nếp làm thành món bánh khúc, một món
bánh khá phổ biến cho tất cả từ già đến trẻ, người sang giàu hay nghèo hèn phần
đông đều đã ăn một vài lần hoặc ăn mỗi ngày.
Làng quê tôi cũng giống như những làng quê thủa thanh bình thời xưa có
lũy tre xanh bao quanh, có ao thả cá, có bò có trâu cày ruộng, đầu làng có Đình
có Miếu.
Từ khi phải rời bỏ quê hương, tôi vẫn mong một lần về lại để được đứng
trước mộ bà. Tro cốt bà đã được mang từ chùa Kim Cương về Cẩm Giàng an táng bên
cạnh mộ ông và hai cụ thân sinh. Khi sinh tiền, dù đã khoác áo nâu sòng theo
chân Phật, nhưng bà vẫn chăm sóc đứa cháu mồ côi cha tuổi thơ gặp nhiều gian
khổ.
Niềm mong ước của tôi cuối cùng cũng đã toại nguyện. Tuổi bát thập đứng
trước mộ bà trong nghĩa trang làng La Trữ, chỉ cách vài bờ ruộng bên kia đường
tàu hỏa là trang trại một thời yên bình tôi đã sống với bà đến ngày tản cư lên
tận Nhã Nam, Yên Thế. Khi hồi cư về lại, trại đã bị phá hủy theo phong trào
“tiêu thổ kháng chiến”. Trời ngả về chiều, lất phất làn mưa bụi, chung quanh
không một bóng người. Đứng trước huyệt mộ bà, tôi như thấy bóng bà đang tỉa
từng cánh hoa và vẳng đâu đây có tiếng bà gọi, “Nhung, dậy đi cháu, ra xem hoa
quỳnh nở”. Tôi đã được cùng bà xem từng cánh quỳnh màu trắng tinh khôi nhụy hoa
vàng nhạt lung linh như có âm hồn. “Bà ơi! Cháu Nhung đây, cháu về thăm bà. Giá
mà bà sống thêm được vài năm nữa để mừng cho cháu, khi cháu vui hạnh phúc vì đã
có được một người chồng có địa vị trong xã hội và yêu thương cháu. Cháu có
nhiều chuyện về những người trong họ để kể với bà...” Nhưng chưa kịp nói hết
câu, chợt làn gió thoảng qua, bóng bà mờ dần theo làn khói hương bay theo
gió...
Sương đêm hay những hạt bụi mưa thấm trên vai áo khiến tôi cảm thấy một
chút se se lạnh khi lần bước trên đường làng mang theo nỗi cô đơn.
Về Việt Nam lần này, tôi dự tính sau khi thăm mộ ông bà, tổ tiên, nhà thờ
Tộc Họ, tôi sẽ tìm lại những làng những xóm mà thời tản cư đã ở qua, còn trong
trí nhớ vẫn là những bụi tre xanh cao vút, đầu làng có cây đa cổ thụ sần sùi,
những bà già quê miệng bỏm bẻm nhai trầu, những trẻ ngồi trên lưng trâu ca hát,
những chùa cổ xưa, những đình làng... Nhưng tôi đã thất vọng. Những bụi tre bao
quanh làng, một nét đặc trưng của vùng quê miền Bắc như xưa giờ không còn nữa.
Những mái nhà trơ trọi như thiếu vắng tình người. Mái đình làng dột nát, gạch
ngói ngổn ngang. Những trẻ chăn trâu khi hỏi thăm đường, chúng không còn lễ
phép như xưa. Gặp các cụ già bên những khu thờ tự vua chúa là nơi khách du lịch
thường thăm viếng không còn thấy cảnh nhai trầu ngồi dưới bóng mát gốc đa mà
chỉ thấy chìa tay than khổ để xin tiền. Thật xót xa bùi ngùi thương cảm cho
tuổi già sống trong một nước giờ không còn chiến tranh!
Hà Nội, nơi được sinh ra, Hồ Hoàn Kiếm liễu rủ vẫn xanh. Cầu Thê Húc sơn
lại màu đỏ chót, người người qua lại, tiếng nói giọng cười nhưng sao tôi có cảm
tưởng như không cùng ngôn ngữ.
Sài Gòn, Tự Do cũ, Givral xưa, các nàng thiếu nữ trong chiếc áo dài bằng
lụa mỏng thướt tha, mái tóc đen dài bay trong gió. Giờ đây, những mái tóc đen
óng mượt đã đổi sang màu tóc của thiếu nữ phương tây, còn áo dài lụa mỏng đã
thành “đồ cổ”. Ngoài phố xá chỉ thấy y phục dạ hội lấp lánh đủ màu hở vai hở
ngực khoác lên người bất kể ngày đêm.
Trên máy bay trở về, lòng tôi nao nao khó tả niềm vui vì đã thực hiện
được lòng mong ước khi đứng trước mộ bà như một cách báo hiếu, được thấy mộ ông
bà cố, ông nội và thăm lại nhà thờ Tổ, tộc họ Nguyễn Tường. Nhưng bên cạnh đó
cũng buồn tiếc nuối vì những hình ảnh khi rời xa Hà Nội năm 1954 bây giờ đã
thay đổi quá nhiều làm mờ đi những kỷ niệm đẹp đã ghi mãi trong tâm.
Đèn trong khoang máy bay đã tắt. Tiếng động cơ rù rì ru mọi người vào
giấc ngủ. Tôi thiếp đi mơ màng chập chờn hình ảnh những anh chị em đã cùng nhau
chạy đuổi vui đùa trong những ngày Tết, ngày giỗ tại trại Cẩm Giàng. Giờ thì
những người ở lại ít hơn những anh chị em đã qua thế giới bên kia. Gần đây nhất
là Nguyễn Tường Lưu sống ở Úc Châu vừa mới ra đi, không lâu sau anh Tường Ánh
chưa tới một năm. Anh Ánh rất thân, ở gần tôi nhất. Anh Tường Việt tôi xem như
người anh ruột sống ở Pháp, chưa đến giỗ đầu. Hai, ba năm trước các anh Tường
Bá, Tường Quý, Tường Yên, chị Nguyệt, chị Minh Thu, Minh Châu, Kim Thư, Kim
Thoa, Kim Tuấn (Duy Lam), Kim Dũng (Thế Uyên) lần lượt ra đi. Tiếng ồn ào, đèn
bật sáng làm tôi thức tỉnh. Cả người tôi mỏi rã rời, hai chân tê cứng. Tiếng cô
tiếp viên vang lên thông báo máy bay sắp sửa hạ cánh. Tôi hít thở thật sâu và
có cảm tưởng như chuyến đi vừa rồi chỉ là một giấc mộng dài.
Từ giã Quê Xưa ta về lại nơi đã sống từ nửa thế kỷ qua.
Thời gian cửu thập 90 đâu còn bao lâu nữa.
Tìm vui mùa Lễ, Tết cho đến cuối cuộc đời.
Tường Nhung
(Source:
Fb Ký ức Hà Nội)
.
Phu nhân một vị Tướng (Đinh Yên Thảo)
Bàn
thờ Tướng Ngô Quang Trưởng
Part 1:
https://baotreonline.com/van-hoc/ky-su/phu-nhan-mot-vi-tuong.baotre
Part 2:
https://baotreonline.com/van-hoc/ky-su/phu-nhan-mot-vi-tuong-ky-2.baotre
Part 3 & The End
https://baotreonline.com/van-hoc/ky-su/phu-nhan-mot-vi-tuong-phan-ket.baotre
Quốc
Kỳ VNCH được Cựu Thiếu Tướng Phan Hòa Hiệp
trang trọng trao lại cho Bà Quả Phụ
Ngô Quang Trưởng trong Tang Lễ
(Nguồn
Người Việt)
.