Friday, April 26, 2024

QUÊN SAO ĐƯỢC NGÀY 30 THÁNG 4, 1975 (Phan Đức Minh)

25/4/2024  

Google Drive's Link:

https://docs.google.com/document/d/1aTvQ6GR3GU1HO4YVEuSof6w9VJdMPua_/edit

 SOURCE:

https://www.baoquocdan.org/2024/04/quen-sao-uoc-ngay-30-thang-4-nam-1975.html?m=1&fbclid=IwZXh0bgNhZW0CMTAAAR2JXfwh_nrAfRZNfoIcKheNKMaNEPjpRs6Tne8rFPYJwIwJ0PfYMygrgUw_aem_AcXK27FN1Uqc_-Dges45pCSt4JOT1c7CqL1UpK5qfSoLUke0TCJqc0c65NYUo78rt4xae8cbJZGCuWq8TaGuKE1h

oOo 

        

  “Nhìn lai quá khứ gian lao để biết yêu quý hiện tại và tin tưởng ở tương lai”

 (Một triết gia TâyPhương)   

                                                                                             

Tác giả: Phan Đức Minh

                           

Ngày Quốc Hận 30 tháng 4 lại đến. Chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại, dù chỉ là thoáng qua, những diễn tiến đưa đến biến cố lịch sử đau thương, một mất mát lớn lao ở mức độ kinh hoàng cho Nam Việt Nam, cho chúng ta, không thể nào nói lên hết bằng vài ba trang giấy ….

- Ngày 6 - 1 - 1975: Tỉnh Phước Long và Thị Xã Phước Bình, cách Sài Gòn 60 dặm về phiá Bắc, rơi vào tay quân cộng sản Bắc Việt. Sau vụ " Mùa Hè đỏ lửa" từ vùng địa đầu giới tuyến Quảng Trị, năm 1972 thì Phước Bình là thị trấn đầu tiên của Nam Việt Nam bị quân cộng sản đánh chiếm. Không Quân Việt Nam Cộng Hoà thiệt hại 20 máy bay trong công cuộc bảo vệ Tỉnh Phước Long. Nhiều máy bay bị bắn hạ bằng hoả tiễn SA-7 của Liên Sô (The South Vietnamese Air Force loses 20 planes defending the province, many to SA-7 missiles made by the Soviet Union).

 


Sự thiếu vắng phản ứng quân sự của Hoa Kỳ càng xúi giục cộng sản làm tới vì các chiến lược gia của cộng sản biết rằng đã đến lúc Hoa Kỳ phải rời bỏ Việt Nam. Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Lê Duẫn và Bộ Chính Trị của Đảng cộng sản quyết định tăng cường các cuộc tấn công trên Tổng nổi dậy vào năm 1976. Cộng sản chỉ dám mong điều đó ẩy ra vào năm 1976 mà thôi.

- Ngày 28-1-1975: Tổng Thống Hoa Kỳ, Gerald Ford yêu cầu Quốc Hội tăng thêm  quân viện cho Nam Việt Nam và Kampuchia với ngân khoản 522 triệu Mỹ Kim vì lúc này Tổng Thống Ford được biết quân cộng sản Bắc Việt đã có mặt tại Nam Việt Nam tới mức 289.000 người. Xe tăng, trọng pháo, hoả lực phòng không, do Liên Sô và Trung Quốc chi viện rất hùng hậu. Để giữ vững "một tiền đồn chống cộng" ở Đông Nam Á Châu thì ngân khoản 522 triệu đô la có là bao so với những năm trước đó là vài tỉ đô la 1 năm. Thế nhưng cũng không xong.  Người ta đã phải bỏ cuộc mà ra đi cho rồi…

- Ngày 5-2-1975:  Đại Tướng Bắc Việt Văn Tiến Dũng vào Nam để chỉ huy quân đội cộng sản.  

- Ngày 10-3-1975: Quân Bắc Việt, với những Sư Đoàn thiện chiến, với phương tiện chiến  tranh hiện đại cuả Liên Sô và Trung Quốc , tấn công Ban Mê Thuột  từ ngày 10-3. Ba ngày sau, quân cộng sản tràn ngập thị trấn này, trong khi những trận đánh lớn khác bùng nổ trên mặt trận Cao Nguyên Trung Phần.

- Ngày 14 - 3 - 1975: Sau khi họp bàn với một số Tướng Lãnh và nhân vật thân cận (?), Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút quân, bỏ vùng cao nguyên Trung Phần và các Tỉnh phiá Bắc của Nam Việt Nam. Các Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn 2, Phạm Văn Phú, và Quân Đoàn I, Ngô Quang Trưởng, ngỡ ngàng, sửng sốt, không biết tại sao lại bỏ những vùng đất quan trọng, cửa ngõ, quyết định sự sống chết của Nam Việt Nam vào lúc này, chưa đánh nhau chi cả, trong khi các lực lượng chiến đấu của 2 Quân Đoàn (Army Corps) Việt Nam Cộng Hoà rất hùng mạnh, sẵn sàng đọ sức với quân đội cộng sản. Mất Ban Mê Thuột đâu có nghiã là phải mất luôn cả Quân Khu I và Quân Khu 2! Ông Thiệu làm như thế để gây áp lực với chính phủ Mỹ: phải quyết tâm tăng cường viện trợ mọi mặt cho Nam Việt Nam, nếu không thì " Tiền đồn chống cộng ở Đông Nam Á Châu cuả Mỹ" là Nam Việt Nam sẽ sụp   đổ.

 


Ông Thiệu không hiểu rõ về người bạn đồng minh khổng lồ của mình! Tại sao?

- Bởi vì người Mỹ đã tìm cách tháo lui khỏi cái " Vũng lầy Việt Nam " để ra đi một cách ít phũ phàng, ít mất mặt chừng nào hay chừng đó, sau khi ông Cố Vấn An Ninh Quốc Gia của Tổng Thống Mỹ, Henry Kissinger, đã cố dọn đường, mở lối cho Tổng Thống Richard Nixon sang Trung Cộng nói khéo với Mao Trạch Đông vào năm 1972, qua sự giàn xếp của Tổng Thống Hồi Quốc Yahya Khan. Mao Trạch Đông với sức mạnh đàn anh, từng viện trợ, cố vấn tích cực cho cộng sản Hà Nội, đã ép cộng sản Hà Nội bớt ương ngạnh, ngưng chơi trội và bắt bí Mỹ ở Hội Nghị Paris, diễn ra tại Salle de Conférence Kléber. Trong vụ này, Mỹ được chút lợi lộc là ký được cái " Hiệp Định Ngưng Bắn - Agreement of Cease-Fire" để tháo lui có văn bản đàng hoàng, mà phe cộng sản coi như mớ giấy lộn, chẳng có giá trị gì cả, để tránh cái cảnh quân Mỹ tháo lui bỏ chạy vô tổ chức, nhưng trong đó Mỹ phải bấm bụng làm lơ, không được nói năng chi tới cái chuyện quân Bắc Việt đã vào Nam cả mấy chục Sư Đoàn (Divisions) rồi. Tội vạ đổ lên đầu người bạn đồng minh Việt Nam Cộng Hoà hết cả. .Phái đoàn Việt Nam Cộng Hoà phản đối mấy cũng hoài hơi mà thôi vì " Xếp " đã chơi đòn " tháu cáy " rồi thì ráng mà chịu cho quen. Dân nhược tiểu chơi với anh bạn khổng lồ là vậy!

Việc Mỹ làm cú đi đêm (Furtive Conspiracy ) liên kết với Trung Cộng để chống Liên Sô thì kể như 2 bên cùng có lợi, nhưng riêng phần Trung Cộng thì lời to: Trung Cộng nhẩy vào ngồi cái ghế " Hội viên thường trực - Permanent Member " cuả Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, với quyền phủ quyết (Veto) đáng giá cả…tỉ tỉ Mỹ Kim, đánh văng Ông Quốc Dân Đảng Trung Hoa ra Đài Loan mà chơi , mặc dầu Trung Cộng đánh thắng và đã kiểm soát lục địa Trung Hoa từ năm 1949. 

Thêm cái lợi nữa là chính quyền Nixon phải lén lút, dấu diếm bán vũ khí tối tân cho Trung Cộng để chống Liên Sô mà không được cho ai biết hết, nhất là Liên Sô, kể cả Quốc Hội, Dân Chúng và Báo Chí Mỹ nữa.

Đó! Mỹ đã tìm cách tháo lui bằng mọi giá, với thế bị đánh bại rồi thì Ông Thiệu có bỏ 2 Quân Khu 1 và 2, chớ Ông Thiệu có bỏ luôn cả Quân Khu 3, Quân Khu 4 và Biệt Khu Thủ Đô, bỏ hết miền Nam Việt Nam chăng nưã thì Mỹ cũng chẳng bao giờ dại dột quay đầu trở lại để cứu Nam Việt Nam nữa. Nếu nói là cứu thì cứu hết sức từ 1965 đến 1973, với 58 ngàn quân nhân Mỹ hy sinh, mấy ngàn người mất tích, hàng trăm ngàn bị thương, hàng triệu người đau khổ, tiển bạc tốn kém biết bao nhiêu tỉ, mà đâu có cứu nổi! Nay trong lúc đã tan hàng, bỏ chạy thì còn cứu cái nỗi gì nữa đây ? Rút mau chừng nào hay chừng đó!

Đại quân cộng sản đã từng chiếm đóng thành phố Huế trong dịp Tết Mậu Thân 1968, đã từng đánh chiếm Quảng Trị và kiểm soát hoàn toàn Thị Trấn An Lộc trong Mùa Hè đỏ lửa 1972 mà có Quân Khu nào bị mất, phải bỏ chạy đâu ?

Trái lại, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã phản công một cách vô cùng anh dũng, để giành lại những địa điểm chiến lược đã rơi vào tay giặc. Thế thì tại sao mới mất có Ban Mê Thuột  mà phải bỏ Quân Khu I, trong khi Danh Tướng Ngô Quang Trưởng cuả Muà hè Đỏ Lửa 1972, từng được thế giới biết đến và kính phục, luôn luôn nắm vững tình hình Quân Khu của Ông, trong khi Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Khu 2, phải lớn tiếng cự lại Tổng Thống Thiệu trong hệ thống liên lạc Vô tuyến Siêu Tần Số, dù Ông biết rằng làm như thế là có thể mất lon, phải ra trước Toà Án Quân Sự Mặt Trận. Tướng Phú đang sẵn sàng chờ địch tiến đánh Pleiku, vì Tướng Phú biết rằng: đánh thì chưa chắc đã chết, nhưng tự dưng bỏ chạy thì chắc chắn cả lính lẫn dân đều phải chết bi thảm trong cảnh hỗn loạn, dưới những làn mưa bão pháo binh, hoả tiễn cuả cộng sản, tự do hoành hành mà không gặp sức chống trả.    

Năm ngày sau, khi quân đội và dân chúng đang tháo chạy một cách thê thảm, hỗn loạn thì Ông Thiệu lại ra lệnh cho Tướng Ngô Quang Trưởng là phải " Tử thủ thành phố Huế "

( … five days later, Thieu orders Hue held at all costs…)…Tướng Ngô Quang Trưởng trả lời là : không thể nào làm được vì trước đó 5 ngày, Ông Thiệu đã hạ lệnh rút bỏ Quân Khu I,. quân đội và cả triệu dân chúng hỗn loạn rút chạy suốt 5 ngày rồi, làm sao mà trở lại vị trí cũ, tổ chức, phối trí lực lượng để mà " tử thủ Huế ! "

Tướng Ngô Quang Trưởng

 



- Ngày 24 - 3 - 1975: Thấy tình thế thuận lợi, cộng sản Hà Nội quyết định chính thức mở màn “Chiến dịch Hồ Chí Minh “. Hà Nội giao cho Tướng Văn Tiến Dũng một " thời khoá biểu " phải kịp thời đánh chiếm hoàn toàn Nam Việt Nam trước khi mùa mưa bắt đầu vào tháng 5. Muốn vậy, quân Bắc Việt phải vào chiếm Sài Gòn chậm nhất là tuần lễ cuối cùng của tháng 4, trước khi quân đội miền Nam có thể tái phối trí lực lượng hầu bảo vệ Sài Gòn và Quân Khu 4 ở miền Tây.

- Ngày 25 - 3 - 1975: Vào lúc này, dân chúng đông tới hàng triệu người. Họ không quên cảnh cộng sản tàn sát tập thể dân chúng cũng như viên chức chính quyền, nhân vật Đảng Phái vào dịp Tết Mậu Thân- 1968 - nên đã kéo nhau tràn xuống thành phố Đà Nẵng, lúc đó đang bị quân cộng sản tấn công từ xa bằng hoả tiễn 122 ly cuả Trung Cộng và đại bác 130 ly cuả Liên Sô.

Ông Thiệu còn ra lệnh: Không giữ được Huế thì cũng phải cố mà giữ lấy vùng duyên hải Đà Nẵng, coi như vị trí chiến lược làm đầu cầu cho quân đội Mỹ đổ bộ lên, một khi chính quyền Mỹ quyết định trở lại cứu vớt Việt Nam Cộng Hòa, đương đầu với cuộc xâm lăng đại quy mô của cộng sản. Tới lúc này mà còn hy vọng Mỹ trở lại cứu Việt Nam Cộng Hòa thì làm sao cho Tướng Ngô Quang Trưởng tuân lệnh được đây!

Hạ Viện Hoa Kỳ đã biểu quyết dự luật cấm các hoạt động quân sự của Hoa kỳ trên toàn lãnh thổ Đông Nam Á Châu. Dự luật này được lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua ngày 21 – 9 – 1973. Kế theo đó, ngày 12 – 10 – 1973, Lưỡng Viện lại thông qua dự luật hạn chế quyền của Tổng Thống Mỹ trong việc đưa quân đội Hoa Kỳ ra ngoại quốc (sau bài học cay đắng tại Việt Nam). ….

    - Ngày 29 - 3 - 1975: Cộng sản chiếm thành phố Đà Nẵng, đang rối loạn, mà chẳng tốn 1 viên đạn nào. Dân chúng tìm mọi cách thoát khỏi vùng này bằng mọi giá, chấp nhận chết chóc, đau đớn chia lìa trong máu và nước mắt…

Kẻ viết bài này kẹt lại Đà Nẵng, rồi cùng bạn bè đi tù cải tạo vì trước đó phi đạo Đà Nẵng bị hoả tiễn Trung Cộng cầy nát, không sử dụng được nữa, trực thăng không  có, tầu Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa từ trong Nam kéo ra bãi biển Mỹ Khê, Quận 3 Đà Nẵng cứu nạn, nhưng đủ thứ người  trốn chạy cộng sản giành nhau leo lên tầu bằng đủ mọi cách đã gây nên cảnh kinh hoàng, người già, trẻ con rơi xuống biển như những chíếc lá mùa thu.

 


Kẻ này phải vỗ vai Đại Úy Từ Khánh Sinh, Quản Đốc Quân Lao Đà Nẵng, cựu Đại Đội Trưởng nhẩy dù: “Không đi bằng cách này được! Mấy đứa trẻ này sẽ chết hết!“ Đại Úy Sinh kiếm được tay Nghĩa Quân, đàn em, hắn lôi cái thuyền nhỏ xíu dìm dưới nước lên và tính chuyện ra khơi, lên tầu Mỹ. Ngay tức khắc, hàng chục mũi súng AK của du kích địa phương đã chĩa vào cái thuyền: thuyền ra là bắn hết! Cả 2 chúng tôi cùng đi tù cải tạo với nhau nơi rừng sâu, núi thẳm ghê người!

Riêng phần mình, kẻ viết …làm luôn một lèo đi tù cải tạo 12 năm, 4 tháng 16 ngày, qua 5 trại tù…trong khi bạn bè cùng cảnh ngộ thuờng chỉ bị giam giữ 5,7,9 năm là ra về…Thật là kinh khủng ! Tôi đã từng sống trong nhà tù của Pháp, từng đi thanh tra trại tù của Việt Nam Cộng Hòa, coi trại tù của Mỹ qua truyền hình, báo in, báo điện tử, nhưng chưa thấy có thứ trại tù nào ghê gớm, kinh khủng, ác ôn, tàn bạo như nhà tù của cộng sản…   

Điều an ủi cho kẻ này là trước đó chỉ non một ngày, nhân danh Sĩ Quan cấp chức cao nhất của 2 Tòa Án Quân Sự Mặt Trận Quân Khu I và Toà án Quân Sự Thường Trực Đà Nẵng còn có mặt, tôi đã ra lệnh mở cửa nhà tù, phóng thích vô điều kiện tất cả  hơn 700 quân phạm, bất kể Sĩ Quan hay Binh Sĩ, tiểu hay đại hình, xếp hàng, cứ 10 người một chạy ra khỏi Quân Lao, về lo chuyện gia đình trước họa cộng sản đang tràn đến... Ai cũng có thân nhân, gia đình, ai cũng là người cả !

- Ngày 6 đến 15 - 4 - 1975:  2 Trung Đoàn thuộc Sư Đoàn 2 Bộ Binh V.N. Cộng Hòa  cùng với 1 Lữ Đoàn nhẩy dù được đổ xuống phi trường Phan Rang vào ngày 6 để hy vọng đánh trận phản công. Cộng sản thấy hơi khó ăn vì ngán quân nhẩy dù nên để cho tình hình yên tĩnh 3 ngày. Thế là Lữ Đoàn nhẩy dù được bốc đi Xuân Lộc là nơi đang có trận đánh lớn giữa Sư Đoàn 18 Bộ Binh VN Cộng Hoà dưới quyền chỉ huy cuả Tướng Lê Minh Đảo với 2 Sư Đoàn quân Bắc Việt. Thay thế cho Lữ Đoàn nhẩy dù thiện chiến, người ta đưa tới đó 1 đơn vị Biệt Động Quân. Lập tức quân cộng sản cho xe tăng T-54 của Liên Sô ào ạt tiến vào, chọc thủng phòng tuyến Phan Rang và chiếm đóng vùng này không khó khăn.

- Ngày 7 - 4 - 1975: Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính Trị cộng sản Hà Nội, tới Tổng Hành Dinh quân cộng sản ở Miền Nam, đóng tại Lộc Ninh để xem xét tình hình và quyết định kế hoạch cho giai đoạn chót cuả cuộc đánh chiếm miền Nam. Lúc này, cộng sản đã kiểm soát được 2/3 lãnh thổ Nam Việt Nam.

- Ngày 8 đến 21 - 4 -1975: Sư Đoàn 18 Bộ Binh VN Cộng Hoà do Tướng Lê Minh Đảo chỉ huy, chống giữ oanh liệt trước sức tấn công vũ bão cuả 2 Sư Đoàn cộng sản nhằm tiến chiếm Sài Gòn bằng cách phá vỡ phòng tuyến cuối cùng này.

Một Trung Đoàn thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh và Lữ Đoàn nhẩy dù từ Phan Rang được đưa vào tăng viện. Tướng cộng sản Văn Tiến Dũng phải tung vào mặt trận này 2 Sư Đoàn nữa là 4 Sư Đoàn tất cả để hòng dứt điểm càng sớm càng tốt.  Đánh chiếm miền Nam mùa xuân năm 1975, đây là mặt trận duy nhất quân cộng sản gặp sức chiến đấu dũng mãnh, oanh liệt cuả quân đội VN Cộng Hoà. Cộng sản phải dùng số quân 4 đánh 1.

- Tướng Lê Minh Đảo chỉ huy trận đánh Xuân Lộc - trong lúc thế mạnh mọi mặt đang ở phía chính họ. Tướng Homer Smith, tùy viên Quốc Phòng Mỹ tại Sài Gòn, ngày 13, đã gửi 1 bức điện văn cho Tướng George S. Brown, Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tham Mưu Hoa Kỳ ca ngợi ý chí và tinh thần chiến đấu can đảm, dũng mãnh tuyệt vời của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, dù những bất lợi đang đè nặng lên vai họ. Tướng Smith, sau khi theo dõi cuộc chiến đấu tại Xuân Lộc, đã nói: “Sự dũng cảm và chiến đấu anh hùng của quân chính phủ Miền Nam, kể cả Địa Phương Quân Tỉnh Long Khánh đã chứng tỏ họ chiến đấu giỏi hơn đối phương của họ rất nhiều...”  Nếu Ông Nguyễn Văn Thiệu không ra lệnh bỏ 2 Quân Khu 1 và 2 ngay từ lúc chưa đánh nhau chi cả thì quân đội miền Nam Việt Nam sẽ có biết bao nhiêu trận đánh oanh liệt như thế này, và nếu chính quyền Mỹ không cố ý bỏ chạy khỏi Việt Nam thì làm sao cộng sản chiếm nổi Nam Việt Nam một cách dễ dàng như đã xẩy ra để cho quân đội và dân chúng miền Nam phải lâm cảnh khốn cùng như đã thấy trên khắp mọi ngả đường đất nước…  

 


 

Cuối cùng phòng tuyến Xuân Lộc chỉ rơi vào tay quân cộng sản, đông đảo và hỏa lực mạnh gấp 4 lần, vào ngày 21 - 4 - 1975, khi Tướng Tư Lệnh Quân Khu 3 Việt Nam Cộng Hoà không muốn hy sinh  trong thế tuyệt vọng, cả 1 Sư Đoàn 18 Bộ Binh anh dũng, thiện chiến trong hoàn cảnh bất lợi về tất cả mọi mặt nên đã ra lệnh cho Sư Đoàn này rút khỏi phòng tuyến đang trấn giữ….

- Ngày 21 đến 25 - 4 - 1975: Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bị áp lực từ nhiều phía phải tuyên bố từ chức, chuyển giao quyền hành cho Phó tổng Thống Nguyễn Văn Hương để ra ngoại quốc,bỏ lại đằng sau: Quê Hương, Chiến Hữu và Đồng Bào của Ông, là những gì thiêng liêng mà Ông đã từng long trọng tuyên đọc lời thề khi nhậm chức Tổng Thống, cũng như trong các dịp Quốc Lễ  là sẽ sống chết bảo vệ đến hơi thở cuối cùng…



- Ngày 23 - 4 - 1975: Tại Hoa kỳ, (Gerald Rudolph Ford – Ảnh bên phải - Tổng thống thứ 38 – Ông Tổng Thống duy nhất của Hoa Kỳ làm Tổng Thống mà không hề được dân chúng, cử tri bầu vào chức vụ Tổng Thống hay Phó Tổng Thống, dù là chỉ 1 phiếu) nói " Chiến tranh Việt Nam kể như chấm dứt. " Dư luận hiểu rằng Chính quyền Mỹ lúc đó đã buông tay và… tháo chạy bằng mọi giá, trong khi Liên Sô và Trung Cộng hồ hởi, phấn khởi là đã hoàn thành nhiệm vụ " Dứt điểm tiền đồn chống cộng cuả Mỹ tại Á Châu ".

- Ngày 28 - 4 - 1975 : Bị áp lực nặng nề cũng từ nhiều phiá, Tổng Thống Trần Văn Hương phải trao quyền hành cho Tướng 4 sao Dương Văn Minh, người đã đóng vai chính trong vụ đảo chính lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm  tháng 11 năm 1963, để cho chính quyền Mỹ đổ quân tác chiến vào Nam Việt Nam và lãnh đạo cuộc chiến tranh ở đây theo kiểu "chiến tranh nhà giầu cuả Mỹ " nhưng hoàn toàn vô hiệu đối với kiểu "chiến tranh nhân dân - People's War " không có mục tiêu, không trận tuyến, lẫn lộn với nhân dân của cộng sản.

Cộng sản không mạnh bằng Mỹ về vũ khí chiến tranh nhưng với tinh thần cuồng tín, liều mạng và hầu như luôn giữ thế tấn công trên các mặt trận, trong khi Mỹ quá mạnh nhưng luôn ở trong thế thụ động với các mục tiêu, đồn bót rõ ràng nên thế thuận lợi lại luôn nghiêng về phía cộng sản.

Có những chiến lược gia danh tiếng của thế giới đã  nêu câu hỏi  : Mỹ có muốn và dám thắng trong cuộc chiến tranh này không ?

– Nếu muốn và dám thắng, không e sợ Liên Sô và Trung Cộng, thì tại sao không giành lấy thế tấn công từ tay cộng sản? Tại sao không vừa phòng thủ ở miền Nam và đồng thời dư sức tấn công ồ ạt ra vùng hậu phương Bắc Việt của cộng sản?

Sức mạnh không quân, hải quân vô đich của Mỹ, cùng các loại hỏa tiễn tối tân yểm trợ cho một lực lượng lục quân , gồm  bộ binh, nhẩy dù, thủy quân lục chiến, biệt động quân, thiết giáp, pháo binh  chọn lọc của Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa là dư sức đánh phá tan hoang các căn cứ quân sự, cơ sở chính quyền, kho tàng… không phải toàn bộ thì cũng là khắp vùng phía Nam Bắc Việt, cái hậu phương đang nuôi sống lực lượng cộng sản đã tràn vào miền Nam, tiếp tế nguồn sức mạnh tinh thần cho đạo quân xâm lược này. Miền Bắc bị bỏ trống gần như hoàn toàn, giao cho bộ đội  “ chủ lực miền – regional forces “  trấn giữ . Mất hậu phương miền Bắc, cơ quan lãnh đạo cộng sản cùng với dân chúng miền Bắc không ngờ, lâm cảnh rối loạn hơn cả miền Nam thì lúc đó Liên Sô, là chính yếu và Trung Quốc liệu có cứu nổi miền Bắc hay không ? 

XIN BẤM "READ MORE" ĐỂ ĐỌC TIẾP

Thursday, April 25, 2024

• Cố Tổng Thống R.Reagan Và... H.O. (Phan Đức Minh)

04/06/2008

HIGHLIGHT:

"...Một điều ít người để ý là chính Ronald Reagan là người đã đã nhận ra trách nhiệm cuả  nước Mỹ với những chiến sĩ đồng mình tại chiến trường Việt Nam, đang bị đầy đoạ tại các trại tù cải tạo ghê rợn cuả cộng sản Việt Nam nơi rừng sâu, núi thẳm. Nhờ nhận thức này mà chương trình H.O. được xúc tiến. 

Năm 1984, TT Reagan phái vị Tướng hồi hưu Vessy sang gặp chính quyền Hà Nội để bàn thảo cách giải quyết vụ này. Sau nhiều kỳ kèo, năm 1986, chương trình H.O. thành hình. Nguyễn Văn Linh với chức vụ Tổng Bí Thư Đảng, theo chân sư phụ Gorbachev, lãnh tụ Liên Sô, cũng bắt chước " Đổi mới, cải tổ " một tí cho "quả bom nhân dân" khỏi nổ tung. Nhờ vậy, loại tù cải tạo cỡ như kẻ viết bài này, từ năm 1987 trở về sau mới được thả về vơí sự đe doạ bị tống đi vùng kinh tế mới .  

Năm 1988 chuyện tù cải tạo trên 3 năm có thể lập hồ sơ H.O. mới chính thức được loan báo trên đài phát thanh Hà Nội cũng như các đài VOA, BBC vv...  

 


Tác giả Phan Đức Minh, 78 tuổi, trước 1975 là thẩm phán quốc gia, Thiếu Tá Uỷ Viên Chính Phủ Toá Án Quân Sự Quân Khu 4.  Sau 12 năm tù cải tạo,  ông định cư tại San Diego, từng đoạt nhiều giải thơ Anh ngữ và hiện là Member of the International Society of Poets" từ 1997. Sau đây là bài viết đặc biệt của ông nhân ngày tưởng niệm cố Tổng Thống Hoa Kỳ Ronald W. Reagan, người đã bật đèn xanh cho chương trình H.O. định cư cựu tù chính trị VN tại Hoa Kỳ, nhân ngày giỗ thứ tư  của ông,  5 tháng 6 .

 

   Tác giả Phan Đức Minh

 

Từ ngày đặt chân tới đất Mỹ, năm 1992, sau hơn 12 năm đi tù cải tạo trên núi trên rừng, tôi có cơ hội lập lại cái "tủ sách gia đình" đã bị mất trong biến cố mùa xuân đau thương 1975. Tôi tìm kiếm mọi thứ sách viết về nước Mỹ, nơi tôi chọn làm quê hương thứ hai, sách viết về những vị Tổng Thống Mỹ, những cuộc chiến tranh mà nước Mỹ đã có mặt... Có khi tôi mua ở tiệm sách Mỹ vào lúc "Big Sale - Sale 50% off "  hay tìm kiếm ở mấy cái chỗ "Garage Sale - Moving Sale".  Nhờ cái tủ sách này, tôi biết và coi cựu Tổng Thống Ronald Reagan là một trong những vị Tổng Thống Hoa Kỳ mà tôi mến mộ nhất.

Gia đình chúng tôi  cũng như con cái, dâu rể đều cư trú gần nhau, trong vùng Mira Mesa - San Diego, Nam Cali, tất cả qua lại gặp nhau thường xuyên, đều có dịp lái xe qua con đường khá dài, mang tên Reagan Road. Và tôi thường nói với con cháu rằng chính là nhờ vị tổng thống mang tên Ronald Reagan mà gia đình ta  mới có cơ hội thoát được cảnh tù ngục, đoàn tụ dưới bầu trời tự do.

Ông Ronald W. Reagan sinh ngày 6 tháng 2 năm 1911 tại Tampico, Bang Illinois. Sách vở và người đời thông thường chỉ viết tên Ông là Ronald Reagan, ít viết hay nóí đến chữ đệm W. (Wilson ) ở giưã.

Ông thuộc Đảng Cộng Hoà và làm Tổng Thống Hoa Kỳ thứ 40 với 2 nhiệm kỳ, kể từ ngày 20 tháng 1 năm 1981 đến hết ngày 19 tháng 1- 1989. Lịch sử Hoa Kỳ có ghi rằng: "Vào tuổi 69, Ronald Reagan là người cao niên nhất  được bầu làm Tổng Thống Hoa Kỳ - Ông rời nhiệm sở vào tuổi 77 sau khi đã phục vụ 2 nhiệm kỳ.

Ông Reagan là con trai cuả người thư ký làm cho một tiệm bán giầy dép. mÔng có bà mẹ rất yêu thích nghệ thuật sân khấu. Từ thời trung học, Dutch -tên thân mật của Reagan- đã xuất hiện trên sân khấu nhà trường trong nhiều vở kịch. Ngoài ra, cậu Dutch này còn rất ham chơi môn Football, baseball (đã có lần gẫy chân, phải chống nạng, đi cà nhắc), từng  làm toán trưởng toán bơi lôi chuyên môn cuả trường.  Khi lên Đại Học, chàng thanh niên Ronald luôn luôn đảm nhiệm các vai chính trong những vở kịch do nhà trường tổ chức trình diễn.

Sau khi ra trường, Ông làm công việc " Xướng ngôn viên thể thao trên đài phát thanh - Radio Sports Announcer". Năm 1937, nghề nghiệp tài tử điện ảnh cuả Ông bắt đầu khi hãng phim Warner Brothers, mời ông đóng thử một vai trong "Love is on the air." sau đó là nhiều cuốn phim nổi tiếng như: Errol Flynn, Wallace Beery, Lionel Barrymore, Shirley Temple, Ann Sheridan, Patricia Neal trong các phim : Santa Fe Trail- 1940, The Bad Man - 1941, Juke Girl - 1942, That Hagen Girl - 1947, John Loves Mary - 1949 vv... Trong môi trường điện ảnh này, ông Reagan có dịp đóng chung với nữ tài tử đã nổi tiếng, Jane Wyman trong một phim vui vẻ mang tên "Brother Rat" , và hai người thương yêu nhau, kết thành vợ chồng trong 8 năm, từ 1940 đến 1948.

Năm 1952, Ronald Reagan kết hôn với nữ tài tử Nancy Davis sau ba năm quen biết. Sau này, nữ tài tử Nancy có  cho một ngườì bạn coi cái danh sách nàng liệt kê những chàng độc thân lúc đó, cuả vùng trời Hollywood và cái tên Reagan lại đứng đầu danh sách.  Nancy, nữ tài tử 28 tuổi, đã có lúc nói với nhà sản xuất điện ảnh nổi danh đương thời Dore Schary, nếu có thể thì xếp đặt sao cho Cô gặp và chuyện trò với Reagan một lần. Do đó, bà vợ cuả Schary là Miriam mới đứng ra tổ chức một cái "Dinner party" nho nhỏ gồm một số bạn bè thân thiết. Bà Miriam xếp đặt cho Nancy và Reagan ngồi đối diện với nhau. Thế là là chàng và Nàng tha hồ chuyện trò tâm sự. Bà Miriam quan sát  thấy rằng suốt bưã tiệc, Nàng Nancy luôn luôn tươi cười chuyện trò tâm sự và sau đó còn tìm đủ cách gặp lại  chàng Reagan.

Cuối cùng, vài tháng sau, chiều tối ngày15 tháng 11 - 1949, điện thoại nhà Nancy reo vang. Nancy bắt phôn. Người ở đầu dây bên kia chính là chàng Reagan  mời nàng Nancy đi ăn tối. Bưã ăn xong chàng dẫn nàng đi coi buổi trình diễn tuyệt vời cuả Sophie Tucker tại Ciro's nightclub.

Hồi ký Reagan về sau có kể lại: One night, over dinner as we sat at a table for two, I said, " Let's get married … she put her hand in mine, looked into my eye and said, "Let's!" Rồi một đám cưới đơn giản đã diễn ra ngày 4 tháng 3 năm 1952 tại nhà thờ Little Brown Church, khách mời chỉ có duy nhất cặp vợ chồng tài tử William Holden và Ardis, kiêm luôn phù dâu, phù rể. Kể từ giờ phút đó, Ronald Reagan và Nancy Reagan trở nên vợ chồng và sống với nhau cho đến trọn đời.

Là một tài tử điện ảnh, Ông Reagan luôn luôn tích cực hoạt động và đã phục vụ 6 năm với tư cách là Chủ Tịch cuả trong Nghiệp Đoàn Công Nhân Điện Ảnh -Truyền Hình.

Năm 1948, Ronald Reagan tham gia cuộc vận động tranh cử Tổng Thống cho ứng cử viên Đảng Dân Chủ: Harry Truman.  Nhưng sang thập niên 1950, quan điểm chính trị cuả ông nghiêng dần sang khuynh hướng bảo thủ truyền thống, ông chuyển đổi sang Đảng Cộng Hoà và tích cực vận động ủng hộ các ứng cử viên Tổng Thống của Cộng Hoà như Dwight Eisenhower, Richard Nixon v.v...

Sau này, có người khuyến khích ông ứng cử vào chức vụ Thống Đốc Tiểu Bang California, ông cười lớn "Tui mà làm Thống Đốc à"" Vậy mà năm 1966,  ông đánh baị ứng cử viên Dân Chủ để vào dinh Thống Đốc California ở luôn hai nhiệm kỳ, phục vụ cho tới 1975.

Năm sau, được đà Ronald Reagan vận động Đảng Cộng Hoà để được đề cử ra dự tranh chức vụ Tổng Thống. Thời cơ chưa đến, ông bị thua vị Tổng Thống đương nhiệm thứ 38 là Gerald Rudolph Ford, được Đảng tái ứng cử, có nhiều lợi thế hơn theo lẽ thông thường.  Kết quả, ông Ford bị ông Jimmy Carter đánh bại.

Bốn năm sau, khi dành được sự đề cử của Đảng Cộng Hoà, cựu tài tử điện ảnh Ronald Reagan, cựu Thống Đốc Bang Cali đã  hạ đo ván ngài Jimmy Carter, đương kim Tổng Thống tái tranh cử  và triều đại Reagan bắt đầu. Ông chính thức làm chủ Toà Bạch Ốc ngày 20 tháng 01 năm 1981, sau Lễ Tuyên Thệ nhậm chức vơí sự chứng kiến cuả Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện Warren Burger và Nữ Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện đầu tiên cuả nước Mỹ Sandra Day O'Connor.

Tổng Thống Reagan mới nhậm chức được hơn 2 tháng thì bị ám sát hụt do tay súng John Hinkley thực hiện ngày 30 - 3 - 1981, nhưng ông không chùn bước. Với những phụ tá cự phách, thi hành những biện pháp thích hợp và quyết liệt, TT Reagan đã đem lại cho Đất Nước một luồng sinh khí mới, dân chúng sôi động tinh thần yêu nước, Hoa Kỳ dần dần trở lại với vị trí xứng đáng cuả một "Siêu cường". Những đường lối, chính sách kinh tế có hiệu quả mạnh mẽ, rõ ràng cuả thời đại Ronald Reagan đã được người ta đặt cho cái tên gọi là "Reaganomics".

Đối đầu với một địch thủ đáng nể là Liên Bang Sô Viết, Ông Reagan thấy rõ là muốn giữ vững hoà bình thế giới,  Hoa Kỳ phải có một lực lượng quân sự thật mạnh, vượt trội đối phương. Ông kêu gọi Quốc Hội chấp thuận những ngân khoản cần thiết cho việc phát triển các loại hoả tiễn, oanh tạc cơ siêu đẳng và những loại vũ khí có thể trấn áp đối phương ngay từ phút lâm trận đầu tiên.

Những nhân vật chính trị chưa biết nhiều về "Sách lược - Policies & Strategies" cuả cộng sản thì la làng về sự chi tiêu quá đáng cho việc tối tân hoá quân đội, chiến tranh trên không gian, theo đường lối lãnh đạo cuả Ông Reagan. Nhiều nhân vật cho rằng cứ đà… đổ tiền xuống biển kiểu này thì Ông Reagan chỉ giữ được Toà Bạch Ốc giỏi lắm là một nhiệm kỳ thôi.

Kết quả khác hẳn: việc ông  bắt buộc Liên Sô phải chạy đua võ trang với Hoa Kỳ để giành thế "Thượng phong về hoả lực - Superiority of firepower"- đã đẩy Liên Xô tới cảnh bị thương nặng, đi dần đến chỗ xụp đổ.

Ngay đầu năm 1984, tức là đầu năm thứ 3 cuả nhiệm kỳ1, Ronald Reagan tuyên bố "Công việc chúng ta theo đuổi chưa hoàn tất" và Ông loan báo sẽ ra tái ứng cử nhiệm kỳ 2. Sự loan báo này được tung ra không lâu trước khi kỷ niệm sinh nhật thứ 73 cuả Ông được tổ chức tại Toà Bạch Ốc. Ông đánh bại đối thủ Walter Mondale để tái đắc cử nhiệm kỳ 2.

Ronald Reagan là vị Tổng Thống Hoa Kỳ đầu tiên đã đạt được những hiệp ước với Liên Sô về kiểm soát vũ khí nguyên tử, cũng như thoả ước 1987 về việc giải trừ các loại hoả tiễn có gắn đầu đạn nguyên tử đang nhắm vào các mục tiêu là những quốc gia quan trọng cuả khối NATO (North Atlantic Treaty Organization).

 Tháng 6-1987, qua làn sóng truyền thanh, ông Reagan  đọc 1 bài diễn văn lịch sử tại "bức tường ô nhục,” ngăn đôi nước Đức tại Berlin, thách đố Ông Gorbachev, Lãnh Tụ Liên Sô,  hãy cho thế giới thấy ông là người thế nào, bằng cách cho phá bỏ bức tường ô nhục đó đi. Bài diễn văn làm rung động thế giới cộng sản và toàn thể nhân loại. Kết quả, mong ước cuả Ông Reagan đã thành sự thực: Nhân dân Đông Đức với sự "bật đèn xanh" cuả Lãnh tụ cộng sản thế giới Gorbachev, đã ào ạt xông lên phá tan "Bức tường ô nhục” này." Biến cố này tạo ra sự sụp đổ dây truyền của cả khối cộng sản. Và chính Gorbachev sau này cũng đã hết lời ngợi ca  Ronald Reagan là một Tổng Thống vĩ đại.

Một điều ít người để ý là chính Ronald Reagan là người đã đã nhận ra trách nhiệm cuả  nước Mỹ với những chiến sĩ đồng mình tại chiến trường Việt Nam, đang bị đầy đoạ tại các trại tù cải tạo ghê rợn cuả cộng sản Việt Nam nơi rừng sâu, núi thẳm. Nhờ nhận thức này mà chương trình H.O. được xúc tiến. Năm 1984, TT Reagan phái vị Tướng hồi hưu Vessy sang gặp chính quyền Hà Nội để bàn thảo cách giải quyết vụ này. Sau nhiều kỳ kèo, năm 1986, chương trình H.O. thành hình. Nguyễn Văn Linh với chức vụ Tổng Bí Thư Đảng, theo chân sư phụ Gorbachev, lãnh tụ Liên Sô, cũng bắt chước " Đổi mới, cải tổ " một tí cho "quả bom nhân dân" khỏi nổ tung. Nhờ vậy, loại tù cải tạo cỡ như kẻ viết bài này, từ năm 1987 trở về sau mới được thả về vơí sự đe doạ bị tống đi vùng kinh tế mới . Năm 1988 chuyện tù cải tạo trên 3 năm có thể lập hồ sơ H.O. mới chính thức được loan báo trên đài phát thanh Hà Nội cũng như các đài VOA, BBC vv...  

 

Gen. John W. Vessey, Jr. with Reagan

 Source:

https://www.mnvetmuseum.org/general-john-w-vessey-collection 

 

Ngày ông Ronald Reagan qua đời tại Cali, hàng trăm ngàn dân chúng đã tới thăm và chào vĩnh biệt ông. Chiếc quan tài phủ lá cờ Hoa Kỳ được đưa lên máy bay cùng với cựu Đệ Nhất Phu Nhân Nancy Reagan, người vợ thương yêu, săn sóc, bên cạnh Ông trọn đời, cùng thân nhân, về Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn để tại đây, nước Mỹ, chính quyền và nhân dân cử hành Lễ Quốc Táng cho vị Tổng Thống vĩ đại Ronald Reagan. Sau đó quan tài được đưa trở lại California để Ronald Reagan vĩnh viễn an nghỉ ngay tại khu vực "Ronald Reagan Presidential Library" được khánh thành ngày 4 tháng 11- 1991 với sự hiện diện cuả đương kim Tổng Thống George H. Bush (Ngài Bush lớn ) cùng 4 vị cựu Tổng Thống Ronald Reagan, Jimmy Carter, Gerald Ford và Richard Nixon. là những vị cựu Tổng Thống còn tại thế lúc bấy giờ.

Viết những dòng này, tôi không bao giờ quên được nhân vật vĩ đại Ronald Reagan, người đã cứu nước Mỹ ra khỏi cảnh đen tối cuả những năm cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980, người đã góp phần công sức lớn lao vào việc làm sụp đổ hệ thống cộng sản quốc tế từ Đông Âu, Đông Đức rồi chính ngay tại thành trì cộng sản thế giới là Liên Sô, giải thoát bao nhiêu triệu người khỏi gông cùm cộng sản.

Bản thân kẻ viết bài này hiểu rằng chính là nhờ TT Reagan mà mình và đã có cơ hội thoát khỏi cảnh sống kinh hoàng trong hơn 12 năm, qua 5 trại tù cải tạo nơi rừng sâu nước độc. Cũng là nhờ ông mà biết bao cuộc đời tù ngục khác đã có cơ hội tái sinh dưới bầu trời Tự Do, con cháu được sống với ý nghiã đích thực cuả phẩm giá con người...

Tổng Thống Ronald W. Reagan từ trần vào trưa Thứ Bẩy, ngày 5 tháng 6 - 2004 tại nhà riêng ở California, thọ 93 tuổi (1911 - 2004). Nhân ngày giỗ thứ tư của ông, với lòng biết ơn xin trân trọng tưởng niệm ông, nhân vật vĩ đại của  lịch sử nhân loại.

Phan Đức Minh

SOURCE:

https://vvnm.vietbao.com/a164290/co-tong-thong-r-reagan-va-h-o

 

 

 

Wednesday, April 24, 2024

Phim THUYỀN NHÂN - HÀNH TRÌNH 50 NĂM - Đạo diễn Thanh Tâm

 


 

“THUYỀN NHÂN: HÀNH TRÌNH 50 NĂM” – phim tài liệu dài 90 phút do Thanh Tâm thực hiện, Ethnic Channels Group và Lunar Village Production sản xuất và được sự tài trợ một phần của chính phủ Canada (Canada Media Fund) - ghi lại những câu chuyện thật, từ chính những nhân chứng sống về những người Tị Nạn gốc Việt...

Phim có thời lượng 1 giờ 45 phút và được trình bày bằng song ngữ Anh-Việt với phụ đề song ngữ Việt-Anh.

Xin vui lòng liên lạc với chúng tôi để biết thông tin về tài trợ và đặt vé

Thanh Tâm: 647-983-7286

Email: thanhtam@vietlive.tv

 

Hành Trình 50 Năm - A DOCUMENTARY BY THANH TÂM

50 năm, một khoảng thời gian tuy ngắn cho lịch sử của một dân tộc, nhưng lại dài cho một đời người. 50 năm trước, toàn lãnh thổ Việt Nam rơi vào sự thống trị của những người Cộng Sản. Và kể từ đó, hàng triệu người dân Việt Nam đã bỏ xứ ra đi, bắt đầu là làn sóng vượt biên gian nan, hiểm nghèo của những thuyền nhân, bộ nhân làm rúng động lương tâm thế giới vào những thập niên 70, 80, và 90.

Những người Tị Nạn Việt Nam năm xưa và thân nhân của họ đã xây dựng nên những Cộng Đồng Người Việt Tự Do lớn mạnh trên khắp thế giới. Cái quá khứ Tị Nạn đó bây giờ đã bị lãng quên, hay vẫn còn hằn sâu trong tâm thức của họ? Thế hệ thứ hai, thứ ba, con cháu của những người Tị Nạn gốc Việt, đã có những đóng góp ngày càng đáng kể vào xã hội nơi họ đang sống. Bao nhiêu người trong thế hệ hiện tại và tương lai hiểu nguyên do vì sao họ được sống trong một xã hội tự do nhân bản, và có bao nhiêu người trong số đó thật sự trân quý cái giá mà cha ông họ đã phải trả?!

Những câu chuyện đau thương được kể trong “Thuyền Nhân: Hành trình 50 năm” cho thấy phần nào sự tàn khốc của xã hội Việt Nam từ sau 1975 và nỗi tang thương mà những người Tị Nạn gốc Việt đã phải trải qua. Giai đoạn quá khứ bi thảm này làm người Việt hải ngoại có thể cảm nhận rõ ràng hơn là họ đã may mắn như thế nào. Và những gương thành công trong “Thuyền Nhân: Hành trình 50 năm” cũng cho thấy trong một xã hội công bằng và nhân bản, người gốc Việt có thể đạt được những thành tựu đáng ngưỡng mộ. “Thuyền Nhân: Hành trình 50 năm” hy vọng làm thế hệ tương lai, cũng như người dân bản xứ thông hiểu hơn về họ, những người Tị Nạn gốc Việt. Những câu chuyện thật trong giai đoạn lịch sử này là bài học xương máu cho những ai quan tâm đến vận mệnh tương lai của quốc gia dân tộc. Hy sinh của những người bỏ mình trên đường tìm tự do cần phải được tưởng nhớ. Những tang thương này không thể một lần nữa tái diễn trong lịch sử của dân tộc Việt, và nguyên nhân của nó cần phải bị vĩnh viễn xóa bỏ.

 

A 50-YEAR JOURNEY - A DOCUMENTARY BY THANH TÂM

50 years, a short period in the history of a nation, yet long for a lifetime. 50 years ago, the entire territory of Vietnam fell under the rule of the Communists. And since then, millions of Vietnamese people have left their homeland, beginning with the arduous and perilous wave of boat people, a movement that shook the world's conscience in the 1970s, 80s, and 90s. The Vietnamese Refugees of the past and their relatives have built strong Vietnamese Communities worldwide. Is the past of the Refugees now forgotten, or does it still deeply resonate within them? The second, third, and subsequent generations of Vietnamese Refugees have made significant contributions to the societies where they live. How many in the current and future generations truly understand why they live in a free and democratic society and genuinely appreciate the price their forefathers had to pay?

"Boat People: A 50-Year Journey" - a 90-minute documentary film by Thanh Tâm, produced by Ethnic Channels Group and Lunar Village Production, and received partial funding from the Canadian government (Canada Media Fund) - captures real stories, from the very witnesses who lived among the Vietnamese Refugees. The poignant stories recounted in "Boat People: A 50-Year Journey" partly reflect the cruelty of Vietnamese society since 1975 and the suffering that Vietnamese Refugees have endured. This tragic past enables overseas Vietnamese to appreciate more clearly how fortunate they have been. Moreover, the success stories depicted in "Boat People: A 50-Year Journey" demonstrate that in a just and equitable society, Vietnamese people can achieve admirable success. "Boat People: A 50-Year Journey" hopes to help future generations, as well as mainstream citizens, better understand Vietnamese Refugees. The real stories from this historical period are blood lessons for all of us, Vietnamese people concerned about the future destiny of the nation. The sacrifices of those who risked everything in search of freedom must be remembered. These sorrows must not be repeated in the future, and their causes must be permanently eradicated.

 

ABOUT THE DIRECTOR THANH TÂM


Thanh Tam has been well known by many overseas Vietnamese in North America since  she was the Director of SBTN Canada (2014 – 2019), and founded Vomedia (2014).

Since 2017, she co-founded and is the director of VIETLIVE TV, one of the most successful social media programs of overseas Vietnamese, watched and followed by millions of Vietnamese around the world.

In 2018, she joined the Toronto Film School’s film director training program and graduated with Her Little Rose, a short film which won many awards in international film festivals: USA, United Kingdom, Australia, Canada, Mexico, Singapore, Venezuela, India…

Source:

https://www.hanhtrinh50nam.com/about/

 

 VIDEO CLIPS

 

Phim Thuyền Nhân: Hành Trình 50 Năm - SBTNOfficial

https://www.youtube.com/watch?v=j61ZR0J9p54

Thuyền Nhân: Hành Trình 50 Năm

https://tiengquehuong.wordpress.com/2024/02/21/thuyen-nhan-hanh-trinh-50-nam/

Hành Trình 50 Năm Thuyền Nhân Vietnam. 

Live Interview in Toronto/Canada with Thanh Tâm by AnDiem

https://www.youtube.com/watch?v=XDI_unFiEMY

Thông tin về buổi công chiếu phim Thuyền Nhân - Hành Trình 50 Năm tại Canada -- 

VIETLIVE.TV Channel

https://www.youtube.com/watch?v=uBtZnWAvdNw

The Vietnamese Boat People: 20 years of the tragedy -- Luật Khoa tạp chí

https://www.youtube.com/watch?v=91Z2KEreILc

Phim Thuyền Nhân Hành Trình 50 Năm Đến San Joe Trong Tháng 4 Đen

https://www.youtube.com/watch?v=yNhU1pzPmxQ

Thuyền Nhân - Hành Trình 50 Năm | SBTN Diễn Đàn Chính Luận

https://www.youtube.com/watch?v=-ukzCGrTxeU

Giới Trẻ Nghĩ Gì Về Phim Thuyền Nhân Hành Trình 50 Năm - SBTN Official Channel

https://www.youtube.com/watch?v=qUMx37wwobo