Friday, August 27, 2021

. Liên Đoàn 2 BĐQ với Muà Hè Đỏ Lửa tại Vùng II

 


MN Trần Tấn Đởm

 Posted on April 22, 2013 by Lê Thy

Tưởng nhớ Cố Trung tá Nguyễn Văn Tốt (Cựu TĐT/TĐ35 và 22/ BĐQ), cùng các quân nhân của BĐQ và các đơn vị bạn đã bỏ mình tại Chupao.

40 năm đã qua. Thời gian thật quá dài để ôn nhớ về đời lính và cuộc chiến.
MN. Trần Tấn Đởm, LĐ2 BĐQ.

Đầu năm 1972, CSBV đồng loạt tấn công vào các cứ điểm trên khắp 4 vùng chiến thuật. Vùng I địch mở mặt trận Đông hà -Quảng Trị, Vùng III mặt trận An lộc -Bình long, và Vùng II, cột sống Cao nguyên Trung phần (Mặt trận B3 cùng các sư đoàn CS trực thuộc). Chúng đã cho quân áp sát, pháo kích và tấn công các căn cứ BĐQ/ BP Daksan, Dakpek, Benhet, Poleikleng.

Chu Pao ai oán hờn trong gió
Mỗi chiếc khăn tang một tấc đường

Tháng 4/72.

Áp lực đè nặng vùng bắc Kontum. Các cuộc tấn công cấp trung đoàn, sư đoàn bắt đầu cùng sự xuất hiện các chiến xa địch trong vùng:

* TĐ23/BĐQ quần thảo với địch suốt 7 ngày đêm, ở mặt trận đông bắc, phá vỡ căn cứ hậu cần và đường vận chuyển tiếp liệu của địch từ các mật khu Ba tơ, An lão.

* TĐ11/ Nhảy dù bị vây hãm, pháo kích và tấn công tại căn cứ Charlie ở mặt trận tây bắc. Cố Đại tá Nguyễn Đình Bảo đã tử thủ và ở lại với núi rừng Tây nguyên.

*Đại tá Lê Đức Đạt và toàn bộ BTL/ TP/ SĐ22 BB bị tan vỡ ở mặt trận Dakto, Tân cảnh.

*Căn cứ Biên phòng Polei Kleng ở phía Tây bị địch tràn ngập. TĐ62/ BĐQ buộc phải di tản để lại vị TĐT, Cố Thiếu tá Bửu Chuyển, đã hy sinh.

*BTL QĐII/ QK2 quyết định hoán chuyển và bổ sung đơn vị hầu giữ vững Kontumn và Tây nguyên.

*Đại tá Trần Quốc Lịch và LĐ2 Dù được lệnh TTM điều động rời Kontum.

*Đại tá Lý Tòng Bá cùng SĐ23 BB (-) di chuyển từ Ban mê Thuột hoán đổi nhiệm vụ trấn thủ Kontum.

*LĐ6/ BĐQ gồm TĐ 34, 35, 51 BĐQ cũng được chuyển về Pleiku đặt dưới quyền điều động của BCH BĐQ/ QK2.

Tháng 5/72.

*Địch chiếm dãy núi Chupao và các cao điểm chiến lược, cắt đứt QL14, con đường huyết mạch để tiếp tế và tăng viện Kontum.

*LĐ2 BĐQ (-) gồm TĐ11 và 22 BĐQ được không vận về Pleiku. TĐ23 BĐQ được đưa về trước để bổ sung quân số và tái trang bị.

*Kontum hoàn toàn bị cô lập.

Những chuyển đổi nhân sự cho phù hợp với tình hình chiến sự của các cấp chỉ huy:

– Thiếu tướng Nguyễn Văn Toàn, tân Tư lệnh QĐII/ QK2, thay thế Trung tướng Ngô Dzu.
– Chuẩn tướng Trần Văn Hai (cựu CHT/ BĐQ) là Tư lệnh phó QĐ II.
– Đại tá Nguyễn Văn Đương CHT/ BĐQ/ QK2.
– Cố vấn trưởng QĐII, cựu Trung tá không quân Hoa kỳ John Paul Vann, tử nạn trực thăng trên bầu trời đêm Chupao khi từ Kontum trở về Pleiku.

BTL/QĐ II quyết định thanh toán cứ điểm Chupao và khai thông QL14. LĐ2 BĐQ được chỉ định thi hành là nổ lực chính để giải tỏa Chupao.

Ngày N cuối tháng 5/72.

Tại bãi trực thăng ở hậu cứ BCH/LD tại Biển hồ Pleiku, cuộc họp chớp nhoáng của các đơn vị trưởng tham dự hành quân, gồm:
– Trung tá Chung Thanh Tòng, LĐT/ LĐ2 BĐQ.Chu Pao
– Thiếu tá Lê Đắc Thời, LĐP/ LĐ2 BĐQ.
– Thiếu tá Ngô Văn Mai, TĐT/TĐ11 BĐQ.
– Thiếu tá Nguyễn Văn Tốt, TĐT/TĐ22 BĐQ, vừa đáo nhậm đơn vị tuần trước để thay thế Cố Thiếu tá Nguyễn Đình Ngọ, cựu TĐT, tử trận. (Thiếu tá Ngọ, Thiếu tá Nguyễn Công Bao -TĐP, và Thiếu Tá Trần Mừng -Trưởng Ban 3, tử trận gần căn cứ Non Nước tại mặt trận Tây Kontum).
– Thiếu tá Trịnh Thanh Xuân, TĐT/ TĐ23 BĐQ.
– Các Trung tá Bút, Thiếu tá Bông,… và các sĩ quan không quân trong hợp đoàn.
– Và tôi, SQ/B3/LĐ (vì chưa kịp bổ sung Trưởng bạn).

Nhìn vào bản đồ hành quân, Chupao là ngọn núi ở độ cao 1,059m nằm phía Bắc Pleiku khoảng 30 cây số. Các căn cứ hỏa lực 40, 41, 41B, 42 trải dài trên QL14 được thiết lập để yểm trợ và an ninh đoạn đường huyết mạch. Căn cứ 42 nằm chếch về hướng đông nam Chupao. Một số buôn làng Thượng nằm hướng nam bên trái quốc lộ dọc theo con đường đất đỏ mà chúng tôi gọi là làng không tên (vì không có tên trên bản đồ.) Con đường dẫn vào làng Pleite mà sau này VC gọi là bài tăng làng te (căn cứ hỏa lực có thiết giáp yểm trợ.) Các chấm đỏ chung quanh đỉnh Chupao đánh dấu các vị trí phòng không và sơn pháo với sự hiện diện của Trung đoàn 95B/CSBV. Trung đoàn 95B cuả CS vốn là hậu thân cuả Trung đoàn 95

VC đã bị LĐ2 BĐQ soá sổ. Khoảng 8.00H, khi các phi đoàn trực thăng từ phi trường Cù Hanh lần lượt đến bãi đáp, T/T Tốt ra lệnh các đại đội tuần tự lên máy bay theo thứ tự đã được phân công, vì TĐ22 BĐQ được lệnh đi đầu. Chiếc C&C mang Tr/t Tòng, tôi, và truyền tin cùng Cố vấn Mỹ -Thiếu tá Astrada- rời bãi.

Vần vũ trên bầu trời Pleiku từng cặp Skyraider, A 37, Cobra của Mỹ, Gunship của ta bay lượn tiền oanh kích, dọn bãi đáp và yểm trợ cuộc đổ quân. Bom không quân, đạn pháo binh nổ dòn trên mục tiêu cũng không làm tắt được tiếng phòng không của địch. Trong khi L19 bao vùng, từng đoàn trực thăng Lạc Long, Sơn Dương rời bãi, bốc theo những đơn vị BĐQ. Khi pháo binh ngưng tác xạ, các phi tuần yểm trợ và L19 bao vùng. Cuộc đổ quân xuống Chupao bắt đầu trong tiếng pháo của địch vào bãi đáp, vốn là một triền núi thoai thoải nằm về đông nam đỉnh núi.

Vì trực thăng không thể xuống từng đoàn, nên từng hai ba chiếc một lần lượt thả từng tiểu đội một. Khi trực thăng chưa kịp đáp xuống mặt đất thì những người lính đã nhảy khỏi trực thăng xuống mặt đất, dạt xuống triền đồi. Khi trực thăng cất cánh, họ mới tiến lên tìm vị trí an toàn phòng thủ và an ninh bãi đáp. Lần lượt hai đại đội và bộ chỉ huy nhẹ tiểu đoàn tiến chiếm các cao điểm. Phòng không địch bớt dần, trong khi sơn pháo và súng cối địch vẫn rơi đều trên bãi đáp. C&C của Tr/t Tòng theo dõi và chỉ huy cuộc đổ quân. Đại đội 1 và Ban Chỉ Huy TĐ vừa đổ xuống.

– Bình minh, đây 30 gọi. (Danh hiệu LĐT và T/t Tốt, TĐT 22 BĐQ) Tiếng âm thoại viên vang đều khẩn cấp.

– 93 tôi nghe đây. Tôi lên tiếng thay Tr /T Tòng.

– Đại bàng của tôi đi rồi. 30 đã đi rồi.

– Lập lại đi. Tôi ngỡ ngàng trong giây lát và hỏi thật kỹ.

– Báo cáo, 30 đi rồi.

Sau khi nghe tin Thiếu Tá Tốt đã hy sinh, Tr/t Tòng xúc động bàng hoàng, giọng khô cứng,

– Tiếp tục đổ quân. Bảo thằng Hương (Đ/U, TĐP) điều động con cái bung rộng và tiến lên. Bảo thằng Xuân (Th/T, TĐT/ TĐ23 BĐQ) lên gấp để tiếp ứng.

Khi cơn pháo từ trong các hẻm núi, súng cối từ trong các hang động tiếp tục đổ vào bãi đáp, TĐ23 BĐQ của T/t Xuân và BCH/LĐ lần lượt đáp xuống Chupao.

Khoảng 16.00h cuộc đổ quân hoàn tất với tổn thất trung bình, nhưng đã cướp đi mạng sống T/T Nguyễn văn Tốt bị một mảnh pháo cắm vào đầu, chỉ sau một tuần nhậm chức. Ông đã từng chiến đấu trên khắp chiến trường miền nam và Campuchia, và là SQ đầu tiên nằm xuống tại cứ điểm Chupao.

Tình hình Kontumn trở nên nguy ngập vì địch bao vây. Ta chỉ còn giữ khu thị xã. Ông tướng Thiết giáp càng nóng nảy khi nhìn ngọn Chupao vẫn mịt mù lửa đạn. QL14 dưới chân núi vẫn ngoằn ngoèo lỗ chỗ đạn bom. Chuẩn tướng Hai, người anh cả BĐQ, cũng được hưởng lây cái nóng “mặt trời” Pleiku. Khi cuộc họp hành quân bất chợt được triệu tập tại căn cứ Plei Mrong, TrT/LĐT và tôi được bốc về tham dự.

Đến nay 40 mười năm qua, tôi vẫn còn nhớ như in khuôn mặt lạnh căm và lời huấn dụ của Chuẩn tướng Hai với Tr/T LĐT,

– Các anh là BĐQ, các anh không sợ các đơn vị bạn cười chê à. Gần cả tháng trời các anh không lấy được Chupao, không giải tỏa được quốc lộ. Các anh chỉ có tản thương rồi tiếp tế, tiếp tế rồi tản thương. Tôi lệnh cho LĐ2 bằng mọi giá phải chiếm cho được Chupao để giải tỏa quốc lộ.

Tr/T LĐT nghẹn lời, nêu lên những khó khăn trên địa hình địa vật, những hiểm nguy tổn thất hàng ngày phải trả và mời Chuẩn tướng lên chứng kiến các cuộc tấn công của LĐ. Hai ngày sau, vào một buổi sáng trời nắng trong, C&C của C/T Hai ghé thăm LĐ. Trực thăng vừa đáp xuống triền đồi, C/T Hai vừa rời khỏi phi cơ, thì viên T/U tùy viên đã bị cánh quạt trực thăng phiá sau đánh vào đầu khi vừa bước xuống. C&C vội vã đưa anh về Pleiku nhưng không thể cứu mạng sống của anh.

Đón C/T Hai, Tr/T Tòng thuyết trình tình hình hiện tại của ta và địch. Leo lên một tảng lớn, dùng ống nhòm, C/T Hai theo dõi cuộc tấn công của các toán thám kích vào các chốt và hang động có địch. L19, Bắc Đẩu, đang hướng dẫn hai phi tuần Thái Dương (khu trục) bắn phá vào các mục tiêu của địch theo sự hướng dẫn cuả LĐ. Trong khi đó, các toán thám kích trang bị gọn nhẹ tràn lên tấn công.

Họ phải lợi dụng từng hốc đá, thân cây, bò lên các vị trí cố thủ cuả VC. Nơi đây M16 không có chỗ dùng vì địch trú ẩn sâu trong lòng núi. Sự yểm trợ cuả máy bay cũng không hoàn toàn hữu hiệu, chính xác do trở ngại điạ hình. Lựu đạn, M.72, M79 của ta thi nhau nổ hoà lẫn với tiếng B40, 57ly, AK cuả địch. Nhìn từ trên cao, tôi có cảm giác như đang xem một phim chiến tranh mà những người đóng phim dùng ngay mạng sống của mình để diễn. Ai có thể hiểu thấu nỗi nguy hiểm của những người lính vô danh kia khi tử thần đang rình rập họ? Một sai lầm nhỏ đủ cướp đi một hay nhiều sinh mạng. Định mệnh khắc nghiệt chờ đón họ bất cứ lúc nào.

Lợi dụng các hầm trú ẩn thiên nhiên, VC trong hang, không suy suyển, càng bắn trả dữ dội hơn, pháo địch lại rót xuống nhiều hơn. Đá vẫn trơ gan, đạn thù vẫn rưới đều vào các toán thám kích. Quân ta bị cầm chân tại chỗ. Vẻ mặt đăm chiêu, Chuẩn Tướng Hai thở dài khi nhìn thấy các khó khăn mà những người lính mũ nâu phải gánh chịu. Im lặng, ông gọi C&C đưa về Pleiku.

Đêm 27/6/72 khoảng 22.00h, khi tôi đang trực trong lều hành quân, T/T Astrada, Cố vấn trưởng LĐ, cầm bản đồ chạy sang cho hay sáng sớm ngày 28/6 sẽ có 2 pack B52 đánh ngay trên đỉnh Chupao. Ông ta cho tôi tọa độ hai box ấy. Sau khi chấm trên bản đồ, tôi hồn phi phách tán, vì mục tiêu B52 bao trọn các điểm đóng quân của 2 TĐ cùng BCH/LĐ. Tôi trình Tr/T Tòng. Ông cũng ngạc nhiên không kém hỏi lại T/T Astrada. Một lần nữa ông ta xác định Ban CV/ QĐII vừa gọi cho biết rằng đúng 5.50h sáng ngày hôm sau B52 sẽ đánh như dự liệu. Lệnh di tản được âm thầm ban hành cho các đơn vị rời khỏi khu vực trú đóng. Các đơn vị trang bị gọn nhẹ, chiến đấu nhưng poncho, lều, balô để lại tại chỗ.

Đúng 4.00h sáng toàn bộ đơn vị di hành đánh thốc lên đỉnh Chupao. Đêm tối mù sương đoàn quân ma di chuyển tránh lưỡi hái tử thần. Đúng 5.45h, chiếc OV10 lên vùng, toán cố vấn Mỷ cố gắng liên lạc nhưng vô tuyến hoàn toàn im lặng.

Đúng 5.50h, lần đầu tiên trong đời tôi nghe tiếng rú của loạt bom B.52 đổ xuống, và tôi không thể nào quên. Mặt đất rung lên từng chập như cơn địa chấn. Khói lửa của bom và bụi đất bao trùm khoảng không gian trước mắt. Nhiều tảng đá vỡ vụn đang lăn lóc xuống triền. Trời sáng dần, nhìn xuống dưới nơi bom đạn rải qua, tôi thấy một cảnh hoang tàn khủng khiếp, không tưởng tượng nổi. Liên đoàn tiến thẳng lên đỉnh Chupao, những ổ kháng cự không còn giống như trước.

Ngày 29 và 30/6, khi hai TĐ 22 và 23 BĐQ bung rộng sang các ngọn núi chung quanh, địch kháng cự lẻ tẻ và yếu dần. Chiếm các cao điểm, đoàn quân dàn xuống lưng chừng núi. QL14 chạy dài dưới tầm mắt, người lính mũ nâu LĐ2 mừng rỡ vì đã giải tỏa được Chupao. Tin báo về QĐ, những chiếc L19 và khu trục bay lên bầu trời Chupao không còn phải tránh phòng không của địch, không còn phải oanh kích vị trí nghi ngờ, mà phun khói hình cờ vàng ba sọc đỏ của VNCH mừng chiến thắng của LĐ2 BĐQ. Tr/T Nguyễn Đạt Thịnh (Sao Bắc Đẩu) bay lên tận BCH/ LĐ với 2 chai Martell trao tận tay Tr/T Liên Đoàn Trưởng. Nỗi vui không cùng, ngay chiều 30/6, từng đoàn quân xa di chuyển trên QL14 tiếp tế và trang bị cho Kontumn giữa tiếng reo hò của đoàn quân Chupao và các đơn vị dọc theo quốc lộ.

Đáng nhớ hơn, ngày LĐ2 BĐQ giải tỏa Chupao (1-7-1972) cũng trùng với ngày thành lập binh chủng BĐQ (1/7/1960).

Sau đó LĐ2 BĐQ bàn giao vùng hành quân cho LĐ6 BĐQ, và trở về Hậu cứ Biển hồ Pleiku chuẩn bị cho cuộc Hành Quân Quang Trung 22/8 tái chiếm Tam quan-Bình định.

CUỘC HÀNH QUÂN TÁI CHIẾM TAM-QUAN, BỒNG SƠN

Sau cuộc hành quân giải tỏa Chupao, khai thông QL14, mặt trận vùng Kontum, Pleiku tương đối lắng dịu. CSBV, sau những âm mưu chiếm đất dành dân bị thất bại nặng nề tại các mặt trận An-lộc, Kontum, Quảng trị lực lượng, đã suy yếu rõ rệt. Chiến dịch Xuân Hạ 72 của chúng bị tan tan vỡ.

LĐ2 BĐQ được di chuyển về hậu cứ Biển Hồ dưỡng quân, bổ sung quân số và chỉnh đốn các nhu cầu cần thiết. Ngày 18/7, LĐ lại nhận được lệnh tăng phái cho SĐ 22 BB trong Chiến dịch Quang Trung tái chiếm Tam-quan, Bồng sơn còn nằm trong vòng kiểm soát của CSBV. Một cuộc hành quân hầu như được báo trước để ta và địch cùng chuẩn bị. Lâu lắm rồi những con cọp núi mới có dịp về đồng bằng Bình Định.

Ngày 19/7, khu trại gia binh các TĐ 11, 22, 23 BĐQ dậy thật sớm. Mọi người nhộn nhịp chuẩn bị cho cuộc hành quân mới nhưng cũng không dấu được những vẻ âu lo.

06.00h, các GMC được phân phối đến các TĐ trực thuộc. Hôm nay trời nắng đẹp, L19 bao vùng cho cuộc di quân, trong khi C&C biệt phái cho Liên Đoàn đã sẵn sàng trước sân. Giờ G, đoàn xe bắt đầu di chuyển theo thứ tự TĐ 11, 22, BCH/LĐ, 23 từ Biển hồ vào phố Pleiku để theo QL 19 xuôi xuống đồng bằng. Phố núi vẫn đông đúc với nhịp sống thường nhật, dân chúng bên đường vẫy tay chào đoàn quân mũ nâu đi vào trận chiến mới. Rời Phố núi, đèo Mang giang, đèo An khê, Phú Phong, An Nhơn, khoảng 16.00h LĐ dừng quân và tạm trú tại ngả ba cầu Bà Gi trong căn cứ cũ của Sư Đoàn Bạch Mã, Đại hàn.

*Ngày 20/7, LĐ tiếp tục di chuyển lên hướng bắc Bình Định theo QL1 đến Bồng sơn, Tam Quan. Tiền cứ được đặt tại BCH/ TrĐ41/ SĐ22 BB Trà Quang (Phù Mỹ). LĐ tạm dừng quân phía bắc Phù Mỹ và đóng quân dọc QL1. TĐ11 BĐQ chiếm các cao điểm dọc quốc lộ phía nam đèo Nhông, tiếp đến TĐ23 BĐQ và BCH/LĐ sau cùng TĐ22 BĐQ, do T/T Vĩnh Hùng vừa được bổ nhiệm làm TĐT (Thế Cố Tr/t Nguyễn văn Tốt hy sinh tại đỉnh Chupao).

*Ngày 21/7, LĐ nhận nhiệm vụ chính thức từ Đại tá Phan đình Niệm, TL/ SĐ22 BB. LĐ sẽ phải tái chiếm Tam Quan, Bồng Sơn, đồng thời giải tỏa áp lực địch và khai thông QL1 từ đèo Nhông đến Đèo Bình Đê (Sa Huỳnh, Quảng Ngãi).

*Ngày 22 và 23/7, C&C từ phi trường Phù Cát đón Tr/T LĐT lên quan sát trận địa, chọn bãi đáp và đổ quân đồng thời rải truyền đơn Chiêu Hồi kêu gọi cán binh CS ra đầu thú. Một cuộc hành quân tái chiếm được báo trước. Tr/T LĐT phân nhiệm cho các TĐ trưc thuộc như sau:

– TĐ 11 (T/T Ngô văn Mai) có nhiệm vụ giải tỏa QL1 từ nam đèo Nhông, đèo Phù Củ đến cầu Bồng Sơn, mở rộng và kiểm soát toàn bộ khu vực trách nhiệm.
– TĐ 22 (T/T Vĩnh Hùng) được trực thăng vận xuống Đệ Đức tái chiếm Bồng Sơn, Hoài Nhơn bắt tay với TĐ11 hướng nam và TĐ 23 hướng bắc.
– TĐ 23 (T/T Trịnh thanh Xuân) được trực thăng vận tái chiếm Tam Quan, sau đó cho phối trí lực lượng tiến chiếm đồi 10 đồng thời bung rộng ra hướng biển Tam Quan, Cửu Lợi.

*Ngày 24/7, cuộc hành quân bắt đầu, các đơn vị đã sẵn sàng vào cuộc chiến. Bãi đáp được chọn là khu mả A Sầu, khu nghĩa trang của một gia tộc người Hoa để tránh thiệt hại nhà cửa ruộng vườn. Nơi đây, dân chúng còn kẹt lại trong vùng gần 3 tháng dưới sự kiểm soát của CS.

Khoảng 08.00h, hải pháo Hoa Kỳ ngoài khơi biển Tam Quan được xử dụng tối đa để yểm trợ hầu giảm thiểu thiệt hại khi đổ quân. Toán tiền sát viên Hoa Kỳ biệt phái cho LĐ được toàn quyền xử dụng hải pháo khi có nhu cầu… Khu trục và trực thăng vũ trang dọn sạch bải đáp, phá hủy tháp nước trong khu mả.

Khoảng 09.00h, hai đại đội đầu tiên của TĐ 23 BĐQ được trực thăng vận vào vùng từ hướng biển, bay sát trên rừng dừa bạt ngàn để tránh phòng không và xuống mục tiêu đã định. Khi những chiếc trực thăng đầu tiên vừa xuống, hàng loạt đạn pháo của địch nổ dòn trên bải đáp vẫn không cản được bước tiến của đoàn quân mũ nâu. Trực thăng chưa chạm đất những người lính đã rời khỏi tàu, tiến sát vào rừng dừa chiếm các cao địa. Trực thăng vũ trang cố gắng tìm kiếm và thanh toán pháo địch.

Dân chúng Tam Quan cũng bắt đầu xông trận. Không sợ pháo và đạn thù, họ ùa nhau lên những chiếc trực thăng vừa đổ quân mong được bốc ra khỏi vùng lửa đạn. Lính bị thương, dân bị thương nhưng họ vẫn không nản lòng và chùn bước. Những ông bà cụ già, những phụ nữ trẻ em mang tất cả gia sản còn lại trên lưng cố gắng chen chúc nhau lên trực thăng để được trở về vùng tự do. Hai đại đội đầu đã tiến sâu vào rừng dừa, chiếm nhà thờ của dòng họ. Chỉ có những cuộc chạm súng lẻ tẻ. Trước áp lực của quân ta địch đã bỏ chạy và rút đi. Hai đại đội sau và BCH/ TĐ bung rộng ra hướng QL xuôi về hướng nam chiếm những cao ốc hai ven lộ. Những lá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay trở lại trên đường phố Tam Quan sau gần 3 tháng xếp mình. Một số dân chúng đã ở lại với đoàn quân mừng vui kể chuyện tháng ngày qua tạm sống dưới nanh vuốt cuả CS.

Tiếp đó, TĐ 22, được trực thăng vận xuống Đệ Đức, cũng chỉ gặp sự kháng cự lẻ tẻ của địch. TĐ tiến quân lên bắc bắt tay với TĐ 23 đổ quân về nam, giải tỏa quận lỵ Bồng Sơn, Hoài Nhơn với những tổn thất không đáng kể.

TĐ 11 cũng hoàn thành nhiệm vụ khai thông QL, đánh bật các chốt ở đèo Nhông và đèo Phù Củ, kiểm soát cả vùng Dương Liễu và bắt tay với TĐ22 ở hướng bắc.

Cuộc hành quân trực thăng vận tái chiếm Tam Quan, Bồng Sơn và khai thông QL1 thật nhanh chóng và thành công ngoài dự liệu. Trong vòng 24 tiếng đồng hồ LĐ 2 BĐQ đã hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.

Ngày 25/7, Thiếu tướng Nguyễn văn Toàn -TL/QĐ2 và QK2, Đại tá Phan đình Niệm – TL/SĐ22, Đại tá Phạm duy Tất – CHT/BĐQ/QK2, và Đại tá TKT/TK/BĐ cùng phái đoàn báo chí, truyền thanh truyền hình quân đội xuống thăm LĐ và dân chúng sống ven QL1, đăng tải tin tức chiến cuộc và đã ca ngợi QLVNCH.

MN Trần Tấn Đởm

SOURCE:

https://baovecovang2012.wordpress.com/2013/04/22/lien-doan-2-bdq-voi-mua-he-do-lua-tai-vung-ii-mn-tran-tan-dom/

 

Monday, August 23, 2021

Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung

 

 


 

Hiệu Kỳ

 


Huy hiệu Trung tâm Huấn luyện Quang Trung
 
.

Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung (tiếng Anh: Quang Trung National Training Center, QTNTC) là một Quân trường cấp Quốc gia, trực thuộc Tổng cục Quân huấn trong hệ thống điều của Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, tồn tại từ 1953 đến 1975. Trung tâm tọa lạc tại địa phận Quán Tre, quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định với mục đích đào tạo quân nhân cho QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA.

Bài Ca Chính Thức:

Quang Trung Hành Khúc.

Lược Sử:

Trung tâm được thành lập ngày 1/4/1953 với danh xưng ban đầu là Trung tâm Huấn luyện Quán Tre. Trên danh nghĩa là Quân trường của Quân đội Quốc gia nhưng vẫn do Quân đội Pháp điều hành huấn luyện và Chỉ huy trưởng. Đến năm 1954 mới chuyển cho Quân đội Quốc gia điều hành và huấn luyện.

Ngày 1/6/1955, Trung tâm được đổi tên thành Trung tâm Huấn luyện số 1.

Ngày 1/6/1957, để kỷ niệm vị Anh Hùng Dân tộc vua Quang Trung, Tổng thống Ngô Đình Diệm ra quyết định cải danh Trung tâm thành Trung tâm Huấn luyện Quốc gia Quang Trung.

Trung tâm Huấn luyện Quang Trung là xương sống của Quân đội. Chuyên đào tạo và huấn luyện tới 80% các binh sĩ tình nguyện và tân binh quân dịch, cung cấp cho các quân, binh chủng trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Thông thường các khoá sinh được huấn luyện trong thời gian là 3 tháng.

Đảm nhận huấn luyện giai đoạn 1 (căn bản quân sự) cho các khoá sinh để sau đó gởi đến Trường chuyên môn, Trường Bộ binh hoặc Trường Hạ sĩ quan học tiếp giai đoạn 2 để trở thành sĩ quan và hạ sĩ quan. Ngoài ra Trung tâm còn huấn luyện các khoá học do Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Quân huấn giao phó.

Có những giai đoạn Trung tâm cùng với Trung tâm Huấn luyện Quốc gia Lam sơn đảm nhận luôn việc đào tạo Hạ sĩ quan (Quang Trung trách nhiệm Quân khu 3 và 4, Lam Sơn trách nhiệm Quân khu 2 và 1, thời gian khoá sinh thụ huấn là 6 tháng)

Trung Tâm Huấn luyện Quang Trung đã tròn trách nhiệm của mình cho đến 30/4/1975 thì chấm dứt nhiệm vụ.

Chỉ Huy Trưởng Qua Các Thời Kỳ:

1 - Trung tá Trần Tử Oai (Võ bị Tong Sơn Tây) từ 01/1954-12/1956.

Sau cùng là Tổng trưởng Thông tin.

Giải ngũ năm 1965 ở cấp Thiếu Tướng.

2 - Trung tướng Nguyễn Ngọc Lễ (Hạ sĩ quan Pháp) từ 12/1956-01/1958.

Giải ngũ năm 1965

3 - Thiếu tướng Mai Hữu Xuân (Liêm phóng Pháp) từ 01/1958-11/1963.

Sau cùng giữ chức Phụ tá Tổng tư lệnh Quân lực (Tổng tham mưu trưởng). Giải ngũ năm 1965 ở cấp Trung tướng

4 - Đại tá Đặng Thanh Liêm (Võ bị Viễn Đông) từ 11/1963-02/1964.

Sau cùng giữ chức Tư lệnh Sư đoàn 5 BB. Giải ngũ năm 1965 ở cấp Thiếu Tướng.

5 - Trung tá Phạm văn Liễu (Địa phương Bắc Việt) từ 02/1964-03/1964.

Sau cùng giữ chức Tham vấn Hoà đàm Paris. Giải ngũ cấp Đại tá.

6 - Đại tá Nguyễn Thanh Sằng (Võ bị Huế K2) từ 03/1964-07/1964.

Sau cùng là Thiếu tướng Tư lệnh phó Quân đoàn IV. Giải ngũ năm 1973.

7 - Trung tá Vũ Ngọc Tuấn (Sĩ quan Thủ Đức) từ 07/1964-10/1964.

Sau cùng là Đại tá Tham mưu trưởng Quân đoàn III.

8 - Thiếu tướng Nguyễn Văn Vỹ (Võ bị Tong Sơn Tây) từ 10/1964-11/1966

Sau cùng giữ chức Tổng trưởng Quốc phòng. Giải ngũ năm 1973.

9 - Đại tá Lê Ngọc Triển (Võ bị Huế K2) từ 11/1964-08/1969

Sau cùng là Thiếu tướng Tham mưu phó Bộ Tổng Tham Mưu.

10 - Thiếu tướng Hoàng Văn Lạc (Võ bị huế K2) từ 08/1969-01/1973.

Sau cùng là Thiếu tướng Tư lệnh phó Lãnh thổ Quân khu 1.

11 - Thiếu tướng Phạm Văn Phú (Võ bị Đà Lạt K8) từ 01/1973-11/1974

Sau cùng là Thiếu tướng Tư lệnh Quân đoàn II. Tự sát ngày 30/4/1975.

12 - Thiếu tướng Trần Bá Di (Võ bị Đà Lạt K5) từ 11/1974-04/1975

Chỉ huy trưởng sau cùng.

 








 SOURCES:

https://anhxua.net/album/trung-tam-huan-luyen-quang-trung.html

Page Phóng Viên Chiến Trường  

http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/09/len-uong-nhap-ngu.html

 

Kỷ Niệm Quân Trường Quang Trung | Sử Ca Thời Loạn 

Ký Sự Bottes De Saut


 .

Tuesday, August 17, 2021

KABUL KHÔNG PHẢI LÀ SÀI GÒN (Trần Trung Đạo)

 


Qua nay nhiều tác giả nghĩ rằng những gì đang xảy ra tại Kabul cũng giống như đã xảy ra tại Sài Gòn 30-4-1975, tuy nhiên đó chỉ giống nhau về hình thức.

Cuộc chiến tranh Afghanistan và chiến tranh Việt Nam khác nhau về kích thước và nhất là về bản chất.

Mục đích của Mỹ và đồng minh không phải để bảo vệ “Afghanistan Cộng Hòa”, tương tự như bảo vệ Việt Nam Cộng Hòa mà là để đánh bại tổ chức khủng bố al-Qaeda do Osama bin Laden dùng Afghanistan như một hậu phương an toàn.

Theo tài liệu của Hội Đồng về Quan Hệ Ngoại Giao (Council on Foreign Relations) từ 1999 Liên Hiệp Quốc đã có ủy ban chuyên trách về tổ chức khủng bố al-Qaeda gọi là al-Qaeda and Taliban Sanctions Committee.

Sau biến cố 9/11, TT George W. Bush quyết định tấn công nếu Taliban không giao nộp bin Laden và đồng đảng. Ngày 7 tháng 10, 2001 liên quân đồng minh trên danh nghĩa gồm Mỹ, Anh, Canada, Úc, Đức, Pháp mở các cuộc oanh tạc phối hợp với các lực lượng chống Taliban đánh bật Taliban ra khỏi Kabul, tuy nhiên Osama bin Laden và lãnh tụ Taliban là Mullah Omar trốn thoát.

Cuối năm 2001, một chính phủ liên hiệp do Liên Hiệp Quốc và Iran bảo trợ do Hamid Karzai đứng đầu được thành lập. Mỹ ủng hộ. TT George W. Bush trong diễn văn tại Virginia Military Institute ngày 17 tháng 4, 2002 kêu gọi tái thiết Afghanistan. Nhưng cũng ngay sau đó, nội bộ phe đồng minh và NATO có nhiều điểm bất đồng. Chính phủ Karzai bị tố cáo tham nhũng và không chính danh vì không thắng đủ túc số 50 phần trăm trong cuộc bầu cử tổng thống 2009.

Những bất ổn chính trị tạo điều kiện cho Taliban phục hồi và chiếm một phần ba lãnh thổ Afghanistan. Bên cạnh đó, các vụ khủng bố bằng ôm bom tự sát gia tăng với một cường độ chưa bao giờ có trước đó. Tháng 5, 2014 TT Obama công bố một thời khóa biểu rút quân.

Tới phiên TT Trump. Vào tháng 8, 2017 ông cũng có ý định rút quân nhưng không muốn tạo một lổ hổng cho khủng bố tái phát. Dưới thời TT Trump, Mỹ tiến hành đàm phán với Taliban trên cơ sở Mỹ đồng ý rút quân và Taliban đồng ý không chứa chấp khủng bố đồng thời tham gia đàm phán giải quyết các vấn đề nội bộ của Afghanistan. Tháng 2, 2020, thỏa hiệp giữa Mỹ và Taliban được ký. Mỹ bắt đầu rút quân.

Ngày 14 tháng 4, 2021, TT Biden tuyên bố việc rút quân sẽ hoàn tất vào 9 tháng 11 2021 mặc dù trên thực tế, việc rút 600 sĩ quan và binh sĩ chiến đấu cuối cùng đã hoàn tất từ tháng 7, 2021.

Yếu tố khác nhau căn bản giữa hai cuộc chiến là nền cộng hòa.

Chế độ Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam được thiết lập trước khi Mỹ đưa quân sang Việt Nam và dù có Mỹ hay không, quân dân miền Nam vẫn chiến đấu và hy sinh cho nền cộng hòa non trẻ, cho khát vọng tự do.

Mục đích và lý tưởng tự do đó vẫn còn đang tiếp tục và sẽ tiếp tục cho tới khi nền cộng hòa được thiết lập không chỉ riêng cho miền Nam mà cho cả dân tộc Việt Nam.

Con đường đó có thể dài hơn con đường từ thủ đô Washington D.C. đến Kabul hay Baghdad, nhưng sẽ là con đường của niềm tin và hy vọng, của giấc mơ Việt Nam đang dần dần trở thành hiện thực.

Người Việt yêu nước sẽ tiếp tục vận dụng các yếu tố quốc tế vào cuộc vận động tự do dân chủ nhưng như bài học Afghanistan cho thấy dân chủ không phải là sản phẩm đóng thùng sẵn từ Washington D.C. mà bằng hy sinh xương máu của chính người Việt Nam.

Luôn dịp, đăng lại bài viết đã đăng trong phần 'Notes' trước đây và mời các bạn trẻ đọc để biết thêm về bản chất của cuộc chiến Việt Nam:

GỌI TÊN CUỘC CHIẾN

Ngày 23 tháng 3, 2017, Giáo sư Drew Gilpin Faust, Viện trưởng Viện Đại Học Harvard viếng thăm Đại học Fulbright Việt Nam. Nhân dịp này bà đọc một diễn văn tại Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn. Phần khá dài của diễn văn, bà dành để nói về Chiến tranh Việt Nam, nội chiến Hoa Kỳ và hòa giải Nam Bắc Mỹ.

Trong suốt diễn văn bà Drew Faust không hề nhắc đến sự chịu đựng của người dân miền Nam Việt Nam hay nhắc đến Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), chính phủ đại diện cho hơn một nửa dân số Việt Nam ngày đó.

Người viết không nghĩ bà dè dặt hay không muốn làm buồn lòng quốc gia chủ nhà. Nhưng giống như một số khá đông các trí thức Mỹ trước đây, sau 44 năm từ khi các đơn vị trực tiếp chiến đấu Mỹ rút khỏi Việt Nam vào tháng Ba năm 1973, bà vẫn chưa nhìn sâu được vào bản chất của cuộc Chiến tranh Việt Nam.

Việt Nam trong diễn văn của bà Drew Faust là Cộng Sản Việt Nam.

Bà Drew Faust không hiểu được trên con đường Việt Nam đầy máu nhuộm chạy dài suốt 158 năm, từ khi viên đại bác của Rigault de Genouilly bắn vào Sơn Chà, Đà Nẵng sáng ngày 1 tháng 9, 1859 cho tới hôm nay, nhiều triệu người Việt đã hy sinh vì độc lập tự do dân tộc.

Đảng CS là một nhóm rất nhỏ, và chỉ ra đời vào tháng 3, 1930. Cộng Sản thắng chỉ vì họ có mục đích thống trị rõ ràng, dứt khoát, kiên trì và bất chấp mọi phương tiện để hoàn thành mục tiêu đã vạch ra.

Bà Drew Faust là người học nhiều, hiểu rộng. Chắc chắn điều đó đúng. Nhưng nghe một câu chuyện và cảm thông với những nạn nhân trong câu chuyện là một chuyện khác. Ngôn ngữ không diễn tả được hết nỗi đau và đôi mắt thường không thấy được những vỡ nát bên trong một vết thương.

Là một sử gia, bà biết lịch sử được viết bởi kẻ cưỡng đoạt không phải là chính sử. Chính sử vẫn còn sống, vẫn chảy nhưng chỉ được hiểu bằng nhận thức khách quan, tinh tế, chia sẻ với những tầng lớp người đang chịu đựng thay vì đứng về phía giới cầm quyền cai trị.

Một ví dụ về chính sử. Năm 1949 tại Trung Cộng, trong cuộc bỏ phiếu bầu chức vụ Chủ tịch Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, Mao tin tưởng tuyệt đối 547 đại biểu sẽ bỏ phiếu cho ông ta. Không, chỉ có 546 người bỏ phiếu thuận, nhà nghiên cứu triết học Zhang Dongsun bỏ phiếu chống lại Mao. Ông bị đày đọa và chết trong tù nhưng lịch sử Trung Hoa ngày sau sẽ nhớ đến ông như một người viết chính sử Trung Hoa.

Việt Nam cũng thế. Chính sử vẫn đang được viết không phải từ những người đang đón tiếp bà mà bằng những người đang ngồi trong tù, đang bị hành hạ, đày ải, trấn áp dưới nhiều hình thức.

Khát vọng độc lập, tự do, từ những ngày đầu tháng 9, 1859 ở Cẩm Lệ, Quảng Nam, nơi máu của Đô Thống Lê Đình Lý chảy xuống cho đến hôm nay, vẫn cùng một dòng và chưa hề gián đoạn.

Nhân dịp tháng Tư năm 2017, người viết xin phân tích một số định nghĩa về nội dung của cuộc Chiến tranh Việt Nam. Bài này tổng hợp một số bài ngắn của người viết đã phổ biến trước đây.

Chiến tranh Việt Nam là Chiến tranh Ủy nhiệm (Proxy War)?

Chiến tranh ủy nhiệm (Proxy War) là cuộc chiến tranh mà các quốc gia bên ngoài, thường là cường quốc, không tham gia trực tiếp cuộc chiến nhưng qua hình thức cung cấp võ khí, tài chánh cho các phe cánh, lực lượng trong quốc gia đó đánh nhau vì quyền lợi riêng của các phe nhóm này nhưng cũng tương hợp với quyền lợi của nước bên ngoài.

Chiến tranh đang diễn ra tại Syria thường được báo chí gọi là chiến tranh ủy nhiệm. Mỹ, Nga, Iran, Thổ, Anh, Pháp, Saudi Arabia và Qatar góp phần tàn phá Syria khi yểm trợ cho các phe nhóm, nhiều khi bất cần hành vi khủng bố của các phe nhóm này, để tranh giành ảnh hưởng và tài nguyên của vùng Trung Đông.

Không ít báo chí quốc tế và nhà nghiên cứu Chiến tranh Lạnh gọi chiến tranh Việt Nam trước khi Mỹ đổ bộ vào tháng Năm, 1965, là chiến tranh ủy nhiệm, trong đó Trung Cộng, Liên Xô một bên, Mỹ và đồng minh một bên.

Định nghĩa chiến tranh Việt Nam là chiến tranh ủy nhiệm chỉ đúng khi nhìn cuộc chiến từ quan điểm đế quốc dù là Mỹ, Liên Xô hay Trung Cộng chứ không phải từ vết thương, từ vị trí của nạn nhân buộc phải chiến đấu để sống còn như dân và quân miền Nam Việt Nam.

Như có lần người viết dẫn chứng, một người lính nghĩa quân gác chiếc cầu ở đầu làng để mấy anh du kích khỏi về giựt sập cũng là một biểu hiện hùng hồn của lý tưởng tự do và chủ quyền. Chiếc cầu là huyết mạch kinh tế của làng, là trục giao thông chính của làng, là vẻ đẹp của làng, và bảo vệ chiếc cầu là nhiệm vụ sống còn mà người lính nghĩa quân phải làm cho bằng được.

Không ai “ủy nhiệm” anh lính Nghĩa Quân cả. Anh không bảo vệ chiếc cầu giùm cho Mỹ mà cho chính anh và bà con trong thôn xóm của anh. Lý tưởng tự do của một dân tộc dù thiêng liêng to lớn bao nhiêu cũng bắt nguồn từ những hình ảnh nhỏ nhoi nhưng đầy ý nghĩa đó.

Trong phần lớn chiều dài của cuộc chiến, quyền lợi của Mỹ ở Đông Nam Á và quyền lợi của VNCH tương hợp. VNCH đã nhận hầu hết viện trợ quân sự của Mỹ kể cả nhân lực nhưng không đánh thuê cho Mỹ như CS tuyên truyền.

Sau Thông Cáo Chung Thượng Hải năm 1972 và Hiệp Định Paris năm 1973, chính sách của Mỹ tại Đông Nam Á thay đổi, quyền lợi VNCH và Mỹ do đó không còn tương hợp nữa. Mỹ rút quân và cắt giảm viện trợ quân sự quá chênh lệch so với nguồn viện trợ quân sự CSVN nhận từ Liên Xô, Trung Cộng và phong trào CS Quốc Tế.

Cho dù cạn kiệt nguồn cung cấp, quân và dân VNCH vẫn chiến đấu và hy sinh cho tự do của họ, không phải chỉ sau Hiệp định Paris 1973, không phải đến ngày 30-4-1975 mà cả sau 30-4-1975, hôm nay và cho đến khi chế độ CS còn hiện diện tại Việt Nam.

Chiến tranh Việt Nam là Nội chiến (Civil War)?

Nhiều người chỉ nhìn vào mái tóc, màu da, khuôn mặt, chủng tộc, dòng máu và kết luận chiến tranh Việt Nam là nội chiến. Thật ra, mái tóc, màu da, khuôn mặt, dòng máu chỉ là hình thức.

Thế nào là nội chiến?

Theo các định nghĩa chính trị học, Nội chiến (Civil War) là cuộc chiến tranh giữa hai thành phần có tổ chức trong cùng một quốc gia vốn trước đó thống nhất, mục đích của một bên là chiếm đoạt bên kia để hoàn thành ý định chinh phục lãnh thổ hay thay đổi chính sách nhưng không thay đổi thể chế.

Theo định nghĩa này, chiến tranh Nam-Bắc Mỹ là nội chiến, hoặc xung đột võ trang giữa chính phủ da trắng và Nghị Hội Toàn Quốc Nam Phi (African National Congress) gọi tắt là ANC chống chính sách Phân biệt Chủng tộc tại Nam Phi là nội chiến.

Bắc Mỹ dưới sự lãnh đạo của TT Abraham Lincoln thắng cuộc nội chiến Mỹ nhưng chỉ thay đổi chính sách nô lệ, trong lúc cơ chế chính trị và chính phủ cấp tiểu bang gần như không thay đổi nhiều.

Tại Nam Phi cũng vậy. Sau cuộc đấu tranh dài dưới nhiều hình thức, cuối cùng ANC đã thắng nhưng cũng chỉ hủy bỏ chính sách Phân Biệt Chủng Tộc (Apartheid) tại Cộng Hòa Nam Phi nhưng không xóa bỏ nền kinh tế thị trường tư hữu. Không chỉ cựu Tổng thống de Klerk trở thành cố vấn của TT Nelson Madela trong suốt nhiệm kỳ mà nhiều viên chức trong chính phủ của de Klerk, các tư lịnh quân binh chủng, lực lượng cảnh sát quốc gia đều tiếp tục nhiệm vụ của họ.

Sau Hiệp định Geneva 1954, Việt Nam Cộng Hòa không có ý định chiếm đoạt lãnh thổ miền Bắc hay lật đổ cơ chế CS miền Bắc. Chính phủ và nhân dân VNCH hoàn toàn không muốn chiến tranh. Sau một trăm năm chịu đựng không biết bao nhiêu đau khổ dưới ách thực dân, mục đích trước mắt của nhân dân miền Nam là có được cơm no, áo ấm, có được cuộc sống tự do và xây dựng miền Nam thành một nước cộng hòa hiện đại.

Giấc mơ tươi đẹp của nhân dân miền Nam đã bị ý thức hệ CS với vũ khí của Liên Xô, Trung Cộng tàn phá vào buổi sáng 30-4-1975.

Sau khi VNCH bị cưỡng chiếm, đảng CSVN không phải chỉ thay đổi về chính sách như trường hợp Mỹ hay Nam Phi mà thay đổi toàn bộ cơ chế. Nói theo lý luận CS đó là sự thay đổi tận gốc rễ từ thượng tầng kiến trúc chính trị đến hạ tầng cơ sở kinh tế bằng các phương pháp dã man không thua kém Hitler, Mao, Stalin.

Do đó, gọi chiến tranh Việt Nam là nội chiến chỉ đúng về hình thức, nội dung vẫn là chiến tranh của các chính phủ và nhân dân miền Nam chống ý thức hệ CS xâm lược.

Chiến tranh Việt Nam là "Chiến tranh chống Mỹ Cứu Nước"?

Stalin, trong buổi họp với Mao và Hồ Chí Minh tại Moscow giữa tháng Hai, 1950 đã phó thác sinh mạng CSVN vào tay Trung Cộng. Theo William J. Duiker trong Ho Chi Minh: A Life, Stalin nói với Hồ Chí Minh tại Moscow "Từ bây giờ về sau, các đồng chí có thể tin tưởng vào sự giúp đỡ của Liên Xô, đặc biệt hiện nay sau thời kỳ chiến tranh, thặng dư của chúng tôi còn rất nhiều, và chúng tôi sẽ chuyển đến các đồng chí qua ngả Trung Quốc. Tuy nhiên vì điều kiện thiên nhiên, chính yếu vẫn là Trung Quốc sẽ giúp đỡ các đồng chí. Những gì Trung Quốc thiếu chúng tôi sẽ cung cấp." Sau đó tới phiên Mao, y cũng lần nữa xác định với Hồ "Bất cứ những gì Trung Quốc có mà Viêt Nam cần, chúng tôi sẽ cung cấp."

Theo Trương Quảng Hoa trong Hồi ký của những người trong cuộc, Hồ Chí Minh thưa với Mao trên xe lửa từ Liên Xô về Trung Cộng "Mao Chủ tịch, Stalin không chuẩn bị viện trợ trực tiếp cho chúng tôi, cũng không ký hiệp ước với chúng tôi, cuộc chiến tranh chống Pháp từ nay về sau chỉ có thể dựa vào viện trợ của Trung Quốc."

CSVN hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Cộng, không chỉ phương tiện chiến tranh, kinh tế, quốc phòng, hệ ý thức, cơ sở lý luận mà cả cách nói, cách ăn mặc, cách chào hỏi. Mao gần như đơn phương quyết định mọi hoạt động quân sự của Việt Minh kể cả việc chọn ngày, chọn tháng cần phải chiếm Điện Biên Phủ.

Sau xung đột Eo Biển Đài Loan, và trầm trọng hơn, sau chiến tranh Triều Tiên với gần 400 ngàn quân Trung Cộng bị giết, trong số đó có Mao Ngạn Anh (Mao Anying), con trai trưởng và gần gũi nhất của Mao, từ đó kẻ thù lớn nhất của Mao Trạch Đông là Mỹ. Mao chỉ thị toàn bộ bộ máy tuyên truyền tại Trung Cộng phải chống Mỹ bằng mọi giá. Chống Mỹ từ xa, chống Mỹ ở gần, chống Mỹ trong lý luận, chống Mỹ trong thực tế, chống Mỹ khi có mặt Mỹ và chống Mỹ khi không có mặt Mỹ.

Tuân lệnh Mao, trong Hội nghị Lần thứ Sáu của Trung ương Đảng CSVN từ ngày 15 đến 17 tháng 7 năm 1954, Hồ Chí Minh và Bộ chính trị đảng CSVN đã nghĩ đến chuyện đánh Mỹ: Hiện nay đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân thế giới và nó đang trở thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Đông Dương, cho nên mọi việc của ta đều nhằm chống đế quốc Mỹ.”

Khẩu hiệu “Chống Mỹ cứu nước” được thai nghén từ quan điểm và thời điểm này.

Nhưng “nước” trong khẩu hiệu “Chống Mỹ cứu nước” phải hiểu là nước Tàu chứ không phải nước Việt, lý do trong thời điểm này chưa có một người lính hay một cố vấn Mỹ nào ở Việt Nam. Hôm đó, ngay cả Hiệp định Geneva 1954 cũng còn chưa ký.

Với chỉ thị của Mao và kiên trì với mục đích CS hóa Việt Nam đề ra từ 1930, vào tháng 5, 1959, Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao Động sau khi biết rằng việc chiếm miền Nam bằng phương tiện chính trị không thành, đã quyết định đánh chiếm miền Nam bằng võ lực dù phải “đốt cháy cả dãy Trường Sơn” như Hồ Chí Minh đã nói. Gần hết đồng bào miền Bắc bị đảng lừa vào cuộc chiến “giải phóng dân tộc” và hàng triệu người đã uống phải viên thuốc độc bọc đường “chống Mỹ cứu nước” nên bỏ thây trên khắp hai miền.

Lý luận chính phủ VNCH không thực thi “thống nhất đất nước” theo tinh thần Hiệp định Geneva chỉ là cái cớ tuyên truyền.

Thực tế chính trị thế giới của giai đoạn sau Thế Chiến thứ Hai là thực tế phân cực và sự chọn lựa của thời đại là chọn lựa giữa ý thức hệ Quốc gia và Cộng sản. Không chỉ các quốc gia bị phân chia như Nam Hàn, Tây Đức mà cả các quốc gia không bị phân chia như Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ v.v… cũng chọn thế đứng dân chủ Tây Phương để làm bàn đạp phát triển đất nước.

Giả sử, nếu có bầu cử để “thống nhất đất nước” và đảng CS thua, liệu họ sẽ giải nhiệm các cấp chính trị viên và sáp nhập vào quân đội quốc gia, giải tán bộ máy công an chìm nổi, đóng cửa các cơ quan tuyên truyền, từ chức khỏi tất cả chức vụ điều hành đất nước? Trừ phi mặt trời mọc ở hướng tây và lặn ở hướng đông điều đó không bao giờ xảy ra.

“Trên trời có đám mây xanh,

Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng…”

Câu ca dao quen thuộc mà ai cũng biết. Đó là chưa kể đến mây xám, mây đen, mây hồng, mây tím trong thơ và nhạc. Nhưng mây màu gì? Mây thực sự chỉ là màu trắng. Màu mây thay đổi do ánh nắng mặt trời tùy theo mỗi khoảnh khắc trong ngày.

Cuộc chiến Việt Nam cũng vậy. Tên gọi của cuộc chiến khác nhau tùy theo quan điểm, góc nhìn, quyền lợi và mục đích, nhưng với nhân dân miền Nam, đó chỉ là cuộc chiến tự vệ của những người Việt yêu tự do dân chủ chống lại ý thức hệ CS độc tài toàn trị xâm lược.

Không thấy rõ bản chất xâm lược của ý thức hệ CS sẽ khó có thể chọn con đường đúng để phục hưng Việt Nam.

Trần Trung Đạo

SOURCES:

http://www.trantrungdao.com/?p=5454

https://vietnamthoibao.org/vntb-kabul-khong-phai-la-sai-gon/?fbclid=IwAR0ew5luYyjys8Fdvsn3XPyLvmBpvi7Gh3TBN7c10mW8aRxJZmamy7mSOgY%20%20%20