Sunday, December 31, 2023

HAPPY NEW YEAR 2024

 




Trần Đình Hoành - Auld Lang Sine – Happy New Year

31/12/2023

 

Chào các bạn,

Auld lang syne, bản nhạc chấm dứt, là bản nhạc phổ thông số một trên thế giới, vì ai trên thế giới cũng biết. Và bản nhạc đầu năm, Happy New Year của ABBA, cũng có thể là bản nhạc trên thế giới ai cũng biêt.

Đương nhiên là người Việt Nam nào cũng biết "Auld lang syne". Tuy nhiên lời chính thức thì có lẽ là đại đa số người Việt đều chỉ biết có một lời chính thức: Ò e Rô-be đánh đu, Tặc-dăng nhảy dù, Zô-rô bắn súng, chết cha con ma nào đây, thằng Tây hết hồn, thằn lằn cụt đuôi. Và tên Việt Nam chính thức của bản nhạc là “Ò Ẹ”

"Auld lang sine" là môt bài thơ phổ thành nhạc theo âm điệu dân ca truyền thống của Tô Cách Lan (Scotland), do Robert Burns viết năm 1788. Burns gởi bản nhạc vào Viện Bảo Tàng Nhạc Tô-Cách-Lan với dòng chữ: “Bản nhạc sau đây là một bản nhạc cổ xưa, chưa bao giờ được in ra, chưa bao giờ được viết xuống, cho đến khi tôi ghi lại từ một ông cụ.”

Auld lang sine là tiếng Tô Cách Lan cũ, có nghĩa là “old long since”, hay “long long ago” and “in the days gone by”–lâu lắm rồi, ngày xửa ngày xưa, những ngày đã qua…

Bản thứ hai trong bài này là Happy New Year do ban nhạc Thụy Điển ABBA trình làng lần đầu tiên năm 1980 trong album Super Trooper, và ngày nay đã trở thành bản nhạc đầu năm tại mọi nơi trên thế giới. Dù là nhạc của bàn này rất vui và kích động, lời nhạc vẫn có gi đó bâng khuâng và ảm đạm: “Không còn sâm-banh / Và pháo hoa đã xong / Chỉ chúng ta đây, tôi và anh / Cảm thấy lạc lõng và buồn / Tiệc đã tàn / Và buổi sáng thấy quá xám / Thật khác hôm qua / Bây giờ là lúc để chúng ta nói / Happy New Year…”


AULD LANG SYNE

Should old acquaintance be forgot,

and never brought to mind ?

Should old acquaintance be forgot,

and auld lang syne ?


CHORUS:

For auld lang syne, my dear,

for auld lang syne,

we’ll take a cup of kindness yet,

for auld lang syne.And surely you’ll buy your pint cup !

and surely I’ll buy mine !

And we’ll take a cup o’ kindness yet,

for auld lang syne.


CHORUS

We two have run about the slopes,

and picked the daisies fine ;

But we’ve wandered many a weary foot,

since auld lang syne.


CHORUS

We two have paddled in the stream,

from morning sun till dine;

But seas between us broad have roared

since auld lang syne.


CHORUS

And there’s a hand my trusty friend !

And give us a hand o’ thine !

And we’ll take a right good-will draught,

for auld lang syne.


ĐIỆP KHÚC

Những ngày đã xa

Nên quên đi thân thuộc cũ

Và không bao giờ nhớ lại?

Nên quên đi thân thuộc cũ

Và những ngày đã xa?


ĐIỆP KHÚC

Cho những ngày đã xa, bạn quý

Cho những ngày đã xa

Chúng ta sẽ nâng chén ân cần

Cho những ngày đã xa.

Và chắc chắn là bạn sẽ mua cho bạn một ly

Và chắc chắn là tôi sẽ mua cho tôi!

Và chúng ta sẽ nâng ly ân cần,

Cho những ngày đã xa.


ĐIỆP KHÚC

Hai đứa tôi đã chạy trên những triền đồi

Hái hoa cúc dại

Nhưng chúng tôi đã lang thang những đôi chân mệt mõi

Từ những ngày đã xa


ĐIỆP KHÚC

Hai đứa tôi đã chèo trong suối

Từ sáng đến giờ cơm tối

Nhưng những con biển rộng giữa chúng tôi đã gào thét

Từ những ngày đã xa


ĐIỆP KHÚC

Và có một bàn tay, người bạn tin cẩn ơi!

Và giúp chúng tôi một tay!

Và chúng ta sẽ uống một ly tốt bụng

(Hay: Và chúng ta sẽ chèo đúng và tốt bụng)

Cho những ngày đã xa.


ĐIỆP KHÚC

(TĐH dịch)


Khỏi cần phải nói ta cũng biết là bản này được chơi khắp thế giới khi chuông giao thừa điểm 12 giờ đêm.

Sau đây mời các bạn đón giao thừa với hai video clips về Auld Lang Syne.


Auld Lang Syne, do Dougie McLean hát bằng tiếng Tô-cách-lan, 

lời nguyên thủy của Robert Burns.





Andre Rieu, trình tấu violin với các nhạc sĩ bag pipes của Tô-Cách-Lan và dàn nhạc.



 

Happy New Year - ABBA



 

No more champagne

And the fireworks are through

Here we are, me and you

Feeling lost and feeling blue

It’s the end of the party

And the morning seems so grey

So unlike yesterday

Now’s the time for us to say…

Happy new year

Happy new year

May we all have a vision now and then

Of a world where every neighbour is a friend

Happy new year

Happy new year

May we all have our hopes, our will to try

If we don’t we might as well lay down and die

You and I

Sometimes I see

How the brave new world arrives

And I see how it thrives

In the ashes of our lives

Oh yes, man is a fool

And he thinks he’ll be okay

Dragging on, feet of clay

Never knowing he’s astray

Keeps on going anyway…

Happy new year

Happy new year

May we all have a vision now and then

Of a world where every neighbour is a friend

Happy new year

Happy new year

May we all have our hopes, our will to try

If we don’t we might as well lay down and die

You and I

Seems to me now

That the dreams we had before

Are all dead, nothing more

Than confetti on the floor

It’s the end of a decade

In another ten years time

Who can say what we’ll find

What lies waiting down the line

In the end of eighty-nine…

Happy new year

Happy new year

May we all have a vision now and then

Of a world where every neighbour is a friend

Happy new year

Happy new year

May we all have our hopes, our will to try

If we don’t we might as well lay down and die

You and I


Chúc mừng năm mới

Không còn sâm-banh

Và pháo hoa đã xong

Chỉ chúng ta đây, tôi và anh

Cảm thấy lạc lõng và buồn

Tiệc đã tàn

Và buổi sáng thấy quá xám

Thật khác hôm qua

Bây giờ là lúc để chúng ta nói…

Chúc mừng năm mới

Chúc mừng năm mới

Chúc chúng ta thỉnh thoảng có được viễn ảnh

Của một thế giới trong đó mỗi láng giềng là một người bạn

Chúc mừng năm mới

Chúc mừng năm mới

Chúc tất cả chúng ta có hy vọng, ý chí để cố gắng

Nếu không thì tốt hơn là chúng ta nằm xuống và chết

Anh và tôi

Đôi khi tôi thấy

Thế giới mới can đảm đến

Và tôi thấy nó phồn thịnh

Trong tro tàn của cuộc đời chúng ta

Ô vâng, con người là kẻ điên

Và hắn nghĩ rằng hắn sẽ OK

Cứ lê lết, chân đất sét

Không bao giờ biết là mình đi lạc

Cứ tiếp tục đi…

Chúc mừng năm mới

Chúc mừng năm mới

Chúc chúng ta thỉnh thoảng có được viễn ảnh

Của một thế giới trong đó mỗi láng giềng là một người bạn

Chúc mừng năm mới

Chúc mừng năm mới

Chúc tất cả chúng ta có hy vọng, ý chí để cố gắng

Nếu không thì tốt hơn là chúng ta nằm xuống và chết

Anh và tôi

Hình như đối với tôi bây giờ

Những giấc mơ chúng ta có trước đây

Đều đã chết, chẳng gì hơn

Là hoa giấy trên sàn nhà

Cuối thập niên

Trong 10 năm nữa

Ai có thể nói ta sẽ thấy gì

Đợi ta phía cuối đường

Cuối năm hai mươi mốt (*)

Chúc mừng năm mới

Chúc mừng năm mới

Chúc chúng ta thỉnh thoảng có được viễn ảnh

Của một thế giới trong đó mỗi láng giềng là một người bạn

Chúc mừng năm mới

Chúc mừng năm mới

Chúc tất cả chúng ta có hy vọng, ý chí để cố gắng

Nếu không thì tốt hơn là chúng ta nằm xuống và chết

Anh và tôi


Chú thích: (*) Nguyên bản là cuối năm tám mươi chín, một thập niên kể từ đầu năm 1980. Ta đổi lại thành cuối năm 21, một thập niên kể từ đầu năm 2012.

(TĐH dịch)

 

SOURCE:

https://dotchuoinon.com/2023/12/31/auld-lang-sine-nhung-ngay-da-xa-ban-nhac-giao-thua/


.


Monday, December 25, 2023

Bùi Quốc Hùng - Đêm Giáng Sinh nổi dậy ở trại Suối Máu

22/12/2021

Saigon Nhỏ

 


" Thời gian trôi qua thật mau, Mới đó mà đã 30 mùa Giáng Sinh trôi qua kể từ đêm Giáng Sinh năm xưa ở trại tù Suối Máu. Mỗi khi mùa giáng Sinh về, trong tôi ký ức về một đêm Lễ Giáng Sinh tràn đầy nhân bản, tình chiến hữu lại tỏa sáng. Đây có lẽ là cuộc tranh đấu độc nhất trong lịch sử lao tù của cộng sản chỉ bằng đêm hát nhạc thánh ca ôn hòa nhưng đầy hào hùng và đem lại thành công tuyệt đẹp.

Dưới trời mưa tuyết đầy băng giá nơi vùng Tây Bắc Hoa Kỳ, trong mùa Giáng Sinh này, tôi xin thắp một nén nhang tưởng niệm đến các bạn đã trở thành “người của cõi vĩnh hằng”.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/12/GiangSinhTrongTuCongSan.jpg

LTS: Dưới đây là hồi ký của một sĩ quan VNCH trong thời gian đi tù cải tạo, về một lần đón Giáng sinh khó quên trong đời ông. Những gì ghi lại cho thấy sự khác biệt vô cùng lớn lao giữa người miền Nam có tín ngưỡng và bộ đội Bắc Việt vô thần, vào những ngày VNCH sụp đổ. Nhưng dù sao, đêm Noel cũng đã diễn ra, trong vòng vây thù hận.

Thấm thoát lại một mùa Giáng Sinh đến với nhân loại, và đó là Lễ Giáng Sinh lần thứ tư trong lao tù của chúng tôi. Theo quy định của trại từ “bò xanh” đến “bò vàng”, chúng cấm chỉ tuyệt đối mọi lễ nghi tôn giáo, nhưng anh em có đạo vẫn tuỳ theo hoàn cảnh tổ chức lễ Noel trong tù.

Hôm nay, mọi sinh hoạt trong trại trong ngày vẫn bình thường. Từ buổi chiều một số anh đã bắt tay thực hiện một hang đá dã chiến đơn giản bằng giấy vỏ bao ciment bôi nhọ nhồi đen với những nếp nhún khi sắp xếp xen kẽ, chồng chất lên nhau trông không khác gì hang đá thật ngoài đời. Hang đá khá lớn, cao khoảng hơn một mét rưỡi, dựa vô chính giữa vách nhà 15. Cho đến sẩm tối thì công tác thiết trí hang đá hoàn tất. Một bóng đèn điện tròn duy nhất treo trên phần cao chính giữa bên trong nhà 15 được kéo giây luồn ra ngoài, được đặt vào trong hang đá.

Tôi là người ngoại đạo, nhưng tôi rất thích đi nhà thờ và dự Lễ Noel với các bạn thuở còn là học trò. Khi thì đi lễ nhà thờ Tây Ninh với cô bạn học Tuyết Mai, khi thì đi dự Lễ Noel với các bạn Chiến, Thành, Lưỡng, Diên, Mùi ở nhà thờ của Cha Dụ trên trại định cư Tầm Long, Trảng Lớn, Tây Ninh. Vì thế, tôi ở nhà 17 nhưng cứ lẩn quẩn bên cạnh các anh làm hang đá và thầm phục các anh tài hoa, khéo tay đã sáng tạo ra một hang đá thật đẹp và thanh thoát dù chỉ bằng một ít giấy vỏ bao ciment.

Công tác thiết trí hang đá với các mẫu tượng nhỏ của Chúa Hài Đồng, Ba Vua, Máng Cỏ đặt bên trong xong thì trời cũng đã tối. Các anh em không có đạo thì sinh hoạt bình thường, đi dạo bộ hay ở trong nhà. Các anh em có đạo bắt đầu mang ghế cá nhân đến nơi hành lễ. Vì hang đá lập chính giữa bên vách nhà 15 nên các anh em xếp ghế ngồi hai bên đường đi giữa nhà 15 và nhà 16, mặt hướng thẳng ra cổng trại, xuyên suốt qua các nhà 9 và 10 dãy 2 và nhà 3 và 4 dãy 1.

Buổi Lễ bắt đầu khoảng 10 giờ đêm với ước chừng trên 50 anh em tham dự. Tôi đứng ngay sau lưng các anh, nhưng ở phía khoảng trống giữa hai nhà 15 và nhà 16 xem các anh làm lễ và nghe các anh đọc kinh.

Thình lình, từ hướng sau nhà 13 bên trái ào đến toán “bò vàng” đi tuần, theo như thông lệ, tên Trung uý Quỳnh Trưởng K1 đi đầu, theo sau là một tiểu đội 10 tên “bò vàng”, súng CKC cầm tay có gắn lưỡi lê ập tới. Rất nhanh, toán “bò vàng” đi vào nơi anh em đang làm lễ. Tên Quỳnh la lên: “Ai cho các anh tụ họp làm lễ. Giải tán! Giải tán! Giải tán ngay!” Rất nhanh, anh em chưa kịp ra khỏi con đường giữa hai nhà thì toán “bò vàng” đi tuần đã rút thật nhanh qua hai nhà 9 -10 và 3 – 4 ra ngoài trại mà không có điều gì xảy ra.

Một số nhỏ vài anh trở vô nhà của mình, phần còn lại, các anh tiếp tục cuộc lễ đang dở dang. Không ngờ, khoảng nửa giờ sau, tên Quỳnh lại dẫn toán “bò vàng” đi tuần trở vào lần thứ nhì. Đi như chạy, bọn chúng ập vô nơi anh em đang làm lễ. Tên Quỳnh la lên: “Tại sao không giải tán? Tại sao không giải tán? Bắt lấy nó!” Các anh giạt ra hai bên tiến về phía trước, bọn vệ binh xô đẩy, nổ súng và chụp một vài anh lôi đi. Ngay khi tiếng súng nổ, tôi nghe có tiếng thét: “Giết nó!” cùng tiếng chân chạy sầm sập đàng sau lưng. Tôi liên tưởng đến đổ máu. Nói thì lâu nhưng diễn biến thì chỉ trong tích tắc, một số anh em bên K5 đã vượt qua hàng rào kẽm gai để qua bên này với chúng tôi.

Nhưng cũng rất nhanh, toán “bò vàng” bắt theo mấy anh đã ra tới cổng trại rồi khóa chặt cổng lại. Ngay sau đó, được biết có ba anh đã bị bọn chúng bắt ra ngoài trại là các anh Rĩnh, Hoàng và Bé. Một số anh em vô nhà chuẩn bị đi ngủ, nhưng các anh trong Ban Hành Động quyết định biểu tình bất bạo động trong trại để đòi bọn “bò vàng” phải trả anh bị chúng bắt vô trại. Một lệnh được đưa ra ngay lập tức và được thực hiện ngay là một toán các anh đi từng nhà yêu cầu tất cả các anh em ở trong nhà còn thức hay ngủ, dù bịnh cũng phải ra sân chơi bóng chuyền tập họp. Khi cuộc tập họp đã đầy đủ, toàn thể 18 nhà bỏ trống, Ban Hành Động bắt loa tay yêu cầu trả ba anh em bị bắt vào trại.

Phía ngoài trại, bọn “bò vàng” dùng loa trả lời: “Nhà cầm quyền trại yêu cầu các anh em giải tán. Ai về nhà nấy. Ngày mai trại sẽ thả các anh bị bắt.” Anh đại diện nói vọng ra trả lời : “Chúng tôi chỉ giải tán khi ba anh em chúng tôi được trả vô trại.” Lời qua tiếng lại không bên nào chịu bên nào. Ba lần bọn chúng yêu cầu chúng tôi giải tán, ba lần chúng tôi yêu cầu thả anh em chúng tôi bị bắt trở vô trại. Lúc đó vào khoảng 11 giờ đêm Giáng Sinh.

Tình hình căng thẳng lên, phía ngoài trại cách một mặt đường là khu đóng quân và nhà làm việc của bọn “bò vàng”. Bọn chúng la hét, rồi nhảy xuống giao thông hào và hố chiến đấu cá nhân dọc theo bên đường. Tiếng súng lên đạn nghe rõ mồn một. Các loại súng chĩa thẳng vô chúng tôi trong trại. Có tiếng di chuyển ầm ì của chiến xa từ xa vọng lại và các đơn vị địa phương và cơ động được điều động tới. Chúng tôi không nao núng, chờ đợi những diễn tiến xảy đến, kể cả có thể phải chịu cuộc tắm máu của bọn cuồng sát đêm nay.

Rồi thì sương đêm bắt đầu thấm lạnh, trong không gian u tịch của trại tù K1 Suối Máu, Khu Tân Hiệp, Biên Hòa, một ai đó trong anh em chúng tôi, trong cảnh khốn cùng tù đày khởi sự hát lên bản nhạc Giáng Sinh quen thuộc “Đêm đông lạnh lẽo” của Hải Linh. Tiếng hát trầm ấm cất lên – “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời. Chúa sinh ra đời. Nằm trong hang đá nơi máng lừa.” Rồi thì một số anh em cùng hát theo “Trong hang Belem ánh sáng tỏa lan tưng bừng,” và rồi cả trại cất cao tiếng hát vang vang trong không gian bao la của khu vực Tân Hiệp, tiếng hát vang lên không trung “Nghe trên không trung tiếng hát Thiên Thần vang lừng. Đàn hát, xướng ca dư âm vang xa. Đây Chúa Thiên Tòa giáng sinh vì ta. Người hỡi hãy kíp bước tới đến xem nơi hang Belem ôi Chúa Giáng sinh khó khăn thấp hèn. Nửa đêm mừng Chúa Giáng sinh ra chốn dương trần. Người đem ơn phước xuống cho muôn dân lầm than. Nơi hang Belem Thiên Thần xướng ca. Thiên Chúa vinh danh chúng nhân an hòa? Tan giá đêm đông ấm thân con người. Nơi hang Belem huy hoàng ánh sao. Đưa lối Ba Vua phương Đông đến chào.”

Cứ thế chúng tôi không phân biệt lương, giáo, tiếp tục hát và như một chuyển động dây chuyền, phía sau chúng tôi anh em bên K5 ra sân cùng hát, bên K2 rồi K3 và K4 cũng hòa nhập với chúng tôi cất cao lời hát. Bấy giờ thì cả chúng tôi ở 5 K đều tụ họp ngoài sân trại và cùng đồng thanh hát bản Thánh ca “Đêm đông lạnh lẽo” để “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình An dưới thế cho người thiện tâm.”

Trong đêm Giáng Sinh này, chúng tôi những chiến sĩ VNCH trong lao tù cộng sản ở Trại Suối Máu, Tân Hiệp, đã có dịp chứng tỏ sức mạnh của sự đoàn kết, chúng tôi không khiếp nhược trước bạo lực. Chúng tôi say sưa hát để biểu dương tình người, tình chiến hữu. Nếu Thiên Chúa xuống dương trần để đem ơn phước cho người lầm than thì tại sao những anh em chúng tôi chỉ vì biểu lộ đức tin mà bị đối xử thô bạo. Các anh có thể bị tra tấn, đánh đập bằng đòn thù; các anh sẽ bị nhốt vào connex, những container bằng sắt đêm lạnh tê người và ngày nóng cháy da. Có lẽ chưa có một ca đoàn nào có một ban hợp ca vĩ đại như ca đoàn liên K ở trại tù Suối Máu trong đêm Giáng sinh 1978 và đáng được đưa vào sách ghi kỷ lục Guinness.

Sương rơi ướt bờ vai, thấm lạnh thật sự. Chúng tôi vẫn hát chỉ một bản duy nhất “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời. Chúa sinh ra đời. Nằm trong hang đá nơi máng lừa.” Những điệp khúc vang lên êm đềm, tha thiết sưởi ấm lòng người xa nhà, xa người thân yêu trong một đêm Chúa Giáng sinh trong một tình cảnh vô vọng “Thiên Chúa vinh danh chúng nhân an hòa? Tan giá đêm đông ấm thân con người.”

Cứ như thế, thời giờ đã qua nửa đêm về sáng, bất ngờ ngoài trại có tiếng loa: “Nhà cầm quyền trại yêu cầu các anh em giải tán, ai về nhà nấy. Ba anh em sẽ được thả vào trại.” Chúng tôi ngừng hát. Quả nhiên, cổng trại có ánh đèn pin chiếu, cổng mở và ba anh Rĩnh, Hoàng và Bé bước vô trại. Chúng tôi vô cùng mừng rỡ cùng reo lên trong một thắng lợi ngoạn mục không ngờ. Liền sau đó, chúng tôi tản hàng trở về nhà ngủ. Anh em ở các K bạn cũng giải tán trong im lặng.

Thời gian trôi qua thật mau, Mới đó mà đã 30 mùa Giáng Sinh trôi qua kể từ đêm Giáng Sinh năm xưa ở trại tù Suối Máu. Mỗi khi mùa giáng Sinh về, trong tôi ký ức về một đêm Lễ Giáng Sinh tràn đầy nhân bản, tình chiến hữu lại tỏa sáng. Đây có lẽ là cuộc tranh đấu độc nhất trong lịch sử lao tù của cộng sản chỉ bằng đêm hát nhạc thánh ca ôn hòa nhưng đầy hào hùng và đem lại thành công tuyệt đẹp.

Dưới trời mưa tuyết đầy băng giá nơi vùng Tây Bắc Hoa Kỳ, trong mùa Giáng Sinh này, tôi xin thắp một nén nhang tưởng niệm đến các bạn đã trở thành “người của cõi vĩnh hằng” như Bạn Vinh/QC/nhà16; Đỗ Văn Phố/LBPV/ PTT, Bùi Văn Thanh/KQ/nhà17. Để tặng các bạn ở trại tù Suối Máu, và đặc biệt các bạn lưu lạc bốn phương trời: Huỳnh Lê Phi Hùng/ ANTB/ BTLKQ/Saigon; Phạm Văn Đức/ANQĐ, Nguyễn Văn Phước/ANHQ/Paris. Đặng Ngọc Trung/ANQĐ, Hùng (tay trái) Cali; Đại Đức Tuyên Uý Đối/BĐQ, Dương Cự/QP, và các bạn Sĩ, Vinh, Mùi, Lợi?

Bùi Quốc Hùng

Tacoma-Washington,

Ghi lại nhân mùa Giáng Sinh 2008

Đêm Giáng Sinh Nổi Dậy Ở Trại Suối Máu (saigonnhonews.com)

Saturday, December 23, 2023

Nhớ bài tình ca cho Giáng sinh cuối của nhạc sĩ Việt Dzũng


2 ~ TUN KHANH



Nhạc sĩ Việt Dzũng mất khi chỉ còn vài ngày nữa là đến đêm Giáng Sinh, bỏ lỡ những cuộc hẹn trước với bạn bè, không kịp nói lời chia tay. Anh mất vào ban mai ngày 20 tháng Mười Hai, năm 2013. Buổi sáng định mệnh ấy, khi những người thân loan tin cho nhau, không ai tin được. Mọi người sửng sốt hỏi lại dè dặt, vì biết đâu có thể đó là một trò đùa nào đó ngày thường của Việt Dzũng chăng?

Giống như một trò đùa của tạo hóa. Mới đêm hôm trước anh còn ngồi với những người bạn trẻ, anh còn nói về ước mơ của mình, nếu như có một ngày mai khác ở Việt Nam, anh sẽ về làm đài phát thanh, một trong những nghề mà anh thành danh trước khi đến Hoa Kỳ. Nhắc đến Giáng Sinh, anh hát không đàn cho mọi người nghe vài câu trong bài Noel RồiĐừng Hờn Anh NữaBé Ơi. Bài tình ca Giáng Sinh này, anh viết năm 1999 và tự mình hát theo yêu cầu của Trung Tâm sản xuất, cùng với các danh ca như Duy Quang, Khánh Ly… Đây cũng có lẽ là bài hát về Giáng Sinh duy nhất của anh, lọt về Việt Nam trong những ngày tháng còn đầy những khó khăn về kiểm duyệt văn hóa. Trên Youtube, những khán giả thời thanh xuân cùng anh đã ghi lại nhiều cảm xúc của mình khi nghe lại. Một trong những comment, của một người có tên Ngọc Anh, viết rằng “anh ấy đã ra đi mãi mãi rồi mong cho linh hồn anh dưới đây được an nghỉ trong Chúa. Amen.”

Việt Dzũng đã rời khỏi cuộc chơi trần gian 9 năm, nhưng tiếng hát và hình ảnh của anh vẫn đọng lại trong rất nhiều người, bao gồm trong cả âm nhạc và lý tưởng sống. Tháng 4 năm 1975, anh cùng bà ngoại đi ra biển tìm một cuộc sống mới, và cập cảng Singapore.  Sau đó anh chờ định cư nước thứ ba ở trong trại tỵ nạn Subic, Phi Luật Tân.

Nhớ về chuyến đi đó, Việt Dzũng kể anh không muốn mình sống tẻ nhạt trong cuộc đời tỵ nạn nên tình nguyện làm nhiều thứ, từ việc đón tiếp đồng bào tị nạn mới tới, sinh hoạt trong hội Hồng Thập Tự, hội USCC, cộng tác với tờ báo của trại, làm thông dịch viên giúp đỡ rất nhiều người chung quanh, và đặc biệt nổi tiếng với cái tên “Việt Dzũng phát thanh” của trại tỵ nạn. Những năm chờ đi nước thứ ba, bằng tài ăn nói và văn nghệ, Việt Dzũng là ngôi sao tin tức và giải trí của trại. Thời gian đó, anh được nhiều người đưa những băng cassette nhạc mang theo để nhờ phát trên đài, nhắn tìm người thân, Việt Dzũng nhanh chóng nhận ra rằng sức mạnh của âm nhạc trong một cộng đồng đang tuyệt vọng. Ông quyết định đánh ra nhiều băng, phân phối trong cộng đồng người Việt vượt biển với tôn chỉ “mang âm nhạc bên mình là mang theo cả quê hương”. Ảnh hưởng của âm nhạc miền Nam Việt Nam trước 1975 tiếp tục lan truyền trong mỗi gia đình mới định cư, chính là sự thôi thúc các trung tâm âm nhạc hải ngoại ra đời, dựng lại một không gian văn hóa của người Việt ly hương.

Ở lại trại gần đến ngày cuối cùng trước khi trại đóng cửa, anh được Đức cha Bernard Law, Giám Mục địa phận Springfield, Missouri, bảo trợ và gởi đến tạm trú trong một gia đình người Mỹ.

Năm 1976, Việt Dzũng tiếp tục học lớp 11 ở trường trung học St. Agnes, Missouri và tự trau dồi thêm về âm nhạc theo như sở thích và đam mê từ nhỏ của anh. Tại đây, anh bắt đầu sinh hoạt ca hát với các anh chị em thuộc cộng đồng Việt Nam. Anh cũng từng xuất hiện trên đài truyền hình KOZK21 ở Springfield.

Năm 1976, khi vừa đặt chân đến Mỹ, Việt Dzũng bắt tay vào cuộc đời âm nhạc của mình. Nhanh chóng ông nhận được giải thưởng Iowa Grand Ole Opry. Năm 1985, Việt Dzũng đã cho ra đời một băng nhạc hoàn toàn bằng Anh ngữ Children of the Ocean, được coi là hình ảnh của một tinh thần vượt lên và hòa hợp với đời sống mới từ cộng đồng tỵ nạn cộng sản. Được mời tham gia âm nhạc dòng chính của Hoa Kỳ lúc này, nhưng nhạc sĩ Việt Dzũng từ chối, quyết học thêm và dùng sức của mình cho cộng đồng Việt Nam ngoài quê hương.

Năm 1993, nhạc sĩ Việt Dzũng bước vào một lĩnh vực khác là truyền thanh. Sự cách tân, thoát khỏi phong cách truyền thông nghiêm nghị và một chiều của radio đã làm cho nhiều người thích thú: Việt Dzũng xem buổi truyền thanh như một cuộc trò chuyện gia đình với khán giả, vui cười và gần gũi. Phong cách này đã tác động lớn đến khối truyền thanh của người Việt hải ngoại. Bằng lối nói chuyện vui và không ngại trêu ghẹo người đối diện khiến khán giả lẫn người được phỏng vấn đều thích thú. Nhạc sĩ Việt Dzũng là người duy nhất phỏng vấn được gần như toàn bộ ca nhạc sĩ hải ngoại như Chế Linh, Thái Thanh, Hà Thanh, Văn Phụng, làm thành một kho dữ liệu văn nghệ vô cùng sống động và quý giá. Người được coi là khép kín và khó tiếp cận nhất là ca sĩ Ngọc Lan, cũng đã đồng ý thực hiện một talkshow trên đài VOA với Việt Dzũng, vào tháng 10 năm 1994.



Bài hát cuối về Giáng Sinh mà những người bạn của nhạc sĩ Việt Dzũng ở Little Saigon được nghe anh Dzũng hát, là nằm trong số gần 500 bài hát đủ thể loại của anh. Đặc biệt khán giả ghi nhớ là hai album Kinh Tỵ Nạn (1980) và “Lưu Vong Khúc” (1982). Những bài hát như Một chút quà cho quê hương, Lời Kinh đêm… không chỉ là những bài hát khiến nhiều thế hệ người Việt lặng nghe trong tâm cảm mà còn là những bài sử ca về một giai đoạn đau thương của người Việt Nam. Tên tuổi của Việt Dzũng còn gắn liền với phong trào của Hưng Ca, cùng với người sáng lập là ca sĩ Nguyệt Ánh. Ít ai biết Việt Dzũng được cha của ca sĩ Nguyệt Ánh là ông Đại tá Nguyễn Văn Y (1922-2012) nhận làm con nuôi. Ông Y nguyên Tổng Giám Đốc Cảnh sát Công an Đô Thành Sàigòn kiêm Đặc ủy trưởng Trung Ương Tình báo. Phong trào âm nhạc chính trị Hưng Ca  với sự có mặt của Việt Dzũng đã phát triển rộng khắp nhiều quốc gia và trở thành làn sóng sinh hoạt âm nhạc mạnh nhất, cho đến nay chưa có đối thủ.



Tháng Tư 1985, Ca sĩ Nguyệt Ánh (Sao đành xa em, Em vẫn mơ một ngày về, Trả ta sông núi, Biển Đông dâng sóng tự do…) khởi xướng Phong trào Hưng Ca Việt Nam tại Washington DC và Houston, Hoa Kỳ. Từ đó lan đi Canada, Hòa Lan, Úc… Những gương mặt đầu tiên trong đó Hà Thúc Sinh là trưởng đoàn, Nguyệt Ánh, Việt Dzũng, Châu Đình An, Huỳnh Công Ánh, Khúc Lan, Trần Lãng Minh, Tuấn Minh, Nguyễn Hữu Nghĩa, và Phan Ni Tấn. Phong trào lặng dần kể từ khi sức khỏe của nhạc sĩ Việt Dzũng và Nguyệt Ánh yếu đi, không còn đi lưu diễn nữa, kể từ sau năm 2015.

Nhạc sĩ Việt Dzũng ghi dấu ấn lớn trong lòng người Việt, và mãi mãi với các chương trình ca nhạc của Trung tâm Asia, mà ông tham gia với vai trò người dẫn chương trình từ năm 1996. Sự có mặt của ông cùng lời dẫn là một thái độ chính trị khác biệt và dứt khoát, khiến thu hút hàng triệu người đồng chí hướng. Trên các chuyến xe đò đi liên tỉnh vào ban đêm tại Việt Nam, giới tài xế vẫn im lặng phát các bản đĩa video của Trung tâm Asia, bất chấp là nội dung có thể bi gây khó, đơn giản vì khán giả vẫn yêu thích và yêu cầu. Năm 2006, Bộ Văn Hóa Thông Tin Việt Nam buộc phải ra lệnh riêng, chấm dứt không được phát các bản ca nhạc của Trung Tâm Asia, và tối thiểu thì phải cắt toàn bộ phần giới thiệu và trò chuyện của Việt Dzũng và Nam Lộc.

Nhạc sĩ Việt Dzũng có vô số người hâm mộ, quen biết hoặc bạn bè. Thế nhưng với một ít người chung quanh mà anh có thể tâm tình, anh nói mình cảm thấy cô đơn khủng khiếp. Là một người Công giáo lý trí, anh hầu như không đi nhà thờ nhưng viết và hát rất nhiều về Chúa. Một tháng trước khi mất, anh liên tục bảo ghi âm cho anh hát các bài về Thiên Chúa và cậy mong Chúa dẫn đường. Lúc đó tiếng hát của anh đã khàn, hơi đã yếu nhiều lắm rồi, anh như dự cảm trước những điều sẽ tới. Bác sĩ khuyên anh bỏ thuốc và nghỉ ngơi thì mới có thể sống được. Lúc đó, anh tăng lượng thuốc hút đến hơn 2 gói mỗi ngày. Cứ chốc lát, anh lại châm thuốc như thể nuôi cuộc sống bằng đốm lửa. Anh cười và hỏi đùa bác sĩ “vậy thì tôi sẽ sống trong lành như vậy đến bao lâu?”.

Bác sĩ cũng từng thuyết phục anh dùng mạch máu từ tim heo, để thay cho một số sợi ở tim đã hư hại. Lẽ ra với người thường, thì sẽ được lấy mạch máu từ chân để dùng nhưng đôi chân anh đã khuyết tật từ bé, nên mạch máu không thể dùng được. Anh lại cười, nói với những người quen “Chết, anh không thể đối diện Chúa bằng trái tim heo. Anh không thể cho heo vào tim mình”.



Trước khi mất, vài lần anh đã suýt đi cấp cứu vì mệt bất thường. Chung quanh anh bao giờ cũng có kẹo để mỗi khi vậy, anh ăn vội vào, kịp lấy hơi thở bấm máy gọi cho người quen. Sáng ngày 20 đó, lẽ ra anh sẽ đến phòng ghi âm của đài Radio Bolsa như thường lệ, nơi anh làm việc và cất tiếng chào thính giả, nhưng anh đã nằm lại, không kịp chia tay với ai. Người nhà cố gắng đưa anh nhanh đến bệnh viện Fountain Valley, Orange County, nhưng có lẽ anh đã mệt. Có lẽ anh muốn ngừng cuộc hành trình ở tuổi 55.

Đám tang nhạc sĩ Việt Dzũng là một trong những đám tang hiếm hoi ở miền Nam Califfornia, có đến hàng ngàn người đi viếng và khóc. Nhiều người đã xếp hàng dài để nhìn anh lần cuối ở Good Shepherd Cemetery, thành phố Huntington Beach, miền Nam California. Mọi thứ thật hụt hẩng. Âm nhạc và sinh hoạt cộng đồng sau khi Việt Dzũng ra đi, cũng không còn được như trước. Ngày 1 tháng Năm, 2014, Thượng Viện Tiểu Bang California đã đồng thuận đặt tên cho đoạn xa lộ Highway 39 thuộc Orange County, là Việt Dzũng Human Right Memorial Highway, nhằm tưởng nhớ và vinh danh cho những họat động không mệt mỏi của một người nhạc sĩ tỵ nạn mang tên Việt Dzũng, một cái tên mãi nằm ký ức cộng đồng người Việt ly hương vì tự do trên toàn thế giới.



SOURCE:

https://nhacsituankhanh.com/2022/12/13/nho-bai-tinh-ca-cho-giang-sinh-cuoi-cua-nhac-si-viet-dzung/