Friday, March 1, 2024

Minh Oan và Vinh Danh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (Lâm Vĩnh Thế)

 

Chiến Tranh Việt Nam đã kết thúc vào ngày 30-4-1975, cách đây đã hơn 40 năm rồi. Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) cùng với Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) đã bị khai tử. Trong khoảng thời gian đó, phần lớn các công trình nghiên cứu nhằm đánh giá cuộc chiến của các sử gia Hoa Kỳ thuộc nhóm “chính thống” (orthodox) đều cho rằng Hoa Kỳ đã thua trận vì rất nhiều lý do, mà một trong những lý do đó là vì đồng minh của quân đội Mỹ, QLVNCH, là một quân đội hèn nhát và không có khả năng chiến đấu. Quan điểm sai lầm và có tính nhục mạ QLVNCH này gần đây đã bị chính một thế hệ mới của các sử gia và nhà nghiên cứu Hoa Kỳ, được mệnh danh là nhóm “xét lại” (revisionist) bác bỏ hoàn toàn. Bài viết này là một cố gắng nhỏ trong việc ghi lại một vài nhận định và kết luận của các sử gia Hoa Kỳ thuộc thế hệ mới này, nhằm minh oan và vinh danh QLVNCH.

 

Nhận Định Sai Lầm Về Bản Chất Của QLVNCH


Trong một bài viết về hai nhóm “chính thống và xét lại,” tác giả Mark Moyar, thuộc nhóm “xét lại,” đã nhận định là một trong những khuyết điểm tệ hại nhứt của các sử gia Hoa Kỳ thuộc phe “chính thống” là đã chịu ảnh hưởng quá nặng nề của những bài báo và tác phẩm rất đáng nghi ngờ của bộ ba Halberstam + Sheehan + Karnow là những ký giả Mỹ nổi tiếng trong thập niên 1960. Nhận định của nhóm “chính thống về VNCH và QLVNCH là như sau: “America’s South Vietnamese allies were corrupt and cowardly, in contrast to the patriotic and dedicated North Vietnamese and Viet Cong.” [1] (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: Đồng minh Nam Việt Nam của Hoa Kỳ thì tham nhũng và hèn nhát, ngược hẳn với quân Bắc Việt và Việt Cộng thì yêu nước và tận tụy).

QLVNCH bị xem là hèn nhát và không có khả năng chiến đấu chỉ vì đã thua Trận Ấp Bắc (tháng 1-1963), đã được bộ ba ký giả nói trên mô tả tỉ mỉ trong các tác phẩm ăn khách của họ, nhứt là cuốn A Bright shining lie của Sheehan.[2, 3, 4] Trong cuốn sách này, Sheehan dành hẳn ra một chương, mà ông ta gọi là Book III: The Battle of Ap Bac, từ trang 201 đến trang 265, để nói về trận đánh này, trong đó Sheehan không bỏ qua bất cứ cơ hội nào để khen ngợi các cấp chỉ huy của Việt Cộng và ngược lại nói xấu, chê bai các cấp chỉ huy của quân đội VNCH. Xin đơn cử một thí dụ điển hình:

“ … the captain in charge of the M-113s, [ám chỉ Đại Úy Lý Tòng Bá, chỉ huy Đại Đội 7 Cơ Giới M-113] who had been one of the few decent officers of this stinking army, was behaving like the rest of the cowardly bastards.” [5] (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: … viên đại úy chỉ huy các thiết-vận-xa M-113, mà trước đây đã từng là một trong số rất hiếm những sĩ quan đàng hoàng, đúng đắn của cái quân đội thối tha này, nay lại đang hành xử cũng giống như cái bọn con hoang hèn nhát kia).

Trong cuốn Vietnam, a history: the first complete account of Vietnam at war, tác giả Karnow, tuy chỉ dành cho Trận Ấp Bắc có 3 trang trong Chương 7, Vietnam is the place, cũng đã không tiếc lời chê bai quân đội VNCH ngay trong phần mở đầu như sau:

“The Diem’s army’s shortcomings became dramatically apparent in January 1963 near Ap Bac, a village in the Mekong delta forty miles southwest of Saigon, where an inferior Vietcong contingent mauled a South Vietnamese division that could have scored a victory had it not been led by pusillanimous officers.” [6] (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: Những khuyết điểm của quân đội của ông Diệm đã hiện rõ trong Tháng Giêng năm 1963 tại Ấp Bắc, một ngôi làng trong vùng châu thổ sông Cửu Long cách Sài Gòn 40 dặm về hướng tây nam, nơi mà một đơn vị nhỏ của Việt Cộng đã xé nát một sư đoàn của Nam Việt Nam, mà lẽ ra đã thắng nếu không phài đã được chỉ huy bởi những tên sĩ quan hèn nhát).

Đoạn văn này của tác giả Karnow, ngoài việc sử dung những ngôn từ có tính cách chê bai, mạ lỵ quân đội VNCH, còn chứa đựng một cụm từ cường điệu, sai lạc và gây hiểu lầm rất lớn cho độc giả. Cuộc hành quân Ấp Bắc đúng là do Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 7 BB tổ chức, nhưng các đơn vị tham chiến chỉ là ở cấp tiểu đoàn, chưa đến cấp trung đoàn, chớ đâu phải là “một sư đoàn” như Karnow đã viết.

Tác giả Halberstam, trong tác phẩm The Making of a quagmire: America and Vietnam during the Kennedy era, cũng dành ra nguyên một chương, Chương 6: Disaster: The Battle of Ap Bac, từ trang 77 đến trang 92, để nói về Trận Ấp Bắc. Tuy không sử dụng nhiều từ ngữ có tính cách chê bai, mạ ly quân đội VNCH như Sheehan và Karnow, Halberstam cũng gây ra nhiều ngộ nhận về vai trò của Đại Úy Lý Tòng Bá trong trận đánh, thí dụ như không chịu tấn công, không tuân lệnh Đại Tá Đạm (Tư Lệnh Sư Đoàn 7 BB). Halberstam đã viết như sau ở trang 85:

“ … at this moment he refused to move his APC’s … Colonel Vann, circling in a light spotter plane, radioed Ba’s unit that Dam had ordered it to advance. But Ba refused to move…” [7] (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: … lúc đó ông ta [chỉ Đại Úy Bá] từ chối không cho các thiết vận xa tiến lên … Trung Tá Vann, đang lượn vòng trên một phi cơ quan sát nhỏ, đã điện xuống cho đơn vị của ông Bá là ông Đạm đã ra lệnh tấn công. Nhưng ông Bá vẫn không tiến lên …).

Từ cổ chí kim, đối với binh gia, thắng thua là chuyện bình thường, có khi ta thắng địch thua, và ngược lại, cũng có khi ta thua địch thắng. Nguyên nhân thắng hay thua đều có thể tìm ra được trong các yếu tố quan trọng như: tình báo, chiến thuật, tiếp vận, vv. Trong khoảng thời gian 6 tháng cuối năm 1962 (từ ngày 1-7-1962 đến ngày 31-12-1962), theo tác phẩm biên niên sử Hai mươi năm qua: việc từng ngày (1945-1954) của tác giả Đoàn Thêm, đã có hàng mấy chục trận đánh giữa quân đôi VNCH và Việt Cộng mà kết quả thường là quân đội VNCH đã thắng với thống kê chung (do chính tác giả của bài viết này thực hiện bằng cách cộng lại tất cả các con số thương vong của hai bên trong suốt từ trang 324 đến trang 338) về số thương vong như sau:

VNCH: 94 tử thương và 119 bị thương
Việt Cộng: 2413 tử thương và 438 bị bắt làm tù binh

Trong số các trận đánh đó, riêng trong cuộc Hành quân “Bình Tây” vào ngày 21-8-1962, tại Bàu Sáng, Gia Rai (thuộc tỉnh Ba Xuyên), Tiểu Đoàn Phú Lợi của Việt Công đã bị đánh tan nát với 166 tử thương và 25 cán binh bị bắt tại trận.[8] Các tác phẩm của bộ ba ký giả Mỹ nói trên hoàn toàn không đề cập gì đến các trận đánh đó cả. nhưng đã mô tả thật tỉ mỉ, nhưng không hoàn toàn đúng sự thật, Trận Ấp Bắc vào ngày 2-1-1963, là một trận đánh mà quân đội VNCH đã có tổn thất khá lớn với 83 tử thương và hơn 100 bị thương (về phía Hoa Kỳ thì có 3 tử thương, 8 bị thương với 5 phi cơ trực thăng H-21 bị bắn hạ; về phía Việt Cộng là 18 tử thương và 39 bị thương).[9] Nội sự việc này thôi cũng đã đủ cho thấy sự thiên lệch rất nặng nề của 3 ký giả. Hơn nữa, họ hoàn toàn không có mặt tại trận đánh, chỉ viết lại qua lời kể của các sĩ quan cố vấn Mỹ. Người sĩ quan VNCH có mặt tại trận Ấp Bắc là Đại Úy Lý Tòng Bá, một sĩ quan Thiết Giáp can trường, luôn sát cánh cùng binh sĩ dưới quyền, một tướng lãnh, Tư Lệnh Sư Đoàn 25 Bộ Binh, đã không đào ngũ, bỏ đơn vị và binh sĩ của mình, mà trái lại, đã chiến đấu đến giờ phút cuối cùng và bị bắt làm tù binh vào ngày 29-4-1975 khi Sư Đoàn 25 BB bị địch đánh tan rã. Chúng ta hảy nghe những lời tâm sự sau đây của Chuẩn Tướng Bá ghi lại trong hồi ký của ông:

“Đến đây, tôi tưởng cần nói rõ sự thật trận đánh diễn tiến của nó không giống như NEIL SHEEHAN viết kể trong quyển sách của anh – cuốn “A BRIGHT SHINING LIE” xuất bản năm 1988. Những điểm chính yếu cùng lý do chính đáng từng diễn tiến của trận đánh không được trình bày, mà tác giả chỉ viết phần tổng quát theo lời kể, lời tường thuật một cách hời hợt và thiếu sót của JAMES SCANLON – Đại Úy Cố Vấn đơn vị. [tr. 65] … Tôi xin đặt một câu hỏi theo lời trình bày của Neil Sheehan trong “A BRIGHT SHINING LIE,” làm sao tôi dám cãi lệnh Tư Lệnh Sư Đoàn [là Đại Tá Bùi Đình Đạm, Tư Lênh Sư Đoàn 7 BB] để thi hành lệnh của Trung Tá [Chuẩn Tướng Bá đã nhớ sai, lúc đó ông Thơ mới mang lon Thiếu Tá] Tỉnh Trưởng Mỹ Tho Lâm Quang Thơ không chịu vượt kinh truy kích địch. [tr. 68]” [10]

Tác giả Mark Moyar, trong một tác phẩm quan trọng của ông, Triumph forsaken: the Vietnam War, 1954-1965, đã viết rõ như sau:

“Colonel John Paul Vann, a U.S. Army advisor and the central figure in Sheehan’s book A Bright Shining Lie, was more dishonest in dealing with the press than Sheehan ever acknowledged. Vann fed the journalists an extremely misleading version of the Battle of Ap Bac, one that the journalists transformed into the accepted version of the battle.” [11] (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: Trung Tá (đúng ra tác giả Moyar nên ghi là Lieutenant-Colonel cho rõ, vì lúc đó ông Vann chỉ mới mang cấp bậc Trung Tá; đây thật ra không phải là một lỗi, vì thông thường người Mỹ thường gọi chung hai cấp bậc Lieutenant-Colonel và Full Colonel là Colonel] John Paul Vann, một cố vấn của Lục Quân Mỹ và là nhân vật chánh trong cuốn sách A Bright Shining Lie của Sheehan, đã thiếu thành thật nhiều hơn là Sheehan đã công nhận. Vann đã cung cấp cho các nhà báo một báo cáo cực kỳ sai lạc về Trận Ấp Bắc, một báo cáo đã được các nhà báo biến thành báo cáo được chấp nhận về trận đánh).

Tuy nhiên, vì bản thân họ đều đã từng là những nhà báo được giải thưởng Pulitzer cao quý của Hoa Kỳ, tác phẩm của 3 ký giả nói trên đã trở thành những cuốn sách bán chạy nhứt (best-sellers), và đã được cả một thế hệ các sử gia và nhà nghiên cứu Hoa kỳ dùng làm tài liệu tham khảo chính trong các tác phầm thuộc nhóm “chính thống” của họ. Điều này có nghĩa là những nhận định tiêu cực của họ về khả năng chiến đấu của QLVNCH đã trở thành khuôn sáo, được các tác giả “chính thống” tiếp tục lập đi lập lại và được các thành viên của phong trào phản chiến sử dụng triệt để. Một điều nữa cũng đáng lưu ý là đa số các tác giả “chính thống” này lại là giáo sư tại các trường đại học. Một số sinh viên của họ sau đó cũng trở thành giáo sư đại học và chính những người này lại tiếp tục truyền bá các nhận định tiêu cực đó cho các thế hệ sinh viên kế tiếp. Trong thời gian mấy chục năm đó, giới truyền thông và điện ảnh của Hoa Kỳ cũng tiếp tay trong việc nói xấu, chê bai QLVNCH này. Kết quả là đối với một bộ phận rất lớn của người dân Mỹ, trong một thời gian khoảng mấy thập niên, QLVNCH đã bị xem như là một quân đội hèn nhát và không có khả năng chiến đấu cao. Sự thật thì sao?

XIN BẤM "READ MORE" ĐỂ ĐỌC TIẾP


Bản Chất Anh Hùng và Khả Năng Chiến Đấu Cao Của QLVNCH

Sự thật, mà ngày nay không còn ai có thể chối bỏ được nữa, đã thể hiện qua hai trận Tổng Tấn Công lớn của phe Cộng Sản trong hai năm 1968 (Tết Mậu Thân) và 1972 (Mùa Hè Đỏ Lửa), đặc biệt là năm 1972, khi đại đa số quân Mỹ đã triệt thoái, và QLVNCH đã phải chiên đấu đơn độc.

Trong trận Tổng Tấn Công năm 1972 của phe Cộng sản, mà giới truyền thông và, sau này, tất cả các tài liệu của Hoa Kỳ đều gọi là The Easter Offensive, QLVNCH đã chiến đấu vô cùng anh dũng tại tất cả 3 mặt trận là Quảng Trị ở Vùng I, Kontum ở Vùng II, và An Lộc ở Vùng III. QLVNCH đã thắng và đã gây ra những tổn thất rất nặng nề cho phe Cộng Sản. Nhưng, dĩ nhiên, QLVNCH cũng đã phải trả một giá rất đắt cho những chiến thắng lớn đó.

Khi viết về trận tái chiếm Quảng Trị, tác giả Mỹ Dale Andradé đã viết như sau: “… the South Vietnamese marines suffered more than 5,000 casualties since June, 3,658 of them during the seven-week battle to recapture the citadel. Almost one out of every four marines in the entire division was wounded or killed.” [12] (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “… Thủy Quân Lục Chiến của Nam Việt Nam đã có tổng số thương vong hơn 5.000 từ tháng 6, trong đó có 3.658 là trong thời gian trận đánh 7 tuần lễ tái chiếm cổ thành. Gần như là một phần tư binh sĩ của sư đoàn đã bị thương hoặc tử trận”). Tái chiếm một thành phố mà địch quân đã chiếm đóng trong gần 2 tháng, có đủ thì giờ để tổ chức các công sự phòng thủ thật vững chắc và với quyết tâm tử thủ, QLVNCH, với một số thương vong cao như vậy, đã chứng minh một cách rõ rệt bản chất anh hùng của mình, dứt khoát không phải là một quân đội hèn nhát như các tác giả Mỹ trong nhóm “chính thống” đã rêu rao trong mấy chục năm qua. Nếu muốn biết thêm chi tiết về trận đánh đẫm máu này, độc giả có thể tìm đọc bài viết sau đây: Tái chiếm Quảng Trị: trận đánh đẫm máu nhứt trong Chiến Tranh Việt Nam, trên Trang Web Nam Kỳ Lục Tỉnh tại địa chỉ Internet sau đây: https://sites.google.com/site/namkyluct ... h-viet-nam

Tại mặt trận An Lộc, tình hình còn khó khăn hơn rất nhiều. Thị trấn An Lộc đã bị bao vậy hoàn toàn bởi một lực lượng rất lớn của Cộng quân gồm 3 sư đoàn bộ binh (các Công Trường 5, 7 và 9), một sư đoàn pháo binh (Sư Đoàn Pháo Binh 69), nhiều trung đoàn trợ chiến như phòng không, thiết giáp, vũ khí đặc biệt, đặc công, vv. QLVNCH, với một lực lượng phòng thủ bên trong nhỏ hơn rất nhiều (ngay Sư Đoàn 5 BB cũng chỉ còn có 2 Trung Đoàn thôi) đã anh dũng chống cự với quyết tâm tử thủ các đợt tấn công dữ dội của địch quân có chiến xa yểm trợ. Trong suốt thời gian của trận đánh, các đơn vị của QLVNCH đã phải gánh chịu những trận pháo kích kinh hồn, có ngày lên đến hàng ngàn quả trọng pháo. Tác giả James H. Willbanks, trong tác phẩm của ông The Battle of An Loc, đã ghi rõ như sau:

“The ceaseless shelling, estimated at over 78,000 rounds during the three-month period, had reduced the city to almost total ruins. … The ARVN defenders in the city had sustained 5,400 casualties, including 2,300 killed or missing. One battalion of the 5th ARVN was down to 26 effectives from an original strength of 300 soldiers.” [13] (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: Việc pháo kích liên tục, ước tính lên đến 78.000 quả trong thời gian ba tháng, đã làm cho thị trấn hoàn toàn đổ nát. … Các chiến sĩ phòng thủ của QLVNCH đã gánh chịu một số thương vong là 5.400 binh sĩ, trong đó có đến 2.300 tử trận hay mất tích. Một tiểu đoàn của Sư Đoàn 5 Bộ Binh chỉ còn 26 người còn khả năng tác chiến từ một quân số 300 chiến sĩ lúc ban đầu).

Để biết thêm chi tiết về chiến công oanh liệt này của QLVNCH, độc giả có thể tham khảo bài viết Tử thủ An Lộc mùa Hè năm 1972 đã đăng trên Trang Web Nam Kỳ Lục Tỉnh tại địa chỉ Internet sau đây: https://sites.google.com/site/namkyluct ... e-nam-1972

Bản chất anh hùng và khả năng chiến đấu cao QLVNCH đã được chứng minh thêm một lần nữa, và cũng là lần sau cùng trong Chiến Tranh Việt Nam, tại thị trấn Xuân Lộc, cửa ngõ vào thủ đô Sài Gòn của VNCH, vào trung tuần tháng 4-1975. Sau khi đã chiếm được cả Vùng I và Vùng II của VNCH, và phá tan phòng tuyến Phan Rang của Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Quân Đoàn III, quân Bắc Việt tiến về hướng Sài Gòn trong thế mạnh gần như chẻ tre. Thị trấn Xuân Lộc là phòng tuyến cuối cùng của QLVNCH trước ngưỡng cửa vào Sài Gòn. Phe Cộng Sản nghĩ rằng họ sẽ chiếm Xuân Lộc một cách dễ dàng. Nhưng họ đã lầm. Nguyên cả một quân đoàn Bắc Việt, Quân Đoàn 4, dưới quyền tư lệnh của Tướng Hoàng Cầm, gồm 3 Sư Đoàn 6, 7 và 341, đã bị một sư đoàn duy nhứt của QLCVNCH là Sư Đoàn 18 Bộ Binh, dưới quyền tư lệnh của Tướng Lê Minh Đảo, chận đứng tại Xuân Lộc trong gần hai tuần lễ, từ ngày 9 đến ngày 21-4-1975. 


Với chiến thuật quen thuộc “tiền pháo hậu xung,” các đơn vị pháo binh của quân Bắc Việt đã pháo kích vào thị trấn Xuân Lộc rất dữ dội và biến thị trấn này thành một đống gạch vụn. Ta hảy nghe lại lời kể của một ký giả Mỹ:

“Almost every building has been damaged, and the town center reduced to rubble. The streets are pocked with 130-millimeter shells that come whistling in from the green, brooding hills to the north. What were once houses are now heaps of pulverized stone and charred timbers. The market, its tin-roofed stalls twisted into weird shapes, looks like a junk yard, and the bus station, where the initial fighting took place, is recognizable as such only by the blackened skeletons of a few buses…” [14] (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: Gần như tất cả các tòa nhà đều bị phá hủy, và trung tâm thị trấn đã biến thành một đống gạch vụn. Các con phố đầy các hố đạn đại bác 130 ly đã được bắn vào từ những ngọn đồi xanh ở hướng bắc. Những gì trước đây là những ngôi nhà bây giờ chỉ còn là nhũng đống đá nát vụn và những thanh gổ cháy đen. Còn cái chợ, mà các gian hàng lợp tôn đã bị bóp méo thành những hình thù kỳ dị, thì giống như một khu bỏ đồ phế thải, và cái bến xe đò, nơi trận đánh đầu tiên đã diễn ra, thì chỉ còn nhìn ra được nhờ mấy cái sườn cháy đen của một vài chiếc xe đò…)

Mặc dù vậy, cũng giống như các đơn vị của QLVNCH đã tử thủ ở An Lộc vào mùa Hè 1972, các đơn vị của Sư Đoàn 18 BB đã can trường chịu đựng các trận pháo kinh hoàng đó, và chờ khi địch quân bắt đầu tấn công vào thị trấn, đã chống trả mãnh liệt và gây cho chúng những tổn thất rất nặng nề. Hai tác giả Mỹ, George J. Veith và Merle L. Pribbenow, đã viết một bài báo thật dài, gồm tất cả 51 trang, gần như là một cuốn sách nhỏ, mô tả thật chi tiết trận Xuân Lộc. Hai tác giả đã trích dẫn chính hồi ký của Tướng Hoàng Cầm như sau:

“During the first three days of the battle 7th Division suffered 300 casualties and the 341st Division suffered 1,200 casualties … Virtually all of our 85 mm and 57 mm artillery pieces had been destroyed.” [15] (sau đây là nguyên văn tiếng Việt của Ghi chú số 9, Chương 20, của quyển hồi ký của Tướng Hoàng Cầm, Chặng đường 10.000 ngày: hồi ký của Thượng Tướng Hoàng Cầm (phần 2), tài liệu trực tuyến, có thề đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://lichsuhuyenbivietnam.blogspot.c ... ng_15.html): Ba ngày đầu chiến đấu, sư đoàn 7 bị thương vong 300 cán bộ, chiến sĩ, sư đoàn 341 bị thương vong 1.200. Chín xe tăng bị địch bắn cháy 3, hỏng 3. Pháo 85 ly và 57 ly hỏng gần hết.”

Thay Lời Kết

Qua các tác giả Mỹ, thuộc nhóm “xét lại,” ngày nay người Mỹ đã có một cái nhìn đúng đắn hơn về QLVNCH, đồng minh của Hoa Kỳ trong Chiến Tranh Việt Nam. Họ đã biết rõ là QLVNCH tuyệt đối không phải là một quân đội hèn nhát và không có khả năng chiến đấu cao. Bài viết ngắn này chỉ điểm qua một vài bài viết của các tác giả thuộc nhóm “xét lại”, vì công tâm của đa số người Mỹ lương thiện, đã minh oan và vinh danh QLVNCH, một quân đội anh hùng đã đi vào lịch sử. Trong phần kết của bài viết dài về Trận Xuân Lộc đã nói đến bên trên, hai tác giả Veith và Pribbenow đã ghi lại câu trả lời sau đây của Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, Tư Lệnh Sư Đoàn 18 BB: “Please do not call me a hero. My men who died at Xuan Loc and a hundred battles before are the true heroes.” [16] 

(Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Xin đừng gọi tôi là một anh hùng. Các binh sĩ dưới quyền tôi đã hy sinh tại Xuân Lộc và trong hàng trăm trận đánh trước đó mới thật là những vị anh hùng”).

Ghi Chú

Moyar, Mark, “Vietnam: historians at war,” Academic questions, vol. 21, no. 1 (Spring 2008), tạp chí điện từ, có thể đọc toàn văn trực tuyến tại địa chỉ Internet sau đây: https://www.nas.org/academic-questions/ ... ans_at_war

Halberstam, David. The Making of a quagmire: America and Vietnam during the Kennedy era. Rev. ed., with an introduction by Daniel J. Singal. Lanham, Md.: Rowman & Littlefield, 2008. Tr. 77-92.

Sheehan, Neil. A Bright shining lie: John Paul Vann and America in Vietnam. New York: Random House,1988. Tr. 201-265.

Karnow, Stanley. Vietnam, a history: the first complete account of Vietnam at war. New York: Penguin Books, 1984. Tr. 259-262.

Sheehan, sđd, tr. 233.

Karnow, sđd, tr. 259-260.

Halberstam, sđd, tr. 85.

Đoàn Thêm. Hai mươi năm qua: việc từng ngày (1945-1964); tựa của Lãng Nhân. Los Alamitos, Calif.: Xuân Thu, [1989]. Tr. 328.

Battle of Ap Bac, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://en.wikipedia.org/wiki/Battle_of ... #Aftermath

Lý Tòng Bá. 25 năm khói lừa: hồi ký của một tướng lãnh cầm quân tại mặt trận. Las Vegas: Tác giả xuất bản, 1995. Tr. 65 và 68.

Moyar, Mark. Triumph forsaken: The Vietnam War, 1954-1965. Cambridge, UK: Cambridge University Press, 2006. Tr. xvi.

Andradé, Dale. America’s last Vietnam battle: halting Hanoi’s 1972 Easter Offensive. Lawrence: University Press of Kansas, 2001. Tr. 196.

Willbanks, James H. The Battle of An Loc. Bloomington: Indiana University Press, 2005. Tr. 146-147.

Caputo, Phillip, “S. Viets take skeleton of city.” Chicago tribune, số ra ngày 14-4-1975, tr. 3.

Veith, George J. và Merle L. Pribbenow, “Fighting is an art: the Army of the Republic of Vietnam’s defense of Xuan Loc, 9-21 April 1975,” Journal of military history, vol. 68, no. 1 (Jan. 2004), tr. 163-213. Tr. 193.

Veith và Pribbenow, bài báo vừa dẫn ngay bên trên, tr. 213.


Lâm Vĩnh Thế

 

SOURCE:

https://cuantunguy.com/diendan1/viewtopic.php?t=8&start=885

 

No comments:

Post a Comment