Trung úy Bửu Tùy vừa từ mặt trận về gặp đúng bữa ăn chiều nhà đang dọn ra. Hương vị của cơm canh, thịt cá khiến chàng lính rừng rối rít, xuýt xoa xề vô mâm cơm ních một hơi bảy tám chén ự. Thiên Hương, vợ người hùng, chờ chàng cơm nước xong mới nhỏ nhẹ nhắc làm cả nhà cười vang: "Anh nì. Nhà ni không quen súng đạn mô. Anh đem vô buồng cất giùm em cấy". Đúng là lính rừng lâu lâu về thành phố gặp ngay bữa cơm gia đình là xề vô vồ vập như con gấu đói khát lâu ngày, quên khuấy súng đạn mang đầy mình. Mà cũng đúng. Hành quân liên miên trên rừng trên núi, lương khô làm chuẩn sao bằng cơm nhà quà vợ.
Từ ngày về ở rể, gia đình bên vợ đều khoái anh lính hộ pháp vui tính này. Ngoài mặt trận về tới nhà là xắn tay áo việc gì cũng làm ráo, vừa làm vừa thản nhiên ca hát vang lừng nhà cửa. Từ sơn nhà, dựng cổng, lót gạch, sửa điện, thay ống nước, cuốc đất, làm vườn, kể cả giúp vợ phụ bếp… lăng xăng không chừa thứ chi. Dáng dấp dềnh dàng rứa, râu ria bặm trợn rứa, súng đạn đầy mình rứa mà tâm hồn lại nghệ sĩ một cây xanh dờn.
Mỗi lần Bửu Tùy hành quân về mấy đứa em vợ, trai cũng như gái đều thích quây quần bên người hùng háo hức nghe kể hầm bà lằng xắng cấu đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, chuyện nào cũng tếu táo, dí dỏm khiến lũ trẻ nhiều phen cười bổ nghiêng bổ ngửa. Ban đầu bọn trẻ thích nghe chuyện cổ tích Thánh Gióng, Tấm Cám, Thạch Sanh Lý Thông, Ba Giai Tú Xuất, con Tò He xong tới chuyện đánh giặc. Xưa nay đánh giặc là chuyện chết chóc, gió tanh mưa máu, súng đạn ì đùng rứa mà được ông anh rể kể bằng trí tưởng tượng phong phú pha trộn giữa thực và hài, như vừa lùng giặc vừa ăn lương khô sặc máu, chuyện nửa khuya lò mò rình nghe tiếng con dế gáy, chuyện mùa mưa muỗi chích, vắt cắn, đỉa bu, chuyện miểng bom cắm phập vào đùi nghe một cái sịt máu chảy hết ngàn lít v.v… Chuyện nào cũng ly kỳ, hấp dẫn, phiêu lưu, hài hước từ đầu tới cuối. Có điều chuyện chi rồi rốt cùng chúng nằng nặc đòi nghe cho bằng được chuyện tình của bà chị thân yêu với ông anh rể quý mến của mình v.v… và v.v…
Hồi học trường Trung học Quốc Học anh chàng Bửu Tùy đi học về là quăng cặp-táp vô một góc, không lao xuống giường thì ngồi phịch xuống ghế hì hục viết văn, lăng xăng viết nhạc, sáng tác cả thơ thẩn với mục đích cao vời nhất là tán tỉnh o Hương, hoa khôi Đồng Khánh. Cái câu "đẹp trai không bằng chai mặt" rất xứng với anh chàng Quốc Học cố bám theo o Đồng Khánh cho tới khi rớt tú tài 2 đi lính về vẫn lì lợm, chai mặt bám theo O như đỉa đói đến nỗi ông tơ bà nguyệt chịu đời không thấu bèn cột dây tơ hồng cho đôi lứa nên vợ nên chồng. Trai thời loạn cưới vợ ở rể được năm ba ngày phép lại lên đường sống chết cùng súng đạn ngoài mặt trận khiến cả nhà lên ruột. Cho nên mỗi lần thấy Trung úy Bửu Tùy ầm ầm về phép là lũ trẻ mừng ra mặt; còn người lớn vội cất cái thót ruột qua một bên để vui cùng chàng rể phong trần, vui tính, dễ thương hết biết.
Từ ngày Bửu Tùy, chàng rể Làng Chuồn về ở rể mang cả rượu Làng Chuồn về theo làm thơm phức cả nhà, từ đó danh tửu không thể thiếu trong những dịp tế lễ, Xuân về Tết đến.
Làng Chuồn thuộc huyện Phú Vang nằm cạnh đầm Chuồn, một trong đầm lớn của phá Tam Giang, ở đó có rượu Làng Chuồn, một loại danh tửu.
Rượu Làng Chuồn từ lâu đã nức tiếng thơm ngon bậc nhất xưa nay của kinh thành Huế. Không chỉ là "Ngự Tửu" một thời tiến vua triều Nguyễn mà còn là một loại hình nghệ thuật gắn liền với văn hóa, lịch sử và đời sống của người dân Làng Chuồn nói riêng và cố đô Huế nói chung. Vào những dịp hội hè, lễ Lạt, ông già vợ và chàng rể Bửu Tùy rất tâm đắc trong cuộc đối ẩm. Rượu Làng Chuồn đưa cay cùng mấy con khô, cạnh vài trái xoài, trái ổi cũng làm nên lượng tửu đôn hậu, hưởng được cái không khí gia đạo tình thâm.
Chiều cuối năm thị trấn Phong Điền trời se se lạnh. Ông Bính lặng lẽ ngồi trước hiên nhà độc ẩm vài ba sợi Làng Chuồn giải phá cơn sầu. Ngoài kia xuân về hương thơm của danh tửu Làng Chuồn bay khắp trời Phong Điền, rải khắp đất Thừa Thiên Huế.
Rứa đọ. Rứa tề. Rứa mà khi ông Bính ngoái đầu nhìn vô trong nhà thì nỗi buồn lại ập vào mặt ông không thương tiếc. Trước bàn thờ tổ tiên nghi ngút khói hương, Thiên Hương, con gái ông đang thắp nhang khấn vái vong linh chồng mình, cố Đại úy Bửu Tùy.
Đầu năm 1969 Trung úy Bửu Tùy tử trận trong một trận đánh đẫm máu trên đồi A So, thuộc A Lưới, một huyện miền núi phía Tây Bắc tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngót một tháng sau mới hốt được xác về.
Lịch sử dân tộc Việt Nam từ bao đời luôn gắn liền với non sông đất nước chứa chan mầu mỡ. Sức chảy của nước pho pho so với sức khỏe của đất là nhờ một phần xương thịt của quân dân hai miền trong đó có phân bón của rể Làng Chuồn: Bửu Tùy.
PHAN NI TẤN
No comments:
Post a Comment