Monday, March 31, 2025

VFC - Part 11 - Di Sản Việt Nam Cộng Hòa

 


 

 

Jimmy Vũ Nhân: 50 Năm Quốc Hận- Vinh danh những người phục vụ Cộng đồng

 

 


Hồi ức Phạm Trần: Sống và làm báo thời Việt Nam Cộng Hoà

 


25 Tháng 3, 2025

By Phạm Trần

"Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ" (ISSN 2693-8413) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Việt - Mỹ, Đại học Oregon, tập trung vào ba lãnh vực: Việt nam đương đại, quan hệ Việt-Mỹ, và cộng đồng người Việt ở Mỹ.

Phạm Trần (1949 – 2025) là nhà báo kỳ cựu thời Việt Nam Cộng Hoà (trước 1975) và tại Mỹ (sau 1975.) Ông vừa qua đời ngày 21 tháng Ba năm 2025 tại Virginia, Hoa Kỳ. Để độc giả có thêm thông tin và góc nhìn về lịch sử báo chí thời VNCH, Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ xin đăng lại bài tham luận “Sống và làm báo thời Việt Nam Cộng Hoà” của ông tại hội thảo về lịch sử VNCH tại Đại học UC at Berkeley, Hoa Kỳ, năm 2016. Bài tham luận này được in lại trong Chương 10 của sách “The Republic of Vietnam, 1955–1975: Vietnamese Perspectives on Nation Building”, Cornell University Press, 2020, do Giáo sư Tường Vũ và GS Sean Fear chủ biên.

Được sống và làm báo dưới hai nền Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa từ năm 1960 đến năm 1975 ở miền Nam Việt Nam là một vinh dự cho tôi. Với những đóng góp rất đáng trân trọng nhưng không ít truân chuyên của nền báo chí này, trong hoàn cảnh khó khăn của một đất nước vừa chiến đấu vừa xây dựng và bảo vệ hòa bình, tôi cố gắng ghi lại những bước thăng trầm của 15 năm ấy qua trí nhớ của mình.

Đồng thời, cũng nhân cơ hội này, tôi muốn trưng ra bằng chứng khác biệt không phủ nhận được giữa nền báo chí “tự do trong chiến tranh” thời Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và nền báo chí được mệnh danh là “báo chí cách mạng”, nhưng bị đặt dưới quyền kiểm soát toàn diện và khe khắt bằng nhiều hình thức của Luật báo chí của chế độ cộng sản Việt Nam ngày nay.

Thời Đệ nhất Cộng hòa

Cho đến đầu năm 1956, báo chí miền Nam dưới thời Đệ nhất Cộng hòa, không bị kiểm duyệt nhưng bị chi phối bởi quyết định hành chính ngăn cấm báo chí không được “vi phạm an ninh quốc gia” hay “gây hoang mang dư luận”. Đây là hai điều kiện mơ hồ vì có thể bị chính quyền suy diễn tùy tiện, khiến báo chí luôn luôn sống trong đe dọa bị đóng cửa.

Báo chí còn bị kiểm soát bằng hai cách khác để không dám chống chính phủ. Thứ nhất, các báo được chính phủ cấp phiếu mua giấy giá chính thức rẻ hơn trên thị trường. Vì vậy đa số báo khai số in nhiều hơn để có thể bán số giấy không sử dụng cho con buôn lấy tiền chi phí tòa soạn. Thứ hai, tất cả các báo bán ra thị trường phải qua tay Nhà phát hành độc quyền Thống Nhất, cơ sở thương mại làm việc với chính phủ để kiểm soát báo chí. Do đó các chủ báokhông được tự do làm báo theo ý muốn vì sợ bị cúp phiếu mua giấy, hay không được phát hành ra thị trường thì báo sẽ chết.

Chủ trương kiểm soát báo chí của chính quyền Ngô Đình Diệm còn thể hiện trong điều 16 của Hiến pháp năm 1956. Điều này viết: “Mọi người dân có quyền tự do ngôn luận. Quyền này không được dùng để vu cáo, phỉ báng, xâm phạm đến nền đạo lý công cộng, hô hào nổi loạn, hoặc lật đổ chính thể Cộng hòa.” Với nội dung mơ hồ này, báo chí trong 9 năm tồn tại của chính phủ Ngô Đình Diệm không hoàn toàn được tự do theo như tiêu chuẩn báo chí của các nước Tây phương hay của Hoa Kỳ. Các đảng phái chính trị cũng không được phát triển.

Một trong những tờ báo nổi tiếng trong những năm đầu của Đệ nhất Cộng hòa là nhật báo Tự Do, xuất bản lần thứ nhất (khác với ấn bản thứ hai sẽ được bàn tới sau). Báo Tự Do ra đời năm 1954 sau cuộc di cư vào miền Nam của gần 1 triệu người miền Bắc. Báo này khi đó được coi là tiếng nói của người Bắc di cư, quy tụ những tên tuổi nhà văn, nhà báo từ miền Bắc vào Sài Gòn như: Tam Lang (Vũ Đình Chí), Mặc Thu (Lưu Đức Sinh), Mặc Đỗ (Đỗ Quang Bình), Vũ Khắc Khoan, Như Phong (Lê Văn Tiến), Nguyễn Hoạt (Hiếu Chân), Đinh Hùng (Hoài Điệp Thứ Lang, Thần Đăng), Phạm Tăng, v.v…

Lúc đầu, Tự Do được yểm trợ tài chính bởi tổ chức quốc tế International Rescue Committee (IRC) nhưng sau tự sống vì có nhiều độc giả và nhận được nhiều quảng cáo của doanh nghiệp. Tự Do có lập trường chống cộng sản rõ rệt nhưng hoàn toàn độc lập với chính quyền Ngô Đình Diệm. Do đó tờ báo không được cảm tình của chính phủ và những người ủng hộ chế độ. Vì vậy, theo lời kể của cố ký giả Như Phong, thư ký tòa soạn của Tự Do lúc bấy giờ, tình hình thay đổi từ tháng giêng năm 1956. Vào năm này, Tự Do bị đưa ra tòa vì hai bài xã luận của nhà văn Nguyễn Hoạt đả phá khía cạnh tiêu cực của chính quyền và những tranh biếm họa của họa sĩ

Phạm Tăng chế giễu bà Trần Lệ Xuân là vợ ông Ngô Đình Nhu, và chế độ. Phạm Tăng được trắng án, nhưng Nguyễn Hoạt và Mặc Thu bị tù ba tháng. Ít lâu sau Tự Do phải đình bản và chính phủ giành quyền kiểm soát.

Cùng với nhật báo Tự Do (ấn bản lần thứ nhì) do hai ông Phạm Việt Tuyền và Kiều Văn Lân điều khiển, chính quyền Ngô Đình Diệm còn cho ra đời nhật báo Cách Mạng Quốc Gia (chủ nhiệm Đỗ La Lam), là cơ quan ngôn luận của Phong trào Cách mạng Quốc gia do ông Ngô Đình Nhu lãnh đạo. Điều khiển và cung cấp tiền bạc cho hai báo này ở cấp bậc cao nhất là Sở Nghiên cứu Chính trị Xã hội, tức là cơ quan tình báo do bác sĩ Trần Kim Tuyến, một cộng sự viên đắc lực của ông Ngô Đình Nhu đồng thời là cố vấn của Tổng thống Diệm điều hành.

Ý thức được những gì đã xảy ra cho báo Tự Do (ấn bản thứ nhất), các báo tư nhân bắt đầu e dè và đặt trọng tâm làm thương mại và giải trí để khỏi bị phiền lụy với chính quyền. Nội dung đưa tin được chọn lọc để tránh xa những tin nói đến các hoạt động của lực lượng cộng sản, khi ấy đã bắt đầu nhen nhúm ở miền quê đồng bằng sông Cửu long và khu vực Liên khu V của cộng sản ở miền Trung cũ bao gồm 3 tỉnh Quảng nam, Quảng ngãi và Bình định.

Những tin liên quan đến hoạt đông của các đảng phái và tổ chức tôn giáo, đặc biệt là Công giáo là tôn giáo của gia đình họ Ngô, cũng được được các báo chọn lọc để tránh bị nghi ngờ gây bất ổn hay kỳ thị tôn giáo.

Tuy nhiên, chính quyền thời đó cũng chấp nhận để cho tờ tuần báo đối lập Thời Luận của Nghiêm Xuân Thiện, cựu Tổng trấn Bắc phần năm 1948, sống được 3 năm từ 1956 đến 1958. Thời Luận là báo đối lập duy nhất dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm dám công kích những việc làm trái pháp luật, phản dân chủ và chính sách đàn áp đối lập của chính phủ. Phần lớn những bài chống chính phủ, lấy bút hiệu Chính Nghĩa hay XYZ, là của Luật sư Trần Văn Tuyên,một lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân Đảng đối lập với chính quyền.

Vì vậy, vào năm 1958, chính quyền ra lệnh cho mật vụ giả dạng côn đồ xông vào phá tòa soạn và bắt chủ nhiệm Nghiêm Xuân Thiện.

Ông Nghiêm Xuân Thiện bị truy tố về tội “Sử dụng báo chí để phỉ báng chính quyền” và bị phạt 10 tháng tù giam. Báo Thời Luận bị đóng cửa vĩnh viễn năm 1958.

Tôi gia nhập làng báo trong bối cảnh như thế, từ một người học việc năm 1960 là thời gian không khí chính trị ở Sài Gòn có nhiều biến động. Chính phủ của Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lên án độc tài toàn diện. Các đảng phái đối lập bị theo dõi. Báo chí lúc đó chỉ có hơn 10 tờ tập trung ở Sài Gòn. Họ chỉ có 2 lựa chọn: một là đứng hẳn về phía chính quyền, hai là thuần túy thương mại và giải trí. Nếu vai trò của các ký giả đã bị hạn chế từ năm 1956 thì hoạt động của chúng tôi càng bị khe khắt hơn từ sau ngày 26 tháng 4 năm 1960, khi nhóm nhân sĩ Caravelle ra tuyên ngôn kêu gọi chính quyền Ngô Đình Diệm thay đổi chính sách cai trị và cải tổ chính phủ.

Được gọi là nhóm Caravelle vì cuộc họp của 18 nhân sĩ, trí thức đã diễn ra ở khách sạn Caravelle ngay trung tâm thành phố Sài Gòn. Họ là những nhân vật nổi tiếng trên chính trường, tự lấy tên là “Nhóm nhân sĩ tự do tiến bộ” đại diện cho 3 miền Nam-Trung-Bắc Việt Nam. Nhiều người trong số này là cựu bộ trưởng hoặc từng là nhân viên cao cấp trong chính phủ như các ông Trần Văn Văn, cựu Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch; Trần Văn Hương, cựu Đô trưởng Sài Gòn; Phan Huy Quát, cựu Bộ trưởng Quốc phòng và Giáo dục; Phan Khắc Sửu, cựu Bộ trưởng Canh nông; Bác sĩ Trần Văn Đỗ, cựu Bộ trưởng Ngoại giao; Luật sư Trần Văn Tuyên, cựu Bộ trưởng Thông tin và Tuyên truyền, v.v…

Tuyên ngôn chính trị của nhóm Caravelle thời bấy giờ được coi là một biến cố chính trị táo bạo và can đảm phi thường vào lúc mà mọi quyền hành đều nằm trong tay chính quyền Ngô Đình Diệm.

Nhưng báo chí khi ấy lại không dám bình luận hay khai thác biến cố chính trị này. Để lấy lòng chế độ, hầu hết các báo đăng lời cố vấn Ngô Đình Nhu gọi mỉa mai nhóm nầy là “nhóm chính trị salon, phòng trà”. Tổng thống Ngô Đình Diệm không chấp nhận yêu cầu của nhóm Caravelle. Ngược lại, cả nhóm 18 nhân sỹ và một số người khác đã bị bắt đưa ra tòa án quân sự với tội danh “phá rối trị an”. Nhưng cũng bất ngờ là tòa án quân sự ngày 11 và 12 tháng7 năm 1960 đã tuyên bố tha bổng tất cả vì bị quốc tế phản đối.

Tuy ảnh hưởng của nhóm Caravelle đối với quần chúng rất hạn chế nhưng Tổng thống Diệm đã siết chặt kiểm soát đối với các đảng phái và báo chí. Các chủ báo luôn luôn căn dặn nhân viên tòa soạn phải viết lách cẩn thận.

Ít tháng sau đó, vào ngày 11/11/1960, Đại tá Nguyễn Chánh Thi và Trung tá Vương Văn Đông phát động cuộc đảo chính chống Tổng thống Ngô Đình Diệm nhưng bất thành. Nhiều chính khách và đảng phái ủng hộ cuộc đảo chính bị bắt và bị đưa ra tòa với tội “phản quốc” và “xâm phạm an ninh quốc gia”. Cả làng văn, làng báo lúc bấy giờ rùng mình và chấn động. Một không khí ngột ngạt bao trùm khắp Sài Gòn nhưng không nhà báo nào dám hé răng. Viết lách cũng e dè với chế độ hơn bao giờ hết. Lúc ấy, nhiều báo cứ nghĩ là mình như “cá nằm trên thớt” có thể bị con dao phay của chế độ chặt đầu bất cứ lúc nào.

Chỉ sau đó ít tháng, vào ngày 10/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (MTGPMN), do hai người thân cộng, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và Kỹ sư Huỳnh Tấn Phát, ra đời để chống chính phủ độc tài Ngô Đình Diệm và chống sự can thiệp của Hoa Kỳ. Cả thế giới biết chính quyền cộng sản miền Bắc hậu thuẫn và cho ra đời tổ chức MTGPMN, nhưng báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ không dám tự ý đăng tin biến cố chính trị quan trọng này mà phải đợi tin chính thức của chính phủ gọi MTGPMN là “tay sai, con đẻ của cộng sản miền Bắc”.

Chúng tôi, những người làm báo lúc bấy giờ, không dám viết những gì mình biết hay nghe được từ các đài phát thanh quốc tế như BBC, VOA hay Đài phát thanh quốc tế Pháp (Radio France International). Phần lớn tin trên báo thời bấy giờ xuất phát từ PhủTổng thống hay mua từ Việt Nam Thông tấn xã, cơ quan thông tấn chính thức của chính phủ.

Không khí ngột ngạt mà làng báo lúc bấy giờ phải trải qua đã phần nào trở lại bình thường cho đến ngày 27 tháng 02 năm 1962 khi hai phi công của Không quân Việt Nam là Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc ném bom dinh Độc lập. Một trái bom đánh trúng phòng Tổng thống nhưng không phát nổ. Hai phi công thực hiện cuộc oanh tạc nhằm sát hại Tổng thống Diệm và gia đình ông, khi ấy ngoài ông Diệm còn có gia đình ông Cố vấn Ngô Đình Nhu và người anh là Giám mục Ngô Đình Thục cũng có mặt trong dinh Độc Lập, nhưng tất cả đều thoát nạn.

Báo chí tư nhân đều rất dè dặt và chỉ dám loan tin theo những gì chính phủ cho biết như coi đó là hành động đơn độc của hai phi công phản loạn. Mặc dù phần lớn các báo đều biết phi công Nguyễn Văn Cử thực hiện cuộc oanh tạc để trả thù việc bố của ông, cụ Nguyễn Văn Lực, một lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng, mới bị Tổng thống Diệm bắt giam trước đó một thời gian.

Chính phủ Ngô Đình Diệm bị lật đổ trong cuộc đảo chính đẫm máu ngày 01/11/1963 bởi một nhóm tướng lãnh, do Trung tướng Dương Văn Minh cầm đầu được chính phủ Hoa Kỳ thời Tổng thống John F. Kennedy hậu thuẫn. Tuy nhiên cuộc đảo chính đã gây ra tình trạng chia rẽ nghiêm trọng giữa Phật giáo và Thiên Chúa giáo sau khi nhóm đảo chính hạ sát Tổng thống Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu sau khi họ đã đầu hàng. Lỗi lầm chính trị này đã chia làng báo ra làm 3 phái: thân Phật giáo, thân Công giáo và “đứng giữa”. Tôi hân hạnh được làm việc với cả 3 khuynh hướng này, từ năm 1964 đến năm 1975, vì tôi chuyên về tin chính trị và quân sự.

Đệ nhị Cộng hòa

Sau đảo chính, báo chí tự cởi trói để hoan hô cuộc “cách mạng” nhưng chẳng bao lâu lại lâm vào tình trạng xung đột với Hội đồng Quân nhân lãnh đạo và các chính phủ kế tiếp do phe quân đội thành lập. Có nhiều báo mới ra đời sau đảo chính nhưng tiếp tục bị kiểm soát,hay bị chi phối bởi các phe phái trong chính quyền, hoặc bị mua chuộc bởi các đảng chính trị vừa có cơ hội tái hoạt động, hay thành lập mới.

Phe Phật giáo có 4 tờ báo là Hành Động, Chánh Đạo, Đất Tổ và Lập Trường nhưng nội bộ không đoàn kết được với nhau. Các lãnh tụ Phât giáo cũng chia làm ba phe nên báo của họ phải ngả theo lập trường của lãnh tụ. Phe Phật giáo miền Bắc do Thượng tọa Thích Tâm Châu cầm đầu; miền Nam chịu ảnh hưởng của Thượng tọa Thích Thiện Hoa; phe miền Trung chịu sự chỉ huy của hai Thượng tọa Thích Trí Quang và Thích Thiện Minh.

Giáo hội Công giáo, tuy chỉ có khoảng 5 triệu tín đồ vào năm 1963 nhưng có tổ chức chặt chẽ và uy tín rất lớn vì được hậu thuẫn của Vatican. Hai giám mục chống cộng nổi tiếng di cư từ miền Bắc vào Nam năm 1954 là Lê Hữu Từ (từng là cố vấn của ông Hồ Chí Minh) và Phạm Ngọc Chi đã cùng với Linh mục Hoàng Quỳnh, một nhà lãnh đạo cuộc kháng chiến chống cộng sản khét tiếng trước năm 1954 ở miền Bắc, đã tạo thành một lực lượng chính trị đối lập quan trọng với nhóm tướng lãnh đảo chính và với Phật giáo. Sau cuộc đảo chính năm 1963, để đối đầu với các báo do Phật giáo điều khiển và để bảo vệ quyền lợi của người Công giáo, Linh mục Nguyễn Quang Lãm xuất bản báo Xây Dựng và Linh mục Trần Du ra báo Hòa Bình. Đứng sau hậu thuẫn tinh thần cho hai báo là tổ chức chính trị của người Công giáo, Lực lượng Đại đoàn kết, do Kỹ sư Nguyễn Gia Hiến đứng đầu.

Trong khoảng từ 1964 đến năm 1965, báo chí miền Nam bị chi phối bởi các chính phủ hỗn hợp dân sự và quân nhân nhưng chịu ảnh hưởng rất lớn của quân đội. Chỉ 3 tháng sau khi Tổng thống Diệm bị đảo chính, miền Nam rơi vào thời kỳ bất ổn liên miên sau cuộc “chỉnh lý” lật đổ Tướng Dương Văn Minh vào ngày 30/01/1964 của Trung tướng Nguyễn Khánh. Tuy nhiên Tướng Khánh đã tỏ ra quá yếu để tồn tại. Hai Thủ tướng dân sự Trần Văn Hương và Phan Huy Quát cũng lần lượt bị thay thế. Để ổn định tình hình, phe tướng lãnh trẻ đứng đầu bởi Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu và Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ đã đứng ra lãnh đạo miền Nam từ ngày 19 tháng 06 năm 1965.

Quốc hội Lập hiến được bầu lên ngày 11 tháng 09 năm 1966 để viết ra bản Hiến pháp mới của nền Đệ nhị Cộng hòa, ra đời ngày 18 tháng 3 năm 1967. Sau đó cuộc Tổng tuyển cử bầu lên Hạ viện, Thượng viện và Tổng thống đầu tiên của nền Đệ nhị Cộng hòa được tổ chức tháng 10 năm 1967. Trong Hiến pháp mới năm 1967, các quyền tự do tư tưởng, ngôn luận, báo chí và xuất bản không bị kiểm duyệt, ngoại trừ phim ảnh và và kịch trường. Nguyên văn điều 12 như sau:

1- Quốc gia tôn trọng quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, báo chí và xuất bản, miễn là sự hành xử các quyền này không phương hại đến danh dự cá nhân, an ninh quốc phòng hay thuần phong mỹ tục.

2- Chế độ kiểm duyệt không được chấp nhận, ngoại trừ các bộ môn điện ảnh và kịch trường.

Song hành với nội dung của Hiến pháp, vào ngày 30/12/1969 Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ký ban hành Luật Báo chí 019/69.

Đây là đạo Luật đã và vẫn còn được coi là tiến bộ nhất trong lịch sử Việt Nam, cả ở miền Bắc lẫn trong Nam, vì đã bảo đảm gần như tuyệt đối quyền tự do cho người làm báo. Luật này cũng đã chấm dứt mọi ám ảnh báo chí bị kìm kẹp như dưới thời Đệ nhất Cộng hòa.

Toàn bộ đạo luật có 8 chương và 69 điều.

Ngay trong chương thứ nhất, Luật đã khẳng định: “Quyền tự do báo chí là quyền tự do căn bản trong chính thể Việt Nam Cộng hòa… Sự giới hạn của quyền tự do báo chí là không được phương hại đến danh dự cá nhân, an ninh quốc gia và thuần phong mỹ tục. Báo chí cũng không thể bị đóng cửa nếu không có quyết định của cơ quan tư pháp. Chế độ kiểm duyệt báo chí không được chấp thuận.”

Tuy có sự mơ hồ về “an ninh quốc gia”, nhưng chính phủ không được phép sử dụng quyền hành chính để đóng cửa báo mà quyền đình bản một tờ báo phải do cơ quan tư pháp quyết định.

Về quyền xuất bản báo, chương 2 viết:

Các thể nhân (cá nhân) hoặc pháp nhân có quốc tịch Việt Nam đều được xuất bản báo mà không cần xin phép, họ chỉ cần làm thủ tục khai báo tại Bộ Thông tin Việt Nam Cộng hòa. Ngoài các giấy tờ tùy thân, chủ báo chỉ cần có văn bằng, giấy tờ chứng minh quá trình làm báo của chủ bút và chủ nhiệm. Đồng thời là lý lịch tư pháp mới nhất của các vị này và người quản lý.

Bộ Thông tin có nghĩa vụ phải lập tức cấp chứng nhận tạm thời khi nhận đủ giấy tờ nộp lên. Sau tối đa một tháng từ lúc cấp giấy này, Bộ Thông tin phải cấp giấy phép chính thức.

Nếu không cấp giấy phép chính thức, Bộ phải viện rõ lý do.

Trường hợp không có lý do chính đáng, giấy phép tạm thời thành chính thức. Các vụ kiện liên quan có thể được giải quyết ở cấp cao hơn là Tham chánh viện.

Ngoại kiều cũng có quyền xuất bản báo. Tuy nhiên, họ cần được Tổng trưởng Bộ Thông tin cấp phép sau khi hội ý với Tổng trưởng Bộ Nội vụ.

Trong chương 3 nói về “Quyền hạn và trách vụ của báo chí”, Luật quy định: “Báo chí không thể bị tạm đình bản hay đình bản vĩnh viễn, nếu không có quyết định của cơ quan tư pháp.” Nếu chính quyền cho rằng tờ báo đã “vi phạm an ninh quốc gia, trật tự công cộng hay/và thuần phong mỹ tục” thì có thể tịch thu để truy tố ra tòa án trong vòng 8 ngày. Nếu chính quyền sai thì phải bồi thường thiệt hại cho tờ báo.

Luật Báo chí 019/69 có những thay đổi đáng chú ý. Về ưu điểm, các báo có quyền tự phát hành hay dùng công ty do mình lựa chọn, thay vì phải qua tay công ty độc quyền làm việc với chính phủ như thời chính phủ Diệm. Người phát hành phải đóng tiền ký quỹ là 500.000 đồng bạc Việt Nam thời đó (US$2,714) để bảo đảm hành nghề nghiêm chỉnh. Luật cũng quy định: “Báo chí không thể bị khởi tố khi tường thuật hay đăng tải các tường thuật phiên họp, các thuyết trình, các ý kiến thể hiện quan điểm chính trị của mọi dân biểu, có quyền trích dịch mọi nguồn thông tin. Báo chí có quyền chỉ trích chính phủ miễn là không nhằm mục tiêu tuyên truyền.” (Vào thời điểm ấy, nhóm chữ “tuyên truyền” được hiểu là “viết hay loan tin có lợi cho cộng sản” hay “gây hoang mang dư luận”.)

Nhờ có Luật Báo chí mới mà báo chí miền Nam đã có những khởi sắc của một nền báo chí tự do kể từ sau ngày đảo chính Tổng thống Diệm. Tuy nhiên, khuyết điểm của chính phủ là bắt các báo phải nạp bản (lưu chiếu) ít nhất 2 tiếng trước khi được phép phát hành báo để cho Bộ Thông tin (sau đổi thành Bộ Dân vận và Chiêu hồi, DVCH) lưu giữ làm tài liệu. Tuy luật nói rõ báo chí không bị kiểm duyệt, nhưng Bộ này đã dùng biện pháp “nạp bản” để kiểm duyệt báo. Họ bắt các báo phải “đục bỏ” những tin hay bài viết mà chính phủ coi như đã vi phạm Luật Báo chí hay gây bất ổn định.

Phần đông báo tuân theo nên khi báo ra khỏi nhà in thì thấy có nhiều “mảng trắng” có hàng chữ TYĐB (tự ý đục bỏ). Nhưng một số báo đối lập bất tuân và tự ý phát hành trước khi chính quyền có cơ hội ra lệnh xóa bỏ (xem thêm Chương 12 trong sách này). Thí dụ như vào ngày 9/9/1974, một số báo đã đăng “Bản Cáo Trạng số 1” gồm 6 điểm của Linh mục Trần Hữu Thanh, người cầm đầu Phong trào chống tham nhũng. Bản cáo trạng tố cáo đích danh Tổng thống Thiệu và chính phủ của ông tham nhũng. Trước ngày báo ra, Bộ Dân vận và Chiêu hồi gọi điện thoại yêu cầu các báo không đăng để tránh gây hoang mang vì hoàn toàn sai sự thật. Tất nhiên báo nào đăng bản Cáo trạng thì bị tịch thu. Sau 1975, không có bất cứ tài liệu nào chứng minh bản Cáo trạng của Cha Thanh là đúng.

Khuyết điểm lớn nhất của Luật Báo chí thời Tổng thống Thiệu là cho phép ra báo quá dễ nên không kiểm soát nổi. Nhiều thành phần thân cộng hay cộng sản thứ thiệt đã len lỏi vào làng báo một cách dễ dàng để gây bất ổn và gây bạo động nhằm lật đổ chính quyền. Hai báo đối lập chống Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Hoa Kỳ là tờ Tin Sáng của Dân biểu Ngô Công Đức và Điện Tín của Nghị sĩ Hồng Sơn Đông công khai ủng hộ tướng Dương Văn Minh, người sau đó làm Tổng thống sau cùng của miền Nam. Sau khi chiến tranh kết thúc với chiến thắng của quân đội cộng sản vào ngày 30/04/1975 thì nhiều nhân viên tòa soạn của hai báo đã hiện nguyên hình là những cán bộ tình báo nằm vùng của cộng sản, đội lốt ký giả.

Vì ra báo quá dễ nên số báo từ khoảng 25 tờ năm 1970 đã tăng lên trên 50 tờ nhật báo năm 1975, không kể hàng trăm tờ tạp chí và báo tuần. Trước tình trạng chiến tranh ngày càng nghiêm trọng, vào năm 1972 Quốc hội đã thông qua Luật Ủy quyền cho Tổng thống để ông rảnh tay đối phó với tình hình. Nhờ đó mà Tổng thống Thiệu đã ban hành Sắc luật 007/72 để hạn chế bớt số báo đang lưu hành.

Tuy nhiên, quyết định của Tổng thống đã gây bất lợi cho ông vì trong khi đa số báo không có tiền đóng ký quỹ 20 triệu đồng (ngót US$50.000) phải đóng cửa thì ngoài hai báo của chính quyền là Dân Chủ và Tin Sống và một số báo thương mại huần túy, báo đối lập Điện Tín và Tin Sáng vẫn tồn tại. Hậu quả là có khoảng 70% ký giả mất việc làm, không kể nhân viên khác của mỗi báo, nên 4 tổ chức của người làm báo gồm Hội Chủ báo, Hội Ái hữu Ký giả, Nghiệp đoàn Ký giả Nam Việt và Nghiệp đoàn Ký giả Việt Nam đã tổ chức biểu tình chống Luật 007/72. Cuộc biểu tình phản đối được nhiều dân biểu và nghị sĩ tham gia và quy tụ khoảng vài trăm ký giả, gồm cả những nhà báo lão thành nổi tiếng, đã diễn ra vào sáng ngày 10/10/1972. Được đặt tên là “Ngày ký giả đi ăn mày”, những người đi tuần hành, kể cả tôi, đã đội nón lá và đeo bị đi ăn xin. Chúng tôi đi bộ từ trụ sở Nghiệp đoàn Báo chí, ngay trước Hạ Nghị Viện, xuống Chợ Bến Thành ở trung tâm thành phố và đi ngược lại dài trên 1 cây số. Đông đảo đồng bào hai bên đường và những người buôn bán ở khu chợ và các phố chung quanh đổ ra đường ủng hộ và tiếp tế lương thực và nước uống cho các nhà báo. Cuộc tuần hành của chúng tôi gây tiếng vang rất lớn cả ở trong nước và nước ngoài, và là bằng chứng của tự do và nhân bản của xã hội Việt Nam Cộng Hòa thời bấy giờ.

So sánh tự do báo chí thời VNCH và dưới chế độ cộng sản Công bình mà nói thì Luật Báo chí 007/72 không giúp cho chính phủ có thêm sức mạnh như mong muốn. Ngược lại nó giúp

cho những cán bộ báo chí nằm vùng của cộng sản, thành phần đối lập với chính quyền, chính phủ miền Bắc, và đàn em của họ trong Mặt trận Giải phóng miền Nam có thêm vũ khí để tấn công nền dân chủ non trẻ của Đệ nhị Cộng hòa.

Tuy nhiên, nếu không có quyết định “tháo chạy” vội vàng ra khỏi miền Nam của Hoa Kỳ và sự bội ước lời cam kết của Tổng thống Richard Nixon sẽ trả đũa khi quân cộng sản Bắc Việt vi phạm Hiệp định Paris thì Luật 007/72 không phải là nguyên nhân làm sụp đổ Việt Nam Cộng Hòa. Lý do tôi nhận xét như thế vì trong số trên 50 tờ nhật báo, chỉ có chừng 4 tờ có lập trường nghiêng về phía cộng sản, được những người chủ trương tự gọi là có “lập trường dân tộc” chống chiến tranh và sẵn sàng liên hiệp chính trị với cộng sản.

Tuyệt nhiên, ngay vào giai đoạn chót của cuộc chiến, không có bất cứ báo nào hay tổ chức chính trị nào công khai kêu gọi ngưng chiến và thành lập chính phủ liên hiệp với cộng sản để kết thúc cuộc chiến huynh đệ tương tàn.

Tôi sống và hành nghề ký giả suốt 15 năm ở miền Nam Việt Nam, bắt đầu từ một người học việc năm 1960 leo lên hàng phóng viên rồi chủ bút trước khi phải xa Sài Gòn vào tháng 4 năm 1975.

Miền Nam Việt Nam, tuy không có tự do 100% như ở các nước Tây phương, đặc biệt như Hoa Kỳ, nhưng tôi và các đồng nghiệp của tôi chưa hề bao giờ phải viết theo lệnh chỉ huy của bất cứ ai. Chúng tôi cũng không bị kiểm soát tư tưởng hay bị gây khó khăn khi hành nghề dưới thời Đệ nhị Cộng hòa.

Làng báo miền Nam tuy nhỏ nhưng chúng tôi có tới 4 tổ chức của người làm báo để giúp đỡ lẫn nhau. Đó là Hội Chủ Báo, Hội Ái hữu Ký giả, Nghiệp đoàn Ký giả Nam Việt (thành lập từ năm 1953 của các nhà báo gốc miền Nam), và Nghiệp đoàn Ký giả Việt Nam (ra đời trong thập niên 1970, quy tụ phần đông những người làm báo gốc miền Bắc). Bên cạnh chúng tôi còn có Tổ chức Văn bút Quốc tế (PEN International) chi nhánh Việt Nam, của các nhà văn, nhà thơ và những người phục vụ nghệ thuật.

Cả “làng báo”, “làng văn” và những người làm văn hóa và nghệ thuật đã sinh hoạt với nhau trong không khí cởi mở và thăng hoa dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Trong suốt 20 năm tồn tại của nó, tất cả chúng tôi cố gắng, qua những sinh hoạt nghề nghiệp của mỗi ngành và cá nhân, để bảo vệ lý tưởng tự do và dân chủ để có tự do tư tưởng, tự do báo chí và các quyền tự do căn bản khác của con người dựa theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Điều này hoàn toàn không có cơ hội được phát triển ở miền Bắc và toàn cõi Việt Nam sau năm 1975, khi đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) thống trị cả nước.

Trên 90 phần trăm đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân địa phương ở Việt Nam ngày nay là đảng viên đảng Cộng sản duy nhất cầm quyền. Do đó, tất cả các cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đều là “đảng cử dân bầu”. Trong khi đó, ở miền Nam Việt Nam trước 1975, chúng tôi có hàng chục đảng chính trị đã tham gia tranh cử dự do từ 1956 đến tận 1971 là khi cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội cuối cùng được tổ chức.

Để ghi nhận mức độ tự do và dân chủ mà những người làm báo chúng tôi được thừa hưởng dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, thiết nghĩ không vô ích để so sánh với điều được gọi là “tự do báo chí” ngày nay ở Việt Nam. Luật Báo chí (sửa đổi) mới nhất của nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 05/04/2016, mang số 103/2016/QH13 có tất cả 61 điều. Chỉ cần đọc vài điều thôi cũng đủ biết nền báo chí ấy như thế nào. Điều 4 của Luật này viết:

Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân.

Báo chí có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân;

b) Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ,

Mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cả hai điều trên chưa bao giờ có trong các Luật Báo chí thời Việt Nam Cộng Hòa. Ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975, chỉ có vài tờ báo của chính quyền còn đại đa số là của tư nhân. Ngược lại ở nhà nước cộng sản Việt Nam từ trước cho đến bây giờ, không hề có báo tư nhân vì đảng cầm quyền cấm tư nhân ra báo, cũng như họ không chấp nhận đa nguyên và đa đảng chính trị.

Đảng CSVN đã tự cho mình độc quyền cai trị đất nước như đã minh thị trong Điều 4 Hiến pháp (sửa đổi) năm 2013. Điều này viết: “Đảng Cộng sản Việt Nam – đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.”

Trong khi ở miền Nam chúng tôi, trong suốt 20 năm tồn tại, nhà báo không hề phải phục vụ đảng cầm quyền và chính phủ, thì ngược lại, ở Việt Nam ngày nay dưới chế độ cộng sản, nhà báo có nhiệm vụ, như ghi trong Điều 25 Luật Báo chí là phải: “Bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm…”

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2017 thì Việt Nam có “845 cơ quan báo chí, trong đó có 199 cơ quan báo chí in, 646 tạp chí, 1 hãng thông tấn quốc gia, 98 báo-tạp chí điện tử, 67 đài phát thanh truyền hình.” Và đến năm 2016, có “gần 18 nghìn nhà báo được cấp thẻ nhà báo, và khoảng 5 nghìn phóng viên hoạt động báo chí, nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ.” Như vậy, khi không cho tư nhân ra báo thì trên 800 cơ quan báo chí hiện nay ở Việt Nam thuộc về ai?

Điều 14 Luật Báo chí nói rất rõ, đó là: “Cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo từ cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được thành lập cơ quan báo chí.” Nhà nước cộng sản kiểm soát báo chí không chỉ qua các cơ quan chủ quản mà còn cả về nhân sự. Tất cả các tổ chức được phép ra báo đều do cán bộ lãnh đạo cao cấp của đảng điều khiển.

Vì không có tự do báo chí, các báo của nhà nước chỉ dám thông tin về tệ nạn tham nhũng nếu được giới có thẩm quyền cho phép.

Điển hình như vụ tham nhũng liên quan đến Công ty thép Formosa Hà tĩnh của Đài Loan đã thải chất độc làm cá chết hàng loạt dọc theo bờ biển 4 tỉnh miền Trung Việt Nam hồi tháng 4 năm 2016, gồm Hà tĩnh, Quảng bình, Quảng trị và Thừa thiên-Huế. Báo chí không dám cho phóng viên điều tra vụ phá hoại môi trường biển nghiêm trọng này.

Ngược lại ở miền Nam Việt Nam trước tháng Tư năm 1975 thì khác. Báo chí chúng tôi đã điều tra và phát giác ra nhiều vụ tham nhũng và tội ác của các viên chức chính phủ. Người dân, độc giả của chúng tôi cũng hợp tác chặt chẽ với báo chí trong mọi lĩnh vực. Vì vậy, dù phải đối phó với chiến tranh hung bạo do quân cộng sản chủ động và thiếu thốn súng đạn dẫn đến thua trận, nhân dân Việt Nam Cộng Hòa nói chung, và những người làm báo nói riêng, trong đó có tôi, hãnh diện đã được sống tự do trong 20 năm. Nhiều học giả cộng sản bây giờ cũng phải nhìn nhận đảng đã sai lầm khi hủy hoại những giá trị tự do và dân chủ của miền Nam Việt Nam.

Tháng 3 năm 2025

SOURCE:

https://usvietnam.uoregon.edu/

 

SOURCE:

https://vietbao.com/p301431a321750/ca 

Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù – Những Cánh Chim Bất Khuất Giữa Trời Sụp Đổ

 

(Bài viết của Mũ Đỏ Nguyễn Văn Đỉnh, Thùy Trang biên tập tiếng Việt & Anh Ngữ)

Song ngữ Việt Anh

26/3/2025

 


50 năm kể từ ngày miền Nam Việt Nam bị bức tử. Bao nhiêu năm tháng, ký ức của những ngày cuối cùng vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim của những người lính Nhảy Dù – những người từng cùng nhau sống chết giữa khói lửa, từng nắm chặt tay nhau trên đỉnh tử sinh. Trong đó, những chiến sĩ thuộc Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù (LĐ1ND), đơn vị tôi từng có vinh dự chỉ huy, đã viết nên một chương sử hiển hách nhưng cũng đẫm máu và nước mắt, trong cuộc chiến cuối cùng bảo vệ Long Khánh – cánh cửa ngõ vào thủ đô Sài Gòn thân yêu.

I. Long Khánh – Pháo Đài Cuối Cùng

Sau hơn tám tháng quần thảo khắp chiến trường miền Trung, từ Thường Đức đến đèo Hải Vân, LĐ1ND chưa kịp phục hồi tại hậu cứ Sài Gòn thì ngay đầu tháng 4/1975, chúng tôi nhận lệnh khẩn cấp từ Tướng Lê Quang Lưỡng, Tư lệnh Sư đoàn Nhảy Dù: hành quân thần tốc ra Long Khánh, tăng phái cho Quân Đoàn III.

Chúng tôi hành quân với ba Tiểu Đoàn cơ hữu: Tiểu Đoàn 1, Tiểu Đoàn 8 và Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù, cùng các đại đội Trinh sát, Công binh, Quân y và Pháo binh. Mệnh lệnh quá gấp, đêm đầu tháng Tư, trong khi Sài Gòn còn đang ngủ, đoàn quân xa chở chúng tôi lặng lẽ lăn bánh về Long Khánh – nơi định mệnh đã chờ sẵn.

Khi vừa đến nơi, tình hình đã vô cùng nguy ngập: địch quân – gồm ba sư đoàn chủ lực cộng sản – đã siết chặt vòng vây. Chúng tôi được trực thăng vận vào chân đồi Chuối, gần chi khu Xuân Lộc, nơi Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh đang tử thủ dưới mưa pháo của địch.

II. Dưới Mưa Pháo – Trái Tim Mũ Đỏ Không Run Sợ

Trong căn hầm trung tâm hành quân, Tướng Lê Minh Đảo tận tình cho tôi biết tình hình. Những ấp đạo như Bảo Định, Bảo Bình vẫn còn giữ cờ quốc gia, dân chúng kiên cường, nhưng bị cô lập. Tôi đề nghị cho LĐ1ND bung ra chiếm lấy các ấp đó, phá vỡ thế kìm kẹp của địch.

Tôi còn nhớ rõ lệnh hành quân hôm ấy: TĐ9ND bứng chốt trên Quốc Lộ 1 và tiến về ấp Bảo Định. TĐ8ND tiến về hướng Bắc, TĐ1ND làm trừ bị. Chưa đầy một giờ sau, ĐĐ93 của Đại Úy Đinh Văn Tường – "con gà đá" Cửu Long – đã bứng chốt địch, diệt gọn 12 tên, thu vũ khí, mở đường vào Bảo Định.

Trong khi đó, TĐ8ND chạm nặng. Với lối đánh thọc sâu, bọc sườn kiểu vòng cung – chiến thuật mà chúng tôi đã rèn dũa qua từng trận đánh đẫm máu ở Quảng Trị, Thường Đức – từng lớp, từng lớp địch quân bị vây chặt. Pháo binh do Thiếu Tá Nguyễn Văn Thông chỉ huy trút bão lửa, rạch tan đội hình địch.

Địch phản pháo dữ dội, bắn dồn dập 130 ly vào bộ chỉ huy Sư đoàn, pháo binh, và cả vị trí chúng tôi. Nhưng máu Mũ Đỏ đâu dễ lùi bước. Chúng tôi đề nghị dời ngay BTL về nơi khác, tránh ngã ba, cầu cống, và xa đám đông để tiếp tục chỉ huy hữu hiệu.

III. Dũng Cảm, Nhưng Không Vô Vọng

Ngày nối ngày, LĐ1ND tử chiến với ba sư đoàn địch, không hề nao núng. TĐ9ND vào được ấp Bảo Định sau khi giải thích cho dân biết chúng tôi là quân bạn, dù trước đó bị nhầm là quân địch và bị bắn. Trung Tá Nhỏ – TĐT – bị thương nặng bởi đạn cối từ chính trong ấp, nhưng vẫn chỉ huy đến phút chót. Sau này, Thiếu Tá Lê Mạnh Đường lên thay, tiếp tục dẫn đầu đơn vị giữa lửa đạn.

Các đơn vị lần lượt bung sâu, lục soát, cắt đứt các mạch tiếp tế của địch. Tiểu đoàn 8, 9 Nhảy Dù lập nên chiến công: tiêu diệt gần hai trung đoàn của công trường 7 cộng sản, làm tê liệt trục tiến công hướng Đông của chúng. Nhưng… lệnh rút lui đã đến.

Chúng tôi không hiểu. Tại sao, trong lúc đang chiếm ưu thế, địch hoang mang, tổn thất nặng, thì ta lại bị lệnh rút? Phải chăng trận Xuân Lộc là một màn kịch đã có sẵn hồi kết? Có phải chúng tôi chỉ là những quân cờ dũng cảm nhưng không được phép chiến thắng?

IV. Những Bước Chân Sau Cùng

LĐ1ND được lệnh rút về Phước Tuy. Tại đây, TĐ9ND cùng chi đoàn Thiết Quân Vận mở trận tái chiếm tỉnh lỵ – và lại chiến thắng. Nhưng chỉ vài ngày sau, lại lệnh rút – lần này là về Vũng Tàu.

Ngày 30/4/1975, tại Gò Công, tôi – Lữ Đoàn Trưởng – không thể liên lạc được với Bộ Tư Lệnh Dù tại Sài Gòn. Tôi tìm cách bắt liên lạc với Quân Đoàn IV, chỉ mong làm thêm được chút gì cho đất nước đang hấp hối. Nhưng rồi… mọi tín hiệu đều lặng câm.

Tôi cùng Thiếu Tá Ngô Tùng Châu, TĐT/TĐ1ND, cùng anh em Lữ Đoàn xuống tàu – nhưng… lại nhảy xuống ghe nhỏ, bơi vào bờ. Không nỡ đi. Không đành lòng bỏ lại anh em.

Chúng tôi ở lại – không phải vì ngây thơ hay ảo tưởng – mà vì một lời thề: “Tổ quốc – Danh dự – Trách nhiệm.”

V. Một Lữ Đoàn Bé Nhỏ, Một Trái Tim Lớn

Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù – tuy chỉ là một đơn vị "bé hạt tiêu" – nhưng đã chiến đấu như một sư đoàn. Trước mặt ba sư đoàn địch, chúng tôi không lùi. Bị bao vây, cắt đứt tiếp tế, không rên xiết. Lệnh hành quân nào cũng chấp hành, không kêu ca. Khi không còn đánh được nữa, chúng tôi vẫn còn vững niềm tin vào chính nghĩa, và vào nhau.

Nhiều người lính đã ra đi. Nhiều người bị bắt, bị giam cầm. Nhưng không ai là kẻ thua cuộc trong danh dự. Vì họ đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, hy sinh trong tư thế đứng thẳng.

Kết

Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù không hề đầu hàng. Họ bị bức tử cùng miền Nam. Nhưng nếu có một ngày lịch sử được viết lại, tôi tin những trang sử oanh liệt của Lữ Đoàn 1 sẽ được ghi bằng chữ vàng – như lời đáp lại của những cánh chim Mũ Đỏ không bao giờ rơi xuống.

 


Thùy Trang biên tập Anh Ngữ

50 years since the fall of South Vietnam. During this time, several former comrades from the 1st Airborne Brigade (Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, LĐ1ND), which I commanded before 1975, have had the opportunity to reunite in the United States. Beyond the joy of these reunions, some members, still burdened by the past—having faced life and death together and having hastily left our homeland with heavy hearts—have raised several poignant questions:

While reinforcing the 18th Infantry Division (Sư Đoàn 18 Bộ Binh, SĐ18BB) in the steadfast defense of Long Khánh Province—the gateway to Saigon—LĐ1ND successfully defeated and annihilated nearly two regiments of the Viet Cong's 7th Division. Why, then, were we ordered to withdraw to Phước Tuy?​

After securing National Route 15 (the Saigon-Vũng Tàu road), when Communist forces seized Phước Tuy, the 9th Airborne Battalion (Tiểu đoàn 9 Nhảy Dù, TĐ9ND) and an Armored Cavalry Squadron successfully recaptured the entire provincial capital. Why were we subsequently ordered to abandon Phước Tuy and retreat to Vũng Tàu?​

On the final day in Gò Công (April 30, 1975), unable to establish communication with the Airborne Division Command in Saigon for orders, did I, as the Brigade Commander, manage to contact the IV Corps/IV Military Region Command to contribute further to our nation's efforts?​

Why, when the brigade was boarding ships to depart, did Major Ngô Tùng Châu, the Battalion Commander of TĐ1ND, and I choose to jump into a small boat and row back to shore?​

These inquiries from our subordinates toward the High Command mirror the questions many nationals have regarding the fate of various units within the Army of the Republic of Vietnam (ARVN) during those final days of South Vietnam. Such questions are both legitimate and reasonable.​

Regarding LĐ1ND specifically, I ask my comrades to understand: during that period, a rapid succession of events unfolded over a very brief span. I lacked the time to explain decisions to anyone; instead, I had to assess the immediate situation, make estimations, and issue orders or react promptly. Through this article, readers will glimpse some of those assessments and reasonings. These judgments may be incomplete or imperfect, as they stemmed from a single perspective. However, fortunately, due to external factors, they led to favorable outcomes (the majority of my comrades managed to escape and now reside in the Land of Freedom). I invite readers to follow the final operational steps of a "small but mighty" unit...​

I. LĐ1ND at the Long Khánh Front

Having just left the Thường Đức and Hải Vân Pass battlefields (Đà Nẵng) at the end of March 1975 and returned to our base in Saigon for only a few days—without sufficient time to reorganize—the LĐ1ND received orders from General Lê Quang Lưỡng, Commander of the Airborne Division, to urgently move to Long Khánh under the operational command of the III Corps/III Military Region Command.​

After over eight months of intense engagements with the 329B, 320, and 304 Communist Divisions in I Corps/I Military Region, embarking on another operation was routine for us paratroopers. When curious friends and relatives would ask, "How many times do you deploy in a year?" we would succinctly reply, "Just once, but it lasts 365 days." This response was approximately 95% accurate.​

This time, LĐ1ND operated with three organic Airborne Battalions: the 1st (commanded by Major Ngô Tùng Châu), the 8th (commanded by Lieutenant Colonel Đào Thiện Tuyển), and the 9th (commanded by Lieutenant Colonel Nguyễn Văn Nhỏ), along with the Airborne Reconnaissance Company (commanded by Captain Phạm Minh Đăng). They were supported by the 3rd Airborne Engineer Company, the 1st Airborne Medical Company, and the 3rd Airborne Artillery Battalion (commanded by Major Nguyễn Văn Thông).​

The operational orders were exceedingly urgent. On an early April 1975 night, while Saigon's residents were still asleep, the entire LĐ1ND boarded a convoy heading toward Long Khánh. By midnight, units had completed their deployment deep within the rubber forests flanking the road, not far from Mẹ Bồng Con Hamlet (Long Khánh Province).​

At that time, the route from Long Khánh to Biên Hòa was obstructed, as Communist forces had seized control of the Dầu Giây junction, Mẹ Bồng Con Hamlet, and several neighboring hamlets. Friendly forces, primarily the III Corps Armored Cavalry Regiment tasked with reopening the road to Long Khánh, were positioned approximately 500 meters west of Mẹ Bồng Con Hamlet. East of the Dầu Giây junction was the defensive line of the 52nd Task Force/18th Infantry Division. The operational concept of III Corps/III Military Region was for LĐ1ND to bypass friendly units to the west, clear the enemy-held hamlets, and advance to link up with the 52nd Task Force/18th Infantry Division.​

Upon reaching the rubber forest, the following morning, I used a Jeep with several staff officers to visit the frontline positions of friendly units to gather intelligence and assess the situation firsthand. Our vehicle was greeted by a barrage of enemy mortar fire along the road but, fortunately, remained unscathed. Later that day, I requested III Corps Command to provide a helicopter for me and the battalion commanders to conduct an aerial reconnaissance of the battlefield.​

With all preparations complete and the operational plan firmly in mind, we awaited the designated start time. Two tranquil days passed in the rubber forest. On the third morning, I received urgent orders to attend a meeting at III Corps Command. Following this meeting and the implementation of a new plan, that very day, the entire LĐ1ND was airlifted directly into Long Khánh to reinforce the 18th Infantry Division Command in defending the province.​

I, along with several staff officers, went ahead to receive orders, while subordinate units were successively transported by helicopter and deployed at the base of Chuối Hill, adjacent to the Xuân Lộc District Headquarters. The 18th Infantry Division Command was stationed in a southeastern forested area near the Xuân Lộc District junction, complete with 155mm artillery and a helicopter landing zone.

 

FB Thuy Trang Nguyen