Saturday, March 29, 2025

Nhà biên khảo Hồ Đắc Huân nhớ ngày đầu tiên tại Quân Trường Đồng Đế

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

Copyright: Nguoi Viet News, Inc.

31/3/2025

 

Đại Úy Hồ Đắc Huân (trái) hướng dẫn khóa sinh tác xạ tại mục tiêu của địch

tại trại vũ khí Lương Sơn Hòa Đa, Ninh Thuận. (Hình: Hồ Đắc Huân cung cấp)

 

WESTMINSTER, California (NV) – Ông Hồ Đắc Huân, cựu thiếu tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), nhớ lại hành trình suốt 20 năm cuộc đời quân ngũ của ông tại miền Nam Việt Nam, nơi mà ông luôn ghi khắc lời thề “Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm.”

Kể với phóng viên nhật báo Người Việt tại nhà riêng ở Westminster, một thành phố trung tâm của Little Saigon, nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất hải ngoại, cựu Thiếu Tá Huân cho biết ông sinh ngày 1 Tháng Giêng, 1937 tại huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Ông nhập ngũ ngày 1 Tháng Tám, 1956. Đến ngày 27 Tháng Hai, 1961 được tham dự Khóa 2 Sinh Viên Sĩ Quan (SVSQ) Hiện Dịch Đặc Biệt Nha Trang, và ra trường ngày 31 Tháng Giêng, 1962.

Ông tốt nghiệp với cấp bậc thiếu úy. Sau đó về phục vụ các đơn vị Trung Tâm Huấn Luyện Sông Mao, Trung Tâm Huấn Luyện Quốc Gia Vạn Kiếp, và Tiểu Khu Ninh Thuận.

Ông được chính phủ VNCH ân thưởng các huy chương gồm Huân Vụ Bội Tinh Hạng Nhất, Danh Dự Bội Tinh Hạng Nhất, Lục Quân Huân Chương Hạng Nhất, Bảo Quốc Huân Chương Đệ Ngũ Đẳng, và nhiều huy chương quân sự.

Ông bắt đầu từ Quân Trường Đồng Đế, đây là một trong những quân trường nổi tiếng tại Nha Trang. Trường tọa lạc cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 5 cây số về phía Bắc, dưới chân núi Hòn Khô, có những mái nhà tôn ẩn hiện dưới hàng dương liễu, báo hiệu nơi đây có sức sống mãnh liệt của dân cư đến sinh sống. Bởi vì nơi đây tập trung nhiều khóa sinh hạ sĩ quan và sĩ quan của nhiều quân, binh chủng của Quân Lực VNCH.

Điểm chính của quân trường này là để đào luyện các khóa sinh hạ sĩ quan, nhưng vì nhu cầu cần thiết của quân đội, nên ngôi trường này cũng đào tạo các SVSQ đến từ Quân Trường Bộ Binh Thủ Đức và những những SVSQ đặc biệt khác.

Trước ngày khai giảng khóa học một tuần, Tiểu Đoàn 2 Khóa Sinh, trong đó có tân khóa sinh Hồ Đắc Huân phải làm thủ tục nhập khóa, gồm có: phân chia trung đội, đại đội, lãnh quân trang, nhận danh số, may bảng tên, nơi cư trú, và được nhân viên quân trường hướng dẫn những tiện nghi của quân trường. Rồi chuẩn bị làm lễ khai giảng khóa học vào ngày 27 Tháng Hai, 1961. Số khóa sinh của khóa này khoảng 550 SVSQ. Danh xưng của khóa là Nhân Vị.

Vị chỉ huy trưởng của Quân Trường Đồng Đế lúc đó là Đại Tá Đặng Văn Sơn, trong sáu tháng đầu của khóa học. Sau đó là Đại Tá Đỗ Cao Trí, chỉ huy trưởng Quân Trường Đồng Đế đến cuối Khóa 2 Nhân Vị.

 

Ông Hồ Đắc Huân được gắn lon Trung úy tại Trung Tâm Huấn Luyện Sông Mao.

(Hình: Hồ Đắc Huân cung cấp)

 

Lễ khai giảng khóa học

Sáng Thứ Hai, 27 Tháng Giêng, 1961, buổi lễ khai giảng được tổ chức trọng thể tại sân cờ của Quân Trường Đồng Đế, dưới quyền chủ tọa của Đại Tá Đặng Văn Sơn, chỉ huy trưởng, cùng sự tham dự của toàn thể sĩ quan cán bộ, huấn luyện viên và quân nhân cơ hữu các cấp của trường, cùng các đơn vị khóa sinh khác.

Từ ngày nhập trường, các khóa sinh phải chịu mọi thử thách trong thời gian tám tuần lễ huấn nhục. Ai từng là tân khóa sinh thì không bao giờ quên được những chịu đựng gian khổ trong tất cả mọi hoàn cảnh để quên đi bao nhiêu điều phi lý. Những hình phạt tập thể hay phạt dã chiến cá nhân hằng đêm, để tạo cho các tân khóa sinh quen sự chịu đựng, tháo vát, nhạy bén để thích ứng trong việc học ở giai đoạn hai, cũng như khi ra trường chỉ huy trung đội.

Ông Hồ Đắc Huân kể: “Tôi còn nhớ rõ, ngay từ giờ đầu tiên, toàn thể tân khóa sinh chúng tôi vừa mới trình diện quân trường, thì phải chịu hình phạt ‘thử lửa’ là chạy sáu vòng sân chung quanh vũ đình trường. Rồi trong số chúng tôi có người ‘bị xui’ phải chịu phạt 50 cái ‘hít đất’ hoặc 50 cái ‘nhảy xổm,’ bởi vì khi tập họp còn ồn ào, hoặc trả lời không lớn tiếng khi được gọi đến tên mình. Và cũng từ giây phút này, danh từ ‘tân khóa sinh’ được áp dụng vào chương trình tám tuần lễ huấn nhục đầu tiên.”

“Trong tám tuần đầu chúng tôi được học về nội quy, quân kỹ, cơ bản thao diễn, cận chiến, tháo ráp lau chùi vũ khí, di chuyển đoạn đường chiến binh, học về tác xạ các loại súng Garant M1, Carbine M2, Colt 45, Tiểu Liên 60… Về môn Địa Hình, bài học đầu tiên là ‘Sự lợi ích cần thiết quan trọng của môn Địa Hình trong sinh hoạt quân đội.’ Rồi đến bài ‘Tìm phương hướng, địa bàn…’ Huấn luyện viên dạy các môn này là các Trung Úy Nguyễn Mạnh Tiên, Lâm Văn Do, Lê Lương Thủy và Chuẩn Úy Trần Phi Kinh,” ông kể thêm.

Cũng theo ông Huân, trong giai đoạn này, môn học nhiều nhất là “Chiến thuật cá nhân.” Bài học đầu tiên là ngụy trang ngày và đêm, rồi học lần đến quan sát, ẩn nấp và che giấu, di chuyển trên mọi địa thế. Ngoài ra, các khóa sinh còn được học cách di chuyển tổ tam chế, kỹ thuật vượt sông, tiến dưới hỏa lực, dò tìm mục tiêu, mưu sinh thoát hiểm, và cũng có học thêm về chiến thuật của địch quân.

 

Cựu Thiếu Tá Hồ Đắc Huân (phải) và cựu Đại Tướng Trần Thiện Khiêm,

người từng là Thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Quốc Phòng VNCH.

(Hình: Hồ Đắc Huân cung cấp)

 

Những hoạt động của các quân trường tại Nha Trang

Trước năm 1975, đa số các quân trường hay trung tâm huấn luyện của Quân Lực VNCH, các khóa sinh đều phải nằm lòng khẩu hiệu “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu.” Tại các quân trường ở Nha Trang, mỗi ngày như mọi ngày, các sinh hoạt tại Nha Trang, Dục Mỹ và Cam Ranh rất tưng bừng náo nhiệt.

Từ tờ mờ sáng đến đêm khuya, bao nhiêu hoạt cảnh sống động trong việc huấn luyện thực tập được diễn ra như tiếng la, tiếng hét của từng đoàn quân chạy thể dục vào những buổi sáng tinh sương. Những tiếng hô vang của các khóa sinh “Một, hai, ba, bốn! Đào tạo, đào tạo sinh viên sĩ quan, khỏe!” Còn tại Dục Mỹ thì ầm vang tiếng hét của các khóa sinh “Biệt Động Quân, sát, sát!” Và những âm thanh hùng mạnh cùng những hành khúc hùng tráng vang động cả một khu phố.

Âm thanh tiếng súng từng phát một, cho đến liên thanh của đạn “mã tử” và đạn thật hòa cùng tiếng mìn, tiếng lựu đạn nổ, tiếng rít của đạn pháo binh khi các pháo thủ thực tập tác xạ nồng nặc mùi khói lửa như một chiến trường.

Tại Quân Trường Đồng Đế, những SVSQ khóa sinh đều phải nghe lệnh của các huấn luyện viên, lúc thực tập những bài chiến đấu tại bãi chiến thuật, với tiếng hô “Sát, sát!” qua những hiệu lệnh của những màn khói trắng, đỏ, xanh, tím, vàng…

Ngoài ra, còn có những tiếng động cơ của các loại máy bay quân sự gầm thét trong các phi vụ huấn luyện của Quân Trường Không Quân Nha Trang.

Còn tại Quân Trường Hải Quân Nha Trang thì vang dội tiếng còi hú của những chiến hạm đưa những SVSQ Hải Quân ra khơi thực tập.

Tại Dục Mỹ và Cam Ranh, những cánh hoa dù của các Thiên Thần Mũ Đỏ; những mũ xanh của các khóa sinh của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến thật đẹp mắt và hùng tráng bởi vì những cánh hoa dù của các chiến sĩ khóa sinh được nở rộ trên vòm trời của thành phố Nha Trang, nơi tập trung nhiều trung tâm huấn luyện của Quân Lực VNCH.

Ông Huân tâm tình: “Về đêm, ngoài tiếng súng nổ và những ánh sáng lân tinh, còn có những ‘đóm mắt hỏa châu’ lơ lửng bừng sáng cả một góc trời. Đó là những nét tiêu biểu sống động trong các phương pháp huấn luyện quân sự một thời của các cựu SVSQ của chúng tôi trong các ngành nghề quân sự của Quân Lực VNCH tại các quân trường Nha Trang, Khánh Hòa.”

 

Ông Hồ Đắc Huân (thứ hai từ trái) và các bạn đồng môn Đồng Đế 

và Khóa 2 Hiện Dịch Nha Trang tại Little Saigon. (Hình: Hồ Đắc Huân cung cấp)

 

Lễ gắn Alpha

Theo truyền thống của Khóa 1 đàn anh, sau khi trải qua tám tuần lễ huấn nhục, và họ đã chinh phục đỉnh núi Hòn Khô, thì cũng trong đêm đó, quân trường phải tổ chức lễ gắn Alpha cho các SVSQ này.

Nhưng với Khóa 2 Nhân Vị, vì nhu cầu công tác phải lên đường về thủ đô Sài Gòn ngay, để đảm trách nhiệm giữ an ninh cho Biệt Khu Thủ Đô và Tiểu Khu Gia Định cho việc tổ chức bầu cử tổng thống trong nhiệm kỳ giữa Tổng Thống đang nhiệm Ngô Đình Diệm và ứng cử viên Hồ Nhật Tân vào đầu năm 1961, nên lễ gắn Alpha được tổ chức gấp rút tại sân cờ trường trong một chiều đầy nắng ấm.

Ông Hồ Đắc Huân nhớ lại: “Alpha vàng nền đỏ được gắn trên ngực áo trận của chúng tôi. Sau lễ gắn Alpha, các tân khóa sinh thở phào nhẹ nhõm, vì đoạn đường gai góc huấn nhục đã đi qua. Chúng tôi đã chính thức được trở thành SVSQ, và những giờ phép cuối tuần đã đến chúng tôi kể từ hôm đó.”

Những Thứ Bảy và Chủ Nhật, các SVSQ bắt đầu hưởng những giờ phép đầu tiên để viếng thăm thành phố Nha Trang. Với quân phục dạo phố, SVSQ gắn lon Alpha vàng với nền cấp hiệu đỏ còn được mang trên vai trái dây biểu chương màu Anh Dũng Bội Tinh.

Riêng các SVSQ gốc Quốc Gia Hành Chánh còn được mang trên tay trái một dấu hiệu bằng vải với hàng chữ Quốc Gia Hành Chánh để phân biệt với các SVSQ của quân đội. Từ đó, các SVSQ gốc Quốc Gia Hành Chánh được các nữ sinh quyến luyến mến mộ cũng như những SVSQ mơ mộng hải hồ Hải Quân và các SVSQ tung mây, lướt gió Không Quân. (Lâm Hoài Thạch)

SOURCE:

https://www.nguoi-viet.com/cuu-chien-binh/nha-bien-khao-ho-dac-huan-nho-ngay-dau-tien-tai-quan-truong-dong-de/

 

No comments:

Post a Comment