09-17-2011
TỔ QUỐC DANH DỰ TRÁCH NHIỆM
TỔ QUỐC lâm nguy nguyện dấn thân
Phục hồi DANH DỰ trả toàn dân
Mọi người TRÁCH NHIỆM chung vai gánh
Dân Chủ, Tự Do quyết đoạt thành!
BIỆT
ĐỘI THIÊN NGA
Nguyễn Thanh Thủy
Biệt Ðội Thiên Nga ra đời trong những năm cao điểm của cuộc chiến tranh bảo quốc của quân dân Miền Nam đối với bọn xâm lược Cộng Sản phương Bắc. Sau năm 1954, nền Ðệ Nhất Cộng Hòa đã được hình thành ở miền Nam Việt Nam, do đó lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia cũng được củng cố lại để lo an ninh quốc gia và bảo vệ mọi tầng lớp dân chúng. Thành phần nữ nhân viên trong lực lượng Cảnh Sát vẫn còn được sử dụng hạn chế trong các phần vụ như: văn phòng hành chánh, kiểm soát tài nguyên, cảnh sát an ninh phi cảng, hải cảng, cảnh sát ngoại kiều, tiếp tân, trại giam, giáo dục v.v... Những nữ nhân viên này dược tuyển dụng tùy theo nhu cầu công tác, theo từng giai đoạn, chớ chưa có một trường lớp chánh qui nào, v.v.
Mãi cho đến cuối năm 1965, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa mới mở một Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, nhận thi tuyển cả nam và nữ sinh viên sĩ quan Cảnh Sát. Ðiều kiện tối thiểu về trình độ học vấn là có bằng cấp Tú Tài I trở lên. Sau khi tốt nghiệp, các nữ sĩ quan Cảnh Sát được phân phối về Tổng Nha Cảnh Sát, Khối Ðặc Biệt và một số ít được phân phối về các Nha, Tỉnh thuộc bốn vùng chiến thuật của miền Nam Việt Nam.
Sau hai lần đẩy lui các cuộc tổng tấn công của Việt Cộng vào miền Nam Việt Nam trong Tết Mậu Thân và Tháng Năm 1968, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cần tăng cường lực lượng cảnh sát trong việc bảo vệ an ninh đất nước, ngăn chận Việt Cộng xâm nhập miền Nam Việt Nam bằng đường bộ cũng như đường thủy. Vai trò cảnh sát được đặt nặng và quan trọng hơn, đặc biệt là sự cần thiết để có một tổ chức toàn những nữ cảnh sát để hoạt động trong công tác tình báo, hoạt động riêng rẽ hay phối hợp với các công tác của nam cảnh sát đang hoạt động.
Tháng Tám 1968, do một Sự Vụ Văn Thư của Bộ Tư lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, quyết định thành lập một tổ chức toàn là nữ nhân viên, có tên gọi là “Biệt Ðội Thiên Nga”, trực thuộc Khối Ðặc Biệt thuộc Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, hoạt động độc lập, song song với các tổ chức đã được thành lập trước đó. Nhiệm vụ của Biệt Ðội Thiên Nga là sưu tầm, phân tích tin tức, tổ chức xâm nhập và phá vỡ các tổ chức, các hạ tầng cơ sở của Việt Cộng tại thủ đô Sài Gòn cũng như tại các tỉnh địa phương trên toàn miền Nam Việt Nam.
Công việc khởi đầu gặp rất nhiều khó khăn, từ vấn đề tuyển mộ, đào tạo nhân viên... cho đến các công tác tìm đầu mối, xây dựng cơ sở, giám thị, v.v.
Biệt Ðội Thiên Nga Trung Ương có văn phòng tại Khối Ðặc Biệt, Biệt Ðội Thiên Nga Thủ Ðô và 11 quận có văn phòng tại Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Thủ Ðô và tại Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quận Ðô thành, Biệt Ðội Thiên Nga Vùng I, II, III, IV và tại các tỉnh trên toàn quốc từ Quảng Trị đến Cà Mau.
Biệt Ðội Thiên Nga Trung Ương có 4 ban:
- Ban Hành Chánh
- Ban Tổ Chức Phát Triển
- Ban Huấn Luyện
- Ban Hoạt Vụ
Nhiệm vụ của Thiên Nga Trung Ương là thành lập cơ sở văn phòng, tuyển mộ nhân viên, tổ chức huấn luyện, tìm đầu mối, phát triển công tác. Ðồng thời, Biệt Ðội Thiên Nga Trung Ương đôn đốc và hướng dẫn các Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia, thành lập Biệt Ðội Thiên Nga địa phương ở 11 quận Ðô Thành và tại các tỉnh.
Biệt Ðội Thiên Nga địa phương tuyển mộ nữ nhân viên gửi về Biệt Ðội Thiên Nga Trung Ương ở Sài gòn để đưa đi thụ huấn các khóa học tình báo tại trường Tình Báo Trung Ương. Các phụ nữ được tuyển mộ phải có ít nhất là văn bằng trung học đệ nhất cấp hoặc cao hơn, ngoại trừ các quả phụ của Cảnh Sát không đòi hỏi điều kiện văn bằng như trên, nhưng ít nhất phải có bằng tiểu học.
Các nữ nhân viên được tuyển lựa này gồm đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần khác nhau trong xã hội: có thể là người bán rau cải ở chợ, bán hàng rong, bán vé xe bus, nhân viên bưu điện, điện lực, thư ký văn phòng, học sinh sinh viên, cô giáo và vũ nữ, v.v. Các nữ nhân viên lần lượt được học qua các lớp tình báo căn bản (4 tuần), theo dõi (6 tuần), cán bộ điều khiển (8 tuần)... và đặc biệt là khóa tác xạ tại trường Tình Báo Trung Ương. Khóa sinh phải đủ điểm cho lớp trước mới có thể lên lớp kế tiếp. Trong thời gian thụ huấn, các khóa sinh phải ở nội trú và mang bí số. Việc giảng dạy do các giảng viên trường tình báo phụ trách, còn giám thị do các nhân viên Thiên Nga Trung Ương đảm nhận. Các khóa sinh sau khi thụ huấn chuyên môn trở về đơn vị tại các địa phương, nơi đã gửi đi học và bắt đầu nhận công tác do các ngành Ðặc Biệt phân nhiệm. Công tác trực thuộc sự hướng dẫn của phụ tá Ðặc Biệt địa phương và báo cáo thành quả công tác về Thiên Nga Trung Ương.
Tại Trung Ương, ngoài các lớp kể trên, các nữ nhân viên Thiên Nga còn theo học các lớp kỹ thuật như: nhiếp ảnh (chụp hình bí mật), học lái xe gắn máy và xe hơi, một số được học thêm các lớp thẩm vấn. Biệt Ðội Trưởng, Phụ Tá Biệt Ðội Trưởng Thiên Nga Trung Ương và các Cán Bộ Ðiều Khiển đều là các nữ sĩ quan Cảnh Sát tốt nghiệp khóa I Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia. Riêng Biệt Ðội Trưởng và Phụ Tá đã tốt nghiệp thêm khóa Trưởng Phòng Ðặc Biệt tại trường Tình báo Trung Ương vào các năm 1968-1969.
Ngoài các nữ sĩ quan và nhân viên Cảnh Sát chính thức, Biệt Ðội Thiên Nga còn sử dụng một số rất đông nữ Hồi chánh viên, nữ can phạm chính trị, các công nhân hãng xưởng, nhân viên các cơ quan chính phủ (ngoài cơ quan Cảnh Sát), các bạn hàng chợ, các học sinh trường Trung học và sinh viên Đại học... để làm mật báo viên cho Biệt Ðội. Số cộng tác viên cộng tác nhiều gấp rất nhiều lần số nhân viên chính thức.
Các nhân viên Trung Ương đi công tác hoạt vụ đều có học khóa chuyên môn tình báo để được hướng dẫn rõ ràng chi tiết công tác họ phải đảm nhận cũng như cách thức bảo vệ an ninh tối đa cho họ. Các nữ nhân viên hoạt vụ đều có bí số và bí danh. Tùy vào công tác, họ được tạo cho một ngụy tích với tất cả giấy tờ tùy thân và lý lịch mới.
Nhằm đáp ứng nhu cầu bảo mật công tác, Biệt Ðội Thiên Nga Trung Ương có những kiosque buôn bán lẻ, có điện thoại công cộng để làm nơi liên lạc (hộp thư sống và chết) v.v... và một nhà an toàn làm nơi tiếp xúc với tình báo viên, mật báo viên, nhất là các tình báo viên từ mật khu về.
Vì là Biệt Ðội Tình Báo nữ mang tên loài chim Thiên Nga, nên mỗi kế hoạch công tác đều có ám danh của một loài chim khác nhau như Sơn Ca, Họa Mi, Hải Âu, Hoàng Oanh, Hoàng Yến, v.v. Còn các công tác phối hợp với các cơ quan bạn thì dùng ám danh của sông núi như Trùng Dương, Trường Sơn, v.v. Do sự thay đổi cơ cấu của Khối Ðặc Biệt và để thích ứng với tình hình chính trị phức tạp nên cuối năm 1972, Biệt Ðội Thiên Nga mang ám danh mới Ðoàn Ðặc Nhiệm G4231g để bảo mật hoạt động.
Song song với việc xây dựng tổ chức, đào tạo nhân viên, Biệt Ðội Thiên Nga Trung Ương luôn nỗ lực tìm đầu mối, lập kế hoạch công tác, tìm cách xâm nhập, len lỏi vào các hội đoàn Phụ nữ Việt Nam, hội đoàn bạn hàng các chợ, "Hội Phụ Nữ Ðòi Quyền Sống", các "lực lượng đấu tranh" thuộc" thành phần thứ ba", các thành phần tôn giáo khuynh tả có Việt Cộng sách động, các tổ chức sinh viên học sinh đấu tranh thân Cộng Sản để kịp thời ngăn chặn những tên Việt Cộng nằm vùng, triệt phá những âm mưu có nguy hại cho an ninh quốc gia. Không những thế, Biệt Ðội Thiên Nga còn xâm nhập vào tận mật khu của Việt Cộng để thu thập tin tức tình báo góp phần tiêu diệt các cơ sở đầu não của Cộng Sản.
Nhìn lại những năm công tác của các nữ nhân viên Thiên Nga, phải thừa nhận rằng công việc của họ rất nguy hiểm, tánh mạng lúc nào cũng bị đe dọa. Qua các tài liệu tịch thu được của Việt Cộng, sau những thất bại nặng nề, chúng rất đề cao cảnh giác “nữ Thiên Nga”. Việt Cộng luôn tìm cách để bắt cóc, đụng xe gây án mạng hay ám sát những ai chúng nghi ngờ là nhân viên Thiên Nga. Còn các nhân viên Thiên Nga len lỏi vào các hội đoàn, tham dự các cuộc biểu tình, tuyệt thực, chống đối nên cũng phải chịu “hưởng” hơi cay, dùi cui của Cảnh Sát. Các chị em Thiên Nga còn phải hy sinh những tình cảm riêng tư, thời gian dành cho gia đình, vượt qua nhiều khó khăn trở ngại để làm tròn bổn phận công dân yêu nước đấu tranh cho lý tưởng tự do.
Thật khó có thể ghi lại hết những chiến công thầm lặng của các nữ chiến sĩ tình báo Thiên Nga, tuy vậy những công tác sau đây là vài ví dụ điển hình về các hoạt động của Biệt Ðội Thiên Nga.
Một trong các công tác mà Việt Cộng vẫn còn tức tối là việc cung cấp lương thực thực phẩm cho phái đoàn Quân Sự Bốn Bên vào họp tại trại David, Tân Sơn Nhất Sài Gòn. Mặc dù chúng nghi ngờ nên chúng đề nghị để tự chúng chọn nhà thầu cung cấp thực phẩm cho hai phái đoàn "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa" (tức Cộng Sản Bắc Việt) và "Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam", nhưng cuối cùng nhà thầu chúng chọn lại là của Biệt Ðội Thiên Nga. Công tác này mang ám danh là Trùng Dương, hoạt động cho đến ngày cuối cùng 28 Tháng Tư 1975.
- Công tác mang ám danh là Hải Âu đã cài được một nhân viên Thiên Nga vào Hội đoàn phụ nữ đối lập và tạo được niềm tin nên được Việt Cộng chọn đi học lớp tình báo và hoạt động chung với chúng.
- Công tác len lỏi vào "Hội Phụ nữ Ðòi Quyền Sống", hoạt động chung với một cán bộ nằm vùng. Mãi đến sau 1975, tên nữ cán bộ mới biết người thư ký của Ban Xã hội là nhân viên Thiên Nga. Lúc ấy, tên nữ "cán bộ" là "Ðại úy" Công an tức tối đề nghị gia tăng 6 tháng tù trong khi chị nhân viên Thiên Nga đã có giấy ra trại. Công tác này mang ám danh Họa Mi.
- Trong 5 năm liền, một nữ "Huyện ủy viên" của Việt Cộng đã hợp tác với Biệt Ðội Thiên Nga. Sau 30 Tháng Tư 1975, chị vẫn giữ chức "Huyện ủy" của một Huyện gần Saigon. Cho đến sáu tháng sau đó, Việt Cộng mới truy ra được từ hồ sơ còn sót lại ở địa phương, nên đã khai trừ chị khỏi Ðảng Cộng Sản và giam chị ở Chí Hòa. Chị đã may mắn không bị chúng xử tử hình. Sau tôi gặp lại chị tại trại Hàm Tân, chị mới vỡ lẽ tôi - người tên Năm tiếp xúc với chị năm xưa- là Thiếu Tá Biệt Ðội Trưởng Thiên Nga. Công tác này được mang tên Hoàng Oanh.
Các công tác, hoạt động của Thiên Nga càng thành công tốt đẹp bao nhiêu thì Việt Cộng càng tức tối lên án, càng đề cao cảnh giác với nhân viên Thiên Nga. Do đó những bản án không xét xử trả thù hèn hạ dành cho các nữ nhân viên Thiên Nga của Cộng Sản là từ 3 năm đến 13 năm trong các trại tù "cải tạo". Tuy vậy các chị em nhân viên của Thiên Nga vẫn hãnh diện, giữ vững nhân cách, lập trường, vượt qua những gian lao của năm tháng tù đày.
Tôi rất xúc động khi phải nhắc lại quá khứ của Biệt Ðội Thiên Nga, với những anh thư đã đem hết những hăng say, nhiệt tình, tinh thần chống Cộng mãnh liệt của tuổi trẻ, hiến dâng để bảo vệ đất nước Việt Nam Cộng Hòa. Tôi rất hãnh diện về Biệt Ðội Thiên Nga, các nữ nhân viên từ Hạ Sĩ Quan cho đến Sĩ Quan, cùng các cộng tác viên đã giữ trọn khí tiết trong lúc sống khổ sở trong lao tù hay trong sự kèm kẹp của chế độ Cộng Sản ngoài xã hội, sau khi được thả về.
Tôi mong ước một ngày gần đây, những nữ Thiên Nga hải ngoại sẽ gặp lại các bạn Thiên Nga còn ở lại Việt Nam, tay bắt mặt mừng trong niềm vui thấy đất nước thật sự có tự do dân chủ.
Tôi viết bài này, cũng mong quý bạn có cái nhìn rõ hơn về người Cảnh Sát Quốc Gia, trong đó có những nữ Cảnh Sát, những chị bán hàng, những anh chị em sinh viên... đã có một thời hiến dâng xương máu cho đất nước.
Cuối cùng, xin được thắp nén hương cho những Thiên Nga đã hy sinh trước và sau ngày 30 Tháng Tư 1975 trên khắp mọi nẻo đường Việt Nam.
Thiếu tá Nguyễn Thanh Thủy
Biệt Ðội Trưởng Thiên Nga
(Khối Ðặc Biệt - Bộ Tư Lệnh CSQG)
Chân dung một H.O.
Thiên
Nga NGUYỄN THANH THỦY Thiên Nga NGUYỄN THANH THỦY Người Nữ Sĩ Quan Cảnh Sát,
Biệt Ðội Trưởng Thiên Nga với 9 năm quân vụ nhưng có tới 13 năm tù Nhân kỷ niệm
đánh dấu thời gian ba mươi năm (1975-2005) của người Việt tỵ nạn bỏ nước ra đi
và hình thành cộng đồng Việt Nam trên đất Mỹ, cũng như kỷ niệm 15 năm những
người cựu tù nhân chính trị đến Hoa Kỳ theo diện H.O., Nhật Báo Người Việt sẽ
có một loạt bài về đời sống hiện nay của những anh em H.O. ở quê người. Anh chị
em cựu tù nhân chính trị sang định cưtại Hoa Kỳ theo các danh sách H.O. từ năm
1990 đến nay, người đầu tiên lâu nhất là gần mười lăm năm, người trễ nhất cũng
đã đến đây được sáu bảy năm. Gia đình, công việc coi như đều đã ổn định, nhưng
số phận đã đem mỗi con người đi theo những con đường khác nhau.
Sang đây, tùy cuộc đời đưa đẩy, có người đi học lại có cấp bằng để gia nhập vào
đời sống Hoa Kỳ một cách dễ dàng, có người chịu làm nghề tay chân để sống qua
ngày, không ít bạn xoay sang các ngành nghề thương mãi, cũng có người trở thành
những nhà tu hành với những tôn giáo khác nhau. Sau bao nhiêu năm lao tù, đói
khát, nhọc nhằn, sang đến đây, sức tàn lực kiệt, đã có rất nhiều người hiện
đang đang nằm trong nursing home hay đã qua đời. Chúng tôi hy vọng, trong khả
năng hạn hẹp, sẽ tìm hiểu và vẽ lại chân dung đa dạng của những người anh em mà
chúng ta tạm gọi là những người H.O. Chúng tôi rất mong đón nhận sự đóng góp
bài vở, ý kiến của anh em H.O. cho mục này. Xin liên lạc qua trang Cựu Chiến
Binh Việt Nam Cộng Hòa, ấn hành vào mỗi thứ tư trong tuần.
Cô sinh viên trường Ðại Học Kinh Doanh, Trường Sư Phạm Công Giáo Ðà Lạt và cả
Ðại Học Y Khoa Sài Gòn đã bỏ dở những con đường bằng phẳng này để tình nguyện
vào ngành cảnh sát làm một sĩ quan tình báo, con đường mà có thể cô không ngờ
trước đã đem lại cho cô mười ba năm tù “cải tạo”. Tháng Sáu năm 1975, chồng cô
cũng là một sĩ quan phục vụ tại trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt đã cùng cô gánh
vác nỗi gian truân của người lính thất trận, ra đi để lại cho các em gái cô,
cũng trong hoàn cảnh khó khăn, nuôi ba đứa con mới lên bẩy, năm và bốn tuổi của
vợ chồng cô.
Nguyễn Thanh Thủy sinh trưởng tại thị xã Mỹ Tho trong một gia đình nhà giáo, nhưng lại không thích nghề dạy học. Năm 1965, cô nghe lời bạn bè thi tuyển vào ngạch Biên Tập Viên Cảnh Sát Khóa I tại Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, lúc mới thành lập, ở trên đường Lê Văn Duyệt. Ra trường và sau một kỳ thi trắc nghiệm cô được chọn vào Khối Cảnh Sát Ðặc Biệt, phụ trách nghiên cứu kế hoạch và tốt nghiệp khóa Trưởng Phòng Tình Báo tại Phủ Ðặc Ủy Trung Ương Tình Báo, và được cử đi quan sát các tổ chức tình báo tại Mã Lai. Sau trận Mậu Thân, vì nhu cầu quân sự cần đánh phá và thâm nhập vào hạ tầng cơ sở của Cộng Sản tại miền Nam, biệt đội Thiên Nga được thành lập, và năm 1969, cô được chính thức cử làm Biệt Ðội Trưởng từ ngày đó cho đến khi miền Nam sụp đổ. Biệt Ðội Thiên Nga gồm những cán bộ nữ, được tuyển làm cảm tình viên, mật báo viên, hoạt động khắp lãnh thổ miền Nam, từ thành thị đến những thôn xóm xa xôi. Họ từ lứa tuổi từ 20 đến 40, hoạt động tình báo bí mật, có thể thâm nhập vào các tổ chức của hạ tầng cơ sở Cộng Sản để hoạt động. Biệt Ðội Thiên Nga trong thời gian này đã cấy nhân được vào trong thành phần thứ ba, hoạt động trong tổ chức Phụ Nữ Ðòi Quyền Sống của bà Ngô Bá Thành. Không ít người đã được Cộng Sản móc nối đưa vào mật khu học tập, và có người đã bị hy sinh trong những trận đột kích hay đánh bom của Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa. Theo những tài liệu bắt được, Thiên Nga đã được Cộng Sản đánh giá cao và coi là nguy hiểm cho các tổ chức hạ tầng của chúng sau những tổn thất do thành tích, công tác của những con Thiên Nga nhỏ bé, đẹp đẽ và tinh khôn. Ngày 30 Tháng Tư năm 1975, khi Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thủy còn đủ thời gian để thiêu hủy toàn bị hồ sơ của biệt đội và trốn về nhà.
Qua sự truy lùng của chính quyền Cộng Sản, nhiều cán bộ trong biệt đoàn tại địa
phương đã cảnh giác, trốn qua tỉnh khác, thay đổi lý lịch. Ðể tìm những “Thiên
Nga” chưa lộ hình tích, năm 1980, Biệt Ðoàn Trưởng Thiên Nga Nguyễn Thu Thủy
được đưa trở lại Trung Tâm Thẩm Vấn X4 tại Tổng Nha Cảnh Sát để khai thác mạng
lưới tình báo hạ tầng. Do không có kết quả, cô đã bị biệt giam trong thời gian
bốn tháng tại đây. Trong thời gian mười ba năm từ 1975 đến 1988, Nguyễn Thanh
Thủy đã bị chuyển qua lại các trại Long Thành, Thủ Ðức và Z30D và đã viết hằng
trăm bản tự khai. Trong thời gian này, chồng cô, Ðại Úy Lê Thành Long, trưởng
ban nghi lễ trường võ bị đã ra tù vào Tháng Mười năm 1981. Vì ngôi nhà nhỏở
Quận 5 đã bị chính quyền địa phương chiếm đoạt, ông phải về quê ở Bình Chánh để
làm ruộng, trong khi các con vẫn theo bên ngoại ở Mỹ Tho, trong hoàn cảnh khá
trớ trêu này, chính ông làm người chồng đi thăm nuôi vợ tù trong bảy năm tù còn
lại. Nguyễn Thanh Thủy ra trại trong một hoàn cảnh khá khó khăn, khi chồng, vợ,
con ở ba nơi; địa chỉ ra trại, địa chỉ tạm trú và địa chỉ ghi tên theo chương
trình H.O. ở ba chỗ. Cô đã xin trả lại nhà mà không được, xin giấy tờ tạm trú
cũng không xong. Ðể sống còn, Nguyễn Thanh Thủy đã trở thành bà chủ nhỏ một
hàng bán cơm tấm, nước ngọt bên vệ đường cho dân lao động ở góc đường Hai Bà
Trưng và Phan Thanh Giản.
Tuy vậy cựu nhân viên tình báo này đã được công an thành phố lưu ý theo dõi vì
sợ hàng cơm này trở thành một nơi gặp gỡ trao đổi của các nhân viên tình báo
chế độ cũ để tìm cách chống phá “cách mạng”. Năm 1988, sau khi ra tù, cô nhận
được giấy giới thiệu nhập cảnh (LOI) và năm 1989, sau khi có sự thỏa thuận giữa
chính phủ Hoa Kỳ và Cộng Sản Việt Nam cho những người tù cải tạo đi định cư tại
Hoa Kỳ, Nguyễn Thanh Thủy mới nộp đơn đi theo chương trình này. Tuy vậy, trường
hợp đặc biệt của Nguyễn Thanh Thủy, công an Nguyễn Du phải giữ hồ sơ cô lại
khoảng một năm để chờ ý kiến của Cục Tình Báo Hải Ngoại, do đó mãi đến danh
sách H.O.12, cô và gia đình mới có tên và đến Hoa Kỳ vào Tháng Hai năm 1992.
Trong thời gian trên hè phố, cô Nguyễn Thanh Thủy đã gặp gỡ và giúp cho nhiều
cựu nhân viên hoạt động trong biệt đội Thiên Nga ngày trước, hiện nay không còn
một mảnh giấy nào để chứng minh, bằng cách viết giấy tay chứng nhận cho họ và
gởi qua Bangkok. Công việc này rất có kết quả và hiện nay nhiều “Thiên Nga” đã
định cư tại Hoa Kỳ. Sau mười ba năm tù, sang Hoa Kỳ, gia đình cô đã gặp nhiều
chuyện không vui khi con gái đầu lòng của cô qua đời đột ngột vào năm 2002 và
cô còn phải nặng gánh vì một cháu út có bệnh bẩm sinh. Hai vợ chồng cô cũng
đang vất vả để lo cho cuộc sống và còn có bổn phận phải giúp đỡ cho những người
thân đã cưu mang các con cô ròng rã mười ba năm trời. Nhiều thuộc cấp của cô
ngày trước hiện còn ở trong nước, không ở trong trường hợp là thương phế binh,
quả phụ... nhưng đang có những ngày khó khăn vì hoàn cảnh, cần sự vận động giúp
đỡ của cô. Gặp Nguyễn Thanh Thủy bây giờ, một người nội trợ đảm đang, có cuộc
sống gia đình đơn giản, ít ai nghĩ đó là một người đàn bà một thời, nắm một
biệt đội tình báo với những viên chức gan dạ, dưới một danh hiệu mỹ miều là
”Thiên Nga”, đã làm cho hạ tầng cơ sở của Cộng Sản ở miền Nam phải lo sợ và làm
cho bạn bè, chiến hữu phải nể phục.
HUY PHƯƠNG
Sources:
https://hon-viet.co.uk/ThieuTaNguyenThanhThuy_BietDoiThienNga.htm
Cô dâu
(Thiếu tá Nguyễn Thanh Thủy) và chú rể (Đại tá Lê Thành Long)
Bà mẹ Thiếu tá Nguyễn Thanh Thủy và ba con tại Cần Thơ, 1972
Thiếu tá Nguyễn Thanh Thủy: Trước và sau khi ra tù "cải tạo" của Việt cộng
Thiếu tá Nguyễn Thanh Thủy tại Mỹ, sau 13 năm tù "cải tạo" của Việt cộng
No comments:
Post a Comment