Nhà thờ Thánh Mẫu (Gia Định)
Và người ta
đã nôm na đặt một cái tên thông dụng hơn cái tên đường chính thức của nó: Hẽm
nhà thờ Thánh Mẫu. Vùng tôi ở thuộc về khu vực Lăng Ông Bà Chiểu, là nơi mà đầu
hẽm là nhà thờ Thánh Mẫu được xây từ lâu lắm rồi. Dường như nó đã được xây dựng
qua ba đời nội ngoại của một bà cụ sống lâu năm nhất trong vùng. Những cư dân
chung quanh nhà thờ đa số có đạo. Tôi đạo Phật, nhưng mỗi mùa Giáng sinh về
cũng náo nức ghê lắm - cái náo nức của tuổi nhỏ chờ đón mùa Giáng Sinh như mọi
người.
Bây giờ gần cuối tháng chạp,
thiên hạ ngoài đường đang rộn ràng đón Giáng Sinh. Ngôi nhà thờ đã được quét
vôi mới từ tháng trước, trên nóc cao thánh giá đã được giăng giây để trang trí
và hình một ngôi sao thật to và đẹp rực rỡ trong những giây kim tuyến bạc lấp
lánh đã được treo từ đỉnh cao thánh giá ấy.
Năm ấy, dường như là năm 1978
(đôi khi người ta nhớ những điều gì đó về năm tháng rất rõ ràng, không quên
từng chi tiết nhỏ nhặt, nhưng cũng có lúc lại muốn quên bẵng nó đi bởi vì chỉ
thoáng nhớ lại những gì xảy ra trong khoảng thời gian ấy là đã rưng rưng nước
mắt rồi). Đó là vào khoảng thời gian mà người nghèo chúng tôi vẫn còn ăn cơm
độn với khoai lang khô xắt lát. Như thế nào gọi là nghèo? Người nghèo thèm và
mơ ước đủ thứ: một miếng đường tán ngả sậm màu của màu đồng mắt cua, một miếng
thịt tươi vừa được bày ra trên sập chợ, chứ không phải là miếng thịt của chợ
chiều để được bớt đi chút đỉnh tiền vì cái nắng của một ngày đã làm sẫm đi màu
thịt tươi rói sớm mai, một tấm áo lành lặn đẹp đẽ như bạn bè đồng trang lứa,
một đôi dép nhựa màu xanh xanh đỏ đỏ, một cái kẹp tóc có cánh hoa, cánh bướm
lung linh tuổi thơ. Rất đơn giàn. Nhưng lúc ấy tôi không có được những cái mơ
ước trẻ con như vậy. Càng không có, tôi lại càng cảm thấy nó đẹp và ngon gấp
trăm ngàn lần và thế là ước mơ của tôi càng mãnh liệt hơn trong sự thèm thuồng
ấy.
Năm trước, khi những miếng
thịt ngon, dở không còn nữa trên những thớt thịt bằng gỗ mòn nhẵn và đầy vết
dao cắt (vì hôm nay là đêm Giáng Sinh, mọi người đã mua sắm tất tả trọn ngày
rồi), buổi chợ chiều rau đậu đã tàn, tôi lượn vòng chợ nhìn những cái cần xé
bán bánh mì. Chúng được sắp thành hàng thẳng đứng vì hình dáng của chúng nó cũng
khẳng khiu như cánh tay ốm ròm của tôi. Mùi thơm của những ổ bánh mì vàng mơ đã
quyến rũ cái thèm thuồng của tôi vì chúng nó được phết lên một chút bơ - một
thức ăn thuộc loại xa xỉ phẩm vào thời điểm ấy - Tôi được biết rằng họ chỉ dùng
một chiếc cọ mong manh để quét lên những ổ bánh mì vừa ra khỏi lò nướng. Cái
sức nóng của lò trên thân những chiếc bánh màu vàng mơ đã làm bơ tan chảy ra
thơm ngậy mũi.
Tôi lại có thêm một món nữa để
thèm thuồng trong mơ ước: Bánh mì không nóng dòn. Chỉ là bánh mì không thôi
cũng đủ rồi, chứ chẳng cần vài ba miếng thịt mỡ thái mỏng nằm xen kẻ với những
cọng hành lá chẻ nhỏ cho thêm gợi thèm, thêm vài giọt nước tương ngon cho đậm
đà hương vị rưới lên những cọng củ cải đỏ xắt nhỏ làm chua, tất cả được nhét
vào khúc bánh mì nóng dòn cho ổ bánh sẽ được căng phồng như thể là cô hàng bánh
mì đã cho rất nhiều thịt vào đấy, khách mua sẽ cảm thấy vui hơn khi cầm trong
tay ổ bánh mì to và nhiều thịt. Chắc là ngon phải biết ...
Bây giờ, tôi vẫn còn hình dung
được cái cảm giác dòn rụm của miếng bánh mì trong miệng tôi. Nhai những miếng
bánh mì âm ấm vừa nghe tiếng dòn của cái vỏ, vừa ngậm mềm lưỡi của cái ruột,
ngon làm sao... Những miếng bánh được xé ra một cách dè sẻn để bọn con nít
chúng tôi không càm thấy mình đã nhanh nhẩu ăn hết phần bánh của mình. Miếng
bánh cuối cùng bao giờ cũng tuyệt vời hết cả, vì đến lúc ngậm miếng bánh ấy vào
miệng rồi, chúng tôi biết rằng chúng tôi sẽ không còn miếng nào nữa. Sẽ phải
đợi đến mùa Giáng Sinh năm sau mới được ăn bánh mì nóng dòn có cái vỏ màu vàng
mơ, thật dòn, thật thơm bơ và cái ruột bánh trắng phau mềm như thế.
Tôi không còn nhớ giá một ổ
bánh mì là bao nhiêu, nhưng tôi biết là nó mắc lắm, mắc đến nỗi dân nghèo chúng
tôi xem nó như là một món ăn đặc biệt của buổi dạ tiệc. Nếu có mua được, thì
cũng chỉ mua được vài ba ổ cho cả gia đình, rồi được cắt ra đồng đều cho lũ trẻ
nhỏ chúng tôi. Mẹ tôi đã phải cắt ổ bánh ra làm đôi cho thật bằng nhau vì bọn
nhỏ dùng gang tay bé xíu của chúng để đo xem phần bánh của đứa nào được dài hơn
hay bị ngắn hơn ! Lại còn phải để dành cho đến lúc tiếng chuông nhà thờ Thánh
Mẫu báo thánh lễ Misa chấm dứt, chúng tôi mới được bắt đầu nhập tiệc !
Buổi tiệc của gia đình 9 người
chúng tôi gồm có: 4 ổ bánh mì không và một con gà nho nhỏ nấu ragout để mỗi đứa
trẻ được dăm ba miếng thịt gà thơm phức. Nhẩn nha nhai miếng thịt xong, bọn trẻ
chúng tôi lại nhai đến cả những mẫu xương gà! Béo và mềm. Chẳng bỏ một chút nào
ngoại trừ cái ống xương đùi gà đã được hàm răng con nít của chúng tôi cắn vỡ
vụn ra để hút lấy chất tủy beo béo ở bên trong ống xương. Bữa tiệc thịnh soạn
của Đêm Thánh Vô Cùng trong gia đình chúng tôi đấy. Cái gì người nghèo chúng
tôi cũng quý hết cả bởi vì chúng tôi không có cái dư thừa, cái để dành cho ngày
mai, cho nên lúc nào chúng tôi cũng rất trân trọng những gì mà chúng tôi có
được hôm nay. Và chính vì thế mà cái hạnh phúc của chúng tôi dẫu đơn giản nhưng
to lớn vô cùng.
Trên con hẽm lởm chởm đất đá
của khu phố chúng tôi, giáo dân trong xóm đạo đã tan lễ về theo hồi chuông
thánh vui rộn rã. Không biết họ có vui niềm vui giống như chúng tôi không? Lũ
trẻ chúng tôi chờ nhập tiệc bánh mì với thịt gà! Họ mặc quần áo đẹp lắm và
tiếng cười nói của họ vang khắp xóm đêm trên đường về nhà. Bỗng dưng con hẽm
chợt vui lây với những âm thanh ấy mặc dầu ngõ hẽm chỉ le lói hai ngọn đèn vàng
leo lét trên cây cột điện cao bằng ngọn cau tự bao năm rồi.
Đấy là câu chuyện của năm
trước. Năm nay, chúng tôi - thật ra chỉ có mẹ tôi và tôi thôi, còn các em nhỏ
hơn tôi thì ở nhà - đi bán bánh mì để có bánh mì ăn mà không phải mất tiền mua,
vì mẹ tôi thấy bánh mì là món hàng bán đắt nhất trong đêm Giáng Sinh. Ai cũng
ăn bánh mì vào ngày lễ ấy thay vì cả nhà quây quần với gia đình trong một bữa
cơm chiều bình thường như mọi ngày.
Thế
là mẹ tôi đi thuê hai cái cần xé để đựng bánh mì (do một người bạn quen nào đó
chỉ dẫn). Một cái dành cho mẹ tôi ở đầu hẽm và một cái dành cho tôi ở giữa chợ
Bà Chiểu. Mẹ tôi bảo nếu hai mẹ con cùng ngồi bán bánh mì chung một chỗ thì có
lẽ sẽ không bán được nhiều bằng cách chia ra hai ngã đầu đường như vậy để có
thể chận được khách mua hàng cả hai chiều ngược xuôi. Hình như đấy cũng là
quãng đời xuôi ngược của chúng tôi vào thời điểm ấy thật.
Trông cái tướng nhỏ con tiểu
thư của tôi và trông cái cần xé, tôi đã nghĩ rằng: tôi có thể ngồi gọn lỏn vào trong
ấy! Hai chữ tiểu thư là do bạn bè hồi tôi đi học ở trung học đặt tên cho tôi
đấy. Lần đầu tiên trong đời, tôi đã ôm một cái cần xé trong tay! Nó không nhẹ
như tôi nghĩ và hết cà vòng tay của cô bé học trò như tôi cũng không ôm hết
vòng tròn của chiếc cần xé. Tôi loay hoay xách cái quai nhỏ của nó thì lại
giống như là tôi đã choán hết cả đường đi ... Biết làm sao giữa chợ đời bây giờ
đây?
Nhưng rồi cũng phải xong thôi.
Hai mẹ con chúng tôi - ra nghề bán bánh mì - với hai chiếc cần xé và một chiếc
xe đạp được dựng ngay bên cạnh hai cần xé bánh mì ấy. Buổi chợ chiều hôm ấy
không còn vắng vẻ như lệ thường nữa. Những bạn hàng buôn bán đều chen chúc nhau
để đặt quang gánh, cần xé, sạp hàng bày bán cho đêm Giáng Sinh. Chúng tôi được
một chỗ đứng khiêm nhường như chỗ đứng của hai chiếc cần xé và chiếc xe đạp.
Thế đã là may mắn lắm rồi vì chúng tôi đâu phài là người bán hàng ở chợ hàng
ngày.
Trước 4 giờ chiều, mẹ con
chúng tôi đi đến lò bánh mì để mua bánh. Lại cũng là lần đầu tiên tôi chui vào
một cái nhà nóng đến như vậy! Một căn nhà đầy bột trắng bóc khắp nơi và mùi ẩm
của ngôi nhà cũ kỹ quyện lẫn với mùi bánh mì mới ra lò thơm phức mùi bơ đã làm
cho tôi cảm thấy đầy thú vị - đây là cảm giác đầu tiên của tôi. Cái thế giới
bên trong lò bánh mì ấy là một thế giới lạ lẫm đối với tôi lắm. Những người đàn
ông mình trần nhồi bột, những người vác những thanh củi tạ đun vào lò nướng đỏ
rực, người nắn bánh trên những cái khay khổng lồ bằng kim loại. Họ dường như
cũng được nướng như những ổ bánh mì vậy! Họ lặng thinh làm việc không ngừng tay
trong nhễ nhại mồ hôi nhất là trên chiếc lưng trần.
Nhưng bên cạnh đấy lại là
tiếng cãi cọ, nói chuyện ồn ào của chị em bạn hàng giữa người chủ lò bánh và
người thu tiền bán bánh. Chẳng có ai nghe được tiếng của ai hết cả ngoại trừ
hai người đang đứng nói chuyện đối mặt với nhau! Me tôi cũng đến mua bánh và
đặt thêm bánh trong cái lúng túng đáng thương của người mới ra nghề vô cùng.
Thật là cả một - nghệ thuật -
để sắp bánh mì mới ra lò vào cần xé mà không làm gãy bánh. Bánh rất dòn, nếu
sắp không khéo thì bánh sẽ gãy làm đôi ngay. Lỗ vốn. Đây là mẻ bánh đầu tiên để
chở ra chợ, cho nên hai mẹ con chúng tôi phải cố gắng - nhét được nhiều bánh mì
chừng nào hay chừng nấy, vì giờ cao điểm bán bánh là trước giờ giáo dân đi lễ
nhà thờ. Phải biết cách sắp bánh cho khéo để không bị lỏng hay chặt quá. Lỏng
hay chặt đều có thể làm bánh gãy đôi !
Tưởng là đã xong việc cho
chuyện học một nghề mới sau khi hai mẹ con chúng tôi hì hục sắp hết bánh vào
cần xé, nhưng đến khi ràng chiếc cần xé vào chiếc xe đạp thì lại là một chuyện
nhiêu khê khác nữa trời ạ Chiếc cần xé bánh mì, 4 sợi dây thun co dãn đen và
dài làm bằng lốp xe, có hai đầu móc hình dấu hỏi bằng kim loại và chiếc xe đạp
đã là một bài thi trường đời của tôi hôm ấy. Chúng tôi đã nâng niu chiếc cần xé
bánh mì như nâng niu một cổ vật bằng ngọc quý! Không dám để cho một ổ bánh mì
được quyền gãy vì mỗi chiếc bánh gãy đôi là một khúc đoạn trường trong chữ
nghèo của chúng tôi...Cuối cùng, chúng tôi cùng đi bộ với chiếc xe đạp và cần
xé bánh mì đến chợ cho an toàn !
Cái vội vàng của những người
đàn bà nội trợ lo lắng cho một bữa tiệc gia đình đặc biệt trong đêm Chúa giáng
trần được tươm tất, cái chen chúc của bạn hàng dành chỗ ngồi bên lề đường,
tiếng mời mọc khách mua hàng xen lẫn với tiếng cãi vã, chửi bới vang dậy cả một
góc chợ chiều ngả nắng hoàng hôn.
Buổi
chợ chiều thường vắng mặt những người có tiền. Họ đi chợ sớm mai để mua thức ăn
tươi và ngon hết rồi, chỉ còn lại những người nghèo thờ thẩn chọn món ngon nhất
còn lại của buổi chợ sớm để vừa đủ thức ăn cho gia đình mà vẫn gói ghém trong
túi tiền eo hẹp chắt bóp gạo đong của họ.
Phải làm sao để giữ bánh mì
cho nóng mà không phải đậy chiếc cần xé bằng một mảnh vải bố của bao bột? Lại
thêm một bài học đáng nhớ nữa. Những cái trứng hột vịt lộn còn có thúng trấu ủ
nóng suốt đêm trường, còn đêm Giáng Sinh này trời dĩ nhiên là lạnh nhất trong
năm (cái lạnh đến cho thiên hạ chưng diện áo len mới đi lễ nhà Chúa).
Chúa ngôi cao đã thương người
nghèo chúng tôi. Đêm ấy chúng tôi đã bán được 3 cần xé bánh mì. Nỗi vui mừng hả
hê của người nghèo cũng lạ lắm: cười vui trong nước mắt. Nỗi vui ấy chỉ có thể
chia xẻ được với Thượng đế và với người nghèo đồng cảnh ngộ vì những người có
tiền không thể nào hiểu được cái hạnh phúc lớn lao ấy đến chừng nào đâu. Dường
như Chúa đã nghe thấu lời cầu xin của một cô bé nghèo như tôi đêm ấy. Đó là lời
cầu nguyện chân thành nhất trong cuộc đời tôi: Xin cho con bán hết bánh mì đêm
nay, Chúa ơi. Mặc dầu tôi là người ngoại đạo, nhưng tôi tin Chúa đoái thương
người nghèo ở trần gian muôn vàn.
Thánh lễ tan. Về lại nhà trên
con hẽm quen thuộc, tôi cười nói huyên thuyên với mẹ tôi để kể lại những người
khách đặc biệt mà tôi đã gặp. Nỗi vui như một cô bé học trò được điểm cao sau
bài thi. Niềm vui hồn nhiên ấy rất giống nhau - được thầy cô phê điểm 10 hay là
bán hết bánh và đem về cho mẹ được nhiều tiền. Quả thật là hạnh phúc của một
đứa con nít. Niềm hạnh phúc ấy đơn giản biết bao.
Đêm ấy là Đêm Êm Ấm nhất trong
những mùa Giáng sinh mà tôi đã trải qua. Buổi tiệc của gia đình chúng tôi trong
đêm mừng Chúa Giáng Sinh được 4 ổ bánh mì đặc biệt nhất - bánh không còn dòn và
nóng nữa - nhưng cái ấm lòng đã vang ra trong tiếng cười của bầy trẻ nhỏ chong
mắt thức khuya ở nhà đợi mẹ và chị đi bán về để hỏi một câu: Mẹ và chị hai bán
bánh mì có hết không? Và đêm ấy tôi đã ngủ với nụ cười hồn nhiên trên môi - của
riêng tôi và của những đứa em khờ dại ngày ấy.
Sau lần bán bánh mì ấy, dân
trong xóm bỗng dưng đặt cho mẹ tôi một cái tên ngộ nghĩnh: Bà Năm bán bánh mì
(ba tôi là người con thứ năm trong gia đình). Năm sau mình đi bán bánh mì nữa,
mẹ hả? Trong lòng tôi vẫn hằng mang ơn bà con chòm xóm đã mua giúp chúng tôi
những ổ bánh mì năm xưa. Họ đã cho gia đình chúng tôi một niềm hạnh phúc vô
biên mà họ không thể nào tưởng tượng được.
Mẹ tôi đã mất rồi, nhưng những
năm người còn sống, mỗi lần mùa Giáng sinh về, mẹ tôi nhìn tôi cuời và nói:
Ngày xưa mẹ con mình đi bán bánh mì ... Riêng tôi, bây giờ mỗi lần cầm một ổ
bánh mì trong tay, tôi đều nhớ lại càm giác nâng niu từng ổ bánh nóng khi xưa
để trao cho khách hàng với tất cả lòng biết ơn.
Thế đấy, những mảnh đời vụn
vặt đã đi qua ... Giờ còn lại ít nhiều kỷ niệm của nước mắt lẫn nụ cười. Điều
còn lại trong lòng tôi như những mảnh vụn bánh mì ngày xưa ấy. Ký ức có thể rời
rạc, nhưng vẫn dòn rụm và nóng hổi như những mẫu bánh mì của tuổi thơ tôi trong
đêm Giáng Sinh. Đêm ấy, con đã không đến nhà Thánh, nhưng lòng con có Chúa ngự
trị vì con tin Ngài thương yêu con như Ngài đã thương yêu những con chiên cùa
Ngài vậy. Tạ ơn Chúa lòng lành đã đoái thương chúng con trong cảnh khốn cùng.
Amen.
Như Thương
.
No comments:
Post a Comment