Thursday, December 9, 2021

NHÀ VĂN TRẦN HOÀI THƯ: NGƯỜI CỦA THỦY CHUNG (Như Thương)

 

 


Tháng 7 của những ngày tháng trôi qua bình thường như bốn mùa vạn vật, nhưng bất chợt tháng 7 năm nay (2021) lại là tháng ngày đáng nhớ của riêng tôi: Tôi được gặp mặt nhà văn Trần Hoài Thư lần đầu tiên - sau bao nhiêu năm đã biết ông qua sách vở, báo chí và liên lạc bằng emails. Cảm nhận đầu tiên của tôi trước lúc khởi hành là một sự háo hức vì mình sẽ được gặp người mà tôi gọi là “Anh Cả Hoài Thư: Người khâu chữ nghĩa” trong những emails mà tôi (Út Như Thương) đã gởi đến ông.

Dẫu thời gian gặp mặt chỉ vỏn vẹn có 3 ngày (từ 13/7 đến 16/7/2021), nhưng đến lúc diện kiến Người Anh Cả ấy thì tôi đã thảng thốt, bàng hoàng, xót xa và thán phục!

 


Anh Cả đã giữ "Khúc Tình Ca Duyên nợ" dẫu đời quay cuồng với cuồng phong trong những lần tai biến mạch máu não của chị nhà. Trái tim tình yêu ấy đã chèo chống nghiệt ngã thật vững vàng, dù lắm phen chao đảo...để rồi nỗi buồn lại được viết thành thơ, lại đứng lên tiếp tục bước đi đồng hành với người Bạn Đời qua những bữa cơm tự nấu, băng mình đi trong bất kỳ thời tiết nào - để đến Nursing Home và tự mình đút cơm cho vợ ngày hai bữa chu đáo! Hiếm có thật!

Bao nhiêu năm mặn nồng đã làm nền tảng cho những ngày tháng hôm nay trong thủy chung, kiên nhẫn và chăm sóc vợ với lời nguyện cầu trong trái tim nhân lành của người chồng.

Nỗi thảng thốt đã đến khi tôi thấy đời sống thật của ông với "căn hầm tầng trệt là nhà in". Ông đã sống với chữ nghĩa của trăm năm trước tại nơi này sao? Ánh đèn vàng của cuối đời ông lại là ánh đèn vàng trong gian nhà in ấy: Hạnh Phúc! Những máy móc nặng nề và hình như đã lỗi thời được ông nâng niu, chăm chút sửa chữa để giúp ông thực hiện hoài bão "Di sản văn chương miền Nam" qua những ấn bản Thư Quán Bản Thảo (TQBT) là nỗi mừng vui khôn tả của ông khi ông nhìn thấy đứa con tinh thần của ông đang lớn dần, trưởng thành và sắp sửa mừng Thượng thọ Thư Quán Bản Thảo 100 tuổi . Cuộc đời Anh Cả, một đời sống trong đam mê với văn thơ như tên người: Quí Sách.

 


Trí nhớ của ông ẩn hiện những tàng cây xanh mướt kỷ niệm của một bóng hình giai nhân (mà sau này trở thành hiền phụ) như là một của gia bảo trong đời ông. Trong ông tiềm tàng khí phách của một người lính thám báo năm xưa lẫn những ngày tháng “là một người lính ba gai” (theo định nghĩa của ông). Khi cầm súng, ông đã đi qua cuộc chiến và sống với đồng đội bằng tất cả trái tim của một người lính trọn vẹn chân tình. Bóng dáng chiến tranh trong sự hồi tưởng của ông là tình đồng đội sẻ chia những ngày tháng gian khổ, lặn lội với cuộc chiến tàn khốc của Việt Nam, tưởng chừng như ông vẫn còn tại ngũ!!! Màu áo trận vẫn chưa phai nhòa trong ký ức của ông, vẫn lẫm liệt, vẫn uy nghi như ánh mặt trời trong lòng ông. Khi tàn cơn binh biến, bên người vợ hiền, ông hiến dâng đời mình cho niềm đam mê chữ nghĩa.

Nhưng Thượng Đế đã và đang thử thách ông, thử thách cái "Hạnh Phúc Trăm Năm" của lời thề nguyền Phu Phụ năm xưa… Định mệnh của đôi uyên ương đã phải đi qua cầu đoạn trường: Bệnh hoạn! Sự chịu đựng. Sự kiên nhẫn. Sự Thương Yêu hết mực trong cuộc tình ấy... đếm được bao nhiêu người như ông?! Cảm tạ người Anh Cả Hoài Thư đã để lại trong lòng Út Như Thương những hình ảnh đẹp và cao quý đó. Thật ngưỡng mộ!!!

 

NGƯỜI KHÂU CHỮ NGHĨA

Nơi người ở núi rừng quanh phố lạ

Căn gác sầu, lặng lẽ bóng cô đơn

Xin chữ nghĩa đừng để người vấp ngã

Dẫu nhân gian đầy bao nỗi nguồn cơn

Trong thư viện. dáng ngồi người tóc bạc

Từ tóc xanh... vẫn cặm cụi cuộc chơi

Chơi với chữ, dấu nỗi buồn tan tác

Lặng thiên thu đi tận đến cuối đời

Tạ ơn Người: Vết kim đâm rướm máu

Bàn tay nào khâu chữ nghĩa hiền nhân

Đời thám kích nay trở về nương náu

Với mực in, hồn sách chốn hồng trần

Ta sẽ về ngắm mây pha đầu núi

Về thăm người đứng đợi hàng giậu xanh

Mắt rưng rưng tiễn nhau giây phút cuối

Đất trời này vẫn còn đấy thiên thanh

Như Thương

 

Vết thương trong lòng vỡ vụn khi ông nhìn thấy người vợ dấu yêu trong Nursing Home.

Vết đau nào cũng rưng rưng nỗi buồn, phải thế không hỡi Người Chung Thủy với Tình Yêu và Chung Thủy với Chữ Nghĩa Văn Chương. Ôi! Những vết kim đâm khi khâu từng trang sách để lại cho đời sau....

 


Phút giây hội ngộ vỡ vạn niềm vui và buổi chia tay là những giọt buồn rưng rưng trong ánh mắt tiễn đưa.  

Bây giờ và về sau, khi tôi cầm quyển Thư Quán Bản Thảo trên tay, lòng tôi sẽ bồi hồi xúc động vô vàn. Tôi cũng sẽ hình dung lại những hình ảnh của ông với màu tóc bạc phơi phong trần và nơi ông sống: Nhà in Trần Hoài Thư.

Dẫu màu thời gian có phai đi, nhưng mãi mãi ông vẫn là Trần Hoài Thư của Quí Sách!!!

Như Thương

 

.

No comments:

Post a Comment