Một sáng ngủ dậy nhận được tin nhắn:
Ông Phan Nhật Nam “Nhờ chuyển đến Cô Phan Thúy Hà,
Bài viết [Chỉa sẻ của một phụ nữ viết sách tự do]
cô rất hay, rất thực, không thể thực hơn nên tôi nhờ chuyển lại đến cô những
lời chân thực/không thể chân thực hơn sau đây:
- Tôi cũng họ Phan, tên Nhật Nam, không phải bút hiệu hay
danh hiệu nào cả. Là Người Lính Nhảy Dù từ ngày ra trường 23/11/1963. Chỉ có
trận Hạ Lào (2/1971 tôi không có mặt). Sáng 29/4/1975 chịu pháo kích cuối cùng
trong Tân Sơn Nhất.
- Tôi nay 80 tuổi, nên nghĩ rằng có thể nói chuyện với cô
như cha/con; bằng hữu ngang thế hệ vì chung MỘT VIỆC.
- Tôi cũng viết sách từ 1968 (Từ Mậu thân Huế) nhưng không
hề là "Nhà Văn"
- Tôi đã nói nhiều lần trên các talk show và các diễn đàn
vì:
- Tôi VIẾT về những điều mắt thấy/tai nghe/tự thân chứng
kiến từ Nam ra Bắc suốt đoạn đời 1945, 1954, 1960, 1968, 1972, 1975.... và hiện
nay vẫn ĐANG TIẾP TỤC vì nói chưa đủ/nói chưa hết/nói chưa ra lẻ mà cũng chẳng
mấy ai nghe!
- Thế nên tôi rất Quý Trọng cô
- Tiếp tục công việc mà tôi (tự) nhận ra "không thể
làm xong/làm tròn"
Thương Mến-Quý Trọng Cô Phan Thúy Hà như Cha/Con- Bằng Hữu.
Chân thành,
Phan Nhật Nam."
Mình nhắn lại ngay giây phút đó:
“Bác Phan Nhật Nam ơi, bác không biết cháu nhưng với cháu
thì hình bóng bác, giọng nói bác, suy nghĩ mà bác chuyển ra bằng lời, đã thân
quen, gần gụi với cháu, đồng hành với cháu sáu năm qua, từ lúc có ý định viết
sách.
Cháu biết hết các cuốn sách bác viết, nghe đi nghe lại
những bài bác nói chuyện, cháu nhớ câu bác nói “tôi với chiến tranh là một”,
“người Việt Nam là thánh chịu nạn”., “viết bao nhiêu cho hết, viết bao nhiêu
cho đủ”….
Nhiều lần cháu đã nhờ người hỏi giúp mail của bác, đia chỉ
bác để cháu tặng sách bác và muốn nói đôi lời tấm lòng cháu dành cho bác”.
Tin nhắn gửi đi rồi mình vẫn ngẩn ngơ.
Vài ngày sau bác gửi mail cho mình, và từ hôm đó tuần nào
mình cũng hỏi thăm bác.
Mình gửi cho bác những bức hình chụp các trang trong một
cuốn sổ, hỏi bác có nhận ra không.
“Trời đất chữ của cậu chứ còn ai, do cậu học trong tù giai
đoạn chưa vào kiên giam, nằm cạnh ông Tê. Cuốn vở nầy do bố cậu cho khi vào thăm
nuôi (5/1978). Mà làm sao con có những cuốn tập nầy?! Chỉ có Chúa Thánh Linh
mới quyết định những sự việc nầy.
Cám ơn con tất cả. cậu N” ( bác xưng cậu và kêu mình bằng
con, coi như mình là cháu gái)
Người gửi cho mình những bức ảnh là chú Thái Kế Toại.
“Ô PNN còn khoẻ không cháu. Bảo ông rằng chú gửi lời thăm.
Chú là người từ BCA xuống trại Ba Sao nói chuyện với ông trước khi chuyển ông
vào Xuân Lộc để chuẩn bị ra trại. Có tặng ông mấy số báo Văn Nghệ đổi mới.
Đây là cuốn vở tự học tiếng Pháp của ông.
Cái này nằm trong hồ sơ. không cần thiết thì loại bớt đi,
chú giữ lại.
Nếu con ông PNN còn ở trong nước chú có thể trao lại”
“Cảm ơn con và ông Toại vô cùng.
Tưởng như chuyện thần thoại trong cuộc đời bình thường.”
Mình nhìn những trang chữ thân thương. Ngậm ngùi và cảm
động.
Một anh lính dù sau chiến tranh bị tù 14 năm. Vào tù vẫn tự
học tiếng Pháp. Một người ở Bộ công an vẫn giữ lại cuốn vở tự học loại ra khỏi
hồ sơ suốt bấy nhiêu năm, qua rất nhiều lần thay đổi nơi làm việc, chuyển nhà,
cuốn sổ vẫn nằm trang trọng trong tủ sách, với hy vọng một ngày nào đó được
trao lại.
Source:
Fb Phan Thúy Hà
No comments:
Post a Comment