Wednesday, December 25, 2024

Sài Gòn - 1974: Mùa Giáng sinh cuối cùng của thời Việt Nam Cộng Hòa

 Trần Phương /Tạp chí Luật Khoa

25/12/2024

 


Hình ảnh được cho là mùa Giáng sinh năm 1974 bên cạnh Nhà thờ Đức Bà, Sài Gòn. 

Ảnh: Kiến thức/Chưa rõ nguồn. 

Không có bắt đầu và không có kết thúc - đó là niềm tin của nhiều tôn giáo đối với đời sống. 

Mọi thứ tiếp nối, liên tục, hòa vào nhau. 

Việt Nam Cộng hòa cũng không có kết thúc dù chính quyền Sài Gòn đã sụp đổ. Mãnh lực của Việt Nam Cộng hòa vẫn tiếp diễn trong nhiều khía cạnh của đời sống hiện tại. 

Năm 2025, tròn 50 năm sau khi chính thể Việt Nam Cộng hòa sụp đổ và hai miền Nam - Bắc tiến tới thống nhất dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Hãy để tôi đưa bạn trở về năm cuối cùng của cuộc chiến, trong không khí Giáng sinh năm 1974 tại Sài Gòn.

Lồng đèn ngôi sao phủ giấy kính nhiều màu kiểu miền Nam, cây thông giả bằng nhựa với đủ kích cỡ từ cầm tay, để bàn cho đến đặt trên sàn nhà, những hàng dãy dài dây kim tuyến lấp lánh đủ màu sắc đong đưa trong tiết trời dễ chịu nhất trong năm, cùng với bạt ngàn hàng hóa của mùa lễ đã được bày đầy trên các con phố xung quanh nhà thờ Đức Bà.

Vào đêm Giáng sinh, các xóm đạo bừng sáng với những chiếc lồng đèn ngôi sao, cùng với các máng cỏ tái hiện thời khắc Chúa Giê-su chào đời. Mọi người sẽ đi thành từng tốp để ngắm nhìn thành quả trang trí. Không phân biệt người có đạo hay ngoại đạo, tất cả mọi người đều hòa chung trong không khí lễ hội.

Sau thánh lễ lúc nửa đêm tại nhà thờ, dòng người trở về ngôi nhà của mình, quây quần bên bàn tiệc với những người thân, bạn bè và cả những người hàng xóm ngoại đạo. Thịt quay và gà tây cho người giàu có, cháo vịt hoặc cháo gà trong những gia đình nghèo khó hơn. Ngày hôm sau, mọi người đổ về nhà thờ dự thánh lễ và tiếp tục vui chơi đến khi tiếng súng bắt đầu nổ trở lại. Giáng sinh đã đến như vậy trong suốt 25 năm chiến tranh. [1]

Một dịp Giáng sinh ở Sài Gòn trước năm 1975. Ảnh: Kiến thức/Chưa rõ nguồn.

Tuy nhiên, mùa Giáng sinh năm 1974 không chỉ có không khí lễ hội mà còn xen lẫn với nhiều dấu hiệu đáng lo ngại. Tiếng kèn, trống phát ra từ những lễ tang của quân nhân ngày càng thường xuyên hơn vào ban ngày. Vào ban đêm, bạn có thể nghe rõ tiếng pháo kích, tiếng đạn cối nếu ở xa trung tâm thủ đô một chút. Chiến tranh đang đến rất gần, và kết cục của cuộc chiến đang thể hiện ngày một rõ hơn. [2]

Đã hai mùa Giáng sinh, người ta không còn thấy lính Mỹ lóng ngóng cầm trên tay cây thông bằng nhựa cao chừng hai, ba gang tay nữa. Trong hai năm ấy, những chiến trường nổi tiếng mà lính Mỹ đã giành được bằng cách đánh đổi mạng sống của mình giờ đây đều nằm hết trong tay Việt Cộng, như đồi Hamburger (tại Thung lũng A Sầu, Thừa Thiên - Huế), Khe Sanh (Quảng Trị), căn cứ Chu Lai (Quảng Ngãi), v.v. Chiến khu C nổi tiếng một thời, bao gồm khu vực Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh ngày nay, đã trở thành nơi nghỉ dưỡng của Việt Cộng. Thủ đô tạm thời của Việt Cộng đặt tại Lộc Ninh, cách Sài Gòn chỉ chừng 120 cây số. [3]

Tại đồng bằng sông Cửu Long, lính Việt Nam Cộng hòa bỏ chạy khỏi tiền đồn trước khi bị tấn công, nhiều xe bọc thép sợ di chuyển vào ban đêm. Quân đội quốc gia đã rệu rã, mất hết tinh thần chiến đấu. [4]

Phật giáo Hòa Hảo, với hầu hết tín đồ cư trú ở đồng bằng sông Cửu Long, đang lo lắng cho tương lai của mình. Các chức sắc Hòa Hảo yêu cầu chính quyền đáp ứng bảy thỉnh cầu của họ, trong đó có việc công nhận chính thức quân đội của Phật giáo Hòa Hảo. [5] Sau khi yêu cầu bị từ chối, 2.000 tín đồ Hòa Hảo tuyên bố sẽ chặt đứt ngón tay của mình để phản đối. Sau cùng, có 20 ngón tay được gửi đến Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. [6]

Một năm sau khi Hiệp định Paris được ký, chỉ có Hoa Kỳ thực hiện đúng cam kết - rút toàn bộ quân khỏi miền Nam. Tiếng súng vẫn nổ giữa những người Việt với nhau. 

Trong năm đó, Sài Gòn cho biết khoảng 12.000 quân nhân và 2.000 thường dân Việt Nam Cộng hòa đã tử nạn. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố chừng nào người miền Bắc còn ở trên đất miền Nam, chừng ấy chưa có hòa bình. [7]

Vào tháng Tám, một cựu thương phế binh tên Phan Văn Lụa đã đến trước tòa nhà Quốc hội, tức Nhà hát lớn ngày nay, đổ xăng lên người rồi châm lửa tự thiêu. Ông chết ngay sau đó, bên cạnh cái xác chết cháy là bức thư tuyệt mệnh kêu gọi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải tiếp tục tấn công cộng sản để giành lại hòa bình cho miền Nam. Chân dung Phan Văn Lụa sau đó được dựng lên ở khắp Sài Gòn, rạp chiếu phim còn phát băng về cuộc tự thiêu. Trong bài điếu văn tại nghĩa trang quân đội Biên Hòa, Bộ trưởng Bộ Cựu chiến binh đã gọi sự kiện tự thiêu của Phan Văn Lụa là sự căm phẫn tột cùng của người dân đối với việc cộng sản kéo dài cuộc chiến tranh xâm lược trên phạm vi quốc tế. Những hành động của nhà chức trách trong vụ tự thiêu làm nhiều người nghi ngờ rằng chính phủ đứng sau toàn bộ vụ việc. [8]

Trong chín năm cuối cùng của cuộc chiến, 11 trong 19 triệu dân miền Nam đã chịu cảnh mất mát nhà cửa vì chiến tranh leo thang - theo Thượng viện Mỹ, hay theo chính quyền Việt Nam Cộng hòa là 5 triệu người. [9]

Số lượng người tị nạn vào đầu năm 1974 đã lên đến 530.000 người, hơn 60.000 người vẫn tiếp tục đổ về các trại tị nạn. Dù nhà cửa, ruộng vườn, mồ mả tổ tiên của họ vẫn còn ở quê nhà, chính phủ Việt Nam Cộng hòa cảnh báo người tị nạn không được quay về những ngôi làng mà Việt Cộng đang chiếm giữ. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Lào với khoảng 300.000 người tị nạn, sống bằng 5 triệu đô-la viện trợ của Mỹ. Chiến tranh Đông Dương ở Campuchia đã làm bần cùng hóa đất nước thanh bình này, biến một phần ba dân số thành người tị nạn. [10]

Tình trạng đau thương của cuộc chiến càng làm cho nạn tham nhũng hoành hành. Hàng triệu đô-la đã rơi vào túi tướng lĩnh quân đội bằng cách “lĩnh dùm lương" của những quân nhân “ảo” hoặc không có mặt trên chiến trường. [11] Kiểu tham nhũng tương tự cũng xảy ra trong các trại tị nạn. Nhiều quan chức trại tị nạn ở Đà Nẵng đã bị bắt giữ vì thông đồng với nhau để khai khống ra 30.000 người tị nạn “ảo”. [12]

Bộ trưởng Bộ Tị nạn Phạm Quang Đán cho biết chính phủ sẽ cho người tị nạn hai hay ba lựa chọn để tái định cư, nếu họ không đồng ý thì có thể nhận một số tiền và tự tìm nơi ở cho mình. Trong khoảng 1 triệu người tị nạn vào năm 1972, 300.000 người đã ổn định chỗ ở trong các khu tái định cư, và số người tương tự đã trở về quê nhà hoặc tái định cư ở những ngôi làng do Việt Cộng kiểm soát. [13]

Tại các vùng “giải phóng”, Việt Cộng đã bắt đầu đào giếng, mở đường, bố trí giáo viên, bác sĩ vào các ngôi làng mới mà phần lớn nằm ở trong rừng. Mỗi hộ sẽ nhận được 100 đồng tiền mua sắm vật liệu xây dựng nhà cửa, 40 đồng để bắt đầu công việc trồng trọt và sinh hoạt trong sáu tháng đầu tiên. [14]

 

Một thánh lễ ở Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn ngày 3/2/1974. Ảnh: AP.

 

Trước mùa Giáng sinh, sự kỳ vọng về việc thực thi nghiêm túc Hiệp định Paris (1973) về quyền tự quyết tương lai chính trị của miền Nam, đảm bảo các quyền tự do dân chủ, xen lẫn với tình hình tham nhũng, làm việc kém hiệu quả của chính quyền miền Nam khiến các nhóm tôn giáo không thể ngồi yên.

Tháng 6/1974, những người chống cộng nhiệt thành nhất của miền Nam là các linh mục Công giáo đã quay sang chống chính quyền. Linh mục Trần Hữu Thanh, 59 tuổi, đã quy tụ được một nhóm 300 linh mục tham gia Phong trào Nhân dân Chống tham nhũng. [15] Một cuộc biểu tình chống tham nhũng với 5.000 người Công giáo đã nổ ra ở Huế vào đầu tháng Chín. Người biểu tình đã đưa ra sáu cáo buộc tham nhũng đối với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Giáo dân tại Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Nẵng, Biên Hòa cũng lên kế hoạch biểu tình. [16]

Giữa tháng Chín, các nhà sư tranh đấu của khối Ấn Quang đã thành lập Lực lượng Hòa giải Dân tộc nhằm gia tăng áp lực lên chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. [17]

Đến tháng Mười, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải lên truyền hình phân trần về những cáo buộc tham nhũng nhắm vào ông. Ông nói những cuộc biểu tình nhỏ nhặt không làm ảnh hưởng đến ông, tuy nhiên, ông sẵn sàng từ chức nếu toàn bộ nhân dân và quân đội không còn tin tưởng vào sự lãnh đạo của ông. [18]

Không chỉ có các nhóm tôn giáo, các nhà lãnh đạo dân sự của khối báo chí, luật sư, cựu chiến binh cũng quay lưng với ông Thiệu. Điển hình là Trần Quốc Bửu, nhà lãnh đạo của công đoàn lớn nhất ở miền Nam với 300.000 thành viên, nổi tiếng là ủng hộ chính quyền đã từ bỏ việc sát cánh với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. [19]

Ông Bửu, trong một hội nghị với hơn 700 nhà lãnh đạo công đoàn cấp dưới, đã nói rằng các phong trào đối lập một lần nữa nổi lên khi người dân ngày càng bất bình đối với một chính quyền kém cỏi và tham nhũng. Ông cho rằng chính quyền “cần cố gắng khôi phục niềm tin của người dân bằng cách xem xét kỹ lưỡng chính sách quốc gia, làm trong sạch bộ máy lãnh đạo từ trung ương đến địa phương và mạnh mẽ xóa bỏ nạn nạn tham nhũng và bất công xã hội”.

 

Một bài báo về Sài Gòn, đăng trên tờ The New York Times ngày 24/12/1974.

 Ảnh: Newspaper.com.

 

Ngày 31/10, khoảng 3.000 người do các linh mục Công giáo dẫn dắt đã xuống đường biểu tình. Họ yêu cầu Tổng thống Thiệu từ chức. Người biểu tình đã đụng độ dữ dội với cảnh sát trong suốt bảy giờ đồng hồ. Cảnh sát trưởng Sài Gòn Tran Si Tan được cho là đập dùi cui vào một em bé 12 tuổi. Khoảng một phần ba người biểu tình đáp trả cảnh sát bằng cách ném đá, sau cùng rút vào nhà thờ Tân Sa Châu (trên đường Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình ngày nay). Cảnh sát bao vây nhà thờ. Ít nhất khoảng 60 người biểu tình và 30 cảnh sát bị thương. [20]

Đầu tháng Mười Một, các nhà sư của khối Ấn Quang cho biết họ đã sẵn sàng hành động khi cần thiết. Thích Quảng Độ, người phát ngôn của khối Ấn Quang, nói với báo chí rằng: “Chúng tôi đã yêu cầu Tướng Thiệu tự nguyện từ chức, nếu ông ta cảm thấy bản thân đứng về phía hòa bình và hòa hợp dân tộc. Nếu ông ta không sẵn lòng ra đi thì sẽ bị lật đổ”. Một văn phòng lâm thời do Hòa thượng Thích Trí Quang điều hành đã được lập ra để phát động chiến dịch lật đổ chính phủ khi cần thiết. [21]

Cho đến cuối tháng 11/1974, Phong trào Nhân dân Chống tham nhũng của linh mục Trần Hữu Thanh tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc biểu tình lớn hơn nữa. Linh mục Thanh nói ông sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình cho phong trào. [22]

Một cuộc biểu tình của Công giáo đã nổ ra vào ngày 28/11 với 3.000-4.000 người tập kết ở gần sân bay Tân Sơn Nhất để chuẩn bị tiến vào trung tâm thành phố. Cảnh sát đã chặn đứng đoàn biểu tình này. Giao tranh nổ ra giữa người biểu tình với cảnh sát chống bạo động, mỗi bên có khoảng 40 người bị thương. [23]

Việt Cộng cáo buộc linh mục Thanh làm tay sai cho Mỹ nhằm tái thiết chính quyền mới dưới sự lãnh đạo của một hội đồng chỉ có các nhà lãnh đạo tôn giáo. [24]

Linh mục Thanh nói rằng Công giáo đang cẩn trọng trong hành động của mình trong bối cảnh phức tạp vào lúc này. “Chúng tôi không chỉ có mục đích thay thế những con người trong chính quyền mà còn muốn giải quyết nhiều vấn đề cùng một lúc: vấn đề cộng sản, lệnh ngừng bắn, và tìm kiếm giải pháp tổng thể về chính trị. Chúng tôi phải chấp nhận tồn tại chung với cộng sản để tiến tới bầu cử. Và cộng sản sẽ trở thành một đảng chính trị đơn thuần với thiểu số thành viên nằm trong một cộng đồng dân tộc chủ nghĩa”, Linh mục Thanh nói về hướng đi của phong trào Công giáo quyết liệt nhưng bất bạo động này. [25]

Đến năm thứ hai kể từ sau khi Hiệp định Paris được ký, 22.000 quân nhân đã bỏ mạng, 93.000 thường dân bị thương và khoảng 10.000 mất tích. Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cho rằng miền Bắc có khoảng 87.000 người thiệt mạng, bao gồm cả Việt Cộng, bộ đội và thường dân. Việt Cộng từ chối công bố số liệu thương vong. [26]

Không chỉ thiệt hại về người, cuộc chiến khốc liệt còn lan tràn đến mọi ngóc ngách trong thành phố. Kinh tế miền Nam cũng chao đảo, lạm phát ở mức 56%, hơn một triệu người thất nghiệp. Mức lạm phát ở Campuchia là 100% và ở Lào là gần 50%.

Vào dịp Giáng sinh năm 1974, tờ The New York Times ghi nhận Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn Nguyễn Văn Bình đã gửi thông điệp mừng lễ Giáng sinh đến người dân. Ông chia sẻ nỗi lòng của mình đến những gia đình thất nghiệp, tù nhân, trẻ em mồ côi, các góa phụ, người bệnh, người khuyết tật, và bất cứ ai đang chịu sự hành hạ về thể xác hay tinh thần. 

Có điều, ông đã không nhắc gì đến những người lính Quốc gia. [27]

SOURCE:

https://www.luatkhoa.com/2024/12/sai-gon-1974-mua-giang-sinh-cuoi-cung/

No comments:

Post a Comment