CHUẨN TƯỚNG MẠCH VĂN TRƯỜNG (1936- 2021)
Chuẩn tướng Mạch Văn Trường
Tư lệnh Sư đoàn 21 Bộ Binh
Số quân 56/101520
Sinh tháng 3- 1936 tại Bạc Liêu
Khóa 12 Cộng hòa Trường Võ Bị Liên quân Đà Lạt: Tốt nghiệp năm 1956 với cấp bậc Thiếu úy Hiện dịch.
1971:
Trung tá Trung đoàn Phó Trung đoàn 8 Sư đoàn 5 Bộ binh
Tháng 7: Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 8 Sư đoàn 5 Bộ Binh
1972:
Ngày 1 tháng 3, thăng Đại tá nhiệm chức
Ngày 7 tháng 7, thăng Đại tá thực thụ đặc cách tại mặt trận nhân dịp Tổng thống Nguyễn văn Thiệu đến thị sát mặt trận An Lộc vào mùa Hè đỏ lửa 1972.
Cùng ngày 7 tháng 7 tại mặt trận An Lộc, Tổng thống bổ nhậm Tư lệnh phó Sư đoàn 5 Bộ binh
Tháng 11, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Long Khánh.
1974:
Tháng 11, Tư lệnh Sư đoàn 21 Bộ Binh thay thế Chuẩn tướng Lê văn Hưng được cử làm Tư lệnh phó Quân đoàn IV và Quân khu 4
1975:
Ngày 26-4, vinh thăng Chuẩn tướng nhiệm chức (Vị tướng lãnh được vinh thăng cuối cùng của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa)
Ngày 30-4, chỉ huy Sư đoàn chiến đấu đến ngày cuối
Ngày 5-5, bị VC bắt tại Cần Thơ đưa giam cầm tại miền Bắc suốt 17 năm.
(Theo Wikiwand: Ngày 17-5, bị VC bắt tại Cần Thơ ...
Được thả ra ngày 11 tháng 2 năm 1992, sang Mỹ tị nạn và định cư tại Houston, Texas, Hoa Kỳ
2021:
Mất ngày 30 tháng 6 năm 2021 tại Houston, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ
Trích "Lược sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa"
Tác giả:
Cựu Đại tá Trần Ngọc Thống - Cựu Thiếu tá Hồ Đắc Huân - Cựu Trung úy Lê Đình Thụy
Trang 454 - 455
Hồi Ký của Chuẩn Tướng MẠCH VĂN TRƯỜNG
Nguyên Tư Lệnh Sư Ðoàn 21 Bộ Binh
Cựu Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 8/ Sư Ðoàn 5 Bộ Binh
GOOGLE DRIVE BY LYMHA:
https://drive.google.com/file/d/19cVCWbjcPseimR47WRPNQFSjal0OLDBE/view
TEXT:
https://baovecovang2012.wordpress.com/2013/03/04/chien-thang-an-loc-1972-phan-iii/
Lời Mở Ðầu:
Mùa hè năm 1972, Thị Xã An Lộc đã bị một đạo quân khoảng 40,000 người gồm 4 sư đoàn bộ binh với chiến xa hạng nặng T.54, đại pháo 130 ly, phòng không hiện đại bao vây, pháo kích có ngày gần 8,000 quả, tấn công cường tập liên tục 3 tháng, trực thăng không thể vào tản thương và tiếp tế, nhưng quân dân An Lộc đã kiên trì và anh dũng chiến đấu giữ vững An Lộc.
Trận chiến được báo chí và cơ quan truyền thông mô tả là trận đánh ác liệt nhất Ðông Dương, được cả thế giới chú ý, báo chí quốc tế đặc biệt theo dõi từng khía cạnh riêng biệt để rồi tất cả đều khen ngợi sức chịu đựng và tinh thần chiến đấu kiên trì của Quân Dân An Lộc. Sự chịu đựng và tinh thần anh dũng của Quân Dân tại thành phố này không phải chỉ một người ca tụng, một dân tộc ca tụng, mà cả thế giới đều ca tụng. An Lộc nhỏ bé nhưng chiến thắng An Lộc quá vĩ đại, An Lộc điêu tàn nhưng chiến thắng An Lộc là hào quang rực rỡ.
* Tờ báo Newsweek: “An Lộc đứng vững bằng sức chống trả mạnh mẽ của binh sĩ Việt Nam Cộng Hoà, trong khi ở đây không còn căn nhà nào nguyên vẹn.”
* Tờ Bangkok Post: “Một cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý giữa tự do và Cộng Sản và kết quả cho thấy Quân Dân miền Nam dứt khoát không chấp nhận Cộng Sản.”
oOo
Chiến thắng An Lộc được rất nhiều cá nhân và đơn vị anh hùng góp công: Sư Ðoàn 5 Bộ Binh với Trung Ðoàn 7, Trung Ðoàn 8, Trung Đòan 9 ,Trung Ðoàn 52 Sư Ðoàn 18 Bộ Binh với hai Tiểu Ðoàn 2/52 và 1/48, Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân với 3 Tiểu Ðoàn 31, 36, 52 Biệt Ðộng Quân, Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù với 3 Tiểu Ðoàn 5, 6, và 8 Dù, Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù, Quân Dân Tỉnh và Tiểu Khu Bình Long bao gồm Ðịa Phương Quân – Nghĩa Quân, Cảnh Sát, và toàn Dân, các đơn vị Pháo Binh, Kỹ Thuật và Yểm Trợ và đặc biệt là Không Quân Việt Mỹ.
Bài này tôi không viết về toàn diện mặt trận An Lộc, mà chỉ thuật lại một phần diễn biến trong phạm vi Trung Ðoàn 8 Bộ Binh mà tôi là Trung Ðoàn Trưởng, tôi chỉ nói những gì tôi đã chứng kiến và biết rõ. Còn những sự việc xảy ra ở khu vực khác của các đơn vị bạn, chắc chắn cũng có nhiều nét oai hùng, anh dũng, gay go, … nhưng tôi không chứng kiến, không biết, tôi không nói. Xin quý chiến hữu có tham chiến, quý vị là nhân chứng sống hãy bổ sung những diễn biến và chiến công của đơn vị mình để có một sử liệu trung thực, phong phú về chiến thắng An Lộc vang danh Quân Sử.
I. Sư Ðoàn 5 Bộ Binh
Sư Ðoàn 5 Bộ Binh là hậu thân của Sư Ðoàn 3 Dã Chiến (nguời Nùng) từ Miền Bắc rút vào Nam sau Hiệp Ðịnh Genève 1954, đóng tại Sông Mao. Trước đây các đại đơn vị chiến đấu của Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam tổ chức thành Sư Ðoàn Dã Chiến (trang bị nặng) và Sư Ðoàn Khinh Chiến (trang bị nhẹ, gọn). Ðến năm 1959, thời Ðệ Nhất Cộng Hoà, các Sư Ðoàn Dã Chiến và Khinh Chiến đều được cải biến đồng nhất thành SƯ ÐOÀN BỘ BINH.
Ngày 01 tháng 03 năm 1959, Sư Ðoàn 3 Dã Chiến được cải biến và đổi danh hiệu là SƯ ÐOÀN 5 BỘ BINH. Thành phần cơ hữu Sư Ðoàn 5 Bộ Binh gồm có :
· 3 Trung Ðoàn Bộ Binh (mang danh hiệu : Trung Ðoàn 7 Bộ Binh, Trung Ðoàn 8 Bộ Binh và Trung Ðoàn 9 Bộ Binh)
· 1 Tiểu Ðoàn Kỵ Binh (mang danh hiệu Thiết Ðoàn 1 Kỵ Binh)
· 3 Tiểu Ðoàn Pháo Binh 105 ly:
o Tiểu Ðoàn 51 Pháo Binh yểm trợ trực tiếp cho Trung Ðoàn 7 Bộ Binh
o Tiểu Ðoàn 52 Pháo Binh yểm trợ trực tiếp cho Trung Ðoàn 8 Bộ Binh
o Tiểu Ðoàn 53 Pháo Binh yểm trợ trực tiếp cho Trung Ðoàn 9 Bộ Binh
· 1 Tiểu Ðoàn 50 Pháo Binh 155 ly yểm trợ tổng quát cho Sư Ðoàn 5 Bộ Binh
· 1 Tiểu Ðoàn 5 Công Binh Chiến Ðấu
· 1 Tiểu Ðoàn 5 Truyền Tin
· 1 Tiểu Ðoàn 5 Tiếp Vận
· 1 Tiểu Ðoàn 5 Quân Y
· 1 Ðại Ðội 5 Trinh Sát
· 1 Biệt Ðội Quân Báo
· 1 Ðại Ðội 5 Vận Tải
· 1 Ðại Ðội 5 Quân Cảnh
· 1 Trung Ðội Quân Khuyển
· 1 Ban Quân Nhạc.
Bản doanh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh đặt tại Phú Lợi (Tỉnh Bình Dương). Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh kiêm Tư Lệnh Khu Chiến Thuật trách nhiệm chỉ huy thống nhất các hoạt động quân sự trong lãnh thổ 3 Tỉnh Miền Ðông Nam Phần: Bình Dương – Bình Long và Phước Long.
Sư Ðoàn 5 Bộ Binh trực thuộc Quân Ðoàn 3. Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 đặt tại Tỉnh Lỵ Biên Hoà.
II. Ðịa Lý Tỉnh Bình Long
Tỉnh Bình Long nằm cách Sài Gòn 100 km về phía Bắc, là vùng rừng rậm rạp với nhiều cây thau lau, cây dầu, gõ, cẩm lai, tre, v.v…
Thời kỳ Pháp thuộc, vùng đất này thuộc Tỉnh Thủ Dầu Một (Bình Dương). Thực dân Pháp bắt phu từ miền Bắc và Trung Việt vào Nam khẩn hoang phá rừng thành lập ba đồn điền trồng cao su tại Lộc Ninh, Hớn Quản (sau này là quận An Lộc) và Minh Thạnh (Quận Chơn Thành).
Ðến thời Ðệ Nhất Cộng Hoà (26-10-1956), Tổng Thống Ngô Ðình Diệm thành lập Tỉnh Bình Long gồm 3 quận Lộc Ninh, An Lộc và Chơn Thành. Tỉnh lỵ đặt tại quận An Lộc (Hớn Quản cũ).
Về ranh giới Tỉnh Bình Long, phía Ðông giáp Tỉnh Phước Long, phía Tây giáp Tỉnh Tây Ninh, phía Nam giáp Tỉnh Bình Dương (Thủ Dầu Một cũ), phía Bắc giáp biên giới Việt Miên. Dân số khoảng 70,000 người, phần lớn là công nhân quy tụ xung quanh các đồn điền cao su, số còn lại là dân khai thác lâm sản. Khoảng 60% số dân trên sinh sống tập trung tại Hớn Quản. Ngoài ra, cũng có một số ít dân sắc tộc (Thượng) sinh sống rải rác trong rừng.
Về đường bộ, Quốc Lộ 13 là trục giao thông huyết mạch độc đạo chạy từ Bắc xuống Nam, từ Snoul xuyên qua quận lỵ Lộc Ninh, cầu Cần Lê, Tỉnh Lỵ Bình Long, Xa Cam, Xa Trạch, Xa Cát, Tân Khai, Tàu Ô, quận lỵ Chơn Thành, Lai Khê, xuyên qua Tỉnh Bình Dương, rồi đến cầu Bình Lợi, vào Sài Gòn, chia cắt Tỉnh Bình Long làm 2 mảng theo chiều dọc. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, Quốc Lộ 13 thường bị Việt Cộng đắp mô, cuốc lộ, phục kích, phá cầu làm gián đoạn lưu thông.
Tỉnh Bình Long tuy là một Tỉnh nhỏ, nhưng về mặt chiến thuật lại giữ một vai trò quan trọng, là yết hầu của thủ đô Sài Gòn. Với sông Bé là hành lang chiến lược của Cộng Sản Bắc Việt xâm nhập từ đất Miên vào chiến khu D, Quốc Lộ 13 là đường tiến sát chính cho chiến xa và binh đoàn Cộng Sản Bắc Việt từ biên giới Việt Miên đánh thọc vào Sài Gòn. Mất Bình Long, Bình Dương sẽ bị uy hiếp và thủ đô Sài Gòn sẽ lâm nguy.
III. Hoạt Ðộng của Sư Ðoàn 5 Bộ Binh
Trong kế hoạch Việt Nam hoá chiến tranh, Sư Ðoàn 5 Bộ Binh Việt Nam được giao trách nhiệm thay thế nhiệm vụ chiến thuật của Sư Ðoàn 1 Bộ Binh Hoa Kỳ rút về nước, Tiếp thu căn cứ Sông Bé hoạt động ngăn chặn hành lang xâm nhập của Cộng Sản Bắc Việt dọc theo Sông Bé từ lãnh thổ Cao Miên vào chiến khu D. Tiếp thu căn cứ Dầu Tiếng hoạt động ngăn chặn xâm nhập của Cộng Sản Bắc Việt theo hành lang sông Sài Gòn vào chiến khu C. Và tiếp thu căn cứ Hớn Quản hoạt động bảo vệ biên giới Việt Miên, ngăn chặn đường tiến quân của Cộng quân vào Thủ Ðô Sài Gòn theo Quốc Lộ 13. Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh từ Phú Lợi di chuyển lên Lai Khê trú đóng tại bản doanh tiền phương Sư Ðoàn 1 Bộ Binh Hoa Kỳ.
Mặc dù trách nhiệm chiến thuật rất nặng nề, Sư Ðoàn 5 Bộ Binh Việt Nam đã làm tốt nhiệm vụ với nhiều chiến thắng lớn nhỏ đáng kể, lãnh thổ được an ninh tuyệt đối, Ngày 01-03-1972, kỷ niệm chu niên 13 năm thành lập Sư Ðoàn 5 Bộ Binh, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà NGUYỄN VĂN THIỆU, cũng là vị cựu Tư Lệnh tiền nhiệm Sư Ðoàn 5 Bộ Binh (12/1962 – 2/1964), cùng Ðại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng đến Lai Khê chủ toạ lễ chu niên. Nhân dịp này, Tổng Thống đã ân thưởng huy chương và thăng cấp cho rất nhiều quân nhân hữu công, trong đó có Ðại Tá LÊ VĂN HƯNG, Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh được Tổng Thống trao gắn cấp bậc CHUẨN TƯỚNG và Trung Tá MẠCH VĂN TRƯỜNG, Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 8 Bộ Binh, được thăng cấp bậc Ðại Tá.
IV. Phối trí Sư Ðoàn 5 Bộ Binh
Ðể tiếp tục duy trì tình trạng an ninh lãnh thổ, ngăn chặn các đoàn tiếp tế VC từ đường mòn Hồ Chí Minh xuống Kratié, xâm nhập lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà vào các chiến khu C và D dọc theo hành lang sông Bé và sông Sài Gòn, Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng đã phối trí lực lượng chiến đấu Sư Ðoàn 5 Bộ Binh như sau:
– Trung Ðoàn 7 Bộ Binh tại Phú Giáo do Trung Tá LÝ ÐỨC QUÂN chỉ huy, hoạt động dọc theo hành lang sông Bé ngăn chặn đường xâm nhập của Cộng Sản Bắc Việt vào chiến khu D.
– Trung Ðoàn 8 Bộ Binh tại Dầu Tiếng (Quận Trị Tâm) do Ðại Tá MẠCH VĂN TRƯỜNG chỉ huy hoạt động ngăn chặn các đoàn xâm nhập Cộng Sản Bắc Việt từ biên giới Việt Miên theo hành lang sông Sài Gòn tiến vào Bình Dương.
– Trung Ðoàn 9 Bộ Binh (trừ 1 Tiểu Ðoàn) do Ðại Tá NGUYỄN CÔNG VĨNH chỉ huy, được tăng phái Thiết Ðoàn 1 Kỵ Binh (trừ 1 Chi Ðoàn) do Trung Tá Kỵ Binh NGUYỄN ÐỨC DƯƠNG chỉ huy, và Tiểu Ðoàn 74 Biệt Ðộng Quân Biên Phòng, hợp thành Chiến Ðoàn 9 Bộ Binh, trú đóng tại Quận Lộc Ninh tổ chức phòng thủ ngăn chặn địch từ Snoul (đất Miên) tiến đánh Việt Nam theo đường tiến sát Quốc Lộ 13.
– Trung Ðoàn 52 Bộ Binh (trừ 1: gồm Tiểu Ðoàn 2/52 và Tiểu Ðoàn 1/48) do Sư Ðoàn 18 Bộ Binh tăng phái và 1 Pháo Ðội hỗn hợp (105 ly và 155 ly) do Trung Tá NGUYỄN BÁ THỊNH chỉ huy thiết lập căn cứ hoả lực tại Cầu Cần Lê (cách An Lộc 15 cây số, trên Quốc Lộ 13) để yểm trợ hoả lực cho An Lộc, Lộc Ninh và Căn Cứ Tống Lê Chân.
– Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh đóng tại Lai Khê. Bộ Chỉ Huy Tiền Phương Sư Ðoàn 5 Hành Quân đặt tại Tỉnh Lỵ Bình Long do Ðại Tá Tư Lệnh Phó LÊ NGUYÊN VỸ chỉ huy.
XIN BẤM "READ MORE" ĐỂ ĐỌC TIẾP
V. Bối cảnh thời cuộc
Lợi dụng thời cuộc sau chuyến đi lịch sử vào Hoa Lục bắt tay với Trung Cộng của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger và Tổng Thống Mỹ Richard Nixon, bàn cờ chính trị thế giới đột nhiên biến chuyển. Tiền đồn ngăn chặn Cộng Sản tràn xuống nhuộm đỏ Ðông Nam Á của Thế Giới Tự Do tại Việt Nam Cộng Hoà do Hoa Kỳ lãnh đạo đã bị bỏ rơi. Quân đội Mỹ và quân đội Ðồng Minh rút khỏi Việt Nam Cộng Hoà về nước. Viện trợ quân sự cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà bị cắt giảm. Cùng lúc này Cộng Sản Bắc Việt được quan thầy Liên Sô, Trung Cộng và cả khối Cộng Sản Ðông Âu viện trợ ồ ạt chiến cụ hiện đại: Chiến xa hạng năng T.54 với đại bác nòng 100 ly, đại pháo 130 ly với tầm xa 30 cây số, hoả tiễn 122 ly, hoả tiễn tầm nhiệt chống phi cơ SA.7, cao xạ phòng không 37 ly, v.v… Cán cân quân sự lẫn chính trị đã nghiêng hẳn về phía Cộng Sản Bắc Việt. Tập đoàn lãnh đạo Cộng Sản Hà Nội quyết định tung quân chính quy Bắc Việt tấn chiếm Việt Nam Cộng Hoà lấy tên là Chiến Dịch Nguyễn Huệ, với 3 đạo quân đánh vào 3 Quân Khu: Quân Khu I (Vùng Giới Tuyến), Quân Khu II (Vùng Tây Nguyên), và Quân Khu III (Ðông Bắc Thủ Ðô Sài Gòn).
Với âm mưu thu hút lực lượng Tổng Trừ Bị Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà ra khỏi Thủ Ðô Sài Gòn, thoạt tiên mở màn chiến dịch Nguyễn Huệ, ngày 30 tháng 03 năm 1972, Cộng Sản Bắc Việt mở 2 mũi dùi đồng loạt tiến công vào Quân Khu I của ta. Sư Ðoàn 308 Cộng Sản Bắc Việt và 4 Trung Ðoàn thuộc mặt trận B5 có chiến xa và đại pháo vượt khu Phi Quân Sự sông Bến Hải tiến chiếm Quảng Trị. Cùng lúc Sư Ðoàn 324 Cộng Sản Bắc Việt và 2 Trung Ðoàn biệt lập tiến sâu vào thung lũng A Shau đe doạ cố đô Huế. Trong lúc đó thì tình hình tại Quân Khu III tương đối yên tĩnh. Tại hai Tỉnh Bình Long và Phước Long, Việt Cộng chỉ có hoạt động du kích lẻ tẻ. Các đại đơn vị chính quy Việt Cộng tại Vùng 3 đều rút về ẩn trú trên phần đất Miên. Do đó Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà NGUYỄN VĂN THIỆU lập tức điều động Sư Ðoàn Thuỷ Quân Lục Chiến, lực lượng tổng trừ bị, rời Sài Gòn ra Miền Trung tăng phái cho Quân Khu I giữ vùng giới tuyến.
Trước khi mở màn đánh Lộc Ninh, ngày 02 tháng 04 năm 1972, hai Trung Ðoàn Cộng Sản có chiến xa và trọng pháo yểm trợ từ phần đất Miên xâm nhập đánh phá liên tục vào các căn cứ Lạc Long (cách Tây Ninh 35 cây số về phía Tây Bắc) và căn cứ Thiện Ngôn khiến quân trú phòng thuộc Sư Ðoàn 25 Bộ Binh phải lui quân. Họ tung tin sẽ đánh chiếm Tây Ninh làm thủ phủ cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, khiến Quân Khu III phải điều toàn bộ Sư Ðoàn 25 Bộ Binh phòng thủ giữ Tây Ninh và Sư Ðoàn này mặc nhiên bị cầm chân tại đây.
Sáng ngày 05 tháng 04 năm 1972, một Quân Ðoàn Cộng Sản Bắc Việt gồm ba Công Trường 5-7-9 (Việt Cộng gọi Sư Ðoàn là Công Trường) và Công Trường Bình Long (do 3 Trung Ðoàn địa phương biệt lập sát nhập) có chiến xa T.54 và đại pháo 130 ly, cao xạ phòng không hiện đại yểm trợ, từ lãnh thổ Miên bất thần vượt biên giới tấn công chiến đoàn 9 Bộ Binh và tràn ngập Quận Lộc Ninh. Trung Tá NGUYỄN XUÂN THỊNH, Quận Trưởng Quận Lộc Ninh đã giả dạng thường dân di tản lẫn trong đoàn dân chúng, trốn thoát được về tới An Lộc cho biết Chiến Ðoàn 9 Bộ Binh đã tan rã và Ðại Tá Trung Ðoàn Trưởng NGUYỄN CÔNG VĨNH và Trung Tá Thiết Ðoàn Trưởng Thiết đoàn 1 Kỵ Binh NGUYỄN ÐỨC DƯƠNG đã bị Việt Cộng bắt.
Ðược tin Chiến Ðoàn 9 Bộ Binh bị tấn công, Bộ Chỉ Huy Tiền Phương Sư Ðoàn 5 Bộ Binh tại An Lộc ra lệnh cho Trung Ðoàn 52 Bộ Binh tại Cầu Cần Lê đưa 1 Tiểu Ðoàn lên Lộc Ninh tiếp ứng. Tiểu Ðoàn 2/52 do Thiếu Tá NGUYỄN VĂN DƯỠNG chỉ huy ra khỏi căn cứ được vài cây số thì bị 1 trung đoàn Công Trường Bình Long phục kích. Không liên lạc được với Trung Ðoàn 9 Bộ Binh mà cũng không thể tiến thêm được, tổn thất lại khá nặng, may nhờ có Pháo Binh Cầu Cần Lê và Không Quân yểm trợ tối đa, Tiểu Ðoàn này mới vượt thoát vòng vây quay lui trở về căn cứ.
VI. Phản ứng của Quân Khu III và Sư Ðoàn 5 Bộ Binh
Sau khi Lộc Ninh bị tràn ngập, Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 và Quân Khu III dự đoán mục tiêu kế tiếp của địch sẽ là An Lộc (Tỉnh Lỵ Bình Long). Trung Tướng NGUYỄN VĂN MINH, Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 và Quân Khu III quyết định tăng cường phòng thủ chặn địch tại An Lộc, không thể để địch có thể tiến xa hơn về phía Nam. Ông đã ra lệnh :
– Sử dụng Không Quân Việt Nam và Không Lực Hoa Kỳ oanh tạc tối đa đêm ngày vào đội hình địch, trên các đưòng tiến sát, vị trí pháo và trục tiếp tế của địch để tiêu hao lực lượng và làm chậm sức tiến công của địch, để Sư Ðoàn 5 Bộ Binh có thì giờ kịp phối trí quân tổ chức phòng thủ An Lộc.
– Tăng phái LIên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân, đơn vị trừ bị của Quân Khu III cho Sư Ðoàn 5 Bộ Binh.
– Trình xin Bộ Tổng Tham Mưu lực lượng Tổng Trừ Bị để tăng cường cho chiến trường An Lộc.
– Di chuyển Bộ Chỉ Huy Hành Quân Quân Ðoàn 3 từ Biên Hoà lên Lai Khê để trực tiếp theo dõi, chỉ huy và yểm trợ cho chiến trường.
Về phía Sư Ðoàn 5 Bộ Binh thì Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 BB, ra lệnh :
-Trung Ðoàn 52 Bộ Binh bỏ căn cứ hoả lực Cần Lê rút về An Lộc.
– Ðồng thời cũng lệnh cho Trung Ðoàn 7 Bộ Binh tại Phú Giáo khẩn cấp về An Lộc tổ chức phòng thủ.
-Trực thăng vận Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân với 3 Tiểu Ðoàn 31, 36 và 52 Biệt Ðộng Quân vào An Lộc.
– Di chuyển Bộ Chỉ Huy Hành Quân Sư Ðoàn 5 Bộ Binh từ Lai Khê vào An Lộc để thống nhất chỉ huy và yểm trợ cho các đơn vị tham chiến.
Thi hành lệnh trên, ngày 07-04-1972, Trung Ðoàn 52 (-1), gồm có 2 Tiểu Ðoàn 2/52 và 1/48) do Trung Tá Nguyễn Bá Thịnh chỉ huy, phá huỷ căn cứ hoả lực cầu Cần Lê vừa di chuyển ra khỏi căn cứ thì bị Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt pháo kích và chặn đánh. Với đoàn xe cơ giới kéo pháo nặng nề, (6 khẩu 105 ly và 4 khẩu 155 ly, 20 xe cơ giới) Trung Ðoàn 52 Bộ Binh không thể thoát vòng vây, buộc lòng Trung Tá Thịnh phải lui quân trở lại Cần Lê cố thủ. Tướng Hưng cho phép phá huỷ pháo và cơ giới, còn lại bộ binh đi băng rừng về An Lộc.
Nhờ toán cố vấn Mỹ Trung Đoàn 52 (Trung Tá Walter D. GINGER, bị thương nhưng từ chối tản thương, ở lại giúp Trung Ðoàn 52) liên lạc và hướng dẫn không lực Hoa Kỳ yểm trợ tiếp cận dồi dào và liên tục, Trung Ðoàn 52 (-1) mở đường máu đánh nhau với Công Trường Bình Long phục kích và truy đuổi suốt 3 ngày đêm mới phá được vòng vây về tới An Lộc chiều ngày 10/04/72, tổn thất hơn phân nửa quân số (khoảng 600 chết, bị thương và mất tích, trong đó có Trung Tá Trung Ðoàn Phó HOÀNG VĂN HIẾN tử thương và Trung Tá GINGER, Cố Vấn Trưởng, bị thương). Ðịch quân cũng bị tổn thất rất nhiều (khoảng 2,000).
Bộ Chỉ Huy Trung Ðoàn 7 Bộ Binh và 2 Tiểu Ðoàn từ Phú Giáo cũng về tới An Lộc ngày 06-04-1972 an toàn. Trung Ðoàn này có 1 Tiểu Ðoàn giữ phi trường Quản Lợi, cách An Lộc 5 cây số về phía Ðông Bắc là vị trí trọng yếu có 1 pháo đội hỗn hợp (105 ly và 155 ly) và điểm tiếp liệu không quân. Bị Công Trường Bình Long Việt Cộng tấn công tràn ngập, Tiểu Ðoàn này phải rút vào An Lộc với tổn thất khá nặng.
Tình hình tại Thị Xã An Lộc theo báo cáo của Ðại Tá LÊ NGUYÊN VỸ, Tư Lệnh Phó Sư Ðoàn 5 Bộ Binh, chỉ huy Bộ Chỉ Huy Tiền Phương Sư Ðoàn 5 Bộ Binh tại An Lộc, thì như sau :”Từ ngày Lộc Ninh lọt vào tay địch, hàng ngày từng nhiều đoàn người từ hướng Lộc Ninh và các xã, ấp lân cận lũ lượt bồng bề dắt nhau chạy vào Thị Xã An Lộc lánh nạn. Phần đông họ là dân chúng Kinh, Thượng, già, trẻ, bé, lớn, viên chức xã ấp, gia đình binh sĩ và lính Tiểu Khu bỏ đồn rã ngũ, chạy thoát thân. Vì đường bộ từ An Lộc về Lai Khê đã bị Việt Cộng cắt đứt, dân chúng không thoát được phải chạy dồn vào Tỉnh, mạnh ai nấy tự tìm nơi an toàn lánh nạn! Cảnh náo loạn, mất trật tự diển ra trước sự bất lực của chính quyền Tỉnh Bình Long. Tuy nhiên sân bay ở phía đầu Tỉnh thì phi cơ Air Việt Nam vẫn còn lên xuống chở gia đình Tỉnh Trưởng và các viên chức di tản khỏi An Lộc”.
Sáng ngày 07-04-1872, Bộ Chỉ Huy Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân do Trung Tá NGUYỄN VĂN BIẾT chỉ huy và 3 Tiểu Ðoàn 31, 36, và 52 Biệt Ðộng Quân được trực thăng thả xuống sân banh An Lộc an toàn. Tiếp đó buổi chiều cùng ngày Bộ Tham Mưu Sư Ðoàn 5 Bộ Binh từ Lai Khê cũng được trực thăng vận vào An Lộc. Riêng Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh, trên đường bay vào An Lộc đáp xuống Dầu Tiếng lúc 14 giờ chiều thăm Trung Ðoàn 8 Bộ Binh và cho Ðại Tá Mạch Văn Trường, Trung Ðoàn Trưởng biết qua tình hình tại Bình Long, và ban chỉ thị :”Lộc Ninh bị Việt Cộng tấn công cường tập cấp quân đoàn, có chiến xa T.54, đại pháo 130 ly và cao xạ phòng không. Ðịch đang bao vây An Lộc, có thể An Lộc cũng bị tấn công. Hôm nay tôi đem Bộ Chỉ Huy nặng Sư Ðoàn vào An Lộc để tổ chức phòng thủ. Quân Ðoàn có tăng phái Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân, đã được trực thăng vận vào An Lộc sáng nay. Hành lang sông Sài Gòn là trục xâm nhập quan trọng thọc vào Sài Gòn, không thể bỏ ngỏ được. Do đó Trung Ðoàn 8 Bộ Binh tạm ở lại giữ điểm trọng yếu này đến khi có đơn vị khác thay thế. Sau khi tôi vào An Lộc rồi thì Sư Ðoàn 5 BB không thể yểm trợ cho Trung Ðoàn 8 BB tại Dầu Tiếng được. Tôi có trình với Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 cho Trung Ðoàn 8 BB được vào hệ thống Quân Ðoàn 3. Vậy từ nay anh vào hệ thống Quân Ðoàn 3 và hãy thận trọng”.
Tôi hỏi : ”Quân Ðoàn đã sử dụng Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân là đơn vị trừ bị rồi, vậy Quân Ðoàn có xin Tổng Trừ Bị không ?”
Chuẩn Tướng Hưng nói :”Có. Trung Tướng Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 có xin Tổng Trừ Bị. Nhưng Sư Ðoàn Thuỷ Quân Lực Chiến và Sư Ðoàn Nhảy Dù đang kẹt ở chiến trường Quân Khu I và Quân Khu II. Tổng Thống và Bộ Tổng Tham Mưu đã quyết định tăng cường Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù đang giữ Dinh Ðộc Lập và Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù đang hành quân tại Tây Ninh cho Quân Ðoàn 3 để tiếp viện An Lộc. Ngoài ra Sư Ðoàn 21 Bộ Binh của Quân Ðoàn 4 có kế hoạch chở bằng phi cơ C.130 từ Cần Thơ ra Ðà Nẵng tăng cường cho Quân Khu I, nhưng hiện nay tình hình Quân Khu III nghiêm trọng hơn, Ðại Tướng hứa ngày 09-04-1972 HộI Ðồng An Ninh Quốc Gia họp khẩn cấp Ðại Tướng sẽ đề nghị tăng phái Sư Ðoàn 21 Bộ Binh cho Quân Ðoàn 3. Nhưng các đơn vị này phải mất thời gian khoảng 1 tuần mới đến được”.
Sau khi tiễn Tướng Hưng lên trực thăng vào An Lộc, tôi có linh cảm An Lộc sẽ là chiến trường khốc liệt và Trung Ðoàn 8 Bộ Binh sớm muộn gì cũng vào đây tham chiến với Sư Ðoàn 5 Bộ Binh. Buổi Briefing chiều hôm đó, tôi ra lệnh cho các Tiểu Ðoàn và Bộ Chỉ Huy Trung Ðoàn gọi hậu cứ gom quân số và Lao Công Ðào Binh mới được bổ sung, và đưa tiếp vận cần thiết ra tiền phương bổ sung quân số và tái tiếp tế đầy đủ. Bắt buộc phải mang Ðại Bác 57 ly không giật và súng cối 81 ly. (Cấp số mỗi Tiểu Ðoàn có trang bị 2 khẩu súng cối 81 ly, lúc trước hoả lực yểm trợ còn khan hiếm, các tiểu đoàn Bộ Binh khi đi hành quân đều có mang súng cối 81 ly cơ hữu theo, nhưng sau này vì có pháo binh và không quân yểm trợ hoả lực nhanh chóng và dồi dào, nên các Tiểu Ðoàn Bộ Binh thường để súng cối 81 ly ở lại hậu cứ).
Dầu Tiếng trước đây có một căn cứ Brigade của Sư Ðoàn 1 Bộ Binh Hoa Kỳ, rộng lớn, có hầm trú ẩn dưới mặt đất.. Khi Mỹ rút quân, Chi Khu Trị Tâm không đủ khả năng tiếp nhận nên Mỹ phá huỷ và bỏ hoang. Trong một cuộc lục soát và tuần tiễu quanh vị trí đóng quân, may mắn thay Tiểu Ðoàn 1/8 tìm thấy một số hầm có chứa đạn đủ loại và hơn 2,000 súng M.72 còn nguyên vẹn trong bao giấy dầu. Tôi gom số súng này lại phân phối cho các Tiểu Ðoàn trang bị tới cấp Tiểu Ðội, hướng dẫn cách sử dụng và thực tập tác xạ. Số đạn còn lại trao cho Chi Khu Trị Tâm.
Từ Dầu Tiếng, Chuẩn Tướng Hưng và Ðại Tá William Miller, Cố Vấn Trưởng, bay thẳng lên An Lộc (An Lộc là quận Châu Thành của Tỉnh Bình Long) để thống nhất chỉ huy các lực lượng chính quy và Tiểu Khu Bình Long, tổ chức phòng thủ chống lại âm mưu đánh chiếm Tỉnh Lỵ Bình Long của Việt Cộng. Nơi đây Công Binh Sư Ðoàn đã làm sẵn một căn cứ dã chiến bằng bao cát lót vỉ sắt khá vững chắc cho Bộ Chỉ Huy Tiền Phương Sư Ðoàn 5 Bộ Binh ở phía Ðông An Lộc gần ga xe lửa. Tình hình lúc này thì An Lộc hoàn toàn bị bao vây, chưa bị tấn công bộ chiến, nhưng pháo binh địch đã bắt đầu bắn vào Tỉnh lỵ, họ mới bắn lai rai từng quả điều chỉnh tác xạ vào các mục tiêu: sân bay, bãi đáp trực thăng, các căn cứ quân sự và giao điểm các con đường chính. Ðại Tá William Miller, Cố Vấn Trưởng, nói với Tưóng Hưng là Bộ Chỉ Huy Hành Quân Sư Ðoàn 5 Bộ Binh làm bằng bao cát không chống được đại pháo 130 ly và hoả tiễn 122 ly. Ông ta thông báo với Tướng Hưng nơi đây không an toàn, toán cố vấn Mỹ Sư Ðoàn 5 Bộ Binh sẽ rời An Lộc về Lai Khê Tướng Hưng không đồng ý cho toán cố vấn Mỹ di tản, ông nói :”Trận chiến sắp tới rất cần sự yểm trợ hoả lực của Không Lực Hoa Kỳ. Tôi cần Cố Vấn Mỹ ở lại đây để giúp tôi liên lạc với không quân Mỹ yểm trợ chiến trường. Nếu cố vấn Mỹ muốn có vị trí an toàn hơn, tôi sẽ đưa Ông đi tìm địa điểm khác gần đây”. Tướng Hưng đưa Ðại Tá Miller đi vào trung tâm Thị Xã An Lộc, cạnh bệnh viện Bình Long, nơi đây có một thành lính do quân đội Nhật Hoàng xây cất từ hồi Ðể Nhị Thế Chiến, đúc bằng xi măng cốt sắt, hầm sâu dưới mặt đất, có đường giao thông hào rất kiên cố, có khả năng chống bom của phi cơ Ðồng Minh (trại này trước đây được sử dụng làm Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Bình Long, có tên là Trại Ðỗ Cao Trí. Năm 1971 Mỹ rút quân, Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Bình Long dời về Compound Mỹ rộng rãi và có đủ tiện nghi ở phía Nam An Lộc, trại Ðỗ Cao Trí đang bỏ trống). Ðại Tá Miller không còn lý do từ chối, phải ở lại An Lộc với Tướng Hưng tử thủ suốt 3 tháng. Ông đã giúp Tướng Hưng rất nhiều trong việc sử dụng Không Lực Hoa Kỳ yểm trợ cho chiến trường An Lộc.
Tại Thị Xã An Lộc, tính đến chiều ngày 10-04-1972, lực lượng hiện hữu dưới quyền Tướng Hưng gồm có : Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân, Trung Ðoàn 7 Bộ Binh (1 Tiểu Ðoàn bị tổn thất nặng tại Quản Lợi), Trung Ðoàn 52 Bộ Binh (2 Tiểu Ðoàn 1/48 và 2/52 gom quân còn tại hàng khoảng 1 Tiểu Ðoàn), một số ít Trung Ðội và Ðại Ðội Ðịa Phương Quân và Nghĩa Quân còn tại hàng của Tiểu Khu Bình Long đang đảm trách canh giữ các cơ sở, kho tiếp liệu và Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu. Với lực lượng này, Tướng Hưng tạm phối trí phòng thủ vòng đai Tỉnh Lỵ như sau:
– Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân giữ mặt Bắc và phía Ðông Tỉnh Lỵ
– Trung Ðoàn 7 Bộ Binh giữ mặt phía Tây
– Tiểu Khu Bình Long, do Ðại Tá Trần Văn Nhựt, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Bình Long chỉ huy trách nhiệm an ninh trật tự bên trong Thị Xã và giữ phía Nam
– Trung Ðoàn 52 Bộ Binh (-) đóng giữa Tiểu Khu Bình Long và Bộ Chỉ Huy Hành Quân Sư Ðoàn 5 Bộ Binh trợ chiến cho mặt phía Nam
– Bộ Tư Lệnh Hành Quân Sư Ðoàn 5 Bộ Binh đóng tại trại Ðỗ Cao Trí do Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh kiêm Tư Lệnh mặt trận chỉ huy thống nhất.
Nhận thấy với lực lượng trên không thể chống lại được cuộc tấn công cấp Quân Ðoàn có chiến xa và đại pháo của Cộng Sản, Tướng Hưng trình tất cả tình hình địch và bạn về Tư Lệnh Quân Ðoàn 3.
Ðể đáp ứng nhu cầu phòng thủ cấp bách, ngày 10-04-1972 Trung Tâm Hành Quân Quân Ðoàn 3 mời tôi, Ðại Tá Mạch Văn Trường, Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 8 Bộ Binh về Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 tại Biên Hoà nhận lệnh. Sau khi nghe Bộ Tham Mưu Quân Ðoàn thuyết trình về tình hình địch và bạn, và nhận quyết định của Tư Lệnh Quân Khu III: bốc Trung Ðoàn 8 Bộ Binh từ Dầu Tiếng trực thăng vận vào An Lộc. Trung Tướng Nguyễn Văn Minh nói với tôi:
“Tình hình An Lộc thật là nguy ngập, theo báo cáo của Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh mặt trận thì địch đã siết chặt vòng vây với 4 Sư Ðoàn gồm 3 Sư Ðoàn 5-7-9 và Sư Ðoàn Bình Long mới thành lập, Pháo binh địch đã điều chỉnh xong các hoả tập tiên liệu vào các mục tiêu quân sự, sân bay, các bãi đáp trực thăng và các ngả đường trong Tỉnh. Phòng không 12 ly 7 và cao xạ 37 ly đã phối trí xong chế ngự bấu trời. Từ ngày 08-04-1972 đến nay, trực thăng không vào An Lộc được để thực hiện các phi vụ tiếp tế và tản thương, cả thành phố An Lộc hiện đang bị tê liệt vì pháo binh địch pháo kích ngày đêm. Tướng Hưng ước tính có nhiều triệu chứng địch sẽ bắt đầu tấn công bộ chiến trong vòng một vài ngày tới. VớI lực lượng phòng thủ hiện hữu chỉ có Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân, Trung Ðoàn 7 Bộ Binh, Trung Ðoàn 52 Bộ Binh (-2) thì sẽ không thể giữ nổi An Lộc. Mà lực lượng Tổng Trừ Bị của Bộ Tổng Tham Mưu thì chưa tới. Tướng Hưng có xin cho Trung Ðoàn 8 Bộ Binh đổ quân vào tăng viện. Trung Tướng Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 Nguyễn Văn Minh quyết định ngày 11-04-1972 sẽ trực thăng vận Trung Ðoàn 8 Bộ Binh vào An Lộc”.
Sau khi hỏi vài câu về quân số, trang bị và tinh thần, Trung Tướng Minh nói :”Tình hình rất khó khăn và nghiêm trọng. Hãy cố gắng đưa quân vào An Lộc an toàn. Hưng đang chờ Trung Ðoàn 8 Bộ Binh”.
Tôi biết rằng trận chiến sẽ ác liệt lắm, lần này ra đi không chắc gì trở lại được nếu không chiến thắng. Nhưng là Chiến Binh với tinh thần TỔ QUỐC – DANH DỰ – TRÁCH NHIỆM trên hết, dù có khó khăn hay nguy hiểm cũng phải cố gắng thi hành.
Trở về Trung Ðoàn 8 Bộ Binh, tôi bắt buộc phải nói thật với sĩ quan và binh sĩ dưới quyền về nhiệm vụ và tình hình. Tôi yêu cầu tất cả phải chuẩn bị tinh thần và chiến cụ. Lần ra đi này nếu không chiến thắng thì không có ngày trở về.
VII. Trung Ðoàn 8 Bộ Binh vào An Lộc
Vào ngày 11-04-1972, trong lúc Trung Ðoàn 8 Bộ Binh đang sắp toán tại sân bay Dầu Tiếng chờ trực thăng đến bốc thì Trung Tá ABRAMAWITH, Cố Vấn Trưởng Trung Ðoàn 8 Bộ Binh đến nói với tôi: “toán cố vấn Mỹ được lệnh không vào An Lộc, họ sẽ quay về compound Mỹ tại Lai Khê”.
Tại An Lộc, từ ngày 09-04-1972 các hoả tập tiên liệu vào các mục tiêu trong Thị Xã đã được Việt Cộng bắn điều chỉnh xong. Ðịch bắt đầu pháo kích với mức độ mỗi ngày vài trăm đến hàng ngàn quả đủ loại để ngăn chặn các sinh hoạt bên trong và uy hiếp tinh thần quân phòng thủ. Ngược lại về phía ta, Không Quân Chiến Thuật và pháo đài bay B.52 cũng hoạt động liên tục ngày đêm, oanh tạc vào các vị trí pháo, chỉ huy sở và đội hình bộ binh địch. Có lẽ nhờ vậy mà đã trì hoãn được cuộc tiến công của địch?
Mặc dù cuộc đổ quân vào An Lộc của Trung Ðoàn 8 Bộ Binh được phản lực cơ Việt và Mỹ bao vùng yểm trợ diệt pháo và phòng không, khi chiếc trực thăng chỉ huy của Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 8 Bộ Binh hướng dẫn đoàn trực thăng lift đầu (10 chiếc chở 100 quân) gần đến An Lộc thì pháo binh địch từ nhiều vị trí, nhiều hướng khác nhau đã bắn tới tấp vào Thị Trấn An Lộc chế ngự sân bay, sân banh, và các bãi đáp trực thăng trong Tỉnh. Không thể nào đổ quân vào bên trong An Lộc được. May thay phía Nam Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Bình Long khoảng 3 cây số có những “Láng” (lõm trống giữa rừng, chỉ có cỏ, không có cây cao). Tôi quyết định thả quân xuống các lõm trống này. Trực thăng bay thật thấp sà trên đọt cây, đổ quân thật nhanh, binh sĩ được lệnh nhảy xuống đất tản ra tìm chổ ẩn nấp an toàn, rồi các đơn vị gom quân liên lạc với Trung Ðoàn Trưởng dưới dất. Tôi và Bộ Chỉ Huy nhẹ Trung Ðoàn 8 Bộ Binh xuống đất cùng với lift đầu. Rất may khu vực phía Nam này địch chưa phối trí súng phòng không nên trực thăng đã thả Bộ Chỉ Huy Trung Ðoàn 8 Bộ Binh và 2 Tiểu Ðoàn xuống đất an toàn. Lúc này trời đã xế chiều, tạm ngưng trực thăng vận. Còn lại 1 Tiểu Ðoàn và Ðại Ðội Trinh Sát ngày hôm sau Thiếu Tá Trung Ðoàn Phó tiếp tục thả quân và đã hoàn tất trong buổi sáng ngày 12-04-1972.
Ðịch tiếp tục pháo kích khắp mọi nơi. Tướng Hưng nắm vững tình hình hướng dẫn cho Ðại Tá Trường những ngả đường đang bị pháo, những nơi chưa bị pháo để theo lối an toàn đi vào Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh tại thành Nhật (Trại Ðỗ Cao Trí) ngay trung tâm Tỉnh Lỵ nhận lệnh.
Từ khi An Lộc hoàn toàn bị vây hãm, ngày đêm đều bị pháo kích, thương vong ngày càng nhiều mà trực thăng không vào tản thương và tiếp tế được, quân, dân trong Tỉnh tinh thần rắt căng thẳng và lo ngại sẽ phải chiến đấu trong cô đơn. Nay hay tin Trung Ðoàn 8 Bộ Binh đã đến tăng cường, lòng người đã mừng vui ra mặt, mọi người đều tăng thêm niềm tin và sức sống.
Khi Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 8 Bộ Binh và các Sĩ Quan Bộ Chỉ Huy Hành Quân Trung Ðoàn 8 Bộ Binh vào tới cổng trại Ðỗ Cao Trí thì các Sĩ Quan Bộ Tham Mưu Sư Ðoàn mừng rỡ tiếp đón và đưa vào gặp Tư Lệnh. Chuẩn Tướng Hưng và Ðại Tá Lê Nguyên Vỹ, Tư Lệnh Phó, vui mừng bắt tay. Tình hình có vẻ nguy ngập. Tướng Hưng hỏi ngay về tinh thần binh sĩ, quân số tham chiến, trang bị, v.v… Tôi phúc trình tinh thần tốt, mấy hôm nay không có đào ngũ, vừa bổ sung xong, mỗi Tiểu Ðoàn tham chiến trên 650. Trang bị đầy đủ.
Tướng Hưng hỏi Trung Ðoàn có mang đại bác 57 và súng không giật 75 ly không? Tôi trả lời có nhưng không có đạn xuyên phá chống chiến xa. Tuy nhiên Trung Ðoàn 8 Bộ Binh có khoảng hai ngàn (2,000) súng M.72 trang bị cho các tiểu đoàn tới cấp tiểu đội.
Tướng Hưng có vẻ vui mừng hỏi :”Vũ khí khan hiếm thượng đẳng, ở đâu mà anh có nhiều được vậy?”
– Trời cho. Tôi kể lại việc Tiểu Ðoàn 1/8 may mắn phát hiện kho đạn của Mỹ ở Dầu Tiếng.
Tướng Hưng bảo Ðại Tá Vỹ hỏi đơn vị nào không có M.72 thì liên lạc xin Trung Ðoàn 8 Bộ Binh. Hai Ông dắt tôi qua phòng Hành Quân Sư Ðoàn, vừa đi Tướng Hưng vừa hỏi toán cố vấn Mỹ đâu? Tôi trình bày họ nhận được lệnh không vào An Lộc, hiện giờ họ đang ở tại Lai Khê.
Ðứng trước bản đồ, Ông cho biết tình hình y như Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 đã nói. Ðịch đã bao vây và áp sát. Chắc chắn trong vòng một hay hai hôm nữa thì địch sẽ bắt đầu tấn công. Ðiểm sẽ là mặt phía Bắc, nổ lực chính có chiến xa. Ðoạn Ông lấy bút chì mỡ vẽ lên bản đồ lằn ranh phân chia khu vực trách nhiệm phòng thủ và nói với Ðại Tá Tư Lệnh Phó: Trung Ðoàn 8 Bộ Binh còn khỏe, quân số đông, trang bị đầy đủ, trao nhiệm vụ cho Trung Ðoàn 8 Bộ Binh phòng thủ phía Bắc. Trung Ðoàn 7 Bộ Binh phía Tây. Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân phía Ðông, Trung Ðoàn 52 (-) và Tiểu Khu Bình Long giữ phía Nam.
Tướng Hưng bảo tôi hãy điều động các tiểu đoàn vào vị trí ngay, đừng di chuyển quân xuyên qua thành phố, hãy đi dọc theo vòng đai tránh pháo.
Trong lúc tôi và Tư Lệnh Phó ngồi chờ Phòng 3 làm sơ đồ Lệnh Hành Quân, tôi nói rõ với Ðại Tá Vỹ:
– Ðịch tấn công có chiến xa, chắc chắn chúng sẽ lấy Quốc Lộ 13 làm đường tiến sát, xin Sư Ðoàn cho Công Binh đặt mìn chống chiến xa (CCX) trên QL.13. Ðại Tá Vỹ tỏ vẻ bực tức nói:
- Tôi có để nghị với Tỉnh Trưởng Bình Long cho Công Binh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh đặt mìn CCX dọc theo Quốc Lộ 13, nhưng Ðại Tá Trấn Văn Nhựt không đồng ý với lý do trở ngại cho xe của đồn điền cao su ra vào Thị Xã.
Ðại Tá Vỹ có vẻ lo lắng về tương quan lực lượng: địch có chiến xa, ta hoàn toàn không có, kể cả thiết vận xa M.113 cũng không có chiếc nào. Về pháo binh thì pháo của Trung Ðoàn 9 Bộ Binh và Trung Ðoàn 52 Bộ Binh Sư Ðoàn 18 Bộ Binh đã mất tất cả tại Lộc Ninh và Cần Lê. Chỉ có Tiểu Ðoàn 52 Pháo Binh của Trung Ðoàn 8 Bộ Binh mà các pháo đội mấy hôm nay bị pháo kích hư hỏng cũng khá nhiều. Sư Ðoàn sử dụng Tiểu Ðoàn 52 Pháo Binh 105 ly yểm trợ tổng quát cho mặt trận, ưu tiên cho đơn vị chạm nặng. Ðại Tá Tư Lệnh Phó còn yêu cầu cho Ðại Ðội 8 Trinh Sát làm Tổng Tiền Ðồn.
Trung Ðoàn 8 Bộ Binh phối trí 2 tiểu đoàn hàng ngang chạm tuyến ở phía Bắc. Binh sĩ suốt đêm đào hố cá nhân, đất sỏi đá rất cừng nhưng cũng phải làm cho xong hầm có nắp để tránh pháo.
Sáng ngày 12-04-1972, Thiếu Tá Trung Ðoàn Phó trực thăng vận tiểu đoàn còn lại và Ðại Ðội 8 Trinh Sát lên đến, tôi cho phòng thủ chiều sâu, chiếm lĩnh các cao ốc dọc theo Quốc Lộ 13 xuyên qua An Lộc đồng thời tiểu đoàn này cũng là trừ bị cho Trung Ðoàn, Ðại Ðội 8 Trinh Sát lập tuyến tổng tiền đồn tại đồi Ðồng Long, nơi đây có 1 Trung Ðội Ðịa Phương Quân của Tiểu Khu Bình Long với quân số khoảng 20 người.
Trong lúc bộ binh đào công sự chiến đấu và hầm trú ẩn thì Thiếu Tá Hoàng Trung Liêm Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 52 Pháo Binh yểm trợ trực tiếp cho Trung Ðoàn 8 Bộ Binh được giao nhiệm vụ thiết lập hoả tập tiên liệu hàng rào cản trên đường tiến sát dọc theo Quốc Lộ 13 phía Bắc Trung Ðoàn 8 Bộ Binh để tiêu diệt và tách rời chiến xa và bộ binh tùng thiết của địch.
Ở đầu Tỉnh về phía Bắc gần sân bay, có 1 kho xăng và 1 kho tiếp liệu tiền phương của Quân Ðoàn 3 để yểm trợ cho các binh đoàn hành quân biên giới. Lúc 12 giờ trưa ngày 12-04-1972, Việt Cộng pháo kích cháy kho xăng. Tướng Hưng lo ngại kho tiếp vận của Quân Ðoàn rồi đây cũng bị địch pháo huỷ diệt hay đánh chiếm. Ông ra lệnh cho các Trung Ðoàn 7-8-52 Bộ Binh và Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân đến đó nhận lãnh tối đa các loại đạn cần thiết đem về lưu giữ tại chiến tuyến để có thể chiến đấu lâu ngày mà không cần tái tiếp tế. Nhờ vậy mà khi cuộc chiến bắt đầu, các Trung Ðoàn có đủ đạn chiến đấu hàng tháng trong lúc hoàn toàn bị bao vây.
Trong hai ngày 11 và 12-04-1972, mức độ pháo kích của Việt Cộng vào Thị Xã gia tăng, ngày nào cũng có nhiều thường dân bị thương vong vì đạn pháo của địch. Dân chúng các nơi chạy giặc về Tỉnh rất đông. Trong Thị Xã không còn đâu là nơi tuyệt đối an toàn. Họ tự động kéo nhau vào những nơi thờ phượng linh thiêng như nhà thờ, chùa Phật, v.v…ngồi đông nghẹt, để mong được Ơn Trên phù hộ, che chở! Và hy vọng những nơi đền thờ của Tôn Giáo, đối phương sẽ tôn trọng, không bị ảnh hưởng tàn bạo của chiến tranh. Mục Sư Ðiểu Huynh dắt khoảng 500 đồng bào Thượng từ các Buôn chạy vào ngồi chật sân ga xe lửa. Cũng có một số đông gia đình Ðịa Phương Quân và Nghĩa Quân Viên Chức xã ấp, lính đồn Tiểu Khu rã ngũ, kéo nhau vào các nơi có Quân Ðội trú đóng để tá túc vì nơi đây có chỗ ẩn nấp, được Quân Ðội bảo vệ và được Quân Ðội giúp đỡ thực phẩm và y tế. Ðiều này làm cho các đơn vị trưởng rất lo ngại đặc công Cộng Sản trà trộn đánh nội ứng! Tướng Hưng lưu ý các đơn vị phải đề cao cảnh giác.
Suốt 3 ngày 10, 11 và 12-04-1972, mỗi ngày Quân Ðoàn 3 cho Sư Đoàn 5 Bộ Binh hàng trăm phi xuất phản lực cơ Việt Mỹ đánh bom tới tấp vào các vị trí được ghi nhận có Việt Cộng tập trung, vị trí pháo và phòng không địch xung quanh Thị Xã An Lộc. Không quân báo cáo có nhiều tiếng nổ phụ có khói bốc lên. Ðặc biệt lúc 3 giờ chiều ngày 12-04-1972 phi vụ oanh kích 5 cây số phía Tây cổng Phú Lố có 1 tiếng nổ phụ lớn rồi nhiều tiếng nổ ầm ĩ liên tục kéo dài đến 22 giờ đêm. Phòng 2 Sư Ðoàn 5 Bộ Binh ước đoán có thể phi cơ đã đánh bom trúng kho đạn tiền phương binh đoàn Cộng Sản?
VIII. Trận đánh mở màn
Tấn công lần thứ nhất
Ðêm 12 rạng 13-04-72, để chuẩn bị cho một cuộc tấn công bộ chiến, một trận mưa pháo khoảng 6,000 quả đủ loại bắn suốt đêm vào Thị Xã An Lộc. Lúc khởi đầu, các vị trí pháo binh ta còn phản pháo mãnh liệt. Nhưng về sau các pháo đội bị trúng đạn hư hỏng và tổn thất nên khả năng phản pháo giảm dần. Vào lúc 24 giờ đêm, điểm tiếp liệu của Quân Ðoàn 3 tại sân bay bị trúng pháo phát nổ và tiêu huỷ hoàn toàn. Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Sư Ðoàn 5 Bộ Binh tại phía Ðông cũng bị pháo tập trung bắn sập. May mắn thay trước đó vài ngày Bộ Tư Lệnh Hành Quân Sư Ðoàn 5 Bộ Binh đã di chuyển sang trại Ðỗ Cao Trí. Có lẽ địch chưa biết. Nhà thờ Kitovua và sân ga nơi có nhiều thường dân và đồng bào Thượng tập trung lánh nạn cũng bị pháo kích khiến dân chúng bị thương vong rất nhiều. Tướng Hưng ra lệnh cho Quân Y Trung Ðoàn và Tiểu Ðoàn gần đó phải đến cấp cứu và băng bó cho nạn nhân.
Phần lớn đạn pháo kích bắn vào tuyến phòng thủ của Trung Ðoàn 8 Bộ Binh ở phía Bắc Tỉnh lỵ, quân trú phòng biết ngay địch đang bắn dọn đường cho cuộc tấn công bộ chiến sắp diễn ra. Binh lính các tiểu đoàn nhờ có đào hố cá nhân sâu, có nắp kiên cố nên không bị thiệt hại nhiều qua trận mưa pháo này. Tuy nhiên nhà của dân chúng ở phía Bắc Tỉnh bị sập đổ rất nhiều. Kể từ giờ phút này đã có lệnh của Tướng Hưng cho lệnh máy vô tuyến AN/PRC25 mở thường trực, nhưng chỉ được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp khi mà đường giây điện thoại bị pháo đứt, mọi việc chỉ huy liên lạc phải dùng điện thoại để tránh địch nghe lén. Ðường giây điện thoại thường bị đứt vì đạn pháo. Bất kể ngày đêm, đứt lúc nào thì Tiểu Ðoàn 5 Truyền Tin và Truyền Tin Trung Ðoàn phải nối giây để giữ liên lạc. Áp dụng đúng nguyên tắc tham mưu đường giây điện thoại mắc nối từ trên xuống dưới. Các toán nối giây chết rất nhiều trong nhiệm vụ này. Sau khi chiến thắng trở về Lai Khê, Tướng Hưng làm lễ tuyên dương công trạng và tưởng thưởng những anh hùng Truyền Tin trong cuộc chiến.
Ðến 6 giờ sáng ngày 13-04-1972 trong lúc trên vòng đai phía Bắc đang bị pháo gia tăng cường độ thì Ðại Ðội 8 Trinh Sát Tổng Tiền Ðồn tại đồi Ðồng Long báo cáo đang bị chiến xa địch tràn ngập, phải rút vào Thị Xã đóng tại Ðại Lộ Hoàng Hôn làm trừ bị cho Trung Ðoàn.
Ðến 7 giờ sáng ngày 13-04-72, pháo binh địch chuyển xạ, các hoả tập trên vòng đai các mặt Bắc, Ðông và Tây ngưng tác xạ. Chuyển các hoả tập vào trung tâm Tỉnh lỵ. Lúc này bộ binh địch bắt đầu tấn công. Các hướng Ðông và Tây tiếng súng nổ dòn. Trung Ðoàn 7 Bộ Binh và Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân đang chạm địch trên chiến tuyến.
Tại phía Bắc đoàn chiến xa T.54 xếp hàng dọc nối đuôi rất dài như một đoàn công voa (convoy) từ từ chạy trên Quốc Lộ 13 tiến vào Thị Xã An Lộc. Hai bên đường mỗi bên có hơn 1 tiểu đoàn bộ binh dàn hàng ngang đi song song cùng chiến xa. Trung Ðoàn 8 Bộ Binh báo cáo địch đã xuất hiện có chiến xa nhưng còn ngoài tầm chưa nổ súng. Khi bộ binh và chiến xa địch lọt vào trận địa pháo tiên liệu của Trung Ðoàn 8 Bộ Binh, Thiếu Tá Liêm, Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh Trung Ðoàn 8 Bộ Binh ra lệnh các pháo đội 105 ly đồng loạt tác xạ như mưa. Ðồng thời 10 khẩu súng cối 81 ly (4 khẩu của Trung Ðoàn và 6 khẩu của 3 Tiểu Ðoàn) cũng bắn nhịp nhanh tăng cường hoả lực. Một trận mưa pháo bất ngờ dội lên đội hình địch.
Bị pháo bắn chụp lên đầu, bộ binh tùng thiết địch chạy tán loạn tháo lui tránh pháo. Ðoàn chiến xa hàng dọc trên lộ, những chiếc đi sau ngoài trận địa pháo dừng lại, những chiếc đang đi trước bị xe sau cản đường không thể lùi lại với bộ binh, họ tăng tốc độ chạy lao vào thành phố.
Hai bên đường Quốc Lộ 13 xuyên qua thành phố là dãy nhà lầu, có một tiểu đoàn của Trung Ðoàn 8 Bộ Binh được trang bị đầy đủ súng chống chiến xa M.72 chiếm lĩnh cao ốc phòng thủ chiều sâu. Khi đoàn chiến xa T.54 (khoảng 15 chiếc) chạy vào giữa 2 dãy phố thì lính Trung Ðoàn 8 Bộ Binh từ trên cửa sổ lầu cao bắn dữ dội. Xạ thủ đại liên Việt Cộng trên chiến xa, một số bị thương vong, số còn lại phải bỏ súng đại liên nhảy vào xe đậy pháo tháp tránh đạn bộ binh. Chiến xa địch lúc này là khối sắt làm mồi cho xạ thủ M.72.
Khi chiếc T.54 dẫn đầu tới đại lộ Hoàng Hôn thì chiếc thứ ba trong đoàn bị xạ thủ M.72 Trung Ðoàn 8 Bộ Binh bắn cháy (chiếc tăng đầu tiên bị hạ tại An Lộc), xe này quay ngang giữa lộ thành chướng ngại vật cản đường. Các chiến xa chạy phía sau phải dừng lại, nhờ vậy mà các xạ thủ M.72 Trung Ðoàn 8 Bộ Binh đã hạ thêm 3 chiến xa đang đậu nối đuôi. Các chiến xa phía cuối đoàn xe thấy vậy liền rẽ trái, rẽ phải tháo chạy, nhưng cũng bị Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân hạ 3 chiếc, và Trung Ðoàn 7 Bộ Binh hạ 2 chiếc.
Hai chiến xa dẫn đầu tống ga chạy như trâu điên về phía Nam, có lẽ họ cố tìm lối thoát ra khỏi Thị Xã. Khi chiếc đầu chạy ngang qua trại Ðỗ Cao Trí thì bị Ðại Tá VỸ, Tư Lệnh Phó Sư Ðoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà và quân phòng thủ Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh bắn bốc khói, nhưng nó còn cố chạy về phía Nam, cũng bị quân ta bắn hạ. Chiếc thứ hai thấy vậy quay lại chạy ngang sân banh bị pháo đội 105 ly hạ nòng trực xạ bắn đứt xích, cố lết tới đại lộ Hoàng Hôn thì Ðại Ðội 8 Công Vụ và Ðại Ðội 8 Trinh Sát nhảy lên ném lựu đạn vào pháo tháp huỷ diệt.
Khoảng 9 giờ sáng (13-04-72) có 3 trực thăng Cobra của Hoa Kỳ trang bị hoả tiễn 2.7 inches với đầu đạn chống chiến xa đến vùng liên lạc với bộ binh yêu cầu đánh dấu các chiến xa đã bị hạ. Sau đó trực thăng phát hiện còn 3 chiến xa địch đang hoạt động trong thành phố và đã bắn hạ tất cả 4 chiếc đó. Tóm lại tại mặt trận phía Bắc có 15 chiến xa T.54 lọt được vào thành phố, bị quân trú phòng hạ 12 chiếc, Cobra hạ 3 chiếc.
Lúc 10 giờ sáng (13-04-72), Việt Cộng lại tung 1 đợt tấn công khác vào 3 mặt Bắc, Ðông và Tây. Quân trú phòng chống trả quyết liệt. Nhờ không quân Việt Mỹ đánh bom yểm trợ tiếp cận hữu hiệu ngăn chặn. Cuộc tấn công hợp đồng chiến xa bộ binh có pháo yểm trợ của Cộng Sản Bắc Việt đã bị chận đứng, tuy nhiên Việt Cộng đã kiểm soát được sân bay và khu vực nhà tole phía Bắc Tỉnh lỵ. Trong ngày 13-04-1972, các pháo đài bay B.52 được chuyển sang yểm trợ cho chiến trường An Lộc và các khu trục cơ cũng liên tục oanh tạc các vị trí pháo Việt Cộng chung quanh Thị Xã An Lộc.
Lợi dụng lúc địch tạm ngưng pháo kích và tấn công, quân phòng thủ củng cố lại vị trí chiến đấu và cấp cứu thương binh. Những thương binh nhẹ thì đưa về Ðại Ðội Quân Y Trung Ðoàn chăm sóc. Nặng thì đưa đến bệnh viện Bình Long nơi đây có Bác Sĩ Tiểu Ðoàn 5 Quân Y phối hợp với Bác Sĩ Quân Y Tiểu Khu cứu chữa. Dân chúng bị thương vong rất nhiều, các ban Quân Y đơn vị chính quy phải đảm trách cứu thương cho thường dân tại chỗ. Do đó mới ngày đầu mà số thuốc dự trữ của Quân Y đã sử dụng gần hết.
Khoảng trưa ngày 16-04-72, Cha Chánh Xứ An Lộc thấy thường dân bị Việt Cộng pháo kích thương vong nhiều quá, quyết định hướng dẫn gần 20,000 người phần lớn là thường dân, gia đình lính Tiểu Khu, viên chức xã ấp rời An Lộc đi về Lai Khê thoàt ra địa ngục trần gian này. Cha Xứ mặc áo Linh Mục đi đầu. Khi đến Xa Trạch bị Việt Cộng chặn lại không cho đi mà còn lùng bắt viên chức và quân nhân. Cha thấy không ổn nên dắt đoàn người quay trở về An Lộc. Khi về tới An Lộc thì trời đã gần tối, mạnh ai nấy lo lấy thân, tự tìm nơi ẩn trú. Chính quyền địa phương không giải quyết được tình trạng hỗn loạn này. Ðoàn người tị nạn tự động tìm đến nương náu ở những nơi họ cảm thấy có an toàn. Gần 1,000 người tràn vào ẩn trú quanh khu bệnh viện Bình Long. Hơn 5,000 người chạy vô khu nhà thờ. Họ hy vọng Cộng quân không tấn công hai nơi này. Bởi họ nghĩ rằng nếu còn một chút lòng người, không một cấp chỉ huy nào có thể ra lệnh bắn vào “nhà thương”, “nhà thờ”. Cũng có người tìm đến những nơi có quân đội chính quy trú đóng những mong được bảo vệ, có nơi ẩn trú an toàn và được giúp đỡ y tế và lương thực. Từ lúc này, Dân và Quân cùng ăn, cùng ở và cùng chiến đấu sống chết bên nhau. Cũng vì vậy mà nhiều đơn vị đang gặp trở ngại thiếu lương thực, thuốc men nhưng vẫn phải chia xẻ với dân chúng.
Những Việt Cộng từ chiến xa T.54 nhảy ra định thoát thân bị Trung Ðoàn 8 Bộ Binh bắt có một đại đội phó chiến xa. Theo lời khai đương sự thì đơn vị này vừa mới thành lập tại Hà Nội và đưa ngay vào Nam. Cũng theo cung xuất tù binh cho biết qua học tập “hạ quyết tâm” thì Quân Ðoàn Cộng Sản Bắc Việt tiến vào Sài Gòn theo kế hoạch như sau:
Giai đoạn 1: Chiếm Lộc Ninh tịch thu chiến lợi phẩm của Chiến Ðoàn 9 và chi khu Lộc Ninh tái tiếp tế nhiên liệu và thực phẩm rồi đánh xuống An Lộc.
Giai đoạn 2: Chiếm An Lộc tịch thu chiến lợi phẩm của Sư Ðoàn 5 Bộ Binh và Tỉnh Bình Long tái tiếp tế rồi đánh tiếp xuống Bình Dương.
Giai đoạn 3: Chiếm Bình Dương cũng tái tiếp tế bằng chiến lợi phẩm như trên rồi hợp đồng tiến công vào Sài Gòn. Tù binh còn cho biết Quân Ủy đã lừa gạt họ rằng An Lộc đã đầu hàng, chiến xa tiến vào tiếp thu.
Lời khai này đã giải toả thắc mắc vì sao trong ba lô trên tử thi Việt Cộng để lại chiến trường có gạo sấy và lương khô của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Qua tin tức trên, Tướng Hưng nhận thấy nếu Cộng Sản Bắc Việt không chiếm được An Lộc thì chúng không có đủ khả năng tiếp vận đánh tới. Do đó để bảo vệ Thủ Ðô Sài Gòn, Ông tuyên bố tử thủ. Báo cáo về Quân Ðoàn 3 xin khẩn cấp tiếp tế súng chống chiến xa M.72 và y dược cứu thương, đồng thời Ông ra lệnh thành lập tổ chống chiến xa lưu động.
Chiến thắng ngày 13-04-72 về mặt quân sự thì không phải là to lớn, nhưng về mặt tinh thần thì rất là quan trọng, vì là lần dầu tiên quân ta chiến đấu với Việt Công có chiến xa, tinh thần binh sĩ rất giao động, cấp chỉ huy cũng rất lo âu. Nay diệt gọn chiến xa T.54 rất dễ dàng làm cho quân dân trong An Lộc rất lên tinh thần và không còn ấn tượng sợ chiến xa nữa. Kế đến là không quân Việt Mỹ bất chấp phòng không dầy đặc của địch lao vào oanh kích yểm trợ tiếp cận đữ dội gây cho địch tổn thất nặng nề. Một yếu tố khác rất quan trọng là hậu phương chính trị đoàn kết, họ ý thức “Ðất nước còn tất cả còn, đất nước mất mất tất cả”.Họ một lòng “Tất cả cho tiền tuyến chống giặc bảo vệ quê hương”. Ngoài chiến trận chiến sĩ tin tưởng hậu phương vững mạnh an tâm chiến đấu. Trong lúc đó đảng Cộng Sản ra lệnh phải chiếm An Lộc bằng mọi giá, cho nên họ tiếp tục pháo kích và tấn công liên tục trong những ngày kế tiếp.
IX. Lao Công Ðào Binh và Tổ Chống Chiến Xa
a. Lao Công Ðào Binh (LCÐB) Là quân nhân Việt Nam Cộng Hoà vắng mặt bất hợp pháp tại đơn vị quá 30 ngày bị báo cáo đào ngũ và tầm nã. Khi bị bắt, đương sự bị toà án quân sự kết tội nặng nhẹ tùy theo trường hợp và bị giam vào quân lao. Năm 1967, Bộ Quốc Phòng ra lệnh đưa những Lao Công Ðào Binh ra chiến trường cho các đơn vị chiến đấu sử dụng vào các công tác tạp dịch như khuân vác đạn, làm công sự chiến đấu, đào hầm trú ẩn, v.v… Theo lệnh Bộ Tổng Tham Mưu những đơn vị sử dụng Lao Công Ðào Binh phải trách nhiệm canh giữ không để cho Lao Công Ðào Binh có cơ hội trốn thoát. Ðơn vị nào để Lao Công Ðào Binh trốn nhiều sẽ bị khiển phạt. Do đó theo thường lệ thì đơn vị sử dụng cắt lính có võ trang canh giữ suốt thời gian họ lao động tại hiện trường. Ban đêm thì tập trung lại một nơi canh giữ nghiêm ngặt.
Thượng tuần tháng 04-72, Sư Ðoàn 5 Bộ Binh được Quân Ðoàn 3 phân phối 400 Lao Công Ðào Binh. Lãnh về đến Lai Khê trong lúc chiến cuộc đang bùng nổ, Trung Ðoàn 9 Bộ Binh đã bị Cộng Sản Bắc Việt tràn ngập tại Lộc Ninh, Trung Ðoàn 7 Bộ Binh thì đang bị vây tại An Lộc. Chỉ còn Trung Ðoàn 8 Bộ Binh ở Dầu Tiếng nên Phòng 1 Sư Ðoàn 5 Bộ Binh phân phối tất cả cho Trung Ðoàn 8 Bộ Binh.
Ngày 11 và 12-04-72 Trung Ðoàn 8 Bộ Binh trực thăng vận vào An Lộc tôi đem tất cả 400 Lao Công Ðào Binh này theo. Lúc An Lộc đang bị mưa pháo liên tục ngày đêm, không nơi nào được an toàn. Nếu tập trung Lao Công Ðào Binh canh giữ như trước đây thì bất ổn cho sinh mạng của họ. Xét về mặt tinh thần và ý thức hệ thì họ cũng là thành phần chống Cộng, nhưng vì lý do gì đó họ phải vắng mặt bất hợp pháp hay bỏ ngũ chứ không phải đào ngũ theo địch. Xét về mặt kinh nghiệm chiến trường và khả năng chiến đấu thì họ thiện chiến hơn tân binh nhiều.
Chiều ngày 13-04-72, trong lúc chiến tuyến phía Bắc đang bị Cộng Sản Bắc Việt tấn công mạnh, 4 khẩu súng cối 81 ly của Trung Ðoàn 8 Bộ Binh đang bắn yểm trợ, bất thình lình một quả pháo rơi gần làm một số xạ thủ súng cối chết và bị thương. Các Lao Công Ðào Binh đang tải đạn cho Ðại Ðội 8 Công Vụ tự động nhẩy tới thay thế nhiệm vụ những quân nhân bị loại khỏi vòng chiến tiếp tục bắn cho đến khi quân Cộng Sản Bắc Việt bị đẩy lui. Họ chiến đấu rất can đảm, hăng say và rất nhiều kinh nghiệm.
Ðêm 13-04-72 Cộng Sản Bắc Việt ngưng bộ chiến nhưng tăng gia pháo kích. Màn đêm vừa xuống, tiếng đạn rít gió, tiếng nổ kinh hồn ầm ĩ gần xa khắp nơi trong Thị Xã. Binh lính đều xuống hố cá nhân ẩn nấp, chỉ có Lao Công Ðào Binh thì đang bị tập trung canh giữ trong một căn phố trống, số mạng giao cho “Ông Trời”. Tôi đến thăm và hỏi ý kiến họ, nếu ai muốn tự nguyện ra tiểu đoàn để cùng các chiến binh chiến đấu thì tôi võ trang cho ra đơn vị, và xin phục hồi binh quyền. Tất cả mừng rỡ tự nguyện xin được cầm súng chiến đấu dù có hy sinh họ cũng vui lòng. Ðúng ra thì với chức vụ và quyền hạn của một Trung Ðoàn Trưởng, tôi không có quyền cho Lao Công Ðào Binh được phục hồi binh quyền trước khi có quyết định của Bộ Quốc Phòng. Nhưng trong tình thế Tổ Quốc Lâm Nguy, Tướng Hưng tuyên bố “Tử Thủ An Lộc”, tôi phải làm vậy vừa cứu họ thoát hiểm đồng thời có thêm quân số tham chiến. May thay sau đó hậu cứ Sư Ðoàn báo lên, Bộ Quốc Phòng đã có quyết định chấp thuận phục hồi binh quyền cho số Lao Công Ðào Binh nói trên. Nhờ có quyết định nhân đạo này mà gần 200 Lao Công Ðào Binh bị tử trận trong lúc chiến đấu, gia đình họ được lãnh tử tuất và vợ con họ được nhận là cô nhi tử sĩ.
b. Tổ Chống Chiến Xa. Khi có lệnh của Tướng Lê Văn Hưng thành lập “toán diệt tank”, tôi cho lệnh các tiểu đoàn chọn lựa quân nhân nhanh lẹ, can đảm làm trưởng toán, trang bị súng cá nhân và M.72, lưu động trong phạm vi khu vực của mình, đừng đi quá xa ngoài khu vực trách nhiệm của mình tránh ngộ nhận quân bạn, không có máy truyền tin nhưng mọi liên lạc nhận lệnh phải được bảo đảm. Tại khu vực trú đóng mỗi tiểu đoàn còn có dân chúng tá túc, trong số này cũng có Nhân Dân Tự Vệ, lính đồn rã ngũ và gia đình, v.v… họ tình nguyện đi theo tổ “diệt tank”.Họ biết rõ địa thế, nơi nào có ngõ hẻm, có chỗ ẩn nấp kín đáo, dắt toán diệt tank chạy luồn lách chặn đầu bắn hạ chiến xa địch. Vì trưởng toán thuộc đơn vị nào thì họ chỉ hoạt động trong khu vực đó nên mặc dù họ không mặc sắc phục đồng nhất, trang bị đủ loại súng M.16, M.72, có khi cả B.40 và B.41 tịch thu được của VC nhưng không bị quân bạn ngộ nhận. Trong suốt cuộc chiến, toán anh hùng vô danh này lập rất nhiều thành tích và họ cũng bị thiệt mạng rất nhiều. Tôi có lập một quyển sổ ghi công các người đã lập được chiến công để sau này dễ dàng cứu xét tưởng thưởng công bằng. Nhưng tội nghiệp thay tên của họ đã bị gạch đỏ gần hết vì sau đó họ đã tử trận!
Ngày 14-04-1972, địch không tấn công hợp đồng, dường như các đơn vị tham chiến bị tổn thất nặng đang lui quân chỉnh đốn lại hàng ngũ để mở một đợt tấn công khác. Nhưng pháo binh địch vẫn bắn liên tục suốt ngày vào bên trong thành phố. Tiếng súng vẫn nổ vang rền bên trong phân nửa phía Bắc Thị Xã An Lộc. Giao tranh giữa quân phòng thủ và đặc công địch vẫn tiếp diễn. An Lộc đang bị xiết chặt vòng vây, quân trú phòng bị bó cứng trong khu phố Thị Xã. 400 Lao Công Ðào Binh Trung Ðoàn 8 Bộ Binh được lệnh trang bị và bổ sung cho các tiểu đoàn để điền khuyết vào quân số tổn thất.
Buổi chiều ngày 14-04-1972, Không Quân Việt Nam và Hoa Kỳ thả dù tiếp tế cho An Lộc. Vì phòng không địch dầy đặc, 2 phi cơ C.123 Việt Nam và 3 phi cơ C.130 Hoa Kỳ đã bị hoả lực phòng không địch bắn hạ. Ðể tránh đạn phòng không, phi cơ phải bay cao, dù mở tự động, bị gió đàn nên hơn phân nửa số bành dù tiếp tế bị bay lọt ra ngoài (sau này rút kinh nghiệm, kỹ thuật thả dù tiếp tế được cải tiến hoàn chỉnh bằng lối phi cơ bay từ trên cao ngoài tầm pháo, thả dù “điều khiển”, cách này thì phi cơ được an toàn nhưng các bành dù bị lọt ra ngoài thì không tránh khỏi !). Theo tài liệu Mỹ, trong hai tháng 05 và 06/72, không quân Hoa Kỳ đã thả dù vào An Lộc một số lượng 3,100 tấn hàng tiếp tế gồm đạn dược, lương thực và dụng cụ cứu thương, nhưng rất tiếc hơn phân nửa số tiếp tế này bị rơi ra ngoài! Bọn Cộng Sản thật là tàn ác và vô nhân đạo. Mỗi lần có thả dù tiếp tế, dân chúng trong Thị Xã đổ xô chạy ra khỏi hầm ẩn núp lượm hàng tiếp tế bị pháo binh Cộng Sản Bắc Việt bắn tới tấp sát hại rất nhiều! Trong suốt thời gian cuộc chiến, Quân Dân An Lộc sống nhờ tiếp tế thả dù, và lần nào cũng có nhiều người chết và bị thương trong lúc đi thu nhặt dù!
Ngày 14-04-72, tại Lai Khê, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 mở một cuộc họp mật khẩn cấp với Trung Tướng Dư Quốc Ðống, Tư Lệnh Sư Ðoàn Dù và Ðại Tá Lê Quang Lưỡng, Lữ Ðoàn Trưởng Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù thảo luận kế hoạch đưa Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù và Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù vào An Lộc tăng viện.
Cũng vào thời điểm này, Sư Ðoàn 21 Bộ Binh do Thiếu Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi chỉ huy và Trung Ðoàn 15 Sư Ðoàn 9 Bộ Binh do Trung Tá Hồ Ngọc Cẩn chỉ huy từ miền Tây (Quân Khu IV) lên đến Lai Khê tăng cường cho QK III. Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Quân Khu III giao nhiệm vụ đánh thẳng theo Quốc Lộ 13 lên An Lộc giải vây cho lực lượng trú phòng đang bị bao vây. Do bởi đơn vị Bộ Binh hùng hậu này Tư Lệnh chiến trường Cộng Sản Bắc Việt phải điều toàn bộ CT 7 đang tham chiến trong kế hoạch tấn công vào An Lộc phải chuyển xuống phía Nam đóng chốt chặn SÐ 21 Bộ Binh. Kể từ lúc này, thêm một mặt trận đẫm máu diễn ra trên Quốc Lộ 13 giữa Chơn Thành và An Lộc.
Tấn công lần thứ 2
Ðêm 14 rạng 15-04-72, đại pháo 130 ly, hoả tiễn 122 ly và pháo đủ loại trút vào Thị Xã An Lộc suốt đêm. Sáng ngày 15-04-72, Cộng Sản Bắc Việt tập trung lực lượng chĩa mũi dùi tấn công mạnh vào mạn Bắc. Trước lực lượng địch quá đông, Trung Ðoàn 8 Bộ Bnh bị đẩy lui dần về cố thủ trong khu phố nhà gạch phía Bắc. Một số lớn chiến xa T.54 vượt được tuyến phía Bắc chạy vào thành phố. Lần này chiến xa địch cũng vướng phải lỗi lầm như trước là chạy quá nhanh làm bộ binh tùng thiết không theo được. Chiến xa chạy trong thành phố mà không có bộ binh bảo vệ nên bị các toán diệt tank chạy lòn lách trong các đường tắt, ngõ hẻm chặn đầu bắn hạ. Quân trú phòng tranh nhau đuổi bắn chiến xa, không phải chỉ bắn bằng súng M.72 mà còn bằng súng B.40 và B.41 tịch thu được của đối phương. Ðến 10 giờ sáng thì bộ binh địch đã đánh cận chiến với quân phòng thủ. Quân bạn nhờ chiến đấu cơ của không lực VIệt Nam và Hoa Kỳ can thiệp và yểm trợ đến 14 giờ chiều mới đẩy lui được đợt tấn công thứ hai của Cộng Sản Bắc Việt. Tổn thất chiến trận quân phòng thủ đã lên con số khá cao. Lợi dụng lúc địch ngưng tấn công, ta củng cố lại đội ngũ và săn sóc thương binh cũng như cứu giúp dân bị thương vong.
X. Quân Nhảy Dù vào An Lộc
Ngày 14-04-1972, Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù do Ðại Tá LÊ QUANG LƯỠNG chỉ huy, (sau này là Chuẩn Tướng Tư Lệnh Sư Ðoàn Nhảy Dù) và Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù do Trung Tá PHAN VĂN HUẤN chỉ huy được trực thăng vận xuống 4 cây số Ðông Nam An Lộc, Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù chiếm Ðồi Gió đặt 6 khẩu pháo binh Dù 105 ly làm căn cứ hoả lực yểm trợ cho An Lộc. Ðể Tiểu Ðoàn 6 Dù ở lại Ðồi Gió bảo vệ pháo binh. Ngày 15-04-72, Bộ Chỉ Huy Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù với 2 Tiểu Ðoàn 5, 8 và Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù tiến vào An Lộc bắt tay với lực lượng phòng thủ.
Tại An Lộc, sau 10 ngày bị bao vây, pháo kích và 2 đợt tấn công bộ chiến, An Lộc bị siết chặt trong vòng vây. Quân Dân An Lộc bị bó cứng trong mấy cây số vuông. Số lượng thương vong mỗi ngày một tăng, quân phòng thủ tổn thất khá nhiều, mệt mỏi và kiệt lực. Ðược tin quân tiếp viện Dù thiện chiến đã đến An Lộc, Quân Dân trong vòng vây rất lấy làm vui mừng, và tin tưởng họ không còn chiến đấu trong cô đơn và tuyệt vọng. Mấy ngày đầu Bộ Chỉ Huy Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù đóng tại trại Ðỗ Cao Trí chung với Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh, 2 Tiểu Ðoàn 5 và 8 đóng quân trong rừng cao su 1 km phía Nam Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Bình Long, vài ngày sau Bộ Chỉ Huy Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù di chuyển về đóng chung với Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Bình Long. Từ ngày có Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù vào, an ninh được nới rộng về hướng Nam An Lộc hơn 1 km, nhưng trực thăng vẫn chưa thể đáp tiếp tế và tản thương được vì phòng không và pháo binh địch từ xa đang chế ngự bầu trời và bãi đáp. Ngày nào cũng có trực thăng bị trúng đạn hay bị bắn rơi, nhưng không có chiếc nào có thể đáp được.
Tướng Lê Văn Hưng đưa Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù lên bắt tay với Trung Ðoàn 8 Bộ Binh tổ chức phòng thủ giữ mặt Bắc, nơi hiện đang là chính diện cuộc chiến, Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù là đơn vị rất ưu tú của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, được tuyển lựa và huấn luyện rất kỹ, thể lực tốt, tinh thần cao, kỷ luật, gan lỳ và chiến đấu rất giỏi. Việc phối hợp và yểm trợ giữa Trung Ðoàn 8 Bộ Binh và Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù rất dễ dàng và không chút gì trở ngại.
Trung Tá Huấn xuất thân khoá 10 Trường Võ Bị Ðà Lạt (Niên Trưởng), tôi tốt nghiệp khóa 12 (Niên Ðệ).Thiếu Tá Trung Ðoàn Phó của tôi và Liên Ðoàn Phó 81 Biệt Cách Dù cũng là bạn cùng khoá 17 Trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt. Chúng tôi hợp tác rất chặt chẽ, chiến đấu sát cánh bên nhau bảo vệ từng căn nhà, từng tấc đất trong tình Huynh Ðệ Chi Binh cùng một lý tưởng Quốc Gia chống Cộng, và theo truyền thống trường Mẹ “Anh ngã Em nâng, Em ngã Anh đỡ” và cùng một lời thề trước hồn thiêng sông núi khi mãn khóa:”Hy sinh vì dân tộc, trung thành với Tổ Quốc Việt Nam Cộng Hoà”.
Tại Bộ Chỉ Huy Trung Ðoàn 8, tôi thuyết trình tình hình và địa thế cho Liên Ðoàn Trưởng 81 Biệt Cách Dù và bàn giao nửa khu vực phòng thủ phía Bắc cho Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù. Trung Ðoàn 8 Bộ Binh rút quân từ lằn ranh Biệt Ðộng Quân ở phía Ðông về phía Tây Quốc Lộ 13 (đường Ngô Quyền). Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù đưa quân vào vị trí ngay buổi chiều hôm đó.
Tấn công lần thứ 3
Trung Ðoàn 8 Bộ Binh và Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù vừa thay quân vào vị trí xong thì trời bắt đầu tối. Ðêm 15-04-72. địch pháo suốt đêm trên 6,000 quả đủ loại khủng khiếp. Các khu phố trong Thị Xã đổ nát điêu tàn. Bệnh viện Dân Quân Tỉnh Bình Long bị tiêu huỷ một cách dã man. Bốn trăm bệnh nhân và thương binh đang nằm điều trị tại đây trúng đạn pháo kích chết tan xác hơn 200 người. Thường dân trú ẩn quanh khu vực nhà thương cũng bị chết hơn 300 người. Kể từ ngày này toàn Tỉnh không có cơ quan cứu thương để chăm sóc cho dân và thương binh. Tướng Hưng ra lệnh cho các đơn vị chính quy đóng ở khu vực nào thì phải chăm sóc cho đồng bào và thương binh khu đó. Chỉ tản thương về Ðại Ðội Quận Y Trung Ðoàn những người bị thương nặng. Trường hợp tử thương thì chết đâu chôn đó. Tại sân ga Hớn Quản ở phía Ðông Tỉnh, đồng bào sắc tộc (Thượng) sống rải rác ngoài rừng kéo nhau vào Tỉnh lẩn tránh Việt Cộng, ngồi chật sân ga, đêm đó bị pháo huỷ diệt chết rất nhiều. Tại phía Tây Tỉnh, dân chúng ẩn trốn trong nhà thờ KITOVUA khoảng hơn 5,000 người cũng bị pháo chết thê thảm. Không ai có thể hình dung được cảnh hỗn loạn thảm khốc khi nhiều ngàn người đạp lên nhau chạy thoát khỏi nhà thờ đang bị pháo kích, nhưng thoát khỏi khu nhà thờ cũng không tránh khỏi đạn pháo. Toàn Tỉnh đâu cũng bị pháo! Dân chết thê thảm không sao kể xiết! Có người chết không phải một lần mà thi thể bị trúng pháo nhiều lần. Chết không toàn thây, xác không còn nguyên vẹn. Thân nhân phải cố gắng đi tìm kiếm thu lượm ráp nối cho đầy đủ trước khi vùi sâu dưới lòng đất! Mục đích của Cộng Sản Bắc Việt là sát hại dân chúng thật nhiều gây cảnh hỗn loạn để dễ dàng tấn chiếm An Lộc. Tỉnh lỵ Bình Long sau này chỉ còn là đống gạch vụn hoang tàn, nhiều mồ hoang mả đất rải rác khắp nơi trong thành phố xen lẫn với xác chiến xa T.54 và PT.76 của Cộng Sản bị bắn cháy ngổn ngang trên đường phố.
Ðúng 7 giờ sáng ngày 17-04-72, khi đợt pháo kích ác liệt vừa dứt, địch đồng loạt tấn công 4 mặt với chiến xa và bộ binh hợp đồng nhị thức. Tại mặt Bắc, Trung Ðoàn 8 Bộ Binh và Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù phối hợp chặt chẽ chống trả mãnh liệt, yểm trợ nhau giữ từng căn phố. Chiến sĩ Biệt Cách Dù tác chiến trong thành phố rất giỏi, những đợt xung phong của Cộng Sản từ phía Bắc đều bị quân ta đẩy lui. Trận đánh quyết liệt kéo dài đến chiều tối và tiếp diễn luôn đến ngày hôm sau 18-04-72. Nhờ Không Quân yểm trợ liên tục và hữu hiệu, quân trú phòng cả 4 mặt đều giữ vững vị trí. Tổn thất thương vong đôi bên rất cao.
Khoảng 11 giờ trưa ngày 17-04-72, tôi (Ðại Tá Mạch Văn Trường, Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 8 Bộ Binh), bị thương nơi cổ bất tỉnh. Thiếu Tá Y Sĩ Trưởng Tiểu Ðoàn 5 Quân Y đích thân chăm sóc vết thương và trình với Tướng Hưng :”Vết thương nơi cổ rất nặng và rất nguy hiểm, phải chờ qua đêm nếu còn sống mới hy vọng thoát khỏi”.
Trong lúc đó trận đánh vẫn kéo dài đến suốt đêm 18-04-72. Mỗi lần địch xung phong đều bị chận đứng và tổn thất nặng. Mãi đến ngày 19-04-72, địch mới lui binh nhưng vẫn giữ mức pháo kích như thường ngày. Sau hai ngày bộ chiến, xác quân bạn, quân địch và thường dân đầy rẫy trên chiến trường, và khắp nơi trong thành phố. Mùa hè oi bức, mùi tử khí từ xác chết xông lên nồng nặc. Ruồi lằn kinh khủng, quân dân trong An Lộc phải trải qua nhiều ngày rất khó thở, phải chờ đến lúc pháo binh địch bắn thưa thớt mới có cơ hội gom tử thi đồng đội, xác chết dân chúng và cả xác Việt Cộng đem chôn. Tại khu nhà thương và một vài nơi khác phải dùng xe ủi đất đào hố thật sâu, rộng lớn để chôn tập thể. Xác chết tại khu nhà thương nhiều đến nỗi phải gom chôn tập thể suốt hai ngày mới xong!
Ngày 19-04-72. lợi dụng lúc Cộng Sản Bắc Việt ngưng tấn công, Quân Ðoàn 3 cho tiếp tế. Hàng rào phòng không dầy đặc, trực thăng không thể vào đuợc. Phi cơ C.130 bay thật cao thả dù điều khiển. Phần lớn các kiện hàng thả xuống bay tạt ra ngoài! Bành dù nào rơi được vào trong Thị Xã thì Tướng Hưng ra lệnh cho phép đơn vị ở gần đó thu lượm chia nhau sử dụng, nhưng phải báo cáo rõ số lượng thu được. Chiến sĩ và đồng bào kẹt trong vòng vây nhiều ngày thiếu lương thực.. Quân Dân phải chia sẻ tất cả những gì có thể ăn được để mà sống. Ba bịch gạo xấy phần ăn một ngày của quân nhân phải chia làm nhiều phần ăn để đồng bào và quân đội cùng nhau sống cầm hơi chờ … “pháo ?”! Bởi vậy, mỗi lần có tiếp tế thả dù, quân và dân chạy túa ra khỏi nơi ẩn nấp lượm bành dù bất kể trận mưa pháo của CS. Lần nào quân dân An Lộc cũng có người chết vì đạn pháo trong lúc đi lượm dù.
Ở An Lộc con người chết đủ cách. Có lúc đói quá, dân biết đường dắt lính ra ao làng hái rau muống, cái gì ăn được đều hái đem về ăn. Nhiều người đã chết khi đi hái rau. Người ta hái rau muống từ những ao đầy xác người. Xác chết của họ rữa nát làm phân bón cho rau đâm chồi sanh tươi nuôi sống những người còn sống. Cũng có nhiều người chết khi đi múc nước ở giếng hay ao đem về cho đồng bào và đồng đội. Nếu đây là một đoàn quân không chiến đấu vì chính nghĩa, vì bảo vệ đồng bào, vì Tổ Quốc dân tộc và nếu không có một sự nhiệm mầu nào đó hỗ trợ, chắc chắn họ sẽ không đủ nghị lực chịu đựng suốt 90 ngày tử thủ.
Tấn công lần thứ 4
Khởi đầu cuộc chiến, Quân Ủy Cộng Sản giao cho Công Trường 5 và Sư Ðoàn Bình Long nhiệm vụ chiếm An Lộc trước ngày 20-04-72. Nhưng sau 3 đợt tấn công, An Lộc vẫn còn đứng vững nên Công Trường 9 được điều vào tham chiến cùng Công Trường 5 và Công Trường Bình Long tiếp tục tấn công An Lộc.
Ðêm 20-04-72, Cộng Sản Bắc Việt tập trung pháo san bằng căn cứ hoả lực 6 khẩu pháo 105 ly Dù, dùng bộ binh và chiến xa cường tập tràn ngập Tiểu Ðoàn 6 Dù đang bảo vệ Căn Cứ Hoả Lực tại Ðồi Gió.
Nửa đêm về sáng ngày 21-04-72, Cộng quân pháo kích hơn 2,000 trái đạn đủ loại vào An Lộc rồi 4 mặt tấn công vào Thị Xã.
– Khoảng 4 giờ sáng ngày 21-04-72, mặt phía Ðông và phía Ðông Nam của Biệt Ðộng Quân bị 2 mũi tấn công.
– 8 giờ 30 sáng, mặt phía Bắc bị bộ binh và chiến xa Cộng Sản Bắc Việt tấn công mạnh, cuộc giao tranh giữa Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù, Trung Ðoàn 8 Bộ Binh với quân chính quy Bắc Việt diễn ra với mức độ ác liệt, tấn tới, đẩy lui tạo thành một mảng da beo trong lòng nửa phía Bắc An Lộc. Ðịch dùng đạn lân tinh bắn vào khu phố gây nên những đám cháy lớn, buộc quân trú phòng tránh lửa phải lui dần về khu chợ bám trụ vào khu phố lầu xây bằng gạch.
– 13 giờ chiều, mặt phía Tây của Trung Ðoàn 7 Bộ Binh bắt đầu bị bộ binh địch và chiến xa tấn công. Nhờ Không Quân yểm trợ tích cực, Trung Ðoàn 7 Bộ Binh đã chận đứng được các đợt xung phong của địch và bắn hạ khoảng 10 chiếc T.54. Tuy nhiên Trung Ðoàn 7 Bộ Binh tổn thất khoảng 100 thương vong trong đó có một Ðại Úy Tiểu Ðoàn Trưởng tử thương.
Không hiểu vì kế hoạch điều quân chủ quan của cấp chỉ huy Cộng Sản hay vì các cánh quân họ gặp trở ngại bởi Không Quân oanh kích mà các mặt tấn công không đồng loạt nên quân phòng thủ có cơ hội yểm trợ cho nhau và Sư Ðoàn dồn Không Quân tập trung hoả lực yểm trợ cho mỗi mặt chận đứng được các đợt xung phong của địch. Tuy không tràn ngập được mục tiêu nhưng Cộng quân vẫn bám giữ các phần đất và khu phố đã chiếm được. Hàng ngày quân Cộng Sản Bắc Việt và lực lượng phòng thủ vẫn tiếp tục giao chiến, không bên nào lấn thêm được đối phương. Hàng ngàn xác chết của cả bạn lẫn địch, và của thường dân, người lớn, trẻ em, nằm la liệt trong thành phố. Cũng trong đêm 20 và trọn ngày 21-04-72 có tất cả 17 phi vụ B.52 rải thảm quanh Ðồi Gió và đội hình địch quanh An Lộc.
Tuy không tràn ngập được mục tiêu, nhưng Cộng quân vẫn bám giữ các phần đất trong khu phố đã chiếm được. Cuộc giao tranh giữa quân phòng thủ và đặc công Cộng Sản vẫn tiếp tục cả ngày lẫn đêm khiến quân trú phòng rất mệt mỏi.
Ðêm 22 rạng 23-04-72, Cộng Sản Bắc Việt tung thêm hai cánh quân đánh vào phía Nam An Lộc nhưng bị Tiểu Ðoàn 8 và 5 Dù trú đóng trong rừng cao su phía Nam tiểu khu đánh tan. Quân Nhảy Dù thiện chiến có trang bị súng chống chiến xa XM.202 có thể bắn liên tiếp 4 phát nên đã hạ được các chiến xa dễ dàng và nhanh chóng. Không những thế Tiểu Ðoàn 8 Dù còn gọi phi cơ C.130 gắn đại bác 105 ly bắn theo hướng dẫn Radar hạ luôn đoàn chiến xa địch đang hướng về Trung Ðoàn 15 Bộ Binh vùng 6 cây số Nam An Lộc (Xa Cam).
Sau đợt tấn công thứ tư thất bại, Cộng quân chỉ còn pháo kích vào thành phố sát hại Quân Dân trong Thị Xã với mức độ hàng ngàn trái mỗi ngày.
Tấn công lần thứ 5
Theo chỉ thị của Trung Ương Ðảng Cộng Sản Hà Nội, phải chiếm cho bằng được An Lộc lập công mừng ngày lễ Lao Ðộng 01-05. Tư Lệnh mặt trận Việt Cộng mở một đợt tấn công mới theo chiến thuật “VU HỒI”. Nghĩa là đại quân đi bọc phía sau đánh ngược lên, trong lúc ấy 3 mặt Ðông, Tây và Bắc cũng thi đua lập công dâng Ðảng, đồng loạt tấn công.
Ðêm 30-04-72 rạng 01-05, một đại đơn vị bộ binh có chiến xa trợ chiến di chuyển trong rừng cao su từ phía Nam tiến lên An Lộc. Ðiều động (Maneuver) chiến xa trong rừng cao su ban đêm rất bất lợi. Khó di chuyển, hạn chế tầm quan sát, không khai thác được ưu thế hoả lực hùng hậu của chiến xa, không thể xoay trở triển khai đội hình tác chiến khi lâm trận. Không hiểu cấp chỉ huy Việt Cộng vì chủ quan hay vì binh chủng thiết giáp của họ mới thành lập, các Thủ Trưởng binh đoàn chưa biết nguyên tắc sử dụng chiến xa nên họ mới làm vậy? Ðưa đoàn chiến xa vào tử địa bị Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù, đạo quân thiện chiến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà phục binh trong rừng cao su đánh tan trước khi trời sáng. Binh sĩ Nhảy Dù nhảy lên Chiến Xa ném lựu đạn vào tháp pháo, tiêu diệt nhiều chíến xa T.54 và PT.76.
Trong lúc phía Nam Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù đang giao chiến với địch trong rừng cao su thì ở phía Bắc, Ðông và Tây Thị Xã An Lộc lực lượng trú phòng cũng bị pháo binh và hoả tiễn 122 ly của địch bắn áp đảo đè ép trong các công sự. Khoảng 7 giờ sáng tiếng súng bộ binh nổ vang rền cả 3 mặt Bắc, Ðông và Tây. Biệt Ðộng Quân, Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù, Trung Ðoàn 8 Bộ Binh, Trung Ðoàn 7 Bộ Binh đang bị Cộng Sản Bắc Việt đồng loạt tấn công. Cuộc chiến ác liệt diễn ra suốt buổi sáng ngày 01-05-1972. Ðôi bên tiến lới đẩy lui, giành nhau từng dẫy phố, từng căn nhà, từng hố chiến đấu, quân trú phòng quyết tử thủ giữ vững An Lộc.
Khoảng 11 giờ trưa, các cuộc xung phong lấn chiếm của địch đã bị đẩy lui. Chiến trường tạm yên được hơn nửa giờ. Lợi dụng tình hình địch ngưng tấn công, quân trú phòng di tản thươntg binh về phía sau cấp cứu, gom xác chết đồng đội và nạn nhân chiến cuộc lại để lo chôn cất. Nhưng chưa kịp đào lỗ chôn thì các tiểu đoàn nơi chiến tuyến báo cáo địch đang tập trung một lực lượng rất đông tại ven rừng cao su cách vòng đai Tỉnh 2 km. Các Trung Ðoàn Trưởng liền xin Sư Ðoàn khẩn cấp cho khu trục cơ đánh bom ngăn chận. Tướng Hưng cho biết có 6 phi tuần A.37 (18 sorties) đang trên đường tới An Lộc, hãy liên lạc với phi cơ quan sát chỉ điểm cho Khu Trục Cơ oanh kích. Tôi đứng trên sân thượng lầu 3 nhìn thấy phi cơ dội bom rất chính xác nhưng địch quá đông, 6 phi tuần không đủ huỷ diệt tất cả! Tôi báo cáo lên Tướng Hưng: “Có thể nó đang giàn quân định đánh biển người, Thiếu Tướng xin thêm nhiều phi tuần trang bị bom Napalm (bom lửa) mới có thể chận được”. Mười phút sau Tướng Hưng hỏi muốn oanh kích ở điểm nào? Trung Ðoàn 7 Bộ Binh cho toạ độ phía Tây cổng Phú Lố, Trung Ðoàn 8 Bộ Binh cho toạ độ ngọn đồi 100 phía Tây Bắc, Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù cho toạ độ phía Bắc sân bay An Lộc. Tướng Hưng bình tĩnh nói :”Ðược rồi để tôi lo, bảo lính xuống hầm ẩn núp, đừng hốt hoảng, sẽ có không yểm đầy đủ cho các anh.”
Trận đánh An Lộc lần đầu tiên chiến đấu với địch có chiến xa, cấp chỉ huy rất lo âu, binh sĩ rất sợ hãi! Nhờ ngày 13-04-72 trận đấu diệt được chiến xa dễ dàng, liên tiếp những ngày sau đó diệt thêm được nhiều chiến xa, nỗi lo âu sợ hãi về chiến xa địch vừa dứt thì bây giờ địch dùng chiến thuật biển người, sự lo âu của các cấp chỉ huy lại hiện rõ trên nét mặt, mặc dù bề ngoài từ trên xuống dưới miệng họ đều nói với thuộc cấp “hãy bình tĩnh”.
Tại Trung Ðoàn 8 Bộ Binh, hai vị tiểu đoàn trưởng trên chiến tuyến điện thoại về Trung Ðoàn báo cáo chúng nó bắt đầu tiến về phía ta, súng cối 81 không đủ sức ngăn chận. Họ thúc dục xin gấp phi tuần thả bom lửa. Trên sân thượng từng lầu 3, tôi quan sát thấy đúng vậy liền điện thoại lên Sư Ðoàn thúc dục xin Khu Trục Cơ gấp, Tướng Hưng bảo đừng hốt hoảng làm binh sĩ mất tinh thần, Không Quân trên đường đến, hãy bảo tất cả xuống hố chiến đấu ẩn núp. Nhìn thấy địch đông nghẹt đang tiến vào, hồi hộp, lo sợ vũ khí bộ binh không ngăn cản nổi. Bỗng nhiên bầu trời không còn nghe tiếng động của phi cơ, chiếc phi cơ quan sát hướng dẫn Khu Trục Cơ oanh kích cũng không có trên vùng. Hiện tượng này chỉ xảy ra khi nào có B.52 sắp sửa thả bom thì an ninh không lưu mới đuổi tất cả phi cơ ra khỏi vùng để tránh tai nạn. Căn cứ B.52 ở đảo Guam và Thái Lan. Phi cơ B.52 là Không Quân Chiến Lược, thủ tục sử dụng B.52 phải xin trước ít nhất một ngày. Dù có chuyển từ mục tiêu tiên liệu sang mục tiêu khẩn cấp cũng phải mất trên 1 tiếng đồng hồ. Không ai có thể tin B.52 can thiệp nhanh trong vòng nửa giờ có được. Giữa lúc đang hồi hộp lo sợ nhìn địch từ từ tiến lại thì thình lình những tiếng rít gió kinh hồn của những quả bom to lớn từ trên độ cao hơn 10 km rơi xuống, rồi tiếp đó tiếng nổ dây chuyền của những quả bom chạm đất làm rung chuyển cả thành phố. Ba boxes B.52 đánh ở 3 toạ độ mà Trung Ðoàn 7, Trung Ðoàn 8 và Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù vừa xin. Mỗi Box B.52 có sức tàn phá 1 km bề ngang và 3 km bề dài. Theo nguyên tắc lề an toàn phải cách quân bạn trên 2 km. Nhưng 3 boxes này chỉ đánh cách quân trú phòng 1 km nên có người bị chảy máu lỗ tai, chảy máu mũi.
Tướng Hưng điện thoại bảo tôi quan sát báo cáo kết quả. Bụi đất đỏ bay mịt cả một vùng trời, phải chờ một lúc lâu bụi tan tôi thấy hướng địch vừa tiến quân chẳng còn ai. Có lẽ họ đã tan thành tro bụi?? Tôi thắc mắc làm sao mà có B.52 đến thả bom nhanh như vậy? Sau này khi Sư Ðoàn 5 Bộ Binh trở về Lai Khê, trong tiệc liên hoan mừng chiến thắng tôi hỏi Tướng Hưng thì Ông cười phà nói :”Trời cứu”. Rồi Ông giải thích :” Ba phi tuần B.52 đó là của Quân Khu II xin, dự trù đánh vào các mục tiêu tại Tây Nguyên, phi cơ cất cánh từ đảo Guam, khi gần tới bờ biển Việt Nam thì Quân Khu II xin cancel. Bộ Tư Lệnh MACV hỏi Quân Khu III có mục tiêu nào tốt sẽ chuyển cho. May thay trong lúc An Lộc đang xin thêm nhiều phi tuần khu trục thì Cố Vấn Mỹ bước vào báo tin này vào yêu cầu cho gấp toạ độ. Trung Tướng Nguyễn Văn Minh Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 tham khảo ý kiến với Tướng Hưng và xin đánh 3 boxes cho An Lộc theo toạ độ quân phòng thủ vừa xin.
Sóng gió đã qua, sau đợt tấn công thất bại tổn thất nặng nề này, địch lui quân nhưng vẫn duy trì tình trạng pháo kích ngày đêm vào An Lộc. Quân trú phòng gom tử thi đồng đội và dân chúng chôn cất, đồng thời cũng thu lượm tất cả xác vô thừa nhận và cả xác chết Việt Cộng bỏ lại chiến trường chôn tập thể. Qua hôm sau Quân Ðoàn 3 thả dù tiếp tế nhiều ngày. Cũng như bao lần trước, khoảng phân nửa số dù rơi lọt vào trong, và lần nào cũng có người chết và bị thương vì đạn pháo kích của Cộng Sản Bắc Việt.
Tấn công lần thứ 6
Ngay khi địch ngưng tấn công, việc đầu tiên Trung Ðoàn 8 cần giải quyết gấp là di tản thương binh và thường dân bị thương nặng về Bộ Chỉ Huy Trung Ðoàn để Bác Sĩ Quân Y Trung Ðoàn chăm sóc. Kế đó là gom tất cả xác chết đồng đội, thường dân và cả xác Việt Cộng bỏ lại chiến trường chôn để tránh mùi hôi thúi do xác chết xông lên. Kiểm tra tình trạng quân số và thương binh thì từ ngày 13-04-72 bắt đầu cuộc chiến đến nay, tổn thất thương vong các tiểu đoàn gần phần nửa. Số người tử thương thì đã giải quyết chôn tại chỗ. Số bị thương thì tồn đọng rất nhiều vì ngày nào cũng có nhiều thương binh nhưng không tản thương được. Vì thế, quân y tạm thời giải quyết như sau: số người bị thương nhẹ còn đi đứng được thì sau khi băng bó xong cho trở về đơn vị, địch vào cầm súng bắn nữa. Do đó có người bị thương 2 hoặc 3 lần hoặc nhiều lần. Có người lần trước bị thương nhẹ, lần sau bị thương nặng. Cũng có những thương binh nhẹ sau đó lại tử thương ! Còn những thương binh nặng để nằm đó chờ tản thương sống thoi thóp rồi có người mòn mỏi chềt dần. Ðại Ðội 52 Quân Y báo cáo khu vực Trung Ðoàn 8 có cả ngàn quân nhân và thường dân bị thương nặng chờ tản thương nằm chật cả một dẫy phố Ðại Lộ Hoàng Hôn. Những người còn lành mạnh thì rất mệt mỏi và gầy ốm vì phải chiến đấu hết ngày này sang ngày khác, không thì giờ nghỉ ngơi, thiếu ngủ, thiếu ăn, tinh thần lúc nào cũng căng thẳng, sinh mạng không biết sẽ chết lúc nào. Lại nữa mùi hôi thối từ xác chết rất khó thở, ruồi lằn sinh sản nhanh kinh khủng! Nước không đủ uống, lấy đâu mà tắm giặt, dơ bẩn, khó chịu, nhưng họ cũng phải ráng chịu, phấn đấu sống để mà chiến đấu, để bảo vệ quê hương và dân tộc không lọt vào tay Cộng Sản.
Ngày 10-05-1972, tại Thủ Ðô Sài Gòn, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố “Tổ Quốc lâm nguy”. Cũng chính vào lúc này tin tình báo cho biết Chính Trị Bộ Cộng Sản Bắc Việt hạ lệnh dứt điểm An Lộc, bắt sống Tướng Lê Văn Hưng lập công mừng ngày sinh nhật Hồ Chí Minh 19 tháng 05. Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 phối hợp với cố vấn Mỹ lập kế hoạch dự trù xin không quân chiến thuật và pháo đài bay B.52 sẵn sàng yểm trợ cho chiến trường An Lộc.
Về phía Cộng Sản Bắc Việt, sau khi chấn chỉnh hàng ngũ, bổ sung quân số và tái tiếp tế, Công Truờng 5, Công Trường 9 và Sư Ðoàn Bình Long dốc toàn lực tấn công đánh ép 4 mặt. 1 giờ sáng ngày 11-05-72, Cộng quân bắt đầu một trận “pháo tập” vào An Lộc trên 8,000 quả đủ loại, một trận mưa pháo mà báo chí thế giới mô tả là khốc liệt nhất trong chiến tranh Ðông Dương.
5 giờ sáng địch chuyển pháo vào trung tâm Thị Xã, tiếp đó 3 mũi dùi có chiến xa từ hướng chính Bắc, Ðông và Tây Bắc đánh ập vào nửa Thị Xã phía trên, cuộc giao tranh càng lúc càng đẫm máu kéo dài đến 8 giờ sáng. Trung Ðoàn 8 và Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù bị uy hiếp nặng nhất nhưng 2 đơn vị này chiến đấu rất anh dũng, bám cao ốc giữ vững trận địa. Phía Ðông, Biệt Ðộng Quân cũng bị tấn công mạnh nhưng cũng đẩy lui được các đợt xung phong của địch.
Một cánh quân khác có chiến xa đánh từ phía Tây Nam lên bị Tiểu Đoàn 8 Dù và Tiểu Ðoàn 5 Dù bổ quân di động trong rừng cao su phía Nam của Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Bình Long đánh tan rã tháo lui.
Cánh quân phía Tây địch huy động một lực lượng hùng hậu có chiến xa hợp đồng chọc thủng phòng tuyến Trung Ðoàn 7. Một tiểu đoàn của Trung Ðoàn 7 tại cổng Phú Lố bị tràn ngập phải lui dần vào sát Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh. Ðến sáng ngày 11 tháng 05-72, đường giây điện thoại bị pháo đứt trong đêm đã nối lại được, Tướng Huưng điện thoại nói chuyện với tôi.
Tướng Hưng hỏi : – Tình hình phía Bắc ra sao ?
Tôi trả lời : – Trình Thiếu Tướng cũng bị tấn công mạnh lắm. Trung Ðoàn 8 và Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù bám cao ốc cố thủ chận được. Hiện giờ Việt Cộng đang bám sát đối diện chúng tôi cách một con lộ khu phố, nhưng chúng không thể tiến thêm. Tiếng súng khắp nơi nổ nhiều quá, tình hình các mặt khác ra sao ?
Tướng Hưng nói : – Cả 4 mặt đều bị VC đồng loạt tấn công. Phía Nam nhờ có Lữ Ðoàn 1 Dù chận đánh ngoài vòng đai, bọn chúng đã rút lui, tình hình ổn định. Phía Ðông Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân cũng bị tấn công mạnh và bám sát như phía Bắc các anh. Biệt Ðộng Quân cũng giữ vững vị trí. Riêng mặt phía Tây thì bị tấn công nặng nhất. Sư Ðoàn có yêu cầu pháo binh 155 ly tại Tống Lê Chân bắn yểm trợ suốt đêm nhưng cũng bị tràn ngập. Hiện giờ thì chiến xa địch đã vào tới cổng Phú Lố, một tiểu đoàn của Trung Ðoàn 7 vỡ tuyến phòng thủ đã lui vào sát Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn. B.40 địch đã bắn tới thành Ðỗ Cao Trí (Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh). Biệt Ðội Ðiện Tử kiểm thính nghe địch cho lệnh “đánh thẳng vào sư bộ, bắt sống sư trưởng”. Ðại Tá Lưỡng đang cho 1 tiểu đoàn Dù lên tiếp ứng. Nếu địch tràn ngập Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 trước khi tiểu đoàn Dù tới thì tôi sẽ tự sát chớ không để cho địch bắt. Vậy khi tôi chết rồi thì anh dắt Trung Ðoàn 8 đi theo Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù rút về Chơn Thành.
Tôi nói : – Còn nước còn tát. Tôi sẽ cho Ðại Ðội 8 Trinh Sát về ngay tăng cường phòng thủ Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn chờ Dù tới.
Nhờ Tiểu Ðoàn Dù ở phía Nam lên, một Tiểu Ðoàn Biệt Ðộng Quân ở phía Ðông sang và quân của Trung Ðoàn 8 từ phía Bắc kéo về chận đứng được mũi tấn công phía Tây của Cộng Sản Bắc Việt, và khi không quân lên vùng oanh kích yểm trợ ta phản công đẩy lui địch ra khỏi công Phú Lố, Việt Cộng để lại 10 chiến xa trúng bom hư hỏng, nhiều xác chết và hàng trăm vũ khí đủ loại.
Trong ngày 11-05-72 theo dự trù xin trước, Quân Ðoàn 3 được cấp 297 phi xuất khu trục cơ và 17 phi tuần B.52 đánh vào các mục tiêu quanh An Lộc. Nhờ có không quân Việt Mỹ yểm trợ liên tục và dồi dào, quân phòng thủ hướng dẫn không quân đánh bom chính xác, các mũi tấn công Cộng Sản Bắc Việt phải khựng lại và rút lui. Một số quân Cộng Sản Bắc Việt đã xâm nhập được vào thành phố chia thành nhiều tổ chiến đấu nhỏ bám sát các căn phố chúng đã chiếm được, bắn tỉa vào phía quân ta gây cảnh hỗn loạn và bất an trong thành phố!
Suốt ngày 12-05-72, dưới sự yểm trợ tiếp cận của trực thăng võ trang Cobra và khu trực cơ, quân trú phòng cố sức phản công chiếm lại từng căn nhà. Chiến sĩ Biệt Cách Dù chiến đấu trong thành phố rất giỏi, rất kinh nhgiệm. Lần lượt mặt phía Bắc các dãy nhà gạch bị địch chiếm đã được Trung Ðoàn 8 và Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù tái chiếm. Mãi cho đến chiều tiếng súng giao tranh mới tạm ngừng. Nhưng pháo binh địch vẫn còn tiếp tục bắn vào thành phố. Sáng ngày 13-05-72, lợi dụng lúc trời mưa như trút, Cộng Sản Bắc Việt lại cố gắng tấn công một lần nữa. Nhưng lần này họ hoàn toàn thất bại nhanh chóng và tháo chạy khi thời tiết tốt không quân lên vùng.
Trong 3 ngày giao chiến có đến 600 xác chết của quân ta, dân chúng và cả tử thi Việt Cộng nằm ngổn ngang trên đường phố, mùi tử khí xông lên nồng nặc.Vừa dứt giao chiến, binh sĩ trú phòng không kịp nghỉ ngơi, phải giành thì giờ ưu tiên chôn bạn đồng đội, đánh dấu mộ bia để sau này thân nhân dễ tìm ra. Kế đó phải gom tất cả xác Việt Cộng chôn để tránh hôi thối.
Ðáng phục nhất là Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù mặc dù đang giao chiến, nhưng xác chết đồng đội họ vẫn tập trung về khu chợ Bình Long lập một nghĩa trang chôn cất ngay hàng thẳng lối, có mộ bia và tượng đài tử sĩ. Một cô giáo Bình Long chứng kiến cảnh chiến đấu anh dũng và sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ Biệt Cách Dù đã xúc động viết tặng Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù 2 câu thơ:
An Lộc Ðịa sử ghi chiến tích
Biệt Cách Dù vị Quốc vong thân
Trung Tá Phan Văn Huấn, Liên Ðoàn Trưởng Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù, đã cho khắc 2 câu thơ này trên đài tử sĩ nghĩa trang Biệt Cách Dù tại chợ Bình Long. Nghĩa Trang Biệt Cách Dù và 2 câu thơ này đã trở thành câu chuyện lịch sử khi nhắc đến Biệt Cách Dù và Bình Long Anh Dũng.
Nghiã trang Biệt Cách Dù bên hông chợ nhỏ An Lộc. Thời gian này, Liên đoàn 81 Biệt cách dù đã rời An Lộc nhưng trước khi đi họ đã xây dựng khu nghĩa trang tươm tất hơn, có đài tưởng niệm khắc hai câu thơ huyền thoại:
“An Lộc địa sử ghi chiến tích - Biệt Cách Dù vị quốc vong thân.”
Sau quyết định dồn toàn lực tấn công dứt điểm An Lộc thất bại, quân Cộng Sản Bắc Việt rút dần ra xa. Nhưng đối với quân trú phòng mối đe dọa vẫn còn, cái chết vẫn chờ chực bất cứ lúc nào bởi pháo tầm xa của địch vẫn còn bắn vào Thị Xã. Hàng ngàn thương binh mòn mỏi đợi chờ tản thương nhưng vì bãi đáp nào cũng là mục tiêu có hoả tập sẵn của pháo binh địch. Vừa thấy trực thăng thấp thoáng đằng xa thì phòng không và pháo binh địch đã nổ rền chế ngự không phận và bãi đáp. Tình hình đến bây giờ đôi bên đều kiệt lực, biết bao nhiêu thảm cảnh xãy ra cho bên này cũng như bên kia chiến tuyến.
Phía Cộng Sản Bắc Việt, sau bao lần cố gắng tấn công đều bị thất bại tổn thất nặng nề. Qua nhiều đợt thí quân liều lĩnh bị đẩy lui, quân lính chết và bị thương rất nhiều, B.52 và khu trục cơ oanh tạc phá huỷ cơ sở hậu cần, kho tiếp liệu, chỉ huy sở, vị trí pháo và đội hình các binh đoàn. Trên 50 chiến xa đã bị bắn cháy, bao nhiêu khó khăn dồn dập trong khi hậu phương miền Bắc quá xa không giải quyết kịp. Một tài liệu của Cục R báo cáo về Trung Ương Ðảng CS Hà Nội do Phòng 6 bắt được, bản báo cáo này nêu rõ tổn thất nhân mạng quá nhiều, mội tiểu đoàn hiện còn độ 90 người so với lúc ban đầu là 350, tinh thần cán binh quá suy sụp. Sư Ðoàn Bình Long quá sợ Không Quân ném bom, tinh thần chiến đấu suy yếu. Trung Ương Ðảng yêu cầu cố gắng kéo dài cuộc chiến thêm 3 tháng để đem lại lợi thế cho Cộng Sản Bắc Việt trong giải pháp chính trị, nhưng họ hoàn toàn không còn khả năng làm được.
Về phía ta thì lương thực tiếp tế thả dù lọt được vào bên trong không được phần nửa, cơm sấy chỉ đủ ăn cầm hơi, lại còn phải chia sẻ cho đồng bào đang đói. Mấy tháng trời ăn ngủ dưới hầm, bao nhiêu ngày không được tắm rửa, quần áo dơ bẩn, da thịt ngứa ngáy, giấc ngủ chập chờn mất ngủ. Xác chết ngổn ngang, mùi tử khí hôi thúi, ruồi lằn kinh khủng, thương binh rên la oằn oại trước mắt, v.v… Nếu không phải là một quân đội có kỷ luật, một cuộc chiến có chính nghĩa và một tinh thần hy sinh cao cả cho lý tưởng Quốc Gia chống cộng thì chắc chắn con người không ai có đủ nghị lực chịu đựng nổi cuộc sống căng thẳng mấy tháng liền như vậy.
XI. Phục Thù Ðồi Gió
Theo nguồn tin do Nha Kỹ Thuật bắt được từ mật điện Việt Cộng, Cục R cho lệnh các bộ phận tham chiến An Lộc rút ra bổ sung, bồi dưỡng và cử hành lễ mừng sinh nhật Hồ Chí Minh trước 3 ngày, khích động tinh thần cán binh lần chót để rồi cố gắng đánh một trận nữa quyết chiếm thị trấn này đúng ngày 19-05. Một toán Biệt Kích được thả vào vùng có ghi nhận có nhiều tín hiệu điện đài. Phát hiện ra địa điểm, toán Biệt Kích báo cáo toạ độ về Bộ Chỉ Huy Hành Quân. Ðúng ngày N Việt Cộng định cử hành lễ, 6 phi tuần B.52 thả bom xuống vùng này. Nguồn tin tình báo xác nhận hơn 60% nhân mạng bị chôn vùi trong hố bom. Sau trận không tập này, Cộng Sản Bắc Việt không còn khả năng đánh vào An Lộc vào ngày 19-05 như đã dự định.
Nóng lòng giải toả An Lộc, di tản thương binh, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Quân Ðoàn 3, quyết định tập trung hoả lực không quân chiến thuật oanh tạc dọn đường dọc theo Quốc Lộ 13 yểm trợ cho bộ binh tiến vào An Lộc. Ðồng thời sử dụng không quân chiến lược B.52 dội bom quanh An Lộc đánh phá hậu cần, tiếp vận và vị trí pháo binh của địch. Một số phi vụ B.52 đánh trúng các kho tiếp vận, đạn dược ở phía Bắc An Lộc vừa từ biên giới chuyển tới gây ra nhiều tiếng nổ phụ.
Trong những ngày đầu tháng 06-72, Sư Ðoàn 21 Bộ Binh và các lực lượng tăng phái tích cực tiến quân giải toả Quốc Lộ 13. Hai Trung Ðoàn 33 Sư Ðoàn 21 Bộ Binh, Trung Ðoàn 15 Sư Ðoàn 9 Bộ Binh cùng Tiểu Ðoàn 6 Dù song song tiến lên Xa Trạch. (Ngày 21-04-72 Tiểu Ðoàn 6 Dù bị đánh bật khỏi Ðồi Gió, gom quân về Lai Khê được tái bổ sung, trang bị và huấn luyện tại chỗ, chỉ hơn một tháng đơn vị này đã trở lại chiến trường quyết trả mối hận Ðồi Gió). Dưới sự yểm trợ của Không Quân Việt Mỹ, và hổ trợ của Trung Ðoàn 33 Sư Ðoàn 21 Bộ Binh và Trung Ðoàn 15 Sư Đoàn 9 Bộ Binh, Tiểu Ðoàn 6 Dù như con hổ dữ, càn quét và diệt tất cả các “chốt” chận đường của Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt, xứng danh là đơn vị anh hùng Thiên Thần Mũ Ðỏ.
Chiều ngày 08-06-72, Tiểu Ðoàn 6 Dù bắt tay được với Tiểu Ðoàn 8 Dù trấn giữ vùng cực Nam An Lộc. Tiểu Ðoàn 6 Dù vào tới An Lộc được coi là một diễn biến quan trọng, bởi vì quân tiếp viện vào tới An Lộc thì vòng đai bảo vệ thị trấn được mở rộng, trực thăng mới có thể đáp an toàn thực hiện các phi vụ tản thương, tiếp tế, bổ sung quân số, thay quân cho những binh sĩ đã kiệt lực, và sau cùng di tản số dân chúng nạn nhân chiến cuộc ra khỏi An Lộc máu lửa.
Theo kế hoạch của Quân Ðoàn 3, lực lượng Sư Ðoàn 21 Bộ Binh hoạt động an ninh khu vực Xa Trạch, Trung Ðoàn 15 bung ra hoạt động an ninh xung quanh đồn điền Xa Cam. Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù với 3 Tiểu Ðoàn 5, 6, 8 nới rộng an ninh phía Nam Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Bình Long đến Xa Cam, bảo vệ an ninh bãi đáp trực thăng trên Quốc Lộ 13 (phía Nam An Lộc). Pháo đài bay B.52 oanh tạc các điểm đóng quân Cộng Sản Bắc Việt và vị trí pháo địch xung quanh An Lộc. Khu Trục Cơ chiến thuật bao vùng tiêu diệt các ổ phòng không và pháo binh địch yểm trợ cho trực thăng vào An Lộc đáp an toàn.
Ngày 09-06-72 lần đầu tiên kể từ ngày khởi đầu cuộc chiến, một đoàn trực thăng 23 chiếc đáp an toàn xuống An Lộc tiếp tế, đổ quân và bốc thương binh ra. Những ngày kế tiếp, nhiều đoàn trực thăng liên tục đáp xuống An Lộc. Chuyến vào tiếp tế, tăng quân. Chuyến ra bốc thương binh và thường dân bị thương. Tướng Hưng giao trách nhiệm cho Thiếu Tá Tiểu Ðoàn Trưởng 5 Quân Y sắp xếp việc tản thương. Tiểu Ðoàn 5 Quân Y và các Bác Sĩ bệnh viện Bình Long thoả thuận xếp loại ưu tiên chung cho Dân và Quân như sau : Ưu tiên 1 : nặng cần tản thương gấp. Ưu tiên 2 : vết thương nằm. Ưu tiên 3 : vết thương ngồi và sau cùng bị thương nhẹ.
Cuộc đổ quân và tản thương được sắp đặt kỹ lưỡng, an ninh bãi đáp do Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù, thứ tự ưu tiên đưa thương binh ra bãi do Tiểu Ðoàn 5 Quân Y và bệnh viện Bình Long phụ trách, an ninh xa do Sư Ðoàn 21 Bộ Binh và Trung Ðoàn 15. Bao vùng diệt pháo và phòng không do không quân chiến thuật. Các đơn vị đều chu toàn nhiệm vụ, nhờ vậy mà việc tản thương và tiếp tế được thực hiện rất nhanh chóng và trật tự.
Ngày 11-06-72 Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà NGUYỄN VĂN THIỆU gửi điện cho Ðại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà yêu cầu chuyển lời khen ngợi nồng nhiệt của Tổng Thống và Quốc Hội đến Trung Tướng Tư Lệnh Quân Ðoàn 3, Chuẩn Tướng Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh, Chuẩn Tướng Tư Lệnh Sư Ðoàn 21 Bộ Binh, và tất cả các đơn vị trưởng cùng toàn thể các chiến sĩ thuộc mọi Quân Binh Chủng đã anh dũng chiến đấu bảo vệ An Lộc và khai thông Quốc Lộ 13.
Sau tản thương, tiếp tế và bổ sung quân số, ngày 13-06-72, Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 cho trực thăng vận Tiểu Ðoàn 2 Trung Đoàn 31 Sư Ðoàn 21 Bộ Binh (đơn vị mà trước đây năm 1964-1965 Tướng Hưng là Ðại Úy Tiểu Ðoàn Trưởng) vào An Lộc tăng cường cho Sư Ðoàn 5 Bộ Binh.
Sau khi được bổ sung quân số và tái tiếp tế đầy đủ, Tướng Hưng ra lệnh các đơn vị bố phòng bung quân ra nới rộng khu vực kiểm soát và khai thác chiến quả. Phân nhiệm cho các đơn vị :
– Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù tái chiếm vùng phía Nam An Lộc. Bảo đảm an ninh bãi đáp trực thăng trên Quốc Lộ 13
– Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân tái chiếm các ấp phía Ðông ga Hớn Quản.
– Trung Ðoàn 7 tái chiếm và lục soát khu vực phía Tây cổng Phú Lố.
– Trung Ðoàn 8 tái chiếm và lục soát đồi 100 phía Tây Bắc An Lộc.
– Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù tái chiếm sân bay Bình Long và đồi Ðồng Long phía Bắc Tỉnh lỵ.
Trong cuộc lục soát hầu hết các đơn vị tìm thấy xác chiến xa Cộng Sản Bắc Việt nằm rải rác trên chiến địa và nhiều bộ xương còn mang “dép râu” cùng nhiều vũ khí đủ loại. Ngoài vòng đai Tỉnh tại các hố bom B.52 có hàng chục chiến xa T.54 nằm lọt trong hố bom, qua kinh nghiệm này ta thấy về mặt chiến thuật, những hố bom to lớn cũng là một trở ngại địa thế, chiến xa lọt vào hố bom không tài nào bò lên được. Trong cuộc bung quân lục soát này quân ta phát hiện tại khu vực B52 dội bom 3 cây số Tây Nam An Lộc 208 tử thi với đầy đủ vũ khí và quân dụng. Tại khu vực địch tạm chiếm phía Tây ta cũng tìm thấy Bộ Chỉ Huy Cộng Sản Bắc Việt với đài truyền tin và tổng đài điện thoại và nhiều bộ xương do phi cơ C.130 trang bị đại bác 105 ly phá huỷ. Tại Ðồi 100 hướng Tây Bắc, sau khi tái chiếm cắm cờ Việt Nam Cộng Hoà vàng ba sọc đỏ trên đỉnh đồi, Trung Ðoàn 8 lục soát thấy có nhiều sọ người và xương người rải rác khắp nơi, thu lượm được nhiều vũ khí đủ loại.
Tại phía Bắc, Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù tái chiếm sân bay cắm cờ Việt Nam Cộng Hoà lục soát thấy nhiều bộ xương, xác chiến xa rải rác khắp nơi, thu lượm được nhiều vũ khí. Tái chiếm đồi Ðồng Long đánh tan 1 tiểu đoàn Cộng Sản Bắc Việt tịch thu nhiều chiến lợi phẩm.
Sau khi cắm cờ vàng 3 sọc đỏ, lục soát xung quanh tìm thấy 2 em bé gái gầy ốm xanh xao đang ẩn trốn trong hang đá dưới chân đồi, đứa lớn 9 tuổi, đửa nhỏ 8 tuổi còn sống sót nhưng rất gầy yếu. Các chiến sĩ 81 Biệt Cách Dù liền bế 2 em về Liên Ðoàn cho bác sĩ quân y cấp cứu. Bác sĩ quân y Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù cho biết tình trạng 2 em bé đã kiệt lực vì thiếu ăn nhiều ngày. Quân y săn sóc đặc biệt theo phương pháp y khoa thì dần dần ít ngày sau 2 em tỉnh lại nói chuyện được :
- Hai em là con của Ðịa Phương Quân đóng đồn Ðồng Long. Sáng ngày 13-04-72 VC và chiến xa tràn ngập đồn. Mẹ em cõng đứa con trai 4 tuổi và dắt 2 em theo lính chui rào kẽm gai chạy ra ngoài đồn, Bị VC đuổi bắn, đoàn người chạy tứ tung, mẹ và đứa em trai trúng đạn tử thương, chị gái dắt em đi loanh quanh dưới chân đồi thấy có một hốc đá sâu chật hẹp liền dắt em vào ẩn trú. Từ ngày đó đến khi 2 em được chiến sĩ Biệt Cách Dù cứu thoát, 2 em sống cô độc tại hốc đá này. Khi nào có phi cơ ném bom hay pháo binh bắn thì hai em chạy vào hang ẩn nấp, yên tĩnh thì hai chị em chui ra ngoài tìm thức ăn. Những ngày đầu thì lục lạo trong ba lô xác chết lính quốc gia, lương khô gạo xấy, v.v… cái gì ăn được thì lấy mà ăn. Sau này thì những lúc bom nổ, đạn bắn, gà lớn, gà con chạy tớI 2 em bắt mà ăn sống. Thường thì đi dọc theo suối bắt cá, hái rau, uống nuớc suối sống qua ngày”.
Trung Tá Huấn, Liên Ðoàn Trưởng 81 Biệt Cách Dù giữ hai em bé này cho Quân Y chăm sóc cho đến ngày 18-06-72 được lệnh Bộ Tổng Tham Mưu rút Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù và Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù ra khỏi An Lộc để tiếp viện cho chiến trường Quân Khu I đang sôi động. Trung Tá Liên Ðoàn Trưởng 81 Biệt Cách Dù giao hai em này cho Ðại Tà Trần Văn Nhựt Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Bình Long vì 2 em này là con của Ðịa Phương Quân Tiểu Khu Bình Long để nhờ Tiểu Khu Trưởng tìm dùm cha 2 em giao lại.
Ðến ngày 12-06-1972, các vùng đất xung quanh An Lộc bị Cộng Sản Bắc Việt tạm chiếm trong vòng hai tháng đã được Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà tái chiếm. Bốn hướng Ðông, Tây, Nam, Bắc quanh Tỉnh lỵ này đã xuất hiện lá cờ vàng 3 sọc đỏ đang ngạo nghễ phất phớI tung bay trên bầy trời Bình Long anh dũng. NgườI hùng An Lộc, Tướng Lê Văn Hưng tuyên bố: ”Thành phố An Lộc đã được hoàn toàn giải toả”.
XII. Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà vào thăm An Lộc
Ngày 18 tháng 06 năm 1972, Quân Ðoàn 3 cho trực thăng vận 1 Trung Ðoàn của Sư Ðoàn 18 Bộ Binh còn khỏe vào An Lộc tăng phái cho Sư Ðoàn 5 Bộ Binh thay thế Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù và Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù trở về hậu cứ bổ sung, dưỡng Quân để đưa ra Quân Ðoàn 1 tăng cường cho chiến trường vùng hoả tuyến.
Ngày 07-07-1972, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà NGUYỄN VĂN THIỆU cùng phái đoàn cao cấp gồm Ðại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, Trung Tướng Đặng Văn Quang, Cố Vấn An Ninh Phủ Tổng Thống, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Quân Ðoàn 3/Quân Khu III, Bí Thư Tổng Thống kiêm Tham Vụ Báo Chí Hoàng Ðức Nhã, và một Ðại Tướng hồi hưu người Pháp Vanuxem bất thần đáp xuống An Lộc. Theo lời một giới chức cao cấp cận kề Tổng Thống kể lại thì buổi sáng ngày 07-07-1972, sau khi lắng nghe tường trình về tình hình chiến sự tại An Lộc, cường độ pháo kích tuy không hết hẳn nhưng đã giảm nhiều, địch không còn khả năng tràn vào An Lộc nữa, Tổng Thống Thiệu ngẫm nghĩ một lát rồi nói: “với các đơn vị ngoài mặt trận, điều làm cho họ phấn khởi nhất không gì bằng cấp chỉ huy, chính người lãnh đạo đến nơi chia xẻ sự hiểm nguy mà họ chịu”. Rồi Ông ra lệnh cho Bí Thư Hoàng Ðức Nhã lo sắp xếp để Ông đến thăm An Lộc ngay hôm đó, phái đoàn đi ít người thôi nhưng phải bảo mật tuyệt đối. Mới đầu định mời Ðại Tướng Trần Thiện Khiêm, Thủ Tướng Chính Phủ cùng đi, nhưng tới lúc chót Tổng Thống quyết định để Thủ Tướng ở lại “thủ đài” dự trù trường hợp bắt trắc xảy ra cho Tổng Thống.
Khoảng 13 giờ trưa 2 chiếc trực thăng chở phái đoàn Tổng Thống đáp xuống An Lộc. Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh và Ðại Tá Trần Văn Nhựt, Tỉnh Trưởng Tỉnh Bình Long đón Tổng Thống đưa về Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh. Binh sĩ trú phòng ẩn núp trong hầm tránh pháo bất chợt trông thấy Tổng Thống đến, họ vui mừng chạy túa ra ôm Tổng Thống và Ðại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng nâng lên vai reo hò vui vẻ. Tổng Thống và Ðại Tướng cũng vui cười với họ.
Sau khi nghe Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Mặt Trận An Lộc thuyết trình về diễn biến trận đánh, Tổng Thống khen ngợi và nói sẽ ân thưởng xứng đáng cho tất cả những chiến sĩ hữu công. Tổng Thống gắn huy chương Ðệ Tam Ðẳng Bảo Quốc Huân Chương kèm Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu cho Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh, Ðại Tá Trần Văn Nhựt, Tỉnh Trưởng Bình Long, Ðại Tá Mạch Văn Trường, Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 8 Bộ Binh. Gắn cấp bậc Ðại Tá Nhiệm Chức cho Trung Tá Tiểu Khu Phó Bình Long, gắn Trung Tá Nhiệm Chức cho Thiếu Tá Trung Ðoàn Phó Trung Ðoàn 8 Bộ Binh.
Kế đó, Tướng Hưng mời Tổng Thống và phái đoàn đi thăm mặt Bắc nơi mà ngay từ phút đầu và liên tục những ngày sau đó địch đã nhiều lần tấn công và trận đánh diễn ra ác liệt nhất, nhiều xác chiến xa nằm ngổn ngang cạnh hầm chỉ huy Trung Ðoàn 8 Bộ Binh và Bộ Chỉ Huy Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù. Lúc này thì Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù đã rời An Lộc ra Quảng Trị nhưng còn để lại một nghĩa trang tại khu chợ Bình Long chôn ngay hàng thẳng lối trên 60 ngôi mộ có mộ bia những anh hùng Biệt Cách Dù đã hy sinh tại An Lộc. Trên đường đi từ Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh lên Trung Ðoàn 8 Bộ Binh, Tổng Thống và phái đoàn chứng kiến tận mắt cảnh hoang tàn đổ nát, một thành phố bị bình địa vì mưa pháo, mộ chôn cá nhân và tập thể rải rác khắp nơi. Quân và dân với thân hình gầy ốm xanh xao ra chào mừng Tổng Thống. Tổng Thống và phái đoàn vô cùng khâm phục tinh thần chiến đấu anh dũng và sức chịu đựng của quân dân An Lộc. Tổng Thống dừng lại tại xác 5 chiến xa T.54 bị bắn cháy đen nằm chung quanh Bộ Chỉ Huy Trung Ðoàn 8 Bộ Binh, ngỏ lời khen ngợi và chụp ảnh lưu niệm với các chiến sĩ can trường của An Lộc Anh Dũng. Khi được biết Ðại Tá Tư Lệnh Phó Sư Ðoàn 5 Bộ Binh đã về Sài Gòn trình diện Bộ Tổng Tham Mưu lên đường du học Mỹ, Tướng Hưng đang thiếu Tư Lệnh Phó, Tổng Thống và Ðại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng quyết định bổ nhiệm Ðại Tá Mạch Văn Trường, Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 8 Bộ Binh lên làm Tư Lệnh Phó Sư Ðoàn 5 Bộ Binh, giao Trung Ðoàn 8 Bộ Binh cho Trung Tá Trung Ðoàn Phó.
Trong lúc Tổng Thống và phái đoàn dừng lại chụp hình tại Ðại Lộ Hoàng Hôn với Trung Ðoàn 8 Bộ Binh thì Việt Cộng pháo kích vào Thị Xã. Tổng Thống nhìn về hướng đạn nổ vừa cười vừa nói :” Nó chào mừng tôi đó”, rồi thản nhiên đi tới khu vực trách nhiệm Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù. Ðứng trước nghĩa trang có nhiều ngôi mộ chôn ngay hàng thẳng lối, trên Ðài Tử Sĩ có 4 chữ TỔ QUỐC TRI ƠN và 2 câu thơ của một cô giáo Bình Long, Tổng Thống nghiêng mình trước phần mộ những anh hùng đã hy sinh vì Tổ Quốc, xúc động rơi nước mắt và tuyên bố ân thưởng cho tất cả quân nhân tham chiến mỗi người thăng một cấp, đồng thời Ông nói với Ðại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng cho Bộ Tổng Tham Mưu thiết lập huy chương đặc biệt BÌNH LONG ANH DŨNG. Trong lúc Tổng Thống Thiệu đang thăm viếng và nói chuyện với quân dân An Lộc thì tiếng trọng pháo địch nổ ì ầm khi xa lúc gần, đạn rơi ở ÐạI Lộ Hoàng Hôn gần nơi Tổng Thống vừa đứng chụp hình, đất bụi tung mù mịt. Tổng Thống và phái đoàn tùy tùng không ai tỏ ra hoảng sợ nằm xuống hay chạy vào hầm ẩn núp, ngược lại họ còn cười vang khi nghe Ông Thiệu nói đùa với Tướng Vanuxem :”Chắc nó biết tôi đến bắn đại bác chào tôi đó”.Tướng Hưng thấy địch đang pháo kích mà vị Nguyên Thủ Quốc Gia và phái đoàn cao cấp đứng lộ thiên mải mê nói chuyện thì nguy hiểm quá. Lo ngại cho sự an toàn thượng cấp, Tướng Hưng mới lựa lời viện dẫn lý do trình Tổng Thống như sau:
– Thưa nó pháo dài dài dù mấy bữa nay có phần giảm bớt. Kính mời Tổng Thống và phái đoàn về Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu thăm và ủy lạo anh em Ðịa Phương Quân – Nghĩa Quân cùng toàn thể Dân, Cán, Chính.
Tổng Thống gật đầu.(nếu nói địch đang pháo không nên đứng ngoài trống nguy hiểm lắm thì sợ mấy ổng tự ái không chịu đi ?!). Liền sau đó Tướng Hưng lái xe đưa Tổng Thống đến Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Bình Long xuống hầm Trung Tâm Hành Quân Tiểu Khu dự thuyết trình. Tại hầm thuyết trình Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu, Tổng Thống Thiệu cầm bút chì mỡ vẽ lên bản đồ Bình Long đang treo trên tường 4 chữ to lớn BINH LONG ANH DŨNG, rồi dùng điện thoại viễn liên gọi về Sài Gòn nói chuyện với Bà Thiệu để Bà an tâm, vì đến lúc đó Phu Nhân Tổng Thống cũng chưa biết là Ông Thiệu đã tới An Lộc. Mấy câu nói của Tổng Thống Thiệu từ An Lộc được đài phát thanh Sài Gòn lập đi lập lại nguyên văn như sau – “Má nó đấy hả, …tôi đã đến An Lộc thăm đồng bào và chiến sĩ … Cứ an tâm”.
XIII. Chiếc mũ sắt của Tướng Lê Văn Hưng
Gần 16 giờ chiều, trong lúc chờ trực thăng đến đón Tổng Thống và phái đoàn trở về Sài Gòn, để tỏ lòng biết ơn Vị Tổng Tư Lệnh đến chiến trường thăm và ủy lạo chiến sĩ, Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng đến trước mặt Tổng Thống cảm động nói :
”Kính thưa Tổng Thống, tôi xin thay mặt quân nhân các cấp thuộc Sư Ðoàn 5 Bộ Binh, các đơn vị tăng phái và quân dân Tiểu Khu Bình Long chân thành cảm tạ Tổng Thống, vị Tư Lệnh Tối Cao của Quân Lực đã không ngại nguy hiểm đích thân đến chiến trường trong lúc dầu sôi lửa bỏng thăm viếng đồng bào và anh em chiến sĩ chúng tôi. Ðây là một kỷ niệm chúng tôi sẽ ghi nhớ mãi với lòng kính trọng và biết ơn. Cá nhân tôi không có món gì quý giá để làm quà tặng Tổng Thống, kính xin Tổng Thống nhận cho chiếc mũ sắt tôi đang đội trên đầu làm vật kỷ niệm”.
Nói xong, Tướng Hưng đứng nghiêm cởi chiếc mũ sắt có thêu một sao trên vải nguỵ trang đang đội trên đầu, móc bút ký tên trên vải bọc nón sắt rồi 2 tay trang trọng trao cho Tổng Thống. Ông Thiệu rất cảm động cầm lấy chiếc mũ sắt. Vừa lúc trực thăng nhào tới, Tổng Thống Thiệu vỗ vai và bắt tay tướng Hưng rồi bước lên trực thăng cất cánh.
Sau chuyến viếng thăm An Lộc của Tổng Thống Thiệu được ít ngày, một chiếc trực thăng Hoa Kỳ chở Tướng Mỹ Tallman và đoàn tùy tùng bất thần đáp xuống An Lộc (cũng bãi B.15 mà trước đó Ông Thiệu đáp) bị trúng một quả pháo của cộng quân, đoàn người vừa bước xong xuống đất, may mắn chiếc trực thăng vừa cất cánh được vài giây thoát bị nổ tung, nhưng Thiếu Tướng Tallman và đoàn tùy tùng thì chết tại chỗ. Có lẽ Thiếu Tướng Tallman là vị Tướng Mỹ cuối cùng tử trận tại chiến trường Miền Nam Việt Nam.
XIV. Thay quân. Sư Ðoàn 5 Bộ Binh về Lai Khê
Sau khi thị sát An Lộc, thượng cấp trông thấy tận mắt các chiến sĩ trong An Lộc sau 3 tháng bị vây hãm, tấn công, chiến đấu ngày đêm cơ cực thể xác gầy ốm, xanh xao, mệt mỏi, nên Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 ra lệnh toàn bộ Sư Ðoàn 18 BB do Ðại Tá Lê Minh Ðảo chỉ huy vào An Lộc thay thế nhiệm vụ cho Sư Ðoàn 5 Bộ Binh (Ðại Tá Lê Minh Ðảo sau khi vào An Lộc ngày 01-11-1972 được vinh thăng Chuẩn Tướng).
Ngày 14 tháng 07 năm 1972, đoàn trực thăng cuối cùng chở Ðại Ðội Trinh Sát và Tư Lệnh Phó Sư Ðoàn 5 Bộ Binh rời An Lộc chấm dứt 3 tháng 7 ngày Sư Ðoàn 5 Bộ Binh tử thủ An Lộc. Chiến Thắng An Lộc vang danh quân sử mà người hùng đứng đầu là Chuẩn Tướng LÊ VĂN HƯNG, và Người Hùng Lê Văn Hưng này vào ngày 30 tháng 04 năm 1975, khi Ðại Tướng Dương Văn Minh tân Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà ra lệnh đầu hàng Cộng Sản, trong chức vụ Tư Lệnh Phó Quân Ðoàn 4 và Quân Khu IV, đã không chấp nhận đầu hàng nhục nhã, quyết định không di tản ra nước ngoài mà cũng không để lọt vào tay địch. Ông noi gương tiền nhân: “Thành mất Tướng chết theo thành”. Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng đã dùng súng lục bắn vào tim tự sát chết lúc 20 gìờ 30 tối 30 tháng 04 năm 1975 tại tư dinh Tư Lệnh Phó Quân Ðoàn 4 tại Cần Thơ.
Chuẩn
Tướng Mạch Văn Trường
Nguyên Tư Lệnh Sư Ðoàn 21 Bộ Binh (1974-1975)
Cựu Ðại Tá Trung Ðoàn Trưởng
Trung Ðoàn 8/ Sư Ðoàn 5 Bộ Binh (1971-1972)
SOURCE:
https://baovecovang2012.wordpress.com/2013/03/04/chien-thang-an-loc-1972-phan-iii/
oOo
Tỉnh Sông bé - Tỉnh Bình Long Ngày xưa
LỊCH SỬ:
Bình Long là một tỉnh cũ ở miền Đông Nam Bộ Việt Nam.
Tỉnh Bình Long được thành lập theo Sắc lệnh số 143-NV ngày 22 tháng 10 năm 1956 do Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa ký, chia Nam phần thành 22 tỉnh. Bình Long là tỉnh được tách ra từ tỉnh Thủ Dầu Một. Tỉnh lị đặt tại An Lộc, trước đây thuộc quận Hớn Quản của tỉnh Thủ Dầu Một.
Theo Nghị định số 4 ngày 3 tháng 1 năm 1957 của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa thì tỉnh Bình Long bao gồm 2 quận (không có cấp tổng):
1 - An Lộc có 36 xã, 118 ấp. Năm 1960 hợp nhất một số xã, nên còn 21 xã
2 - Lộc Ninh có 18 xã, 95 ấp. Năm 1960 hợp nhất một số xã, nên còn 10 xã
Năm 1964, lập quận mới Chơn Thành, gồm 5 xã tách ra từ quận An Lộc và lập thêm 7 xã, tổng cộng có 12 xã.
Sau năm 1975, 3 tỉnh Bình Long, Phước Long và Bình Dương hợp nhất thành tỉnh Sông Bé, đến cuối năm 1996, tỉnh Sông Bé lại tách ra làm 2 tỉnh Bình Phước và Bình Dương. Trong đó, tỉnh Bình Phước có địa giới bao gồm 2 tỉnh Bình Long và Phước Long cũ. Tỉnh lị tỉnh Bình Phước hiện nay là thành phố Đồng Xoài, vốn là quận lị quận Đôn Luân, tỉnh Phước Long trước đây.
Hiện nay, địa danh "Bình Long" chỉ còn được dùng để chỉ thị xã Bình Long, đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh Bình Phước.
Địa bàn tỉnh Bình Long cũ nay là một phần của tỉnh Bình Phước (thị xã Bình Long và các huyện Chơn Thành, Hớn Quản, Lộc Ninh) và một phần các huyện Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo của tỉnh Bình Dương.
(Tài liệu của @Phóng Viên Chiến Trường sưu tầm)
SOURCE:
https://anhxua.net/album/tinh-song-be-tinh-binh-long-ngay-xua.html
.
No comments:
Post a Comment