Saturday, July 3, 2021

* Từ Quốc Sách Ấp Chiến Lược đến Chương Trình Xây Dựng Nông Thôn


Trần An Phương Nam

 



Khi thành lập công cụ xâm lược mang tên Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam (MTGPMN) vào tháng 12 năm 1960. Cộng Sản Hà Nội quyết tâm thực hiện giai đoạn khởi đầu trong sách lược thôn tính miền Nam qua mặt trận du kích chiến, trọng tâm của mặt trận này là “lấy nông thôn bao vây thành thị” nói cách khác là chúng muốn kiểm soát địa bàn nông thôn, tranh thủ nhân tâm người dân nông thôn để lợi dụng lòng yêu nước của họ ngõ hầu buộc họ phải cộng tác, nuôi dưỡng, che chở cho du kích quân cộng sản. Kế tiếp là chúng sẽ dùng nông thôn làm bàn đạp để tấn công, tiến chiếm các thành phố để cướp chính quyền. Thoạt tiên kế hoạch xâm lược miền Nam của cộng sản Hà Nội là như vậy, chúng mong muốn thôn tính miền Nam chỉ cần sử dụng mặt trận du kích chiến mà thôi, không cần sử dụng đến các mặt trận khác như trận địa chiến hay vận động chiến v.v...


Nắm vững được sách lược của địch. Mùa Xuân năm 1962, chính phủ TT. Ngô Đình Diệm ban hành Quốc Sách Ấp Chiến Lược, đây quả là một đối sách đúng đắn và vô cùng lợi hại của chính quyền lúc bấy giờ, việc thi hành đối sách này đã làm cho từ bọn đầu sỏ chóp bu ở Hà Nội đến bọn công cụ tay sai MTGP ở miền Nam phải điêu đứng, hoang mang. Bởi vì mục tiêu căn bản của Quốc Sách Ấp Chiến Lược là tách rời du kích quân sự cộng sản ra khỏi nhân dân nông thôn, không cho chúng bám dựa vào nhân dân để xây dựng cơ sở và hoạt động phá hoại, cuối cùng là cô lập hoàn toàn để chúng phải chonï lựa, một là ra hồi chánh, hai là bị tiêu diệt. Tất cả các Ấp đều được bảo vệ bởi các rào cản kiên cố bao quanh, các cổng chính ra vào được canh gác đúng mức tùy theo địa thế, mỗi Ấp đều có từ một đến nhiều chòi canh có tầm nhìn xa, ban ngày người dân được tự do ra vào để làm ăn, tuy nhiên người lạ mặt muốn vào Ấp phải qua thủ tục kiểm soát chặt chẽ, ban đêm các cổng chính ra vào được đóng lại, tuy nhiên các trường hợp cấp thiết của dân chúng vẫn được giải quyết. Ngoài ra, các Ấp Chiến Lược đều có thiết lập hệ thống báo động để phát hiện mọi trường hợp xâm nhập lén lút, bất hợp pháp vào Ấp. Việc quản lý Ấp do một Ban trị sự phụ trách, việc phòng thủ bảo vệ Ấp do lực lượng Phòng vệ dân sự phối hợp với các đơn vị Thanh niên, Thanh nữ Cộng Hòa của Ấp sở tại phụ trách. Ấp Chiến Lược được tổ chức theo phương thức tự quản, tự phòng và tự phát triển.

 



Quốc Sách Ấp Chiến Lược thực hiện rất hiệu quả công việc tát nước để bắt cá, mặt trận du kích chiến của cộng sản bị ngưng trệ, du kích quân và hạ tầng cơ sở của chúng gần như không chốn dung thân, chủ trương bám dựa vào người dân bị bẻ gãy từ trứng nước. Tóm lại, Quốc Sách Ấp Chiến Lược đang trên đà thăng tiến và tỏ ra hữu hiệu thì bất ngờ bị hủy bỏ bởi chính những người có quyền cao chức trọng trong chính thể VNCH. Thật đáng tiếc vô cùng!


Đầu năm 1965, nhận thấy sai lầm tai hại của quyết định hủy bỏ Quốc Sách Ấp Chiến Lược, trước hiện trạng nông thôn hoàn toàn bị bỏ ngõ, tạo điều kiện thuận lợi cho du kích quân cộng sản hoạt động và phát triển cơ sở hạ tầng. Chính phủ Phan Huy Quát đã thành lập chương trình Ấp Tân Sinh đồng thời tạo một đội ngũ Cán bộ để thực thi chương trình này. Tiếc thay lúc này tình hình an ninh tại các Ấp đã trở nên tồi tệ, việc phối trí Cán bộ Ấp Tân Sinh đến các Ấp đã gặp khó khăn, trở ngại đủ điều. Anh chị em phải hoạt động trong điều kiện không được bảo đảm an ninh, thiếu sự hợp tác cần thiết của chính quyền địa phương cũng như các đơn vị cơ quan bạn. Rất nhiều Ấp chỉ có một Cán bộ lẻ loi trước một khối công việc nặng nề, không kham nổi. Tóm lại với tình trạng vừa nêu trên, chương trình Ấp Tân Sinh không hiệu quả cũng là điều dễ hiểu.


Trước tình hình khẩn trương của đất nước nói chung và của nông thôn miền Nam Việt Nam nói riêng. Mùa Xuân năm 1966, Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia và Nội Các Chiến Tranh quyết định thiết lập Chương Trình XÂY DỰNG NÔNG THÔN, người trực tiếp phụ trách thực hiện Chương Trình này tại trung ương là Thiếu Tướng Nguyễn Đức Thắng, Tổng Ủy Viên Xây Dựng kiêm Tổng Thư ký Hội Đồng Xây Dựng Nông Thôn Trung Ương.


Chương Trình Xây Dựng Nông Thôn có nội dung gồm 4 Tư tưởng Chỉ đạo, 5 Kỹ thuật Phát triển, 11 Mục tiêu và 98 Công tác (năm 1968 rút gọn còn 36 Công tác), được thực hiện qua 12 giai đoạn, còn gọi là 12 bước Công tác. Trọng tâm của Chương Trình Xây Dựng Nông Thôn là xây dựng thành công các ẤP ĐỜI MỚI để biến Đời Cũ Tối Tăm thành Đời Mới Sáng Sủa cho nông thôn trong tinh thần tự túc, tự cường và tự vệ, thời gian cần thiết để xây dựng trở thành một ẤP ĐỜI MỚI là 6 tháng. Thời điểm bây giờ trên toàn lãnh thổ VNCH có trên 12 ngàn Ấp và được phân loại thành 5 hạng từ A đến E, trên toàn quốc có khoảng 700 Đoàn Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn 59 người. Do đó, công việc phối trí các Đoàn 59 CB/XDNT được thực hiện như sau:

* Ưu tiên 1: các Ấp loại E, D

* Ưu tiên 2: các Ấp loại C, B

* Ưu tiên 3: các Ấp loại A.


Trong 11 mục tiêu xây dựng ẤP ĐỜI MỚI thì Mục tiệu 1: Tận diệt cộng sản nằm vùng và Mục tiêu 4: Đoàn ngũ hóa nhân dân, mà then chốt là thành lập Ấp đội Dân quân Tự vệ, được xem là 2 mục tiêu quan trọng hàng đầu. Từ sau Tết Mậu Thân 1968, chính quyền của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã áp dụng Mục tiêu 4 này làm căn bản cho chương trình Nhân dân Tự vệ.

 



Bên cạnh các Hội Đồng XDNT Tỉnh, Quận mà các Tỉnh Trưởng, Quận Trưởng làm Chủ Tịch là các Tỉnh Đoàn, Liên Đoàn CB/XDNT (từ 1971 đổi thành Quận Đoàn). Là thành phần nồng cốt để thực hiện Chương Trình XDNT nên người Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn được huấn luyện và đào tạo tương đối tốt để có khả năng hoàn thành nhiệm vụ.. Ngoại trừ số Cán Bộ cải tuyển từ các ngành mà môi trường hoạt đôïng là địa bàn nông thôn, tất cả Cán Bộ tân tuyển điều phải trãi qua 4 tuần thử thách tại một trong số những Đoàn Cán Bộ thuộc Tỉnh, sau đó đến Vũng Tàu để thụ huấn khóa sơ cấp tại Trung Tâm Huấn Luyện CB/XDNT Trung Ương trong 3 tháng, trong đó 6 tuần đầu được huấn luyện về căn bản quân sự, 6 tuần cuối được học tập về chính trị, trong 12 tuần thụ huấn này là những bài học về chuyên môn. Sau khi tốt nghiệp và trở về đơn vị Tỉnh, các tân Cán Bộ phải dự một tuần huấn luyện bổ túc, thường được tổ chức tại Trung tâm tu nghiệp công chức Tỉnh, do đại diện các Ty, Sở, Phòng có liên quan đến Chương Trình XDNT hướng dẫn trước khi được điều động đến công tác tại các Đoàn CB/XDNT trong Tỉnh.


Chương Trình XDNT là một đối sách lợi hại đã làm cho bọn đầu sỏ cộng sản ở Hà Nội và bọn tay sai của chúng ở miền Nam (MTGPMN) phải rúng động và căm hận tột cùng. Đầu năm 1967, Trung ương cục miền Nam (Cục R) đã ra một nghị quyết trong đó chỉ thị các Đội võ trang công tác chính trị (du kích quân), các đơn vị cơ động Tỉnh và các đơn vị chủ lực Miền hãy tập trung nổ lực Tìm Diệt các “Đoàn Bình Định ác ôn” đồng thời chúng đề ra khẩu hiệu: “Diệt một tên Bình Định ác ôn bằng tiêu diệt 3 tên giặc Mỹ xâm lược”.


Mặc dù tồn tại một số hạn chế và thiếu sót không tránh được. Tuy nhiên nhìn tổng thể từ nhiều góc cạnh, điển hình nhất là bộ mặt nông thôn VNCH vào đầu năm 1975 so sánh với đầu năm 1966 đã hoàn toàn thay đổi, trong đó sự thay đổi rõ nét nhất là về lãnh vực an ninh và lãnh vực phát triển. Do đó, có thể kết luận Chương Trình Xây Dựng Nông Thôn tương đối thành công, đồng thời người Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn cũng cảm thấy hãnh diện vì đã đóng góp công lao cùng xương máu cho sự nghiệp thiêng liêng của toàn dân, toàn quân ta là chiến đấu bảo vệ tự do, dân chủ, toàn vẹn lãnh thổ miền Nam thân yêu trong nhiều năm dài miệt mài, gian lao nhưng đầy nghĩa khí.


Trần An Phương Nam

Gia Đình CB/XDNT Bắc Cali

 

Source:

https://hon-viet.co.uk/TranANPhuongNam_TuQuocSachApChienLuocDenChuongTrinhXayDungNongThon.htm 

.

 

No comments:

Post a Comment