AN / PRC - 25
Đầu Tháng 11 năm 1969, tôi Tr/Sĩ Nguyễn Thế Thụy và Tr/Sĩ Nguyễn Xuân Hương, nhận lệnh biệt phái mang máy PRC25 làm Âm thoại viên (ATV) cho Đại Bàng Sài Gòn, Đại Tá Tôn Thất Soạn, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 258/TQLC.
Nhận được lệnh hành quân, Hương và tôi mừng vui vì sẽ thoát khỏi bốn bức tường cao, kín cổng của trại Lê Thánh Tôn, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến (BTL/SĐTQLC) sau hơn 2 tháng hết trực ban thường vụ Đại Đội (TVĐĐ), rồi đến trực máy tại Trung Tâm Hành Quân/BTL, hạnh phúc và tuyệt vời hơn tất cả là được mang máy theo chân hành quân của Đại bàng Sài Gòn. Với chúng tôi phục vụ cho Quân Đội thì việc mang máy làm ATV cho bất cứ ĐB, TQ, Sao Mai, hay gần gũi nhứt là các “Ông thầy Trung đội trưởng” thì dù ông nào đi chăng nữa vẫn là nhiệm vụ của người lính ATV, tuy nhiên với ĐB Sài Gòn thì có hơi mừng hơn một chút vì ông là vị Chỉ huy khả kính, đức độ luôn luôn nhẹ nhàng từng lời nói, hành động, và Chỉ huy mà tất cả anh em chúng tôi ATV rất mong được biệt phái theo ông.
5 giờ sáng ngày N…đoàn xe của Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 258/TQLC xuất phát từ trại Lê Thánh Tôn để đến điểm tập trung là Phú Lâm, cửa ngõ vào Thành phố Saigòn từ hướng Tây để cùng Tiểu Đoàn 4/TQLC và Tiểu Đoàn 6/TQLC lên đường hành quân.
Một đoàn xe GMC, Doge, Jeep dài ngút ngàn không nhìn thấy được chiếc cuối cùng, chở đầy những người lính Cọp Biển mà một lát nữa đây họ sẽ là những chàng trai xem cái chết nhẹ tựa như lông hồng, xông pha vào nơi hiểm nguy để giữ gìn bờ cõi cho miền Nam được yên lành, tự do.
Tiếng nói, tiếng cười của những người lính vô tư xen lẫn với âm thanh nổ ầm ì của đoàn quân xa vang dội trải dài trên Quốc lộ 1 như nóng lòng mong sớm lăn bánh xông vào vùng chiến trận. Sáng sớm sương đêm vẫn còn bao phủ những cánh đồng lúa trải dài mênh mông khiến chúng tôi không biết đâu là chân trời, là bến bờ sẽ phải đến. Những ngừơi dân quê hiền lành sống trong những túp lều tranh bên đồng lúa đã thức dậy từ lúc nào, ông già bà cả cùng các em thiếu nhi thì ra đứng sát bên vệ đường, còn các cô thôn nữ thì e ấp sau cánh cửa, nhưng tất cả cùng mỉm cười đưa tay vẫy chào đoàn quân ra đi với hy vọng “Lòng súng nhân đạo cứu người lầm than”, hẳn trong lòng có cô ước mong được gặp lại ngừơi hùng, nhưng đâu có ai nghĩ rằng trong những chàng “Kinh Kha” của thời đại APOLO lên cung trăng kia, sẽ có người không hẹn ngày về.
Ngồi trên xe Jeep cùng với Sài Gòn ở ghế sau thì có Đại Úy Nguyễn Đăng Hòa (Sông Hương) Trưởng Ban 3/LĐ258, Tr/Sĩ 1 Tất cận vệ, và tôi ngồi bên phải sau lưng Sài Gòn trên máng che bánh xe “Wheel cover”. Tôi mang máy hệ thống nội bộ LĐ, còn Tr/Sĩ Hương ngồi bên trái mang máy hệ thống đơn vị bạn, chiếc xe Jeep của Sài Gòn chạy ngược, xuôi dọc theo đoàn xe đang đậu để kiểm soát chặt chẽ trước khi xuất phát sau khi có buổi họp ngắn gọn với các TĐT/TĐ4 và TĐ6 là Thiếu Tá Võ Kỉnh và Thiếu Tá Đỗ Hũu Tùng.
Tại sao tôi lại kể rõ từng chi tiết như thế này? Là vì tôi muốn nhắc cho con cháu tôi sau này ít nhiều cũng hiểu thêm được nhiệm vụ của thế hệ đi trước, theo dõi được những bước hành quân năm xưa của của ông, cha… họ đã đi qua. Hơn nữa, những hình ảnh hành quân của “Đoàn Cọp Biển Oai Hùng” từ mũi Cà Mau ra tận địa đầu giới tuyến Gio Linh – Quảng Trị, Cao Nguyên xuống đồng bằng và trên mọi miền đất nước luôn luôn in sâu trong ký ức của tôi, nó như hơi thở, như thêm sức mạnh cho tôi vựơt qua những lúc khó khăn, những khi nản chí trên bước đường tỵ nạn. Đồng đội cũ chiến trừơng năm tháng xưa nay còn đâu, dù rằng đó là những tháng năm khổ cực, gian truân, hiểm nguy chết chóc của những người trai xả thân đi bảo vệ miền nam Tự Do cần được nhắc lại cho chính bản thân tôi đừng quên dĩ vãng, đừng quên đồng đội còn nằm lại đâu đó trên rừng sâu núi thẳm và cũng để ước mong những ai từng được hưởng thanh bình năm xưa và nay ung dung nơi hải ngoại nên quan tâm đến những bộ xương khô, xương khô dưới các gò mối, xương khô phơi trên bãi cát Thuận An, Non Nước và “xương khô” đang lê lết trên khắp mọi nẻo đường. Trên không, chiếc đầm già L19 đang bay lượn trên bầu trời xanh biếc để bao vùng, quan sát theo dõi an ninh cho đoàn quân quốc lộ dẫn đến bến phà Mỹ Thuận.
– Bắc Bình Dương (LĐ 258) đây Thần Điểu 55 (L19) gọi.
– Bắc Bình Dương tôi nghe anh Thần Điểu 55
– Thần Điểu 55 đường lên động Thiên Thai tuyệt đẹp chào đón anh (Lộ trình bình yên vô sự)
– Bắc Bình Dương tôi nhận anh 5/5
Sau hơn 3 giờ đoàn quân xa chúng tôi đến bến phà Mỹ Thuận, phải hơn 3 giờ chiếc xe cuối cùng mới sang đến bờ sông bên kia, rồi thêm 2 giờ nữa để đến bến phà Cần Thơ. Trưa hôm đó, khoảng 3 giờ chiều, đoàn quân xa chở LĐ 258/TQLC mới hoàn toàn lăn bánh trên đừơng thành phố Cần Thơ. ĐB.Sài Gòn bảo tôi gọi các đơn vị dậm chân tại chỗ một thời gian trong lúc ĐB Sài Gòn đến BTL/QĐ4 họp và nhận chỉ thị .
XIN BẤM "READ MORE" ĐỂ ĐỌC TIẾP
Cần Thơ của tôi đây, Cần Thơ đi dễ khó về, trai đi có vợ, gái thời có con, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi từ khi lọt lòng Mẹ, Mẹ tôi từng gian lao cực khổ nuôi thằng con trai từ lúc đỏ hỏn để ấp ủ khi lớn lên con sẽ thành người con có hiếu, ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ. Nhưng rồi vì bản tính thích sôi nổi lại thêm một chút giận hờn, tôi đã giã từ mái ấm tình thương phụ mẫu để tình nguyện đầu quân vào Binh Chủng TQLC, và giờ đây tôi trở lại chốn xưa, chưa phải là về thăm song thân mà là “Hành quân qua thôn xóm”, phố cũ đường xưa.
Ngồi trên xe Jeep của ĐB Sài Gòn đi từ bến phà xe chạy thẳng đến bến xe Cần Thơ rồi quẹo trái nối tiếp trên con đường Nguyễn Trãi, con đường đông người nhứt thời bấy giờ, bao nhiêu kỷ niệm của cái thời cắp sách đến trường như sống lại trong tôi. Trong quá khứ, một ngày 4 lần tôi đã đi và về trên con đường này, gần như quen từng gốc cây, sỏi đá, mặt lộ chỗ thấp, chỗ cao. Con đường này nếu đi ngược trở lại từ bến xe 500m quẹo trái vào con lộ có cái tên là Lộ 19, khoảng 300m là có ngôi nhà vách ván lộp ngói, có bà mẹ già mong mõi tin của thằng con không biết vâng lời.
Trong tôi bùng lên một ý nghĩ mà cũng là một ước muốn rất tình người là được Sài Gòn cho tôi 5 phút chạy nhanh về thăm mẹ. Nhưng rồi ngại ngùng chưa dám hỏi thì đoàn xe tiếp tục lăn bánh, quanh tôi, những người lính Mũ Xanh cũng đang cách xa gia đình, có khi còn xa còn thăm thẳm nghìn trung hơn tôi nhiều, như có một thứ tình cảm đồng cam cộng khổ nào đó khiến tôi dứt khoát không mở lời xin với Saigon, “Con không khóc thì sao mẹ biết mà cho bú”. Tuy không đựơc nắm tay mẹ mà khoe bộ quân phục rằn ri nhưng cũng đã nhủ thầm:
– “Mẹ nhìn nè, con đã là lính Cọp Biển, con về đây, con về đây với xóm làng của mẹ, phố phường của mẹ yên bình là có công của con đó nhé”
Khoảng 4 giờ chiều đoàn quân xa lăn bánh trực chỉ Quận lỵ Cái Răng, từ dốc cầu Cái Răng rẽ phải là hương lộ dẫn đến Quận Phong Điền, chiếc xe đầu vừa đặt bánh trên hương lộ thì cơn mưa nặng hạt trút xuống, mưa dai, mưa kéo dài từ cầu Cái Răng đến tận cái cầu bắc ngang con sông Trẹm để vào thị trấn Phong Điền, đường dài khoảng chừng hơn 20 cây số, tất cả chúng tôi từ thầy đến trò đều ướt sũng, hay nói đúng hơn là cả LĐ từ đầu đến chân đều ướt .
Gần 6 giờ tối, lệnh xuống xe đóng quân đêm dọc theo xóm làng bên dòng sông Trẹm, bên này sông nhìn sang bên kia sông là thành phố Phong Điền, tuy gần mà xa vì có ông Quân cảnh 202 đứng tựa đầu cầu nên chẳng có một anh lính áo trận rằn rì nào sang được bên kia sông bằng lối đi qua cầu. Cách xa cái đầu cầu chỗ ông QC 202 đứng, không biết có chàng nào gọi đò để sang sông thì tôi không biết chứ tôi và Hương thì đành chịu, mang máy cho ĐB. thì an toàn hơn những anh lính tác chiến, nhưng đã là lính ATV mà đòi ham vui chắc là không có chúng tôi, làm ATV cho thầy, chức vụ của thầy càng cao thì cái sự ham vui càng khó thực hiện.
Bộ chỉ huy LĐ 258/TQLC tạm đóng quân qua đêm tại một căn nhà có cái sân trước rộng thênh thang, trồng nhiều cây cao, cũng nhờ những cây cao đó anh em chúng tôi mắc vỏng làm giường. Vùng đất Phong Điền mà khắp cùng nơi nơi là đất sét, đất nhão nhẹt khi mưa dầm, mưa dai làm ướt đất, rồi đất trở thành sình bùn trơn trợt, mỗi khi chúng tôi bước chân đi là đất sét bám chặt vào đôi giày “Saut”, càng đi nhiều thì càng mang theo nhiều đất sét lên cao hơn mắt cá, càng dẫm lên, khối bùn bám nhiều thêm tưởng chừng không thể nhấc chân lên được. Một điều mà tôi nhớ hoài, nhớ mãi không quên là khi đi ngủ, trèo lên được chiếc võng rồi sau khi an vị với đôi chân còn đông đưa mang theo đôi giày dính đất sét, nặng hơn 2 ký lô và khi tháo được đôi giày ra, bỏ nó xuống là cả một công trình đáng được ghi nhớ chuyện lính “tháo giày” thời chiến so với chuyện thầy giáo tháo giầy, “mất dạy” thời XHCN.
Giấc ngủ đến thật nhanh, giấc ngủ thật ngon lành, giấc ngủ quên trời, quên đất sau một ngày di chuyển từ Sài Gòn, chịu nằng, dầm mưa xuống tận nơi đây vùng đất “Miệt Thứ” để tờ mờ sáng ngày hôm sau lệnh di chuyển bằng tàu Hải Quân vùng 4 sông ngòi, di chuyển đến xã Đông Hưng thuộc U Minh Thượng.
Ngày 6 tháng 11 năm 1969, LĐ 258/TQLC gồm có TĐ 4 và TĐ6/TQLC, pháo đội 105 ly/TQLC, phối hợp cùng lực lượng đặc nhiệm thủy bộ 211 và không quân vùng 4 đã có 1 trận “kịch chiến” với tiểu đoàn Tây Đô Việt Cộng. Sau 2 ngày đêm chiến trận tiểu đoàn Tây Đô đã bị lực lượng Đặc Nhiệm Thủy Bộ xóa tên .
Sau 2 tháng hành quân vùng U Minh Thượng LĐ258/TQLC rời vùng, chia tay “miệt thứ” để xuất ngoại sang Campuchia, còn tôi thì được đơn vị chọn và gửi đi học khóa xử dụng máy GRC106 quân đội Hoa Kỳ vừa cung cấp tại căn cứ Long Bình.
Khoảng gần cuối năm 1972, tôi đang phục vụ cho BCH/LĐ.147/TQLC đóng quân tại cầu Mỹ Chánh, Quảng Trị, một buổi trưa trong căn lều cá nhân, khi tôi và thằng bạn thân Tr/sĩ 1 Anh tán gẩu chuyện trời trăng, mây nước, chuyện cá nhân, chuyện thiên hạ sự thì có tiếng gọi ơi ới của anh chàng âm thoại viên Hải trên Trung tâm hành quân (TOC/LĐ.147) đi xuống tìm tôi :
– Anh Tiểu Cần ơi, có Tr/úy Hạnh từ BTL/SĐ/HQ tìm anh.
– Ổng ấy đâu?
– Ổng đang ngồi trên trung tâm hành quân.
Tôi vội vàng đi theo Hải mà trong lòng không khỏi hoang mang, ai vậy nè? Bên Truyền Tin chắc chắn không có Tr/Úy Hạnh, còn ở BTL dĩ nhiên tôi không biết ai, càng thắc mắc càng không có câu trả lời. Vào đến TOC thì gặp ngay ông Tr/Úy Hạnh, sau khi tôi dơ tay chào kính theo quân cách, ông đưa tay bắt và tự giới thiệu sau đó ông vừa nói cũng như vừa ra lệnh:
– Chú có 15 phút thu dọn quân dụng rồi ra bãi đáp trực thăng gặp tôi ở đó.
– Dạ, tôi sẽ gặp Tr/U ngoài bãi đáp.
Tôi vội vã chạy nhanh về lều cá nhân thu gom gia tài của lính, chỉ đủ thời gian nói lời chia tay với Tr/s 1 Anh rồi chạy ra chỗ hẹn. Ngồi trên trực thăng bay dọc theo quốc lộ trực chỉ Hương Điền mà lòng tôi nửa lo, nửa thắc mắc, cuộc đời quân ngũ tất cả mọi thứ đều đến và đi không được quyền biết trước “Thi hành trước khiếu nại sau”, hơn nữa là lính Mũ Xanh phải nhanh, gọn, luôn luôn sẵn sàng trong mọi tình huống, chấp nhận thương đau mới xứng danh người lính Cọp Biển, đó là bài học đầu đời khi mới bước vào ngưởng cửa Trung tâm huấn luyện Yết Kiều Thủ Đức. Nghĩ vậy nên tôi tìm đựơc bình tĩnh, đi đâu, đến đâu rồi lính vẫn là lính, miễn sao là lính Mũ Xanh mà tôi yêu thích từ khi mới tập tễnh vào đời.
Tháng 4 năm 1975, thời gian qua nhanh, mới đó hơn 2 năm từ ngày rời khỏi LĐ147, chia tay Tr/sĩ 1 Anh tôi đã là một ATV cho Tư Lệnh SĐ/TQLC hơn 2 năm. Chiến trận càng ngày càng khốc liệt, vị Tư Lệnh hiện diện ngay tại địa đầu giới tuyến, “Văn phòng BTL” cũng là “tư dinh”, là một căn hầm bao cát nhiều lớp, dù cho tiện nghi có khác bao nhiêu với hầm bao cát của lính nhưng nó vẫn là căn hầm ngoài tiền tuyến, không phải là “Dinh tư lệnh” ở hậu phương như các vị khác nên ông đến “thăm” các đơn vị trực thuộc mỗi ngày. Bất cứ nơi nào có dấu chân TL đến và đi thăm các đơn vị là có tôi.
Ngồi viết lại ký ức này tôi luôn luôn hãnh diện là một người lính mẫu mực trong Quân Đội nói chung, một Cọp Biển Mũ Xanh nói riêng, đem tất cả tâm huyết cùng sự hiểu biết và kinh nghiệm để làm tròn nhiệm vụ một ATV cho Tư Lệnh. Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ giao phó bằng nghiệp vụ mà Quân Đội đã tốn không biết bao nhiêu cơm gạo đào tạo cho tôi.
Sáng 30 tháng 4 năm 1975, tất cả đã đi hết rồi, những người lính cận kề bên TL, người lo cơm nước, người phục vụ cá nhân, người cận vệ, chính tôi là người mang máy PRC25 theo trực thăng đưa họ về căn cứ Sóng Thần vào ngày 29 tháng 4 năm 1975, bởi bên cạnh cấp Chỉ huy và đồng đội, những người Quân nhân ấy còn có gia đình, còn vợ con nên các anh ấy đã được Tư Lệnh cho quyền tự quyết định. Ngoài Đại úy Nguyễn quang Đan, chánh văn phòng TL, Trung úy Tạ Hạnh tùy viên, là 2 Sĩ quan luôn luôn sát cánh bên Ông thì còn có tôi, người lính ATV độc thân nên quyết định chọn lựa đi theo Tư Lệnh dù không biết sẽ đi đâu ?
Sáng sớm hôm đó, tôi còn nhớ như in, Đại Dương, Đại Úy Nguyễn Quang Đan, chánh văn phòng Tư Lệnh đưa cho tôi một số tiền và bảo:
– Tiểu Cần, chú đi chợ mua vài thức ăn để lo cơm cho TL hôm nay .
– Trời ….
Tôi kêu thầm nhưng vẫn đưa tay nhận số tiền và lên xe đi thẳng ra chợ Vũng Tàu. Trên đường đi tôi miên man thầm nghĩ và lo lắng, tôi chỉ là một ATV không hơn không kém, còn chuyện nấu nướng này có vẽ lạc tông xa tít rồi, đành rằng tôi cũng có nấu nướng nhưng tôi nấu cho tôi ăn, ngon hay dở cũng mình tôi mà thôi, đàng này hôm nay tôi sẽ nấu cho TL ăn ! Chuyện khó tin nhưng có thật, một vị TL nghiêm nghị ít nói, hiếm cười, mà cả thời gian hơn 2 năm làm việc cận kề bên ông không được thân thiện lắm thì thử hỏi làm sao tránh khỏi sự lo lắng trong đầu. Thôi thì một liều hai củng phải liều “Lính mũ xanh trở ngại nào cũng vượt qua”, tất cả bằng một tấm lòng. Tôi chọn mua một con gà cỡ trung, một củ gừng “Gà kho gừng” thì tuyệt lắm đây, chỉ là ý nghĩ thôi, còn nấu có tuyệt hay không thì hãy chờ xem. Tôi mua thêm vài trái dưa leo và một bó rau muống “Người Bắc thích rau muống” tôi nghĩ vậy.
10h 55 sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, trong lúc đang trông nồi thịt gà kho gừng sắp sửa xong thì Đại Dương từ văn phòng TL chạy xuống gọi tôi :
– Tiểu Cần mang máy ra trực thăng ngay, Tổng Thống ban lệnh đầu hàng rồi.
– Nhận Đại Dương 5/5, tôi sẽ ra ngay.
Mang chiếc máy PRC25 lên lưng, khẩu tiểu liên Tiệp Khắc vào hông, tôi còn đang phân vân không biết mang cái gì giữa nồi thịt gà kho gừng hay chiếc ba lô cá nhân ? Trong lúc thời gian khẩn cấp, “Bên trọng, bên khinh” làm sao đây ?
– Quyết định ngay đi Tiểu Cần ơi, mi không có thời gian nữa…
Quý đọc giả có đóan được là tôi chọn món nào không ?
Thưa nồi thịt gà kho gừng, còn gia tài của một người lính tôi bỏ lại.
Thật tình mà nói, sau 37 năm ngồi đây ghi lại nhưng ký ức này tôi cũng không hiểu tại sao tôi chọn nồi thịt gà kho gừng, nếu bảo rằng tôi cố tình khoe cái tài nấu nướng của mình thì hoàn toàn sai vì đó không phải là cái nghề chính, cuộc đời người lính chiếc ba lô là cả một gia tài. Trong lúc tranh sáng, tranh tối chỉ phản ứng theo sự nhạy cảm, có thể trong cái nhạy cảm đó bắt nguồn từ sáng sớm chuyện nấu cơm cho TL mà đây là lần đầu cũng là lần cuối nên tôi đả bỏ quên cái gia tài của tôi.
Khoảng 2 giờ trưa, tàu đang lênh đênh ngoài cửa biển Vũng Tàu, thấy TL ngồi bó gối vẻ mặt buồn hắt hiu hướng nhìn vào đất liền, tôi đến gần khẽ hỏi :
– Thưa Tư Lệnh có đói không ?
Tư Lệnh vẫn nhìn ra biển khơi, không thèm quay lại nhìn tôi mà vẫn im lặng, chúng tôi cùng buồn, tuy nỗi buồn của mội ngừơi có khác nhau. Tôi đứng lặng yên bên cạnh ông, không dám hé môi, ngước mắt lên trời xanh, những con chim hải âu đang đảo lên đảo xuống, tôi ước gì đó là những cánh chim sắt dội bom lên đầu địch… tôi nhận lệnh và truyền lệnh của Tư Lệnh đến các đơn vị… Tôi đang thả hồn về quá khứ.. chợt giật mình dù tiếng hỏi như nghẹn trong cổ họng :
– Thế chú có gì ăn không ?
– Dạ, tôi có nồi thịt gà kho gừng, để tôi đi xin Hải Quân một ít cơm..
Đời tỵ nạn.
Trong căn lều dã chiến của trại tỵ nạn PENDLETON California, chỉ có Ông và tôi, hai người lính thất trận trong nghiệt ngã, phải làm kiếp lưu vong, một trung niên 43 tuổi, một thanh niên 25 tuổi nằm trên chiếc ghế bố, cách nhau chừng 3 Feet tuy gần mà xa, vì kỷ luật của Quân Đội hãy còn trong máu, trong tim của tôi đâu dễ gì một ngày, một buổi xóa tan tuy rằng hiện tại ông không còn là Tướng, là TL nữa, nhưng đối với tôi, nét hào quang một vị TL của một Binh chủng hào hùng bách chiến bách thắng mà không biết bao nhiêu xương máu của những Cọp Biển anh hùng dựng nên cái hào quang đó, cho nên dù ở đâu, thời gian nào tôi luôn luôn kính trọng như đang kính trọng các Anh, những chiến sĩ “Vị Quốc vong thân”. Ngày ngày thầy trò chúng tôi trao đổi với nhau không quá mười lời, Ông theo đuổi ý nghĩ có trong Ông, còn tôi theo đuổi ý nghĩ riêng tư của tôi. Với tôi, niềm thương nỗi nhớ quê hương, cha mẹ, người em trai, và thấm thía hơn nữa đồng đội, là chiến hữu của tôi ! Mới ngày nào còn chung bước quân hành nay kẻ một nơi người một ngã, nước mất nhà tan, đau lòng hồn thiêng sông núi…
Trung tuần tháng 6 năm 1975, Tư Lệnh được xuất trại tỵ nạn vì có người bảo lãnh, Ông gọi tôi lại ngồi gần ông và ông nhìn thẳng vào mắt tôi :
– Chú có biết tại sao tôi luôn luôn nghiêm nghị và ít nói không ?
– Dạ thưa Tư Lệnh không.
– Sư Đoàn của chúng ta trên 15,000 quân nhân, với cương vị chỉ huy tôi phải làm như vậy mà thôi.
Ngưng đôi phút rồi Ông tiếp :
– Chứ thật lòng tôi là con người có nhiều tình cảm sâu thẳm trong tim ít ai biết được.
– Cám ơn Tư Lệnh đã bộc lộ tâm tình với tôi dù thật ngắn gọn nhưng tôi đã hiểu tình cảm của “Ông thầy” từ lâu và sẽ hiểu nhiều thêm nữa mãi mãi về sau.
Ông đặt tay lên vai tôi bóp nhè nhè, đây là lần đầu tiên trong đời ATV bị Tư Lệnh chạm vào người, nhưng không phải trừng phạt mà là có ý truyền thêm can đảm cho tôi. Ngần ngừ giây lâu như có điều khó nói và cuối cùng Ông nhỏ nhẹ :
– Chút nữa đây, tôi sẻ rời khỏi nơi này, trước sau gì chúng ta cũng đều phải như thế, chú ở lại, anh sẽ cố gắng tìm người bảo trợ cho chú hay chính chú có người nhận bảo trợ thì nhận ngay để ra khỏi những căn lều tù túng này càng sớm càng tốt và sau này sẽ tìm cách liên lạc với nhau.
– Thưa TL tôi sẽ cố gắng tìm cách liên lạc khi ổn định ngoài kia.
– Chú giữ chiếc đồng hồ này (TL cởi ra từ trên tay) tôi tặng chú để làm kỷ niệm tình thầy trò và 100 Dollars phòng khi hữu sự.
– Cám ơn TL, kính chúc Thầy đi bình yên và đoàn tụ với gia đình.
Trưa hôm đó TL đi rồi chỉ còn lại một mình tôi trong căn liều dã chiến, cái cô đơn lạc lõng tưởng chừng như trên hành tinh này chỉ có một mình tôi trơ trọi. Ngồi thừ trên chiếc ghế bố, hai tay áp lên thái dương, mắt mở lớn mà tôi chẳng trông thấy gì ngoài màn sương nước mắt và vải lều màu xám xịt. Trong lúc này tôi thấy nhớ đến các anh, những Đồng đội, Chiến hữu của tôi, vì tôi đang lẻ loi một mình.
Tiểu Cần Nguyễn Thế Thụy
No comments:
Post a Comment