Sunday, September 12, 2021

. Chuyến Bay Cuối Cùng Phi Đoàn A-37

 


 

Ngày 28 tháng tư 1975, sau bữa cơm chiều vội vã ở một câu lạc bộ gần khu gia binh TSN, tôi trở về ụ đậu phi cơ đầu phi đạo 07 phải nơi tạm trú ba phi đoàn 524, 534, 548 di tản về từ căn cứ Phan Rang, bước xuống xe tôi thấy các nhân viên phi đạo đang bận rộn kéo các A37 trang bị đầy bom đạn từ trong vòm trú ẩn ra đậu hàng ngang dài phía trước cách ụ năm chục bộ Anh (50 Feet). Tôi bước đến hỏi Trưởng phi đạo tại sao dời phi cơ ra khỏi ụ? Anh ta trả lời theo lệnh Trung tá Kỹ thuật và Bộ Chỉ Huy Hành Quân. Tôi vào phòng trong ụ, nhắc điện thoại gọi Trung tâm hành quân, thì sĩ quan trực cho biết hình như lệnh của Bộ Tư Lệnh KQ hay Bộ Tổng Tham Mưu gì đó, tôi phát cáu, giũa anh một câu: Anh là Sĩ quan trực mà không biết lệnh lạc rõ ràng là như thế nào ? Anh có biết hồi chiều phi đạo 07 bị dội bom không ? Anh ta cầu hòa trả lời: Thưa thiếu tá, em thấy cũng vô lý thật, nhưng lệnh trên đưa xuống, em phải thi hành, nếu Thiếu tá muốn bìết rõ thì hỏi Đại tá Ước. Tôi cúp phôn rồi bấm số Đại tá Ước nhưng không có ở phòng giấy. 

Tôi ra lại bãi đậu, nói với Trưởng phi đạo di chuyển phi cơ trở lại vòm trú ẩn, nhưng anh nói: Thiếu tá nói với xếp em, em mới thi hành được. Tôi gọi điện thoại cũng không ai trả lời. Đang đứng phân vân suy nghĩ, làm cách nào để liên lạc được môt vị có thẩm quyền hỏi cho ra lẽ lệnh của ai để yêu cầu di chuyển phi cơ về vị trí cũ. Sơn “húc” tiếc nuối vừa nói vừa chỉ tay bên kia hàng rào kẽm gai: “Đêm qua Thiếu tá đừng cản em thì đám CS Võ Đông Giang đã ra người thiên cổ rồi, còn đâu mà cho kế hoạch để đám thằng Trung mang A37 từ Phan Rang về bỏ bom TSN hôm nay!”.

Đêm 27 tháng tư tôi tập họp tất cả hoa tiêu 524 ăn tối ở câu lạc bộ gần trung tâm Truyền Tin điện tử, Sơn lên sân khấu bỏ túi cầm microphone và đề nghị tôi về lấy phi cơ bỏ bom Camp Davis nơi đồn trú các phe quân sự bốn bên, thật ra lúc đó chỉ còn độc nhất một bên là CS Bắc Việt mà thôi. Tôi chạy nhanh lên kéo Sơn xuống vỗ vai nói: 

Chuyện đâu còn đó, từ từ rồi tính!”. 

Sơn vùng vằng kéo tay tôi ra vừa khóc vừa nói: 

Không còn thì giờ nữa đâu Anh Tư ơi! Sau này Anh sẽ tiếc!”. 

Bây giờ đứng nhìn một hàng dài A37 bom đạn xăng nhớt đây đủ im lìm chờ đợi; một ý nghĩ thoáng qua trong đầu tôi hay là nói Sơn vào lấy nón bay đi số hai cùng tôi cất cánh hai A37 lên thanh toán mục tiêu Camp Davis xong dọt đi Utapao.

Chuyện đánh trúng cái barrack đó tôi tin tưởng Sơn và tôi lượm một cách dễ dàng như những phi vụ bay đêm tự do lượm công voa chở tiếp liệu của Bắc Việt trên đường mòn phía nam Pleime tháng 9 năm 1972. Tuy nhiên ở địa vị Trưởng phòng Hành quân tôi có nên làm không? Những trái bom 250 cân Anh vừa nổ chiều nay trên phi đạo TSN giờ lại nổ cạnh Bộ Tư Lệnh KQ? Sau đó chúng tôi sẽ dọt đi để lại mấy chục anh em phân vân xáo trộn nằm trực trong nhà vòm cuối phi đạo! Chưa kể đến ngàn ngàn chiến hữu và gia đình đang đồn trú trong căn cứ TSN. Tôi gọi Sơn lên xe chạy đi tìm Đại Tá Thảo và Trung Tá Cả. Hết câu lạc bộ Mây Bốn Phương đến các quán cơm trong khu gia binh cũng không thấy các vị đó ở đâu. Tôi đành quay trở lại biệt đội.

Sơn nhảy nhanh xuống xe chạy vào biệt đội xách hai cái nón bay ra, giục tôi vào xách dù ra phi cơ. Tôi đứng lặng nhìn Sơn lắc đầu vừa nói: 

Không thể trút bom xuống Camp Davis được! Hành động này chỉ ăn miếng trả miếng cho hả giận chứ có lợi lộc gì đâu?”

Bước vào phòng hành quân phi đoàn nhìn thấy anh em tụm năm tụm ba rầm rì những biến cố xảy ra mấy ngày qua; nào việc di tản bên DAO, những chuyến C130 bên hậu trạm, đám anh em Đà Nẵng kẹt lại bị thằng Trung ép ngồi ghế trái có phi công Mig ghế mặt canh chừng oanh kích phi đạo TSN chiều nay. 

Thấy Trung tá Khôi đang đứng nói chuyện với Tuấn cuối góc phòng, tôi xáp lại hỏi: 

Trung tá có biết Đại tá Thảo ở đâu không?”.  

Anh trả lời: “Có lẽ Ông đi ăn tối với Cả và Thi chưa về”. 

Tôi hỏi Khôi: 

“Anh có biết tại sao tất cả phi cơ kéo ra khỏi ụ không?”. 

Khôi trả lời,

 “đâu có biết, chắc phải có lệnh trên, kỹ thuật mới di chuyển”. 

Nhưng phi cơ trang bị bom đạn, xăng nhớt đầy đủ đậu sát cánh nhau như thế có phần không ổn cho lắm. Sơn mang dù xách nón bay tới: 

“Sơn đi một mình nghe Anh Tư”. 

Tôi nực lên quát: “Không thể được Sơn ơi, có lên thì lên tất cả”. 

Trung tá Khôi nhìn tôi rồi hỏi: “Mục tiêu nào vậy?”. 

Khôi vừa nói vừa vỗ vai Sơn đừng nóng, hiện tình chưa đủ căng thẳng sao bạn?

Tôi tự hào trong hàng ngũ phi công khu trục Không Lực Việt Nam Cọng hòa nhất là Không đoàn 92 có PĐ 524, 534, 548; cho đến giờ phút này 22:18 tối 28 tháng tư 1975 tất cả phi công đều có mặt ứng chiến đầy đủ không thiếu một ai. Ngoại trừ Thiếu tá Chấn, Thiếu tá Liễn, Trung tá Thi và Thiếu tá Tứ, bay bốn A37 , hai trang bị bom nổ 500 lbs, hai trang bị CBU, ra căn cứ Phan Rang phá hủy phi đạo và Bộ Chỉ Huy đang chiếm đóng hầu tránh CS có thể kế hoạch lần thứ hai oanh kích TSN.

Suốt đêm tất cả anh em ba phi đoàn chờ đợi điều động cất cánh nhưng tuyệt nhiên không một tiếng chuông điên thoại reo, không khí oi bức ngột ngạc; mọi người mệt mỏi suốt ngày bao nhiêu xáo trộn xảy ra, nào đưa gia đình di tản ngoài hậu trạm, nào phi cơ đám Nguyễn thành Trung mang từ Đà Nẵng vào Phan Rang lấy nhiên liệu lên bom đạn về oanh kích phi đạo TSN, không cho các phi cơ có đường bay di tản.

Nửa đêm tôi lả người thiếp đi lúc nào không hay. Đến khi nghe tiếng còi hụ báo động liên hồi. Tôi chụp điện thoại hot line phòng hành quân chiến cuộc được biết có pháo kích; tôi hỏi cần phi tuần khẩn không? Sĩ quan trực trả lời chưa có tọa độ. Rồi chúng tôi nghe tiếng nổ lớn đàng trước ụ bên cạnh. Tiếng hét Trung tá Cả: Tất cả ra sau ụ nhanh lên. 

Trời tờ mờ sáng, liếc nhìn đồng hồ gần ba giờ sáng 29 tháng tư. Những trái pháo kích đầu nghe từ phía trái lần lượt gần lại và cuối cùng trúng một phi cơ, sau đó tiếng nổ ầm ầm liên tục trong màn lửa ngợp một góc phi trường. Mười mấy năm thả bom đây là lần đầu nghe bom đạn nổ; chát chúa dây chuyền, phi cơ bốc cháy theo. 

Sơn khều vai tôi: “Anh Tư thấy chưa, chúng nó điều chỉnh pháo kích từ Camp Davis”. 

Ngồi bịt tai chịu trận đàng sau bức tường dài cao hơn mười thước Anh. Tôi nôn nóng lom khom đến cuối bức tường ló mặt ra nhìn phía trước bãi đậu, một cảnh tượng hoang tàn đang hủy diệt trước mắt, hơn năm chục chiếc A37 đang bốc cháy khói lửa ngút ngàn. Tôi quay trở lại tựa lưng vào tường sắt lạnh, đầu óc chùn lại. Những cánh thép A37 là huyết mạch của ba phi đoàn khu trục Phan Rang. Giờ đây hơn trăm phi công chiến đấu bằng tay không ư? Thế là hết! Cuộc chiến bên ta đã lâm vào ngõ cụt. Hèn gì cả đêm hôm qua không có một phi tuần nào được điều động cả. 

Trung tá Khôi và Cả hỏi Đại tá Thảo: 

“Giờ tính sao sư phụ?”. 

Không đoàn trưởng trả lời: 

“Đợi sáng hết pháo kích di chuyển anh em về Bộ Tư Lệnh Không Đoàn 33 rồi tính!”. 

5 giờ 40 sáng, vẫn còn những trái pháo kích rớt rãi rác khắp phi trường. Chúng tôi vẫn ngồi tựa lưng bức tường sau ụ, hướng về phía bắc. Có mấy chiếc vận tải và U17 cất cánh quẹo trái phía Gò Vấp để lấy hướng tây đi Bình Thủy hay Utapao? Phòng không xịt lên liên tục. Một chiếc AC119 trúng cao xạ gãy làm đôi trước mắt chúng tôi. Cảnh tượng thật bàng hoàng, anh em nhìn thấy lắc đầu bùi ngùi cho số phận những người có mặt trên tàu định mệnh đó. 

Sáu giờ mười lăm, mặt trời ló dạng. Đạn pháo thưa dần. Chiếc pick up và chiếc shuttle bus phòng dù xà tới bên hông phải ụ cuối. Tiếng Đại tá Thảo: “Mọi người lên xe”, nhanh như chớp tất cả chen lên đầy hai chiếc van. Trực chỉ Bộ chỉ huy Không đoàn 33. Đến nơi Đại tá Thảo xuống xe đi vội vào cửa, vài phút sau chạy ra; nhảy lên xe tiếp tục chạy về Bộ Tư Lệnh. Đến nơi các phòng vắng lặng không còn ai cả. Dọt trở lại sân cờ Không Đoàn 33 Đại tá Thảo tuyên bố tạm thời tan hàng, anh em rán tìm lấy phương tiện di tản.

Mọi người xuống xe nhưng chạy về đâu bây giờ? Tan hàng. Nghe thảm thiết quá. Một trong những đơn vị chiến đấu kiên cường nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, giờ đang bị bó tay, tước đoạt phương tiện duy nhất để chiến đấu. 

Lệnh ai sắp hàng ngang trên năm chục chiếc A37 cánh liền cánh, xăng nhớt, bom đạn trang bị đầy đủ để hủy diệt? Nếu không cho chúng tôi chiến đấu thì cũng để chúng tôi có phương tiện ra khỏi vòng đai đang bủa quanh phi trường chứ ?!!! Chúng tôi đâu có nản chí đầu hàng? Chúng tôi đâu có rã ngũ ? Cho đến sáng 29 tháng 4 tất cả phi công khu trục Không Đoàn 92 đều có mặt, từ Không Đoàn Trưởng trở xuống, không thiếu một ai! 

Nếu có ý đồ đào ngũ chúng tôi đã theo lời mời của vị Đaị úy Trưởng phi cơ C130 của Không Quân Hoa Kỳ hôm 23 tháng tư ngày tiễn vợ con lên phi cơ di tản. Lúc bước ra khỏi ramp, anh ta nói: “Why don’t you stay with us?”. 

Tôi cười và trả lời: “Cám ơn đề nghị của anh. Tôi phải ở lại chiến đấu”. 

Anh ta lắc đầu và nói cho tôi vừa đủ nghe: “War is over!”. 

XIN BẤM "READ MORE" ĐỂ ĐỌC TIẾP 

 

 


Tôi vẫy tay chào mọi người rồi lên xe chạy về phòng Hành quân gần đầu phi đạo 07R. Đang đứng tần ngần chưa biết đi đâu thì Lê Vàng xà tới chiếc lambretta giục tôi lên xe, vừa chạy Vàng vừa nói cứ chạy khắp parking thấy tàu nào nổ máy thì nhảy lên đi theo chứ ở đây chịu trận sao? Chạy ngược chạy xuôi thấy được chiếc C 47 trên đường vội vã tiến về đầu phi đạo 07, Vàng tống ga đuổi theo nhưng thấy phi cơ taxi càng nhanh không có vẻ ngừng lại bốc mình, vả lại nhìn qua các khung cửa nhỏ thấy lúc nhúc chật cả tàu. Vàng quay xe trở lại. Chạy qua bãi tha ma A37 của chúng tôi, quá thảm não, không muốn nhìn. Camp Davis bên tay mặt làm tôi sôi máu, giá nghe Sơn đêm qua không chừng tình thế có thể khá hơn hôm nay? Ít ra cũng hả giận và còn ít phi cơ để anh em get out! 

Trong quân ngũ nhiều khi tuân thủ kỷ luật quá cũng không chắc là đúng mà còn tai hại đến đồng đội. Giây phút suy tư qua lẹ khi Vàng lắc xe vào bên trong chưởi thề: “Nó muốn cất cánh ngược chiều trên taxi way”. 

Tôi đưa tay vẫy vẫy, chiếc L19 cắt ga quay trở lại, Vàng xà xe vào nhìn lên phi cơ thấy có hai người, phi công ngoắc tay gọi lên. Vàng lắc đầu nói với tôi: “Cậu lên đi”. Tôi rời yên xe nhảy lên lom khom chung ghế với người ngồi phía sau. Vàng tống ga dọt mất. Pilot lại cất cánh cũng trên taxi way nhưng lần này đúng hướng. Tôi khom người trên đầu hoa tiêu. Phi cơ lên gần cuối phi đạo bắt đầu quẹo trái phía bắc Gò Vấp. 

Tôi la lên: “Quẹo mặt, quẹo mặt, quẹo về phía Sài Gòn. Vì sáng nay tôi chứng kiến phòng không bắn lên từ hướng đó. ” May quá Thiếu tá!”, Hoa tiêu trả lời nhưng vẫn quẹo theo ý tôi. Tôi bảo lấy cao độ chui mây hướng 240 độ. Anh ta nói không biết bay phi cụ. “Anh bay tôi nhìn phi cụ”, tôi trả lời. Lên năm ngàn bộ ánh sáng chan hòa. Hoa tiêu bình phi. Trời thủ đô hôm nay mây mù phủ kín như báo hiệu một cơn bỉ cực bắt đâu giáng xuống cho miền Nam thân yêu.

Tôi hỏi anh định đi đâu. Anh nói: 

Không biết nên đi đâu Thiếu tá”

Rồi anh ta tiếp, anh vừa ra trường bay Nha Trang về phi đoàn chưa được xác định hành quân, người chung ghế phía sau với Thiếu tá là em ruột của em 16 tuổi. Tôi quay qua nhìn hành khách trẻ xúng xích trong chiếc áo bay quá cỡ có lẽ của anh đưa cho mặc. Tôi nói có hai nơi chúng ta có thể đến là Bình Thủy, Sư đòan 4 KQ hay Côn Sơn nơi tập trung di tản bằng đường thủy. Thiếu tá quyết định đi đâu thì em đến đó. Tôi nghĩ đi Cần Thơ hơn vì ở đỏ còn ba phi đoàn A37, bên căn cứ Trà Nóc còn có mấy phi đoàn trực thăng. Tôi nói anh cứ giữ cấp 240 đi Cần Thơ. Mười lăm phút sau Tân An trước mặt, bầu trời quang đãng không một cụm mây; nguyên miền Nam trải dài dưới cánh bạc, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng… miền đất trù phú, ruộng vườn xanh ngát, sông lạch hiền hoà không lẽ rồi đây một sớm một chiều thay tên đổi họ?

Năm mươi phút bay, sông Bassat hiện trước mặt tôi nói với hoa tiêu qua tầng số Bình Thủy xin chỉ thị đáp. Sau khi nhận đầy đủ chi tiết, chàng phi công vào chiều gió xuôi rồi quẹo phải 180 độ vào cận tiến chỉnh mũi phi cơ thẳng phi đạo, chiếc L19 từ từ xuống thấp cuối cùng lướt nhẹ trên đường bay. Chạy đến giữa, đài kiểm soát cho lệnh đổi qua tần số dưới đất, và được lệnh taxi theo chiếc pick-up xanh Follow Me về bãi đậu gần cổng vào phi trường. 

Chúng tôi lần lượt xuống phi cơ; thì một xe jeep Quân Cảnh chạy tới; người Trung sĩ này ngày trước đóng ở Nha Trang tôi và anh ta quen nhau; anh chào tôi rồi nói: 

“Thưa Thiếu tá, lệnh Ông Tướng tất cả phi cơ các nơi về, đậu tại đây; đổ xăng nhớt đầy đủ và chỉ được cất cánh khi có phi trình của Hành quân Chiến cuộc”. 

Rồi anh kể cho tôi nghe sáng nay mấy Ông Khu trục AD5 và AD6 làm náo động cả phi trường. Tôi hỏi anh ta có xe cho chúng tôi mượn đi ăn trưa, đói bụng quá. Anh bảo tôi vào trạm gác anh sẽ kiếm cho tôi phương tiện. Năm phút sau anh chạy đến một chiếc jeep và nói với tôi một tiếng rưởi phải trả lại xe. Tôi trả lời cám ơn nhiều lắm và hứa về đúng giờ. Tôi hỏi tinh hình Cần Thơ. Anh nói vẫn còn yên nhưng không nên đi xa quá. Sau khi ra dấu cho hai bạn đồng hành về từ TSN lên xe, tôi lái ra cổng chạy được một đoạn đường nhìn thấy có quán ăn hai bên, tôi ngừng lại nhìn quanh có vẻ tốt. Trong quán một vài bàn có mấy quân nhân trang phục Không quân ăn trưa trễ đang ngồi nói chuyện. Chúng tôi chọn một bàn góc trái . Sau khi gọi ba dĩa cơm tấm sườn đặc biệt có hai trứng ốp la và ba ly trà đá lớn. Tôi nói với chàng pilot L19, Cần Thơ có vẻ còn yên nhưng tình hình mỗi lúc mỗi thay đổi rất lẹ; tuy nhiên đến đây là tốt rồi. Ăn xong vào phi trường tôi sẽ bàn với anh chương trình kế tiếp chúng ta sẽ làm gì. Chúng tôi ngốn ngáo đĩa cơm nóng hổi, hai miếng sườn cốt lét nướng vàng và trứng gà thơm phức mùi bơ; nốc hết nửa ly trà đá, như chưa bao giờ được ăn ngon như vậy, có lẽ để quá đói và mấy hôm ở TSN đầu óc căng thẳng ăn uống bất thường, thêm vào đó cơm tấm sườn nướng Cần Thơ có tiếng ngon nhất nước.

Xong bữa ăn trưa chúng tôi trở lại căn cứ. Vào trạm Quân Cảnh trả xe, bắt tay cám ơn và đưa cho anh bạn Không đoàn 62 ngày trước cây thuốc Salem đầu lọc tôi hỏi mua lúc trả tiền ở quán nhậu. Anh ta cười và nói:

 “Thiếu tá khách sáo quá làm em tổn thọ sớm”. 

Tôi vỗ vai anh: “Hân hạnh cho ta có người bạn tốt như anh!”.

Ba chúng tôi bách bộ về Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn. Qua bãi đậu phi đoàn quan sát; tôi đứng lại hỏi người phi công L19: “Anh có bản đồ miền Nam không?”

Anh ta rút trong túi dưới bên mặt ra một tấm tỉ lệ 500000 và nói: 

“Tấm này được không Thiếu tá?”. 

Tôi trải ra trên nền xi măng và nói: 

“Nếu chúng ta còn gặp nhau thì không có gì trở ngại; nhưng lỡ không gặp nhau lại thì anh nhớ là cất cánh Bình Thủy lấy cấp 300 độ trực chỉ Utapao, trời tháng này tốt; anh cứ ôm theo bờ biển ba tiếng sau sẽ thấy phi đạo lớn, chính đó Utapao”. 

“Em không nói được tiếng Anh Thiếu tá”, viên Thiếu úy cắt ngang tôi. 

“Cần gì liên lạc với đài không lưu, anh quan sát cờ gió hoặc nhìn phi cơ đáp hoặc cất cánh là biết phi đạo đang xử dụng, xong bay vào trên ngàn bộ lắc cánh, đài sẽ biết vô tuyến hư họ sẽ chớp đèn xanh cho anh ưu tiên vào đáp”. 

Anh có thắc mắc gì nữa không?, tôi hỏi . Anh lắc đầu và xếp bản đồ bỏ lại túi. Tôi nói bây giờ chúng ta lên trình diện Tướng Tần. Anh ta xin phép ghé vào phi đoàn quan sát tìm gặp mấy người bạn cùng khóa về đây mấy tháng trước. Tôi bắt tay anh nói cám ơn, hy vọng chúng ta gặp lại.

Bước vào cửa lớn Bộ Tư Lệnh SĐ4KQ, gặp Nhân PĐ534, anh nói đu theo trực thăng về đây hồi 11 giờ, cũng có ý định vào trình diện ông Tướng. Hai chúng tôi đợi chánh văn phòng ba phút thì được Tướng Tần gọi vào gặp. Ông Tướng hỏi tình hình TSN và Bộ Tư Lệnh KQ xong Người nói:

 “Hai anh xuống gặp Đại Tá Ninh và đưa note này cho ông”. Tướng Tần trao tôi tấm giấy. 

Chúng tôi chào xong đi về Không Đoàn 74 CT, lúc gần đến nơi thì gặp Đại Tá Ninh lái xe vào chỗ đậu. Sau thủ tục chào kính tôi đưa note của Tướng Tần; Đại Tá Ninh hỏi: 

“Khoẻ không Cửu, lâu lắm mới gặp anh”. 

Tôi cám ơn và trả lời vẫn bình thường. Nhớ lại mười năm trước, 1965, lúc đó Đại úy Ninh Biệt đội trưởng Khu trục Phi Hổ ở Pleiku, được giao trọng trách cùng Đại úy Lạc về Không Đoàn 62 CT thành lập Phi Đoàn Thiên Lôi 524. Nguyễn Huy Bỗng, Trần Văn Nghĩa, Hoàng Dự và tôi xung phong rời Cọp Bay 516 về Nha Trang bổ sung quân số. 

Giờ đây mười năm sau, 29 tháng tư 1975, Đại Tá nói: 

“Tốt lắm, hai anh vào giúp tôi PĐ A37”

Đại Tá kéo chúng tôi vào giới thiệu với anh em trẻ 520. Xong ông rời phòng Hành quân. Các hoa tiêu vây quanh tôi và hỏi tình hình Sài Gòn. Tôi thuật lại cho họ nghe những biến chuyển xảy ra mấy ngày qua. Anh em nói cho tôi nghe tâm trạng, bàng hoàng, lo lắng sau mấy hôm khác lạ xảy ra trong các Phi đoàn, nhất là biến động sáng nay trên bầu trời căn cứ. Lệnh Tướng Tần truyền xuống để trấn an quân sĩ. Phi trường Bình Thủy đã xao động càng nghẹt thở thêm. Xe Quân Cảnh tuần tiểu liên miên chạy lòng vòng các bãi đậu phi cơ. Tôi nhìn lên bảng phi lệnh và hỏi suốt ngày chưa có phi tuần nào cất cánh hả? Anh em lắc đầu. Vẻ mặt mọi người chán nản. Không khí có vẻ trầm lặng mang theo sự ngột ngạc nôn nóng. Họ nhìn nhau như muốn nói ra một điều gì trong tâm trí nhưng ai cũng ngại ngùng phát biểu. 

Tôi ngồi xuống ghế và ra dấu cho anh em cũng tìm chỗ an tọa. Rồi bắt đầu lên tiếng: 

“Nói cho anh em rõ, Bộ Tư Lệnh KQ đã bỏ ngõ. Trung tâm Hành Quân KQ cũng không còn hoạt động. Tôi nghĩ giờ này Sài Gòn đã bị CS tiến chiếm rồi. Bắt đầu bây giờ nếu có phi vụ điều động thì anh em phụ trách phi tuần nào cứ cất cánh lên target đánh xong đi thẳng Utapao không quay trở về nữa. Chắc các anh đã biết, từ Binh Thủy đi Utapao hướng 300 rồi chứ gì? Khoảng 45 phút là đến. Anh em nên lấy bản đồ ra kiểm soát lại và ghi các chi tiết, tầng số tower…"  

Các bạn trẻ giờ đây rộn ràng hơn và đi lấy túi check list với bản đồ ra kiểm lại lần cuối. Nhìn họ, nhìn dấu bút ghi chép khoanh tròn lớn căn cứ Hoa Kỳ bên Thái Lan tôi biết họ cũng đã sữa soạn kỹ lưỡng đầy đủ từ trước rồi.

Nãy giờ tôi mãi nói chuyện với các bạn Thần Báo thì Nhân 534 bốc điện thoại gọi tìm mấy người quen ở Cần Thơ. Lát sau Nhân đến bảo tôi mượn xe chở anh ta ra phố cho anh gặp người quen. Tôi nói giờ phút này mà bạn còn luyến tiếc gì nữa. 

“Anh nói dưới này còn yên ổn lắm, tôi đi nửa tiếng sẽ trở về liền”. 

Tôi trả lời: “Đại Tá Ninh căn dặn coi giùm anh em A37, mình đâu bỏ Phi Đoàn đi được?”. Anh đáp ngay: “Tôi đánh cá với bạn đi tới tối về vẫn không có gì xảy ra đâu, Bộ Tư Lệnh, Bộ Tổng Tham Mưu, Trung Tâm HQKQ đã im tiếng còn ai để xin phi vụ yểm trợ ? Vả lại mình đi một chốc thì về chứ có dọt đâu mà lo không hoàn tất trách nhiệm?”. 

Tôi nhìn vẻ mặt ra chiều năn nỉ của anh rồi cũng xiêu lòng. Tôi nói với Sĩ Quan trực mượn chìa khóa xe pick-up đưa Thiếu tá Nhân đi sẽ về ngay. Kéo hộc lấy chìa khóa, viên Thiếu úy trẻ giao cho tôi và nói: Xe đậu bên mặt cửa ra vào.

Lên xe chạy một khoảng đến Phi Trường Trà Nóc, Nhân bảo quẹo vào để anh nhờ mấy bạn Trực thăng đưa ra phố. Tôi định ngừng xe trước phi đoàn cho Nhân xuống xong sẽ dọt về ngay thì anh bạn của Nhân chạy Honda tắp vào và nói: 

“Mày mới xuống hả, tao vừa gặp Đại tá Thảo, Đại tá Ân, Trung tá Cả bên văn phòng Đại tá Bá”. 

Nhân giục tôi: “Mình phải qua trình diện mấy ông chứ?”. 

Tôi nhìn Nhân vừa nói vừa tống ga chạy về Bộ Chỉ Huy Căn cứ: “Trình diện gì nữa, hồi sáng Đại tá Thảo đã tuyên bố tan hàng, tự tìm phương tiện di tản rồi mà?”. 

Gặp được cấp chỉ huy thoát khỏi gọng kềm CS đang siết dần TSN, tôi cũng lấy làm mừng; sẵn dịp cũng nên chào Đại tá Bá xếp cũ mấy năm trước ở Phan Rang. Một chốc bảo Nhân:

 “Tôi phải về Phi đoàn 520, hơn 45 phút rồi”. 

Nhân gật đầu nói: “Gặp lại sau”.

Bảy giờ tối, một Thiếu úy thấy tôi ngồi xem truyền hình đến hỏi: “Ăn gì chưa Thiếu tá?”. 

Tôi lắc đầu, anh đề nghị chở tôi ra quán nhậu trước cổng. Tôi nói : Anh đi ăn tối đi, nếu tiện nhờ anh mua giùm ổ bánh mì gà. Tôi rút ra tờ năm trăm đưa nhưng anh không nhận.

Suốt đêm 29 rạng sáng 30 mọi người không ngủ, thao thức đợi phi vụ. Thỉnh thoảng nghe đại bác nổ và nhiều loạt súng nhỏ nhưng tuyệt nhiên phi trường Bình Thủy vẫn hoạt động bình thường, các ụ parking đèn sáng trưng, các chuyên viên kỹ thuật vẫn cắm cúi sửa tàu, tiếng động cơ A37 thỉnh thoảng nổ đều theo nhịp test của trưởng phi cơ. Tôi đứng nhìn phi đạo trong đêm, nghĩ đến các đầu não chiến đấu đã tự tan hàng, chỉ còn lại vùng bốn lẻ loi chiến đấu được bao lâu? Đạn dược, xăng nhớt, cơ giới… còn lại đủ chống cự không?

Mười giờ sáng đài truyền hình phát sóng các Tướng, Bộ trưởng của chính phủ Big Minh kêu gọi toàn quân bỏ súng rời đơn vị trở về nhà. Hiệu triệu của Tổng Thống “ba ngày” chỉ thị các Binh đoàn, công sở bàn giao tất cả cho “Quân Giải Phóng miền Nam”.

Thế là Căn cứ Bình Thủy cũng tự động tan hàng. Chưa qua mười phút, cảnh rã ngũ xảy ra nhanh đến nổi tôi nhìn ra bãi đậu phi cơ vắng lặng, không còn quân cảnh, không còn chuyên viên kỹ thuật. Tôi rất thán phục anh em A37 Cần Thơ, có nôn nóng nhưng rất trật tự có thể nói là lịch sự. Tôi lên tiếng vì nhu cầu tất cả Hoa Tiêu A37 phải rời Việt Nam, anh em bắt cặp lấy, mỗi phi cơ phải đi được ba người, không dù nón, không hành lý, ngoại trừ Phi Công bay ngồi ghế trái phải đội helmet để liên lạc và tất cả phi cơ bay cao độ maximum 12 ngàn bộ không cần dưỡng khí. 

Tôi là người đầu tiên quăng cái cặp samsonite đựng nhiều kỷ vật qua hàng rào kẽm gai. Thế là anh em lần lượt tự động nhảy lên phi cơ. Một Thiếu úy chạy đến hỏi tôi: 

“Còn vợ em làm sao Thiếu tá?”. 

 Tôi quay qua đẩy anh ta và vợ lên chiếc tàu gần ụ bên đã có phi công ngồi ghế trái.Thấy mọi người đã an vị, không còn ai trên parking, tôi nói với Thiếu tá Danh, chúng ta cũng lên tàu chứ? Khi ngồi trên ghế mới thấy đa số phi cơ bình điện yếu không mở máy được. Tôi bảo Danh nhảy xuống giúp tôi đẩy chiếc APU (Auxiliaire Power Unit) qua cắm vào phi cơ gần nhứt; nhưng loay hoay hoài cũng không làm sao nổ máy “boost” bình điện được.

Nắng miền nam bắt đầu nóng, tôi tự giận mình bay mấy ngàn giờ mà không biết start APU, tệ thật! Kịp lúc đó Thiếu tá Kim, người bạn cùng khóa 63A, Liên Đoàn Trưởng Kỹ Thuật chạy lambretta đến gọi tôi: “Cửu cho “moi” đi với!”. Tôi mừng quá và chụp tay anh: 

“Chắc chắn anh phải đi, start APU dùm coi”. 

Kim đưa hai ngón tay bấm, tiếng nổ dòn APU vang lên, tôi giục Kim và Danh đẩy máy “boost” đến tất cả phi cơ bình yếu cho phi công mở máy. Gần chiếc cuối tôi thấy chỉ có hai người ngồi, Tôi nói Kim lên ngồi ké. Rồi tôi nói với Danh còn chiếc nữa ta có thể lên tàu.

Lúc trở lại phi cơ, tôi ra dấu cho Danh mang dù nón oxygen đầy đủ vì không có ai nữa để cho đi. Vả lại chúng tôi phải lên 25 ngàn bộ để liên lạc trước với Utapao tower. Vừa taxi ra khỏi ụ thì thấy Mậu và một người bạn chạy vespa gọi: “Cửu, cho “moi” đi với!”. Tôi nhìn thấy còn chiếc A37 đậu ụ cạnh. Tôi chỉ cho Mậu và người bạn lên bay chiếc đó. Bấm interphone nói với Danh hy vọng họ không cần APU. Dù sao chúng tôi cũng phải đợi cho họ mở máy taxi ra mới lăn bánh theo.

Khi phi cơ line up đầu phi đạo, nhìn lại căn cứ lần cuối vắng vẻ không thấy một bóng người. Tôi mang tâm trạng bùi ngùi, luyến tiếc phải bỏ ra đi nơi một thời sinh động náo nhìệt. Bao kỷ niệm hiện về, những sáng tinh sương phi tuần nối đuôi nhau rầm rộ bay vào không gian đi chu toàn nhiệm vụ Bảo Quốc Trấn Không, những buổi chiều sầu thảm khi hay tin một cánh chim đã lìa đàn đền nợ nước. Những đêm thức trắng vần vũ trên trời tây cover cho các bạn trực thăng vào kéo đồng đội lên trong thửa ruộng xanh phía bắc phố thị Tân An.

Danh kéo tôi về thực tại: “Cất cánh được chưa Cửu?”. 

Tôi gật đầu ra dấu tống ga 100%. Danh đưa phi cơ lên thẳng đứng. Cao độ kế quay vùn vụt, mấy phút sau phi cơ bình phi 25 ngàn bộ, hướng 300. Tôi lắc cần lái đồng thời qua interphone nói với Danh, tới phiên tôi bay. Danh buông tay để tôi điều khiển phi cơ. Trên tầng số guard tôi nghe được nhiều phi cơ trực thăng “may day” với các chiến hạm Hải quân Mỹ xin xác định tọa độ, hướng bay để vào đáp. Vô tuyến ồn ào như họp chợ. Tôi đưa tay vặn qua tầng số tour Utapao, thì đã nghe anh em bắt đầu liên lạc nhưng không nghe được vì họ phải bay thấp và còn quá xa. 

Tôi xen vào : “Xin các A37 yên lặng!”. 

Tôi bắt đầu gọi đài Utapao báo cáo trong vòng 25 phút nữa, khoảng bốn chục phi cơ A37 xin chỉ thị vào đáp. Utapao Tower: “Welcome Sir, runway 18 headwind 10 miles, vibility 25 miles, altimeter setting 29.92 reporting each flight when ready for landing. Thunder 524 Roger”. Tôi báo lại chi tiết cho anh em, mọi người bấm nút gọi cho biết nhận rõ.

Đến Hà Tiên đánh mấy vòng ngắm phố thị, ruộng vườn. Tôi nói với Danh nhìn quê hương lần cuối đi trước khi qua không phận Cao Miên, chắc phải lâu lắm mới có dịp được thấy lại. Danh mỉm cười: “Anh đang di tản hay bay du hành cross country đây?”. 

Rời không phận Việt Nam, tôi nói Danh cầm cần lái tiếp tục trực chỉ Utapao.

Đến căn cứ Thái Lan sát bờ biển Danh xin chỉ thị đài vào đáp. Danh lướt nhẹ trên phi đạo 18 và để phi cơ chạy đến cuối đường bay thì tower cho tầng số ground, quẹo mặt đã thấy chiếc pick-up Follow-Me đợi sẵn, taxi theo họ đến bãi đậu tạm khoảng trăm feet từ runway thì hai airmen nhảy xuống xe, một ra dấu full stop, tắt máy, một quăng hai khúc gỗ chặn bánh phải. Xong anh ta đến chào tôi rồi đưa giấy bút yêu cầu điền vào tên họ phi hành đoàn, số đuôi phi cơ từ đâu đến cùng lúc đó người lính KQ Hoa Kỳ cầm hộp sơn xì xóa mất lá cờ sau đuôi. Sau đó họ mời chúng tôi xuống tàu lên xe pick-up để họ đưa vào bàn đón tiếp, họ cũng không quên nhắc nhở chúng tôi vì điều luật an ninh căn cứ vũ khí và nón bay được để lại sau thùng xe để chuyển vào kho.

Đến bàn ghi tên họ lần nữa rồi được phát một cái khăn tắm, hộp xà phòng, kem bàn chải đánh răng. Bàn bên cạnh có các thức uống, bánh ngọt. Mấy anh em đến trước đang nhâm nhi cà phê trò chuyện, mỗi người mang một tâm trạng, trên nét mặt đăm chiêu nhưng có phần thư thả hơn hồi sáng; hết còn cảnh bồn chồn ngồi đứng không yên. Thời tiết Thái Lan nóng bức như Cần Thơ mặc dù ở đây sát bờ biển. Thấy vòi nước trên bãi cỏ cạnh văn phòng tôi tiến tới mở ra đưa hai tay hứng nước vụp vào mặt.

Nhóm hoa tiêu Bình Thủy thấy tôi vẫy tay chào, vài bạn đưa ngón trỏ lên có ý nói chúng ta hoàn tất di tản tốt. Một thiếu úy từ Đà Nẵng về Cần Thơ kéo tôi ra một góc dúi vào tay hai tờ trăm đô la, tôi ngạc nhiên nhìn rồi đút trở lại túi anh ta; anh phân trần: 

Em ở Mỹ mới về một tháng, còn một ngàn rưởi, Thiếu tá giữ mà xài!”. 

Tôi nói cám ơn anh, nhưng bây giờ có nhu cầu gì mà cần đến tiền bạc. Đêm hôm qua anh có nói chuyện, vừa đổi về SĐ 1 KQ chưa được check out hành quân thì phải chạy. Tôi nói với anh yên chí, Bình Thủy tương đối yên, phi cơ còn đầy đủ, tất cả chúng ta sẽ rời Việt Nam an toàn.

Quá mệt mỏi tôi ngồi bệt xuống sàn xi măng bãi đậu, lấy chiếc khăn tắm vừa lãnh cuộn tròn làm gối, ngã người đánh một giấc cho đến khi nghe tiếng phi cơ, tôi choàng tỉnh nhìn lên bầu trời thấy chiếc L19 lắc cánh. Tôi nghiêng mặ,t chống tay đứng thẳng dậy hướng về đài kiểm soát, “green light” chớp chớp, tôi tự cười thầm thỏa mãn: 

“Hai anh em nhà họ rồi chứ ai vào đây nữa!”. 

Chiếc phi cơ quan sát tà tà một phần ba runway mới chạm bánh, đến cuối phi đạo quẹo mặt, taxi theo “Follow-Me” cho đến bãi đậu chung với các tàu vận tải cách chỗ đứng chúng tôi ba trăm thước. Phi cơ tắt máy, tôi nhìn hắn ta bước ra rồi đến người em và thêm một vị mặc áo chùng đen, có lẽ là một linh mục? Lúc họ xuống xe pick-up, đi về bàn làm giấy tờ theo chỉ dẫn ra dấu của người lính Hoa Kỳ, tôi tiến lại vỗ vai, hắn ta quay lại thấy tôi mừng quá: 

“Đúng như Thiếu tá nói, ba tiếng bay thì nhìn thấy phi trường Utapao, em vào lắc cánh đèn xanh bật cho vào đáp ngay. "

Tôi định hỏi vị linh mục đó anh gặp ở đâu nhưng thấy anh ta loay hoay làm giấy tờ tôi bước về chỗ cũ. Mấy anh em Cần Thơ giục tôi vào ghi tên cho kịp chuyến bay tới đi Guam.

30 tháng tư 2005, ba mươi năm sau. Nhân ngày họp mặt Khu Trục, tôi ngồi viết lại “đoạn đường” đã qua này để cám ơn trên đã cho tôi gặp nhiều bạn tốt, tôi mới hoàn thành được chuyến đi mang nhiều ý nghĩa của đời mình. Tuổi quá lục tuần, trí nhớ bắt đầu sứt mẻ đến nỗi tên họ những người bạn đã gặp cũng đi Utapao). 

Trong khi gần 120 Phi Công Khu Trục Phan Rang tại TSN từ 20 đến sáng 29 tháng tư không một phi công khu trục bay khỏi phi trường bằng A37 đi Thái Lan cả, vì tất cả A37 như phần trên đã viết, “Lệnh ai kéo phi cơ ra khỏi ụ để cho VC pháo kích rạng sáng 29 tháng 4?”. 

Nực cười nhất là một số quân nhân phía ta sau này viết lại tháng tư đen cũng vấp những lỗi lầm y như vậy, có lẽ họ có đọc “The fall of Saigon” rồi “copy” lại chăng?không còn nhớ. Trong ý nguyện viết lại khúc chuyện xưa này cũng mong ước được hội ngộ với anh em ngày trước. Những Anh em đã từng cùng nhau vì lý tưởng tự do, vẫy vùng trên Không Gian đất Việt. Thời trai trẻ mang sứ mạng được Tổ Quốc quê hương giao phó, chúng tôi đã hãnh diện chiến đấu đến cùng, luận thành bại ngoài tầm tay quân đội. 

Cũng bài viết này xin nhắc lại cho ký giả “salon” David Butler, mấy tuần cuối tháng tư 75, quanh quẩn trong các bar, hộp đêm Mỹ gom góp tin tức chiến sự từ các cọng sự viên tòa đại sứ, DAO,… kể lại để dựng đứng những tin thất thiệt trong cuốn “The fall of Saigon”: Trang 380, David viết, “April 29, 04:00 tại TSN tất cả các Phi Đoàn A37 đã cất cánh di tản..."

Sĩ quan Hành quân Phi đoàn 524 Thiên Lôi

 Source:

https://hoiquanphidung.com/echo/index.php/vnaf/item/88-chuy-n-bay-cu-i-cung-phi-doan-a-37-thien-loi-524 

.

 

No comments:

Post a Comment