Monday, January 31, 2022

TIỂU ĐOÀN 42 BIỆT ĐỘNG QUÂN “CỌP BA ĐẦU RẰN” (KBC 4533) - Nguyễn Khắp Nơi - Phần 3/4

 

.


.



TIỂU ĐOÀN 42 BIỆT ĐỘNG QUÂN “CỌP BA ĐẦU RẰN” (KBC 4533)

(Phần Ba)

Tóm lại, tiểu đoàn 42 Biệt Động Quân, khi đi hành quân, chỉ có 3 đại đội và lính đội nón sắt có vẽ đầu cọp và rằn ri chung quanh. Tuy chỉ có 3 đại đội, nhưng tiểu đoàn đã giáng cho chúng những đòn chí tử, nên đám VC sợ quá, mới đặt tên cho tiểu đoàn này là:

“CỌP BA ĐẦU RẰN”

Tiểu đoàn 42 Biệt Động Quân . . . thành danh là từ sự sợ hãi của bọn VC như vậy đó!

Cũng vì sự sợ hãi của bọn Việt cộng, trong suốt khoảng thời gian từ 1966 đến 1967, tiểu đoàn đi hành quân rất ít khi đụng địch.

Đi hành quân cùng nhau, trong khi các đơn vị bạn đụng địch đánh nhau bể đầu sứt trán, thì tiểu đoàn 42 từ sáng đến chiều “phè cánh nhạn”, tìm mãi cũng chẳng có “con nhạn” Việt Cộng lạc đàn nào mà đánh đấm. Binh lính của tiểu đoàn 42 chỉ mong các lực lượng bạn gọi mình tiếp ứng, để nhẩy vào đánh “ăn ké”.

Mỗi khi trực thăng chở quân tới chiến trường, đổ xuống toàn là “Cọp ba đầu rằn”, bọn VC hoảng sợ, đâu còn tâm trí đâu mà đánh, chúng tốc hầm cá nhân bỏ chạy tứ tán, trở thành mục tiêu ngon lành cho các phi công trực thăng võ trang, tha hồ mà nhả đạn mà không cần nhắm.

Đầu năm 1967, Tiểu đoàn 42 Biệt Động Quân được lệnh của vị Tư lệnh Quân Đoàn IV, Quân Khu 4, lúc đó là Chuẩn Tướng Đặng Văn Quang:

- “Tiểu Đoàn 42 Biệt Động Quân phải sơn lại nón sắt bình thường như các đơn vị Bộ Binh khác”.

Thời gian này Tiểu Đoàn đã có đủ 4 Đại đội, Đại Đội Trưởng Đại đội 4 bây giờ là Đại úy Nguyễn Văn Út (Đại úy Út đã hy sinh khi lên làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 41 Biệt Động Quân).

Khi Tiểu Đoàn 42 Biệt Động Quân được lệnh tham dự Chiến dịch Dân Chí 42 Sư Đoàn 21 Bộ Binh, trong nhiệm vụ hành quân càn quét, tiêu diệt địch như các đơn vị bộ binh khác, tiểu đoàn đã đụng độ với Tiểu đoàn chủ lực cơ động Tây Đô của VC trên bờ kinh Thác Lác, thuộc tỉnh Cần Thơ.

Trong trận đụng độ này, Tiểu Đoàn 42 Biệt Động Quân đã tiêu diệt gần 2/3 quân số địch và bắt sống một số tù binh của đơn vị này.

Khi thẩm vấn, các tù binh cho biết: Cấp chỉ huy của họ, sau khi nhìn qua ống nhòm, thấy đơn vị trước mặt là bộ binh, nên đã ra lệnh cho bộ đội chuẩn bị giao chiến, không ngờ khi chạm trán mới biết là đã đụng với Tiểu Đoàn 42 Biệt Động Quân, vì thấy bên vai trái có dấu hiệu “Cọp Đen”.

Tiểu đoàn 42 Biệt Động Quân là đơn vị đầu tiên của QLVNCH được huy chương của Tổng Thống “President Unit Citation” Tổng Thống thứ 36 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ Lyndon B. Johnson (1963-1969) và được nhận huy chương cao quý này tới hai lần.

Tiểu đoàn có giây biểu chương màu tam hợp (Bảo Quốc). Trên cờ Tiểu Đoàn, có 6 lần được tuyên dương công trạng trước Quân Đội.

Những Sĩ Quan sau đây đã giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng của Tiểu Đoàn 42 Biệt Động Quân “Cọp Ba Đầu Rằn”:

- Đại úy Nguyễn Văn Biết.

- Đại úy Nguyễn Tấn Giai.

- Đại úy Lưu Trọng Kiệt (hy sinh trước Mậu Thân).

- Đại úy Chung Thanh Tòng (thời gian Mậu Thân)

- Đại úy Lê Thành Long.

Vị Tiểu Đoàn Trưởng cuối cùng của Tiểu Đoàn 42 Biệt Động Quân, là: Cố Thiếu Tá Quách Hồng Quang.

Theo lời kể của Huynh Trưởng Quách Thanh Thủy, anh của Thiếu Tá Quang:

Những ngày cuối tháng tư đen năm 75, cũng như nhiều gia đình khác ở miền Nam Việt Nam có người thân làm việc trong chánh-quyền Việt Nam Cộng Hòa, nhứt là các quân nhân ở những đơn vị tác chiến, gia đình tôi luôn ngồi đứng không yên.

Những tin tức đau thương cứ dồn dập đưa về từ các vùng chiến càng lúc càng bi quan hơn mà người thân của mình ở trong đó thì vẫn biền biệt, không có cách nào để liên lạc thăm hỏi.

Bốn đứa em tôi, mỗi đứa ở một nơi, một ở ngành Trung Ương Tình Báo không thấy về, một ở Sư đoàn 5 Bộ Binh, một ở Tiểu đoàn 32 Biệt Động Quận và một ở Tiểu Đoàn 42 Biệt Động Quân.

Tiểu Đoàn 42 Biệt Động Quân trong cuộc triệt thoái Tây Nguyên của Tướng Phú, một tuần lễ sau trực thăng mới tìm được Bộ Chỉ Huy còn đang lội bộ trong vùng rừng núi Phú Yên, tất cả đều mang thương tích đầy mình.

Tiểu Đoàn được đưa về căn cứ Long Bình ở Biên Hòa để tái trang bị và tiếp tục chiến đấu (hậu cứ của tiểu đoàn vẫn còn đóng ở cầu Rạch Ngỗng, Cần Thơ).

Chiều ngày 30/4/75, hai đứa em tôi, một ở Trung Ương Tình Báo và một ở Tiểu Đoàn 32 Biệt Động Quân về tới nhà, trưa ngày 01/5/75 thì đứa ở Sư Đoàn 5 Bộ Binh cũng về tới nhà, gia đình chỉ còn lo cho Quách Hồng Quang và trông đứng, trông ngồi.

Má tôi không ngớt cầu nguyện Trời Phật thì xế chiều hôm đó Quang về tới nhà, trong mình vẫn còn mặc chiếc áo thun xanh, quần treillis rằn và đôi giày trận. Gia đình tôi hết sức vui mừng, mấy anh em chúng tôi được an toàn sau một cuộc chiến vô cùng bi thương và tàn khốc.

Gia đình chúng tôi xúm xít hỏi tin nhau trong nỗi vừa vui mừng vừa lo âu cho những ngày sắp tới. Mặc dầu có lệnh đầu hàng của Tổng Thống, nhưng Tiểu đoàn 42 Biệt Động Quân vẫn tiếp tục chiến đấu như nhiều đơn vị bạn khác.

Cho đến trưa ngày 01 tháng 5/75, khi không còn đạn dược và áp lực địch càng lúc càng nặng nề, thấy không còn cách nào duy trì được nữa, để bảo tồn sinh mạng anh em, Cọp Rằn đành phải tản hàng thoát hiểm.

Sau khi binh sĩ tản hàng, Quang và một số sĩ quan còn lại rời khỏi vị trí trên một chiếc xe Jeep chạy thẳng về Saigon trên xa lộ Biên Hòa. Trên lộ trình này, nhiều đơn vị Nhảy Dù vẫn còn đang chiến đầu với Cộng Quân.

Xe Jeep vượt qua nhiều bức tường lửa, đến ngã ba Hàng Xanh thì đột nhiên có hai chiếc xe thiết giáp của Cộng Quân xuất hiện đuổi theo. Chạy tới cầu Phan Thanh Giản thì xe Jeep bị trúng đạn và bốc cháy, mọi người rời xe, cởi áo, thoát vào xóm.


XIN ĐỌC TIẾP PHẦN 4  & HẾT

No comments:

Post a Comment