.
TIỂU ĐOÀN 42 BIỆT ĐỘNG QUÂN “CỌP BA ĐẦU RẰN” (KBC 4533)
(Phần Cuối)
Tiểu Đoàn 42 Biệt Động Quân Cọp Ba Đầu Rằn kể từ đây hoàn toàn bị xóa tên theo những đau thương của vận nước !
Luồn lỏi đi bộ ra tới Sài Gòn , ngang qua công viên có tượng đài Thủy Quân Lục Chiến, Quang kín đáo nghiêng mình chào kính Trung Tá Long, mặc sắc phục cảnh sát đã tự sát nằm chết trên thảm cỏ xanh, dưới chân tượng đài, trước Quốc Hội VNCH.
Trong lòng tràn ngập những nỗi niềm phẫn uất, không vội về nhà, Quang đón xe Honda ôm trước chợ Saigon chạy về trường đua Phú Thọ, nơi đặt Bản Doanh Hành Quân của Binh Chủng Biệt Động Quân,
Đến đây hy vọng sẽ gặp lại anh em và tiếp tục chiến đấu. Nhưng niềm hy vọng cuối cùng này bị gãy đổ.
Phú Thọ lặng lẽ tiêu điều, nhìn vào bên trong thấy vắng hoe, không một bóng người, bên ngoài thì nhiều xác chết lính Biệt Động Quân là nằm vương vãi trong bầu không khí đầy uất hận và tanh tưởi mùi máu của một cuộc chiến vừa tàn.
Quang trở ra bến xe đò chợ Bình Tây (Chợ Lớn Mới), với ý định tìm phương tiện về Miền Tây với Quân Khu IV, nhưng vô phương, vì mọi trục lộ lưu thông đều bị cô lập, Quang đành về nhà để chờ tin !
Chiều hôm đó thì bọn Cộng sản nằm vùng ở lối xóm tìm đến ‘’thăm hỏi’’. Thiếu Tá Quách Hồng Quang, Con Chim Đầu Đàn của Tiểu Đoàn Cọp Rằn Miền Tây đành chịu bó tay thất thủ, đành “Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt’’ dưới sự giám sát sắt máu của bọn người ô hợp, chân mang dép râu, đầu đội nón tai bèo và họng súng lúc nào cũng lăm le nhả đạn, cho đến ngày bị tập trung vào trường Quốc Gia Sư Phạm để vĩnh viễn ra đi vào chốn lao tù khổ sai được mệnh danh với mỹ từ ‘’Trại Học Tập Cải Tạo’’ !!!
Sau mấy tháng bặt tin thì có lệnh cho gia đình có thân nhân bị đi học tập cải tạo, được phép gởi thức ăn, quần áo và thuốc men vào bồi dưỡng. Quà được gởi đi vài lần, nhưng hồi âm thì không bao giờ nhận được!
Một đêm nọ, vào khoảng 3 giờ sáng thì có tiếng đập cửa của công an đòi xét nhà. Mở cửa ra thì thấy một bọn trên mười người, ăn mặc ô hợp, mang dép râu, đội nón cối, lăm le tay súng.
Họ xông vào nhà, kêu mọi người trong nhà thức dậy, và lục soát kỹ lưỡng khắp mọi nơi. Sau một hồi lục soát, không tìm được gì khả nghi, một tên trong bọn lưng mang súng K54, lớn giọng trịch thượng hỏi:
– “Tên ngụy Quách Hồng Quang đâu ?”
Cả nhà tôi chưng hửng và nói:
– “Quách Hồng Quang đã tuân lệnh Nhà Nước đi trình diện học tập cải tạo rồi, mấy ông hỏi như vậy là sao?”
Hắn nói:
– “Tên ngụy Quách Hồng Quang đã trốn trại, bộ đội và nhân dân đang truy nã, nếu gia đình mà cố tình giấu giếm thì sẽ chịu trách nhiệm trước nhân dân. Nay tôi nói cho mà biết, phải thật tình khai báo với công an là hiện giờ nó trốn ở đâu thì sẽ được khoan hồng, bằng không thì chớ trách”.
Sau một hồi giảng thuyết chính trị và đọc những qui định sắt máu nặng nề, những hăm dọa cố hữu, cả bọn rút lui. Hai hôm sau, bọn chúng còn trở lại hỏi gặng; hạch phường khóm cùng một số người xung quanh là:
– “Có thấy Quách Hồng Quang trốn trại trở về hay không?”
Gia đình chúng tôi lúc đó rất lo âu lẫn vui mừng, vì quả thật có nghe tin hiện có nhiều tổ chức Phục Quốc ở nhiều nơi và cũng có nghe tin nhiều sĩ quan trốn trại theo các tổ chức này.
Nếu Quang thoát được thì là điều đại phúc vì sẽ thoát được những trả thù tàn bạo trong ngục tù Cộng sản và anh em Phục Quốc có thêm được một chiến hữu giàu kinh nghiệm chiến trường, ngược lại, không biết rồi đây, bọn chúng sẽ có thái độ gì đối với gia đình chúng tôi trong những ngày sắp tới.
Sự chờ đợi của gia đình chúng tôi đã không lâu, vài tuần lễ sau đó, chúng tôi nhận được giấy báo qua đường bưu điện, yêu cầu chúng tôi đừng gởi quà cho Quách Hồng Quang nữa, vì:
“Quách Hồng Quang đã chết trong trại cải tạo rồi!”.
Cầm tờ giấy báo này, gia đình chúng tôi đau buồn khôn xiết, xin được hướng dẫn đến viếng mộ. Sau nhiều lần tới lui, khiếu nại khó khăn, cuối cùng, chúng bằng lòng cho gia đình chúng tôi đi viếng mộ.
Thì ra, trại học tập cải tạo này là căn cứ trước đây của Liên Đoàn 5 Công Binh Kiến Tạo VNCH, gọi là Thành Ông Năm, ở Hốc Môn.
Mộ phần ở ngoài đồng, do anh em tù đắp bằng đất và có gắn một tấm bia bằng nhôm, loại dùng lót phi trường trực thăng trước kia. Anh em dùng đinh đục thành chữ:
“Mộ Phần Thiếu Tá Quách Hồng Quang, chết ngày 28-12-1975/ 26-10 Âm Lịch”.
Bên cạnh đó còn có hai ngôi mộ nữa của một ông Trung Tá Pháo Binh và một ông Trung Úy, chết cùng ngày.
Anh em cho biết, ba người cùng vượt ngục vào giữa đêm, nhưng rủi bị phát giác. Ông Trung Tá bị bắn chết khi chui ra được bên ngoài.
Ông Trung Úy bị bắn chết ở phía sau.
Quách Hồng Quang bị bắn tại vòng rào kẽm gai cuối cùng, nhưng chưa chết, còn nằm tại chỗ.
Sáng sớm hôm sau, Quang bị bọn VC kéo ra sân cờ xử bắn trước mặt anh em tù đồng đội.
Sau này, một vài anh em ra khỏi tù, có chứng kiến buổi xử bắn ngày hôm đó thuật lại rằng:
“Cuộc vượt ngục của ba người có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, nhưng vào giờ chót đã không thành công. Khi bị kéo vào sân cờ trước sự chứng kiến của anh em thì Quách Hồng Quang tuy bị mất máu quá nhiều nhưng vẫn còn sống.
Tên bộ đội thét bảo quỳ gối để nghe đọc lệnh xử, Quang dõng dạc trả lời:
– Tôi là sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, dù sa cơ nhưng không bao giờ quỳ trước kẻ thù. Bắn đi!
Một loạt đạn AK chát chúa, kết liễu ngay tức khắc cuộc đời oanh liệt của một mãnh hổ Miền Tây!”
Quách Hồng Quang xuất thân khóa 14 trường Bộ Binh Thủ Đức. Đơn vị đầu tiên là Tiểu Đoàn 23 Biệt Động Quân Vùng II, với cấp bậc Chuẩn Úy, tham dự chiến dịch Đỗ Xá năm 1963 ngay khi trình diện đơn vị.
Sau Tết Mậu Thân, Quang được thuyên chuyển về Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân Biên Hòa với cấp bậc Đại Úy. Khoảng một năm sau, thuyên chuyển về Liên Đoàn 4 Biệt Động Quân Miền Tây, khi ở Tiểu Đoàn 41, có lúc ở Tiểu Đoàn 43 và sau cùng lên Thiếu Tá, làm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 42 cho đến ngày mất nước.
Cái chết oanh liệt trong hỏa ngục Cộng sản của Quách Hồng Quang là một bi hùng ca, tuy ngắn gọn nhưng đủ biểu lộ một khí phách hiên ngang của người chiến sĩ VNCH, lưu lại bao nhiêu tiếc thương cho gia đình, cho bằng hữu.
Thể phách tuy không còn, nhưng tinh anh chắc chắn vẫn còn bàng bạc với hồn thiêng, sông núi.
Cho đến nay, gia đình chúng tôi vẫn chưa tìm hiểu được hết các tài liệu về cuộc đời của Quách Hồng Quang trong quãng đời từ khi bước chân vào ngục tù Cộng sản năm 75. Nhưng chắc chắn rằng, cái chết của Quách Hồng Quang đã nói lên được tinh thần bất khuất của người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, không hổ danh Cọp Rằn Miền Tây, dù bị sa cơ trong hỏa ngục của tập đoàn Cộng sản Việt Nam, một tập đoàn hung hãn và tàn bạo, vô nhân vào bậc nhất trên thế giới.
Bài viết này, chúng tôi kính tặng Gia Đình Mũ Nâu ở khắp nơi trên thế giới để ghi lại một kỷ niệm bi hùng, một hào khí ngất trời của những người chiến sĩ mang lý tưởng tự do. Người Lính Việt Nam Cộng Hòa.
THE END
Source:
No comments:
Post a Comment