(Kính tặng người góa phụ xuân xanh: Bà quả phụ Hồ Ngọc Cẩn)
Đại tá HỒ NGỌC CẨN (24.3.1938 – 14.8.1975)
Chức vụ sau cùng:
Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng tỉnh Chương Thiện từ 1973 - 1 tháng 5 năm 1975
.
Ngày 14 tháng 8 là ngày giỗ lần thứ 47 của Cố Đại tá HỒ NGỌC CẨN, một ngày đau buồn của trang Quân sử Việt Nam Cộng Hòa, ngày phủ cờ cho người Chiến sĩ Vị Quốc Vong Thân. Phu nhân Ông (Nhũ danh Nguyễn thị Cảnh) đã trở thành góa phụ khi Bà hãy còn thanh xuân (khi Bà 34 tuổi) và người con trai duy nhất Hồ Huỳnh Nguyên chỉ mới 5 tuổi đã thọ đại tang Cha.
"Chết mà vì nước, chết vì dân
Chết đấng nam nhi, trả nợ nần..."
(Cụ Sào Nam Phan Bội Châu)
Sơ lược cuộc đời binh nghiệp của Đại tá Hồ Ngọc Cẩn
Năm 1951: Ông nhập học trường Thiếu Sinh quân Gia Định
Tháng 8/1955: Ông học tại Liên trường Võ khoa Thủ Đức, chuyên ngành "vũ khí" (niên khóa 1955-1956)
Giữa năm 1956, Ông gia nhập Quân đội Việt Nam Cộng Hòa với cấp bậc Binh Nhì
Năm 1961: Ông nhập học Khóa 2 Nhân Vị ở trường Hạ sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại Đồng Đế, Nha Trang, khai giảng ngày 27/2/1961.
Ngày 31/1/1962 mãn khóa tốt nghiệp với Cấp bậc Chuẩn úy hiện dịch.
Ra trường, Ông chọn Binh chủng Biệt động quân, được cử theo học khóa huấn luyện đặc biệt đào tạo “Cán bộ Biệt động quân” và khóa "Rừng núi Sình lầy" tại Trung tâm Huấn luyện Biệt động quân Dục Mỹ (Ninh Hòa) trong thời gian 4 tháng rưỡi.
1973: Đại tá Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng tỉnh Chương Thiện.
Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn là vị Tỉnh trưởng trẻ tuổi nhất của Việt Nam Cộng Hòa. Ông nhận chức vụ này lúc Ông 35 tuổi.
Chương Thiện là một tỉnh cũ ở Tây Nam Bộ Việt Nam thời Việt Nam Cộng Hòa. Tỉnh lỵ là thị xã Vị Thanh, tồn tại trong giai đoạn 1961-1975. Đất đai tỉnh Chương Thiện bao gồm những vùng được tách ra từ các tỉnh Phong Dinh (trước năm 1956 là tỉnh Cần Thơ), Kiên Giang (trước năm 1956 là tỉnh Rạch Giá) và Ba Xuyên (trước năm 1956 là tỉnh Sóc Trăng).
[Source: Tin Đặc Biệt: Tưởng Niệm Cố Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn Tỉnh Trưởng Kiêm Tiểu Khu Tỉnh Chương Thiện - VATVOline - Aug. 14, 2017]
Ngày 1/5/1975, không tuân lệnh của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh ra lệnh binh sĩ buông súng đầu hàng, ông vẫn tiếp tục chỉ huy đơn vị trực thuộc chiến đấu đến cùng chống lại quân Cộng sản Bắc Việt. Hết đạn, ông bị bắt và biệt giam tại nhà tù Cần thơ 3 tháng rưỡi.
Sau đó, nhà cầm quyền cs xử bắn Ông tại sân vận động Cần Thơ vào ngày 14/ 8 /1975
Khi đền nợ nước, Ông hưởng dương 37 tuổi.
Huy Chương:
Trong thời gian tại ngũ (1956-1975), Ông đã được nhiều lần thăng cấp đặc cách tại mặt trận và nhận được 78 huy chương gồm:
· 1 Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương
· 25 Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu
· 45 Anh Dũng Bội Tinh với các loại Ngôi Sao
· 3 Chiến Thương Bội Tinh
· 4 Huy Chương Hoa Kỳ.
Lời danh tướng HỒ NGỌC CẨN lưu danh hậu thế:
“Tôi chỉ có một mình, không mang vũ khí, tôi không đầu hàng, các ông cứ bắn tôi đi.
Nhưng trước khi bắn, tôi xin được mặc quân phục và chào lá quốc kỳ của tôi lần cuối.
Nếu tôi thắng trong cuộc chiến, tôi sẽ không kết án các anh như các anh kết án tôi.
Tôi cũng không làm nhục các anh như các anh làm nhục tôi.
Tôi cũng không hỏi các anh câu mà các anh hỏi tôi.
Tôi chiến đấu cho tự do của người dân.
Tôi có công mà không có tội. Không ai có quyền kết tội tôi.
Lịch sử sẽ phê phán các anh là giặc đỏ hay tôi là ngụy.
Các anh muốn giết tôi, cứ giết đi. Xin đừng bịt mắt.
Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm
Đả đảo Cộng Sản”.
Tưởng cũng nên nhắc lại trang sử nội chiến Nam - Bắc của Hoa Kỳ (1861- 1865) với Tướng Robert E. Lee chỉ huy quân đội miền Bắc (còn gọi là quân đội Potomac) và Tướng Ulysses S. Grant chỉ huy quân đội miền Nam (còn gọi là quân đội Virginia). Hành động đầy văn minh và nhân bản của Tướng Grant thuộc miền Bắc đối xử với Tướng Lee và binh sĩ miền Nam khi miền Nam thua trận đã làm thế giới ngưỡng mộ ông.
Dưới đây là trích đoạn trong bài viết "Thắng - Bại" của tác giả Phan Nguyên Luân:
"... Vị Tư lệnh miền Bắc ra lệnh nghiêm cấm các sĩ quan và binh sĩ trực thuộc không được tỏ ra bất cứ hành động nào vô lễ với ông Tướng Tư lệnh miền Nam bại trận. Trưa ngày lịch sử 9 tháng 4 năm 1865, Tướng Lee và một Đại tá tùy tùng cưỡi ngựa vượt qua phòng tuyến đến nơi hẹn ước. Hình ảnh ghi lại hai người đi qua đoàn quân nhạc của lính miền Bắc thổi kèn chào đón....Sau này khi viết về văn bản đầu hàng, lịch sử ghi rằng đây là thỏa hiệp của những người quân tử (The Gentlemen’s Agreement)..."
Nhìn lại hình ảnh người anh hùng Hồ Ngọc Cẩn của chúng ta, khi Ông sa vào tay giặc đỏ, thì chúng đã đối xử ông thật tàn nhẫn (biệt giam, hành hạ, đánh đập và làm nhục), thậm chí đến khi Ông đã bị xử bắn rồi mà chính quyền cs vẫn không cho gia đình nhận xác!
Sau khi bắn chết Ông, Cs đem chôn thi hài Ông ở phía sau Trung tâm nhập ngũ Cần Thơ.
Mấy năm sau gia đình mới xin được đem về Rạch Giá.
Đến khi khu này bị giải tỏa, gia đình hỏa thiêu thi hài, đem tro cốt về nhà ông chú bên Long Xuyên. Theo lời kể của anh Hồ Huỳnh Nguyên: Bà và anh vượt biên qua đảo Pulau Bidong năm 1978 (Ở đảo Pulau Bidong 10 tháng) và đến Mỹ năm 1979. Về tro cốt của Ông, có một vị sư tên là Phước Huệ của chùa Phước Huệ đã vì lòng mến mộ Ông mà đem tro cốt về an táng trên đồi Rose Hills - Nam California, để rồi cuối cùng Ông và cả gia đình đã được đoàn tụ bên Mỹ.
Dưới đây là 3 tấm hình mộ Cố Đại tá HỒ NGỌC CẨN tại Nam California
(Hình do gia đình cung cấp)
Nơi An Nghỉ: ĐẠI TÁ HỒ NGỌC CẨN (1938-1975)
Rose Hills Memorial Park & Mortuary
3888 Workman Mill Road
Whittier, CA 90601
Toàn thể gia đình trước Mộ Cố Đại tá Hồ Ngọc Cẩn
(Hình do gia đình cung cấp)
Tôi có lần được vinh hạnh thưa chuyện với Bà và Bà đã để lại trong lòng tôi dấu ấn của sự ngưỡng mộ, thán phục và kính nể. Giọng nói của Bà qua điện thoại vẫn còn cứng cỏi, dẫu sức khỏe Bà đã đến lúc tuổi xế chiều. Bà nói chuyện rất thân mật và trìu mến. Người đàn bà đã qua một thời xuân sắc và thờ chồng nuôi con... Ôi, người góa phụ xuân xanh ấy đã phải chân cứng đá mềm trong những khúc quanh của cuộc đời mà giặc thù vây hãm tứ phía. Ơn Trên quả thật đã che chở Bà và đứa con duy nhất của người chồng kính yêu vượt qua khúc quanh kinh hoàng năm xưa.
Không ai có thể hình dung ra được nỗi đoạn trường của một người vợ chân yếu tay mềm khi hay tin chồng mình bị giặc bắt mà điềm lành ít hơn điềm dữ! Bà lại phải ôm con thơ chạy trốn, nhưng bước chân của người cùng đường biết về đâu, biết nơi nào ẩn náu để bảo toàn mạng sống cho hai mẹ con? Bà đã liều thân bảo bọc con và tìm đường sống giữa lúc tranh tối tranh sáng khi bọn xâm lược cs tiến chiếm miền Nam. Cuộc chạy trốn ấy ắt hẳn đã có nhiều người trong gia đình thân tộc đùm bọc, người dân của tỉnh Chương Thiện che chở và điều quan trọng nhất là ơn lành của Thượng Đế quan phòng.
Đến năm 1978, thêm một lần nữa Bà ôm con chạy khỏi gông cùm cs: Bà và con trai vượt biên đến Pulau Bidong Island và bước chân lên xứ người với hai bàn tay trắng năm 1979. Bà làm nghề thợ may và bán quán để nuôi con trưởng thành. Thật là một người phụ nữ can đảm giữa cuồng phong đại dương sau khi đã thoát được cơn bão táp tàn bạo của chính quyền cs giết chồng Bà! Tôi xin được cúi đầu thán phục "Người góa phụ xuân xanh" ấy! Quả thật là Thượng Đế đã mở "Khung cửa hẹp" cho Bà và con trai Hồ Huỳnh Nguyên sống sót. Hai Ông Bà quả thật là viên ngọc quý của đất nước!
Tôi tin rằng dẫu đã mệnh thác bởi tay giặc Cộng phỉ, Ông vẫn còn mãi trong tấm lòng son sắt thủy chung của Bà, sự kính phục của con cháu và sự ngưỡng mộ, nể trọng của những người lính Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt là những quân nhân thuộc Tiểu Đoàn 42 Biệt Động Quân “Cọp Ba Đầu Rằn" và Trung Đoàn 15 Bộ Binh tại mặt trận An Lộc năm 1972.
Tiểu đoàn 42/BĐQ là đơn vị đầu tiên của QL.VNCH nhận được hai lần huy chương của Tổng Thống Hoa Kỳ “President Unit Citation”.
(Source: http://batkhuat.net/tl-td42-bdq.htm)
TRÍCH ĐOẠN:
"..... Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn cùng các sĩ quan trong Ban Chỉ Huy Tiểu Khu và các chiến sĩ Tiểu Khu Chương Thiện đã đánh một trận tuyệt vọng nhưng lừng lẫy nhất trong chiến sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Đánh tới viên đạn và giọt máu cuối cùng và đành sa cơ giữa vòng vây của bầy lang sói. Cuộc chiến đấu kéo dài đến 11 giờ trưa ngày 1.5.1975, quân ta không còn gì để bắn nữa, Đại Tá Cẩn lệnh cho thuộc cấp buông súng....”
SOURCE: https://hon-viet.co.uk/PhamPhongDinh_VinhDanhDaiTaHoNgocCan.htm
Ông đã để lại cho ngàn đời sau tấm gương bất khuất, khí khái và anh hùng của một người lính trên chiến trận lẫn trong ngục tù cs khi sa vào tay giặc và bị hành hình.
Đất nước năm xưa đã nghiêng ngửa vào Giờ thứ 25 và Ông đã "Sinh vi Tướng, Tử vi Thần".
Ôi, vận nước và mệnh người... Giây phút hóa Thần ở nơi sinh trưởng của Ông có những người dân hiền lành, chất phác của tỉnh Chương Thiện rơi lệ, ngậm ngùi tiễn đưa Ông trong uất nghẹn.
Xin thắp nén hương lòng kính bái Anh Linh Cố Đại tá HỒ NGỌC CẨN cùng tất cả quân nhân các cấp thuộc Tiểu khu Chương Thiện đã hy sinh vì Tổ quốc năm 1975.
Xin cầu chúc Bà và toàn gia quyến được vạn sự an lành.
CHÚ THÍCH:
Hình:
Mộ của Ông do gia đình cung cấp (Anh Hồ Huỳnh Nguyên)
Bài vở trên Internet, trong Websites, Blogs các Quân Binh chủng.
Tài liệu tham khảo:
1/ Sách "Lược sử Quân lực Việt Nam Cộng hòa - Tác giả: Đại tá Trần Ngọc Thống, Thiếu tá Hồ Đắc Huân và Trung úy Lê Đình Thụy"
2/ Tài liệu hình ảnh về Huy Chương: Michael Do
3/ Các bài viết của các tác giả: Phạm Phong Dinh, Giao Chỉ San Jose và nhiều tác giả khác.
Như Thương
oOo
Evyn Lê Espiritu is Nguyen’s niece who wrote this Theses
“Who was Colonel Hồ Ngọc Cẩn?”: Theorizing the Relationship between History and Cultural Memory
Evyn Lê Espiritu
Pomona College
https://scholarship.claremont.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1092&context=pomona_theses
.
No comments:
Post a Comment