(Viết để nhắc nhở Thượng Tướng VC Trần Văn Trà, tư lịnh Quân Khu 7 Việt Cộng: Sư Đoàn 6 VC Tân lập dưới quyền ông đã không thắng nổi một tiểu đoàn Địa Phương Quân QLVNCH của Chi Khu Hoài Đức, Bình Tuy, trong trận chiến tháng 12, 1974.)
oOo
Tỉnh Bình Tuy được thành lập dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, với đa số là dân Quảng Bình, Quảng Ngãi và người Thượng bản xứ. Tỉnh bao gồm phần đất của tỉnh Long Khánh, Bình Thuận và Phước Tuy, tỉnh lỵ là thị xã La-Gi, một thị trấn nhỏ trước kia thuộc Phan Thiết (Bình Thuận).
Tỉnh Bình Tuy:
- Quận Hàm Tân bao gồm tỉnh lỵ, nơi đặt Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu nằm sát ven biển, nơi cực Bắc cách tỉnh lỵ 100 cây số là hai quận Tánh Linh và Hoài Đức.
- Quận Hoài Đức, phía Nam giáp thị xã Gia-Rây, phía Bắc và Tây giáp quân Định Quán đều thuộc tỉnh Long Khánh, phía Đông khoảng 20 cây số là quận Tánh Linh (Bình Tuy). Quận lỵ là xã Võ Đắc nơi đặt Bộ Chỉ Huy Chi Khu, nằm trên một vùng đất cao... Dân số toàn quận độ 30 chục ngàn người. Trách nhiệm an ninh lãnh thổ là Tiểu Đoàn 344/Địa Phương (344/ĐP) và 6 trung đội Nghĩa Quân, ngoài ra còn có một trung đội Pháo Binh 105 ly, một chi đội Commandor Car V-100 gồm 2 chiếc.
Địa bàn tỉnh Bình Tuy cũ hiện nay tương ứng với thị xã La Gi, các huyện Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh, một phần các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc cùng thuộc tỉnh Bình Thuận ngày nay. Như vậy, địa bàn tỉnh Bình Tuy cũ trở thành khu vực thuộc Nam Trung Bộ.
Bình Tuy là một trong 22 tỉnh của Nam Phần được chính quyền Việt Nam Cộng hòa thiết lập theo Sắc lệnh 143-NV của Tổng thống ngày 22 tháng 10 năm 1956. Đất đai Bình Tuy lấy từ một phần tỉnh Đồng Nai Thượng, và vùng Hàm Tân, Hàm Thuận, Tánh Linh của tỉnh Bình Thuận. Tỉnh lỵ đặt tại Hàm Tân (nay là thị xã La Gi).
Năm 1957, tỉnh Bình Tuy có 3 quận:
· Quận Hàm Tân có 4 xã; quận lỵ: Phước Hội, sau dời về Tam Tân (nay thuộc xã Tân Hải)
· Quận Tánh Linh có tổng La Ngà (4 xã) và 4 xã độc lập; quận lỵ: Lạc Tánh.
· Quận Bình Lâm có 5 tổng (gồm nhiều thôn, không có xã): Ma Blao, R'Da (Va Pro), Rda, Tala, Quyeon; quận lỵ: Bsa Da Houai.
Sau quận Bình Lâm đổi thành quận Hoài Đức, quận lị ở Bắc Ruộng, sau dời về Võ Đắc.
Từ 1976, tỉnh sáp nhập với Ninh Thuận và Bình Thuận thành tỉnh Thuận Hải.
Ngày 26 tháng 12 năm 1991, Thuận Hải lại được tách thành hai tỉnh là Bình Thuận và Ninh Thuận.
SOURCE: Wikipedia
1. Tình hình địch: Các đơn vị thuộc Quân Khu 7 Việt Cộng khoảng 2 sư đoàn, bao gồm:
- Trung Đoàn 82 Sông Mao,
- Trung Đoàn E-211,
- Trung Đoàn 33 Quyết Thắng,
- 2 trung đoàn Địa phương thuộc tỉnh Lâm Đồng và Bình Tuy,
- 2 trung đoàn Bộ Binh khác (không rõ tên),
- 2 trung đoàn Pháo và Phòng không,
- 2 đại đội đặc công.
2. Tình hình bạn:
a) Chi Khu Tánh Linh:
- Bộ Chỉ Huy Chi Khu
- 3 đại đội ĐPQ cơ hữu biệt lập (700, 710, 720)
- Tiểu Đoàn 335/ĐP thuộc TK Long An tăng phái
- Chi Cảnh Sát Quốc Gia Tánh Linh
- Phân Đội Thám Thính Xa V-100 (2 chiếc)
- 3 trung đội Nghĩa Quân
- 1 trung đội Pháo Binh 105 ly (Sư Đoàn 18 BB) biệt phái.
b) Chi Khu Hoài Đức (Võ Đắc):
- Bộ Chỉ Huy chi khu
- Tiểu Đoàn 344/ĐP Bình Tuy
- Đại Đội 512/ĐPQ Trinh Sát Tỉnh
- Chi Cảnh Sát Quốc Gia Hoài Đức
- Phân Đội Thám Thính Xa V-100 (2 chiếc)
- 4 trung đội Nghĩa Quân
- 1 trung đội Pháo Binh 105 ly thuộc Tiểu Đoàn 183/PB của SĐ18BB biệt phái.
- Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân tăng phái, hoạt động khu vực ấp Chính Tâm 2 và Gia Huynh trên tỉnh lộ 333, nằm về phía Nam của Chi Khu Hoài Đức, cách 10 cây số đường chim bay.
- 1 pháo đội Pháo Binh 105 ly thuộc Tiểu Đoàn 181/PB của SĐ18BB tăng phái cho Liên Đoàn 7/ BĐQ.
* Phối trí lực lượng:
1. Chi Khu Tánh Linh: Không rõ.
2. Chi Khu Hoài Đức: (bên trong vòng đai chi khu) gồm có:
- BCH Chi Khu (chi khu trưởng: Thiếu Tá Xinh)
- ĐĐ Chỉ Huy và Yểm Trợ/TĐ344/ĐP
- ĐĐ3/334/ĐP
- ĐĐ4/334/ĐP
(3 đại đội nầy do Đại Úy Lê Phi Ô, tiểu đoàn phó, chỉ huy trực tiếp)
- Chi Cảnh Sát Quốc Gia (trưởng chi: Đại Úy Long)
- 1 trung đội Pháo Binh 105 ly
- 1 phân đội Commando Car V-100 (2 chiếc)
* Hai đại đội còn lại của TĐ344/ ĐP và Bộ Chỉ Huy nhẹ của TĐ344/ĐP do Thiếu Tá Trần Phụng Tư, tiểu đoàn trưởng, chỉ huy và phối trí như sau:
- ĐĐ1/334/ĐP đóng tại ấp Chính Tâm 3 trên Tỉnh lộ 333, phía Nam của Chi Khu 5 cây số đường chim bay.
- ĐĐ2/334/ĐP và BCH nhẹ của thiếu tá tiểu đoàn trưởng đóng tại ấp chính Tâm 1 và đặt trực tiếp dưới quyền điều khiển của Liên Đoàn 7/BĐQ (LĐT: Đại Tá Tây).
3. Liên Đoàn 7/BĐQ đóng tại ấp Chính Tâm 2 và cầu Gia Huynh cũng trên TL 333 và cách phía Nam của Chi Khu Hoài Đức 10 cây số đường chim bay.
4. Đại Đội 512/ĐPQ Trinh Sát đóng tại phi trường, cách chi khu 1 cây số về hướng Tây.
* Diễn tiến 33 ngày đêm tử thủ của TĐ 344/ĐPQ
Đầu tháng 11, 1974, tình hình chiến sự hai chi khu cực Bắc của TK Bình Tuy là Tánh Linh và Hoài Đức trở nên nghiệm trọng với sự chuyển quân đáng kể của Cộng quân. Tiếp theo tin tình báo được đáng giá A2 của Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu cho biết: Cộng quân sẽ tấn công tỉnh Phước Long và Chi Khu Hoài Đức cùng một lúc mà Phước Long là điểm, Chi Khu Hoài Đức sẽ là diện để phân tán và cầm chân một số lớn đơn vị của ta hầu dễ bề dứt điểm Phước Long.
Giữa tháng 11, 1974, các xã ấp thuộc Chi Khu Hoài Đức đồng loạt bị Cộng quân tấn công. Tiểu Khu quyết định rút TĐ344/ĐP (-) đang hoạt động tại xã Võ Xu nằm về hướng Đông của CK Hoài Đức độ 7 cây số về làm lực lượng phòng thủ chi khu, gồm có: ĐĐ Chỉ Huy & Yểm Trợ, ĐĐ3 và ĐĐ4 của TĐ344/ĐP do Đại Úy Lê Phi Ô, tiểu đoàn phó, trực tiếp chỉ huy.
Đồng thời, Liên đoàn 7/BĐQ cũng được quân đoàn điều động đến hoạt động giữa ranh giới xã Gia Rây (Long Khánh) và Gia Huynh (quận Hoài Đức, tỉnh Bình Tuy) nằm trên TL.333 và phía Nam CK Hoài Đức 10 cây số đường chim bay. Thiếu Tá Trần Phụng Tư, tiểu đoàn trưởng TĐ344/ĐP, (Thiếu Tá Tư là một cựu Thiếu Sinh Quân, Khóa 2 Đồng Đế) chỉ huy 2 đại đội thuộc quyền tại hai ấp Chính Tâm 1 và 3, và đặt trực tiếp dưới sự điều động của LĐ7/BĐQ.
Cuộc điều binh lớn cả phía ta và địch khiến dân chúng đoán biết được tình hình chiến sự sẽ nghiêm trọng nên lũ lượt di tản khỏi Hoài Đức bằng tất cả các phương tiện, kể cả đi bộ.
Cuối tháng 11, 1974, đặc công cộng sản đồng loạt tấn công cùng một lúc CK Tánh Linh và Hoài Đức. Tại Tánh Linh, Cộng quân chiếm được đồi Lồ-Ồ nơi đặt 2 khẩu pháo 105 ly do ĐĐ.720/ ĐP Biệt lập bảo vệ với Đại Úy Tòng là Đại Đội Trưởng. Một điều nguy hiểm là CK Tánh Linh (chi khu trưởng là Thiếu Tá Lê Kim Lai, Khóa 13 Thủ Đức) nằm sát dưới chân đồi Lồ-Ồ, là cao điểm quan trọng cùng 2 khẩu 105 ly đã lọt vào tay địch. Riêng Thiếu Tá Hoàng, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ335/ĐP, thuộc tỉnh Long An tăng phái cho CK Tánh Linh bị Cộng quân bắt khi chi khu thất thủ.
- Tại Hoài Đức:
Đặc công Việc Cộng bị TĐ.344/ ĐP đẩy lui, thiệt hại của ta không đáng kể.
Hai ngày sau, Cộng quân bắt đầu pháo kích CK Hoài Đức bằng hỏa tiễn 107 ly. Cường độ pháo kích mỗi ngày mỗi tăng, với vòng đai phòng thủ chỉ nhỏ bằng phân nửa sân đá banh phải nhận chịu từ 200 đến 500 quả đạn pháo đủ loại, gây thương vong cho ta mỗi ngày một cao.
Giữa tháng 12, 1974, sau khi CK Tánh Linh bị thất thủ, Cộng quân dồn tất cả lực lượng qưyết dứt điểm Hoài Đức. Đồng thời với quân số đông cấp sư đoàn, Cộng quân tấn công Liên Đoàn 7/BĐQ và 2 Đại Đội của TĐ344/ĐP tại Gia Huynh và ấp Chính Tâm 3.
Thiếu Tá Trần Phụng Tư đã nhiều lần thoát chết trong gang tấc, ông vẫn gan dạ và bình tĩnh cùng binh sĩ chống trả quyết liệt những đợt tấn công biển người của cộng sản. Một chiến sĩ của ta phải đương đầu với từ 5 đến 10 Việt Cộng. Thương vong của ta tăng dần và để tránh khỏi bị tiêu diệt, Thiếu Tá Xinh, Chi Khu Trưởng Hoài Đức, đã xin lịnh tiểu khu cho Thiếu Tá Tư đoạn chiến và tìm cách lui binh về phòng thủ chi khu.
- Tại cứ điểm chi khu:
Cường độ tấn công bằng bộ binh địch chưa mạnh, bọn chúng chỉ bao vây và pháo kích với đủ loại đạn pháo. Khi 2 Đại dội và BCH nhẹ của Thiếu Tá Tư về được đến chi khu - đáng lý 2 đại đội nầy mà quân số chỉ còn phân nửa phải được hoán chuyển với 2 đại đội đang phòng thủ chi khu, nhưng cuộc đổi quân nầy sẽ nguy hiểm giữa lúc địch đang tấn công, nên... thì ĐĐ1/334 (đại đội trưởng là Đại Úy Trương Kim, Khóa 21 Thủ Đức) phòng thủ khu chợ nằm phía Đông Nam và cách chi khu 300 thước; ĐĐ2/334 (đại đội trưởng là Trung Úy Thời, Khóa 2/68 Thủ Đức) phòng thủ tại bệnh xá Quận thuộc mặt trước chi khu về hướng chính Đông và cách chi khu 100 thước để bảo vệ kho nhiên liệu và bãi đáp trực thăng. Thiếu Tá Tư vào trong chi khu hoán đổi với Đại Úy Lê Phi Ô, tiểu đoàn phó, ra ngoài chỉ huy trực tiếp 2 đại đội vừa mới rút về.
Cộng quân vây chặt chi khu cả ba mặt Tây, Nam, Bắc cách tuyến ngoài của ta 100 thước. Liên Đoàn 7/BĐQ thì ở quá xa (Gia Huynh) và cũng đang giao chiến ác liệt với Cộng quân. Quân phòng thủ chỉ còn duy nhất TĐ344/ĐP mà quân số chỉ còn 2/3 vì tổn thất sau những trận giao tranh và đạn pháo của địch. Ngoài ra, về phía Tây-Nam chi khu còn có ĐĐ512/Trinh Sát tỉnh cũng bị tổn thất 1/3 quân số và đã lui về khu vực bến xe, cách chi khu 300 thước. Tình trạng nầy nếu kéo dài sẽ bất lợi cho ta và chắc chắn sẽ bị địch tràn ngập.
Phòng thủ hữu hiệu nhứt là... tấn công! Ý niệm chiến thuật nầy vừa thoáng trong đầu thì Đại úy Lê Phi Ô nhận được lịnh chi khu là cố gắng nới rộng vòng đai phòng thủ hầu giảm áp lực địch để chi khu tái phối trí và sửa chữa hệ thống phòng thủ bị hư hại nhiều vì đạn pháo của địch. Tiểu Đoàn Phó Lê Phi Ô ra lịnh ĐĐ1/344 tấn công địch về hướng Đông. Đại đội nầy đẩy lui địch độ một ngàn thước thì khựng lại. Đại Úy Lê Phi Ô cùng ĐĐ2/344 của Trung Úy Thời tấn công địch ở hướng Bắc để cố gắng tái chiếm lại đồi Bảo Đại mà Trung Đội Nghĩa Quân đã bỏ ngỏ ngày hôm trước.
Để giảm thiểu thiệt hại, ĐĐ2/344 đã sử dụng tối đa lựu đạn đánh suốt đêm để diệt chốt địch. Đến lúc trời sáng hẳn, quân ta sử dụng đại bác không giựt SKZ 57 ly để hủy những chốt kiên cố của VC còn sót lại và đến trưa thì hoàn toàn làm chủ ngọn đồi.
Chợt nghĩ ra một điều: Tại sao VC lại để ta chiếm lại những vùng đã mất vào tay chúng dễ dàng như vậy?!? Có thể đây là cái bẫy của VC, vì thế Đại Úy Lê Phi Ô lịnh cho 2 đại đội của Đại Úy Trương Kim và Trung Úy Thời tổ chức phòng thủ chặt chẽ, bung rộng những toán tiền đồn để kịp phát hiện địch từ xa.
Một ngày tương đối yên tĩnh trôi qua. Đến đêm thứ nhì, lúc 12 giờ khuya thì ĐĐ1/344 của Đại úy Trương Kim bị địch tấn công mạnh và đến 3 giờ sáng thì địch tung quân tràn ngập. Cùng lúc đó, địch pháo dữ dội đồi Bảo Đại nhưng chưa sử dụng bộ binh để tấn công. Đến sáng, bọn chúng vây kín đồi Bảo Đại cả ba mặt Bắc, Tây và Nam, chỉ có hướng Đông địa thế tương đối trống trải, có thể thấy được làng mạc từ xa. Có lẽ giặc Cộng muốn tránh bị tổn thất nặng nên mở một đường cho quân ta rút lui hoặc cũng có thể là một cái bẫy lừa ta vào vòng mà chúng tính sẵn cho pháo, bộ tiêu diệt ta. Đâu có dễ!
Một trận thư hùng giữa ta và địch, quân phòng thủ xin pháo binh yểm trợ nhưng... chỉ được 10 quả 105 ly thì ngưng vì pháo binh đã sử dụng đền cấp số dự trữ và cũng gần hết. Tiểu đoàn phải dùng hỏa lực cơ hữu là súng cối 81 ly nên không gây thiệt hại nhiều cho địch.
Đến 8 giờ tối thì VC bắt đầu tấn công lên đồi, có lúc địch và ta lẫn lộn nhau. Quân số giặc ít nhất là hai đại đội trong khi lực lượng phòng thủ chỉ có 60 người. Đại Úy Lê Phi Ô trực tiếp gọi Pháo Đội Trưởng Nguyễn Hữu Nhân đang nằm với Liên Đoàn 7 BĐQ yểm trợ (Nguyễn Hữu Nhân là anh vợ của Lê Phi Ô). Rồi những quả 105 ly được điều chỉnh chính xác đã gây thương vong đáng kể cho giặc và thừa lúc bọn chúng bị hỗn loạn, Lê Phi Ô cùng binh sĩ rời phòng tuyến đánh cận chiến với giặc Cộng. Bị tấn công bất ngờ, chúng bỏ chạy tán loạn không kịp mang theo những đồng bọn thương vong của chúng. Quân ta thiệt hại 7 người gồm 2 chết và 5 bị thương.
Tình hình mỗi lúc càng nghiêm trọng. Pháo binh gần hết đạn không được tiếp tế, nhiều binh sĩ bị thương cần được tản thương phòng không địch đầy đặc khiến trực thăng không đáp được. Yểm trợ bằng không quân thì ưu tiên cho mặt trận Phước Long. Viện quân duy nhất là LĐ7/BĐQ thì đang quần thảo với địch quân ở Gia Huynh không lên được. Để tránh lực lượng ta bị tiêu diệt, Chi Khu ra lệnh Đại Úy Lê Phi Ô gom góp quân số còn lại của 2 Đại Đội 1/344 (30 người) và Đại Đội 2/344 (43 người) lui về phòng thủ vị trí cũ, sát hàng rào bên ngoài của chi khu.
Đêm Giáng Sinh và đêm kế tiếp tương đối yên tĩnh... một sự yên tĩnh đáng sợ! Đến sáng thì giặc Cộng bắt đầu pháo đích ào ạt. Đại Đội 512/ĐPQ Trinh Sát báo cáo đang chạm địch tại khu chợ và nhà thờ Võ Đắc. Đến trưa thì đại đội trưởng là Trung Úy Đường bị tử thương và sau đó thì đại đội này hoàn toàn bị mất liên lạc.
Một tin đáng buồn làm tinh thần binh sĩ Chi Khu Hoài Đức giao động không ít là Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân lui binh. Như vậy là CK Hoài Đức chỉ còn lại Địa Phương Quân, vài anh em Cảnh Sát Quốc Gia, Nghĩa Quân,... với 2 khẩu đại bác 105 ly gần hết đạn, 2 chiếc CommandoCar V-100 bị đạn pháo hư hại nặng, Tiểu Đoàn 344/ĐPQ thiệt hại mất 50% quân số. Đối diện với họ là 3 trung đoàn Cộng quân đang vây hãm chi khu và thêm 1 sư đoàn của bọn chúng đánh nhau với LĐ7/BĐQ nay đã rảnh tay và đang trên đường quay về Hoài Đức để dốc toàn lực tấn công với mưu đồ tiêu diệt CK Hoài Đức.
Không khí bao trùm sự chết chóc không lâu thị Đặc Công và Bộ Binh VC tiền pháo hậu xung cả ban ngày lẫn ban đêm tấn công chi khu khắp 4 mặt. Địch nhiều lần cắt chi khu ra làm đôi, cũng nhiều lần đó giặc Cộng đã lọt vào bên trong chi khu nhưng đều bị đẩy lui. Tiếng của Thiếu Tá Xinh, chi khu trưởng, la hét xin yểm trợ và viện quân trong máy PRC-25 và Motorola dữ dội như con thú dữ bị thương, Thiếu Tá Trần Phụng Tư gần như tắt tiếng vì phải la hét, át tiếng pháo đạn vang rền, điều động quân sĩ chống trả. Và một anh hùng vừa xuất hiện giữa hoang tàn, đổ nát cùng chết chóc: Trung Úy Lưu Đức Thắng, Khóa 24 Võ Bị Đà Lạt, đại đội trưởng ĐĐ3/344. Anh rất trẻ, trông hiền lành nhưng khi chạm địch thì trông gương mặt anh rất dễ sợ, phần lớn những đợt xung phong của VC bị đẩy lui là do Lưu Đức Thắng và binh sĩ dưới quyền.
Ngày 1 tháng 1, 1975 (Tết Dương lịch) và vài ngày sau đó, lực lượng trú phòng ăn Tết bằng hỏa tiễn 107 ly, cối 120 ly, cối 82 ly, cối 61 ly, đại bác không giựt 80 ly, B.40, B.41, AK.47 và lựu đạn đủ loại của giặc Cộng ào ạt cùng lôi cuốn vô số con thiêu thân “sinh Bắc tử Nam” từng đợt, từng đợt xông tới ngày đêm.
Trong giờ phút nguy nan của quân trú phòng sắp cận kề thị một tiểu đoàn Pháo Binh thuộc Sư Đoàn 18 Bộ Binh từ ấp Trà Cổ hoang phế của Chi Khu Định Quán, cách CK Hoài Đức về hướng Tây Bắc 9 cây số đường chim bay, nhả đáp lễ nhiều ngàn quả đoàn trên đầu bọn Cộng phỉ. Pháo binh hỗ trợ bắn tới tấp, không hạn chế và cả những loạt đạn nổ chụp trên đầu quân bạn làm bọn giặc dội ngược trở ra. Sau này mới biết sở dĩ SĐ18BB chơi “sang,” có nhiều đạn dược để bảo tồn mạng sống chiến sĩ, những đơn vị trực thuộc là vì họ có một tư lệnh hết mình vì lính, sống chết với anh em, và nhất là có tầm nhìn xa, biết tiên liệu... Tướng Lê Minh Đảo nghĩ là quân đội mình sẽ bị... “siết” cho nên ông đã chỉ thị các đơn vị khai trội đạn dược sử dụng trong các trận, xài 1 khai 5, bắn 2 khai 10,... để xin cung cấp bồi hoàn. Do đó, khi các nơi thiếu hụt, hạn chế thì SĐ18BB của ông có đủ... “đồ chơi,” có khả năng cầm chân hàng mấy sư đoàn Cộng quân tại Tuyến Thép Xuân Lộc.
Trong một lần tâm sự với Thiếu Tá Nguyễn Hữu Chế, tiểu đoàn trưởng TĐ2/43/SĐ18BB, anh cho biết với phương cách đó, riêng tiểu đoàn của anh đã có giấu riêng 4 hầm đạn để chiến đấu ở những giờ phút cuối cùng, gây thiệt hại nặng cho địch, và bảo vệ sinh mạng của những anh em chiến sĩ thuộc quyền. Và... cũng do đó, do chỉ thị cất giấu để “thủ bửu,” Thiếu Tướng Lê Minh Đảo xém tí là bị ông tướng thanh tra của Bộ Tổng Tham Mưu phạt nặng nếu... còn thì giờ.
Và 9 giờ sáng ngày 4 tháng 1, 1975, đoàn quân cứu viện đã đến, nhiều chiếc trực thăng đổ quân không xa về hướng Bắc, lên xuống với tiếng cánh quạt nghe rộn rã, hòa lẫn tiếng reo vui và nhịp đập con tim cũng rộn rã của quân trú phòng.
Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, tư lịnh SĐ18BB, đã không bỏ rơi Địa Phương Quân Chi Khu Hoài Đức. Ông đã điều động Trung Đoàn 52/SĐ18BB từ hướng Nam đánh lên và Trung Đoàn 43/SĐ18BB từ hướng Bắc Định Quán đánh xuống mà nỗ lực chính là Tiểu Đoàn 2/43 của Thiếu Tá Nguyễn Hữu Chế, Khóa 13 Thủ Đức. Thiếu Tá Chế là một trong các tiểu đoàn trưởng giỏi nhứt của SĐ18BB, và Tiểu Đoàn 2/43 của ông đã nhiều lần ghi những trang sử oai hùng cho Sư Đoàn 18 Bộ Binh/QLVNCH.
Ghi chú:
Những yếu tố làm cho Chi Khu Hoài Đức đứng vững đến phút chót của trận chiến tháng 12 năm 1974 đến đầu tháng 1 năm 1975:
1. Từ năm 1969 trở về sau 23 tháng 4, 1975 (ngày Bình Tuy lui binh), tiểu Khu Bình Tuy hoàn toàn không có bất cứ đơn vị chủ lực quân nào cả mà chỉ do Địa Phương Quân & Nghĩa Quân trách nhiệm bảo vệ lãnh thổ.
Vì lẽ đó, những chiến sĩ ĐPQ đã trưởng thành trong khói lửa, với những trận giải tỏa từ năm 1972 và sau ngày “Hiệp Định Paris” có... hiệu lực, Địa Phương Quân hoàn toàn đánh bại Cộng quân trong mưu toan dành dân lấn đất.
2. Riêng trận tử thủ Hoài Đức tháng 12,1974: Tiểu Đoàn 344/ĐP khi thành lập (1972) gồm có 3 đại đội cơ hữu của Liên Đội ĐPQ/Hoài Đức và 2 Đại Đội 181 cùng 184 của ANTL (ANTL: Tiểu đoàn An Ninh Thiết Lộ giải tán, 2 đại đội này sát nhập vào Tiểu Đoàn 344/ĐP. Cấp số hỏa lực của 2 đại đội gồm có vũ khí cá nhân, 32 khẩu đại liên 30,... Những khẩu đại liên này được gởi tại kho CK Hoài Đức, chưa kịp hoàn trả về kho tiếp liệu chánh tại Sài Gòn). Nhờ tận dụng các khẩu đại liên với đạn dược dư thừa đã đánh bại Cộng quân trong trận chiến tử thủ.
3. Cuộc chiến đấu một mất một còn này, những ý niệm vì tổ quốc, vì dân tộc rất xa vời... mà người lính Địa Phương Quân lúc đó chỉ chiến đấu cho sự sống còn của chính họ, những đồng đội xung quanh và cho gia đình họ mà thôi. Do đó, họ phải thắng vì “thua” là đồng nghĩa với “bị tiêu diệt”! Và trận chiến đã tạo ra những anh hùng cho trang sử của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
“Họ là những anh hùng không tên tuổi,
Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông,
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh,
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước.”
(Thơ: GS Nguyễn Ngọc Huy)
Trung Hiếu
Share Người Lính Già TQLC
No comments:
Post a Comment