Sunday, April 30, 2023

“Ngũ hổ tướng quân” của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa (Lê Hữu)

  


Ảnh: Vietnamese Community in South Australia

 

Sống, sát cánh binh sĩ

Chết, nằm cạnh ba quân

Câu ấy đọc được trên mộ phần của Trung tướng Đỗ Cao Trí ở Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Sau ngày tử nạn trực thăng trong lúc bay thị sát chiến trường Campuchia vào tháng 2 năm 1971, viên tướng được chôn cất nơi nghĩa trang này, nằm an nghỉ giữa hàng hàng lớp lớp mộ phần tử sĩ, theo di nguyện của ông lúc sinh tiền.

Bốn năm sau cái chết của vị danh tướng ấy, năm vị tướng lãnh khác của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã biểu lộ khí phách của bậc dũng tướng cách khác qua việc chọn cái chết hào hùng để bảo toàn khí tiết, khi miền Nam mất về tay cộng sản Bắc Việt vào cuối tháng Tư năm 1975.

Làm tướng không giữ được thành, tuẫn tiết theo thành”, những vị tướng quân ấy đã noi theo tấm gương rạng ngời của các danh tướng lẫm liệt trong sử Việt.

Trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào, không lấy thành, bại luận anh hùng. Lịch sử rồi sẽ phán xét chung cuộc, riêng đối với những vị dũng tướng đã tuẫn tiết để giữ vẹn lời thề tận trung báo quốc, người đời chỉ biết nghiêng mình.

Trong niềm quý trọng và cảm phục, danh hiệu “Ngũ hổ tướng” hay “Ngũ hổ tướng quân” được người Việt phong tặng cho năm vị dũng tướng lưu danh thiên cổ của quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

Thác là thể phách, còn là tinh anh”. Những trang sử Việt đời đời còn ghi mãi những chiến tích vẻ vang và những gương hy sinh anh dũng của biết bao chiến sĩ các cấp, những người hùng tên tuổi hay những chiến sĩ vô danh đã tìm đến cái chết để đền nợ nước.

Những người lính Việt Nam Cộng Hòa từng “một thời ngang dọc”, từng chiến đấu vì lý tưởng tự do và sự sống còn của đất nước, từng trải những vinh quang và nhục nhằn của một thời kỳ bi tráng nhất trong lịch sử dân tộc đã “nhẹ xem tính mệnh như mầu cỏ cây”, thà chết vinh hơn là sống nhục.

Những người lính dũng cảm của một quân lực dũng cảm, những người lính “can trường trong chiến bại” ấy vẫn còn sống mãi trong tâm tưởng người đời, như ngọn lửa vĩnh cửu vẫn lung linh tỏa sáng trên những đài tưởng niệm chiến sĩ anh hùng.

Những tượng đài chiến sĩ ấy là tượng đài của những hy sinh cao cả, tượng đài của lòng ngưỡng phục, của niềm tự hào và nỗi tiếc thương.

Gần 50 năm từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, mỗi mùa tháng Tư đen là mỗi mùa tưởng niệm anh linh chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, từ các vị tướng lãnh đến chiến sĩ quân binh chủng các cấp, đến các quân dân cán chính miền Nam đã vị quốc vong thân và cả những đồng bào thiệt mạng oan uổng trước, trong và sau ngày 30/4/1975 trên đường vượt biên vượt biển. Người Việt khắp nơi khắp chốn cùng thắp nén hương lòng để tưởng nhớ những người đã nằm xuống và nguyện cầu cho một ngày mai tươi sáng về trên quê hương Việt Nam.

 

Lê Hữu

 


Đài Tưởng Niệm - Tháng Tư Đen 1975, Westminster, CA

Ảnh: Lan Đàm/mauaotran.blogspot.com

 

 

Danh tính và sơ lược tiểu sử “Ngũ hổ tướng quân” tuẫn tiết trong biến cố 30/4/1975

 

1. Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam: Tư Lệnh Quân Đoàn IV, Quân Khu IV

Sinh ngày 23 tháng 9 năm 1927 tại Thừa Thiên. Năm 1953 ông nhập ngũ Khóa 3 Thủ Đức và gia nhập binh chủng Nhảy Dù vào tháng 10 cùng năm. Từ 1955 đến 1964, ông mang cấp bậc Đại úy, đến năm 1965 thăng cấp Thiếu tá và giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù.

Năm 1967, ông được thăng cấp Trung tá, được bổ nhiệm làm Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 3 Nhảy Dù và thăng cấp Đại tá vào cuối năm. Năm 1969, ông giữ chức Tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ Binh, kiêm Tư lệnh Khu Chiến thuật Tiền Giang. Tháng 11 cùng năm ông được thăng cấp Chuẩn tướng, đến năm 1972 được thăng cấp Thiếu tướng.

Tháng 11 năm 1974, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân đoàn IV và Vùng IV Chiến thuật cho đến năm 1975.

Khi xảy ra sự kiện 30 tháng 4, 1975, tướng Nguyễn Khoa Nam vận bộ lễ phục trắng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, dùng súng Browning bắn vào màng tang tự sát vào khoảng 7 giờ 30 phút ngày 1/5/1975. Thi thể ông được an táng trong Nghĩa Trang Quân Đội Cần Thơ, đến năm 1994 được thân nhân bốc mộ và hỏa thiêu, tro cốt để tại chùa Quảng Hương Già Lam, đường Lê Quang Định, quận Gò Vấp, Sài Gòn.

Tướng Nguyễn Khoa Nam là một Phật tử thuần thành, thường nghiền ngẫm kinh Phật, sách triết học và Nho học. Ông là một quân nhân thuần túy, không xen vào chính trị, có cuộc sống giản dị, không xa hoa, không bị tai tiếng tham nhũng và được binh sĩ hết lòng yêu mến.

 

2. Thiếu tướng Phạm Văn Phú: Tư Lệnh Quân Đoàn II, Quân Khu II

Sinh năm 1929 tại Hà Đông. Năm 1953 ông tốt nghiệp Học viện Võ bị Liên quân Đà Lạt khóa 6, sau đó phục vụ trong binh chủng Nhảy Dù của quân đội Liên Hiệp Pháp.

Ngày 7/5/1954, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Pháp và bị Việt Minh bắt giam cùng nhiều quân nhân khác khi Điện Biên Phủ thất thủ. Sau Hiệp định Geneve, ông được trao trả và phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Năm 1962, ông được thăng cấp Thiếu tá, giữ chức vụ Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quan sát 77 Lực Lượng Đặc Biệt.

Năm 1964, ông được thăng cấp Trung tá và giữ chức vụ Tham mưu trưởng Lực lượng Đặc biệt.
Năm 1966, được thăng cấp Đại tá, giữ chức Tư lệnh Phó Sư đoàn 2 Bộ binh, sau đó là Tư lệnh Phó Sư đoàn 1 Bộ binh.

Năm 1968, ông được bổ nhiệm chức vụ Tư Lệnh Biệt Khu 44, đến năm 1969 được thăng cấp Chuẩn tướng.

Năm 1970, ông giữ chức vụ Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt, sau đó được bổ nhiệm chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh.

Năm 1971, ông được thăng cấp Thiếu tướng do Sư Đoàn 1 đạt được chiến công trong chiến dịch Lam Sơn 719. Đến năm 1974, ông giữ chức vụ Tư lệnh Quân đoàn II Vùng II Chiến thuật.

Tháng 3/1975, sau cuộc triệt thoái khỏi Pleiku của Quân đoàn II, ông bị triệu tập về Sài Gòn nhưng cáo bệnh và nằm điều trị tại Tổng y viện  Cộng hòa.

Ngày 29/4/1975, tướng Phạm Văn Phú tự sát bằng một liều độc dược cực mạnh, được gia đình đưa vào bệnh viện Grall và trút hơi thở cuối cùng vào trưa ngày 30/4/1975.

 

3. Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng: Tư Lệnh Phó Quân Đoàn IV, Quân Khu IV

Sinh ngày 27 Tháng 3 năm 1933 tại Hóc Môn. Sau khi tốt nghiệp khóa 5 (Vì Dân) Sĩ quan trừ bị Thủ Đức vào tháng 1 năm 1955, ông trải qua các chức vụ chỉ huy từ cấp đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn tại chiến trường miền Tây Nam phần.

Năm 1966 ông được thăng cấp Thiếu tá, giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 31 Bộ Binh. Thời gian này ông được các phóng viên chiến trường gọi là một trong ngũ hổ U Minh Thượng.

Năm 1967 ông được thăng cấp Trung tá, rồi Đại tá năm 1968. Hai năm sau ông được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng tỉnh Phong Dinh.

Năm 1971, ông được bổ nhiệm vào chức vụ Tư Lệnh Sư đoàn 5 Bộ Binh.

Năm 1972, ông được vinh thăng Chuẩn tướng, giữ chức vụ Tư Lệnh Phó Quân khu III sau chiến tích vẻ vang tại chiến trường An Lộc.

Năm 1973, ông được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Sư đoàn 21 Bộ Binh.

Năm 1974, ông đảm nhận chức vụ Tư Lệnh Phó Quân đoàn IV.

Ngày 30/4/1975, tại văn phòng Tư Lệnh Phó ở Bộ chỉ huy Quân đoàn IV, sau khi nói lời từ giã với gia đình và bắt tay từ biệt tất cả binh sĩ bảo vệ Bộ chỉ huy, “Người hùng tử thủ An Lộc” đã dùng súng lục bắn vào tim tự sát vào lúc 20 giờ 45 phút.

 

4. Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ: Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh.

Sinh ngày 22 tháng 8 năm 1933 tại Sơn Tây. Năm 1951 ông theo học khóa 2 (Lê Lợi) trường Võ bị Địa phương Huế, đến năm 1965 thì thăng cấp Thiếu tá.

Năm 1972, ông tham gia chiến trường An Lộc, tử thủ căn cứ chỉ huy. Sau chiến tích vẻ vang, ông được đề bạt làm Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 21 Bộ Binh.

Năm 1974, ông được thăng cấp Chuẩn tướng sau khóa học Chỉ huy và Tham mưu Cao cấp tại Hoa Kỳ và giữ chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh.

Ngày 30/4/1975, sau khi nghe nhật lệnh của Tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa các cấp buông súng, ông ra lệnh cho binh sĩ treo cờ trắng trước cổng căn cứ và cho thuộc cấp giải tán. Sau đó ông dùng khẩu Beretta 6.35 bắn vào đầu tự sát ở Bộ Tư Lệnh Lai Khê.

Thi thể tướng Lê Nguyên Vỹ được an táng trong rừng cao su gần doanh trại Bộ Tư Lệnh, sau đó được thân nhân đưa về cải táng ở Hạnh Thông Tây, Gò Vấp, Sài Gòn.

Năm 1987, hài cốt tướng Lê Nguyên Vỹ được thân mẫu hỏa thiêu và đem về thờ ở từ đường họ Lê Nguyên tại quê nhà ở tỉnh Sơn Tây.

 

5. Chuẩn tướng Trần Văn Hai: Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh

Sinh tháng 1 năm 1929 tại Cần Thơ. Năm 1951, ông tốt nghiệp trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt với cấp bậc Thiếu úy.

Năm 1960, ông thụ huấn khóa Chỉ huy và Tham mưu Cao cấp tại Hoa Kỳ.

Năm 1963, ông được thăng cấp Thiếu tá và giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Dục Mỹ.

Năm 1965, ông được thăng cấp Trung tá và bổ nhiệm vào chức vụ Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Phú Yên.

Năm 1968, ông giữ chức vụ Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc Gia thay thế Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan.

Năm 1970, ông rời ngành cảnh sát với cấp bậc Chuẩn tướng, đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Biệt khu 44.

Năm 1971, ông giữ chức vụ Chỉ Huy Trưởng binh chủng Biệt Động Quân.

Năm 1972, ông được bổ nhiệm vào chức vụ Tư Lệnh Phó Hành Quân của Quân đoàn II và Quân khu II đặc trách biên phòng.

Năm 1973, ông giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Lam Sơn kiêm Chỉ huy trưởng Huấn Khu Dục Mỹ, tỉnh Khánh Hòa.

Năm 1974, ông được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Sư đoàn 7 Bộ Binh thay thế Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam.

Trước biến cố 30/4/1975 khoảng hơn một tuần, Tổng thống Thiệu cho máy bay riêng đến rước Chuẩn tướng Trần Văn Hai di tản nhưng ông từ chối. Chiều ngày 30/4/1975, sau khi cho binh sĩ rời quân ngũ theo lệnh của Tổng thống Dương Văn Minh, tướng Trần Văn Hai đã dùng độc dược tự vẫn trong phòng làm việc tại căn cứ Đồng Tâm. Thi thể ông được thân mẫu đem về mai táng tại Gò Vấp.

Lúc sinh tiền, Chuẩn tướng Trần Văn Hai nổi tiếng là vị tướng thanh liêm, cuộc sống thanh đạm, rất thương yêu và chăm lo cho đời sống binh sĩ thuộc quyền.

 

* Nguồn: Tiểu sử năm vị tướng lãnh tuẫn tiết của QLVNCH

https://vcavic.wordpress.com/thu-vien/tieu-su-5-vi-tuong-tuan-tiet/

 

Phu nhân Tướng Lê Nguyên Vỹ - Bà Phan Thị Minh Yến Là Ai?

 



Từ một nữ sinh trường đầm kiêu sa, thành bà Tướng đầy uy quyền, rồi thế thời đổi thay thành thợ hớt tóc 30 năm dài để nuôi 4 người con nên người mang tên Quang, Minh, Chính, Đại, đặt tên theo tâm niệm của người chồng chiến binh một đời anh dũng.
Đó là Bà Phan Thị Minh Yến, phu nhân Tướng Lê Nguyên Vỹ, vị tướng tư lệnh cuối cùng của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Quân Lực VNCH, một trong 5 vị tướng Miền Nam đã tuẫn tiết để nêu cao khí phách anh dũng và để gìn giữ danh dự của một quân đội vừa mới thua trận trong biến cố 30/4/1975.
Vào năm 1954, cô Phan Thị Minh Yến còn rất nhỏ, nhà ở Cầu Đất, Hải Phòng theo cha mẹ di cư vào Nam. Cô gái Bắc Kỳ nho nhỏ được gia đình cho học chương trình Pháp tại Sài Gòn và đã có câu chuyện tình từ năm 17 tuổi. Khi được 19 xuân xanh thì chính thức lập gia đình với một anh Đại Úy Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Lúc đó là mùa Xuân năm 1964. Chàng hơn nàng 10 tuổi. Nhưng trước sau cô Yến chỉ có một mối tình từ khi biết yêu cho đến lúc thành hôn. Tiếp theo là 10 năm làm vợ lính thời chinh chiến. Rồi bắt đầu làm mẹ. Những đứa con lần lượt ra đời. Các cháu Quang, Minh, Chính, Đại. Ba đứa con trai đầu lòng đặt tên với niềm tự hào của người cha cương trực sống trong một hoàn cảnh đất nước nghiêng ngã. Nhưng cô Út bé bỏng, xinh đẹp chỉ được gọi là em Đại ở trong gia đình. Khi ở ngoài lớp học thì đây là cô nhỏ Tường Vi của bà mẹ Hải Phòng.
Suốt thời gian thơ ấu, người cha đi chinh chiến đêm ngày. Các con phần lớn sống gần gũi và trông cậy vào mẹ. Tuy nhiên, hình ảnh người cha quân đội vẫn là chỗ dựa tinh thần mạnh mẽ cho cả mẹ con.
Tháng 4 năm 1975, bà mẹ 29 tuổi dẫn 4 con từ 6 tuổi đến 10 tuổi di tản qua Hoa Kỳ. Người chồng đang chỉ huy đại đơn vị đang chống giặc nên không có cơ hội tiễn chân vợ con. Lần chia tay sau cùng mà vợ chồng không biết là lần vĩnh biệt. Anh đã ra đi vào miền vĩnh cửu khi quân đội tan hàng. Không một mảnh khăn tang. Không một giọt nước mắt. Vợ con cũng không hề biết tin về cái chết của người thân yêu. Năm đó chưa 30 tuổi, cô Phan Thị Minh Yến trở thành góa phụ ở vậy nuôi con cho đến năm nay, 2008, vừa đúng 33 năm.
Qua Hoa Kỳ, một mẹ và 4 con nhỏ, Minh Yến bắt đầu bằng nghề cắt tóc. Cố gắng tự lập nuôi con. Vừa làm mẹ, vừa làm cha. Từ nữ sinh trường đầm ở Sài Gòn, trở thành vợ lính sống cảnh gia binh, rồi trở thành góa phụ.
Sau bằng ấy năm trời, các con đã trưởng thành, tốt nghiệp đại học, có cháu nội cháu ngoại. Hỏi rằng bây giờ chị làm gì? Còn làm gì nữa. Trước sau cũng chỉ làm một việc cắt tóc chải đầu.
Nhưng nghề chính là vừa làm cha vừa làm mẹ.
Làm mẹ thì cũng dễ vì đã làm mẹ từ Việt Nam. Nhưng làm cha cho những đứa con trai ở Hoa Kỳ mới thật khó. Tất cả đều phải quyết định một mình. Không bàn với ai được. Ba đứa con trai ở tuổi niên thiếu tại miền đất lạ. Biết bao nhiêu là khó khăn. Chuyện học hành, chuyện sinh sống, chuyện yêu đương của các cháu rồi đến chuyện hôn nhân. Cái gì cũng là chuyện của các con.
Khi được hỏi rằng thế chị làm ở tiệm tóc thì làm chủ hay làm thợ. Được trả lời rằng trước sau chỉ làm công mà thôi. Đã bảo rằng nghề chính là làm mẹ, nếu bôn ba mở tiệm, e rằng không có đủ thì giờ trông nom lũ nhỏ.
Hỏi rằng đi làm như vậy có gặp những điều gì khó chịu không. Trả lời rằng lúc đầu cũng thấy tủi thân lắm. Nhưng rồi thì cũng phải nhịn nhục cho quen đi. Vả lại, ở đây cũng không ai biết hoàn cảnh mình ra sao nên cứ việc mình, mình làm. Cũng thi lái xe, cũng lấy bằng, cũng tìm đường đi học nghề, đi làm và nuôi con. Vâng, việc chính là nuôi con.
Chị có buồn giận về chuyện anh nhà đã không đi được vào năm 1975 hay không? Trả lời rằng thì anh nghĩ coi, ai mà chả muốn có vợ có chồng. Các con muốn có đủ cha mẹ. Nhưng phần số đã như vậy thì mẹ con phải sống sao cho phải đạo với sự hy sinh của ông nhà tôi. Ông ấy mà còn thì cũng chỉ muốn cho các con của chúng tôi được học hành tốt nghiệp đại học, rồi dựng vợ gả chồng cho các cháu như bây giờ gia đình tôi đã được như vậy.
Ngoài việc hãnh diện về chuyện con cái, bà mẹ gốc Hải Phòng còn kể thêm với niềm hào hứng đặc biệt. Đó là mối liên hệ với mẹ chồng.
Số là ngay sau khi di tản qua Hoa Kỳ, gia đình được tin chồng chết nên đã tìm cách báo về Bắc cho bà mẹ già biết tin. Tội nghiệp chưa. Ông nhà tôi, lời chị Yến, cũng di cư vào Nam từ 54, mẹ con xa nhau 21 năm không liên lạc. Bây giờ bà cụ mới biết tin con dâu và các cháu ở Mỹ thì đồng thời cũng biết tin con trai đã qua đời.
Những năm đầu ở Hoa Kỳ cũng rất chật vật nên không tiếp tế được nhiều. Những năm sau này bắt đầu gửi tiền về miền Bắc cho bà cụ. Chính tôi là con dâu mà chưa hề biết mặt mẹ chồng. Đến khi liên lạc được thì chồng đã chết. Gia đình tôi và các cháu tiếp tục liên lạc về Bắc. Mấy năm gần đây cụ vào Nam gặp các bà chị tôi rồi thu xếp cải táng đưa di hài nhà tôi về Bắc. Xong công việc quan trọng, cụ mới qua đời mấy năm gần đây.

Vâng, thưa quý vị, tôi vừa kể hầu quý vị một câu chuyện của bà mẹ Việt Nam trong nghĩa vụ thay chồng làm cha thời hậu chiến kéo dài hơn 30 năm tại Hoa Kỳ. Một người thiếu nữ 10 năm làm vợ nhưng đã có đến 30 năm vừa làm cha, làm mẹ, và làm dâu hàm thụ qua thư tín.
Cũng suốt 33 năm tại Hoa Kỳ, với vốn liếng Pháp văn và Anh ngữ của trường Đầm Sài Gòn, trước sau bà cũng vẫn chỉ là cô Yến làm tóc tại Hoa Kỳ. Bởi vì, người phụ nữ Việt Nam đơn giản này đã có một nghề cao quý vô cùng mà bà phải hết lòng theo đuổi. Đó là nghề làm mẹ. Do đó Ngày Của Mẹ hàng năm sẽ là ngày đặc biệt đối với những đứa con của bà.
Và mỗi năm, ngày tang 30 tháng 4 cũng là ngày giỗ bố của đám nhỏ. Bà mẹ Việt Nam tổ chức giỗ chồng bằng âm lịch những vẫn dặn con vào ngày cuối tháng 4, dù ở đâu cũng phải dành cho bố những giây phút tưởng niệm.
Bởi vì thân phụ của các cháu đã chết đúng ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tên ông là Lê Nguyên Vỹ, người Sơn Tây, Bắc Việt, chết tại Lai Khê miền Đông Nam Phần.
Ngày nay, tại ngôi đình làng cũ tỉnh Sơn Tây có thờ bài vị của tướng công Lê Nguyên Vỹ, Tư Lệnh Binh Đoàn Số 5 của quân đội Sài Gòn
. Ông đã tự sát vào ngày đất nước “thống nhất và hòa bình”.
Đó là cách ghi nhận của người đồng hương Sơn Tây với một chút tự hào. Và hình ảnh của ông vẫn trong lòng các con Lê Nguyên Quang, Lê Nguyên Minh, Lê Nguyên Chính và con gái út Lê Nguyên Đại Tường Vi tại miền Virginia Hoa Kỳ.
Đối với lũ trẻ Quang Minh Chính Đại, ba trăm sáu mươi lăm ngày, ngày nào cũng là Ngày Của Mẹ.

Kim Anh

 Bonus:

Tiểu sử 5 vị tuớng Việt Nam Cộng Hòa tử tiết 30/4/1975




Tưởng Năng Tiến - Tuẫn Tiết

 

28/4/2023

Đài Tưởng niệm các vị anh hùng đã tuẫn tiết Tháng Tư Đen. Ảnh: Uyên Vũ

 

Bên Thắng Cuộc phát hành cuối năm 2012, và được bỉnh bút Nguyễn Hùng (BBC) liệt kê là một trong “mười chuyện nổi bật” nhất trong năm. Cùng lúc, biên tập viên Mặc Lâm (RFA) cũng nhận xét rằng “cuốn sách đang gây sôi nổi cho cư dân mạng cả trong và ngoài nước” và đã khiến cho “người đọc ngỡ ngàng” vì “cái nhìn” của tác giả – một người sinh trưởng “từ bên kia” chiến tuyến:

“Trong chương 1, Ba mươi Tháng Tư, Huy Đức đặt một tiểu tựa khiến người đọc ngỡ ngàng. Họ ngỡ ngàng vì biết tác giả là người trưởng thành từ bên kia nhưng dùng hai chữ Tuẫn Tiết đặt cho câu chuyện của các tướng lãnh bên này tự kết liễu đời mình trong ngày chế độ sụp đổ.

Các tướng lãnh như  Lê Văn Hưng, Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê Nguyên Vỹ hay Đại tá Đặng Sĩ Vinh lần lượt kết liễu đời mình trước sự chứng kiến của thuộc hạ hay vợ con dưới cái nhìn của Huy Đức là một sự tuẫn tiết…

Một điểm quan trọng nữa, Huy Đức viết: “Nhưng đấy vẫn chưa phải là những phát súng cuối cùng của cuộc chiến tranh. Nhiều quân nhân vô danh vẫn tìm đến cái chết trong những ngày sau đó.”

Mãi đến bốn mươi sáu năm sau, độc giả của nhật báo Người Việt – số phát hành ngày 6/12/2021 – mới có dịp biết đến tên tuổi của một số “quân nhân vô danh” này qua bài viết (“Những Anh Hùng Tuẫn Tiết Trong Ngày Tàn Cuộc Chiến Tại Việt Nam”) của ký giả Vann Phan: 

“Ngoài ‘Ngũ Hổ Tướng’ ra, còn có các sĩ quan khác cùng các hạ sĩ quan trong Quân Lực VNCH và Cảnh Sát Quốc Gia đã chọn cái chết để đền nợ nước trước, trong và sau ngày 30 Tháng Tư, thay vì đầu hàng quân Cộng Sản… Còn một số quân nhân thuộc nhiều binh chủng khác nhau trong Quân Lực VNCH thì đã tự sát tập thể để khỏi rơi vào tay quân địch, bằng cách cùng nhau mở lựu đạn hoặc đồng loạt nổ súng vào đầu nhau trong biến cố 30 Tháng Tư, 1975, thật vô cùng bi tráng.”

Nỗi “bi tráng vô cùng” này đã được nhà văn Cao Xuân Huy ghi nhận bằng đôi mắt ráo hoảnh, cùng những câu chữ trần trụi và khô khốc:  

“Lại có rất nhiều người tự tử. Bây giờ họ không tự tử từng người, từng cá nhân mà họ tự tử tập thể. Không rủ, không hẹn và hầu như họ đều không quen biết nhau trước hoặc có quen biết đi nữa, bạn bè đi nữa họ cũng không thể nhận ra nhau trước khi cùng chết với nhau một lúc. Dòng người chúng tôi đang chạy, một người tách ra ngồi lại trên cát, một người khác cũng tách dòng người ra ngồi chung, người thứ ba, người thứ tư, người thứ năm nhập bọn, họ ngồi tụm với nhau thành một vòng tròn nhỏ, một quả lựu đạn nổ bung ở giữa.”

 

Những cựu quân nhân VNCH tại hải ngoại luôn ghi nhớ gương hy sinh của đồng đội. 

Ảnh: Uyên Vũ

Cựu quân nhân Nguyễn Hữu Luyện bình luận: “Khi một binh nhì kê súng vào đầu mình để bóp cò, người ấy chỉ có một nguyên nhân uất hận được bộc lộ qua khí phách của quân nhân QLVNCH. Do đó, hành động tự sát của anh binh nhì nói lên cái khí phách tột đỉnh và tấm lòng son sắt vô song …”

Khí phách cùng tấm lòng sắt son của những người lính trận – buồn thay – vẫn thường bị lãng quên, nhất là khi họ thuộc bên thua cuộc: 

“… những người lính chết trận và mất tích ở phía VNCH, chính thể đã sụp đổ vào tháng 4/1975, ít được biết tới và nhiều lúc đã trở thành đề tài cấm kỵ tại Việt Nam thời hậu chiến. Bị chính quyền mới ghẻ lạnh, đồng minh Mỹ lãng quên, các quân nhân VNCH tử trận chỉ được người thân, đồng đội cũ tưởng nhớ và kiếm tìm.” (Bùi Thư. “Hành Trình Tìm Hài Cốt Lính VNCH: 39 Năm, Anh Em Nằm Dưới Nền Đất Lạnh.” BBC – 28.04.2020)

Ở vào hoàn cảnh của những kẻ thuộc phe bại trận thì việc thu nhặt hài cốt hay tìm kiếm những nấm mồ vô thừa nhận của bạn đồng đội – tất nhiên – chả dễ dàng chi,  và cũng không mấy khi có được kết quả như mong đợi. Tuy thế, thỉnh thoảng, vẫn có những sự kiện ấm lòng:

-Ngày 19 Tháng Tư năm 2022, FB Dominic Pham cho biết thêm một tin vui: “Người dân Vũng Liêm, Tam Bình, Vĩnh Long đã đào được hài cốt người lính VNCH, với tấm thẻ bài:  Nguyễn Văn Hài SQ 50/680.585LM A RH+. Hài cốt của anh đã được đưa vào Chùa. Xin vui lòng gọi 038 663 3049, 093 284 8449 để biết thêm chi tiết.”

-Ngày 15 Tháng Ba năm 2022 , trên trang FB Tìm Hài Cốt Chiến Sĩ VNCH cũng cho biết một tin mừng khác, đã được thực hiện từ 10 năm trước. Xin lược thuật:

Ngày 19-08-2011, ba cựu quân nhân VNCH đã đến Thị Xã Bà Rịa-Vũng Tàu vì nghe nơi đây có bốn ngôi mộ không bia của đồng đội, nằm trong vườn nhà ông Hai Lì – một cán bộ địa phương… Ông Hai Lì kể:

“Tôi là dân Gia Đình Cách Mạng, mấy Ông Rằn Ri này gan lì lắm, mấy Ổng chống đến cùng dù có lệnh đầu hành của Tổng Thống Dương Văn Minh 30-04-1975, mấy Ổng chiến đấu cho đến trưa 01-05-1975 rồi cùng nhau tự sát và chính tôi là người chôn cất mấy Ổng, giấy tờ từng Ông tôi bỏ vào một cái hộp chôn theo các Ông.”

Công việc bốc mộ được tiến hành, tất cả mọi người cùng hồi hộp chờ đợi từ nhát cuốc đầu tiên chạm vào ngôi mộ, sau đó hé lộ dần những hình hài của Các Anh đã chôn vùi nơi đây hơn 36 năm dài đằng đẵng…, không Quan Tài, mà cũng chẳng có PONCHO bọc xác, chẳng còn gì với cát bụi thời gian, ngoài những mảnh xương tàn,quần áo đã mục nát…

Chúng tôi cố tìm những mảnh giấy tờ đã được chôn theo Các Anh sau khi đã lượm lặt từng khúc xương còn sót lại, rồi cho vào từng hũ sành, ghi tên Các Anh, gởi vào Chùa và cầu xin cho Các Anh được siêu thoát khỏi chốn dương trần đầy khổ đau, tủi nhục này và điều mong muốn mãnh liệt nhất là thân nhân Các Anh sớm tìm gặp lại Các Anh sau bao năm dài vắng bặt tin tức…

 

Một người viếng mộ thân nhân tại Nghĩa trang Quân Đội Biên Hoà 2022. 

Ảnh: Đoan Trang

Tất cả mọi người cùng ứa lệ mừng vui khi tìm được những tấm thẻ bài, giấy tờ, tên tuổi Các Anh… và đây là những vị Anh Hùng của chúng ta:

-Ngôi mộ thứ nhất: có Thẻ Bài tên TRƯƠNG VI CỬ, SQ: 75/115.815.

-Ngôi Mộ thứ hai: có Thẻ Bài tên VÕ QUANG HẰNG, SQ: 68/123.320.

-Ngôi Mộ thứ ba: (gồm có 02 người) trong đó Một Vô Danh không Thẻ Bài. Người có Thẻ Bài tên: TRẦN VĂN HÀ, SQ: 67/824.827.

Sau khi Bốc mộ xong, chúng tôi đã đem 04 hũ cốt gởi Chùa Báo Ân. Địa chỉ: Khu Công Nhân, Thị Trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu. Còn các Di Vật và giấy tờ liên quan kể trên, chúng tôi nhờ MĐ Đẹp giữ. Nếu tình cờ Quý Vị nào hoặc ai đọc được tin tức này hoặc cần biết thêm chi tiết cụ thể, xin vui lòng liên lạc theo số Phone, dưới đây: Nguyễn Văn Thành, ĐT: 01645462458 hay Lê Văn Đẹp – ĐT: 01684118839.

Dù không phải là kẻ vô thần, tôi là một người vô đạo (hay khô đạo) bất kể đạo gì! Tuy thế, những dòng thông tin muộn màng (ghi trên) về bạn đồng đội vẫn khiến cho tôi cảm thấy có đôi chút an tâm và vô cùng an ủi. 

Xin cảm ơn Trời, Đất, Chúa, Phật, Thánh Thần… Xin cảm ơn tất cả mọi người đã không ngại công khó, đã lập đài tưởng niệm, đã cải táng, đã lập mộ (cùng khói nhang ấm áp) cho những kẻ thuộc bên thất trận – dù chúng tôi đã không chu toàn được trách nhiệm bảo quốc an dân.