Saturday, April 29, 2023

Lê Bá Vận - Đánh Giá Ngày 30/4/1975 Kết Thúc Cuộc Chiến Tranh Ủy Nhiệm

 29/4/2023

 


   Ông mày ngồi trên mình ngựa mà lấy được thiên hạ, cần gì Kinh Thi với Kinh Thư?”

Lục Giả giảng giải cho Lưu Bang: Nhà vua ngồi trên mình ngựa lấy được thiên hạ, nhưng có thể ngồi trên lưng ngựa mà cai trị thiên hạ không?... (Sử Ký Tư Mã Thiên).                                   

Lời giảng giải chí tình, hợp lý trên của cổ nhân chỉ ra Đại Thắng 30/4/1975, Cộng sản chiếm đoạt miền Nam là đại họa, là sự kiện xấu xa bậc nhất trong lịch sử nước Việt Nam.

TRONG CUỘC CHIẾN TRANH ỦY NHIỆM (Proxy War). [1].

(TBT Lê Duẩn: “Ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc…”).

      Đánh Giá Ngày 30/4/1975 Kết Thúc Cuộc Chiến Tranh Ủy Nhiệm - Phần 1

    I) TÓM TẮT THỜI CUỘC.

Ngày 20/7/1954 Pháp và CS VNDCCH ký Hiệp định Geneva đình chiến chia đôi đất nước ở vĩ tuyến 17 tại sông Bến Hải, Quảng Trị.

Chia tay từ năm 1955, gia cảnh 2 huynh đệ Bắc Nam không khác biệt nhiều. Sài Gòn giàu có hơn Hà Nội, xấp rưỡi hoặc có thể xấp đôi. Nhưng miền Bắc có thêm Hải Phòng. Đà Nẵng còn bé xíu. Đến thập niên 1970 ở Sài Gòn đã có nạn kẹt xe hơi trong khi Hà Nội vẫn giữ vẻ cổ kính, nghèo nàn, trên đường phố chỉ thấy người đi bộ, quang gánh, xe đạp là nhiều, có khi xích lô, xe bò, tàu điện đầy nhóc người bu bám ở cửa.

Miền Bắc Cộng sản (CS) được hưởng thái bình liên tục suốt 20 năm ròng, 1955-1975 để xây dựng kinh tế đất nước với sự viện trợ của các nước thuộc hệ thống CNXH. Cho dù máy bay Mỹ từ 1965 -1968 thường kéo đến bắn phá các cơ sở quân sự xây cất ở các tỉnh kề ranh giới Bến Hải, chỉ chấm dứt trước ngày hội đàm Paris khởi nhóm.

Từ 17 đến 30 tháng 12/1972, trong 12 ngày liên tục, Mỹ lại dùng phi cơ B-52 oanh tạc các mục tiêu quân sự ở Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh ở miền Bắc, hủy diệt tiềm năng chiến tranh nhằm khai thông hội nghị Ba Lê (Paris, Pháp).

Miền Nam Việt Nam VNCH sau Hiệp định Geneva, trong vòng 8 năm, 1955 - 1962 cũng được hưởng thái bình tuyệt đối như ở miền Bắc. Đất nước thanh bình trở lại, tự cường tự lực, sung túc, rộn rã. Ruộng đồng miền quê Nam Bộ phì nhiêu, thóc lúa đầy vựa, các thị trấn phố xá hàng quán trên bến dưới thuyền, tấp nập, sầm uất. Các hãng hàng không nhộn nhip chào đón khách, tàu hỏa chạy suốt Quảng Trị - Sài Gòn, và lên Đà Lạt. Trên các tuyến đường xe cộ lớn nhỏ vận chuyển hành khách chen chúc, hàng hóa chồng chất.

Tuy nhiên năm 1962 chiến tranh trở lại ở miền Nam, tăng dần cường độ ác liệt kéo dài.

Ngày 27/1/1973 hiêp định Paris được ký kết giữa bốn nước tham chiến: Mỹ, VNDCCH, Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (bản doanh ở Đông Hà) và Việt Nam Cộng Hòa.

Bốn bên ngưng bắn và Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam cùng với các đồng minh.

Chỉ 2 năm sau, nhiều chục sư đoàn quân Bắc Việt ồ ạt trở lại, mạnh hơn nhiều với đầy đủ vũ khí hạng nặng, xe tăng, trọng pháo… và giành chiến thắng ngày 30/4/1975.

   II) NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC.

Trận chiến 1962 -1975 xảy ra trên đất miền Nam và làm chết trên 1 triệu binh sĩ con dân miền Bắc thuộc lứa thanh xuân, từ Bắc kéo vào, sinh Bắc tử Nam. Miền Nam mất khoảng 230.000 quân nhân tử trận trên đất nhà, kèm thêm một số lớn nhân dân tên bay đạn lạc.

Nội chiến Bắc Nam 1962 – 1975 là cuộc chiến man rợ và đẫm máu nhất trong lich sử nước nhà, hai bên như cặp gà chọi, là đánh thuê song đánh chí tử, dùng súng đạn của các siêu cường đối địch cung cấp miễn phí để huynh đệ tương tàn.

Trong cuộc chiến ủy nhiệm (proxy war) này Liên Xô, Tàu đứng ngoài, trao vũ khí và Hồ Chí Minh (HCM), Lê Duẩn gây chiến, tận lực. VNCH tiếp nhận súng đạn Mỹ nhưng cũng vì sự bắt buộc phải có vũ khí để tự vệ, hơn nữa Mỹ cũng trực tiếp nhảy vào vòng chiến và chịu tổn thất 58.281 quân nhân chết[42], 303.644 bị thương đủ loại[45][46][47], 1.584 - 1.948 mất tích[48][49] . Thương vong khá lớn làm xôn xao dư luận Mỹ và dấy lên các phong trào phản chiến.

Kẻ làm lính đánh thuê tàn sát đồng bào không gớm tay thì ngày 30/4/1975 đại thắng có gì mà huênh hoang tự đắc! CS lại không có chính nghĩa vì dựa trên sự lừa dối.

HCM và CS hô hào đánh Mỹ xâm lăng, giải phóng miền Nam đang đói rách, lừa gạt dân Bắc  vào Nam gởi xương máu. Song ai chính là kẻ “vừa ăn cướp vừa la làng”?

Mỹ ư? Không thấy Mỹ như thời Pháp thuộc, bổ nhiệm quan cai trị: thống sứ, khâm sứ, công sứ, giám binh (chỉ huy lính bản xứ), nắm giữ thuế vụ, hải quan, kinh tế… bóc lột dân chúng!

Chiến trường là tại miền Nam. Năm 1962 CS bắt đầu gây hấn khuấy rối miền Nam, tăng dần cường độ. Miền Nam buộc phải chống trả, đó là chiến tranh hợp lý tự vệ, giữ nước và từ năm 1965 được bạn bè đồng minh gởi quân đến tham chiến hỗ trợ.

Mặt Trận Giải Phóng miền Nam, được thành lập tại miền Nam là năm 1960.

Đến năm 1962 Mặt trận ra mặt quấy phá ban đêm ở thôn quê và được nhân dân gọi là Việt cộng (VC), “ngày cọng hòa, đêm việt cọng”. Đêm đến VC từ ‘bưng’ về hoặc từ địa đạo bò lên thu thuế, buộc ủng hộ lương thực, bắt cóc, chặt đầu các người bị nghi hợp tác với chính quyền ban ngày. Đào đường, đắp mô, giật mìn. Mặt trận làm tai mắt - và được cung cấp khí giới - cho bộ đội chính quy miền Bắc vào Nam ngày càng đông, đóng quân ẩn núp trong rừng núi.

Ngày 6/6/1969 Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập. KTS Huỳnh Tấn Phát làm chủ tịch. Chính phủ phát hành tiền giấy, bưu chánh (bộ tem) riêng và dùng cờ nửa xanh nửa đỏ, giữa sao vàng. Trụ sở đặt tại Đông Hà sau hiệp định Paris. Gần cuối hội nghị Paris, có lúc bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Thị Bình của Cọng hòa miền Nam Việt Nam (CHMNVN) đề xuất lập chính phủ liên hiệp với VNCH song Mỹ bác bỏ.

Sau ngày 30/4/1975 CHMNVN thừa kế VNCH, được 90 quốc gia công nhận.

Quốc tế xem đó là sự thay đổi chính quyền xảy ra trong nội bộ một nước .

“Miền Nam Việt Nam phải được độc lập, tự do…”, chính phủ mới trong viễn ảnh của các người cầm đầu là Trung Lập và Độc Lập song thân hữu đối với chính phủ Hà Nội. Như vậy sau tổng tuyển cử trên cả nước sẽ là thống nhất với hai chính thể khác nhau.

Các sự kiện dồn dập đến. Ngày 25/4/1976 tổng tuyển cử trên toàn quốc. Quốc hội Việt Nam, chung cả nước được bầu thì chính phủ Hà Nội chưa gì đã đặt tên là Quốc hội khóa VI, như sự đã rồi, nối tiếp Quốc hội khóa V của VNDCCH được bầu vào ngày 6/4/1975.

Ngày 2/7/1976 Quốc hội khóa VI họp bầu ra các lãnh đạo nước. LS Nguyễn Hữu Thọ nguyên thủ của miền Nam trúng cử ‘đệ nhị phó chủ tịch nước’ trong số 2 vị phó. KTS Huỳnh Tấn Phát được bầu ’đệ nhị phó thủ tướng’ trong số 7 phó thủ tướng.

Quốc hội đặt lại tên nước là CHXHCNVN thủ đô, quốc kỳ, quốc ca của VNDCCH cũ.

CHMNVN chính thức xóa sổ nhanh chóng trong nhục nhã, uất hận âm thầm.

XIN BẤM "READ MORE" ĐỂ ĐỌC TIẾP

Chú Thích.

[1] Hai ví dụ điển hình nữa của loại hình chiến tranh uỷ nhiệm ở trong cuộc chiến tranh Lạnh này là Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và Chiến tranh Việt Nam (1955-1975)… (Wikipedia).

Cuộc chiến uỷ nhiệm có các kết quả khác nhau khi lúc là phe cộng sản (thân Liên Xô) chiến thắng như ở Việt Nam hay là phe chống cộng (thân Mỹ) thắng như ở Afghanistan hay là bế tắc như ở Triều Tiên (Wikipedia).

     Đánh Giá Ngày 30/4/1975 Kết Thúc Cuộc Chiến Tranh Ủy Nhiệm - Phần 2. 

 


 

   I) ĐÁNH GIÁ NGÀY 30/4/1975.

Nội chiến huynh đệ tương tàn là chuyện thường xảy ở Tàu và ta trong lịch sử. Ở Tàu điển hình là thời Tam Quốc (Ngụy, Thục, Ngô) nhiều tình tiết. Nước ta xưa có Thập nhị sứ quân, thời cận đại có Trịnh Nguyễn phân tranh và chiến tranh giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn.

Nội chiến vừa rồi ở thế kỷ 20 giữa 2 chính thể: VNDCCH miền Bắc và VNCH miền Nam là man rợ và đẫm máu nhất, sản phẩm của cuộc chiến tranh ủy nhiệm điển hình.

Liên Xô, Tàu cộng mưu đồ cộng sản hóa thế giới, Mỹ cố sức ngăn cản. Tránh đối đầu trực tiếp các siêu cường cung cấp vũ khí, ủy nhiệm việc gây chiến tranh cho các nước nhỏ.

Tại Việt Nam năm 1954 Bắc, Nam 2 bên được phân chia ranh giới tại sông Bến Hải, vĩ tuyến 17, “nước sông không phạm nước giếng”, lại càng không có thù hận truyền kiếp gì với nhau.

Sự kiện Hồ Chí Minh (HCM) nhất quyết gây chiến, thanh toán VNCH dù phải trả giá mạng sống cả triệu thanh niên công dân miền Bắc bỏ thây trên chiến trường miền Nam, tất nhiên phải có một động lực to lớn nào đó bất khả kháng thúc đẩy, ngoài nhiệm vụ đánh thuê.

Động lực đó là tính cuồng tín nơi chủ nghĩa Mác Lê của HCM và cộng sự. Hồ nói, nguyên văn: “không khoan nhượng, lập chế độ chuyên chính toàn trị vô sản và đấu tranh giai cấp theo khuôn mẫu Mao Trạch Đông”. Nghị quyết phải giết sách tất cả ngụy quân ngụy quyền. 

Ngày 30/4/1975 bên thắng cuộc khen tài khen giỏi, bên thua cuộc chê bai, bất phục vì thương vong, thua trận chỉ do hỏa lực súng đạn Xô Tàu, hai bên hằn học bất tận.

Trong chiến tranh Bộ chính trị Đảng đã liên tục đưa ra hàng trăm nghị quyết về chiến lược bất kể hao quân, chỉ đạo tài tính cuộc chiến đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác (?) như trận Tết Mậu Thân 1968, Quảng Trị 1972, chiến dịch Tây Nguyên 1975… Đảng đã có những nhà quân sự tài ba, những nhà ngoại giao đàm phán khôn ngoan, lỗi lạc, những chiến sĩ anh ng, tay nã đạn, tay níu càng trực thăng địch, ghìm xuống, những cô gái vót chông sông Ba kiêu ng…

Song để ĐÁNH GIÁ NGÀY 30/4/1975  tốt hay xấu, phúc hay họa là tùy thuộc ĐCSVN làm gì sau khi chiếm được miền Nam. Lúc đó ta sẽ thấy được chân diện mục của Đảng.

Sự đánh giá là hoàn toàn không tùy thuộc những chiến thắng quân sự và chính trị to lớn của Đảng trong thời chiến, những huyền thoại máy bay Đảng phục kích trong mây, nổ máy xông ra bắn hạ B-52Nếu chiến tranh kết thúc mà CS không rời lưng ngựa, vẫn khư khư mang giáp trụ, khinh thường lời khuyên của Lục Giả thì nhân dân biết đã gặp bọn côn đồ, ác bá.

Thực vậy sau ngày 30/4/1975 CS đã hành xử như một đội quân thổ phỉ chính hiệu.

Choá mắt choáng ngợp trước miền Nam giàu có CS tích cực, lớp mua rẻ, lớp tịch thu của cải, tài sản tivi, tủ lạnh, máy thêu may, radio, VCR, đồng hồ, quạt máy, xe đạp, xe gắn máy, xe hơi, sữa hộp, thuốc men, vải vóc, mỹ phẩm… tháo gỡ các máy móc trong cơ xưởng, bệnh viện, trong các kho dụng cụ, vơ vét vàng bạc, đá quý của ngân hàng, chở lớp lớp ra miền Bắc xơ xác, thiếu hụt mọi mặt, nay chiếm được miền Nam như đại hạn gặp mưa rào. Sách vở thì chúng đốt hết.

Người thì bị trù dập, để lại tài sản, trốn ra biển cả trên những chiếc thuyền mong manh, gần số nửa bỏ mình trên biển, một số đông phụ nữ, bé gái bị hải tặc hãm hiếp, nhục nhã. Công an lại tổ chức bảo kê vượt biên, thu vàng bạc các hộ giàu, chờ ra khơi đón bắt trở lại, trấn lột thêm. Lại cắt hộ khẩu, bố trí đi kinh tế mới lao động cuốc đất sỏi đá đồi núi, để lại nhà cửa, phố xá buôn bán sầm uất được giải phóng tiếp quản, phân phối cho cán bộ và gia đình từ Bắc vào. 

Cả trên triệu người diện ngụy quân, ngụy quyền, văn nghệ sĩ đi trại tù cải tạo học tập đổi đời, sống dở chết dở từ vài năm đến ít chục năm với đám quản giáo kém học nhưng quyền uy, khinh khi hách dịch, xem mạng người tù miền Nam như cỏ rác.

Hàng chục ngàn tù viên, tù sĩ đã bỏ xác trong trại tù nhất là tại các trại tù thiết lập ở Việt Bắc nơi thâm sơn cùng cốc, khí hậu rét buốt quá sức chịu đựng của người miền Nam. Thuốc men đã hiếm, các tù viên lại phải lao động cuốc rẫy, cực nhọc chết bỏ, gieo trồng tự túc lương thực, thực hiện lao động CS là vinh quang!  

Cựu Tổng bí thư Đỗ Mười (1991-1997) người kém học nhất trong các tổng bí thư đảng CS, song phát biểu lại rất chính xác, huỵch toẹt ruột ngựa :

“Giải phóng miền Nam chúng ta có quyền tịch thu tài sản trưng dụng nhà cửa, hãng - xưởng, ruộng đất chúng nó, xe chúng nó ta đi, vợ chúng ta lấy, con chúng nó ta bắt làm nô lệ, còn chúng nó thì ta đày đi kinh tế mới và nơi rừng sâu nước độc, chúng nó sẽ chết lần mòn”.

Đánh giá ngày 30/4/1975 là vậy, quan sát việc làm của CS sau ngày thắng trận.

Chiếm được nước CS tái lập nền cai trị tròng lên đầu cổ nhân dân.

Theo định nghĩa khái niệm CAI TRỊ được hiểu : là (giai cấp hoặc thế lực cầm quyền) sử dụng bộ máy hành chính nhà nước và các công cụ tư pháp… một cách chuyên quyền, độc đoán, có tính áp đặt, thiếu dân chủ, bất bình đẳng, không vì lợi ích của toàn xã hội mà chỉ phục vụ cho lợi ích giai cấp, thế lực cầm quyền (Wikipedia). Vd: Chính sách cai trị của thực dân.

Đối lập với cai trị (to rule) là quản lý, quản trị, điều hành (to govern, to run, government).

Nước Việt Nam qua 4.000 năm lịch sử liên tục được trị vì bởi các triều đình phong kiến chuyên chế, bởi Tàu, Pháp đô hộ, bởi Cộng sản cai trị kiểu phong kiến.

Chỉ có một khoảng thời gian 20 năm 1955 -1975 ngắn ngủi, riêng người dân miền Nam được trải nghiệm một thể chế ‘cộng hòa’, biết có tổng thống, có đa đảng tranh đua ở Quốc hội và Thượng viện... do đó biết chắc chắn các quyền lợi của người dân được bảo đảm.

Thời đó chưa có mạng Internet song báo chí là đa chiều, cung cấp đấy đủ mọi thông tin.

Chỉ kể nhật báo, lâu đời nhất là Thần Chung, Sài Gòn Mới, Tiếng Chuông… và rồi Tiếng Dội, Tin Điển, Tia Sáng, Tự Do, Ngôn Luận, Dân Chủ, Dân Quyền, Chánh Đạo, Chính Luận, Độc Lập, Trắng Đen, Thời Luận, Xây Dựng, Lẽ Sống, Sống, Sóng Thần, Lửa Việt, Ánh Sáng…

Hồi đó miền Nam có tự do báo chí.

Có tờ đả kích chính phủ, có tờ thân chính quyền, đa số trung lập, hay khen dở chê.

Một số báo thì chống Mỹ như Dân Chủ, Tin Sáng, Chánh Đạo v.v…

Nhiều phóng viên các hãng thông tấn ngoại quốc từ Sài Gòn loan truyền những tin tức bất lợi cho chính phủ và chiến cuộc song họ vẫn được để yên, tự do hành nghề.

Chính phủ không ra báo. Báo chí là của tư nhân, hội đoàn... muôn màu muôn sắc.

Chế độ VNCH còn non trẻ, tất nhiên chưa hoàn hảo song đầy hứa hẹn.

Tiếc thay nền cộng hòa nhân bản chỉ tồn tại 2 thập niên ngắn ngủi trong chiều dài lịch sử 4.000 năm thì tính ra mỗi ngày chỉ được tia nắng dọi vào nhà một hai phút, mà cũng chỉ ở nửa nhà.

    II) VAI TRÒ NGƯỜI VIỆT TỊ NẠN CS VÀ ÁNH SÁNG CUỐI ĐƯỜNG HẦM.

Từ năm 1975 đến nay 2023 đã 48 năm qua.

Thủ đô Hà Nội năm 1975 còn nghèo xơ xác, phát triển tụt hậu, trên các nẻo đường hầu như chỉ thấy xe đạp và người đi bộ. Thật nghịch lý trong hoàn cảnh đó, Hà Nội đã đánh thắng miền Nam trù phú với thủ đô Sài Gòn giàu sang, dòng xe hơi nối đuôi kẹt dài trên đường phố.

Ngày nay Hà Nội đã biến đổi thành một đô thị hiện đại lố nhố những dãy cao ốc, vô số khách sạn 5 sao, thậm chí 6 sao, đông đảo siêu thị lớn, xe cộ thì tràn ngập đầy đường, xa lộ chằng chịt lại có tàu điện ‘metro’ treo cao…

Những thay đổi lột xác thần kỳ ấy có được là nhờ sự lãnh đạo tài ba của đảng CSVN, không thể chối cãi. Khắp nước còn xây dựng cơ man tượng đài đồ sộ, các công trình tưởng niệm rộng lớn, lấn đất, ảnh hưởng nặng đến cảnh quang đẹp đẽ, môi trường thiên nhiên lành mạnh.

Không có Đảng thì không bao giờ nước ta có được cơ đồ như hiện nay (theo NPTrọng).

Đất nước trù phú thì đảng viên giàu sụ.

“Nếu là người hãy là người cộng sản” (TBT Nguyễn Phú Trọng 2/2/2023).

Thật phúc đức cho nòi giống Hồng Lạc.  Cầu mong Đảng cai trị đời đời, người dân nghèo đói thiếu thốn chịu mất tự do đổi lấy ấm no, ai giàu mặc ai.

Nhưng phải là ấm no có thật vì hiện tại vẫn đầy rẫy những cảnh tượng đau lòng, dân nghèo bươi đống rác sinh kế, đau ốm không có tiền vào bệnh viện, thất nghiệp thì con thôi học... Người dân mất cả chì lẫn chài, ấm no lẫn tự do, xôi hỏng bỏng không, nhưng phải giữ im lặng.

Sự cai trị độc tôn của ĐCSVN dựa vào 1- độc quyền thông tin và 2- họng súng đàn áp chống đối. ĐCSVN bậc thầy cả hai sách lược, thể hiện như sau:

   1-  Độc quyền thông tin = bưng bít thông tin + bịa đặt lừa dối:

 

      - Bưng bít thông tin: Điển hình: Đầu tháng 11/2021 video quay cảnh Đại tướng Tô Lâm, bộ trưởng Công An công du Anh Quốc cùng tùy tùng vào nhà hàng nổi tiếng của “Thánh Rắc Muối” Salt Bae hưởng lạc, thưởng thức món “Bò dát vàng” tính tiền tỷ. Cách ăn độc đáo ”đút nhanh, đớp gọn”, kích thích khẩu vị. Báo chí quốc tế, mạng xã hội trong nước sôi động bàn tán. Đảng, Nhà nước Việt Nam thì bưng bít tin này, cấm đả động.

 

Mới đây ngày 21/4/2023 nhà văn Dương Thu Hương được trao tặng Giải thưởng Văn Học Thế Giới trị giá 200.000 (221.000 USD). Truyền thông CSVN giữ hoàn toàn im lặng không loan báo. Người dân trong nước vẫn biết qua báo chí quốc tế và mạng xã hội trong nước.

      - Bịa đặt lừa dối: Điển hình Truyện dài Bác Hồ Mỹ du. Báo chí CS hư cấu Nguyễn Tất Thành, tức là Bác, đến và lưu lại Mỹ 2 năm (1912 - 1913) có lúc lại nói 3 năm, từ 1911.

Ở New York Bác đến nghe ông Marcus Garvey diễn thuyết ở khu Harlem và đều đặn tham dự các cuộc họp của Hiệp hội cải thiện người da đen toàn cầu (UNIA).

NT Thành lại đến Boston, xin phụ làm bánh tại Parker House Hotel cũng 2 năm.

Phái đoàn Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2005, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng năm 2015, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ năm 2018, Thủ tướng Phạm Minh Chính năm 2022 và nhiều đoàn công tác khác đi Hoa Kỳ đều đến Parker House, xuống thăm căn bếp ở tầng hầm, nơi Bác ở và làm việc (!) và bày tỏ sự xúc động sâu sắc nhớ ơn Bác. Tầng hầm chứa căn bếp này nay đã trở thành nơi Thánh địa tại đất Mỹ của ĐCSVN cùng với Lăng Bác, Hà Nội.

Đây là sự bịa đặt trắng trợn to lớn được CS dàn dựng.

Sự thực Nguyễn Tất Thành theo tàu buôn đến New York, Mỹ là gần cuối tháng 12/1912. Tháng này có nhiều lễ nghỉ (Giáng sinh, Tết Dương lịch) và qua đầu năm 1913 Thành mới có thể theo tàu rời Mỹ trở về châu Âu. Tính ra NT Thành chỉ ghé lại Mỹ trong khoảng 2 tuần lễ. (Báo điện tử ĐCSVN : “Hồ Chí Minh tìm đường cứu nước”).  (25/8/2019).

Còn nữa, ông Marcus Garvey (1887-1940) người Jamaica, sáng lập hội UNIA là từ năm 1914 và mãi đến năm 1916 mới sang sống ở Hoa Kỳ. Suy diễn ra cả đống chuyện lặt vặt, tầm phào CS kể về Bác Hồ đều là sản phẩm tưởng tượng, kiểu Lê Văn Tám.

Tuy nhiên chính sách độc quyền thông tin của CS bấy lâu ‘một mình một chợ’ nay gặp khắc tinh là mạng lưới Internet bao phủ toàn cầu, cung cấp, trao đổi thông tin, từng giờ phút.

    2- Đàn áp chống đối.

Với các điều 258 và 331 hình luật CSVN xử lý phạt tù nặng các nhân vật bất đồng chính kiến, ngày càng nhiều với các quan điểm và phê phán sắc bén, xây dựng, từ tốn. Kết quả cho đến nay thì cũng tương tự trò đốt lò thiêu tham nhũng, ‘như nước đổ đầu vịt’.

Một mặt khác chính sách dùng họng súng trấn áp thế lực thù địch là bất khả thi đối với cộng đồng trên 4 triệu người Việt hải ngoại, đại đa số là các người di tản sau 1975.

Cộng đồng người Việt di tản chống cộng tích cực. Là những người già dặn kinh nghiệm họ viết sử, báo, phát thanh, lập Website, youtube… rồi rào và liên tục viết hồi ký kể lại chuyện cải cách ruộng đất đẫm máu, bao cấp, nhân văn, thảm sát Tết Mậu Thân, vượt biên, kinh tế mới, đổi tiền, tù cải tạo, chuyện lãnh đạo ngu lú, chế độ tham nhũng, mua quốc tịch... CSVN muối mặt, chỉ có thể sai bảo dư luận viên viết bài phản bác trên mạng, lý luận rẻ tiền.

Vd: Để phản bác bài viết: “Giải mã bí ẩn thân thế bác Hồ”, CS cho đăng tải bài Giải mã âm mưu xuyên tạc sự thật về Chủ tịch Hồ Chí Minh (https://nhanvanviet.com > giai-ma-a) trên mạng ngày 23/4/2023. Tuy nhiên chỉ đánh động hiếu kỳ khiến bài viết đó ăn khách.

Việt Nam là nước độc nhất trên thế giới có một cộng đồng lớn ở hải ngoại chống đối năng động, tích cực, mạnh mẽ, kiên trì chính quyền trong nước.

Mới nhìn qua người ta có thể cho rằng sự chống đối CS của cộng đồng người Việt hải ngoại là như ‘muỗi đốt chân voi’, chỉ tổ gãy vòi song “nước chảy đá mòn, mưa dầm thấm lâu”, hợp công với các mạng xã hội trong nước vạch rõ quản lý kinh tế yếu kém + tham nhũng chằng chịt, bán tài nguyên, nhượng đất… Chính quyền CSVN nay đã bộc lộ những nứt rạn, chia rẽ nội bộ, dân chúng thì ngày càng hiểu biết và tăng bất mãn.  Ánh sáng cuối đường hầm hé lộ.

Thí dụ một bước quan trọng: Cộng đồng người Việt tị nạn CS đã đóng góp chứng minh một cách khoa học HCM, cội gốc thảm họa và NAQ là 2 người khác biệt. Kẻ nằm trong lăng Bác là ai gốc gác chưa rõ. Đã có một sự phối hợp che dấu thông tin + lừa dối vĩ đại.

Báo L’Humanité (Nhân Đạo) của ĐCS Pháp, năm thứ 29, số 12292, ngày thứ ba 09/08/1932 cũng đã đăng tin và chia buồn về Nguyễn Ái Quốc, sáng lập viên kiên cường của ĐCS Đông Dương đã từ trần vì bệnh lao phổi tại bệnh xá nhà tù ở Hong Kong.

HCM và NAQ được chứng tỏ khác biệt nhau quá rõ rệt. 

Về ngoại hình, Nguyễn Ái Quốc người nhỏ nhắn, cao 1m62 theo số liệu trong hồ sơ hình sự tại sở Mật thám Bắc Kỳ. Hồ Chí Minh dáng cao cao, cao 1m75  căn cứ theo các hình chụp Hồ chủ tịch đứng ngang hàng sát cánh chủ tịch Bắc Hàn, Kim Nhật Thành (cao 1m75), Thủ tướng Ấn Độ, J. Nehru (cao 1m78) và chủ tịch Trung Quốc, Mao Trạch Đông (cao 1m80) là những nguyên thủ quốc gia khác tại các nước Á châu (Giải mã bí ẩn thân thế Bác Hồ).

    


+Hình 1- Nguyễn Tất Thành hầu bàn và phụ bếp trên các tàu buôn Pháp, 1911-1912. Người nhỏ nhắn, cao 1m62. Thời năm 1970 người Việt cao trung bình nam 1m60 và nữ 1m50.

 

 

+Hình 2- Thủ tướng Ấn Độ, J. Nehru (cao1m78) và chủ tịch HCM (đi dép). New Delhi 1958. Chú ý HCM cao xấp xỉ gần bằng thủ tướng Nehru. Chẳng kém bằng chứng xét nghiệm ADN, mà CS ngăn cản, sai sót gần bằng số ‘0’, hai người cao 1m75 và 1m62 thì không thể lẫn lộn.

 

+Hình 3- Thủ tướng Phạm Minh Chính viết cảm tưởng sau khi thăm khách sạn Omni Parker House - nơi Bác Hồ từng làm việc từ năm 1911-1913. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN).

Video còn cho thấy năm 1964 được ký giả Pháp phỏng vấn, HCM tỏ vẻ khá, trả lời trực tiếp bằng tiếng Pháp tuy còn sai văn phạm đây đó và cần người phụ tá nhắc nhở những chữ khó.

(Phỏng vấn bác Hồ năm 1964 - Youtube.com/watch?v=z93J)

Năm 1966 trả lời phóng viên Nhật Bản thì qua video màu mọi người ngỡ ngàng và sượng sùng thấy HCM nhặt kính mang vào mắt, cầm xấp giấy, cúi đầu ngắc ngứ đọc các câu trả lời viết sẵn, cũng ngắn thôi bằng tiếng Việt để trả lời phỏng vấn, được thông dịch ra tiếng Nhật.

(https://www.youtube.com/watch?v=nCPdpYMrhzI).

Sự kiện này là do có những người học ngoại ngữ viết, đọc khá dễ nhưng nói khó khăn, mất tự tin.

Nếu là Nguyễn Tất Thành, cựu học sinh trường Quốc học Huế, năm 1910 dạy thể thao và chữ quốc ngữ ở trường tiểu học Dục Thanh, Phan Thiết, tất không đến nỗi phải đọc trên giấy viết sẵn các câu trả lời phỏng vấn.

    III) LỜI KẾT.

Từ 1975 đến nay đã 48 năm qua cộng đồng người Việt hải ngoại không ngớt đấu tranh không khoan nhượng (từ ngữ CS) với chế độ CSVN. CSVN có súng đạn, có Công an còn Đảng còn mình song thúc thủ một bề, vô phương hăm dọa, trừng phạt, bắt bớ được ai.

Lúc đói rách người ta chịu hi sinh tự do. Đến lúc có cơm no ấm cật thì tự do là không thể thiếu. Nhìn xem các nước quanh ta: Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia…

ĐCSVN cho Việt Nam có gì: thành phố hiện đại với dãy dãy cao ốc, khách sạn 5, 6 sao, siêu thị sầm uất, xe cộ đầy đường… thì các nước kể trên cũng có đầy đủ (hoặc nhiều hơn) các thứ ấy cho nhân dân họ. Người dân của họ lại có thêm ‘tự do’. 

Là thứ mà người dân ta không có, CS xây nhiều tượng đài thay thế cũng thế thôi.

ĐCSVN luôn ra rả khẳng định ‘dân làm chủ’, mọi thứ ‘của dân, do dân, vì dân’, ‘dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát’… Rất chí lý! Nói dân làm chủ tức là nói Hiến pháp làm chủ: Hiến pháp là mệnh lệnh, là tiếng nói của nhân dân để quản lý và điều hành đất nước.

Dân làm chủ đúng nghĩa chỉ khi nào Hiến Pháp là văn kiện pháp lý cao nhất trong nước. Cương lĩnh mọi đảng phái tất nhiên đều đặt dưới.

Bằng không thì chớ nói ‘dân làm chủ’.

Lãnh vũ khí đánh thuê cho chủ ngoại nhân có tận sức đạt thắng lợi cũng chẳng danh giá gì. Tổ chức linh đình kỷ niệm ăn mừng đại thắng cướp được nhiều tài sản, của cải càng thêm nhục, Hơn nữa nếu phải tàn sát đồng bào và hi sinh mạng sống của cả triệu binh sĩ của mình.

Ngày 30/4/1975 Ất Mão CSVN đại thắng cuộc chiến ủy nhiệm. Ngẫm lại bên thắng cuộc là vinh quang hay sỉ nhục? Đánh giá ngày 30/4/1975 CS đại thắng ‘phúc hay họa, vinh hay nhục’ cho nước nhà còn tùy thuộc ngày ấy mang lại cho đất nước hận thù triền miên hay hòa giải dân tộc.

Tuy nhiên vượt trên tất cả, đánh giá ngày 30/4/1975 đó là ‘họa kiếp’ dẫn dắt Việt Nam vào tròng lệ thuộc Tàu cộng và như thanh gươm Damocles, ‘đại họa’ mất nước, diệt tộc sờ sờ nhãn tiền trừ phi được dân tộc hòa giải hóa giải.

Năm nay Quý Mão, 48 năm qua.

Đến 30/4/2035 sẽ đủ 60 năm, một hoa giáp, Ất Mão trở lại.

Xưa năm Giáp Thân 1884 Pháp chiếm trọn nước Việt Nam, thiết lập nền bảo hộ tồn tại đến năm 1945, được 60 năm. Nếu tính từ năm Pháp chiếm Nam Kỳ thì được trên 80 năm.

Ngày nay xét họa Tàu cộng, tình hình bất hòa dân tộc và sự thức tỉnh của đồng bào thì chế độ CSVN như hiện hành sẽ tồn tại tương tự Pháp thuộc đô hộ, không quá một hoa giáp, kể từ ngày 30/4/1975 Ất Mão là ngày CS thâu tóm trọn vẹn đất nước, cho đến năm Ất Mão trở lại.

Lê Bá Vận. 

 Chú Thích.

[1] Hai ví dụ điển hình nữa của loại hình chiến tranh uỷ nhiệm ở trong cuộc chiến tranh Lạnh này là Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và Chiến tranh Việt Nam (1955-1975)… (Wikipedia).

Cuộc chiến uỷ nhiệm có các kết quả khác nhau khi lúc là phe cộng sản (thân Liên Xô) chiến thắng như ở Việt Nam hay là phe chống cộng (thân Mỹ) thắng như ở Afghanistan hay là bế tắc như ở Triều Tiên (Wikipedia).

  .

No comments:

Post a Comment