Tuesday, May 16, 2023

Văn chương có biên-giới không? Nguyễn Vy Khanh

 

Những năm gần đây, trong nước dấy lên những tiếng nói, bài báo và cả luận án đại học nói đến Văn Học Miền Nam những năm 1954-1975. Có vài dấu hiệu tích cực, nhưng người làm và yêu Văn Học Miền Nam đúng nghĩa chớ vội mừng. Hoặc những chuyện riêng tư, “giai thoại” được đem ra khai thác, hoặc ấn phẩm của nền văn-học đó được in lại - tái bản với biên tập (sửa bỏ gì, dân thường và người thật trẻ làm sao biết?). Hoặc “luận văn đại học” và bài nghiên cứu một chiều, một lề nhưng vẫn thường được khen hoặc tự xem là “khoa học”, “nhân văn”, dù đã thấy có những cố gắng bao trùm, đi sâu! Chúng tôi vẫn thấy vậy khi gần đây được mời chủ tọa một phiên Hội thảo về báo chí và văn học miền Nam Việt Nam 1955-1975 và sự tiếp nhận tư tưởng phương Tây do Viện Việt-học thuộc Viện Đại học Hamburg Đức tổ chức, đã diễn ra trực tuyến ngày 11-6-2021 với khoảng 30 tham luận viên và 100 người trong và ngoài nước tham dự.

*

Văn học một dân tộc, một quốc gia, không riêng gì Việt-Nam, xuất hiện và sống hay chết và có lâu dài hay không là tự chúng. Cứ để cho chúng tự nhiên phát triển và sống còn hoặc tự hủy. Hai điều chúng tôi vẫn dị ứng về “chiến dịch” cứ như là “thời thượng” này: một là ngôn ngữ “chính thức”, “được phép”, hai là nhân sự làm “công tác xét lại” này.

Đã cấm đoán, tàn sát, hủy hoại, xuyên tạc, chụp đủ cái mũ lên Văn Học Miền Nam (“nọc độc văn hóa”, “văn học nô dịch”, “đồi trụy”, “phi dân tộc”, “ngụy”, “văn học thực dân mới”, v.v.), nay ra vẻ muốn … huề cả làng, nhưng vẫn một thứ ngôn ngữ, nào là “tái xuất của văn học đô thị miền Nam”, “nỗ lực kiểm thảo, sưu tầm, minh bạch hóa văn học đô thị miền Nam”, “mang tính chiêu tuyết”, “đánh giá sai”, “vượt thoát và trở về”, “bị lãng quên”, v.v. Nay tại sao lại phải “minh bạch hóa”? – trước đó không minh bạch?, phải giấu đi? Tại sao lại phải “chiêu tuyết” – rửa sạch oan ức? “Đánh giá sai” – đánh phủ đầu chứ có đánh giá đâu mà sai. Nói “bị lãng quên” là vờ vĩnh vì đã cố tình cấm tàng trữ, cấm đọc, cấm nhắc nhở, tác giả chúng còn bị tố, bị bắt, bị tù, “cải tạo” lưu đày những nơi rừng thiêng nước độc. Tại sao không … đánh giá lại việc cướp tiệm và kho sách của tư nhân miền Nam, Sài-Gòn?

Và vẫn nhà cầm quyền đảng CS đó, năm nay 2021, vẫn cấm in lại và cấm (bài) viết về một số tác giả dù họ đã chết như trường hợp tuyển tập Huỳnh Phan Anh - Đi tìm tác phẩm văn chương và kinh nghiệm hư vô (NXB Văn hóa - Văn nghệ) in lại bài Huỳnh Phan Anh 50 năm trước viết về Thanh Tâm Tuyền vẫn không qua được “khâu” kiểm duyệt. Cả hai nhà văn Huỳnh Phan Anh và Thanh Tâm Tuyền đều đã qua đời! Nguyễn Q. Thắng làm sách về Văn Học Miền Nam (Văn Học Việt Nam nơi miền đất mới) nhưng nội dung sai lạc, xiên xỏ. Năm 2021 này Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng được tái bản và họp báo, ra mắt rầm rộ – nhưng đề cao VTHT đòi “nữ quyền” thì có thậm xưng chăng, và có biết rằng khi truyện đăng từng kỳ trên Bách Khoa (một trong những ổ … kháng chiến, nằm vùng) năm 1966 đã có bàn tay của “nằm vùng” tung chưởng “đồi trụy” không? Nay được đem ra để làm công cụ cho “hòa giải văn học”!

 

Từ sau 1975, đã có những công cụ đánh, tố nhân sự và sách báo của Văn Học Miền Nam tức Việt-Nam Cộng Hòa như Lữ Phương, Vũ Hạnh, Nguyễn Trọng Văn, Đỗ Đức Hiểu, Lê Đình Kỵ, Trần Hữu Tá, Huỳnh Bá Thành, Phong Hiền, Phạm Văn Sĩ, Trần Trọng Đăng Đàn, Vũ Hạnh, v.v. Rồi 30, 45 năm sau là những Mai Anh Tuấn, Trần Hoài Anh, Huỳnh Như Phương, v.v. đã cố gắng “trung thực” hơn, như Trần Hoài Anh: “Văn học miền Nam là một bộ phận không thể tách rời của văn học dân tộc, là một di sản văn chương cần phải được bảo tồn và gìn giữ trong đời sống văn học không chỉ hôm nay và cho cả mai sau, xét trên bình diện nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật”. Nhưng khi nói về nguyên ủy hình thành của nền văn học đó là “nhờ đồng lương và các khoản thu nhập khác, nên một bộ phận công chức và giới trung lưu có thể chi tiêu những khoản tiền vào việc mua sắm theo ý muốn, ngoài các nhu cầu thiết yếu hằng ngày. Chính đây là tiền đề dẫn đến sự hình thành một thị trường văn nghệ ở miền Nam những năm 1954-1975″ (“Văn học Miền Nam 1954-1975: những khuynh hướng chủ yếu và thành tựu hiện đại hóa” - Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ IV- NXB Đại học Quốc gia TpHCM, 2019) là ông giáo sư vẫn đi bên lề đường có phép. Ông đã quên những độc giả sinh viên và cả học sinh (nghèo nhưng vẫn mua sách báo), lính tráng cũng như độc giả miền Trung – mà “độc giả đó là phân nửa độc giả Bách Khoa” như nhà văn Nguyễn Hiến Lê đã viết trong Hồi-Ký. Sự hình thành của nền Văn Học Miền Nam 1954-1975 do nhiều nguyên tố, nhân sự như chúng tôi đã trình bày trong bộ biên khảo Văn Học Miền Nam 1954-1975, nếu không “khách quan” thì khó mà thuyết phục người khác.

Trở lại văn học … đô thị

Nhà văn Nhất Linh trong những năm cuối đời chính trị, đã đề ra chủ trương “văn-chương phải vượt thời gian và không gian”. Trong cùng khoảng thời gian đó, CSVN từ Hà-Nội đã họp Đại Hội III vào tháng 9 năm 1960 lập ra cái gọi là “MTGPMN” và sau đó “văn học đô thị Miền Nam 1954-1975″ (“vùng tạm chiếm”, “đô thị Nam bộ”) đi theo cho hợp “lo-gíc”. Vậy, “Văn-học đô thị Miền Nam” là tuyên truyền đã cũ của thời chiến-tranh trước 1975 vì Hà-nội làm như vùng nông thôn và núi rừng là đã thuộc về họ và miền Nam Cộng hòa chỉ thu gọn lại ở các vùng đô thị mà thôi (Các vùng nông thôn người CSVN cũng đâu thực sự kiểm soát được, vậy chỉ còn “bưng biền”, “rừng” hay chạy qua chạy lại đường ranh Cam Bốt)! Cụm từ “đô thị bị tạm chiếm”, “vùng bị tạm chiếm” hay “chính quyền Sài-Gòn” từng được các nhà viết lịch-sử văn-học CSVN sử-dụng để chỉ các vùng “quốc-gia” - và cả “thực dân” trong thời gian từ 1945 đến 1954 tại Hà-Nội. Lịch sử còn ghi rằng “Quốc gia Việt Nam”, trở thành Việt Nam Cộng Hòa đã có trước VN Dân Chủ Cộng hòa ở miền Bắc và việc lập ra cái “MTGPMN” là đã vi phạm Hiệp định Genève 7-1954 mà chính CSVN đã ký với thực dân Pháp.

 

Guồng máy Bắc Việt xâm lăng miền Nam Việt Nam Cộng Hòa dựng lên những vòng đai “đô thị”, người của họ sẽ có lúc trốn vô bưng, lúc ra nằm vùng ở đô thị. Và để cho cho hợp “lo-gíc”, Hà-Nội bí mật đưa bộ đội và người dân miền Bắc (có người tập kết) vào Nam vĩ tuyến XVII, những thành phần vào Nam đi “thực tế” phải đổi biệt hiệu, bí danh như Anh Đức (Bùi Đức Ái), Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc), Nguyễn Thi (Nguyễn Ngọc Tấn), Huỳnh Minh Siêng (Lưu Hữu Phước), Trần Hiếu Minh (Nguyễn Văn Bổng), Hưởng Triều (Trần Bạch Đằng), v.v. Họ viết về cuộc “nổi dậy của nhân dân miền Nam” để chống Mỹ Ngụy nhưng hư cấu, bịa đặt, dối trá nhắm kích động căm thù để xô đẩy người Nam “yêu nước” cũng như Bắc lao vào cuộc chiến. Đây là bộ phận ở Rừng, nói như guồng máy tuyên truyền của CS Hà Nội, cũng khác chi “địa đạo” Củ Chi vốn nhỏ, rời rạc, không “hoành tráng” như sau 1975 tái chế, “dựng” thành “điểm du lịch”.

Những nhà văn lớn ở tận đô thị ngoài Bắc đã phải tham dự việc hiện thực phản-ảnh, xây dựng những hình tượng và tình cảm chống Mỹ, “nguỵ”. Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, v.v., nói chung không mấy giá trị văn-chương (như của thời trước đó) vì mục đích trước mặt và nhu cầu tuyên truyền cấp thiết. Tố Hữu ngồi ở Bắc bộ phủ gửi thơ vào "miền Nam trong lửa đạn, sáng ngời. Hà-nội, ngày 11-12-1963" như ghi ở cuối bài trong tập thơ Miền Nam được Ban tuyên truyền thành Đà-Nẵng in năm 1967 và người lính cộng hòa đã có thể tịch thu được trên xác người bộ đội sinh Bắc tử Nam, như tập Nhật ký của Đặng Thùy Trâm. Hay... triết lý: " ... Ta đánh Mỹ vậy thì ta tồn tại". Chế Lan Viên triết lý về hận thù, hăng đến độ đem cả tiền bối Nguyễn Du ra để chống Mỹ: "Gặp Nguyễn nơi đây trên đất Quảng Bình / (...) Đêm thắng giặc Bảo Ninh, mẹ Suốt ngâm Kiều / Nhật Lệ sông dài thuyền mẹ lại qua / Câu thơ Nguyễn cũng góp phần đánh Mỹ ...". Thơ như vậy được đề cao là thơ chính luận, chi phối bởi cảm quan “sử thi”, nghĩa là trở thành tuyên truyền và ... hiện thực! Chỉ là những sử thi của những nhân vật tiền chế, giả tưởng, không dấu vết của con người thật, có suy nghĩ và tình cảm, cùng lẽ phải, con người với bi hài kịch cuộc đời!

Để cổ động và tuyên truyền mạnh hơn, giải Nguyễn Đình Chiểu được lập ra từ 1965 để thưởng công những cây viết đã đạt được những tiêu chuẩn đề ra của "chủ-nghĩa anh hùng cách-mạng Việt-Nam của văn-học chống Mỹ", một "nền" văn-học có "đặc điểm thống nhất" là "sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng", như Từ Tuyến Đầu Tổ Quốc, tập thư của một miền Nam chống Mỹ! Nói chuyện hư cấu, thì Phạm Văn Sĩ trong Văn học Giải phóng Miền Nam 1954-1970 (1975) để lại nhận xét ... bất hủ: "văn-chương chống Cộng là thứ văn-chương xảo trá đê hèn nhất của Mỹ-ngụy ở miền Nam" (tr. 377) cùng lúc lại đề cao những ấn phẩm tuyên truyền như những “lá thư” Từ Tuyến Đầu Tổ Quốc vừa kể đầy cường điệu và cương bịa (lính Biệt kích của miền Nam ăn thịt người) của những văn công gốc Bắc đưa vào (cũng như từng bịa chuyện “anh hùng” của Lê Văn Tám (Trần Huy Liệu bịa) và Nguyễn Văn Bé “liệt sĩ” nhưng ... trong khi đó vẫn còn sống và đã về hồi chánh Việt-Nam Cộng Hòa!).

 

Vòng đai “đô thị” là sản phẩm không hề ổn. Các “đại thi hào” của miền Bắc như Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên từng ngự yên hàn ở “đô thị Hà-Nội” mà làm thơ như đang ở chiến trường, trong rừng, với các đồng chí bộ đội! Không riêng gì ở Việt-Nam, mà các nhà văn khắp thế-giới hình như đa phần sống và viết ở những nơi “đô thị”!

Đó cũng là lý do khi trong nước viết về văn-học miền Nam thì chỉ nói đến những văn thơ và báo chí tuyên truyền của cán bộ ở các vùng bưng biền và thứ đến là những tay văn-nghệ nằm vùng như Sơn Nam, Trang Thế Hy, Vũ Hạnh, Lữ Phương, v.v. mà gọi họ là những “nhà văn yêu nước trong các thành thị miền Nam”! Dĩ nhiên Việt Nam Cộng hòa không phải cái gì cũng tuyệt vời, nhưng văn-hóa và văn-học của miền Nam tự do đã trội bật hơn hẳn của cộng-sản Hà-nội, với những đặc tính nhân bản, tự do, khai phóng. Nền văn-học đó không thể bị phủ định hay bôi nhọ như cán bộ và văn-công Hà-nội vẫn làm cho đến nay vì cho đến nay vẫn được độc giả tìm đọc, trân trọng và đón nhận.

Vòng đai “đô thị” cũng trật lất với người làm văn nghệ ở miền Nam. Văn học Miền Nam 1954-1975 trong thực tế lịch sử đã có sự góp mặt đa dạng và đông đảo của nhiều thành phần và gốc gác, những người lính, giáo chức, công chức ở khắp mọi miền đất nước, và những cây bút trẻ sống và viết trong và ngoài “vòng đai” Sài-Gòn. Có những nhà văn thơ hôm nay sinh sống, làm việc ở nông thôn, nhưng ngày mai hoặc sẽ có ngày đổi về địa phương khác hoặc thị trấn, căn cứ – không lẽ phải chạy theo nơi ở và sáng tác, gọi họ là những nhà văn “trong ngoài vòng đai đô thị”? Đó là những Thảo Trường, Nguyễn Bắc Sơn, Duy Lam, Thế Uyên, Doãn Dân, Y Uyên, Phan Lạc Tiếp, Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn, Lữ Quỳnh, Nguyên Vũ, Phan Nhật Nam, Cao Thoại Châu, v.v.

Nhà thơ Kim Tuấn trên đường hành quân, dừng chân để lòng lắng đọng những tâm tình:

“Bản Hét ta chào mi đấy nhé

Chiều mưa che khuất núi đồi xa

Chiều mưa ta đứng trên đầu gió

Thương mình hơn những bóng mây qua

Bản Hét thương đời anh lính trẻ

Quanh năm chờ phép về thăm nhà

Quanh năm trấn thủ đời gian khổ

Hầm đất nhìn quanh ta với ta

Bản Hét những chiều không pháo kích

Trời im nghe gió thổi qua mau

Rừng im nghe cánh chim xào xạc

Đồn im nghe súng bỗng dưng sầu

Bản Hét hành quân vùng Tam Biên

Núi cao như dựng với sông liền

Rừng sâu màu lá xanh da mặt

Cơm sấy ăn sao nhớ mẹ hiền

Mẹ hiền phương đó con đầu núi

Bưng biền chưa hết trọn đời trai

Bưng biền đêm gối tay lên súng

Bỗng thấy thương thân, bỗng thở dài”

(Trên Vùng Bản Hét).

 

Lâm Hảo Dũng đi trận, có những lúc cảm thấy nhức nhối, khó ở, như “Chư Pao ai oán hờn trong gió / Mỗi một khăn tang một tấc đường”, vì khi qua những đoạn đường chiến binh:

“Ai biết con đường loang máu đổ

Những hồn lưu lạc dưới Poncho

Những hồn vất vưởng bên bờ suối

Đi hái hoa xuân mọc dưới mồ

Ta bỗng cười khan đùa chiến trận

Bình Tây chưa chết vẫn còn đây

Hạ Lào đi suốt vùng biên giới

Nhìn Ngoktuba xác ngập đầy

Hè nay ta lại trên đầu súng

Chợt xót xa cho khách chiến bào

Đang đốt đời trong cao điểm đó

(Bao giờ thấy lại ngọn Chư Pao?)”

(Đường Số 14)

 

Trích dẫn hai bài thơ để thấy đó là những sáng tác tại trận tiền hoặc nơi trú đóng, rất xa các “đô thị”.

Văn học Miền Nam với Sài-Gòn là thủ đô và là một trong những nơi sinh hoạt sống động và đa dạng của báo chí và các tạp chí văn học. Các tạp chí Sáng Tạo, Nghệ Thuật, Văn, Văn Học, Tư tưởng, Giữ Thơm Quê Mẹ, Khởi Hành, Bách Khoa, Vấn Đề, Trình Bầy, Thời Tập, v.v. xuất bản ở Sài-Gòn đăng tác phẩm của người viết bất kể họ sống ở đâu hay hành nghề gì. Mà ở các địa phương xa xôi trong Nam ngoài Trung cũng vậy, như phải sống tại chỗ mới sáng tác được, cũng đã có các tạp chí Trước Mặt, Cùng Khổ, Chim Việt, Động Đất, Hiện Diện-Châu Đốc, Hiện Diện-Tuy Hòa, Ý Thức, Khơi Dòng, Vỡ Đất, Nhìn Mặt và Vận Động, Vượt Sống, Dựng Đất, Sóng Cửu Long, Văn Nghệ Miền Tây, v.v.

 

Thời đầu ngay sau 1954, không-gian văn-học nghệ-thuật của miền Nam tự do đã tỏ ra là nơi sáng-tác, sinh hoạt đúng nghĩa. Âm mưu của người Cộng-sản khó xâm nhập dù đã có, nhưng rồi miền Nam đa dạng, tự do, dân-chủ do đó đã để lộ nhiều kẻ hở, kẻ thù chỉ mong có thế để trà trộn, xâm nhập, khuấy rối! Chính người Việt-cộng như Trần Hữu Tá, trong Nhìn Lại Một Chặng Đường Văn-Học (2000, tr. 24) cũng đã phải thú nhận: "Những năm 1959-1963 là khoảng thời-gian ngột ngạt ghê gớm đối với những người yêu nước sống trong các thành thị miền Nam. Đây cũng là thời kỳ khuynh-hướng văn-học yêu nước, cách-mạng gặp khó khăn hơn cả. Phong trào đấu tranh đô thị chưa đủ mạnh để trở thành hậu thuẫn vững chắc cho văn-nghệ ngược dòng này. Mặt khác chính quyền Sài-Gòn tiến hành một chiến dịch càn quét lớn trên địa bàn văn-học nghệ-thuật...". Vì “chiến dịch càn quét lớn trên địa bàn văn-học nghệ-thuật” nên mới có “văn nghệ” ở rừng!

 

Tại sao CSVN phải xóa bỏ tác giả và tác phẩm của VNCH, phải gán nhãn/chụp mũ là 'tàn dư văn-hóa nô dịch', 'phản cách-mạng', …? Phạm Thành Tài, một nhà văn hồi chánh trước 1975, đã ghi lại nhận xét sau thời-gian khá dài sau 1975 bị thẩm vấn về Xuân Vũ và vài nhân sự của miền Nam, đã kết luận: "Có điều tôi thấy rõ nhất là chúng nó sợ văn-chương chữ nghĩa không kém gì súng đạn" (Thay Lời Tựa. Đến Mà Không Đến.1992).

*

“Văn-học tại các đô thị miền Nam” đã là một sáng chế “lịch sử” mạo hóa đầy tính nhân tạo, chính trị và được chế ra trong những điều kiện không bình thường. Nay chuyện vòng đai, biên giới vẫn kéo dài, lại càng không bình thường. Chỉ có “Văn học Miền Nam 1954-1975” mà không hề có “Văn học Đô thị Miền Nam 1954-1975” như trong tuyên truyền, ảo tưởng ai thắng ai? Ai tự vẽ “vòng đai”, “biên giới” “lằn ranh” thì tự giam hãm mình. Nay đã là năm 2021 mà vẫn phải vậy sao?

 

Nguyễn Vy Khanh, 5-2021

(Thư Quán Bản Thảo, số 94, 9-2021)

 

No comments:

Post a Comment