Saturday, July 1, 2023

NHỚ VỀ NHỮNG NGÀY THÁNG NĂM XƯA (KÝ ỨC VÙNG HỎA TUYẾN) -- KB Phạm Hữu Phước

  


 

1. Nhập cuộc – Gio Linh – Trung Lương:

Thời gian trôi đi nhanh quá. Thế hệ của tôi giờ này tuổi cũng đã lớn. Nhiều lúc ngồi một mình bên ly cà phê nóng, mông lung nhớ về dĩ vãng của một quãng đời binh nghiệp đã cùng các bạn chia xẻ với biết bao buồn vui lẫn lộn kể cả xương máu nữa.

Nhớ một lần bên nồi cháo gà chỉ có một mình mình ăn nơi vị trí đóng quân trong căn cứ, hỏi tại sao thì các anh em trong xe cho biết là “ăn gà xa bạn”. Lần khác tại mặt trận trong lúc tôi đang bắn cây đại liên 30 thì người lính tiếp đạn đưa cho tôi điếu thuốc và nói Thiếu Úy hút đi, ngọt lắm đó, mà lạ thật có thêm mùi thuốc súng thì điếu thuốc lại ngọt như tẩm đường. Một hôm cùng các bạn đi uống cà phê tại Quảng Trị, tụi nó đố tôi nếu biết tên và trường học của cô em thu tiền trong quán thì tụi nó chi cho chầu này. Tôi đến nói nhỏ vừa đủ nghe với cô em rằng bạn anh đố như vậy đó em giúp anh nhé, thế là tôi thắng cuộc. Một hôm có dịp theo xe hậu cứ của chi đoàn ra Huế, tôi lang thang tìm kiếm trường học của cô em xinh xắn ấy, gặp mấy em gái học cấp 2, tôi hỏi thăm thì cô bé ấy gọi mấy em khác đến rồi nói to: “A! Chủ ni nỏi tiếeng Sải gỏn, Hi...Hi...” giọng em gái Huế nghe thật dễ thương. Và còn nhiều chuyện nữa, nhưng thỉnh thoảng tôi mới nhớ lại.

Tại tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ ở thành phố Westminster thuộc Tiểu Bang California nước Mỹ, tôi ngạc nhiên và mừng rỡ khi gặp lại Phạm Văn Khen, Nguyễn Đình Tuyên, Nguyễn Thiện Tường, Phạm Quý Thể, Tuấn Đổ là bạn cùng khóa 20 Sĩ Quan Căn Bản Thiết Giáp (SQCB/TG). Chúng tôi cùng ôn lại những ngày còn trong quân trường TG sau hơn 40 năm xa cách và hỏi thăm những anh em khác trên các vùng chiến thuật  đã từ lâu không gặp mặt.

Để các bạn cùng khóa, dù đang ở Việt Nam hay khắp nơi trên thế giới cũng biết tin nhau, nhớ đến nhau, nên tôi viết lại những đoản hồi ký này để cùng tưởng niệm những anh em đã hy sinh cho Tổ Quốc VNCH, như Lãm, Thạch, Kong Chi Mầu, Vĩnh Cổn, Xuân, Châu Vuốt, Đúng, Giầu, Hảo. Nhiều anh em khác như Võ Văn Kiệt bị cưa chân, Châu Phước Cơ thì bị bắn gãy xương vai, Đổ Đình Du trúng B40 liệt tay phải, Trịnh Á bị thương trận Hạ Lào phải giải ngủ, Tôn Thất Nguyện, Phan Đình Ngân bị thương rồi thuyên chuyển về Thiết Đoàn 7 Ky Binh. v.v.

Thời gian gần nửa thế kỷ rồi nên trí nhớ của tôi đã không còn sắc bén nữa, nhớ tới đâu tôi viết ra tới đó. Hơn nữa vào thời gian đó cấp bậc của tôi trong đơn vị cũng thấp,  chỉ thi hành theo lệnh cấp trên, vì thế sự hiểu biết về những cuộc hành quân lớn cũng có giới hạn, cho nên tôi chỉ viết ngắn gọn những trận chiến trong phạm vị tôi tham dự. Mong quí bạn niệm tình bỏ qua những thiếu sót của tôi khi đọc bài viết này.

Tôi tốt nghiệp khóa 25 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức cuối năm 1967 với cấp bậc Chuẩn Úy và được chọn về binh chủng Thiết Giáp với 55 anh em cùng khóa. Khi trình diện và làm xong thủ tục nhập khóa học, chúng tôi được hướng dẫn đến phòng ngủ. Còn đang chưa biết làm gì thì chúng tôi được lệnh tập họp để nghe hướng dẫn nội quy của trường mà các khóa sinh phải chấp hành. Đứng trên nền cao trước phòng ngủ, Thiếu Úy Hà Mai Khuê với áo quần ủi hồ thẳng nếp và đứng bên cạnh hàng quân để theo dõi là Trung Úy Hồ Đình Thuận, Sĩ Quan đỡ đầu khóa 20 SQCB/TG của chúng tôi. Cả hai đều là huấn luyện viên ban chiến thuật của Thiếu Tá Nguyễn Văn Đồng. Sau gần một giờ nói về nội quy như: không được mang cấp bậc, không được vắng mặt bất hợp pháp, giờ giấc và nhiều điều khác, đến phong cách của người lính KB là lịch sự, hào hoa, anh dũng, v.v...

Sau khi điểm danh xong tôi mới biết có thêm 5 khóa sinh của trường Võ Bị Đà Lạt là Châu Phước Cơ, Nguyễn Thành Chức, Trương Văn Minh, Trần Thâm, Trần Châu Giang. Và, có thêm 3 Sĩ Quan của các đơn vị khác là Trung Úy Bích bên BĐQ, Thiếu Úy Ngọc bên Bộ Binh (BB) và Thiếu Úy Khuyên bên ĐPQ. Chúng tôi bắt đầu thăm hỏi nhau, làm quen, hầu giúp đỡ nhau cùng học tập.

Sau một tuần lễ lo ổn định mọi thứ thì đến Tết Mậu Thân 1968. Tôi được đi phép trước Tết và phải trở lại trường ngày mùng hai Tết. Nhưng Việt Cộng (VC) vi phạm thỏa thuận hưu chiến, chúng mở cuộc tổng tấn công nhiều nơi trong thành phố Saigon nên phải đến mùng 6 Tết tôi mới theo xe của trường BB Thủ Đức đón SVSQ về lại trường. Lúc đó tôi mới hay biết Trung Tá Nguyễn Tuấn, Chỉ Huy Trưởng trường TG, đã bị VC sát hại cả gia đình tại nhà ở BCH TG, chỉ còn một người con trai là Nguyễn Từ Huấn bị thương và sống sót (hiện anh Nguyễn Từ Huấn là Phó Đề Đốc Hải Quân Hoa Kỳ), và bạn cùng khóa với tôi là Lãm đã hy sinh khi đi giải tỏa đợt 1 tại Bộ Tổng Tham Mưu Saigon cùng với Chi Đoàn diễn tập. Trong kỳ đi giải tỏa VC lần thứ hai vào tháng 5/1968 tại Cầu Tre, khóa 20 SQCB/TG chúng tôi lại mất thêm một sĩ quan khóa sinh nữa là Thạch. Đó là chuyện buồn vào những ngày Tết của khóa 20 SQCBTG chúng tôi.

phải tham gia trận chiến Tết Mậu Thân nên đến tháng 6/1968 chúng tôi mới mãn khóa học. Với tình hình cuộc chiến lúc bấy giờ, binh chủng TG thành lập thêm Thiết Đoàn 11 KB để trấn giữ vùng hỏa tuyến, nên khóa tôi về Thiết Đoàn 11, Thiết Đoàn 7, Thiết Đoàn 4 hơn 30 người. Các anh em miền Trung thì hớn hở, còn anh em miền Nam như tôi thì không được vui lắm vì phải xa nhà, xa gia đình mà cũng xa cả người yêu (bây giờ là má bầy trẻ của các con tôi) vì nghĩ rằng cả năm trời tôi mới có thể được về phép thăm gia đình.

Về Thiết Đoàn 11 có 10 anh em SQ Thủ Đức và 1 Võ Bị Đà Lạt là Châu Phước Cơ. BCH ThĐ 11KB tân lập ở ngay tại trường TG nên chúng tôi chỉ đi vài bước là tới. Trình diện xong tôi mới biết Thiếu Tá Bùi Thế Dung là Thiết Đoàn Trưởng, Thiếu Tá Nguyễn Văn Tá là Thiết Đoàn Phó, Đại Úy Ngô Đức Lâm là trưởng ban 3, Đại Úy Trần Hữu Thành  trưởng ban 4 (Danh hiệu là Hổ Cáp), Thiếu Úy Nguyễn Văn Răng là CĐT Chi Đoàn Chỉ huy Công vụ. Chúng tôi gồm 8 người về Chi Đoàn 1/11 TK, 3 người về BCH Thiết Đoàn là Lê Thành Đạt làm phụ tá Ban 1, Trịnh Á và Châu Phước Cơ làm phụ tá Ban 3, còn tám đứa chúng tôi trình diện Trung Úy Nguyễn Lương Bích, Chi Đoàn Trưởng 1/11 TK và Thiếu Úy Mai Xuân Tương là Chi Đoàn Phó để nhận lệnh. Chi Đoàn được thành lập theo bảng cấp số mới nên 2 SQ vào một chi đội. Chúng tôi được phép chọn cho mình một danh xưng. Tôi chọn “Nguyệt Cầu” là danh xưng của tôi từ đó. Còn chọn ai là chi đội trưởng thì tùy ý. Đỗ Đình Du là chi đội trưởng và tôi là chi đội phó về chi đội yểm trợ. Chi đội tôi có 5 xe M113 gồm 2 xe gắn đại bác 106 ly không giật và 3 xe súng cối 81 ly được lắp đặt chắc chắn trên các đà gỗ to. Bên hông xe được sơn hình ca rô mầu đỏ, còn các chi đội khác thì mầu trắng, xanh, vàng. Tập họp chi đội lại nói chuyện và giới thiệu hai chúng tôi là chi đội trưởng và chi đội phó sẽ chiến đấu cùng anh em sau khi mãn khóa huấn luyện. Bấy giờ tôi mới biết anh em binh sĩ đều là người miền Trung, giọng nói lúc đầu hơi khó nghe nhưng sau rồi tôi cũng nghe và hiểu được. Nhờ thành lập và huấn luyện tại Trường TG nên tôi được gần nhà thêm hai tháng nữa.

XIN BẤM READ MORE ĐỂ ĐỌC TIẾP

 

Xong khóa huấn luyện, Chi Đoàn xuống tầu Hải Quân ra miền Trung. Sau ba ngày lênh đênh trên biển, say sóng tơi tả, chúng tôi cập bến Đà Nẵng. Trên đường di chuyển về hậu cứ Thiết Đoàn 4 tại Phước Tường, lòng tôi thấy rộn ràng theo nhịp sống nhộn nhịp của dân chúng miền Trung, không khác chi Saigon là mấy.

Sau khi đưa xe vào vị trí xong, Trung Úy Bích, Chi Đoàn Trưởng trình diện Chi Đoàn cho Trung Tá Phan Hòa Hiệp, Thiết Đoàn Trưởng (ThĐT) Thiết Đoàn 4, Thiếu Tá Nguyễn Văn Của, Thiết Đoàn Phó (ThĐP), Thiếu Tá Nguyễn Hữu Lý, Trưởng Ban 3. Sau lời chúc mừng, động viên, Trung Tá Phan Hòa Hiệp cho biết Chi Đoàn sẽ ở lại đây một tuần, tối đi phòng thủ phi trường chờ tầu lớn của Hải Quân chở đến Cửa Việt rồi xuống tầu đáy bằng há mồm, từng hai chiếc M113 một, từ Cửa Việt đến Đông Hà. Được ở một tuần, tôi có dịp đi chơi nhiều nơi, thưởng thức hương vị đặc sản các món ăn miền Trung cho biết nhưng tôi thích nhất vẫn là món bê thui chợ Cồn.

Một tuần lễ qua nhanh, Chi Đoàn lần lượt xuống tầu ra Đông Hà rồi bố trí phòng thủ trong phi trường chờ lệnh. BCH Thiết Đoàn cũng đóng tạm trong vòng đai phi trường. Trong thời gian dưỡng quân này chúng tôi đi ra chợ mua vài thứ cần dùng cá nhân và xem người ta bán buôn ra sao. Trời mùa hè nắng chói chang, không khí oi bức, chúng tôi mua mỗi đứa một cục nước đá bào xịt si rô xanh đỏ vừa đi vừa mút. Đi đến dẫy bán quần áo thì nghe mấy cô cười khúc khích nói một tràng mà chẳng có đứa nào hiểu chi hết, chỉ biết cười đáp lại mà thôi. Về đến xe tôi lập lại thì mới biết mấy cô đó nói là: “mấy anh có đõi thì về nhà em nẩu cơm cho mẫy anh ăn hỉ”. Thật là “quê một cục”, thì ra ở đây không ai vừa đi vừa ăn ngoài đường như trong miền Nam của tôi.

Vài ngày sau thì Chi Đoàn được lệnh di chuyển theo quốc lộ 1 (QL1) đến căn cứ C1 cách thị xã Đông Hà khoảng 20 cây số về hướng Bắc nằm bên trái QL1 chừng 200 mét để hoán đổi cho CĐ 2/7 của Đại Úy Nguyễn Hóa trở về Quảng Trị. Chi Đoàn vào bố trí phòng thủ chung quanh hàng rào, cạnh các hầm hố cá nhân của lính bộ binh. Tôi đi một vòng xem xét các vị trí chiến đấu của chi đội và làm quen với các anh em bộ binh nên tôi mới biết họ thuộc đại đội phòng thủ Trung Đoàn 2, Sư Đoàn 1 BB của Trung Tá Vũ Văn Giai (sau này là Chuẩn Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn 3 BB) trấn giữ vùng Hỏa Tuyến. Còn khu nhà dọc theo QL1 là Quán Ngang. Đến nơi đây mới thấy có mùi vị của chiến tranh. Tiếng súng đại bác của Mỹ bắn đi liên tục nghe điếc tai, nhức óc. Đi đến gần người lính Mỹ tôi hỏi mới biết ở đây có nhiều loại súng như 203 ly nòng ngắn, 175 ly nòng dài của quân đội Mỹ, 155 và 105 ly của quân đội VNCH và cũng ít khi bị VC pháo kích. Trên các nòng súng 175 ly của pháo binh Mỹ tôi thấy có sơn những chữ bằng tiếng Mỹ “sweat – blood– tear” mà tôi tạm dịch là “mồ hôi – máu - nước mắt” thật là thâm thúy. Thấy tôi đến hỏi thăm, mấy người lính Mỹ thích lắm, xúm lại hỏi lung tung vì ít khi được nói chuyện với lính VNCH. Nói chuyện với họ một lúc tôi cám ơn và chúc họ may mắn rồi quay về đơn vị.

Đã xế chiều mà trời vẫn còn nóng, gió Lào thổi từng cơn như quạt lửa vào mặt, thỉnh thoảng có những con gió lốc mạnh làm bụi đất đỏ bay mịt mù. Cơm nước xong tôi đến mấy chi đội khác rủ tụi nó sáng mai ra chợ uống cà phê, ngồi tán gẫu một lúc rồi về. Sáng sớm, như đã hẹn, chúng tôi ra chợ lang thang xem người ta mua bán cho vui, lời qua tiếng lại rất lạ tai, có tiếng tôi hiểu có tiếng không. Đa số là những người lớn tuổi, những bà mẹ quê còm cõi, những đứa trẻ áo quần, mặt mày lem luốc không mấy sạch sẽ chơi giỡn cười đùa thật vô tư, nhìn thấy thương làm sao ấy! Chợ làng quê nghèo vì chiến tranh tàn phá nên rau cải, thịt cá cũng ít ỏi không bằng một góc chợ chồm hổm ở miền Nam. Chợ nhóm buổi sáng dọc theo QL1 phía bên phải chừng vài tiếng là tan. Nhà cửa cũng rất tạm bợ, sơ sài, phần nhiều là mái tranh vách đất, cũng có được mấy căn nhà lợp tôn, vách ván bằng thùng gỗ pháo binh. Dù nhà tôn hay nhà tranh, nhà nào cũng có hầm trú ẩn chất bằng bao cát. Vài quán giải khát bán luôn cả thức ăn, thấy cũng vắng khách, chắc đa số khách là lính trong căn cứ, khi có khách chủ quán mới mở radio nghe cho vui.

 


Chúng tôi gọi cà phê đá thì cô chủ quán cho biết nước đá không còn phải đợi mở đường xong xe hàng từ Đông Hà lên mới có. Chúng tôi hỏi thăm mới biết dân chúng ở đây toàn là những người bỏ nhà cửa, ruộng vườn từ khi VC vượt vĩ tuyến 17 lấn chiếm 2 quận Trung Lương, Gio Linh. Vì thương cha mẹ già không chịu xa quê nên có nhiều gia đình phải nấn ná ở lại đây để phụng dưỡng. Vì thế có thể nói Quán Ngang là khu định cư của những người dân Gio Linh và Trung Lương vậy. Ngồi uống cà phê chơi một lát thì toán công binh của Mỹ rà mìn từ Đông Hà tới, sau đó xe cộ mới lưu thông. Xe khách chở người và hàng hóa chất đầy cả trên mui xe. Xe chạy tới đây là trạm cuối vì Gio Linh, Trung Lương còn đâu nữa mà chạy tiếp tục. Ngày trước, khi còn trong quân trường SQTB Thủ Đức, chiều chiều lên Câu Lạc Bộ SVSQ uống nước, nghe ca sĩ Hoàng Oanh hát bài “Thương Vùng Hỏa Tuyến” của nhạc sĩ Anh Bằng tôi không cảm thấy xúc động gì mấy, bây giờ tại đây nghe tận tai, chúng kiến tận mắt cuộc sống của người dân mới thấy lòng nhói đau.

        (VC tấn công Vùng Hỏa Tuyến)                            

      Nghỉ ngơi được vài ngày thì Chi Đoàn chuẩn bị hành quân cùng bộ binh chiếm lại những vùng bị địch xâm lấn. Đến chiều Trung Úy Bích phân phát phóng đồ hành quân, hướng dẫn sắp xếp đội hình, thứ tự di chuyển v.v....Chi đội 1 của Chuẩn Úy Tôn Thất Nguyện đi đầu, theo sau sẽ là chi đội 2. Đây là lần đầu tiên Chi Đoàn ra quân tại vùng Hỏa Tuyến nên mọi người đều hồi hộp. Đúng 4 giờ sáng Chi Đoàn di chuyển đến điểm A, bố trí trên bãi cát bên phải QL1 cùng bộ binh tùng thiết chờ giờ xuất phát thì địch chào đón bằng một tràng pháo kích. Chi Đoàn bung rộng ra tránh đạn, khi vừa ngưng pháo tôi quay xe lại thì cán phải mìn chống chiến xa, khói đen mịt mù phủ kín cả xe, hai xạ thủ đại liên 30 khịu xuống, tôi kéo cả hai lên nắp cửa vuông rồi mở thắt lưng cho họ dễ thở. Khói tan, tôi khoát tay cho biết là không sao để Chi Đoàn yên tâm. Thấy tôi vẫn bình thản nên xa đội mới hoàn hồn. Rồi Chi Đoàn vượt tuyến xuất phát, còn xe tôi ở lại. Xe chỉ bị đứt xích, hư bánh lăn mà thôi. Chúng tôi gỡ xích ra từng đoạn ngắn bỏ vào xe rồi chờ xe Thiết Đoàn ra kéo. Đây là buổi thực hành đầu tiên sau khi học tại Trường TG Thủ Đức. Sau này tôi còn nhiều lần thực hành khác ngay tại mặt trận, dưới đạn pháo của địch, chẳng hạn như kéo xe lọt xuống hố bom, bị mìn, bị trật xích, bị mắc lầy, v.v....

 

(Liên Quân Việt - Mỹ đẩy lùi quân VC)                      

   Trong khi chờ đợi toán sửa chữa tới, tôi đứng trên xe quan sát quang cảnh vùng này. Bên phải QL1 thì đất pha cát chạy dài về hướng Đông ra tới biển. Bên trái đất đỏ, đồi thấp thoai thoải tới chân núi phía Tây. Cả hai bên cây cối lưa thưa, có những cụm tre xanh rì, đódấu tích làng mạc trước đây. Trên bản đồ đây là quận Gio Linh mà bây giờ là bãi đất hoang chỉ còn lại căn nhà lầu hai tầng tróc nóc, tường loang lổ vết đạn. Đứng trên xe tôi theo dõi Chi Đoàn chiếm mục tiêu, chẳng thấy được gì chỉ nghe tiếng nổ của các loại đạn đại liên cùng pháo binh, có lẽ của cả hai bên. Đến trưa Thiếu Úy Nguyễn Văn Răng cùng toán sửa chữa của Thiết Đoàn đến kéo xe về căn cứ. Gần tối Chi Đoàn mới trở về với nhiều chiến lợi phẩm, nhưng Chi Đoàn lại mất một Trung Sĩ trưởng xa và hơn 1/3 binh sĩ bị thương nhẹ. Tất cả nét mệt mỏi hiện rõ trên gương mặt lấm lem bụi đất và khói thuốc súng. Sáng hôm sau Chi Đoàn nghỉ ngơi, nhận tiếp tế thực phẩm, xăng nhớt, đạn dược để chuẩn bị cho cuộc hành quân kế tiếp.

Là chi đội yểm trợ nên lúc nào cũng phải đi hai bên xe Chi Đoàn Trưởng và xe sửa chữa. Cách 100 mét phía trước, chi đội 1, 2, 3 vừa bắn vừa tiến cũng là áp đảo địch quân cũng là để tránh pháo địch. Bộ binh không theo kịp nên hầu như chỉ có thiết giáp thanh toán chiến trường mà thôi. Trong những lần hành quân kế tiếp, để di chuyển tránh pháo cho nhanh, Chi Đoàn không thả bộ binh xuống, chỉ khi nào cần lục soát hay phá hầm hố mới thả bộ binh xuống mà thôi. Đôi khi có xe lọt xuống hố bom không kéo lên được, xe tôi phải phụ xe sửa chữa kéo xe lên để mau thoát khỏi pháo của VC. Tiền sát VC điều chỉnh pháo của chúng vào chỗ chúng ta đang gặp trở ngại rất chính xác. Ngược lại tiền sát viên của ta phản pháo nhanh và chính xác không kém. Ta cũng như VC hầu như đã quá thuộc lòng mọi vị trí trong vùng địa đầu này, chỉ cần gọi là pháo binh ta bắn đúng mục tiêu ngay. Rất may mắn cho Chi Đoàn là trong suốt những tháng năm hành quân chưa có xe nào bị trúng pháo binh của VC. Cứ như thế, một ngày đánh VC, một hai ngày nghỉ để nhận tiếp tế. Tôi cảm thấy mệt mỏi sau những lần kéo xe ngoài mặt trận, chưa lấy lại sức vì thiếu ngủ do đại bác pháo binh Mỹ bắn suốt đêm, nhất là khi những nòng súng hướng về phía mình, mệt mỏi quá rồi cũng ngủ thiếp đi được một lúc, nhưng thỉnh thoảng phải giật mình tỉnh giấc. Nhận thấy chi đội yểm trợ không cần thiết ở vùng này nên chi đội yểm trợ cũng trở thành chi đội xung kích. Hành quân liên tục trong vòng một tháng, quân số xa đội của tôi chỉ còn 4 người. Thiếu người tiếp tế đạn, tôi nhờ bộ binh tùng thiết thay thế.

Hành quân phối hợp với các Tiểu Đoàn BB của Trung Đoàn 2 BB thường thì trong ngày. Còn với TQLC Mỹ phía trong núi thì có khi đến cả tuần lễ. Những lúc dừng quân, các bạn lính Mỹ hay đem hình gia đình, vợ con của họ ra khoe, đem thư ra đọc, đem bánh của vợ gửi vừa nhận được ra mời tôi cùng ăn cho vui, và có lẽ để quên đi sự mệt nhọc với mọi hiểm nguy cho sinh mạng mình và nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con, mà không biết họ có quên được không? Tôi thì nào có khác gì, cũng như họ vậy thôi vì mình là con người mà! Trong vòng một tháng, áp lực địch xung quanh căn cứ Cồn Thiên, A1 đã giảm. Địch rút về cố thủ quận Trung Lương gần khu phi quân sự. Nhìn khắp vùng thì thấy rất yên bình nhưng đó là biển lửa ngầm, toàn là hầm hố chiến lũy của VC được ngụy trang rất kín đáo.

Trung Úy Phạm Ngọc Hải thay Trung Úy Nguyễn Lương Bích thuyên chuyển đi đơn vị khác. Thiếu Úy Tương vẫn ở hậu cứ lo việc tiếp tế cho Chi Đoàn. Hành quân vẫn tiếp diễn dài dài, nay vùng đồng bằng, mai vùng đồi núi, bữa nọ trên những cồn cát dọc theo biển. Một lần sau cuộc hành quân, trên đường về, một xe trong chi đội của Võ Văn Kiệt bị mìn. Kiệt đang điều động kéo thì bị VC pháo, một mảnh đạn ghim vào đùi đứt động mạch chủ nên phải cưa chân. Tám thằng về đơn vị nay còn 7. Một lần khác, Chi Đoàn tiến chiếm mục tiêu trên vùng đồi cát gần biển, một đứa cùng khóa mà tôi không nhớ tên bị VC pháo làm cát văng vào mặt đui luôn cả hai con mắt. Tám thằng nay còn 6. Đỗ Đình Du qua chi đội khác, tôi lên làm chi đội trưởng chi đội 4.

Mùa mưa ở vùng địa đầu giới tuyến thì đồng ruộng quận Trung Lương ngập nước như vùng Đồng Tháp Mười trong miền Nam, mực nước tuy không cao lắm nhưng cũng đến 1/3 xe. Trên các vùng đất cao VC thiết lập nhiều công sự phòng thủ kiến cố, gây nhiều khó khăn cho quân ta. Thanh toán xong đơn vị này thì đơn vị khác của VC đến thay thế vì ta không đủ quân để giữ nên cứ phải đánh đuổi VC hoài. Có lần một chiếc M113 bị trúng mìn VC dưới ruộng nước văng cả giàn xích vào trong xe làm chết tài xế và xạ thủ đại liên 30. Đến mùa khô nhìn thấy những quả mìn nổi lên giữa những lằn xích xe mà phát ớn lạnh.

Được tin tình báo VC đưa quân về chiếm thôn Phú Hậu, Chi Đoàn được lệnh hành quân cấp tốc đánh đuổi và giải vây. Đánh đến chiều thì chiếm lại thôn Phú Hậu. Hơn 60 xác VC được xếp thành hàng cùng vũ khí. Chi đội tôi thu được một thượng liên, một súng cối 61 ly. Trung Tá Vũ Văn Giai, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 2 đến thị sát ngay tại chiến trường. Đây là lần đầu tiên tôi nhận được huy chương Anh Dũng Bội Tinh với ngôi sao vàng.

Mùa này có những ngày mưa dai dẳng không dứt, mong được nghỉ ngơi mà đôi khi vẫn phải đi hành quân truy kích địch. Mùa mưa cũng mặc kệ, dù cho có ướt như chuột lột cũng không thể choàng poncho vì quá vướng, khó xoay xở trong lúc đụng trận.

Có nhiều lúc tôi thấy cái chết đến thật dễ dàng mà cũng có khi thật khó. Trong một lần hành quân dưới cơn mưa tầm tã, trước đầu xe một tên VC đang bò cách chừng 30 mét, tôi bắn gần nửa thùng đạn đại liên 30 mà vẫn không trúng, đạn xỉa xung quanh người hắn cho tới khi hắn lăn xuống giao thông hào rồi bị bắt, đúng là số hắn chưa chết. Lần khác, một tên VC dưới hầm vụt đứng lên dơ hai tay đầu hàng, tôi hô to đừng bắn mà không kịp, một viên đạn đã trúng ngực làm hắn ngã xuống, đúng là hắn tới số chết. Trong một cuộc hành quân vùng đồi núi, đang dàn hàng ngang chuẩn bị tấn công, người xạ thủ đại liên 50 chỉ cho tôi và nói VC kìa, tôi liền hô bắn nó, nhưng chưa kịp bóp cò thì người xa thủ đại liên 50 này đã bị VC bắn trúng một viên vào đầu; nếu ngưới xa thủ đại liên 50 này đừng chỉ cho tôi mà cứ bắn trước thì có lẽ đã không chết. Tiếc thương thay cho người lính trẻ của tôi! Phải chăng con người sống hay chết đều do “Trời định”? Rồi Chi Đoàn ồ ạt tấn công, trước hỏa lực áp đảo của quân ta VC buông súng đầu hàng, hầm hố bị phá hủy, mục tiêu đã thanh toán xong. Sau khi lục soát, Chi Đoàn phát giác một hầm chôn vũ khí, tịch thu 2 cây đại bác 75 ly không giật, 2 súng cối 82 ly cùng nhiều súng cá nhân khác.

Trung Úy Hải đi học khóa Trung Cấp TG, Trung Úy Mai Xuân Tương lên thay, Mai Tư Cường về hậu cứ lo tiếp vận cho Chi Đoàn. Để rửa hận, VC cho đặc công cắt hàng rào phòng thủ bò vào căn cứ C1 nhưng không may VC đụng trái sáng bật cháy, Trung Úy Tương điều động bắn dọc theo hàng rào phòng thủ tiêu diệt gần trọn toán đặc công VC, chỉ còn một tên sống sót bị quân ta bắt sống. Tháng 10/1968 Thiết Đoàn 7 KB đưa Chi Đoàn 3/7 sang cải danh thành Chi Đoàn 3/11 thiết kỵ. Vậy là khóa tôi có thêm 5 thằng về Thiết Đoàn 11 gồm Nguyễn Hữu Đức, Nguyễn Đình Tuyên, Nguyễn Văn Hồng, Trần Văn Quảng và Nguyễn Văn Tuyến.

Trung Úy Tương qua làm Chi Đoàn Trưởng 3/11 thiết kỵ, Trung Úy Nguyễn Thanh Ngãi từ Thiết Đoàn 4 ra thay làm Chi Đoàn Trưởng 1/11 thiết kỵ. Chi Đoàn vẫn tiếp tục hành quân truy kích VC ở phía Đông và Tây QL1. Những cuộc hành quân càn quét vùng đồi núi phía Tây dễ chịu hơn vùng đồng bằng Gio Linh, Trung Lương. Cứ một xe bị mìn dưới ruộng phải cần đến 4 xe mới kéo nổi, lại còn phải điều động giải quyết thật nhanh để tránh pháo kích của VC. Có nhiều lúc Chi Đoàn về đến căn cứ thì đã gần nửa đêm. Nhờ có thêm Chi Đoàn 3/11 của Trung Úy Tương mà Chi Đoàn của tôi mới có thời gian để dưỡng quân. Chỉ khi nào phối hợp hành quân lớn với các Tiểu Đoàn của Trung Đoàn 2 BB thì CĐ 1/11 và CD 3/11 thiết kỵ mới cùng tham gia, chúng tôi mới có dịp gặp lại vui mừng thăm hỏi nhau rối rít.

Trong cuộc hành quân Lam Sơn 250 vào tháng 11/1968, xe của Đỗ Đình Du trúng B40 của VC không cháy nhưng bị thương liệt tay phải. Tám thằng còn 5. Châu Phước Cơ (Võ Bị Đà Lạt) ở BCH Thiết Đoàn ra làm Chi Đoàn Phó CD 3/11 thiết kỵ cho Trung Úy Tương bị trúng đạn gẫy xương vai. Khóa tôi lại thêm 2 thằng nữa giải ngũ. Rồi đến Phan Đình Ngân và Tôn Thất Nguyện bị thương, sau khi xuất viện được thuyên chuyển về Thiết Đoàn 7 KB, Mai Tư Cường cũng trở về lại giáo chức, Trần Văn Xuân chết đột ngột tại khách sạn khi đi phép. Đến cuối năm 1968, tám anh em về thành lập chi đoàn 1/11 thiết kỵ đã ra đi, chỉ còn lại một mình tôi. Tôi đã thầm nghĩ không biết chừng nào đến lượt mình đây? Và, tôi tự trả lời “Mặc kệ tới đâu thì tới, lo nghĩ chi cho mệt.

Những đàn em mới được bổ sung thì còn yếu, chưa đủ kinh nghiệm chiến đấu với VC cũng như di chuyển ban đêm bằng địa bàn nên khi có lệnh hành quân thì lúc nào Trung Úy Ngãi cũng nhìn tôi, tôi hiểu ý ông là muốn tôi tiếp tục đi đầu. Mìn chống chiến xa vùng Hỏa Tuyến này đầy dẫy khắp nơi nên khi di chuyển xe nào cũng phải chạy theo đường xích xe đi trước. Tôi đã bị mìn rồi nên có lẽ tôi được “miễn nhiễm với mìn VC chăng?”. Dẫn Chi Đoàn đi lúc nào cũng an toàn nên tất cả anh em trong đơn vị đều nghĩ tôi “Có Bùa hộ mạng”. Tôi chỉ cười mà nghĩ thầm “Hay không bằng Hên”.

Chi Đoàn 3/11 lại có sự thay đổi. Trung Úy Trần Văn Phước từ trường TG ra thay Trung Úy Mai Xuân Tương về lại BCH Thiết Đoàn. Hai Chi Đoàn thay nhau hành quân và phòng thủ các căn cứ Côn Thiên, A1, C1. Đầu năm 1969 Chi Đoàn 1/11 được lệnh ra phòng thủ căn cứ A1 ở phía Bắc gần vùng phi quân sự. Tại đây đứng trên nóc hầm có thể nhìn thấy được cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải mờ mờ những khi trời trong, nắng đẹp. Tên cầu thì hiền lương, mà Trung Lương thì hung dữ. Vì sao? Tôi chợt nhớ lại lời ca trong bài hátThương Vùng Hỏa Tuyến” của nhạc sĩ Anh Bằng: “Trung Lương ơi! Đây vùng phi chiến nay thành khu chiến từ khi giặc tràn về...” mà thương cho những người dân tại vùng địa đầu giới tuyến này phải chịu nhiều khổ đau mất mát.

Gần hết mùa Đông rồi mà trời vẫn còn lạnh. Gió Bắc thổi hiu hiu làm lạnh buốt cả trong lòng, phải chăng thiếu vắng một cái gì đó? Ờ, mà cũng sắp hết năm con Khỉ rồi nhỉ. Có lẽ sang năm mình sẽ được về phép thăm nhà? Tôi cùng anh em chi đội chuẩn bị đón cái Tết đầu tiên xa gia đình, phải làm sao cho xôm tụ, phải có nồi thịt heo kho trứng, có bánh mứt, có thêm bánh tét, bánh chưng nữa chứ...nhưng thôi với ánh nắng đầu xuân cũng đủ làm ấm lòng người chiến sĩ tiền đồn rồi.

Chào mừng năm mới cũng qua mau, tôi lại tiếp tục đùa giỡn với súng đạn với tử thần. Trong một trận chiến đấu ác liệt với VC gần khu Phi Quân Sự, Chi Đoàn nghiêng mình chào vĩnh biệt Chuẩn Úy Nguyễn Văn Chiến, khóa đàn em, đã anh dũng hy sinh trong chiến trận.

Hồn thiêng sông núi còn đây

Tay nâng cờ thắm phủ thây anh hùng,

Nhớ lại những lúc nhàn rỗi, Nguyễn Văn Chiến thường cho tôi xem ảnh và đọc thư của người yêu, cô nữ sinh duyên dáng trường Marie Curie, mà lòng bồi hồi thương cảm. Cũng đã lâu không về phép nên tôi được đại diện Thiết Đoàn đi về Tây Ninh thăm viếng và gửi lời chia buồn đến gia đình người bạn chi đội phó của tôi.

 

2. Hạ Lào 1971 - Quảng Trị 1972:

Tháng 6/1969, Thiết Đoàn thành lập thêm Chi Đoàn 1/11 chiến xa M41 do Đại Úy Lê Đình Thức làm Chi Đoàn Trưởng thì tôi được lệnh thuyên chuyển qua làm chi đội trưởng 1/1/11 CX. Chi Đoàn 1/11 thiết kỵ đổi danh thành Chi Đoàn 2/11 thiết kỵ từ đó.

Rời Chi Đoàn 2/11 thiết kỵ mà tôi đã từng gắn bó với anh em binh sĩ từ ngày thành lập, đã từng trải qua bao nhiêu gian khổ, sống chết có nhau ngoài chiến trường mà lòng tôi bồi hồi xúc động khi phải đi đơn vị khác. Trong bữa cơm chia tay cùng anh em trong chi đội, ai ai cũng rơm rớm nước mắt, bịn rịn không nói lên lời. Rồi từ lúc chia tay đó, mỗi Chi Đoàn một nơi, chúng tôi không còn có dịp gặp lại nhau một lần nào nữa.

Qua Chi Đoàn 1/11 CX, chi đội tôi được biệt phái đi nhiều nơi, như giữ Thành Nội Huế, đêm giữ cửa An Hòa, ngày thì ở cửa Thượng Tứ vừa làm bạn với những khẩu đại bác thời xưa, vừa được nhìn ngắm các cô học sinh tha thướt trong bộ áo dài trắng, thẹn thùng, e lệ kéo nón xuống che mặt khi thấy tôi nhìn. Chỉ cần có những giây phút như thế cũng đủ cho mình thấy vui vui. Ở Huế tôi được ăn đủ các món như bánh khoái ở cửa Thượng Tứ, bún bò Mụ Rớt ở Gia Hội, bánh bèo ở Vỹ Dạ, chè ở bên Cồn...v.v. Những ngày thư thả ấy cũng qua khi chi đội 1/11 CX có lệnh tăng phái cho TQLC Mỹ đi hành quân phía Tây Huế, " thung lũng AShau ". Nhờ vậy mà tôi biết Lăng Minh Mạng nằm giữa đồi thông cây cao gốc to hơn một người ôm. Chi đội tôi đi qua cầu phao phà Tuần, vòng theo núi qua  căn cứ Birmingham, qua căn cứ Bastogne của quân đội Mỹ. Những người lính Mỹ trong cắn cứ mừng vui vẫy tay chào đón, đưa hai ngón tay hình chữ V chúc cho chúng tôi chiến thắng, chi đội chúng tôi cũng hân hoan vẫy tay chào đáp lại.

 Tiếp tục đi vòng theo đường núi đến vùng núi cao, cây cối rậm rạp, qua dẫy đồi núi này là tới thung lũng Ashau. Địa danh Ashau đã khắc sâu vào tâm khảm những chiến sĩ anh dũng Sư Đoàn I Bộ Binh vì nơi đây đã diễn ra nhiều trận chỉến ác liệt giữa liên quân Việt - Mỹ với quân Bắc Việt. Tại đây có con suối nước trong vắt, mát lạnh rộng khoảng 5 mét, nước chẩy ào ào vòng theo chân núi, có chỗ nước sâu hơn 1 mét, cá trắm cỏ nhiều vô số, chúng tôi đứng trên bờ đá lởm chởm quan sát thấy cá hoảng loạn từng bầy tìm chỗ trốn. Anh em binh sĩ phía trên ném lựu đạn, phía dưới dùng mùng hứng. Nhiều cá quá phải làm khô, một số nấu cháo, lần đầu tiên tôi mới nhìn thấy nồi cháo mà cá nhiều hơn gạo, ai thấy cũng thèm. Tôi mời cố vấn Mỹ cùng ăn nhưng họ từ chối vì sợ mắc xương cá, cuối cùng nể tình tôi lắm ông ta mới ăn một chén. Trong suốt cuộc hành quân chi đội chỉ bố trí án ngữ trong rừng, nay vị trí này, mai nơi khác đề phòng, sẳn sàng chiến đấu khi chiến xa VC xuất hiện.

Đại Úy Lê Đình Thức có nhiệm vụ khác nên bàn giao Chi Đoàn lại cho Đại Úy Nguyễn Ngọc Thuận. Thời gian này Chi Đoàn có nhiệm vụ yểm trợ cho ĐPQ đi bình định các thôn làng sinh sống dọc theo ven biển. Không có cuộc hành quân nào thoải mái bằng cuộc hành quân này, như một cuộc đi cắm trại. Khi nóng nực thì Đại Úy Thuận cùng tôi và hai Cố Vấn Mỹ xuống biển đùa giỡn với những con sóng cao, đôi khi Trung Sĩ William Kaizer theo xem tôi bẫy con nhông bằng thòng lọng (loại  tắc kè sống trong hang trên đồi cát) về cùng  Đại Úy Thuận lai rai. Kết thúc cuộc hành quân bình định Chi Đoàn trở về hậu cứ tại trại Tích Tường (gần nhà thờ La Vang).

Đại Úy Phan Văn Thức thay Đại Úy Nguyễn Ngọc Thuận về lại BCH Thiết Đoàn. Chi Đoàn lại tiếp tục hành quân lục soát vùng đồi núi phía Tây quận Hải Lăng đi về hướng Bắc cho đến La Vang kéo dài đến cả tháng, rồi lại tiếp tục qua các thôn làng dọc theo biển cho đến cuối năm 1970.

 


          Thừa lệnh của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu vào ngày 8 tháng 2 năm 1971, ta mở  cuộc hành quân Lam Sơn 719 qua Lào để phá hủy các kho tiếp liệu của VC. Thiết đoàn 11KB và Tiểu đoàn 8 Dù dẩn đầu đi theo QL9 qua Lao Bảo (biên giới VNCH/Lào) tiến đến Tchépone.  Tôi thay Trung Úy Giỏ (Võ Bị Đà Lạt) Chi Đoàn Phó ở lại hậu cứ  qua phụ trách phân đội chỉ huy cùng Đại Úy Phan Văn Thức  Chi Đoàn Truởng 1/11 CX, đi với Đại Đội Dù tùng thiết của Đại Úy Côn. Đến ngã tư đường mòn HCM và QL9 chi đội 1/11 CX của Thiếu uý Đáng được lệnh theo đường mòn HCM đi lên hướng Bắc tăng phái cho Lử Đoàn 3 Dù. Đoàn quân tiếp tục tiến qua khỏi đường mòn HCM cách Tchépone 11 cây số thì VC chận đánh. Thiếu Úy Tô Dõng Hùng chi đội trưởng 2/1/11 CX bị thương, tôi qua thay thế. Thiết Đoàn tạm dừng, đóng quân trong rừng bên phải QL9. VC bắt đầu pháo kích dữ dội bằng hỏa tiễn 122 ly và đại bác 130 ly vào vị trí đóng quân của Thiết Đoàn. Một xe súng cối M113 bị trúng đạn pháo của VC nổ tung không còn xác xe lẫn xác người, chỉ để lại một hố sâu như hố bom. Rồi đặc công VC bò vào định tấn công BCH Thiết Đoàn và TĐ8 Dù thì bị phát giác, với hỏa lực của TG và Dù toán đặc công chỉ còn sống 3 tên bị ta bắt làm tù binh.

Sau khi đồi 31 thất thủ, Đại Úy Nguyễn Văn Đương, pháo đội trưởng pháo binh Dù tử trận, Đại Tá Nguyễn Văn Thọ, Lữ Đoàn Trưởng LĐ 3 Dù bị bắt, Chi Đoàn được lệnh đi giải tỏa đồi 30 và đưa được chi đội 1/1//11 CX của Thiếu Úy Đáng phòng thủ căn cứ pháo binh Dù ở đồi 30 về an toàn. Xe của tôi bị gẫy thanh uốn vặn nên tôi phải trở về chỗ tiếp vận và sửa chữa của Thiết Đoàn để thay thế. Sửa chữa xong, chưa kịp trở về Chi Đoàn để hành quân tiếp thì có lệnh lui quân. Tôi rút lui cùng toán sửa chữa nên di chuyển ở đoàn quân phía trước Chi Đoàn. Con đường QL9 rút lui về Lao Bảo thì nhỏ hẹp, một bên là núi, một bên là rừng. Đoàn xe phải di chuyển theo một hàng dọc. Thứ tự di chuyển thì Chi Đoàn 1/11 CX đi sau cùng. Quân ta rút theo chiến thuật cuốn chiếu, ta rút đến đâu thì đơn vị áng ngữ trên núi mới rời vị trí nhập vào đoàn quân rồi rút đi tiếp. Đến trưa thì VC bắt đầu pháo vào đoàn xe của Chi Đoàn rồi bộ binh VC đuổi theo truy kích. Các anh em Dù ở phía sau ngăn chặn chống trả quyết liệt và Đại Úy Côn Đại Đội Trưởng Dù đã hy sinh.

 Các xe phía sau hỗn loạn dồn cục lên chật cứng. Quan sát thấy cảnh hỗn loạn đó  tôi  liền quay pháo tháp ra phía sau và cho xe của tôi nép qua một bên đường để cho Chi  Đoàn 1/11 CX vượt qua còn tôi ở lại tiếp tục ngăn chặn VC truy kích. Đoàn xe phía trước di chuyển rất chậm vì mắc kẹt con suối cắt ngang QL9 rất sâu nên Lữ Đoàn buộc phải cho một xe M113 xuống nằm ngang dưới khe suối để làm cầu cho đoàn xe vượt qua vì không có thời giờ để bắc cầu mặc dù mỗi xe M113 đều có mang theo những thanh nhôm công binh. Ở phía sau VC đuổi theo chạy ngờ ngờ trên đường lộ thấy xe tôi chúng tấp sang hai bên lộ, núp trong rừng tre tầm vong cách xe tôi không quá 20 mét. Tôi xử dụng đạn nổ đại bác bắn xuống đường và hai bên rừng tre phía VC núp, còn đại liên 50 thì tôi bắn cầm chừng. Đoàn xe nhích từng chút một, tôi di chuyển thì VC lại đuổi theo.

Thấy tôi xoay xở có một mình nên Binh Nhất (B1) Bùi Rọ trở lại leo lên xe tiếp tôi bắn cây súng M79 phía bên hông trái, còn tôi bắn cây đại liên 50 và súng M16 bên hông phải. Thấy dùng đạn nổ không hiệu quả mấy vì rừng tre quá dầy nên tôi đổi sang bắn đạn chài mỗi khi VC ào ra xung phong. Mải lo bắn phía trước và hông phải nên khi quay sang hông trái thì không thấy B1 Bùi Rọ đâu nữa, tôi đành phải chiến đấu một mình. Sau nhiều đợt xung phong không có hiệu quả, có lẽ bị tổn thất quá nặng vì đạn chài nên không thấy chúng đuổi theo nữa. Đến gần tối xa đội tôi mới về đến điểm tập trung của Lữ Đoàn trong một cánh rừng cạnh QL9. Tôi mệt rã rượi, bước xuống xe thì mới phát giác B1 Bùi Rọ đã nằm chết trên dè xe, còn chỗ tôi đứng thì tiềm vọng kính bị bể nát, vết đạn làm trầy xước xung quanh pháo tháp. Cả Chi đoàn đều ngậm ngùi thương tiếc một chiến hữu đã hy sinh và cùng nguyện cầu cho hương hồn B1 Bùi Rọ sớm về an vui nơi miền cực lạc.  

Nghĩ một ngày, hôm sau chi đội tôi cùng một trung đội Dù tiếp tục mở đường về Lao Bảo. Đến khe suối chắn ngang đường thì bị các chốt của VC từ trên núi bắn xuống. Chúng tôi không nhìn thấy VC và cũng không biết chúng núp ở đâu nhưng vẫn phải bắn trả lại về phía đó. Một lát sau tôi thấy nhói ở cánh tay trái, nhìn xuống thấy có máu, biết mình đã bị thương, có thể do một mảnh đạn B40, nhưng không sao vì tay vẫn còn cử động bình thường. Tôi báo cáo về Chi Đoàn cho biết không thể qua suối được thì có lệnh rút lui để máy bay đến dội bom.

Biết không thể theo QL9 về Lao Bảo được và để tránh tổn thất Đại Tá Nguyễn Trọng Luật Tư Lệnh Lữ Đoàn 1 KB quyết định bỏ lại một CX M41, cho nổ máy để nghi binh, đánh lừa VC là quân ta vẫn còn ở tại chỗ, rồi mở một con đường mới đi xuyên rừng về hướng Nam trong đêm đến sáng thì tới bờ sông Tchépone. Mùa này nước sông Tchépone rất thấp, hai bờ sông dựng đứng cần phải ủi cho thấp xuống thì thiết giáp mới qua được. Vì bị thương và được tải thương bằng trực thăng trước nên tôi không biết lúc nào ta mới có xe ủi đất để ủi hai bên bờ sông Tchépone cho đoàn quân vượt qua sông (Sau này trong lần họp mặt của Hội Ái Hữu TG Nam California tôi mới biết mọi việc xin xe ủi đất là do KB Ngụy Gia ở Lử đoàn  phụ trách về không yểm lo liệu).

Trên chuyến trực thăng tản thương về Khe Sanh tôi thấy cũng có Trung Tá Bùi Thế Dung, Thiết Đoàn Trưởng Thiết Đoàn 11 KB. Nhờ có được hai xe ủi đất mà đoàn quân rút lui đã về đến Khe Sanh an toàn. Trong cuộc hành quân này khóa 20 SQCB/TG của tôi lại có thêm hai người nữa thuộc Chi Đoàn 2/11 và 3/11 Thiết Kỵ bị thương giải ngũ vì bị không quân của ta thả bom lầm là Trần Văn Quảng (Quảng mặt rỗ) và Trịnh Á (theo lời tường thuật của Thiếu Úy Nguyễn Văn Thuận Chi Đoàn 2/11 TK, khi được thuyên chuyển sang Chi Đoàn 2/20 CX của tôi). Tôi chắc chắn rằng các anh em TG đã tham gia hành quân trên đất Lào đều nhớ rõ, tường tận những diễn tiến của cuộc rút quân này.

Trung Tá Nguyễn Văn Tá thay Trung Tá Bùi Thế Dung làm Thiết Đoàn Trưởng Thiết Đoàn 11 KB. Tháng 6/1971 tôi lên Trung Uý được bổ nhiệm thay Trung Úy Giỏ làm Chi Đoàn Phó CĐ 1/11 CX phòng thủ căn cứ Carroll. Giữa tháng 3/1972 Đại Úy Phan Văn Thức được mời về tham dự lễ xuất quân Thiết Đoàn 20 CX M48 của Trung Tá Nguyễn Hữu Lý tại Ái Tử. Như thường lệ, tôi cho một chi đội hổn hợp đi mở đường từ căn cứ đến Quận Cam Lộ và giữ an ninh đến trưa mới trở về.

. Trưa ngày 30/4/1972, VC lợi dụng lúc các Tiểu đoàn BB  hoán đổi địa bàn hoạt động liền mở cuộc tổng tấn công vào các căn cứ của quân ta phía Bắc và Tây tại Quảng Trị. Chi Đoàn 2/11 và Chi Đoàn 3/11 Thiết Kỵ cùng BB áng ngữ phía Bắc dọc theo khu Phi Quân Sự phải rút về phòng thủ tại Đông Hà. Tiểu đoàn 3 TQLC Sói Biển buộc phải giật xập cầu Đông Hà để ngăn chận không cho chiến xa VC qua sông đánh chiếm thị xã. VC bắt đầu pháo dử dội vào các căn cứ dọc theo núi phía Tây Quảng Trị như Ba Hô, Sarge, Holcomb của TQLC, Fuller, Khe Gió và Carroll của Bộ binh.


      Khi hai căn cứ Khe Gió và Fuller, tiền đồn giữ QL9 thất thủ thì Chi Đoàn 1/11 CX cùng BCH Trung Đoàn 56 BB thuộc Sư Đoàn 3 BB của Tướng Vũ Văn Giai đóng tại căn cứ Carroll bị bao vây. Sau 3 ngày cố thủ, Trung Tá Phạm Văn Đính Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 56 BB đầu hàng thì tôi và hai Cố Vấn Mỹ của Trung Đoàn (Trung Tá William Camper và Thiếu Tá Joseph Brown) vượt thoát khỏi căn cứ cùng một số anh em binh sĩ TG và BB bằng trực thăng Chinook CH47 về sân bay trực thăng của Trung Đoàn 2 BB tại Quảng Trị ( trước kia là của Trung đoàn 1 Sư đoàn 1 BB nằm sát bên QL1). Vì mất căn cứ Carroll nên Lữ Đoàn 147 TQLC của Đại Tá Nguyễn Năng Bảo cũng rút khỏi căn cứ Mai Lộc ở Cùa (quận Hương Hóa) vào tối hôm đó. Chi Đội 3/1/11 CX của Thiếu Úy Ngô Văn Tống tăng phái cho LĐ 147 TQLC không thể rút theo đường núi cùng TQLC nên rút theo đường lộ về Quận Cam Lộ vào sáng hôm sau và đã tử trận trên đường rút lui.

 


Giữa tháng 4/1972 tôi có lệnh dẫn chi đội CX M41 vào tăng phái cho Lữ Đoàn 369 TQLC của Đại Tá Phạm Văn Chung tại căn cứ Nancy (Mỹ Chánh) để phòng thủ căn cứ Barbara trên núi phía Tây quận Hải Lăng. Khi được lệnh đi giải toả QL 1 tôi mới thấy dân chúng đi di tản chết nhiều không kể xiết, từ người già cả cho đến trẻ em, thật là thương tâm quá đỗi. (Đoạn đường này được phóng viên ký giả Trùng Dương đặt tên là Đại Lộ Kinh Hoàng). Đến chiều tôi rút về áng ngữ tại cầu Bến Đá cùng với Tiểu đoàn 9 TQLC. Rạng sáng ngày 1/5/1972, Thiếu Tá Nguyễn Kim Đễ Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 9 TQLC gọi máy báo cho biết có chiến xa VC chạy trên QL1 tiến về phía chúng tôi khi đang án ngữ tại cầu Bến Đá. Tôi  cho chi đội nạp đạn chống chiến xa sẵn sàng bắn khi tôi ra lệnh.

Sau khi bắn hạ 4 CX VC (đó là 2 PT76 và 2 PTR85), Đại úy Nguyễn Kim Thân ban 3 TĐ 2 TQLC đến cho tôi biết về thành lập phòng tuyến Mỹ Chánh cùng LĐ 369 TQLC, gồm có TĐ2 TQLC Trâu Điên của Thiếu Tá Trần Văn Hợp, TĐ5 TQLC Hắc Long của Thiếu Tá Hồ Quang Lịch, TĐ9 TQLC Mảnh Hổ của Thiếu Tá Nguyễn Kim Đễ và 4 CX M41 của tôi vào trưa ngày 1/5/1972. Còn tại mặt trận phía Tây Huế  Sư đoàn I BB cũng đã rút khỏi căn cứ Bastogne.  Sau khi quân ta triệt thoái khỏi Quảng Trị theo hương lộ 555 có tên là " dãy phố buồn thiu " dọc theo biển về Huế, Thiết Đoàn 11 KB cùng Sư Đoàn 3 BB di chuyển về Đà Nẵng, tôi lại được thuyên chuyển qua Thiết Đoàn 20 CX M48. Vậy là tôi may mắn được xử dụng cả 3 loại thiết giáp trong binh chủng TG tại vùng Hỏa  Tuyến. 

 

Trung Tá Nguyễn Văn Tá, Thiết Đoàn 11 KB qua thay thế Trung Tá Nguyễn Hữu Lý . làm Thiết Đoàn Trưởng Thiết Đoàn 20 CX. Còn tôi đang ở phòng tuyến Mỹ Chánh thì được lệnh của Đại Tá Trần Tín (Xử lý thường vụ Tư Lệnh Lữ Đoàn Trưởng 1 KB) qua tái chỉnh trang Chi Đoàn 2/20 CX để chuẩn bị tái chiếm Quảng Trị. Về Chi Đoàn 2/20 CX tôi mới biết được nhiều sự kiện xẩy ra (theo lời tường thuật của Thượng Sĩ Thường Vụ Chi Đoàn Nguyễn Văn Sĩ) như: Chi đội của T/úy Nguyễn Đăng Bửu thuộc Chi Đoàn 1/20 CX của Thiếu Tá Đặng Hữu Xứng đã bắn hạ 9 CX T54 và T59 của VC tại cây số 4 trên QL9,  và Trung Sĩ Nhất Phan Ngọc Tuấn thuộc Chi Đoàn 2/20 CX của Đại Úy Hà Mai Khuê đã bắn bay cây thượng liên 12 ly 8 trên pháo tháp CX T59 của VC tại căn cứ Phượng Hoàng. Chiếc T59 của Tầu Cộng này bị quân ta bắt sống và được chuyển về Thủ Đô Saigon để trưng bầy trước Tòa Đô Chánh trong mùa Hè năm 1972.

        Bị chận đứng không tiến chiếm thêm được nên VC dùng hỏa tiễn điều khiển AT3 (vũ khí của Liên Sô viện trợ) bắn phá vỡ phòng tuyến TG của ta tại Đông Hà/Ái Tử buộc quân ta phải triệt thoái. Cầu Quảng Trị bị xập vì quá tải và trúng pháo nên Thiết Đoàn 20 CX phải bỏ lại nhiều CX M48 bên kia sông Thạch Hãn và TQLC cũng bỏ nhiều quân trang quân dụng. Buồn hơn nữa là Đại Tá Nguyễn Trọng Luật Tư Lệnh Lữ Đoàn 1 KB bị thương, Đại Úy Phạm Quang Anh Chi Đoàn Trưởng 2/20 CX, Đại Úy Nguyễn Ngọc Bích Chi Đoàn Trưởng 2/18 TK, Trung Úy Vĩnh Cổn Chi Đội Trưởng CĐ 3/20 CX và nhiều anh em binh sĩ khác đã hy sinh.

       Sau khi tái chỉnh trang và huấn luyện,  Chi Đoàn 1/20 CX của Thiếu Tá Đặng Hữu Xứng vượt phòng tuyến Mỹ Chánh cùng Nhảy Dù tiến chiếm lại Quảng Trị. Chi Đoàn 2/20 CX của tôi đã chỉnh trang xong, bắt đầu thực tập hành quân tác xạ tại căn cứ Gia Lê (Huế). Sau đó lên đường cùng  Nhảy Dù hành quân vùng núi phía Tây Quận Hải Lăng không cho VC cắt đường tiếp tế của ta trên QL1. Sau khi cùng Tiểu Đoàn 11 Dù của Thiếu Tá Lê Văn Mễ đánh chiếm La Vang, Chi đội của Thiếu Úy Tống Huy Kính đánh chiếm Chi Khu Mai Lĩnh và Chi đội của Thiếu Úy Đặng Văn Quang chiếm Bệnh Viện Quảng Trị thì Chi Đoàn 1/20CX bàn giao địa bàn trên lại cho Chi Đoàn 2/20 CX để về dưỡng quân tại căn cứ Hòa Mỹ (Phong Điền). Chi Đoàn 2/20 CX chia ra đi hành quân với Nhảy Dù và TQLC. Chi đội của T/Úy Bùi Thám đi với TĐ 5 Dù của T/Tá Bùi Quyền, Chi đội của T/Úy Nguyễn Văn Thuận giữ BV Quảng Trị, Chi đội của T/Úy Nguyễn Hữu Quảng đóng dọc theo bờ sông Thạch Hãn cùng TĐ 9 TQLC của T/Tá Nguyễn Kim Để.  Khi Chi Đoàn 3/20 CX xuất quân cùng Tiểu đoàn 11 Dù đánh chiếm trại Tích Tường (hậu cứ Thiết Đoàn 11 KB) thì Chi Đoàn 2/20 CX tăng phái hẳn cho TQLC. Vì lý do sức khoẻ của Đại Úy Đoàn Chí Sanh nên Thiếu Tá Lê Bá Nam (Thiết Đoàn 7 KB) ra nắm Chi Đoàn 3/20 CX thay thế Đại Úy Sanh tại La Vang. Chi Đoàn 3/20 CX cùng Nhảy Dù đánh chiếm vùng núi phía Tây Quảng Trị tiến đến Động Ông Đô phía thương nguồn sông Thạch Hãn.

 Tôi và phân đội chỉ huy đi cùng Tiểu Đoàn 8 TQLC Ó Biển của Thiếu Tá Nguyễn Văn Phán đóng gần ngã ba Long Hưng, ba chi đội của Chi Đoàn 2/20 CX đi với các Tiểu Đoàn TQLC cùng với nhiều Chi Đoàn M113 khác tiến đánh nhiều hướng đến Cổ Thành.  Đầu tháng 9/1972 tôi bị thương, Thiếu Tá Trương Quang Thương ra thay tiếp tục cùng TQLC  tiến quân đánh chiếm lại Cổ Thành. Sau gần ba tháng vượt phòng tuyến Mỹ Chánh, các đơn vị VC chiếm giữ thành phố Quảng Trị đầu hàng và TQLC đã cắm cờ trên Cổ Thành Quảng Trị vào ngày 16 tháng 9 năm 1972. Còn mặt trận phía Tây Huế Sư đoàn I BB cũng đã chiếm lại được căn cứ Bastogne. Cuộc chiến tạm yên, bấy giờ ba Chi Đoàn thay phiên nhau tăng phái cho Dù và TQLC, lúc thì lên núi, lúc thì xuống biển cho đến khi có lệnh hành quân đánh chiếm Cửa Việt.

Chi Đoàn 2/20 CX của tôi là lực lượng trừ bị bố trí tại quận Hải Lăng. Các Chi Đoàn 1/20 CX của Thiếu Tá Đặng Hữu Xứng, Chi Đoàn 3/20 CX của Thiếu Tá Lê Bá Nam phối hợp với LĐ 147 và LĐ 258 TQLC và các Chi Đoàn TK khác đã đánh chiếm lại đến Cửa Việt trước giờ ký kết Hiệp Định Paris vào ngày 28 tháng 1 năm 1973.

Trong lần trao trả tù bình tại sông Thạch Hãn vào năm 1973 tôi cũng thấy trong nhóm tù binh đó có cả Hạ sĩ Võ Nậy tài xế CX M41 của tôi lúc đi Hạ Lào và Trung Úy Tôn Thất Đàn Chi Đoàn Phó CĐ 1/20 CX M48. Những ngày tháng kế tiếp Chi Đoàn của tôi khi thì tăng phái cho Dù, khi thì cho TQLC. Thích nhất là ở Mỹ Thủy cùng TQLC vì gần biển mát mẻ hơn là cùng với Dù ở trên núi. Tại Mỹ Thủy tôi đã gặp Trung Úy Tôn Thọ Vạn CĐT-CĐ 3/18 TK và Đại Úy Nguyễn Tẩn trưởng ban 3 Thiết Đoàn 18 KB của Trung Tá Nguyễn Văn Sĩ Thiết Đoàn Trưởng. Vào khoảng tháng 3/1973 Trung Tá Nguyễn Văn Tá tham dự khóa Cao Cấp TG bàn giao Thiết Đoàn lại cho Đại Tá Tạ Đình Siêu. Sau vài tháng Đại Tá Siêu ra đi nhận chức vụ mới thì Trung Tá Phan Công Tuấn từ Thiết Đoàn 4 KB ra thay làm Thiết Đoàn Trưởng Thiết Đoàn 20 CX cho đếnn khi rút quân khỏi Quảng Trị vào tháng 3 năm 1975.

 


3. Quân Khu I – Di Tản:

Tháng 6/1974 tôi bàn giao Chi Đoàn 2/20 CX cho Đại Úy Phan Thanh Tùng để đi học khóa Trung Cấp TG. Mãn khóa tôi trở lại đơn vị vào tháng 11/1974, với chức vụ Trưởng Ban Truyền Tin tại căn cứ Phong Lộc (Phong Điền). Sau khi Chi Đoàn 2/20 CX của Đại Úy Phan Thanh Tùng đánh tan đại đội VC tại xã Triệu Dương/Vĩnh Nậy (quận Phong Điền) bắt sống nhiều tù binh vào tháng 2/1975 thì được lệnh về Huế tăng phái cho Sư Đoàn 1 BB.

        Gần cuối tháng 3/1975 Thiết Đoàn 20 CX được lệnh trở về Huế. Chi Đoàn 1/20 CX của Thiếu Tá Nguyễn Văn Sơn đóng tại Mỹ Thủy cùng TQLC đi dọc theo ven biển về Thuận An. Chi Đoàn 2/20 CX của Đại Úy Phan Thanh Tùng đang tăng phái cho Sư Đoàn 1 BB tại La Sơn chia ra theo BB rút về Thuận An và cửa Tư Hiền rồi cả hai Chi đoàn đều rả ngủ tại cửa biển Thuận An và cửa biển Tư Hiền. Còn tôi nhận lệnh ở lại cùng Thiếu Tá Minh, Thiết Đoàn Phó để phá hủy kho đạn tại Phong Lộc (Quận Phong Điền) của Đại Úy Cách thuộc công binh, xong rồi mới đi sau. Chúng tôi gồm có xe M113 của Thiếu Tá Minh, xe M577 của tôi và xe M113 của toán sửa chữa. Đi đến cầu Bạch Hổ (Huế) thì trời đã tối, tôi được lệnh chờ nhận tiếp tế. Thiếu Tá Minh về thăm lo cho gia đình, còn tôi ở lại với đoàn xe. Đến trưa ngày hôm sau vẫn không thấy được tiếp tế, tôi liên lạc thì có lệnh ra Thuận An. Đến nơi tôi thấy rất nhiều xe TG của quân ta bỏ lại đầy trên bãi cát mà không còn có một quân nhân nào cả. Tất cả BCH Thiết Đoàn đã đi không còn ai. Tôi liên lạc máy truyền tin cũng không thấy ai trả lời. 

 


 

Anh em binh sĩ theo tôi tản mác ra đi lục soát trong căn cứ hải quân thì tìm thấy một máy đuôi tôm còn xử dụng được (loại máy nổ có cánh quạt phía sau mà dân vùng 4 gắn trên xuồng để di chuyển trên sông lạch) nên chúng tôi dùng mấy thùng xăng không 200 lít, ván, dây thừng trong căn cứ kết thành một cái bè để chạy ra cửa biển Thuận An. Đang hì hục kết bè thì Trung Sĩ Điền (thường gọi là Điền gà) trưởng xa của CĐ 2/20 CX cùng vợ đang mang bầu khá to vừa đi đến. Thấy tôi Trung Sĩ Điền nói “em về đón vợ em đi theo”. (Sau khi tôi được thả khỏi trại Nam Hà năm 1983, trại tù dành cho các nhà báo Quốc Tế đến “tham quan”, Trung Sĩ Châu Phi, Trung Sĩ Điền có tới thăm, tôi mới biết đứa bé được sanh ra trong thời buổi loạn lạc ấy là gái, tên Linh, hiện đang sinh sống tại nước Đức). Chúng tôi cùng nhau lên bè hy vọng sẽ đi đến Đà Nẵng. Đang xình xịch chạy chậm rịt chưa đến cửa biển thì VC bắt đầu pháo chúng tôi, đạn rớt gần chung quanh làm bè của chúng tôi bị sóng  đánh lắc lư chồng chềnh mạnh, thời may là lúc đó có một chiếc tàu đổ bộ của HQ ngoài biển chạy vào bốc chúng tôi lên rồi đưa về Đà Nẵng. Các anh em binh sĩ về với gia đình họ, còn tôi không biết liên lạc với ai nên lang thang đến núi Sơn Trà. Ngủ qua đêm ở bãi biển Tiên Sa với ý định chờ tàu HQ đến đón để đi tiếp. Tối đó VC pháo kích dữ dội, thật may mắn, tôi vẫn bình an. Sáng hôm sau tôi đi bộ khỏi Tiên Sa một lúc thì gặp một đoàn xe M113 từ trong căn cứ HQ chạy ra thấy tôi là dân thiết giáp họ liền dừng lại cho tôi leo lên, mừng quá gặp lại phe ta “Chi Đoàn 2/11 thiết kỵ” đang di chuyển đến bãi biển Non Nước.  Tại đây có Chi Đoàn 3/20 CX của Thiếu Tá Đặng Hữu Xứng đang phòng thủ cho BTL Sư Đoàn TQLC. Chúng tôi nói chuyện cùng nhau bàn về tình hình đen tối lúc bấy giờ và nghe nói sẽ bỏ Vùng 1. Đến buổi trưa có tầu HQ (loại tầu vận chuyển) tới đậu cách bờ chừng hơn 100 mét. Thiếu Tá Xứng không bỏ đơn vị và gia đình được nên nói tôi bơi ra tàu HQ. Tôi cởi đôi giầy trận bỏ lại và dùng một thùng đại liên 50 không có đạn làm phao để bơi ra tàu. Một lát sau có Trung Úy Bùi Thám, Chi Đoàn Phó 3/20 CX và khoảng 10 anh em binh sĩ nữa cũng bơi ra và lên tàu HQ. Đến khi không còn ai bơi ra để lên tầu nữa, ước chừng được hơn 100 anh em quân nhân, kể cả TQLC, thì tàu HQ nhổ neo và chuyển chúng tôi qua chiếc Tuần Dương Hạm Trần Khánh Dư chạy về đến cảng Cam Ranh cập cảng cho tất cả chúng tôi lên bờ. Lên bờ biển Cam Ranh rồi chúng tôi mới thấy khổ sở, đôi chân trần phỏng rát vì không có giầy mà phải đi trên cát nóng hực. Không ai chịu nổi nên phải xé quần trận ra để lấy vải bó chân mình thì mới đi bộ ra đến QL1 được.

Anh em TG tới Phan Rang đi xuống làng chài lưới để mua vé về Vũng Tầu thì dân cho biết mùa này biển động không đi được. Ngủ lại thêm vài đêm để chờ trời tốt, nhưng vẫn không khá hơn nên chúng tôi lại trở ra QL1 đi lên Nha Trang thì thấy lộn xộn quá, đành lại phải quay trở về Phan Rang xin quá giang theo xe tải hàng của gia đình người dân về đến Bình Tuy. Tại Bình Tuy tôi gặp lại Trương Văn Hội, Chi Đoàn Trưởng CĐ 3 thiết ky thuộc Thiết Đoàn 3 Kỵ Binh đóng ở Pleiku, (Hội có biệt danh là Hội đen, bạn cùng khóa 20 SQCB/TG với tôi) kể lại chuyện Chi Đoàn rút từ Pleiku theo Liên tỉnh lộ 7B mở đường cùng với BĐQ dẹp tan các chốt chặn của VC về đến Tuy Hòa an toàn và được thăng cấp Thiếu Tá.

 


           Tất cả các xe dân sự di tản không chạy tiếp được vì đang có đụng độ tại rừng Lá nên chúng tôi đi bộ xuống bờ biển chờ trời tốt mua vé ghe máy đi về Long Hải. Trong mấy ngày chờ đợi, tôi được thưởng thức món ăn đặc sản tại quán ăn bình dân là “cơm cháy mỡ hành” ngon “tuyệt cú mèo”, có lẽ vì đã nhiều năm không được ăn món đạm bạc này. Biển êm, gió lặng, chúng tôi lên ghe về Long Hải rồi tập trung tại Long Bình. Tại đây tôi cũng thấy có cả đơn vị BBinh của Sư Đoàn 18.

Giữa tháng 4/1975, tôi được lệnh của Đại Tá Tư Lệnh Lữ Đoàn 1 KB Nguyễn Xuân Hường thành lập lại Chi Đoàn 2/11 thiết kỵ tại Long Bình, trực thuộc Quân Đoàn III. Các anh em binh sĩ TG di tản từ Vùng 1 về nghe tôi thành lập lại Chi Đoàn đều theo về hết. Người tài xế xa đội ngày nào không ăn cháo gà cùng tôi thì nay là Trung Sĩ trưởng xa. Chi Đoàn ban ngày giữ an ninh tại núi Bửu Long, ban đêm thì phòng thủ phi trường Biên Hòa và Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III.

Tình hình chiến sự tại Quân Khu III rất tồi tệ vào tháng 4 /1975. VC bắt đầu tấn công tỉnh Long Khánh và  chiếm quận Xuân Lộc. Lữ Đoàn III Xung Kích của Tướng Trần Quang Khôi, Chiến Đoàn 315 của Trung Tá Đổ Đức Thảo, Thiết Đoàn 1 KB của Trung Tá Nguyễn Minh Tánh, Thiết Đoàn 5 KB của Trung tá Trần Văn Nô cùng Sư Đoàn 18 của Tướng Lê Minh Đảo và các đơn vị BĐQ, TQLC, Nhảy Dù cố gắng ngăn chận, chiến đấu trên một trận tuyến không cân sức với các Sư Đoàn Bộ Binh của  VC cho đến ngày cuối cùng của cuộc chiến.

        Sáng ngày 26 tháng 4 năm 1975 khi Chi Đoàn vừa di chuyển qua ngã ba Long Bình theo lệnh của Quân Đoàn để ra Bà Rịa tăng cường cho TQLC thì thấy dân chúng chạy từ Long Thành về cho biết VC đang đánh Trường Thiết Giáp. Tôi báo cáo về cho Quân Đoàn và xin lệnh tiếp viện hay đi luôn đến Bà Rịa thì được lệnh trở về phòng thủ Biên Hòa. Chi Đoàn có lệnh tăng phái cho Tiểu Đoàn 7 và Tiểu Đoàn 5 Dù. Trung Úy Nguyễn Văn Hiệp, Chi Đoàn Phó cùng 2 chi đội đi với Tiểu Đoàn 5 Dù của Thiếu Tá Võ Trọng Em ra giữ cầu Biên Hòa trên sông Đồng Nai. Tôi đi với Tiểu Đoàn 7 Dù của Thiếu Tá Nguyễn Lô phòng thủ phi trường.

Đêm 29 tháng 4 năm 1975 chiến xa VC đã tới Biên Hòa. Với đại bác không giật 106 ly, chi đội của Trung Úy Hiệp đã bắn hạ 2 chiến xa VC bên kia sông Đồng Nai. Đó cũng là chiến tích cuối cùng của CĐ 2/11 TK.


         Sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975 Tiểu Đoàn 5 Dù cùng Trung Úy Hiệp đi một hướng. Tôi và Tiểu Đoàn 7 Dù đi hướng khác theo xa lộ Đại Hàn qua cầu Fatima rút về đến Hàng Xanh bố trí tại cầu Phan Thanh Giản thì nghe lệnh buông súng. Tôi tự nghĩ vận nước đã đến hồi suy vong rồi sao?... Thôi đành phải nghe theo quân lệnh. Chúng tôi nghẹn ngào chia tay nhau. Chào tạm biệt các anh em Chi Đoàn 2/11 thiết kỵ. Xin thắp một nén hương tri ân đến tất cả những chiến hữu đã cùng tôi chiến đấu vì Dân Tộc, vì Quốc Gia, vì Tự Do, đã ra đi về cõi Vĩnh Hằng.

Tháng Tư nghiêng ngả sơn hà

Triệu người khóc hận can qua ngất trời

Tờ lịch rơi những đầy vơi

Lật sang trang sử? Ngàn đời không quên!...

(Trích thơ Như Thương - Chủ Đề “Quê Hương và Quốc Hận)

(Khóa 20 SQ/CBTG của chúng ta nay đã phân tán lưu lạc đi khắp nơi, kẻ còn người mất nhưng chắc chắn rằng cũng có đôi lúc hồi tưởng lại những kỹ niệm vui buồn trong cuộc đời quân ngũ, trong đơn vị mình phục vụ, những cá tính của người này người kia dù có trái ngược  cũng  vẫn  cười  vẫn  xí  xóa cho nhau trong tình bạn thân thương thắm thiết.)

 KB Phạm Hữu Phước

  

                                        

   

                 

No comments:

Post a Comment