Cách đây 10 năm, tác giả bài viết này có viết một bài về biến cố quan trọng này, đề tựa là “Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đổ bộ vào Đa Nẵng ngày 8 tháng 3 năm 1965,” đăng trên báo Thời Mới (Toronto), số 126, ngày 1/12/2004, trang 29, 33-34, 36 và 38. Bài viết đó đã đuợc đăng lại trong cuốn sách của tác giả xuất bản năm 2008, Bạch hóa tài liệu mật của Hoa Kỳ về Việt Nam Cộng Hòa, ở các trang 153-176, và hiện nay được đăng trên trang Web Nam Kỳ Lục Tỉnh tại địa chỉ Internet sau đây:
Bài viết này tìm hiểu thêm về biến cố quan trọng đó dựa trên một số tài liệu mới tìm thêm đuợc. Để khởi sự, chúng ta hảy trở lại cuốn hồi ký của tác giả Bùi Diễm, là một khuôn mặt chính trị của VNCH, mà tại thời điểm ngày 8-3-1965, đang đảm nhận chức vụ Bộ Truởng Phủ Thủ Tuớng trong Chính phủ của Bác si Phan Huy Quát. Chúng ta hảy nghe ông kể lại biến cố đó trong cuốn hồi ký của ông viết bằng Anh ngữ: đó là cuốn hồi ký In the jaws of history của tác giả Bùi Diễm (với sự cộng tác của David Chanoff) do nhà xuất bản đại học Indiana University Press xuât bản năm 1999. Trong Chương 17 với tiểu tựa là The Americans Intervene, tại 2 trang 131 và 132, tác giả Bùi Diễm kể lại biến cố đó như sau: ông cho biết sáng sớm ngày 8-3-1965, Thủ Tuớng Quát gọi điện thoại, kêu ông đến gặp ngay vì có chuyện khẩn cấp. Khi ông đến noi thì ông Quát cho biết TQLC Mỹ đang đổ bộ vào Đà Nẵng nên Chính phủ cần phải ra ngay một thông báo chính thức vể việc này. Ông Quát yêu cầu ông cùng với một viên chức Mỹ có mặt lúc đó là ông Melvin Manfull soạn thảo ngay thông cáo báo chí này. Điểm chính yếu mà tác giả Bùi Diễm muốn nói là biến cố đó tuy không phải hoàn toàn là một bất ngờ lớn đối với ông nhung nó quá đột ngột và chính phủ Quát không có chuẩn bị cho biến cố đó. Nguyên văn lời tác giả viết trong sách nhu sau: “The news itself was not an overwhelming surprise, because in the back of my mind I knew that Washington would soon be pushing for something like this. But the abruptness of the thing and the lack of preparation for it were upsetting, to say the least.” 1 Chúng ta cần phải đánh giá mức độ khả tín của thông tin quan trọng này. Nói một cách chính xác hon, chúng ta cần tìm hiểu xem biến cố này có đúng thật là quá đột ngột và Chính phủ Quát đã không có chuẩn bị gì hết cho biến cố đó.
Truớc hết, tìm lại hình ảnh trên báo Life của Hoa Kỳ liên quan đến biến cố này, chúng ta tìm thấy 2 tấm hình sau đây:
Hình các thiếu nữ Đà Nẵng đón tiếp TQLC Mỹ tại bãi biển Mỹ Khê.
Cận ảnh cho thấy sự hiện diện của Chuẩn tuớng Frederick J. Karch, tư lệnh lữ đoàn TQLC Mỹ và cả Thiếu tuớng Nguyễn Chánh Thi, tư lệnh vùng I tại thời điểm này.
Trên báo Chính Luậncủa Sài Gòn, số ra ngày Thứ Năm, 11-3-1965, ở trang 1 cũng có loan tin với đầy đủ hình ảnh về biến cố này:
Trong hình chúng ta thấy có cảnh các thiếu nữ Việt Nam choàng vòng hoa cho binh si Hoa Kỳ, và hình Thiếu Tuớng Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Vùng I đứng bên cạnh Chuẩn Tuớng Frederick J. Karch, Tư Lệnh Lữ Đoàn TQLC Hoa Kỳ đổ bộ vào Đà Nẵng.
Như vậy, sự thật lịch sử là ở đâu? Biến cố này có đúng là quá đột ngột và Chính phủ Phan Huy Quát lúc đó đã không có sự chuẩn bị? Chúng ta hảy tìm hiểu thêm qua một số tài liệu có liên quan đến biến cố này.
Như trên đã có nói, đây là một biến cố rất quan trọng cả về chính trị lẩn quân sự. Về phía VNCH, các nhân vật chính trị và quân sự có liên quan đến biến cố này là Thủ Tuớng Phan Huy Quát, Phó Thủ Tuớng kiêm Tổng Truởng Quân Lực Trung Tuớng Nguyễn Văn Thiệu, Tổng Tư Lệnh Trung Tuớng Trần Văn Minh, và Tư Lệnh Vùng I Thiếu Tuớng Nguyễn Chánh Thi. Về phía Hoa Kỳ là Đai sứ Maxwell D. Taylor, và Tư Lệnh MACV Đại Tuớng William C. Westmoreland.
Ba nhân vật đầu nảo của VNCH, các ông Quát, Thiệu và Minh, đều không có viết hồi ký. Tướng Nguyễn Chánh Thi có viết hồi ký, với tựa đề là Việt Nam: một trời tâm sự , nhưng hoàn toàn không có đề cập đến biến cố này. Về phía Hoa Kỳ, Đại sứ Taylor có viết hồi ký. Đó là cuốn sách Swords and plowshares do nhà W.W. Norton xuất bản tại New York vào năm 1972, gồm 434 trang. Rất tiếc, trong cuốn hồi ký này, Đại sứ Taylor chỉ đề cập đến biến cố này trong một câu như sau: “An even more significant event occurred a few days later when two U.S. Marines battalions landed at Da Nang on March 8 and 9 to strengthen the defense of that vital air base.” 2 Tuy nhiên, như chúng ta sẽ thấy, ông đã có gửi một số công điện về Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để báo cáo chi tiết vể việc này . Tuớng Westmoreland thì có viết hồi ký, đề tựa là A Soldier reports. Trong hồi ký này, Tuớng Westmoreland có ghi lại khá nhiều chi tiết về biến cố này tại các trang 123-125. Chúng ta sẽ lần luợt sử dụng các tài liệu này để đánh giá thông tin về biến cố này trong cuốn sách của tác giả Bùi Diễm.
Truớc hết là cuốn hồi ký của Tuớng Westmoreland. Truớc khi đề cập đến biến cố này, Tuớng Westmoreland có nói đến tình hình suy sụp về quân sự tại VNCH khiến cho ông đã có bản tuờng trình rất bi quan cho rằng Việt Công sẽ chiếm đuợc Miền Nam trong vòng một năm; nguyên văn nhu sau: “I expressed concern “that we are headed toward a VC takeover of the country,” probably within a year.” 3 Về biến cố này, ông cho biết ngay từ đầu tháng 2-1965, phó tuớng của ông là Trung Tuớng John L. Throckmorton, sau khi đi thị sát tình hình bố phòng của đơn vị QLVNCH có nhiệm vụ bảo vệ phi truờng Đà Nẵng, đã tỏ ra lo ngại và đề nghị nên tăng cuờng ngay việc bảo vệ phi truờng này bằng một lữ đoàn TQLC Hoa Kỳ (gồm 3 tiểu đoàn và các đơn vị yểm trợ). Ông đồng ý với sự lo ngại này nhưng chỉ khuyến cáo bố trí hai tiểu đoàn mà thôi. Đề nghị của ông đuợc sự đồng ý của Đô Đốc Ulysses S. G. Sharp, Tổng Tư Lệnh Lực Luợng Hoa Kỳ Tại Thái Bình Duong (CINCPAC = Commander-In-Chief, Pacific) và sau đó đuợc Chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận vào ngày 26-2-1965. Chính phủ Quát đồng thuận một cách dễ dàng (tuy nhiên ông không nói rõ thời điểm của sự đồng thuận này). Nguyên văn Anh ngữ trong cuốn hồi ký này như sau: “Returning from an inspection of ARVN security arrangements at Danang in early February 1965, my deputy, Johnny Throckmorton, was concerned and recommended bringing in immediately an entire Marine Expeditionary Brigade of three infantry battalions with artillery and logistics support. While sharing Throckmorton's sense of urgency, I nevertheless hoped to keep the number of U.S. ground troops to a minimum and recommended instead landing only two battalions and holding the third aboard ship off shore. ... Admiral Sharp at CINCPAC agreed with my two-battalion proposal, deeming it “an act of prudence which we should take before and not after another tragedy occurs.” Washington on February 26 approved it, subject to South Vietnamese concurrence. The Quat government gave that readily.” 4
Tài liệu kế tiếp là một công điện mật của Toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn gửi về Bộ Ngoại Giao, đề ngày 1-3-1965. Trong công điện này, Đai sứ Taylor cho biết ông và Phó Đại sứ Johnson đã đến gặp Thủ Tuớng Quát sáng hôm đó. Tại cuộc gặp gở này, sau khi thảo luận về Chiến dịch Rolling Thunder,5 ông đã đề nghị việc đổ bộ hai tiểu đoàn TQLC Hoa Kỳ vào Đà Nẵng và Thủ Tuớng Quát đã chấp nhận ngay đề nghị này. Thủ Tuớng Quát chỉ bày tỏ sự lo ngại về mối quan hệ giữa dân chúng chung quanh căn cứ Đà Nẵng với lính Mỹ mà thôi. Về điểm này, Đại sứ Taylor cho biết có thể thu xếp dễ dàng, và ông cũng xin Thủ Tuớng Quát cho phép ông cử Tuớng Westmoreland liên lạc với hai tuớng Thiệu và Minh để bàn về chi tiết. Thủ Tuớng Quát đồng ý ngay và cho biết ông sẽ thông báo ngay cho hai tuớng Thiệu và Minh biết về đề nghị này. Nguyên văn Anh ngữ của công điện như sau: “Alex Johnson and I called on Quat this morning primarily to discuss Rolling Thunder and the introduction of Marines into Danang. On the first point, as indicated in Reference A, Quat concurred in the revised mission and the updated press release... I then took up the matter of introducing the two Marines BLT's for the security of Danang airbase. Quat agreed readily to the proposal and expressed concern only about relations between the US military personnel and the civilian population around the base. I told him I did not believe that matter would be difficult to work out and asked his permission to have Westmoreland contact general Thieu and Minh to work out all details. He agreed to this suggestion and indicated his intention to apprise Thieu and Minh at once of the proposal.” 6
Tài liệu kế tiếp cũng là một công điện mật của Toà Đại sứ Hoa Kỳ gửi về Bộ Ngoại Giao, đề ngày 2-3-1965. Trong công điện này, Đại sứ Taylor cho biết Tuớng Westmoreland vừa kể lại buổi họp của ông ta với các Tuớng Thiệu và Minh về vấn đề đổ bộ TQLC vào Đà Nẵng. Tuớng Westmoreland hiện đang trên đuờng ra Đà Nẵng để thảo luận với Tuớng Thi theo yêu cầu của hai Tuớng Thiệu và Minh, và Tuớng Depuy, J-3, Tuớng Thang (?), cùng với một đại diện của lữ đoàn TQLC cũng sẽ ra Đà Nẵng sau đó để soạn thảo kế hoạch chi tiết. Nguyên văn Anh ngữ nhu sau: General Westmoreland has just described his meeting (reported separately) with Generals Thieu and Minh on the subject of the introduction of Marines into Danang. He is now leaving for Danang in order to discuss the matter with General Thi at the request of Thieu and Minh and General DePuy, J-3 General Thang and a representative of the MEB will go there shortly to work out detailed plans.” 7
Dựa vào các tài liệu vừa duyệt qua bên trên, chúng ta có thể khẳng định là việc đổ bộ hai tiểu đoàn TQLC Hoa Kỳ vào Đà Nẵng ngày 8-3-1965 dứt khoát không thể là một biến cố quá đột ngột và Chánh phủ Phan Huy Quát không biết gì cả nên không có sự chuẩn bị để đối phó với biến cố như đã ghi trong cuốn hồi ký của tác giả Bùi Diễm đuợc. Biến cố này rõ ràng đã đuợc các giới chức Hoa Kỳ là Đại sứ Taylor và Tuớng Westmoreland, Tư Lệnh MACV, báo truớc đúng 1 tuần lễ với các giới chức của VNCH là Thủ Tuớng Phan Huy Quát, Phó Thủ Tuớng kiêm Tổng Truởng Quân Lực Trung Tuớng Nguyễn Văn Thiệu, Trung Tuớng Trần Văn Minh, Tổng Tư Lệnh QLVNCH, và Thiếu Tuớng Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Vùng I. Tất cả các giới chức VNCH đều đồng thuận một cách nhanh chóng. Việc đón tiếp lữ đoàn TQLC tại Đà Nẵng đã được chính quyền địa phuong tổ chức với các thiếu nữ xinh đẹp mang vòng hoa để trao tặng cho binh sĩ Hoa Kỳ. Và chính Thiếu Tuớng Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Vùng I, mà Bộ Tư Lệnh đặt tại Đa Nẵng, cũng có mặt để chào đón Chuẩn Tuớng Frederick J. Karch, Tư Lệnh lữ đoàn TQLC Hoa Kỳ. Như vậy, tại sao tác giả Bùi Diễm lại ghi lại như thế trong cuốn hồi ký của ông. Chúng ta phải lấy công tâm mà nhận xét rằng ông không có động cơ nào để tránh né, không nói sự thật cả. Vậy thì chỉ có một cách giải thích duy nhứt có thể chấp nhận đuợc là quả thật, mặc dù là Bộ Truởng Tại Phủ Thủ Tuớng, ông đã không đuợc Thủ Tuớng Quát báo cho biết truớc về biến cố này vì một lý do nào đó. Lý do đó chỉ có thể là vì Thủ Tuớng Quát không cho rằng đây là một biến cố vô cùng quan trọng về chính trị cần phải thông báo cho Bộ Truởng Phủ Thủ Tuớng để đưa vào chương trình nghị sự sẽ đuợc thảo luận và thông qua tại một phiên họp của hội đồng nội các Thủ Tuớng Quát chỉ nhìn biến cố như một vấn đề thuần túy quân sự nên chỉ cần thông báo cho các Tuớng Thiệu và Minh mà thôi. Và sự thật lịch sử quả nhiên rất gần với cách giải thích này.
Trong cuốn hồi ký của mình, ông Diễm có ghi lại phần tiếp của câu chuyện về biến cố này. Sau khi soạn thảo xong Thông Cáo Chung về việc này và ông Manfull đã ra về, ông mới đuợc Thủ Tướng Quát kể lại cho ông nghe về cuộc họp với Đại sứ Taylor nhiều ngày truớc đó (chắc chắn là cuộc họp vào ngày 1-3-1965 giữa Thủ Tuớng Quát với Đại sứ Taylor và Phó Đại sứ Johnson như phần trên chúng ta đã thấy). Nhưng theo Thủ Tuớng Quát thì đó chỉ là một cuộc “trao đổi ý kiến” rất tổng quát về vấn đề tăng cuờng việc phòng thủ của Miền Nam và qua đó Đại sứ Taylor có đề cập vấn đề đem TQLC vào. Thủ Tuớng Quát cũng cho biết là ngay khi đó ông đã nói cho Đại sứ Taylor biết là ông rất ngần ngại truớc việc “Mỹ Hóa” cuộc chiến tranh tại Việt Nam vì ông biết là Đại sứ Taylor cũng không thích chủ trương đem quân tác chiến Mỹ vào Việt Nam.
Truớc lời giải thích như thế của Thủ Tuớng Quát, ông Diễm đã hỏi thế tại sao lại có chuyện đổ quân đột ngột như vậy. Thủ Tuớng Quát cho biết ông nghĩ rằng chính Tuớng Taylor cũng bị bất ngờ vì quyết định quá nhanh của Chính phủ Mỹ. Và vì vậy khi nói chuyện với ông Quát sáng hôm đó [ngày 8-3-1965] Đại sứ Taylor đã cố gắng trình bày việc này như là một biện pháp thuần túy quân sự để đối phó với tình hình an ninh xấu chung quanh căn cứ.
Nguyên văn Anh ngữ trong cuốn hồi ký của Đại sứ Bùi Diễm nhu sau: “...But as soon as the American diplomat left, I got back to the point with Quat. He told me several days earlier he and Ambassador Taylor had had an “exchange of ideas” about the need to reinforce South Vietnam's defenses. As part of this exchange, which Quat had considered no more than an initial, general discussion, Taylor had broached the subject of bringing in the marines. Quat had then told Taylor he was reluctant to see an “Americanization” of the war. Although he had not requested American troops, Quat told me, neither had he explicitly opposed the idea. For his part, Taylor, as Quat put it, “had shared many of my views on the matter.” When I asked Dr. Quat why we faced this sudden development, he answered, “I think Taylor himself was taken by surprise by a quick decision from Washington. This morning he tried to present it to me as a strictly military move that had to be taken because conditions were bad around the base.” 8
Lời giải thích trên đây của tác giả Bùi Diễm xác định một điều quan trọng mà chúng ta đã biết và đưa ra hai điều mới mà chúng ta cần phải tìm hiểu thêm. Điều quan trọng đuợc xác định là quả thật đã có buổi họp giữa Thủ Tướng Quát và Đại sứ Taylor và trong buổi họp đó Đại sứ Taylor đã có đề cập đến việc đưa Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ vào Đà Nẵng.
Hai điều mới là:
1) Thủ Tuớng Quát có phần dè dặt, e ngại về việc Hoa Kỳ đưa quân tham chiến vào Việt Nam và Đại sứ Taylor cũng chia sẻ quan điểm này với Thủ Tuớng Quát; và,
2) Việc đưa các tiểu đoàn TQLC Hoa Kỳ vào Đà Nẵng đã đuợc quyết định rất nhanh tại Washington và Đại sứ Taylor cũng tương đối bị bất ngờ. Chúng ta hãy lần luợt tìm hiều thêm về hai điều này.
Về phần 1 của điều thứ nhứt, tức là sự dè dặt, e ngại của Thủ Tuớng Quát đối với việc Hoa Kỳ đưa quân tham chiến vào Việt Nam, chúng ta không có cách nào kiểm chứng đuợc vì Thủ Tuớng Quát đã qua đời và không có viết hồi ký. Nhưng chúng ta có thể kiểm chứng đuợc phần 2 của điều thứ nhứt. Và quả thật, như chúng ta sẽ thấy, Đại sứ Taylor có cùng quan điểm với Thủ Tướng Quát trong việc này.
Ngay từ truớc khi các phi vụ oanh tạc liên tục Bắc Việt (Chiến dịch Rolling Thunder) đuợc bắt đầu thi hành từ ngày 2-3-1965, vấn đề tăng cuờng hệ thống phòng thủ cho phi truờng Đà Nẵng đã đuợc đặt ra. Ngày 11-2-1965, Bộ Tham Muu Liên Quân (JCS: Joint Chiefs of Staff; cơ quan chỉ huy tối cao của quân đội Hoa Kỳ, gồm 4 vị Tham Mưu Trưởng của 4 quân chủng là Lục Quân, Hải Quân, Không Quân và Thùy Quân Lục Chiến, mà nguời đứng đầu – đuợcTổng Thống bổ nhiệm, luân phiên giữa các các vị Tham Mưu Trưởng của các quân chủng – là cố vấn chính về quân sự cho Tổng Thống) đã có khuyến cáo nên đưa một lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ (gồm 3 tiểu đoàn với các đơn vị yểm trợ, tất cả khoảng 5000 binh sĩ) đến Đà Nẵng. Nhưng ngày 22-2-1965, Tuớng Westmoreland chỉ xin đổ bộ 2 tiểu đoàn thôi, giữ lại một tiểu đoàn trên hạm đội ngoài khơi làm trừ bị. Đuợc tin này, Đại sứ Taylor phản đối ngay trong một công điện gửi về Washington cùng ngày 22-2-1965, với nội dung như sau:
“As I analyze the pros and cons of placing any considerable number of Marines in Danang area beyond those presently assigned, I develop grave reservations as to wisdom and necessity of so doing. Such action would be step in reversing long standing policy of avoiding commitment of ground combat forces in SVN. Once this policy is breached, it will be very difficult to hold line. If Danang needs better protection, so do Bien Hoa, Tan Son Nhut, Nha Trang and other key base areas... White-faced soldier armed, equipped and trained as he is not suitable guerrilla fighter for Asia forests and jungles. French tried to adapt their forces to this mission and failed. I doubt that US forces could do much better. Furthermore, we would have vastly complicating factor of not running war and hence problem of arranging satisfactory command relationships with our Vietnamese allies. Finally, there would be ever present question of how foreign soldier could distinguish between a VC and friendly Vietnamese farmer. When I view this array of difficulties, I am convinced that we should adhere to our past policy of keeping our ground forces our of direct counterinsurgency role.” 9
Tuy nhiên, đối với đề nghị cụ thể của Tuớng Westmoreland, Đại sứ Taylor không bác bỏ hoàn toàn, mà đề nghị chỉ đổ bộ 1 tiểu đoàn thôi, và chỉ với nhiệm vụ duy nhứt là bảo vệ an ninh cho phi truờng Đà Nẵng mà thôi. Tuớng Westmoreland cũng đồng tình với đề nghị thay đổi này của Đại sứ Taylor, với điều kiện phần quân số còn lại sẽ đổ bộ sau. Tuớng Tổng Tư Lệnh Lực Luợng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương (CINCPAC = Commander-In-Chief Pacific, lúc đó là Đô Đốc Ulysses S. G. Sharp) không đồng ý với đề nghị của Đại sứ Taylor và giữ nguyên đề nghị của Tuớng Westmoreland.
Về điều thứ nhì, tức là việc Washington quyết định nhanh về việc đổ bộ TQLC Hoa Kỳ vào Đà Nẵng và Đại sứ Taylor cũng tương đối bị bất ngờ, thì chúng ta cần phải duyệt lại diễn tiến của việc này để có thể nắm được phần nào sự thật lịch sử của câu chuyện.
- Đầu tháng 2-1965: Tướng Throckmorton, Tư Lệnh Phó MACV, sau khi thị sát hệ thống phòng thủ của phi trường Đà Nẵng, đề nghị đổ bộ 1 lữ đoàn TQLC (1 MEB = Marine Expeditiionary Brigade, gồm 3 tiểu đoàn TQLC với các đơn vị yểm trợ, gồm tất cả khoảng 5000 quân)
- Ngày 11-2-1965: JCS cũng đề nghị đổ bộ 1 MEB
- Ngày 22-2-1965: Tướng Westmoreland, Tư Lệnh MACV, đề nghị chỉ đổ bộ 2 tiểu đoàn thôi, giữ lại 1 tiểu đoàn làm trừ bị
- Ngày 22-2-1965: Đại sứ Taylor phản đối việc mang quân bộ chiến Hoa Kỳ vào Việt Nam, nhưng vẩn đồng ý với yêu cầu của Tướng Westmoreland, nhưng đề nghị chỉ đổ bộ 1 tiểu đoàn thôi.
- Ngày 24-2-1965: CINCPAC bác bỏ đề nghị của Đại sứ Taylor và giữ nguyên đề nghị của Tướng Westmoreland
- Ngày 26-2-1965, từ 7:05 đến 9:50 tối: Tổng Thống Lyndon B. Johnson họp với Bộ Trưởng Ngoại Giao Dean Rusk, Thứ Trưởng Ngoại Giao George Ball, Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert S. McNamara, và Cố Vấn An Ninh Quốc Gia McGeorge Bundy và chấp thuận đề nghị của Tướng Westmoreland (“On February 26, ... , President Johnson met from 7:05 p.m. to 9:50 p.m. with Rusk, McNamara, Ball and McGeorge Bundy and appoved Westmoreland’s request for the deployment of two Marine battalion landing teams to Danang.”) 10
- Ngày 27-2, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ gửi công điện cho Đại sứ Taylor để thông báo về việc đổ bộ TQLC và yêu cầu ông tìm sự đồng thuận của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (“On 27 February (26 February, Washington time), the Department of State cabled Ambassador Taylor that the Marines were to be landed and that he was to secure approval from the Government of Vietnam for this eventuality.”) 11
- Những ngày sau đó, Đại sứ Taylor đã liên tiếp gặp Thủ Tướng Quát vào ngày 28 (như chúng ta đã thấy bên trên), và hôm sau, ngày 1-3, Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trường Quân Lực Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu và Tổng Tư Lệnh QLVNCH Trung Tướng Trần Minh Minh (Minh nhỏ) để bàn về việc đổ bộ lữ đoàn TQLC Hoa Kỳ này. (On the afternoon of the 28th, Ambassador Taylor met with Vietnamese Prime Minister Phan Huy Quát to discuss with him the proposed American landing. The following day, 1 March, the Ambassador met with the Minister of the Vietnamese Armed Forces, General Nguyen Van Thieu and the Vietnamese Chairman of the Vietnamese Joint General Satff, General Tran Van Minh (“Little Minh”) to discuss the details of the deployment of the 9th MEB) 12
- Ngày hôm sau, 2-3, Đại sứ Taylor báo cáo về Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ các diễn tiến kế tiếp của việc chuẩn bị vụ đổ bộ lữ đoàn TQLC Hoa Kỳ (vụ Tướng Westmoreland đi gặp các Tướng Thiệu và Minh và bay ra Đà Nẳng để gặp Tướng Thi như chúng ta đã thấy bên trên); cũng chính trong công điện này Đại sứ Taylor đã đề nghị hai điều sau đây:
1) Một thời khóa biểu cụ thể cho việc đổ bộ lữ đoàn TQLC Hoa Kỳ như sau:
a) Nếu mọi công tác ngày hôm nay (tức là ngày 2-3) của Tướng Westmoreland diễn ra tốt đẹp thì hôm sau (tức là ngày 3-3) ông sẽ đi gặp Thủ Tướng Quát cùng 2 Tướng Thiệu và Minh một lần nữa để tổng kết, nắm chắc là tất cả mọi người đều hiểu rõ về công việc sắp xảy ra cũng như đồng thuận về ngày giờ của việc đổ bộ và việc công bố một thông cáo báo chí; b) thông cáo báo chí sẽ công bố vào lúc 5 giờ chiều giờ địa phương ngày 3-3; và
c) cuộc đổ bộ của lữ đoàn TQLC Hoa Kỳ sẽ bắt đầu vào sáng sớm ngày 4-3. Thời gian từ lúc công bố thông cáo báo chí đến lúc bắt đầu cuộc đổ bộ vừa đủ cho chính quyền VNCH giải thích với dân chúng, đặc biệt là dân chúng Đà Nẵng, và không kịp để Việt Cộng có thể tổ chức biểu tình phản đối.
2) Một thông cáo báo chí với nội dung như sau: “Sau cuộc tham khảo giữa hai Chính phủ Nam Việt Nam và Hoa Kỳ về việc tăng cường các biện pháp cần thiết để hỗ trợ Việt Nam chống lại cuộc tấn công từ Hà Nội, theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ đã đồng ý trú đóng hai tiểu đoàn TQLC trong khu vực Đà Nẵng để tăng cường an ninh chung cho căn cứ không quân Đà Nẵng. Các đơn vị TQLC Hoa Kỳ sẽ trú đóng tại Đà Nẵng cho đến khi có thể được thay thế bởi các lực lượng quân sự của Nam Việt Nam.” (…Assuming that all goes well in the conferences today, I would seek a wrap-up meeting tomorrow with Quat along with Thieu and Minh. The purpose of this meeting would be to assure complete understanding by all parties of what is about to take place and obtain agreement as to timing of landing and issuance of a press statement. On the latter two points, we would propose a press statement at 1700 local March 3 and initiation of the Marine landing at about daylight March 4. This spacing of the announcement and the landing is for the purpose of restricting the time available to the VC to organize any demonstrations against the landing and still to allow some time for an explanation to the Vietnamese public, particularly in Danang, of what is about to take place…. With regard to a joint press release, the following is submitted for approval: “After consultation between the Governments of South Vietnam and the United States on additional measures necessary to support the Vietnamese resistance to aggression from Hanoi, the United States Government has agreed to the request of the Government of Vietnam to station two United States Marine Corps battalion landing teams in the Danand area with the mission of strengthening the general security of the Danang air base complex. The Marine units will remain in Danang until such time as they can be relieved by South Vietnamese military forces.”) 13
- Theo kế hoạch do Đại sứ Taylor đề nghị vừa trình bày thì việc đổ bộ lữ đoàn TQLC Hoa Kỳ phải diễn ra vào sáng sớm ngày 4-3 nhưng trên thực tế việc đổ bộ xảy ra vào sáng sớm ngày 8-3. Tại sao có sự thay đổi như thế? Lý do là vì trong buổi họp ngày 1-3 giữa Đại sứ Taylor và 2 Tướng Thiệu và Minh, 2 vị tướng Việt Nam, mặc dù không phản đối đề nghị đưa quân tác chiến của Mỹ vào, nhưng có yêu cầu là việc đưa quân Mỹ vào nên được thực hiện một cách càng ít lộ liễu càng tốt (…The two Vietnamese officers posed no objections to the proposed commitment of American combat troops. They did, however, express concern about the reaction of the Vietnamese population and requested that the American forces be brought into Da Nang “in the most inconspicuous way feasible.”) 14 Chính vì yêu cầu này nên ngày 3-3 Thứ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ John T. McNaughton đã có gửi công điện cho Đại sứ Taylor đề nghị nên không vận Lữ Đoàn 173 Nhảy Dù của Lục Quân Hoa Kỳ từ Okinawa thay vì đổ bộ lữ đoàn TQLC như đã dự tính. Lý do: không vận một lữ đoàn khinh binh nhảy dù vào phi trường Đà Nẵng sẽ “êm ả” hơn rất nhiều so với việc đổ bộ lên bãi biển Đà Nẵng của một lữ đoàn TQLC với chiến xa, xe lội nước và các vũ khí nặng khác cùng với sự hiện hiện của cả một tiểu hạm đội các tàu đổ bộ. Tướng Westmoreland và Đại sứ Taylor không đồng ý. Đô Đốc Sharp, CINCPAC, cũng phản đối và yêu cầu giữ nguyên kế hoạch đổ bộ lữ đoàn TQLC đã chuẩn bị.
Ngày 7-3, JCS chuẩn nhận khuyến cáo của Đô Đốc Sharp và gởi công điện chỉ thị đổ bộ ngay lữ đoàn TQLC. Cuộc đổ bộ bắt đầu vào 9 giờ sang ngày hôm sau, 8-3-1965.
(…Evidently, this “inconspicuous way” statement had some effect on U.S. officials in Washington. On 3 March, Ambassador Taylor received a message from Assistant Secretary of Defense John T. McNaughton stating that it was desirable to deploy the Army’s 173d Airborne Brigade by air from Okinawa instead of the 9th MEB. Some Washington planners obviously believed that the light infantry of an airborne brigade landing at Da Nang airfield would be a “quieter arrival” than the more formidable appearance of a Marine brigade with its tanks, amphibian tractors, and other heavy weapons arriving in an armada of amphibious ships. General Westmoreland, supported by the American Ambassador, immediately objected to the proposed change….Admiral Sharp, Commander in Chief, Pacific, cabled the JCS: “…I recommend the MEB be landed at Da Nang as previously planned.” The objections to the MEB landing were overruled and on 7 March 1965 (6 March 1965, Washington time) the JCS sent the long-awaited signal to land the 9th MEB at once with two of its three BLTs.”) 15
Như chúng ta vừa duyệt lại toàn bộ diễn tiến của việc đổ bộ lữ đoàn TQLC Hoa Kỳ vào Đà Nẵng, chúng ta đã có thể thấy rõ là hoàn toàn không có việc “Washington quyết định nhanh và Đại sứ Taylor cũng có phần bị bất ngờ” như trong cuốn hồi ký của tác giả Bùi Diễm khi ông thuật lại câu trả lời của Thủ Tướng Phan Huy Quát vào buổi sáng ngày 8-3-1965. Mọi việc đã diễn ra một cách trật tự, có kế hoạch rõ ràng với sự tham gia rất tích cực của Đại sứ Taylor và còn có phần nào chậm hơn dự tính của Đại sứ Taylor. Như đã trình bày bên trên, chúng ta tin rằng tác giả Bùi Diễm không có động cơ nào khiến cho ông phải che giấu, không nói sự thật. Về phần Thủ Tướng Phan Huy Quát thì cũng không có lý do gì khiến ông phải che giấu, không nói sự thật với người cộng tác gần gũi và thân tín nhứt của ông là tác giả Bùi Diễm, lúc đó đang giữ chức vụ Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng trong Nội các của ông. Chúng ta có thể tin rằng câu trả lời của Thủ Tướng Phan Huy Quát cho câu hỏi của ông Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng Bùi Diễm là ông nói thật, đúng như ông nghĩ và tin. Như vậy sự thật là như thế nào?
Dựa trên nội dung của công điện mà Đại sứ Taylor gửi về cho Bộ Ngoại Giao, đề ngày 2-3-1965, đã nêu bên trên, trong đó ông đề nghị một thời khóa biểu cho việc đổ bộ cũng như dự thảo cho một bảng thông cáo báo chí, chúng ta có thể nhận ra hai điều như sau:
- Ông dự định gặp lại Thủ Tướng Quát và hai Tướng Thiệu và Minh vào ngày hôm sau, tức là ngày 3-3-1965, để tổng kết tình hình, và đề nghị công bố bảng thông cáo báo chí vào lúc 5 giờ chiều cùng ngày và lữ đoàn TQLC sẽ đổ bộ vào sáng sớm ngày hôm sau nữa, tức là ngày 4-3-1965.
- Trong dự thảo của bảng thông cáo báo chí mà ông đề nghị Bộ Ngoai Giao xét để chấp thuận, ông ghi là việc đổ quân vào Đà Nẵng này là do yêu cầu của Chính phủ Việt Nam.
Cuộc họp với Thủ Tướng Quát mà Đại sứ Taylor dự định đã không diễn ra được vì ngay ngày hôm đó, ngày 3-3, ông nhận được công điện của Thứ Trưởng Quốc Phòng McNaughton đề nghị thay thế lữ đoàn TQLC bằng Lữ Đoàn 173 Nhảy Dù. Ông và Tướng Westmoreland đều không đồng ý với đề nghị thay đổi này và cả 2 ông phải phản ứng ngay như chúng ta đã thấy bên trên. Phải mất mấy ngày thì việc này mới giải quyết xong ớ cấp cao và ngày 7-3 JCS mới có thể gửi công điện bật đèn xanh cho cuộc đổ bộ, chậm hơn thời điểm mà ông đề nghị mất 3 ngày. Công điện của JCS ghi rõ là phài thực hiện cuộc đổ bộ ngay lập tức (at once). Tuy nhiên khi Chuẩn Tường Karch, Tư Lệnh 9th MEB, nhận được công điện nầy là giữa khuya nên cuộc đổ bộ đã không thể thực hiện ngay lập tức được như lệnh trong công điện mà phải chờ đến sáng hôm sau, tức là ngày 8-3. Rất có thể là Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn cũng nhận được công điện này vào giữa khuya của ngày 7-3 nên Đại sứ Taylor chỉ có thể báo tin cho Thủ Tướng Quát vào sáng sớm ngày 8-3 như tác giả Bùi Diễm đã thuật lại trong cuốn hồi ký của ông.
Việc đưa lữ đoàn TQLC Hoa Kỳ này vào Đà Nẵng đã được thực hiện như sau:
- Đổ bộ Tiểu Đoàn 3 của 9th MEB, mà Tiểu Đoàn Trưởng là Trung Tá Charles E. McPartlin, Jr., lên bãi Red Beach 2 (code-name dành cho bãi biển Mỹ Khê của Đà Nẵng), phía Bắc của phi trường Đà Nẵng và phía Tây của thành phố Đà Nẵng, bắt đầu từ lúc 9 sáng ngày 8-3-1965
- Không vận Tiểu Đoàn 1 của 9th MEB, mà Tiểu Đoàn Trưởng là Trung Tá Herbert J. Bain, từ Okinawa (Nhật Bản) đến phi trường Đà Nẵng, bắt đầu từ 1 giờ trưa ngày 8-3-1965
Bản đồ khu vực Đà Nẵng.
Trên thực tế, từ cuối tháng 2-1965, lữ đoàn TQLC này đã nhận được lệnh chuẩn bị và tập dượt cho cuộc đổ bộ này. Bản thân Chuẩn Tướng Karch, Tư Lệnh lữ đoàn và bộ tham mưu của ông, đã đến Sài gòn vào ngày 25-2 để gặp Tướng Westmoreland, Tư Lệnh MACV, và hai ngày sau đó, tức là ngày 27-2, đã ra Đà Nẳng để gặp Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Vùng I của QLVNCH, để bàn về cuộc đổ bộ. (“General Karch and members of his staff once more visited General Westmoreland on 25 February to discuss plans for a Marine landing at Da Nang. The MEB commander left Saigon two days later for Da Nang where he coordinated his plans with the South Vietnamese I Corps Commander, Major General Nguyen Chanh Thi, the virtual warlord of South Vietnam’s five northern provinces.”) 16
Căn cứ trên các chứng cớ vừa kể trên, chúng ta có thể khẳng định điều sau đây: Hoa Kỳ đã hoàn toàn đơn phương quyết định về việc đổ bộ lữ đoàn TQLC này vào Đà Nẵng và sau đó mới thông báo cho Thủ Tướng Phan Huy Quát. Do đó, việc Đại sứ Taylor ghi vào trong bản dự thảo của thông cáo báo chí cái câu “việc đổ quân vào Dà Nẵng này là do yêu cầu của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa” là hoàn toàn không đúng sự thật lịch sử.
Thay Lời Kết
Việc Lữ Đoàn 9th MEB của TQLC Hoa Kỳ đổ bộ vào Đà Nẵng ngày 8-3-1965 là một sự kiện về chính trị và quân sự rất quan trong trong lịch sử của Chiến Tranh Việt Nam vì nó đánh dấu việc Hoa Kỳ quyết định đưa quân bộ chiến (ground combat troops) vào Việt Nam, thật sự bắt đầu việc leo thang trong cuộc chiến này. Việc này hoàn toàn do Hoa Kỳ đơn phương quyết định rồi mới thông báo cho Chính phủ VNCH do Bác sĩ Phan Huy Quát làm Thủ Tướng. Thủ Tướng Quát, chắc chắn do cách thông báo của Đại sứ Hoa Kỳ Maxwell Taylor, chỉ nhìn sự việc này như một sự kiện thuần túy quân sự nhằm hỗ trợ cho một chính sách quân sự đã được hai chính phủ Mỹ-Việt thông qua từ trước: đó là Chiến dịch Rolling Thunder của Hoa Kỳ nhằm oanh tạc liên tục Miền Bắc bằng phi cơ xuất phát từ các hàng không mẫu hạm ngoài khơi Biển Đông và các căn cứ không quân trong nội địa mà phi trường Đà Nẵng là căn cứ quan trọng nhứt. Thông cáo báo chí chung của hai chính phủ Việt-Mỹ cho biết nhiệm vụ duy nhứt của lữ đoàn TQLC chỉ là để tăng cường việc bảo vệ an ninh cho phi trường Đà Nẵng. Ba tháng sau, Chính phủ Phan Huy Quát từ nhiệm, và Nội các Chiến tranh do Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ lãnh đạo ra đời. Hoa Kỳ ồ ạt đổ quân bộ chiến vào VNCH. Đến cuối năm 1965, tổng số quân của Hoa Kỳ tại VNCH đã lên đến trên 184,000 người.17
Ghi Chú:
1. Bùi Diễm with David Chanoff. In the jaws of history ; foreword by Jane Hamilton-Merritt. Bloomington: Indiana University Press, 1999. Tr. 131.
2. Taylor, Maxwell D. Swords and plowshares. New York: W.W. Norton, 1972. Tr. 337-338.
3. Westmoreland, William C. A soldier reports ; new foreword by the author. New York: Da Capo Press, 1989. Tr. 122.
4. Westmoreland, sđd, tr. 123.
5. Rolling Thunder là bí danh (code name) đặt cho chiến dịch của quân lực Hoa Kỳ nhằm oanh tạc liên tục Miền Bắc Việt Nam bằng phi cơ xuất phát từ các hàng không mẫu hạm ngoài khơi Biển Đông và từ các căn cứ không quân trong đất liền mà căn cứ Đà Nẵng lá quan trọng nhứt.
6. Alex Johnson and Ambassador Taylor call on Prime Minister Quat to discuss Rolling Thunder and the introduction of Marines into Danang, trong cơ sở dữ liệu Declassified Documents Reference System (DDRS). Tài liệu này là một công điện loại Tối Mật (Top Secret) của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn gửi về Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, đề ngày 1-3-1965, giải mật ngày 5-6-1985, gồm 2 tr.
7. Ambassador Taylor proposes sequence of events for timing of landing of two Marines Corps Battalions in the Danang area, trong cơ sở dữ liệu DDRS. Tài liệu này là một công điện loại Tối Mật (Top Secret) của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn gửi về Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, đề ngày 2-3-1956, giải mật ngày 6-5-1985, gồm 2 tr. Tướng DePuy đề cập đến trong công điện là Chuẩn Tướng William E. DePuy, lúc đó là J-3 (tức Trưởng Ban 3, Hành Quân) của MACV. Người được ghi là General Thang có thể là tên bị viết sai của Thiếu Tướng Lê Nguyên Khang, Tư Lệnh TQLC của QLVNCH. MEB là chữ viết tắt cho Marine Expeditionary Brigade.
8. Bùi Diễm, sđd, tr. 132.
9. Gibbons, William Conrad. The U.S. Government and the Vietnam War: executive and legislative roles and relationships. Part III: January – July 1965. Princeton, N.J.: Princeton University Press, 1989. Tr. 122.
10. Gibbons, sách vừa dẫn ngay bên trên, tr. 123.
11. Shulimson, Jack và Charles M. Johnson. U.S. Marines in Vietnam: the landing and the buildup 1965. Washington, D.C.: U.S. Marines Corps, History and Musuems Division, 1978. Tr. 9. (Tài liệu này hiện nay có thể được truy dụng toàn văn trực tuyến tại địa chỉ Internet sau đây: https://ehistory.osu.edu/books/1965)
12. Shulimson, sách vừa dẫn bên trên, cùng tr. 9. Ghi chú thêm của tác giả: Các ngày ghi trong tài liệu này sai biệt đi 1 ngày (chậm hơn 1 ngày) so với các ngày ghi trong các công điện của Tòa Đại sứ Hòa Kỳ tại Sài gòn gửi về Bộ Ngoại Giao trích dẫn ở các ghi chú số 6 và số 7 bên trên; lỳ do có thể là tải liệu này sử dụng các ngày ờ Washington vốn đi sau Sài gòn 1 ngày.
13. Ambassador Taylor proposes sequence of events…, tài liệu đã dẫn bên trên.
14. Shulimson, sđd, tr. 9.
15. Shulimson, sđd, tr. 9.
16. Shulimson, sđd, tr. 9.
17. Con số chính xác là 184, 314 ghi nhận trong 1965 in the Vietnam War (trong Wikipedia), tài liệu điện tử trực tuyến có thể truy cập tại địa chỉ sau đây:
https://en.wikipedia.org/wiki/1965_in_the_Vietnam_War
Lâm Vĩnh Thế
SOURCE:
No comments:
Post a Comment