Thursday, July 20, 2023

Trần Gia Phụng - Hiệp định Genève (20-7-1954) không đề cập đến tổng tuyển cử

 

XIN BẤM VÀO LINK DƯỚI ĐÂY ĐỂ ĐỌC LẠI 16 BÀI VỀ ĐỀ TÀI "HIỆP ĐỊNH GENEVE":

https://mauaotran.blogspot.com/search/label/Hi%E1%BB%87p%20%C4%91%E1%BB%8Bnh%20Geneve%201954 



Trần Gia Phụng - Hiệp định Genève (20-7-1954) không đề cập đến tổng tuyển cử

30/7/2018

Cập nhật 20/7/2023

Quang cảnh một phiên họp tại Hội Nghị Geneva, 1954.

 

Vừa qua, trong kỳ thi Trung học Phổ thông ở trong nước, điểm thi môn lịch sử thấp hơn bao gờ cả. Lý do đơn giản là vì học sinh không thích học môn lịch sử nên không thuộc lịch sử và điểm thi môn lịch sử bị thấp. Hiện nay, học sinh trong nước không thích học môn lịch sử vì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam (CSVN) dùng môn lịch sử để tuyên truyền cho chế độ, sửa đổi, bóp méo lịch sử để phục vụ chính trị, phục vụ đảng CS, nên học sinh chán học môn lịch sử của CS.

Một ví dụ đơn giản là gần đây, những tiến sĩ, phó tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư đại học, là những người có học vị và học hàm cao cấp của CS về lịch sử, đã tuân lệnh đảng CS, bịa đặt chuyện hiệp định Genève (20-7-1954) quy định việc tổng tuyển cử, để vu cáo rằng chính phủ Quốc Gia Việt Nam (QGVN), đổi thành Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) năm 1955, ở Nam Việt Nam (NVN), vi phạm hiệp định Genève và biện minh cho chế độ CS Bắc Việt Nam (BVN) tức Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH), về việc động binh gây chiến năm 1954.

 

1. HAI BỘ SỬ CỦA CSVN VỀ HIỆP ĐỊNH GENÈVE

Bộ sách Lịch sử Việt Nam gồm 15 tập, với 5,580 trang, viết từ thời cổ sử đến năm 2000, do nhiều tiến sĩ trong nước phụ trách soạn thảo và do tiến sĩ Trần Đức Cường làm tổng chủ biên. Bộ sách được giải nhứt “Giải vàng sách hay” năm 2015 của Hội Xuất Bản Việt Nam. Giải được phát vào năm 2016 và bộ sách được giới thiệu rầm rộ năm 2017. Đây là bộ thông sử quan trọng nhứt của cộng sản Việt Nam (CSVN) từ trước đến nay, với một ban biên soạn hùng hậu gồm nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và phó tiến sĩ CS.

Trong bộ nầy, tập 11, viết về giai đoạn từ năm 1951 đến 1954 do phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Văn Nhật chủ biên, với tiến sĩ Đỗ Thị Nguyệt Quang và PGS.TS Đinh Quang Hải cùng soạn thảo. Vào gần cuối sách, trang 438, mục “Nội dung của Hiệp định Giơnevơ”, mở đầu bằng đoạn: “Hiệp định Giơnevơ gồm các văn bản chủ yếu sau: Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơnevơ, Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Lào và Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Cao Miên. ‘Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơnevơ’ là văn bản quan trọng nhất của Hiệp định, nội dung tuyên bố gồm 13 điều, tóm tắt như sau …” (Người viết in đậm)

Theo các vị tiến sĩ nầy, tại hội nghị Genève, Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève được xem là văn bản quan trọng nhứt của hiệp định, và như thế thì Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được xem là văn bản phụ. Cách đánh giá nầy xem ra có vẻ lạ lùng, cần xem xét lại.

Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết ngày 20-7-1954, có chữ ký của đại diện bảy (7) phái đoàn Pháp, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) tức Việt Minh, Anh, Liên Xô, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (CHNDTH) tức Trung Cộng, Lào, Cambodge (Cambodia). Đại diện chính phủ Quốc Gia Việt Nam (QGVN) và đại diện chính phủ Hoa Kỳ không ký vào bản hiệp định nầy.

Trong khi đó, bản “Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève 1954 về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương” được bàn luận và soạn thảo ngày hôm sau, tức ngày 21-7-1954 khi những người tham dự họp bàn thêm mà thôi. Đặc biệt, bản tuyên bố nầy không có chữ ký của tất cả các phái đoàn tham dự. Khi chủ tịch phiên họp là Anthony Eden (ngoại trưởng Anh) hỏi từng phái đoàn, thì bảy phái đoàn là Anh, Pháp, Liên Xô, CHNDTH, VNDCCH, Lào và Cambodge trả lời miệng rằng “đồng ý”. (Hoàng Cơ Thụy, Việt sử khảo luận, cuốn 5, Paris: Nxb. Nam Á 2002, tr. 2642.) Tất cả bảy phái đoàn đều trả lời miệng, chứ không có phái đoàn nào ký tên vào bản tuyên bố, nghĩa là bản tuyên bố không có chữ ký.

Đây chỉ là lời tuyên bố (déclaration) của những phái đoàn, có tính cách đề nghị hay kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử trong tương lai ở Việt Nam, không có phái đoàn nào ký tên cả. Bản tuyên bố không có chữ ký thì chỉ có tính cách gợi ý, dự kiến, đề nghị chứ không có tính cách cưỡng hành nghĩa là bắt buộc phải thi hành như một hiệp định. Một văn kiện quốc tế không có chữ ký thì làm sao có giá trị và có thể bắt buộc các đương cuộc phải thi hành?

Người đọc chỉ cần xem một văn kiện có chữ ký và một văn kiện không có chữ ký, thì biết ngay văn kiện nào là chính, văn kiện nào là phụ. Vì vậy, bản hiệp định có chữ ký chắc chắn phải là văn kiện chính so với một bản tuyên bố không có chữ ký. Các tác giả soạn sách nầy đều là giáo sư tiến sĩ, biết rõ văn bản nào quan trọng hơn, nhưng lại cố tình đưa bản “Tuyên bố cuối cùng…” là chính, còn hiệp định là phụ.

Qua tập 12 của bộ thông sử nầy, viết về giai đoạn từ năm 1954 đến 1965 do phó giáo sư tiến sĩ Trần Đức Cường chủ biên, với sự hợp tác của TS Nguyễn Hữu Đạo, TS Lưu Thị Tuyết Vân, trong mục “Đấu tranh chính trị, giữ gìn và phát triển lực lượng cách mạng”, trang 214, các tác giả đã buộc tội Hoa Kỳ và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), thay thế chính phủ QGVN từ năm 1955, như sau: “Nhưng như đã trình bày, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã phá hoại một cách có hệ thống Hiệp định Giơnevơ. Họ tăng cường xây dựng quân đội, cự tuyệt các quan hệ với miền Bắc và xé bỏ những điều khoản về Hiệp định về việc hiệp thương và tổ chức tổng quyển cử thống nhất đất nước…”

Các vị tiến sĩ nầy đã hùng hổ buộc tội Mỹ và chính phủ VNCH. nhưng các ông làm lơ không đưa ra chứng minh cụ thể là Mỹ và VNCH đã vi phạm hay phá hoại điều nào, xé bỏ khoản nào trong hiệp định Genève 20-7-1954, và các tác giả cũng không phân biệt mà lại cố tình đồng hóa, lẫn lộn giữa hiệp định Genève (20-7-1954) và Bản tuyên bố cuối cùng của hội nghị Genève ngày 21-71954.

Hai tập 11 và 12 do các tác giả khác nhau viết, nhưng rõ ràng nhận định và lập trường các tác giả cả hai tập hoàn toàn giống nhau nghĩa là Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam là văn bản phụ, còn bản “Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève 1954 về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương” là văn bản chính, quan trọng hơn

Gần như đồng thời với bộ thông sử Lịch sử Việt Nam trên đây, là sách Tổ chức, hoạt động của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam qua tài liệu,tư liệu lưu trữ (1960-1975), dày 552 trang, soạn giả là Nguyễn Thị Thiêm, Trần Thị Vui, Lê Vị đều thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước – Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, một đơn vị rất chuyên môn về sử học, nơi lưu trữ hồ sơ, tài liệu sử học. Sách còn được biên soạn, dưới sự cố vấn khoa học của PGS.TS. Hà Minh Hồng, và do Nxb. Tổng Hợp Tp. Hồ Chí Minh, phát hành đầu năm 2016.

Về hiệp định Genève, ở trang 18, các soạn giả nầy viết: “Theo điều 7 của Hiệp định [Genève], con đường để củng cố hòa bình, thống nhất đất nước sẽ “thực hiện tổng tuyển cử tự do bằng bầu phiếu kín”. Các cuộc tổng tuyển cử sẽ tổ chức vào tháng 7-1956 dưới sự kiểm soát của một ban quốc tế gồm đại biểu những nước có chân trong ban giám sát và kiểm soát quốc tế đã nói trong Hiệp định. Kể từ ngày 20-7-1955, những nhà đương cục có thẩm quyền trong hai vùng sẽ có những cuộc hiệp thương về vấn đề đó”. (Người viết in đậm)

Khác với những tác giả viết bộ thông sử Lịch sử Việt Nam, các soạn giả sách nầy tráo đổi điều 7 của Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam gọi tắt là hiệp định Genève ngày 20-7-1954 với điều 7 của bản “Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève 1954 về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương” ngày 21-7-1954 không có ai ký.

Cũng như các tác giả bộ thông sử Lịch sử Việt Nam tập 11 và tập 12, các tác giả sách về Mặt trận miền Nam dư trình độ để biết rõ nội dung hai văn bản trên đây khác nhau, nhưng lại tráo đổi điều 7 của hai văn bản nầy, chắc chắn phải có dụng ý. Để thấy rõ sự tráo đổi nầy, xin đi vào nội dung đích thực của điều 7 hiệp định Geneve.

 

2. NỘI DUNG ĐÍCH THỰC CỦA ĐIỀU 7 HIỆP ĐỊNH GENÈVE

Hiệp định Genève ngày 20-7-1954 được viết bằng hai thứ tiếng Việt và Pháp. Để người đọc dễ theo dõi, sau đây xin trích dẫn nguyên văn điều 7 của hiệp định Genève bằng tiếng Việt: “Không người nào, quân đội hay dân sự, sẽ được cho phép vào khu phi quân sự ngoại trừ người liên quan tới với sự hướng dẫn của ban quản lí (ban hành chính) và cứu tế dân sự, và người đặc biệt được quyền vào bởi Uỷ ban Liên hợp”.

Để đối chiếu, xin trích dẫn tiếp điều 7 của hiệp định Genève bằng tiếng Pháp:

 “Aucune personne, militaire ou civile, ne pourra pénétrer dans la zone démilitarisée, à l’exception des personnes responsables de l’administration civile et de l’organisation des secours, ainsi que des personnes expressément autorisées à y pénétrer par la Commission mixte. ” 

(Vào Google, chữ khóa: Accords sur la cessation des hostilités en Indochine (Genève, 20-21 juillet 1954) Texte.)

Trong khi đó, điều 7 của bản “Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève 1954 về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương” cũng được viết bằng hai thứ tiếng Việt và Pháp. Bản tiếng Việt nguyên văn như sau: “Hội nghị tuyên bố rằng đối với Việt Nam, việc giải quyết các vấn đề chính trị thực hiện trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, sẽ phải làm cho nhân dân Việt Nam được hưởng những sự tự do căn bản, bảo đảm bởi những tổ chức dân chủ thành lập sau tổng tuyển cử tự do và bỏ phiếu kín. Để cho việc lập lại hòa bình tiến triển đến mức cần thiết cho nhân dân Việt Nam có thể tự do bày tỏ ý nguyện, cuộc Tổng tuyển cử sẽ tổ chức vào tháng 7-1956 dưới sự kiểm soát của một Ban Quốc tế gồm đại biểu những nước có chân trong Ban Giám sát và Kiểm soát Quốc tế đã nói trong Hiệp định đình chỉ chiến sự. Kể từ ngày 20-7-1955 những nhà đương cục có thẩm quyền trong hai vùng sẽ có những cuộc gặp gỡ để thương lượng về vấn đề đó”. (Thế Nguyên, Diễm Châu, Đoàn Tường, Đông Dương 1945-1973, Sài Gòn: Trình Bày, 1973, tr. 53.)

Điều 7 của bản “Tuyên bố cuối cùng…” bằng tiếng Pháp như sau: 

“La Conférence déclare qu’en ce qui concerne le Vietnam, le règlement des problèmes politiques, mis en œuvre sur la base du respect des principes de l’indépendance, de l’unité et de l’intégrité territoriales, devra permettre au peuple vietnamien de jouir des libertés fondamentales, garanties par des institutions démocratiques formées à la suite d’élections générales libres au scrutin secret. Afin que le rétablissement de la paix ait fait des progrès suffisants et que soient réunies toutes les conditions nécessaires pour permettre la libre expression de la volonté nationale, les élections générales auront lieu en juillet 1956, sous le contrôle d’une commission internationale composée de représentants des Etats membres de la Commission internationale pour la surveillance et le contrôle visée à l’accord sur la cessation des hostilités. Des consultations auront lieu à ce sujet entre les autorités représentatives compétentes des deux zones à partir du 20 juillet 1955”. (Vào Google, chữ khóa: Déclaration finale en date du 21 juillet 1954, de la Conférence de Genève sur le problème du rétablissement de la paix en Indochine.)

Phân biệt điều 7 của Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam ngày 20-7-1954 với điều 7 của bản “Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève 1954 về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương” đồng ý bằng miệng ngày 21-7-1954, rõ ràng hoàn toàn khác nhau cả về nội dung lẫn tính chất.

Các tác giả soạn sử của CS, kể cả những giáo sư, tiến sĩ sử học, chắc chắn đủ trình độ để biết nội dung đích thực của hai điều 7 trong hai văn bản của hội nghị Genève, nhưng cố tình tráo đổi vị trí và từ đó tráo đổi cả ý nghĩa của các điều khoản trong Hiệp định đình chỉ chiến sự và trong “Bản tuyên bố cuối cùng”, nhằm mục đích cáo buộc chính phủ VNCH vi phạn hiệp định Genève, trong khi chính đảng Lao Động tức đảng Cộng Sản và nhà nướcVNDCCH đã vi phạm hiệp định từ khi hiệp định chưa được ký kết và cả sau khi hiệp định được ký kết.

 

3. CỘNG SẢN BẮC VIỆT NAM VI PHẠM HIỆP ĐỊNH GENÈVE

Trước khi hiệp định Genève được ký kết ngày 20-7-1954, Hồ Chí Minh họp với Chu Ân Lai ở Liễu Châu (Liuzhou) thuộc tỉnh Quảng Tây (Kwangsi), Trung Hoa từ ngày 3 đến ngày 5-7-1954, đưa ra kế hoạch là sẽ chỉ rút những người làm công tác chính trị bị lộ diện; phần còn lại thì ở lại để chờ đợi thời cơ nổi dậy. (Tiền Giang, Chu Ân Lai dữ Nhật-Nội-Ngõa hội nghị [Chu Ân Lai và hội nghị Genève] Bắc Kinh: Trung Cộng đảng sử xuất bản xã, 2005, bản dịch của Dương Danh Dy, tựa đề là “Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954, chương 27 “Hội nghị Liễu Châu then chốt”. Nguồn: Internet).

Sau khi hiệp định Genève được ký kết ngày 20-7-1954, trong khi lực lượng QGVN lo rút hết quân về Nam vĩ tuyến 17, thì CS chôn giấu võ khí, lưu 10.000 cán bộ, đảng viên ở lại, và còn gài những cán bộ lãnh đạo cao cấp ở lại Nam Việt Nam như Lê Duẩn, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm… (Huy Đức, Bên thắng cuộc, tập I: Giải phóng, New York: Osinbook, 2012, tt. 271-273), để chỉ huy Trung ương cục miền Nam. Trung ương cục miền Nam được thành lập ngày 20-1-1951, chỉ huy toàn bộ hệ thống CS ở Nam VN. (Tháng 10-1954, TƯCMN đổi thành Xứ ủy Nam Bộ. Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương đảng (khóa III) đảng LĐ (ngày 23-1-1961) ở Hà Nội, Xứ ủy Nam Bộ trở lại thành TƯCMN.)

Như thế chính đảng Lao Động và nhà nước VNDCCH vi phạm hiệp định Genève, mà các tác giả CS, kể cả các tiến sĩ, giáo sư phó giáo sư, trắng trợn thay trắng đổi đen, bóp méo lịch sử, nhằm phục vụ chủ trương chính tị của chế độ CS, viết sai sự thật lịch sử để vu cáo và buộc tội chính phủ VNCH vi phạm hiệp định Genève và biện minh cho lý do CS Bắc Việt Nam động binh tấn công Nam Việt Nam.

Sự thật là hiệp định Genève ngày 20-7-1954 chỉ là một hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, thuần túy có tính cách quân sự, mà không đề cập đến việc tổng tuyển cử. Điều nầy chỉ được đề nghị tại bản “Tuyên bố cuối cùng …” ngày 21-7-1954, không có chữ ký và không bắt buộc thi hành, nên Quốc Gia Việt Nam, đổi thành Việt Nam Cộng Hòa năm 1955, không cần thi hành và không vi phạm hiệp định Genève.

 

KẾT LUẬN

Vấn đề điều 7 của hiệp định Genève và điều 7 của bản “Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève 1954 về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương” quá rõ ràng và đơn giản, nhưng các tiến sĩ soạn giả của hai cơ quan chuyên nghiên cứu sử trình bày lẫn lộn không phải vì không biết, mà chắc chắn các ông nầy viết theo lệnh của đảng CSVN, phục vụ nhu cầu chính trị của đảng CSVN, giành lấy chính nghĩa cho nhà nước CS Bắc Việt Nam, trong khi nhà nước nầy chính là kẻ hiếu chiến, gây hấn và xâm lăng.

Ví dụ trên đây đơn giản, nhưng quan trọng ở chỗ đưa đến những nhận thức sai về nguyên nhân chiến tranh, về bản chất các chế độ liên hệ trong cuộc chiến, và còn cho thấy các bộ sử do các tác giả CS biên soạn, dầu học vị tiến sĩ, phó tiến sĩ, học hàm giáo sư, phó giáo sư về sử học, không đáng tin cậy. Như thế làm sao các anh chị em thanh niên, sinh viên học sinh trong nước có thể tin tưởng để học sử? Vì vậy, không lấy làm lạ điểm thi môn sử trong các kỳ thi Trung học ở trong nước càng ngày càng thấp.

Điều lạ là tại sao các giáo sư tiến sĩ CS, chữ nghĩa đầy mình, biết rõ sự thật lịch sử, mà vẫn cam tâm cúi đầu vâng phục chế độ CS, sửa đổi lịch sử theo chủ trương của đảng CS. Điều nầy chứng minh cụ thể câu nói của tiến sĩ Angela Dorothea Markel, thủ tướng Cộng Hòa Liên Bang Đức phát biểu tại Berlin, ngày 07-05-2009: “Chủ nghĩa cộng sản đã tạo nên những con người đối trá”.

SOURCE:

https://baotiengdan.com/2018/07/30

 

No comments:

Post a Comment