Trong mấy cuốn sách và bài viết gần đây về các nhân vật lịch sử Việt Nam như Hồ Chí Minh hay Ngô Đình Diệm, chúng tôi thường yêu cầu đặt cuộc chiến Việt Nam vào trong bối cảnh chiến tranh ý thức hệ. Chúng tôi cũng đã từng phê bình một vài học giả hay sử gia như giáo sư Hoàng Xuân Hãn[1] và ông Lê Xuân Khoa[2] là đã không đặt cuộc chiến Việt Nam vào trong bối cảnh chiến tranh ý thức hệ toàn cầu của Cộng Sản. Bởi vì nếu không đặt cuộc chiến Việt Nam vào trong bối cảnh chiến tranh ý thức hệ toàn cầu thì sẽ không hiểu được nguồn gốc và tính chất phức tạp của cuộc chiến Việt Nam và sẽ không thể nào đánh giá đúng mức về hai nhân vật lịch sử nói trên. Một sử gia có tham vọng viết sử toàn bộ cuộc chiến Việt Nam, hay chỉ có một mục đích nhận định về một biến cố hay nhân vật lịch sử Việt Nam cận đại sẽ rất dễ bị nhầm lẫn, lệch lạc, nếu không xét đến toàn bộ cuộc chiến ý thức hệ Cộng Sản toàn cầu.
Nhưng chúng tôi chưa có dịp định nghĩa và giải thích một cách rõ ràng thế nào là chiến tranh ý thức hệ.[3] Với bài này, chúng tôi sẽ cố gắng làm việc đó một cách tóm lược tối đa, trong đầu vẫn nghĩ rằng phần đông bạn đọc không còn lạ gì những khái niệm về đấu tranh giai cấp, giá trị lao động và giá trị thặng dư, về duy vật biện chứng, duy vật sử quan, cách mạng bạo lực, chuyên chính vô sản, và thế giới đại đồng v.v… mà chúng tôi đã có dịp trình bày qua trong mấy cuốn sách trước. Cho nên tôi sẽ không trở lại những vấn đề lý thuyết khô khan, cũ rích nói trên nữa. Xin độc giả hãy coi đây là những tư kiến của người viết về khái niệm chiến tranh ý thức hệ. Tuyệt nhiên không phải là một bản tường trình đầy đủ về cuộc chiến tranh ấy. Vì đó phải là một bộ lịch sử nhiều tập.
Nhắc lại cuộc chiến đẫm máu suốt trong ba chục năm, nhiều người đã than, đây là một thảm họa của dân tộc, “bị xâu xé bởi hai ý thức hệ ngoại lai”. Nói vậy tức gián tiếp cho rằng phía Cộng thì chiến đấu vì ý thức hệ Cộng Sản. Còn phía Quốc Gia thì chiến đấu cho một ý thức hệ ngoại lai nào đó, mà có thể hiểu đó là ý thức hệ Tư Bản. Những người nói như vậy thường là lớp trẻ, hay những người tự cho mình đứng ngoài và trên hai phe Quốc Cộng trong cuộc chiến 30 năm, và họ tự phụ rằng chỉ họ mới có chính nghĩa, mặc dù nhiều người trong số họ chẳng bao giờ tranh đấu cho một lý tưởng hay chính nghĩa nào.
Riêng tôi không coi tư bản là một ý thức hệ. Càng không cho rằng phía người Việt Quốc Gia chống Cộng vì ý thức hệ tư bản. Theo từ điển nguyên tự thì ngay từ capitalism chỉ xuất hiện lần đầu vào năm 1856, nghĩa là 8 năm sau khi có Tuyên Ngôn Cộng Sản. Các cha đẻ của kinh tế thị trường tự do, đặc tính của nền “kinh tế tư bản”, như Adam Smith (1723-1790), David Ricardo (1772-1823) chưa bao giờ dùng từ capitalism để nói về mô thức kinh tế mà họ trình bày. Vì chính các ông cũng chỉ nói về một lề lối điều hành nền kinh tế tự do theo luật cung cầu, luật tự nhiên. Họ chưa hề đưa ra một ý thức hệ tư bản nào cả, mặc dầu Adam Smith, ngoài tư cách kinh tế gia, còn là một triết gia.
Nhưng chủ trương kinh tế chỉ huy của Mác thì rõ ràng nằm trong ý thức hệ Mác-xít bao gồm nhiều lãnh vực tư tưởng triết học, xã hội học, khoa học tự nhiên v.v… Ông cố gắng gom tất cả thành một hệ thống. Cũng chính vì ý thức hệ Mác-xít nên mới nảy sinh từ capitalism. Theo Duy Vật Lịch Sử của Mác thì lúc ấy “chủ nghĩa tư bản đang giẫy chết.” Từ đó nhiều người không theo CS cũng bắt chước dùng từ “chủ nghĩa tư bản” một cách máy móc.
Chúng tôi luôn cho rằng cuộc chiến Việt Nam là một bộ phận nhỏ của cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu bắt nguồn từ ý thức hệ Mác-xít..
Bài này gồm 5 phần: định nghĩa, 3 giai đoạn, 3 đặc tính, một định đề, và 2 yêu cầu.
Phần I:
Định nghĩa chiến tranh ý thức hệ: Chiến tranh ý thức hệ là cuộc chiến do, vì, cho và bằng một ý thức hệ.
1.1 Chiến tranh ý thức hệ là cuộc chiến do (hay bắt nguồn từ) một ý thức hệ. Đó là ý thức hệ Cộng Sản.[4] Nó là nguồn gốc chiến tranh ý thức hệ.
Tại sao lại bảo ý thức hệ Mác-xít là nguồn gốc của chiến tranh ý thức hệ? Trước hết, vì nó chủ trương đấu tranh giai cấp, hô hào, cổ võ giai cấp vô sản đấu tranh nhằm tiêu diệt giai cấp tư sản và các giai cấp khác, hòng đưa vô sản lên nắm quyền chuyên chính, độc tài tuyệt đối. Ý niệm đấu tranh là nguyên nhân và khởi điểm của chiến tranh. Thứ đến, vì nó tuyên chiến với toàn thể nhân loại bằng tuyên ngôn cộng sản, trong đó đòi hủy bỏ quyền tư hữu là cội nguồn mọi quyền tự do căn bản của Con Người. Trong khi Mác coi quyền tư hữu là nguồn gốc của tư bản và vì nó mà nảy sinh sự tích lũy tư bản bằng cách bóc lột sức lao động của giai cấp công nhân, thì trong thực tế và từ nguyên nhân chính, quyền tư hữu lại là nguồn gốc mọi quyền con người, không phân biệt tư sản hay vô sản.
1.2 Chiến tranh ý thức hệ là cuộc chiến vì ý thức hệ Mác-xít.
Các người Cộng Sản, khối cộng toàn thế giới thường trực ở trong tình trạng chiến tranh toàn diện để truyền bá ý thức hệ này bằng mọi cách. Thế giới tự do không thể không chiến đấu bằng nhiều hình thức khác nhau để tự vệ. Như vậy hệ tư tưởng Mác-xít chính là lý do có chiến tranh ý thức hệ. Để tự vệ và bảo vệ quyền tư hữu, nhân loại không có còn đường nào khác hơn là phải chống lại ý thức hệ đó. Bắt đầu là một cuộc chiến tư tưởng.[5] Rồi từ sau thế chiến II là cuộc chiến toàn diện toàn cầu bằng đủ mọi hình thức. Lác đác ở một vài nơi trên hành tinh còn có cả tiếng súng, tiếng bom. Như chúng tôi được biết, thì có ít nhất 8 nhân vật uy tín thuộc nhiều lãnh vực khác nhau đã gọi đó là thế chiến III.[6]
Vì có ý thức hệ Cộng Sản nên thế giới tự do thấy có bổn phận tham chiến không phải bằng một ý thức hệ nào khác. Mà vì một lý tưởng. Phân tích từ ngữ gốc La-tinh như các tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, và cả tiếng Anh, tiếng Pháp, thì chữ “ý thức hệ” (ideologie) bắt nguồn từ chữ idea (idée) là ý hay ý niệm. Thì chữ lý tưởng (ideal) cũng bắt nguồn từ chữ idea (idée). Lý tưởng là một ý tưởng cao cả, phục vụ một mục đích cao cả. Lý tưởng của thế giới tự do trong mục đích tự vệ chống lại ý thức hệ Cộng Sản là gì? Đó là lý tưởng tự do dân chủ, hòa bình công lý, hòa hợp hòa giải, thịnh vượng, phú cường… Tất cả những gì tốt đẹp nhất cho Con Người, cho dân tộc, cho nhân loại.
1.3 Chiến tranh ý thức hệ Cộng Sản là cuộc chiến cho ý thức hệ Mác-xít.
Mác chủ trương phá bỏ quyền tư hữu, chủ trương đấu tranh giai cấp, chủ trương cách mạng bạo lực… nhằm mục đích gì? Nhằm mục đích đưa giai cấp vô sản lên nắm quyền chuyên chính tuyệt đối, biến xã hội loài người thành một thiên đường (sic) ở trần gian, trong đó không còn giai cấp, không cần chính phủ, hay nhà nước. Thế giới sẽ là thế giới đại đồng. Chính cái thiên đường ở trần gian đó, trong đó mỗi người làm tùy sức mà được hưởng tùy theo nhu cầu (Nhị Các = các tận sở năng, các thủ sở nhu), nghĩa là nói một cách nôm na, muốn gì được nấy. Đấy là cùng đích, là cứu cánh của cuộc chiến ý thức hệ mà Mác chủ trương. Vì cái cứu cánh “cao cả” đó các người Cộng Sản tự cho mình có quyền dùng tất cả mọi phương tiện, bất kể phương tiện nào, dù chính đáng hay không, để tiến hành cuộc chiến ý thức hệ. Đối với họ “cứu cánh biện minh cho phương tiện.”
1.4 Chiến tranh ý thức hệ là cuộc chiến bằng ý thức hệ.
Vế thứ 4 trong định nghĩa này (bằng ý thức hệ) nói lên phương tiện, vũ khí mà khối cộng dùng để tiến hành cuộc chiến tranh chống nhân loại. Nói một cách cụ thể, chính chủ nghĩa Cộng Sản, hay ý thức hệ Cộng Sản đã được dùng làm phương tiện đấu tranh. Nghĩa là các cán bộ Cộng Sản luôn dùng những điều “tốt đẹp, tiến bộ, khoa học” (sic) của thuyết Cộng Sản để chiêu dụ chẳng những giai cấp vô sản, giới nghèo trong cộng đồng nhân loại, mà chiêu dụ tất cả mọi người đi theo họ. Mà quả thật trong một thời gian khá dài không thiếu những nhà trí thức, đại trí thức bị lầm hay bị lừa đi theo, ca tụng, cổ võ cho thuyết Mác-xít. Nhiều nhà duy vật còn cho rằng loài người đã từ lâu bị xiềng xích của tôn giáo kìm hãm, không tiến lên được. Nay thuyết cộng sản chủ trương vô thần, coi tôn giáo là thuốc phiện. Vậy thuyết đó đã giải phóng con người. Duy vật biện chứng của Mác cho nhiều người được tự do tuyệt đối không còn bị ràng buộc bởi sợi dây “luân lý đạo đức cổ hủ” nào. Thay vào đó chỉ có “đạo đức cách mạng” hướng dẫn sinh hoạt xã hội. Thậm chí có người còn dám nghĩ, tất cả mọi sự đều là của chung, thì vợ anh cũng là vợ tôi.
Vô tôn giáo, vô gia đình đi liền với vô tổ quốc. Vì theo ý thức hệ Mác-xít, trong tương lai, khi đã toàn thắng trên toàn cầu, thế giới đại đồng sẽ không cần chính phủ, nhà nước, không còn biên giới quốc gia nữa.
Dĩ nhiên không phải ai cũng tán thành một thế giới đại đồng kiểu đó. Và không thiếu triết gia, các nhà xã hội học lên tiếng phản bác thuyết duy vật vô thần. Nhưng phải công nhận, trong nhiều thập niên, nó đã được nhiều người tán thành, cổ võ, quảng bá. Điều được tán thành hoan nghênh nhất trong học thuyết của Mác là tính xã hội của nó: Mác bênh dân nghèo! Mác kêu gọi vô sản (giai cấp bị bóc lột) toàn thế giới hãy đoàn kết chống tư bản (giai cấp bóc lột).
Nhưng, với tư cách là phương tiện hay vũ khí, ý thức hệ Cộng Sản chỉ là một mặt của chiến tranh ý thức hệ. Mặt khác mà chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là ý thức hệ nói chung chứ không phải một ý thức hệ cụ thể nào. Ý thức hệ được hiểu một cách chung chung là một hệ thống các ý tưởng. Nhưng trong trường hợp này, vũ khí hay phương tiện chiến tranh ý thức hệ còn có thể là một chuỗi các ý tưởng, dù có thành hệ thống hay không. Tuyên truyền chính trị hay vận động quần chúng chính là một thứ vũ khí chủ soái sử dụng các ý tưởng để đấu tranh hay tiến hành chiến tranh. Tuyên truyền hiểu theo nghĩa rộng nhất còn bao gồm chiến tranh tâm lý, chiến tranh cân não với mưu trí không giới hạn của các chiến lược gia.
Để tóm tắt phần I vào một câu, ta có thể nói: Ý thức hệ CS chẳng những là nguồn gốc, nguyên nhân đồng thời là cứu cánh của chiến tranh ý thức hệ, mà còn là phương tiện, là vũ khí dùng trong cuộc chiến.
READ FULL ARTICLE:
https://docs.google.com/document/d/1pHuso5ffPTR3o8fWMkVCuvtodAJ8vWGJ/edit?pli=1
.
No comments:
Post a Comment