Vô cùng tiếc thương tưởng nhớ đến Trung Úy Phạm Công Đức Đại Đội Trưởng Đại Đội 2 Tiểu Đoàn 6 TQLC cùng tất cả quân nhân các cấp đã anh dũng hy sinh tại chiến trường bên bờ phía Bắc Sông Thạch Hãn.
Nguyện cầu anh linh tất cả Chiến Hữu Đại Đội 2 Tiểu Đoàn 6 Thần Ưng được yên nghĩ nơi cõi vĩnh hằng.
Chân thành cám ơn MX Nguyễn Văn Hai Đại Đội Phó ĐĐ4 / Đại Đội Trưởng Đại Đội 2 Tiểu Đoàn 6 TQLC.
MX Đoàn Tử Sanh Trung Đội Trưởng Trung Đội 2 Đại Đội 2 TĐ6 TQLC đã cho tôi chi tiết của trận đánh này.
Lời thưa mở đầu:
Kính thưa Quý NT, CH,
Đã gần 50 năm rồi!
Thân xác của các chiến hữu thuộc Đại Đội 2 Tiểu Đoàn 6 đã hy sinh trong cuộc hành quân vượt sông tiến chiếm phía Bắc Sông Thạch Hãn không biết vùi dập nơi nào trong vùng đất do địch chiếm đóng!
Bao mùa mưa, nắng trôi qua, hình hài của những người lính bất hạnh trôi dạt về đâu? Lùm cây, bụi cỏ hay vùi lấp một nơi nào đó trong vùng đất khô cằn, sỏi đá!
Biết bao chiến hữu khác trên đường triệt thoái về lại bờ Nam sông Thạch Hãn đã bị địch quân truy sát, bị pháo kích, bắn chết giữa dòng sông.
Xác trôi về Sông Vĩnh Định. Có bao nhiêu xác người may mắn được người dân tìm thấy đắp cho nấm mộ vô danh!
QUÂN LỆNH NHƯ NÚI
Trời đã vào đông, mùa đông vùng địa đầu giới tuyến với những cơn mưa phùn và gió lạnh buốt da.
Đại Đội C Viễn Thám của Trung Úy Nguyễn Tấn Lực chịu trách nhiệm đưa những toán viễn thám sang bờ bên kia sông Thạch Hãn làm đầu cầu để các đại đội của Tiểu Đoàn 6 vượt sông và từ đó tiến chiếm mục tiêu ấn định trong phóng đồ hành quân.
Bên kia sông là vùng đất địch. Trận chiến này cũng giống như Tiểu Đoàn 1 Quái Điểu đổ bộ vào Triệu Phong, nhảy vào lòng địch trong thời gian tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị.
Một Lệnh Hành Quân mà người thì hành chỉ còn biết cầu nguyện xin ơn trên che chở để được bình an trở về!
Khoảng 10 giờ đêm, Trung uý Nguyễn Văn Hai Đại Đội Phó Đại Đội 4 Tiểu Đoàn 6 đưa hai trung đội vượt sông tiến chiếm bờ phía Bắc Sông Thạch Hãn.
Toàn bộ Đại Đội 4 Tiểu Đoàn 6 do Đại uý Trần Văn Tài chỉ huy đã qua hết sông, thiết lập tuyến phòng thủ, không có đụng độ với địch quân.
Trung uý Phạm Công Đức Đại Đội Trưởng Đại Đội 2 đưa đại đội nối tiếp vượt sông khi gặp Đại Đội 4 bên kia sông sẽ tiến chiếm đầu cầu Sông Thạch Hãn.
Hướng tiến về mục tiêu địa thế quá trống trải. Đại đội phải áp dụng bò hỏa lực để tiến sát đến mục tiêu. Vừa rời bờ sông khoảng 100 thước thì chạm địch.
Quân địch rất đông, trực xạ bằng đủ loại vũ khí. Súng cối địch tập trung pháo như chơi thảy lỗ!
Biết đã lọt vào trận địa địch đã dàn sẵn trên một địa thế hoàn toàn bất lợi cho mình, các chiến sĩ Thần Ưng vừa chống trả vừa nhanh chóng đào hố cá nhân tử chiến cùng địch quân.
Địch ồ ạt tấn công, súng cối rót vào đại đội không ngưng nghĩ. Đại đội thương vong khá nhiều, pháo binh từ xa kéo lại gần vẫn không ngăn được những đợt tấn công của địch.
Quần thảo với quân địch từ 1 giờ sáng cho đến khoảng 4 giờ chiều.Thiếu Úy Đoàn Tử Sanh Trung Đội Trưởng Trung Đội 2 không còn liên lạc được với đại đội trưởng và các trung đội khác đã gọi máy về tiểu đoàn xin pháo binh bắn gần lại cách tuyến phòng thủ khoảng 50 mét để ngay sau đó triệt thoái về Sông Thạch Hãn.
Vượt qua bên kia sông là sinh lộ!
Địch đuổi cùng, giết tận. Trả thù ngày nào chúng tử thủ Cổ Thành bị các chiến sĩ Thần Ưng tiêu diệt.
Khoảng cách hai bờ sông lúc này sao xa quá. Địch đã bám sát nên khoảng cách tác xạ quá gần. Chúng bắn hạ mình quá dễ dàng, pháo địch đã điều chỉnh rơi ngay giữa sông. Biết bao nhiêu chiến sĩ của ta gục ngã giữa dòng sông oan nghiệt này!
Thoát về được vùng an toàn, kiểm điểm lại Đại Đội 2 còn lại 22 người gồm 2 sĩ quan, 2 hạ sĩ quan và 18 binh sĩ.
Thiếu úy Đoàn Tử Sanh xác nhận trên đường triệt thoái đến sông Thạch Hãn nhìn thấy Trung úy Đức đã chết trong hố cá nhân ngay trận địa chứ không phải giữa dòng Thạch Hãn như nghe nói trước kia.
Thiếu uý Thanh Đại Đội Phó bị thương nặng sau cũng hy sinh.
Thưa Quý NT, CH,
Đại đội còn lại 22 người với 2 sĩ quan (Thiếu úy Sanh và Thiếu úy Sơn ) 2 hạ sĩ quan và 18 binh sĩ. Số sĩ quan, hạ sĩ quan, bình sĩ lớp chết tại trận địa, lớp bị bắn gục giữa dòng sông tổng số hơn 120 người.
Có ai còn may mắn sống sót, bị bắt làm tù binh để được trao trả sau Hiệp Định Paris?
Tử chiến với quân địch hơn 12 tiếng đồng hồ không có phi cơ yểm trợ, chỉ có pháo binh cơ hữu, hy sinh gần hết đại đội, chỉ còn lại duy nhất 2 sĩ quan trung đội trưởng thì trận chiến phải ác liệt đến mức nào?
Nhưng từ đó cho đến nay trận chiến đã bị lãng quên, không được nhắc tới?!
Tôi còn nhớ ngày hôm ấy khi đại đội của tôi trên đường di chuyển đến phòng tuyến Gia Đẵng thi được tin Trung úy Đức hy sinh khi Tiểu Đoàn 6 vượt Sông Thạch Hãn tiến chiếm mục tiêu.
Tôi lặng người, bàng hoàng bởi vì sau tái chiếm Thị Xã và Cổ Thành Quảng Trị, địch quân chưa thực hiện được bất cứ cuộc đánh phá nào!
Các Tiểu Đoàn TQLC tương đối thảnh thơi, tập trung tu bổ hệ thống phòng thủ.
Tôi cố tìm hiểu thêm chi tiết nhưng cũng chỉ biết đến bao nhiêu đó!
Thương nhớ, đau xót bạn bè nằm xuống nhưng chiến chinh, bình lửa vẫn còn. Vẫn miệt mài ngày đêm đối diện quân thù.
Người lính TQLC vẫn tiếp tục hy sinh để giữ vững phần đất mà chiến hữu của mình đã đổ xương máu giành lại từ tay kẻ thù.
Năm mươi năm sau bỗng dưng được tin thân nhân của Trung úy Đức muốn biết tung tích.
Tôi cố gắng tìm kiếm bất cứ Chiến Hữu Thần Ưng nào đã tham dự trận đánh lúc đó bởi vì tôi biết các vị tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn phó, đại đội trưởng hầu hết đã ra đi!
May thay tôi liên lạc được Đại úy Nguyễn Văn Hai đang định cư ờ Vancouver Canada lúc đó là Trung úy Đại Đội Phó Đại Đội 4 TĐ 6. Sau khi Trung úy Đức hy sinh thì nắm giữ chức vụ Đại Đội Trưởng Đại Đội 2.
Trung uý Đoàn Tử Sanh là Trung Đội Trưởng Trung Đội 2 Đại Đội 2, một trong 2 sĩ quan may mắn thoát hiểm trở về hiện cư ngụ ở Dallas, Texas kể lại những diễn tiến của cuộc hành quân vượt Sông Thạch Hãn năm ấy.
Tôi nói chuyện với Cháu Phương Anh hiện ở VN, là con gái của người em trai thứ chín gọi Trung úy Đức là bác hai. Bao lâu nay người em cố gắng tìm kiếm tung tích của anh mình nhưng nay bị đột quỵ nên người con gái tiếp tục.
Tôi nói lại với cháu Phương Anh những gì Trung úy Đoàn Tử Sanh đã kể lại cho tôi.
Nguyện vọng của gia đình muốn tìm kiếm hài cốt đem về nằm chung với ông bà nội chắc không thể nào thực hiện được!
Năm mươi năm tất cả đã thành cát bụi! Biết đâu mà tìm!
NGƯỜI BẠN CÙNG ĐẠI ĐỘI KHOÁ SINH
Mãn khóa ngày 8 tháng 6 năm 1968 chúng tôi được lệnh tập trung ở Khu Tiếp Tân Trường Bộ Bình Thủ Đức chờ đón về đơn vị.
Vì tình hình chiến sự và vì nhu cầu cấp bách của các đơn vị chủng tôi không có phép mãn khóa! Đơn vị sẽ tùy nghi sắp xếp cho đi phép khi về tới đơn vị.
Tình nguyện về Binh Chủng TQLC tất cả 26 tân sĩ quan
Riêng Đại Đội 3 chiếm hết 10 người.
Sau một tuần lễ huấn luyện leo lưới đổ bộ ở Trung Tâm Huấn Luyện Rừng Cấm chúng tôi lãnh quân trang TQLC ở Trại Yết Kiêu và được bổ sung về các Tiểu Đoàn 1, 2, 4, 5 và 6.
BInh Chủng TQLC vừa được nâng lên cấp sư đoàn nên cần nhiều sĩ quan ở lại Trung Tâm Huấn Luyện ( TTHL). Khoảng 12 Tân sĩ quan Khoá 26 được chọn ở lại TTHL.
Nguyễn Tấn Lực về Đại Đội Trinh Sát ( Sau trở thành các Đại Đội Viễn Thám )
Võ Thanh Sang được chọn về Vận Tải TQLC
Nguyễn Gia Quyết về An Ninh Sư Đoàn
Mã Lợi về Tác Chiến Điện Từ
Tôi về Tiểu Đoàn 5. Phạm Công Đức về TĐ6.
Tôi và Phạm Công Đức cùng chung Đại Đội 3 khoá sinh. Suốt thời gian cùng chung đại đội với nhau chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm.
Phạm Công Đức hay “ Đức Super” đã theo anh từ quân trường ra tới đơn vị. Sở dĩ có biệt danh này bởi vì anh thích dùng chữ super trong lúc nói chuyện.
Có một hôm tôi với anh rũ nhau chui rào về Sài Gòn chơi. Anh Đức là chuyên viên chui rào chưa một lần bị bắt.
Khi hẹn nhau trở lại trường anh dẫn tôi vén rào gần cổng chính, tức cổng số 1.Vào được trong trường tôi cằn nhằn: Hết chỗ chui đưa thân vào miệng cọp! Anh tỉnh bơ nói: “ Vậy mới lả super“
Các tiểu đoản luân phiên hành quân ở các tỉnh Vùng 4. Mỗi một cuộc hành quân khoảng 3 tháng thì được về hậu cứ nghỉ ngơi, bổ sung quân số.
Từ ngày ra trường về các tiểu đoàn chúng tôi ít có dịp gặp lại nhau. Tiểu đoàn này về hậu cứ thì tiểu đoàn khác phải vào vùng hành quân.
Sau thời gian OJT tân sĩ quan sẽ nhận lãnh chức vụ trung đội trưởng có giấy chỉ định chức vụ do BTL/ SĐ/ TQLC ký.
Thời gian quan trọng cho một trung đội trưởng TQLC là năm đầu tiên tham dự chiến trận. Để rồi cứng cáp, “dạn dày sương gió” hay Tổ Quốc Ghi Ơn.
Ở Tiểu Đoàn 1 Quái Điểu: Nguyễn Văn Châu hy sinh. Huỳnh Văn Na bị thương nặng nằm lại chiến trận suốt đêm sáng hôm sau mới được cứu đem về.
Cao Mạnh Cương và Huỳnh Văn Xã ở Trâu Điên bị loại khỏi cuộc chiến.
Điền Hoà Lợi ờ Hắc Long đạp mìn mất hết một chân.
Tái chiếm xong Cổ Thảnh và Thị Xã Quảng Trị SĐ/ TQLC chịu trách nhiệm phòng thủ dọc theo Sông Thạch Hãn kẻo dài ra tới biển. Một lữ đoàn làm thành phần trừ bị nằm ở tuyến sau.
Lúc đó TIểu Đoàn 5, Tiểu Đoàn 6, Tiểu Đoàn 8 đang là thành phần trừ bị, chúng tôi xin tiểu đoàn trưởng ra Huế chơi, ca bài ca con cá là từ ngày ra trường về đơn vị đến nay anh, em chưa có dịp gặp nhau!
Chúng tôi tất cả 7 thằng: Trần Thành Tùng,Tô Thanh Chiêu TIểu Đoàn 5, Phạm Công Đức, Võ Đăng Tầm TIểu Đoàn 6, Nguyễn Tấn Lực, Nguyễn Gia Quyết Lữ Đoàn.
Phạm Công Đức yêu cầu xe dừng lại bên đường chụp tấm hình kỹ niệm.
Như một điềm chẳng lành, trong hình ai cũng cười thật tươi chì có Đức sao buồn quá! Khuôn mặt quá buồn y như tấm hình đính kèm trong bài viết này!
Không bao lâu sau thì được tin Đức ra đi.
Tấm hình kỹ niệm đó có bạn nào còn giữ được?
Tô Thanh Chiêu đã nằm lại bãi biển Thuận An, không biết sóng biển cuốn trôi về đâu?
Võ Đăng Tâm và Nguyễn Đức Truyền cũng đã nằm lại một nơi nào đó khi Tiểu Đoàn 6 từ Thường Đức rút ra Bãi Biển Non Nước cho đến nay không có tin tức!
Chiến trận ngày càng khốc liệt. Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm đè nặng lên vai người lính tổng trừ bị.
Lớp lớp đàn em nối tiếp theo sau.
Khoá 4/71 Thủ Đức về các Tiểu Đoàn TQLC đang giai đoạn tái chiếm Thị Xã và Cổ Thành Quảng Trị.
Về Tiểu Đoàn Ó Biển 8 chuẩn úy thì một tuần lễ sau hy sinh hết 4.
Thưa Quý NT, CH,
Tình nguyện về TQLC là chấp nhận gian khổ, hy sinh, là chấp nhận hiến dâng tuổi thanh xuân để đem lại an bình cho quê hương, đất nước.
“Vì anh là lính áo rằn
Ra đi nào biết mấy trăng mới về”
Thiên hùng ca dựng một ngọn cờ và biết bao thiên hùng ca suốt cả chiều dài chinh chiến của Bình Chủng TQLC là niềm tự hào của chúng ta – Những người lính chiến TQLC.
Cho dù đã mất hết rồi! Cho dù bất cứ ở đâu. Cho dù là thân phận của kẻ lưu vong nhưng niềm tự hào đó vẫn mãi mãi trong tim của mỗi người lính TQLC cho đến ngày nhắm mắt, xuôi tay.
Xin hãy trân trọng gìn giữ để xứng đáng với sự hy sinh cao quý của anh em mình.
Trân trọng kính chào
Ó Biển Lê Đình Đơn
No comments:
Post a Comment