Trận Ban Mê Thuột diễn ra chỉ trong khoảng 1 tuần lễ ngắn ngủi (từ ngày 10-3 đến ngày 18-3-1975) nhưng có tầm vóc hết sức quan trọng trong cuộc chiến kéo dài gần 20 năm. Nó mở màn cho Chiến dịch Tây Nguyên của phe Cộng sản trực tiếp đưa đến quyết định tai hại của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu triệt thoái khỏi Vùng II và gián tiếp tạo ra sự sụp đổ của VNCH vào cuối tháng 4-1975.
Sau khi mất tỉnh Phước Long (vào đầu tháng 1-1975, mà chính quyền VNCH quyết định bỏ luôn, không tìm cách đánh chiếm lại như đối với tỉnh Quảng Trị trong Mùa Hè 1972), các nhà lãnh đạo quân sự của VNCH đều nghĩ và tin rằng phe Cộng sản sẽ tấn công mạnh ở Vùng II, tại Cao Nguyên Trung Phần.
Thật ra, ngay từ trước khi xảy ra trận Phước Long, vào 2 ngày 9-10 tháng 12-1974, trong cuộc họp của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia, diễn ra tại Dinh Ðộc Lập dưới sự chủ tọa của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, để thảo luận về kế hoạch phòng thủ cho năm 1975, Ðại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH đã tiên đoán là Cộng sản sẽ không tiến hành một cuộc tổng tấn công như họ đã làm trong mùa Hè năm 1972, mà chỉ thực hiện những cuộc tấn công có quy mô lớn, khởi sự tại Vùng II và thời điểm sẽ là trong tháng 3-1975. Tại Vùng II, ông dự đoán là họ sẽ tập trung các cố gắng ở phía Bắc của vùng chiến thuật này, cụ thể là Kontum và phía Bắc của Bình Ðịnh. Chính vì vậy, dự kiến Cộng quân sẽ cắt đứt các quốc lộ chính từ duyên hải lên cao nguyên, từ cuối tháng 1-1975, BTTM đã cho chuyển lên Pleiku và Kontum một số lượng rất lớn về lương thực và đạn dược đủ để cho lực lượng phòng thủ Pleiku và Kontum (ước lượng khoảng 20.000 quân) sử dụng trong 60 ngày mà không cần tiếp tế.
Bản đồ dưới đây cho thấy rõ sự tập trung phòng thủ dày đặc của QLVNCH ở phía Bắc của Vùng II (Pleiku và Kontum) vào đầu tháng 3-1975 như sau:
Bản Ðồ Bố Trí CÁc Lực
Lựợng Phòng Thủ Tại Vùng II
Vào Ðầu Tháng 3-1975 (Trích từ trang 149 của sách Black
April)
• 3 Liên Ðoàn Biệt Ðộng Quân (BÐQ) bảo vệ Kontum và 1 Liên
Ðoàn BÐQ bảo vệ Quốc Lộ 14 (nối liền Kontum và Pleiku; chạy thẳng
xuống phía Nam, đến Ban Mê Thuột)
• 2 Trung Ðoàn 44 và 45 của Sư Ðoàn 23 Bộ Binh bảo vệ
Pleiku
• 4 Trung Ðoàn 40, 41, 42 và 47 của Sư Ðoàn 22 Bộ Binh bảo
vệ phía Bắc Bình Ðịnh và các đèo Mang Giang và An Khê trên Quốc Lộ
19 (nối liền Qui Nhơn–tỉnh lỵ của Bình Ðịnhh–với Kontum)
Ðể bảo vệ Ban Mê Thuột chỉ có Liên Ðoàn 21 BÐQ đóng ở Buôn Hô (một thị trấn nằm cách Ban Mê Thuột khoảng 40 km về hướng Ðông Bắc), các đơn vị cơ hữu của tỉnh Darlac, và Trung Ðoàn 53 của Sư Ðoàn 23 Bộ Binh. Theo Ðại Tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Darlac, trên thực tế, Trung Ðoàn 53, đóng tại Phi trường Phụng Dực (cách Ban Mê Thuột khoảng 8 km về hướng Ðông), vào lúc đó chỉ gồm có bộ chỉ huy Trung Ðoàn và 1 Tiểu Ðoàn mà thôi.
Khi trận tấn công Ban Mê Thuột nổ ra vào ngày 10-3-1975, lực lượng hai bên được bố trí như trong bản đồ sau đây:
Bản Ðồ Trận Ban Mê Thuột (Trích từ trang 157 của sách Black April)
Nhìn vào bản đồ bên trên, chúng ta thấy rõ là địch quân đã tấn công vào Ban Mê Thuột từ 5 phía với các lực lượng như sau:
• Từ hướng Tây Bắc: với Trung Ðoàn 148, thuộc Sư Ðoàn 316
• Từ hướng Ðông Bắc: với Trung Ðoàn 95B, thuộc Sư Ðoàn 325
• Từ hướng Ðông Nam: với Trung Ðoàn 149, thuộc Sư Ðoàn 316
• Từ hướng Tây: với Tiểu Ðoàn 4, thuộc Trung Ðoàn 24, Sư
Ðoàn F10
• Từ hướng Nam: với Trung Ðoàn 174, thuộc Sư Ðoàn 316
Như vậy, lực lượng chính tấn công Ban Mê Thuột là Sư Ðoàn 316, với 3 Trung Ðoàn cơ hữu là 148, 149, và 174, tăng cường thêm với 1 trung đoàn của Sư Ðoàn 325 và 1 tiểu đoàn của Sư Ðoàn F10, và, dĩ nhiên, với các đơn vị pháo binh, chiến xa, và đặc công. Sư Ðoàn 316 trước đây chỉ hoạt động tại Lào và từ năm 1974 đã được lệnh quay trở về Bắc Việt. Sư hiện diện của sư đoàn này tại Miền Nam sẽ là một bất ngờ cho giới tình báo VNCH.
Sau đây chúng ta cố gắng tìm hiểu sự sắp xếp và chuẩn bị cho cuộc tấn công của phe Cộng sản và những hoạt động tình báo của hai bên trước khi cuộc tấn công nổ ra.
Việc phe Cộng sản quyết định tấn công Ban Mê Thuột thay vì Pleiku một phần lớn là do họ đã nắm được tin tức về buổi họp của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia của VNCH vào 2 ngày 9-10 tháng 12-1974. Toàn bộ kế hoạch phòng thủ cho năm 1975 của Ðại Tướng Cao Văn Viên trình bày tại buổi họp đã được một điệp viên thuộc loại “trường kỳ mai phục,” làm việc ngay trong văn phòng của Tướng Viên tại BTTM QLVNCH, báo cáo đầy đủ về Hà Nội.
Trong khi đó, nội bộ ban tham mưu của Quân Ðoàn II lại không đồng ý với nhau về mục tiêu tấn công của phe Cộng sản tại Vùng II: Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Ðoàn II tin rằng họ sẽ tấn công Pleiku, trong khi đó thì Ðại Tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng 2 (phụ trách về tình báo) của Quân Ðoàn II thì lại tin là Cộng quân sẽ tấn công Ban Mê Thuột. Việc Tướng Phú không tin vào nhận định của Ðại Tá Tiếu có thể có một số lý do như sau:
1) Tướng Phú tin tưởng và dựa vào kế hoạch phòng thủ năm 1975 của BTTM như đã trình bày trên;
2) Sự tin tưởng này của Tướng Phú được tăng cường thêm sau buổi họp ngày 18-2-1975 tại Sài Gòn để duyệt lại kế hoạch phòng thủ 1975 này và chính Tổng Thống Thiệu lưu ý ông việc Cộng quân có thể sẽ đánh Pleiku; chính vì vậy ông đã một lần nữa, tại buổi họp ngày hôm sau, 19-2-1975, tại Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn ở Pleiku, bác bỏ báo cáo của Ðại Tá Tiếu về khả năng tấn công Ban Mê Thuột dựa trên những tin tình báo mới;
3) Khi nhận chức Tư Lệnh Quân Ðoàn II, Tướng Phú không chọn được những sĩ quan thân tín của mình mà phải chấp nhận những sĩ quan đang phục vụ trong bộ tham mưu của Quân Ðoàn (trong đó có Ðại Tá Tiếu).
Về phía Cộng quân, dựa vào kế hoạch phòng thủ năm 1975
của VNCH mà họ đã nắm được cộng thêm việc bố trí lực lượng phòng
thủ dày đặc của Quân Ðoàn II ở phía Bắc của Vùng II, họ thấy rõ
là Tướng Phú tin rằng họ sẽ tấn công Pleiku. Do đó họ đã tập trung
cố gắng làm mọi động tác giả để đánh lừa Tướng Phú, làm cho ông
tin rằng ông đã tính toán đúng là họ sẽ đánh Pleiku chứ không phải
Ban Mê Thuột.
Nhìn chung, phe Cộng sản đã lại áp dụng phương thức mà
họ đã từng sử dụng trong lúc chuẩn bị trận Tổng Tấn Công Tết Mậu
Thân để đạt được mục tiêu này. Phương thức đó gồm 2 phần:
1) Bảo mật tối đa về mục tiêu thật của trận tấn công là Ban Mê Thuột;
2) Thực hiện môt số động tác giả để đánh lừa đối phương khiến cho đối phương tin là mục tiêu thật của trận tấn công sẽ là Pleiku-Kontum.
Bảo mật:
Về phương diện bảo mật, rút kinh nghiệm từ trận Mậu Thân, mục tiêu Ban Mê Thuột của trận tấn công được giữ kín tối đa. Các tư lệnh tại mặt trận chỉ được biết vào cuối tháng 1-1975, và tư lệnh các đơn vị sẽ tham gia tấn công chỉ được thông báo từ đầu tháng 2-1975. Hà Nội cũng quyết định giữ nguyên các đơn vị đang có mặt ở phía Bắc của Vùng II (Pleiku-Kontum) là các Sư Ðoàn 2, Sư Ðoàn 3, Sư Ðoàn F10 và 2 Trung Ðoàn độc lập 25 và 95A, và ra lệnh cho các đơn vị đó tăng cường các hoạt động đe dọa vùng này. Trong khi đó, các đơn vị sẽ tham gia tấn công Ban Mê Thuột đều là các đơn vị trừ bị đang đóng quân tại Lào hay tại Bắc Việt được bí mật di chuyển vào các vị trí chung quanh Ban Mê Thuột để chuẩn bị tấn công. Sư Ðoàn 316, đơn vị chủ lực của trận tấn công vào Ban Mê Thuột, trước kia chỉ hoạt động tại Lào, sau đó được điều dộng trở về Miền Bắc, đã nhận được lệnh di chuyển vào Nam vào ngày 15-1-1975, nhưng để lại bộ phận truyền tin tại Miền Bắc để tiếp tục gửi đi các báo cáo nhằm đánh lừa các đơn vị SIGINT của QLVNCH.77
Ðánh lừa:
Ðầu tháng 2-1975, một đơn vị của Sư Ðoàn 22 Bộ Binh QLVNCH bắt được 1 binh sĩ Bắc Việt tại một địa điểm ở phía Tây tỉnh Bình Ðịnh gần đèo An Khê. Qua thẩm vấn được biết binh sĩ này đã tháp tùng viên tư lệnh của Sư Ðoàn 3 Bắc Việt đi thám sát đèo An Khê. Trong mình binh sĩ này có giữ một bản đồ ghi rõ các địa điểm mà Sư Ðoàn 3 dự định sẽ đóng chốt để cắt đứt Quốc Lộ 19 là con đường huyết mạch nối liền Qui Nhơn (tỉnh lỵ của tỉnh Bình Ðịnh) với Pleiku. Cùng lúc đó, Phòng 2 của Quân Ðoàn II cũng bắt được tin Sư Ðoàn 968 Bắc Việt đang đóng tại Lào đã di chuyển sang lãnh thổ VNCH. Tướng Phú tin rằng Cộng quân đang chuẩn bị tấn công Pleiku, và ông đã ra lệnh cho Trung Ðoàn 47 của Sư Ðoàn 22 Bộ Binh đến trấn giữ đèo An Khê. Lý do Trung Ðoàn 47 được giao cho nhiệm vụ này vì vị sĩ quan Trung Ðoàn Trưởng, Trung Tá Lê Cầu, là người rất quen thuộc địa hình vùng đèo An Khê vì ông đã từng chiến đấu tại đây trong trận Tổng Tấn Công Mùa Hè 1972. Trong suốt tháng 2-1975, các đơn vị Cộng quân hiện diện trong vùng liên tục pháo kích Kontum và Pleiku cũng như đánh phá các chốt bảo vệ đèo An Khê trên Quốc Lộ 19 của Trung Ðoàn 47. Các đơn vi này do 2 Sư Ðoàn F10 và 320 để lại để thực hiện kế hoạch nghi binh, còn toàn bộ 2 sư đoàn này đã di chuyển xuống phía Nam để chuẩn bị tấn công Ban Mê Thuột. Tất cả những hoạt động này của địch làm cho Tướng Phú càng thêm tin là Pleiku sẽ là mục tiêu chính của cuộc tấn công sắp tới của Cộng quân.
Giữa tháng 2-1975, trong một cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Nguyễn Tú của báo Chính Luận, Tướng Phú đã nói ra tất cả những gì ông suy nghĩ và phân tích về cuộc tấn công sắp tới của địch. Ṓng tin rằng địch sẽ sử dụng một lực lượng cấp sư đoàn để cắt đứt Quốc Lộ 19 trước khi tấn công Pleiku.
Ngày 18-2-1975, Tướng Phú về Sài Gòn dự phiên họp với các tướng tư lệnh quân đoàn do Tổng Thống Thiệu triệu tập để duyệt lại kế hoạch phòng thủ cho năm 1975. Tại phiên họp này, chính Tổng Thống Thiệu tái xác định khả năng địch có thể tấn công Pleiku ở Vùng II. Ðiều này càng làm cho Tướng Phú thêm tin tưởng là ông đã nghĩ đúng về mục tiêu tấn công sắp tới của địch quân. Do đó, ông đã một lần nữa bác bỏ nhận định của Ðại Tá Tiếu về khả năng địch sẽ tấn công Ban Mê Thuột tại phiên họp của ban tham mưu Quân Ðoàn II ở Pleiku vào ngày hôm sau, 19-2-1975.
Ðầu tháng 3-1975, trước một số tin tình báo về các hoạt động của địch chung quanh Ban Mê Thuột làm Tướng Phú có phần nao núng. Ngày 4-3-1975, ông ra lệnh cho Trung Ðoàn 45 của Sư Ðoàn 23 Bộ Binh di chuyển về Ban Mê Thuột. Việc di chuyển này sắp bắt đầu thì vào lúc 2 giờ trưa cùng ngày, Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II tại Pleiku bị địch quân pháo kích, Tướng Phú ra lệnh hủy bỏ việc chuyển quân này. Cùng ngày địch quân tấn công dữ dội vào các đơn vị của Trung Ðoàn 47 và cắt đứt Quốc Lộ 19 tại hai nơi. Tướng Phú tin chắc là địch quân đã bắt đầu chiến dịch tấn công vào Pleiku.
Việc chuyển quân của Sư Ðoàn 316 từ Bắc vào Nam cũng như của Sư Ðoàn 968 từ Lào sang Việt Nam, mặc dù được ngụy trang rất kỹ như đã trình bày bên trên, sau cùng vẫn bị SIGINT của QLVNCH phát hiện. Sau khi phân tích tín hiệu, và đánh giá, Phòng 7 BTTM QLVNCH nhận định là Cộng quân sẽ tấn công Ban Mê Thuột.
Ngày 7-3-1975, 3 ngày trước khi trận Ban Mê Thuột nổ ra, Chuẩn Tướng Phạm Hữu Nhơn, Trưởng Phòng 7, BTTM QLVNCH, cùng với Tom Glenn là Trưởng đơn vị của Cơ Quan An Ninh Quốc Gia (National Security Agency – NSA) của Hoa Kỳ tại Việt Nam, đã bay lên Pleiku để đích thân báo cho Thiếu Tướng Phú về nhận định của Phòng 7 là Cộng quân sẽ tấn công Ban Mê Thuột (cuộc họp này có mặt cả Ðại Tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng 2 của Quân Ðoàn 2) nhưng Tướng Phú vẫn không tin. Ngay cả vào lúc 10 giờ sáng ngày 9-3-1975, sau khi Thuần Mẫn, thuộc tỉnh Phú Bổn, đã mất, và Ðức Lập, thuộc tỉnh Quảng Ðức cũng đã bị chiếm, ông bay xuống Ban Mê Thuột để họp với các đơn vị trưởng tại đây để duyệt xét tình hình, Tướng Phú vẫn còn tiếp tục nghĩ và tin là tất cả chỉ là nghi binh. Ông vẫn chờ cuộc tấn công vào Pleiku, một cuộc tấn công chẳng bao giờ xảy ra. Sáng sớm ngày hôm sau, 10-3-1975, trận tấn công vào Ban Mê Thuột nổ ra và chỉ trong 2 ngày toàn bộ thị xã này đã lọt vào tay Cộng quân.
Kết luận:
QLVNCH thua trận Ban Mê Thuột không phải vì tình báo yếu kém mà rõ ràng là do Tướng Phú, Tư Lệnh Quân Ðoàn II bị định kiến quá nặng nề, Tuy nhiên, nghĩ cho cùng, với trách nhiệm phải bảo vệ một lãnh thổ quá rộng lớn như thế (gồm tất cả 12 tỉnh, 7 tỉnh cao nguyên là Kontum, Pleiku, Phú Bổn, Darlac, Quảng Ðức, Lâm Ðồng, Tuyên Ðức và 5 tỉnh duyên hải là Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận), thì Quân Ðoàn II, chỉ với 2 sư đoàn bộ binh (22 và 23) cùng một số liên đoàn BÐQ, cũng khó mà đương đầu nổi với một lực lương địch quân đông gấp 3,4 lần với các Sư Ðoàn 2, 3, F10, 968, 316, 320, và 325, và 1 số trung đoàn độc lập. Một bằng chứng rõ ràng là việc phản công tái chiếm Ban Mê Thuột đã không thể thực hiện được. Và đó là một trong những lý do đưa đến quyết định triệt thoái Quân Ðoàn II rất tai hại của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tại phiên họp định mệnh ngày 14-3-1975 tại Cam Ranh.
SOURCE: Tình Báo trong Chiến Tranh Việt Nam - Lâm Vĩnh Thế
https://vnchtoday.blogspot.com/?fbclid=IwAR0OzPoU-OJJGtGzAHa6h800O4dlYMQvKz4ifKSZal9iJKhve6lJxe3wXlk
No comments:
Post a Comment