Tuesday, November 1, 2022

Giới Thiệu Sách Chuyển Ngữ “THAN HỒNG CHIẾN CUỘC” (Embers of War) Nguyễn-Thành-Công


Kính thưa quí trưởng thượng, quí huynh trưởng, quí quan khách

Ra đời vào năm đất nước chia đôi, chúng tôi lớn lên trong bối cảnh quê hương nhiễu nhương, tàn phá vì chiến tranh. Khi đủ lớn ở lớp tuổi trung học, chúng tôi thường tự hỏi tại sao quê hương Việt Nam nhỏ bé của mình suốt bao năm từ thời lập quốc không có được bao nhiêu thời gian an bình, no ấm?  Tại sao sau giai đoạn bị đô hộ bởi thực dân Pháp, Phát Xít Nhật, Việt Nam lại rơi vào vòng tai họa CS?  Rồi chiến tranh Quốc Cộng đã chấm dứt trên quê hương gần nửa thế kỷ kể từ năm 1975, tại sao đồng bào mình vẫn chưa có được tự do và quyền làm người để tự chủ cuộc đời mình; đất nước vẫn chưa được độc lập, chủ quyền quốc gia bị đe dọa?

Những câu hỏi đó chúng tôi mang theo khi rời quê cha, đất mẹ; niềm trăn trở đó đã đeo đuổi chúng tôi cho đến bây giờ!

Trên con đường lập thân, cũng như trong những sinh hoạt phục vụ cho tập thể người Việt, chúng tôi không bỏ qua bất kỳ cơ hội hội nào để tiếp cận với các nguồn tài liệu, dữ kiện để giúp mình góp nhặt những mảnh vụn lịch sử, vẽ lại những khúc quanh định mệnh trên quê hương mình.   Trong khi chúng tôi đang viết một bài sưu khảo cho một chương trình học tại Institute of World Politics tại Washington, DC, chúng tôi đã gặp được sách nguyên tác bằng Anh Ngữ “Embers of War: The Fall of an Empire and the Making of America’s Vietnam”, biên soạn bởi Frederik Logevall,  là một trong hai cuốn sách được ra mắt hôm nay, được dịch giả Phan Lê Dũng chuyển sang Việt Ngữ do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương ấn hành, mang tên “Than Hồng Chiến Cuộc”, mà chúng tôi hân hạnh được ban tổ chức giao nhiệm vụ giới thiệu đến quí vị.

Với khuôn khổ đồ sộ của cuốn sách Việt Ngữ trên 900 trang, và thời gian trình bày ngắn ngủi, chúng tôi chỉ xin mạn phép chia xẻ những đặc điểm của cuốn sách đã giúp cho chúng tôi nhìn thấy được rõ nét hơn bức tranh lớn về chiến tranh VN với những nguyên nhân và hệ lụy của nó, giải mã một phần những câu hỏi mà chưa tìm thấy ở những nguồn sách báo, tài liệu khác. Chúng tôi sẽ không dựa trên sự hiểu biết hạn hẹp, định kiến chủ quan của mình để phân tích, so sánh hay phê phán về nội dung tác phẩm, mà xin trân trọng dành sự thẩm định về cuốn sách đến với quí vị đọc giả sau khi đọc xong.

Vài Nét Phát Họa

Sử liệu “Embers of War” biên soạn bởi Frederick Logevall đã được nhiều phần thưởng từ các cơ sở văn hóa Quốc Tế, đặc biệt là giải thưởng văn chương cao quý Pulitzer được ban giám khảo đánh giá là “một tác phẩm lịch sử cân xứng, nghiên cứu sâu sắc…”  Và theo tác giả, động lực khiến ông thực hiện tác phẩm sưu khảo đồ sộ này vì dầu cuộc chiến VN là đề tài có nhiều nghiên cứu, phân tích, tranh luận nhưng “chưa có cuốn sách nào viết lại toàn bộ câu chuyện bắt đầu ra sao… Than Hồng Chiến Cuộc cố gắng viết về lịch sử như thế.”

Nhân vật chính trong cuốn sử liệu là Hoa-Kỳ, và vai trò can dự của quốc gia này trong hai cuộc chiến trên đất nước nhỏ bé Việt-Nam từ chiến tranh chống thực dân Pháp đến chiến tranh Quốc Cộng, nằm trong bối cảnh thế giới với những diễn biến chính trị, quân sự & ngoại giao từ khi Thế Chiến Thứ I kết thúc.

Câu chuyện bắt đầu từ năm 1919, tại Ba Lê, có một thanh niên tự nhận đại diện một nhóm Người Việt Yêu Nước, mang tên Nguyễn Ái Quốc, sau này là ông Hồ Chí Minh, xin được tiếp kiến Tổng Thống Hoa-Kỳ Woodrow Wilson để đệ nạp một thỉnh nguyện thư khi TT Wilson sang Pháp nhằm mục đích điều đình một nền hòa bình “kết thúc tất cả các cuộc chiến tranh”. Sau hơn 800 trang sách, 27 chương, tác giả đã kết luận bằng cách trích một nhận định của một sử gia gốc quân nhân Hoa-Kỳ danh tiếng khác, Bernard Fall, là: người Mỹ “đang mơ một giấc mơ khác với người Pháp, nhưng lại bước đúng vào những vết chân người Pháp đã đi trong chiến tranh Viet-Nam.

Giá Trị của Cuốn Sách

Lần giở từng trang sách, chúng tôi hình dung một bức tranh lớn trong bối cảnh mà đất nước Việt Nam bé nhỏ với những chuyển biến tang thương lịch sử trong cơn lốc đối tác của Thế Giới từ hai trận thế chiến đến chiến tranh lạnh và sự đương đầu giữa các siêu cường của hai khối Tư Bản & Cộng Sản.

Trong đó, Việt Nam từ cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp giành độc lập trở thành thí điểm của mâu thuẫn giữa hai chủ nghĩa quốc tế đầu thế kỷ 20: một bên là chủ nghĩa bành trướng, đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản do Cộng Sản Nga-Tầu lãnh đạo được thi hành bởi ông Hồ Chí Minh; và một bên là chủ nghĩa tự do quốc Tế do Mỹ hậu thuẫn. Để rồi VN bị xâu xé từ ách thực dân đến họa CS, không có được thời gian thanh bình, ổn định và làm chủ được vận mệnh lịch sử của mình

So các nguồn sử liệu khác về chiến tranh VN từ những sử gia, học giả ngoại quốc, đặc biệt là Hoa-Kỳ, như “Vietnam- A history” của Stanley Karnow hay “Vietnam-A Television History” của Ken Burns & Lynn Novick, “Than Hồng Chiến Cuộc”, qua sự khai mở những nguồn tài liệu từ những chứng nhân sống trong cuộc, và tài liệu trong các văn khố Mỹ từ thập niên 1920, văn khố Pháp, Nga, Trung Hoa, Anh, Viêt Nam… tác giả đã cung cấp những dữ kiện sâu rộng, và tiết lộ những bí ẩn là cội nguồn dẫn đến chính sách và sự can dự của Hoa-Kỳ vào diễn biến lịch sử Việt-Nam từ thời thực dân Pháp đến kết thúc bi thảm 1975 để toàn cõi đất nước Việt Nam rơi vào tay CS.

Một trong những bí ẩn mà cuốn sách phơi bày đã ảnh hưởng phần lớn đến chính sách của Hoa-Kỳ đối với Việt-Nam là “cách nhìn của người Mỹ về cuộc chiến Việt-Nam” nằm trong ưu tiên về lợi ích & an ninh quốc gia (national interest), quyền lực đảng phái, vị thế siêu cường, trật tự thế giới… của Hoa-Kỳ.  Người Mỹ ở đây là những nhân vật lãnh đạo, quốc hội lưỡng viện, đến công chúng Hoa-Kỳ và quan trọng không kém là giới truyền thông Hoa-Kỳ.

Và cũng vì cách nhìn sai lạc, “mù quáng và lầm lẫn khổng lồ” của Hoa-Kỳ (trong lời dẫn “Than Hồng Chiến Cuộc” của dịch giả Phan Lê Dũng), đã khiến Hoa-Kỳ, sau hào quang chiến thắng của hai trận thế chiến & chiến tranh Triều Tiên, đã thất bại ở chiến tranh Viet-Nam ngay tại thủ đô Hoa-Thịnh-Đốn.

“Than Hồng Chiến Cuộc” đã giúp cho người đọc gốc Việt nhận ra, sự thắng thua của cuộc chiến Việt Nam không được quyết định trên chiến trường miền Nam Việt-Nam; bối cảnh cuộc chiến, không chỉ giới hạn là một cuộc nội chiến giữa hai miền Nam Bắc… và kết thúc của cuộc chiến là hệ quả của “cách người Mỹ nhìn Cuộc Chiến Việt-Nam”, được định đoạt từ các cuộc đàm phán giữa các nhà lãnh đạo siêu cường tại Hoa-Thịnh-Đốn, Paris, Bắc Kinh hay Mạc Tư-Khoa…

Kính thưa quí vị,

Cũng sẽ là một một thiếu sót khi giới thiệu sách chuyển ngữ “Than Hồng Chiến Cuộc” nếu chúng tôi không nhắc đến phần Bạt tựa đề “Trước Khi Gấp Sách-Chữ Nghĩa & Sự Thực” của Nhà Văn Uyên Thao, cũng là người chủ xướng tủ sách Tiếng Quê Hương mà chúng ta hân hạnh có được sự hiện diện của ông hôm nay.

Theo chiến lược gia Tôn Tử và kinh nghiệm của cha ông, “Biết Người biết Ta trăm trận trăm thắng”, nếu Frederick Logevall qua sử liệu nguyên tác bằng Anh Ngữ “Embers of War” giúp chúng ta ý thức được rỏ nét hơn về “Người” là người bạn đồng minh Hoa-Kỳ cùng cách nhìn và mục đích của họ về cuộc chiến Viet-Nam thì phần Bạt của nhà văn Uyên Thao, một người Việt quốc gia, là chứng nhân sống trong hai cuộc chiến trên quê hương, một trong hàng triệu nạn nhân của CSVN, với những dẫn chứng và lập luận sắc bén, đã giúp cho chúng ta thấy được những cách nhìn của Hoa-Kỳ và giới truyền thông Tây Phương sai lạc như thế nào, để Ta”, là dân tộc Việt Nam có trách nhiệm phải chuyển hóa cách nhìn này hầu thay đổi số phận VN cho một tương lai tươi sáng hơn.

Vậy giá trị của Than Hồng Chiến Cuộc là gì đối với chúng tôi, một đọc giả gốc Việt?

Trên con đường đi tìm những sự thực và có được một bức tranh tổng thể về cội nguồn và diễn biến chiến tranh VN, chúng tôi đã đọc cuốn sách không phải nhằm mục đích phân tích, so sánh quan điểm của tác giả, một sử gia Hoa-Kỳ, có khác gì với điều chúng tôi biết, nhất là những khía cạnh nhạy cảm về đất nước, con người của quê hương Việt-Nam chúng ta… để phê phán, tranh cãi.... Mục đích của chúng tôi là từ “Than Hồng Chiến Cuộc”, chúng tôi có thể rút tỉa được những bài học qua những dữ kiện, những mảnh puzzles là những yếu tố, và bối cảnh bên ngoài đất nước được phô bày, phản ảnh trong cuốn sách, đã chi phối, ảnh hưởng, tác động đến vận mệnh bên trong đất nước mình hầu rút tỉa được những bài học lịch sử cho quê hương VN...

 

Bài học gì từ “Than Hồng Chiến Cuộc”?

Tác phẩm “Than Hồng Chiến Cuộc” gồm nguyên tác “Embers of War” và phần bạt của nhà văn Uyên Thao đã giúp cho chúng tôi ngoài phần tự “biết mình”, được hiểu rõ hơn ở phần “biết người” về cách nhìn của họ, về căn bản quyền lợi, nguyên tắc chính trị, giá trị ưu tiên, chính sách đối ngoại của Hoa-Kỳ, hay của thế giới đối với Việt-Nam nằm trong sự vận hành tương tác của những chuyển biến chính trị, trật tự toàn cầu.

Để từ đó, chúng tôi cảm khái nhận ra, hàng hàng lớp lớp người Việt Quốc Gia yêu nước chân chính, qua bao thế hệ, với khát vọng độc lập, tự do & dân chủ cho đất nước, đã không ngừng nghỉ chiến đấu và đã hi sinh xương máu…trong cô lẻ!

Một giới hạn lớn của người Việt không CS, vì hoàn cảnh lịch sử từ thể chế Quân Chủ, bế quan tỏa cảng, kháng Pháp giành độc lập, rồi tiếp nối đến Việt-Nam-Cộng-Hòa, trong tình trạng khó khăn, bất ổn của thể chế dân chủ non yếu trong cuộc chiến chống đỡ Quốc-Cộng, là không có cơ hội tiếp cận, am hiểu tình hình chính trị quốc tế, không có được vị trí tự chủ, có tiếng nói làm sáng tỏ đến Hoa-Kỳ và thế giới chính nghĩa chiến đấu giành độc lập, chống thực dân của người Việt Quốc Gia.    tiền đồn ngăn chận chiến lược nhuộm đỏ Đông-Nam-Á của khối Cộng Sản, miền Nam Viêt-Nam đã không có được một chỗ đứng vững vàng, được hậu thuẫn của thế giới tự do như Đài Loan trước hiểm họa thôn tính của Trung Cộng hay dân tộc Ukraina trước sự xâm lăng của nước Nga ngày nay. 

Trong khi đó, sau thế chiến thứ hai, dù chủ nghĩa thực dân đã tàn lụi, nhiều quốc gia nhược tiểu Á Châu đã lấy lại độc lập không đổ máu như Ấn Độ, Cam Bốt, Miến Điện, Phi-Luật-Tân… thì bất hạnh cho đất nước VN, sau khi được trao trả độc lập từ Pháp, Nhật lại đắm chìm vào chiến tranh Quốc Cộng. 

Miền Bắc CS dưới sự lãnh đạo của ông Hồ Chí Minh, người muốn tìm gặp tổng thống Woodrow Wilson vào năm 1919, có sứ mạng gây dựng phong trào Cộng Sản Đông-Nam-Á, được huấn luyện và chỉ đạo bởi của Stalin & Cộng Sản Sô Viết, đã khai thác, lợi dụng sự chuyển biến chính trị thế giới trong hai trận thế chiến, sự tranh chấp quyền lực đảng phái trong một thể chế dân chủ & tâm lý quần chúng Hoa-Kỳ; đã tinh xảo xử dụng vũ khí tuyên truyền, gạn lọc “cách nhìn” của thế giới, đồng hóa Cộng Sản với chính nghĩa yêu nước, đã cướp công kháng chiến, xương máu của toàn dân VN giành độc lập từ thực dân Pháp; đã ảnh hưởng “cách nhìn” của chính phủ và giới truyền thông Hoa-Kỳ một cách tiêu cực về chính nghĩa, cũng như khả năng & tinh thần chiến đấu của chính phủ & dân quân miền Nam VN.  Theo phần Bạt của nhà văn Uyên-Thao sự lộ diện của CSVN năm 1945 “đã phá vỡ cơ hội chấm dứt cuộc chiến khôi phục chủ quyền đất nước khởi từ giữa thế kỷ 19 đặt VN vào tình thế phải tiếp nối cuộc chiến đã kéo dài.  Và, trong giai đoạn tiếp nối, người VN yêu nước không chỉ đối đầu với súng đạn trên lãnh thổ miền Nam mà còn bị tấn công trên thế giới bằng đủ mọi hình thức xuyên tạc, vu khống, lăng mạ, kết án…

Kính thưa quí vị,

Nếu quí vị cùng có những ưu tư cho vận mệnh đất nước, và mong mỏi những sai lầm của lịch sử sẽ không lập lại trên con đường khôi phục một tương lai đất nước Việt-Nam thực sự độc lập, tự chủ, tự do & no ấm, xin ân cần giới thiệu đến quí vị sử liệu “Than Hồng Chiến Cuộc” mà anh Phan Lê Dũng đã tận tuỵ chuyển ngữ với nhà văn Uyên Thao góp thêm tiếng vọng của lương tâm và ý thức trên quan điểm của một người Việt Quốc Gia, không Cộng Sản.

Xin Chân thành cám ơn quí vị đã lắng nghe.

 

Nguyễn Thành Công

 

*** Ghi Chú: Những chữ in nghiêng được trích từ trong sách chuyển ngữ “Than Hồng Chiến Cuộc)

 

 

 


No comments:

Post a Comment