Tủ Sách Tiếng Quê Hương sẽ cho Ra Mắt “Than Hồng Chiến Cuộc” và “Việt Nam: Đại Bi Kịch” vào ngày 29 Tháng Mười 2022 tại Virginia.
Vào cuối Tháng Mười năm nay, Tủ Sách Tiếng Quê Hương sẽ cho ra mắt hai tác phẩm Than Hồng Chiến Cuộc và Việt Nam: Đại Bi Kịch vừa được anh Phan Lê Dũng chuyển ngữ từ hai nguyên bản Embers Of War (tác giả Fredrik Logevall) và Vietnam: An Epic Tragedy (tác giả Max Hastings).
Buổi ra mắt sách sẽ được tổ chức tại: P.B. Hoàn Studio vào ngày thứ Bảy 29/10/2022, từ 11:00 AM – 1:00 PM.
Tủ Sách Tiếng Quê Hương ra đời năm 2000. Ngay từ khi đặt chân lên đất Mỹ cuối năm 1999, nhà văn Uyên Thao đã nghĩ đến chuyện thành lập một nhà xuất bản để in những tác phẩm nói lên hiện tình thực sự của đất nước. Từ năm 2000 tới 2022, Tủ Sách Tiếng Quê Hương đã xuất bản 90 tác phẩm nhiều thể loại. Hiện nay, dù sức khỏe ngày càng kém, ông Uyên Thao vẫn làm việc một ngày 10 tiếng: “Tất cả cố gắng của tôi là làm sao giới thiệu được những tác phẩm của những người viết trong nước, không có dịp đưa tiếng nói ra trước công chúng. Nỗ lực lớn nhất của tôi chỉ là cái đó thôi. Chớ ở tuổi 90 rồi thì không thể làm được việc gì khác.”
Dịch giả Phan Lê Dũng sinh quán ở Sài Gòn. Vượt biên 1978. Định cư Hoa Kỳ 1980. Tốt nghiệp University of Connecticut năm 1986. Đã viết bài cho báo Văn, Làng Văn (1985-1988), Hiệp Hội (1989-1997). Hiện cư ngụ tại tiểu bang Virginia (USA).
Các tác phẩm đã chuyển ngữ: Trong Gọng Kềm Lịch Sử (In The Jaws of History – Bùi Diễm và David Chanoff) (1988); Nét Chấm Phá Của Bức Điêu Khắc Truyền Thần (The Chinese Mosaic – Betty Bao Lord) (1990). Việt Nam-Cuộc Chiến Leo Dốc (Uphill Battle: Reflections on Viet Nam Counterinsurgency – Frank Scotton). Than Hồng Chiến Cuộc (Embers of War: The Fall of an Empire and the Making of America’s Vietnam – Fredrik Logevall). Việt Nam-Đại Bi Kịch 1945-1975 (Vietnam: An Epic Tragedy, 1945-1975 – Max Hastings). “Tôi Muốn Kể Lại Chuyện của Tôi”: Ký giả Nguyễn Tú và Cái Giá của Sự Can Đảm (“I Want to Tell My Story”: Journalist Nguyen Tu and the Price of Courage – George J. Veith).
Được biết Than Hồng Chiến Cuộc đã được dịch xong từ năm 2018, nhưng phải đình hoãn vì dịch COVID. Việt Nam: Đại Bi Kịch được hoàn tất năm 2022. Cả hai quyển đều được Tủ Sách Tiếng Quê Hương phát hành. Cả hai tác phẩm có nội dung về chiến tranh Việt Nam qua công trình nghiên cứu của sử gia Fredik Logevall, và kinh nghiệm, suy nghiệm của ký giả Max Hastings. Đại Bi Kịch của Max Hastings là một kịch bản vĩ đại kể lại những quyết định éo le chồng chéo bên cạnh nhiều câu chuyện thương tâm khó quên.
Theo Phan Lê Dũng:
“Max Hastings là một ký giả Anh tham gia cuộc chiến Việt Nam ngay từ lúc đầu. Ông là một trong số ký giả vào cuộc từ lúc ngồi tại phòng họp báo Tòa Bạch Ốc để nghe Tổng thống Johnson trò chuyện cùng một số phóng viên và là một trong số người cuối cùng rời Việt Nam với nỗi hồi hộp, kinh hoàng bùng lên khi chen chúc giữa đám người hốt hoảng đang cố tìm đường đào thoát. Gọi cuộc chiến Việt Nam là Đại Bi Kịch, Max Hastings mô tả phần đầu cuộc chiến mà Pháp gọi là “cuộc chiến bẩn thỉu”, mô tả Điện Biên Phủ như một “Thành Trì Hư Ảo”, mô tả Hiệp Định Geneve như chiếc nôi cho sự thoát thai của hai chính quyền Nam, Bắc: Hai chế độ Độc Tài Song Sinh. Nhưng Max Hastings chỉ lấy các bối cảnh to lớn đó để dựng lại các bi kịch li ti ít khi được ghi lại.”
Than Hồng Chiến Cuộc của sử gia Fredrik Logevall là quyển sách đoạt giải Pulitzer 2013, và cũng là một trong những quyển sách đã gây ra nhiều cuộc tranh luận khốc liệt, chẳng những chỉ ở ngoài mà ngay cả bên trong các khuôn viên đại học Harvard và Cornell, nơi ông giảng dạy. Anh Nguyễn Thành Công, một độc giả đã đọc cả nguyên tác lẫn bản Việt Ngữ đã nhận định “Tuy chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt gần 50 năm, nhưng Than Hồng Chiến Cuộc đã khơi lại những đề tài vẫn còn nóng bỏng, nhạy cảm, và gây xúc động sâu xa đối với đại đa số người Việt.”
Phát biểu về những độc giả Mỹ ghi lại cảm tưởng, bình luận khi đọc hai tác phẩm trên quầy sách trên mạng của Amazon, chị Trịnh Bình An cho biết: “Ba vào đọc những comments của độc giả Mỹ trên Amazon về 2 cuốn sách. Công nhận là họ chịu khó đọc và viết! Nhưng, cũng đúng, vì VN War vẫn còn là một bí ẩn lịch sử nhưng họ lại không chịu đau thương như người Việt nên vẫn có thể nhìn vào đó khá thản nhiên như người Việt đọc sử Tàu…”
Trong Than Hồng Chiến Cuộc, người Mỹ có nhiều ý kiến khác nhau về Hồ Chí Minh (có lẽ một phần vì ảnh hưởng vì những cuốn sách họ đã đọc). Cũng giống như trường hợp Tần Thủy Hoàng, người Tàu ngày nay nghĩ “Nếu Tần Thủy Hoàng không xây Vạn Lý Trường Thành thì đâu có kéo được du khách tới”. Nhưng nếu là người lao công phải vác đá xây thành thì họ nghĩ sao? Rồi lại có những phim như The Hero, bào chữa cho ý muốn thống nhất của Tần, giống như cuốn Đỉnh Cao Chói Lọi của Dương Thu Hương bào chữa cho ông Hồ. Tâm lý đám đông luôn thay đổi về hướng này hay hướng khác …”
Ban tổ chức kính mời quý đồng hương, quý độc giả đến tham dự buổi ra mắt sách sắp tới tại P.B. Hoàn Studio để nghe các diễn giả và dịch giả bàn luận thêm về hai tác phẩm và có thể mua ngay sách thay vì phải mua và đợi sách gửi về qua Amazon.
Được biết buổi ra mắt sách vào Thứ Bảy 29 Tháng Mười 2022 sẽ có cuộc thảo luận về hai tác phẩm do ông Đinh Hùng Cường đảm trách. Chương trình do MC Đào Hiếu Thảo điều khiển. Nhà văn Uyên Thao sẽ chia sẻ lý do hai tác phẩm được Tủ Sách Tiếng Quê Hương chọn dịch. Nhà văn Đào Trường Phúc sẽ giới thiệu Tủ Sách Tiếng Quê Hương đến quan khách. Nguyễn Thành Công và Destiny Nguyễn giới thiệu hai tác phẩm.
Buổi ra mắt hai tác phẩm Than Hồng Chiến Cuộc và Việt Nam: Đại Bi Kịch do Tủ Sách Tiếng Quê Hương tổ chức được VATV, Hội Người Việt Quốc Gia và một số thân hữu bảo trợ.
Mọi liên lạc, xin gọi:
Nhà văn Uyên Thao, điện thoại: (703) 573-1207; email: uyenthaodc@gmail.com.
Hoặc Võ Thành Nhân, điện thoại: (301) 257-8496; email: vatvnews@gmail.com;
Hoặc email cho Trịnh Bình An: trinhbinhandc@gmail.com
SOURCE:
No comments:
Post a Comment