1. Bốn mươi năm qua rồi, tại những cộng đồng tỵ nạn chúng ta, đã có hay chưa
một ngày chính thức vinh danh riêng các Cựu Chiến Binh Việt Nam Cộng Hòa? Một
ngày tưởng nhớ –một cách cụ thể, như nhân dân Mỹ đối với những veterans của họ
vào ngày 11/11 hằng năm– công ơn của các chiến sĩ Miền Nam Việt Nam đã chiến
đấu, hy sinh mạng sống hay một phần thân thể, và suốt cả tuổi xuân, để bảo vệ
mảnh đất quê hương và đồng bào trước sự xâm lăng ngu xuẩn, điên rồ bởi kẻ thù
phương Bắc, đầy tớ của bọn Cộng sản Nga, Tàu? Một ngày, nhân đó, để biểu lộ
tình đoàn kết giữa quân và dân tỵ nạn, hun đúc chí quật khởi, truyền gửi đến
các thế hệ mai sau trang sử vẻ vang của dân tộc và di sản tinh thần quý báu:
lòng yêu chuộng hòa bình và tự do, và sự thật về cuộc chiến Việt Nam.
May thay, ta có các tượng đài chiến sĩ VNCH ở một số tiểu bang.
Ta có những hội Cựu Quân Nhân địa phương. Đặc biệt, ta có ngày Quân Lực 19/6
–tương tự Armed Forces Day 20/5 của Mỹ tôn vinh những quân nhân tại ngũ đang
phục vụ trong mọi binh chủng. Đối với cựu chiến binh VNCH chúng ta, đã bị buộc
“giã từ vũ khí”, ngày Quân Lực VNCH, bây giờ, trong nguyên nghĩa, chỉ là kỷ
niệm mỗi năm thêm một chút ngậm ngùi về một dĩ vãng oai hùng có diễn binh, có
nhạc quân hành và cờ bay rợp trời, có lời hiệu triệu rền vang của lãnh đạo thuở
đất nước chưa rơi vào tay giặc. Là tiếc nuối mỗi năm thêm một chút đắng cay cho
một thời liệt oanh đã vĩnh viễn lìa xa.
Nhưng làm sao nói lên hết sự biết ơn thiết thực đối với những người, trên một
trang sử khác, bi thương hơn, một sớm một chiều phải buông súng và trở thành
cựu chiến binh tại hải ngoại, cũng như trên các nẻo đường Việt Nam, đó mới là
điều làm ray rứt lòng ta. Phải có một ngày dành riêng cho họ –những đại bàng
gãy cánh còn mãi luyến nhớ trời xanh và giấc mộng hải hồ chưa thỏa. Hay chúng
ta có thể lồng Ngày Cựu Chiến Binh VNCH vào ngày Quân Lực 19/6 hàng năm?
2. Bốn mươi năm qua rồi, VNCH đã bị xóa tên và không ai trong chúng ta còn tại
ngũ. Nhưng danh thơm của quân đội vẫn còn tỏa ngát, như là một trong những quân
đội anh hùng nhất thế giới. Sự hy sinh của các anh hùng vị quốc vong thân, các
vị tướng lãnh và quân nhân đã tuẫn tiết ngày 30/4 (ngoài Nhật ra, có quân đội
nước nào mà tướng lãnh và quân nhân đã tuẫn tiết hàng loạt, khi bại trận, như
VNCH chúng ta?), các thương phế binh sống vất vưởng trên hè phố quê hương, các
chiến sĩ lưu lạc ở khắp xứ người, vẫn lưu truyền sử xanh. Chiến công của quân
nhân các cấp, các binh chủng vẫn sáng ngời. Chúng ta không thua trước kẻ thù.
Chúng ta chỉ thua vì những thủ đoạn chính trị của những thế lực ngoại bang.
a) Người ta đã nhân danh “chính nghĩa” để chấm dứt (cũng như để bắt đầu) cuộc
chiến, dù biết rằng chiến tranh Việt Nam là một trong những chiến tranh có
chính nghĩa nhất, về phía Nam Việt Nam, không khác chi chiến tranh Cao Ly nơi
đó sự hiện diện, và số tử vong, của quân đội Mỹ và đồng minh cũng lên rất cao.
Thực vậy, Quân Lực VNCH chỉ làm nhiệm vụ tự vệ, không mang chiến xa xâm lấn,
hoặc pháo kích phần đất miền Bắc, chưa hề tấn công binh sĩ, phư nữ, trẻ em
ngoài đó. Hơn nữa, vào thời cực thịnh của đế quốc Cộng Sản, VNCH được xem, một
cách đúng đắn về mặt chiến lược, là tiền đồn Đông Nam Á duy nhất khả dĩ ngăn
chặn làn sóng đỏ, bảo vệ lý tưởng Tự Do và an ninh cho thế giới. Cho cả cái đám
phản bội, chủ hòa, chủ bại ở Sài Gòn, Paris, London hay Washington, ngày đêm ra
rả chửi bới, bôi nhọ quân đội ta và Mỹ, ca tụng lũ xâm lăng, cướp nước.
b) Người ta còn lên án chiến tranh Việt Nam là “tàn ác”. Nhưng trong lịch sử
thế giới có cuộc chiến tranh nào không tàn ác? Cuộc nội chiến Mỹ trước kia
không tàn ác sao? Thời lập quốc Hoa Kỳ, những di dân Anh và Tây Âu đã nương tay
đối với các bộ lạc da đỏ chăng? Có bao nhiêu triệu người đã bị giết bởi hai
cuộc thế chiến? Và thời đại bây giờ, cuộc chiến tại Nam Tư, Trung Đông,
Afghanistan, Iraq, và vài nước Phi Châu là nhân đạo đó ư? Tại Nam Tư gần 20 năm
trước, chẳng hạn, đã có hàng trăm ngàn trẻ em chết, bị thương, và phụ nữ bị hãm
hiếp và tàn sát, ở cả hai phe, sao không nghe bọn ký giả hoạt đầu chính trị và
đạo đức giả quốc tế lên tiếng phản đối, như họ đã dựng chuyện một cách hàm hồ
trước đây đối với Nam Việt Nam? Trở lại Việt Nam, hồi Tết Mậu Thân, Việt Cộng
đã chôn sống hàng vạn dân lành, vô tội, sao họ im thin thít, để chỉ rình dịp
khai thác ầm ĩ vài sự kiện cá nhân riêng lẻ về phía quân đội đồng minh và VNCH?
Rồi sau 30/4/75 khi hàng ngàn sĩ quan bị lùa vào các trại tập trung cải tạo,
chịu bao bất công, đọa đày, đã có ai trong cái gọi là tổ chức nhân quyền thế giới
dám ló mặt ra, hoặc đến tận nơi để phản đối, tố cáo bọn lãnh đạo Việt Cộng?
c) Người ta bảo guồng máy chính trị của Miền Nam Việt Nam là “thối nát”. Nhưng
bản chất của chính trị vốn là xấu xa, dơ bẩn, ở bất cứ nơi nào, không riêng tại
Miền Nam Việt Nam trước đây, nếu có. Và Việt Nam bây giờ, dưới ách thống trị
của lũ Việt Cộng, còn thối nát gấp bội –điều không ai chối cãi nổi. Chế độ VNCH
có khuyết điểm, dĩ nhiên, giống như đa số chế độ tự do, dân chủ trên thế giới.
Lãnh đạo có thể kém cỏi, hèn nhát. Nhưng không bởi thế mà người ta có quyền hy
sinh cả một quốc gia, hạ nhục, phỉ báng những người vì hiểm họa Cộng Sản và sự
đánh phá của Việt Cộng đã bắt buộc phải đứng lên cầm súng để chống giữ đất nước
và gia đình, và trong trường hợp các quân đội bạn chiến đấu tại Việt Nam, để
bảo vệ lý tưởng Tự Do chung.
3. Bốn mươi năm qua rồi, cuộc chiến đã tàn, nhưng kỷ niệm vẫn tràn đầy, xót xa
như trăm ngàn mũi tên vô hình xuyên qua trái tim còn rỉ máu của các cựu chiến
binh VNCH kiêu hùng đã một thuở dọc ngang, tang bồng hồ thỉ, coi cái chết nhẹ
tựa lông hồng. Giờ này, họ ở đâu? Còn dãi dầu mưa nắng ở các vùng kinh tế mới,
chợ trời, làng tỵ nạn, hay còn kéo lê chuỗi ngày tàn trong các trại giam? Họ
đau xót, không phải chỉ vì đã bị trói tay để thất trận trong khi quyết tâm và
vũ khí có thừa, không phải chỉ vì bị cầm tù, đày ải, mà còn vì bị lãng quên, có
khi coi thường –nhất là đối với các anh em mới đến xứ người– bởi chính đồng bào
ruột thịt mà trước kia họ đã xả thân bảo vệ. Nói chi lớp con cháu sinh ra, lớn
lên tại ngoại quốc không thể hiểu tại sao chúng ta phải chống Cộng, và tiếp tục
chống Cộng.
Chưa có một ngày gọi là Ngày Cựu Chiến Binh VNCH. Tại đây, Ngày D-Day, Veterans
Day được dân Mỹ tổ chức trang trọng, rầm rộ làm tăng thêm nỗi cô đơn, ê chề của
các cựu chiến binh Việt Nam, ít được ai nhắc nhở. Trên bình diện chính nghĩa,
không có gì khác biệt giữa cuộc đổ bộ của quân Mỹ ở bờ biển Normandie và sự
chiến đấu của họ tại Việt Nam và phần đóng góp xương máu không nhỏ của quân lực
VNCH: cùng chống kẻ xâm lược, gọi nôm na là bad guys, Hitler, hay Hồ Chí Minh.
Có khác chăng là thành bại. Nhưng thành bại đâu luận anh hùng, như cổ nhân đã
nói. Trường hợp Việt Nam, người ta đã cố tình đồng hóa chiến tranh với chiến
binh. Người ta chê quân đội VN kém cỏi, không đủ sức chống cự. Người ta xuyên
tạc lịch sử, bóp méo sự thật, để biện minh cho sự lật lọng và đầu hàng. Hoặc
thời gian quá lâu đã xóa nhòa những đắng cay, tủi nhục trong hồn người lưu vong
đang cố quên.
Nhưng tại sao phải quên? Tại sao có mặc cảm tội lỗi –như các cựu chiến binh Mỹ
tại Việt Nam về nước trước 30/4– vì đã chiến đấu cho chính nghĩa của mình? Dù
đời có nhìn ta thế nào, dù kẻ thù vẫn tiếp tục lớn họng bôi nhọ, dù đồng minh
coi ta như một giai đoạn lịch sử, dù thân thế có nát với cỏ cây, thì hãy cứ ngẩng
mặt, hiên ngang, hãnh diện với quá khứ và sứ mệnh tổ quốc đã trao, hỡi các cựu
chiến binh VNCH mến yêu –những anh hùng của thời tao loạn, những hậu duệ xứng
đáng của Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung, những người
chúng tôi kính trọng về tư cách và danh dự, và mang nặng ân sâu. Dù nước mất
nhà tan, mái đầu có bạc, thì hãy cứ làm như Đặng Dung xưa kia, mài kiếm dưới
trăng thanh:
Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay
....................
Thù trả chưa xong đầu đã bạc
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày!
Nghĩa là không bỏ cuộc, đầu hàng. Nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu.
Lần này, trên một trận tuyến mới: chiến đấu chống bọn lãnh đạo Việt Cộng tự
phong độc tài, áp bức, bán nước tại Việt Nam. Chiến đấu cho toàn dân Việt có tự
do, quyền làm người, và một đời no ấm.
Portland, 11/11/2015 nhân Ngày Veterans Day, buồn tủi trên xứ người
NLGO
SOURCE:
https://vietbao.com/a245592/mot-ngay-cho-cuu-chien-binh-vnch
No comments:
Post a Comment