RFA
22/01/2023
Lính VNCH tham chiến tại Sài Gòn hồi
Tết Mậu Thân 1968 /AP
Tết Quý Mão 2023 là kỷ
niệm 55 năm sự kiện Tết Mậu Thân 1968. RFA phỏng vấn Tiến
sĩ George Jay Veith về một vài khía cạnh của sự kiện này. Tiến sĩ George
Jay Veith là tác giả của bốn cuốn sách về chiến tranh Việt Nam: “Mật danh
Bright Light” (Code Name Bright Light, xuất bản năm 1998), “Không bỏ lại một
ai” (Leave no man behind, 2004), “Tháng Tư đen” (Black April, 2012), “Tuốt kiếm
viễn chinh” (Drawn Swords in a Distant Land, 2021).
RFA: Xin cảm ơn Tiến sĩ
George Jay Veith đã dành cho thính giả của chúng tôi cuộc phỏng vấn về chiến
tranh Việt Nam và Tết Mậu Thân 1968. Ông lớn lên sau chiến tranh nhưng đã viết
bốn cuốn sách về nó. Tại sao ông quan tâm đến cuộc chiến đó?
Jay Veith:
Vâng, tôi luôn rất quan tâm đến lịch sử quân sự. Từ nhỏ tôi luôn muốn trở thành
một nhà nghiên cứu viết sách về quân sử. Rồi rất nhiều năm trước, một người bạn
của tôi nhờ tôi giúp thực hiện một số nghiên cứu về POW (tù binh chiến tranh) /
MIA (những người lính mất tích trong chiến tranh) của Mỹ. Vì vậy chúng tôi đã
đến Doanh trại quân đội Carlisle khá gần chỗ tôi, nơi có Trường Đại học Lục
quân Hoa Kỳ (US Army War College). Lúc đó họ có một phòng tư liệu lưu giữ tài
liệu của Bộ Chỉ huy Quân sự Hoa Kỳ. Đó là những tài liệu đã được giải mật nên
chúng tôi được ngồi đọc. Khi bắt đầu xem qua các tập tài liệu, tôi bắt đầu tìm
thấy bản báo cáo từ đơn vị chịu trách nhiệm giải cứu cả tù binh Mỹ và Nam Việt
Nam. Và sau một thời gian, tôi thầm nghĩ: nào, chưa từng có ai viết về những
điều này. Vì vậy, đây là một cơ hội hoàn hảo để tôi viết cuốn sách đầu tiên. Đó
là khởi đầu của cuốn sách “Mật danh Bright Light” xuất bản năm 1998. Và sau khi
người ta xuất bản cuốn sách đầu tiên của tôi về chiến tranh Việt Nam, nó trở
thành một động lực làm tôi rất quan tâm và tiếp tục làm việc.
Bài
học địa lý quân sự ở Miền Nam Việt Nam
RFA: Trong chiến tranh,
Bắc Việt Nam đã có ba cuộc tấn công lớn vào miền Nam: 1968, 1972 và 1975. Xin
ông giải thích sự khác nhau giữa cuộc tấn công Mậu thân 1968 và các cuộc tấn
công kia. Nhiều học giả, nhà báo, nhân chứng lịch sử đã nói về Tết Mậu Thân
1968. Vì vậy, hôm nay chúng tôi muốn tập trung thêm vào một khía cạnh mới: các
yếu tố địa lý trong cuộc tấn công này. Ông đã nói nhiều lần rằng địa lý quân sự
là một khó khăn để phòng thủ từ phía Nam Việt Nam. Xin vui lòng giải thích về
điều này.
Jay Veith:
Vâng, ở đây có hai vấn đề. Trước hết, trong cuộc chiến đó, có bốn lần Bắc Việt
Nam tấn công lớn vào Nam chứ không phải ba: Năm 1965 Bắc Việt Nam tấn công lớn
và Mỹ đã đánh trả. Rồi đến năm 1968, năm 1972, và cuối cùng năm 1975. Có bốn
chiến dịch tấn công lớn như vậy.
Trong đó, cuộc tấn công
Tết Mậu thân 1968 là nhằm vào các thành phố, nơi đặt các trụ sở chính phủ. Sau
cuộc tấn công Mậu thân thì các lực lượng Cộng sản bị đẩy lui qua biên giới, nên
cuộc tấn công năm 1972 của họ nhằm mục đích lấy lại nông thôn, không phải các
thành phố. Cuối cùng, cuộc tấn công năm 1975 thì kết hợp tính chất của cả hai
cuộc tấn công trước.
Cuộc Tổng Công Kích Tết
Mậu Thân 1968 thực sự được thiết kế để tạo một đòn sấm sét vào các thành phố,
nhằm lật đổ chính quyền miền Nam Việt Nam. Lúc đó người Cộng sản tin rằng người
dân đã sẵn sàng vùng lên chống lại một chính quyền độc tài, và Quân đội Việt
Nam Cộng Hòa (VNCH) sẽ sụp đổ.
Điều mà tôi đã cố gắng
chỉ ra trong cuốn sách của mình là phía Cộng sản đã hoàn toàn sai. Trong vài
năm trước Tết Mậu thân 1968, miền Nam Việt Nam đã có bốn cuộc bầu cử. Và việc
bình định nông thôn ngày càng được chú trọng. Việt Nam Cộng hòa đã ngày càng
chú trọng vào việc cố gắng đưa người dân tham gia vào chính phủ để thu hút họ
tham gia vào các vấn đề của đất nước. Tôi nghĩ rằng đó là lý do tại sao trong
Tết Mậu thân 1968, người dân đã không theo phía Cộng Sản mà thay vào đó, họ đã
chống trả.
Việc đánh trả để tự vệ là
điều tự nhiên, nhưng tôi nghĩ cũng là do trong hai năm trước cuộc tấn công Mậu
thân năm 1968, người dân miền Nam đã đầu tư nhiều vào việc kiến quốc và vì vậy
họ xác định đất nước không chỉ là nhà của họ.
Bây giờ chúng ta nói về
khía cạnh địa lý của cuộc chiến này. Rất đơn giản. Các bạn biết Việt Nam là một
đất nước rất dài, hãy hình dung nó trải dài như thế này từ Bắc xuống Nam. Rất
hẹp phải không? Trong thuật ngữ quân sự, hai cạnh hai bên được gọi là “sườn.” Ở
Nam Việt Nam, sườn bên rất hẹp, và rất dễ cho bên tấn công phòng thủ từ
đó.
Sườn bên rất dài, tôi
nghĩ khoảng 1300 dặm (khoảng 2000 km), được bao phủ bởi rừng núi. Sườn bên hầu
như không có dân cư, rất dễ cho đối phương ẩn nấp. Nó cũng dễ cho bên tấn công
có thể tập hợp lực lượng cỡ lớn, gồm quần chúng và toàn quân của mình để có thể
linh hoạt đánh bất cứ đâu.
Điều đó tạo ra tình thế
rất khó tự vệ. Phía Nam Việt Nam không thể đặt quân dọc theo cái sườn phía tây
để phòng thủ. Như các bạn thấy đấy, họ không thể cứ mỗi mét lại đặt một anh
lính phòng thủ. Vì vậy Nam Việt Nam rất khó phòng thủ. Về mặt địa lý quân sự,
họ hoàn toàn bị hở cả hai sườn cho bất kỳ bên tấn công nào. Tôi hy vọng điều
này có ý nghĩa để giải thích một cái gì đó.
RFA: Trên một chiến
trường có đặc điểm địa lý như vậy, ở Miền Nam Việt Nam, người ta cần những gì
để tự vệ thành công? Yếu tố địa lý và phương tiện kỹ thuật quân sự mà miền Nam
Việt Nam có được lúc đó có ảnh hưởng như thế nào đến công cuộc phòng thủ của họ
năm 1968 và kết cục cuộc chiến năm 1975?
Jay Veith:
Vào năm 1968, Nam Việt Nam có người Mỹ ở đó cùng tất cả hỏa lực của họ. Người
Mỹ, miền Nam Việt Nam đã chiến đấu bên cạnh Nam Hàn và những đồng minh khác. Họ
có nhiều quân đội Đồng minh hơn, lại có thêm rất nhiều hỏa lực để phòng thủ, và
vì vậy họ đẩy lùi được cuộc tấn công của phía Cộng sản miền Bắc.
So sánh với năm 1975 thì
khác. Để trả lời câu hỏi về phương tiện chiến tranh tương thích để phòng thủ
trong một vùng địa lý quân sự như vậy, tôi nghĩ Nam Việt Nam trước hết cần một
vài phương tiện quân sự để chống lại một kẻ thù có thể tấn công họ từ bất kỳ
hướng nào.
Họ cần thông tin tình báo
về những gì đối phương đang làm, nơi đối phương đang tập trung. Sau đó họ cần
tổ chức phòng thủ mặt đất sao cho họ có thể sống sót được trong khi chấp nhận
mất lợi thế vì đối phương tiến tới với hỏa lực áp đảo.
Cái họ cần là họ phải tổ
chức sao cho dù bị mất đất nhưng có đủ hỏa lực để tiêu diệt các binh đoàn địch.
Có phải không nào? Họ cần thông tin tình báo. Họ cần không lực, hỏa lực mặt
đất, và sau đó họ cần khả năng cơ động để điều động quân đội của mình chống lại
đối thủ.
Nhưng năm 1975 Miền Nam
thiếu tất cả những điều đó. Họ không còn thông tin tình báo tinh nhạy như trước
vì người Mỹ đã biến mất. Họ không còn hỏa lực nữa do bị cắt viện trợ và chắc
chắn là nó không có khả năng cơ động vì nhiên liệu, đạn dược và mọi thứ khác bị
cắt nguồn cung. Và cuối cùng, họ đã mắc phải một số sai lầm nghiêm trọng về
quân sự. Các nhà lãnh đạo quân sự Nam Việt Nam đã phán đoán sai lầm về địa điểm
Miền Bắc sẽ tấn công.
Ngoài ra, Bắc Việt Nam đã
học được bài học năm 1972. Họ đã hiệp đồng giữa các binh chủng và mặt trận tốt
hơn trong các cuộc tấn công của mình và mọi thứ khác. Vì vậy, sự kết hợp của
tất cả những khó khăn và sai lầm của Nam Việt Nam cũng như sự tiến bộ quân sự
của miền Bắc nêu trên cùng một lúc đã dẫn đến thất bại của Nam Việt Nam năm
1975.
RFA: Ông có nhắc đến
không quân. Không Quân VNCH rất mạnh. Nhưng ông biết đấy, trong Mậu thân 1968
thì Không quân VNCH giúp miền Nam áp đảo đối phương và phòng thủ thành công,
còn vào năm 1975, không quân dường như không đóng vai trò gì lớn trong việc phòng
thủ của họ. Tại sao?
Jay Veith:
Năm 1968 thì Nam Việt Nam còn đủ nhiên liệu, đạn dược. Hỏa lực đủ mạnh để đảo
ngược tình thế. Điều khác biệt của không quân Nam Việt Nam trong hai lần phòng
thủ 1968 và 1975 là năm 1975 thì họ đã hết nhiên liệu. Năm 1975 họ chỉ còn một
giới hạn giờ bay mỗi tháng. Lúc đó bị khủng hoảng dầu lửa, nhiên liệu vô cùng
đắt đỏ. Ngoài ra, họ thiếu phụ tùng thay thế. Vì vậy lúc đó, điều họ có thể làm
chỉ là cố gắng chống lại các cuộc tấn công từ một số hướng chính, nhưng có quá
nhiều hướng tấn công nên họ không thể đánh chặn ở khắp mọi hướng. Ngoài ra, các
sân bay quân sự đã được Bắc Việt Nam biết đến và họ có pháo binh để bắn phá,
giữ cho máy bay của Nam Việt Nam không cất cánh.
Thảm
sát ở Huế: điều gì gây ra thảm họa?
RFA: Nhiều tư liệu nói về
vụ thảm sát của Bắc Việt Nam ở thành phố Huế trong Tết Mậu thân 1968. Là một
nhà sử học, ông có biết có bằng chứng nào về vụ thảm sát đó không? Và tại sao
họ lại làm như vậy?
Jay Veith:
Có. Bằng chứng là hàng ngàn thi thể mà Nam Việt Nam tìm thấy được chôn trong
các ngôi mộ tập thể. Chưa bao giờ có một lời giải thích rõ ràng về lý do tại
sao Bắc Việt Nam cố tình nhắm mục tiêu và giết chết rất nhiều công chức địa
phương miền Nam Việt Nam ở Huế mà không phải ở các thành phố khác.
Với những tư liệu hiện
tại, gần như khó có thể nói gì khác hơn rằng dường như đó là một kiểu trả thù
nào đó đối với một số công chức địa phương ở Huế vì những gì đã xảy ra trước đó
vào năm 1966. Nhưng đó chỉ là phỏng đoán thuần túy. Chưa bao giờ có lời giải
thích rõ ràng vì phía Cộng sản luôn phủ nhận có bất kỳ vụ thảm sát nào. Chúng
tôi chưa bao giờ có một lời giải thích rõ ràng về những gì đã xảy ra.
Một phụ nữ khóc bên xác
người chồng được tìm thấy trong số 47 thi thể tại một hố chôn tập thể ở Huế hôm
11/4/1969. Các nạn nhân được cho là bị giết khi quân Bắc Việt chiếm Huế vào năm
1968. AP
RFA: Ông vừa nói là vụ
thảm sát chỉ xảy ra ở Huế chứ không xảy ra ở các thành phố khác. Đó có thể là
mấu chốt của vấn đề?
Jay Veith: Đúng
vậy, nhưng trong Tết Mậu thân, những người Cộng sản đã chiếm giữ nhiều thành
phố. Trong đó, họ chiếm giữ Huế trong vài tuần. Họ chiếm vài địa điểm trong Sài
Gòn để chờ đại quân đến chi viện. Họ cũng từng tấn công lại đợt khác như đến
tháng 7 thì đánh tiếp trong vài ngày. Có vẻ như không có bất kỳ kiểu hành quyết
tương tự nào ở thành phố đó. Nhưng trận chiến ở mỗi thành phố cũng rất khác
nhau, vì vậy thật khó để nói điều gì. Tuy vậy, có thể nói là trong Tết Mậu
thân, có điều gì đó đã xảy ra ở Huế theo cách khác với cuộc chiến ở các thành
phố khác. Chưa bao giờ sự việc ở Huế được giải thích rõ ràng.
RFA: Về cách mà cuộc
chiến diễn ra ở Huế khác với các nơi khác, ông Bùi Tín, nguyên Tổng Biên tập
báo Nhân dân, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, từng giải thích vì sao sự khác
biệt đó gây ra thảm họa. Ông ấy nói rằng không có một mệnh lệnh nào từ trung
ương chỉ đạo phải giết các công chức địa phương ở Huế, nhưng có hai yếu tố
khiến cho cuộc thảm sát xảy ra. Một là tuyên truyền. Họ tuyên truyền rằng Huế
là đất của địch. Ở đó chỉ có bọn phản cách mạng nên phải bắt hết. Vì vậy khi
chiếm giữ Huế trong hơn 3 tuần thì họ đã bắt giữ hàng ngàn công chức địa
phương. Hai là khi Quân đội Nam Việt Nam và Mỹ phản công thì họ nhận được lệnh
là phải mang theo tù binh khi rút chạy, không được để tù binh lại. Việc mang
theo hàng ngàn tù binh là bất khả thi nên họ chỉ còn cách là phải giết.
Jay Veith:
Vâng, điều đó chắc chắn là đúng, nhưng đó vẫn không phải là toàn bộ câu chuyện.
Vì còn có rất nhiều người khác đã trở thành mục tiêu của “tòa án nhân dân”, bị
bắt đi và bị xử bắn.
Chúng ta biết là có một
danh sách được lập trước, chia thành từng nhóm 10 người, họ gồm cả những giáo
viên “phản cách mạng”. Bất kể những người ấy là ai, các “tòa án nhân dân” xử tử
hình họ đã được tổ chức và thực hiện giống như phiên tòa Cải cách Ruộng đất
những năm 1950 ở miền Bắc.
Vì vậy, đúng là trong Mậu
thân 1968, cuộc chiến ở Huế đã xảy ra khác với các nơi khác và nó dẫn đến bi
kịch, nhưng rõ ràng có nhiều lý do hơn thế để khiến cho thảm kịch xảy ra. Điều
đó xứng đáng có câu trả lời.
RFA: Các nhà nghiên cứu
lịch sử chiến tranh Việt Nam đã nói rất nhiều về Tết Mậu Thân 1968. Xin ông cho
biết từ trước đến nay các nhà sử học thường quan tâm đến những vấn đề gì? Những
vấn đề nào của cuộc tấn công này còn chưa được nói đến, cần được làm rõ?
Jay Veith: Vâng,
phía Mỹ có cuốn sách của Erik Villard đã ra mắt cách đây vài năm. Cuốn sách này
phân tích khá kỹ lưỡng vấn đề. Ông ấy là nhà sử học chuyên về Việt Nam tại
Trung tâm Lịch sử Quân sự của Quân đội Hoa Kỳ. Tôi biết bạn tôi, Giáo sư Liên
Hằng, đã viết một cuốn sách về Tết Mậu Thân từ phía Bắc Việt trong nhiều năm.
Nếu có một phía chưa được nói đến thì đó là phía Nam Việt Nam. Để làm được điều
đó, cần phải nghiên cứu nhiều hồ sơ, tư liệu. Hy vọng rằng những người còn sống
sẽ nói về điều đó. Các đơn vị quân đội của Nam Việt Nam đã chiến đấu rất ngoan
cường, gánh chịu những đau thương nặng nề. Đó là một bên vẫn còn thiếu vắng
trong các nghiên cứu sử học về trận chiến này.
RFA: Cảm ơn ông đã dành
cho chúng tôi buổi phỏng vấn
SOURCE:
https://www.rfa.org/vietnamese