January 18, 2022
Võ Trung Tín.
CSBV và VC thường xử dụng lãnh thổ Kampuchea dọc theo biên giới Miên-Việt như là một mật khu an toàn để dưỡng quân, chấn chỉnh đơn vị và xuất phát các cuộc tấn công vào miền Nam Việt Nam mà không bị QLVNCH và đồng minh trả đũa. Và cũng là căn cứ địa tồn trữ quân trang, quân dụng, chiến cụ và thực phẩm để tiếp tế cho Việt Công tại miền Nam.
CSBV bắt đầu chuyển quân xuyên Kampuchea vào năm 1963. Ðến năm 1965 ông Sihanouk với chiêu bài trung lập nhưng đã bí mật chấp nhận cho CSBV và VC thiết lập các căn cứ địa để dưỡng quân, đồn trú, lánh nạn trên lãnh thổ xứ chùa tháp, đồng thời sử dụng hải cảng Sihanoukville để xâm nhập người và chiến cụ do khối cộng sản viện trợ. Mục đích chỉ là để trục lợi thôi. CSBV và VC càng lúc càng lợi dụng tối đa lãnh thổ Kampuchea làm nơi phát xuất và tấn công vào miền Nam Việt Nam. Trong lúc đó, CSBV cũng thành lập một đơn vị đặc nhiệm gọi là P36 để chuyên việc huấn luyện cho bộ đội Khmer đỏ của Polpot cũng như ngăn chận mọi việc đụng chạm giữa VC & Khmer đỏ với lực lượng quân đội Hoàng Gia Kampuchea.
Khó chịu vì sự quá đáng của CS, năm 1968 chính quyền Kampuchea tái khẳng định đường lối trung lập. Lực lượng Khmer Ðỏ do Hà Nội hỗ trợ đã nổi loạn và chống đối chính quyền. Cho đến tháng 3/1969 Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ đồng ý chấp nhận yểm trợ sự trung lập của Kampuchea và trên 3,000 phi vụ B-52 được rải những thảm bom xuống các căn cứ địa của CSBV trên đất Kampuchea trong suốt 14 tháng liền. Hầu hết các căn cứ địa của Việt cộng và Khmer đỏ đều bị thiệt hại nặng. Trong chuyến viếng thăm VNCH trong tháng 2/1970 Bộ Trưởng Quốc Phòng Laird chấp thuận cho Tướng Abram yểm trợ QLVNCH truy kích quân cộng sản qua lãnh thổ Kampuchea nếu thấy sự an toàn bị đe dọa. Tuy nhiên, các cuộc đột kích đều được giữ bí mật.
Ngày 18/3/1970, lợi dụng lúc ông Sihanouk xuất ngoại, Thủ tướng Lon Nol cùng Hoàng thân Sirik Matak đứng lên đảo chánh lật đổ Quốc Vương Sihanouk và ra lệnh quân đội tấn công vào các căn cứ địa của cộng sản trên đất Chùa Tháp. Trước sự phản phé của thuộc cấp, ngày 20/3/1970 Sihanouk hô hào dân chúng ủng hộ quân Khmer đỏ (thật sự là VC ở sau lưng) võ trang phản công trên khắp các khu vực biên giới Miên-Việt và cắt đứt trục lộ chính từ Cảng Sihanoukville và thành phố Kompong Cham dẫn vào Thủ đô Nam Vang.
Ngày 27/3/1970 đáp lời kêu gọi giúp đỡ của Thủ tướng Lon Nol, một Tiểu Ðoàn Biệt Ðộng Quân Việt Nam Cộng Hòa đã vượt biên giới đánh bại quân CSBV tại một căn cứ trong nội địa Kampuchea cách biên giới khoảng 3km.
Ngày 14/4/1970 Chính phủ Lon Nol chính thức kêu gọi quân đội Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa giúp đỡ về quân sự để đánh đuổi quân cộng sản.
Ngay trong ngày nhận được sự yêu cầu của tân chính phủ Kampuchea, Các BTL/Quân Lực Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa đã quyết định thực hiện một loạt các cuộc hành quân ngoại biên để truy quét cộng quân. Đây là những cuộc hành quân hỗn hợp với nỗ lực chính là các Sư Đoàn Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa thuộc các Quân Đoàn 3 và 4, một số đơn vị Tổng Trừ Bị của Bộ TTM Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH). Cuộc hành quân mang tên “Toàn Thắng” vượt qua biên giới Kampuchea do Trung Tướng Ðỗ Cao Trí chỉ huy nhằm mục đích:
1. Thanh toán các căn cứ địa của CS dọc biên giới Miên-Việt; nơi mà VC dùng làm chỗ dừng quân, bổ sung quân số và là nơi xuất phát các cuộc tấn công sang Nam Việt Nam
2. Yểm trợ cho chính phủ và quân đội Kampuchea giải tỏa áp lực cộng sản đang chiếm đóng và bao vây một số những thị trấn, đô thị hay tỉnh lỵ.
3. Hồi hương và trợ giúp những Việt Kiều đang bị những người Miên quá khích khủng bố hoặc chính phủ Kampuchea đang tập trung tại các trại tỵ nạn với một đời sống cơ cực và tinh thần đang bị giao động.
Phóng đồ Chiến dịch Bình Tây tháng 5 & 6/1970
Từ ngày 20/3 đến ngày 30/6/1970 có tất cả 23 cuộc hành quân cấp khu và liên quân khu trong đó có 5 cuộc hành quân hỗn hợp Việt-Mỹ. Sau ngày 30/6/1970 lực lượng quân sự Hoa Kỳ rút ra khỏi Kampuchea do áp lực của Quốc Hội Hoa Kỳ, QLVNCH vẫn tiếp tục hành quân vượt biên phá hủy các cơ sở hậu cần các căn cứ địa của VC dọc biên giới.
Kết quả các cuộc hành quân này theo tài liệu do Phòng 3 Bộ Tổng Tham Mưu phổ biến cho thấy có 15,837 cán binh VC bị hạ tại trận, 1,884 bị bắt sống, tịch thu 2,832 súng cộng đồng và 26,186 vũ khí cá nhân. Về phía VNCH thiệt hại coi như là quá nhẹ chỉ có 66 tử thương và 330 bị thương. Kể từ sau các cuộc hành quân vượt biên của QLVNCH tình hình chiến sự toàn quốc lắng dịu. VC hoàn toàn ở trong thế bị động.
The Ho Chi Minh and Sihanouk Trails – by Thomas A. Bruscino, Jr.
Hành Quân Toàn Thắng 42
Từ ngày 29/4/1970 đến 22/7/1970
Trước cuộc hành quân Toàn Thắng 42, Trung Tướng Trí đã tổ chức nhiều cuộc hành quân dọc biên giới, nhất là cuộc hành quân Toàn Thắng 41, cho nên khi cuộc hành quân Toàn Thắng 42 khai diễn, QLVNCH tập trung quân đông đảo tại biên giới thuộc tỉnh Tây Ninh để xuất phát tràn sang Kampuchea thì tin tình báo cộng quân vẫn ước đoán là quân ta chỉ hành quân loanh quanh vùng biên giới.
Hành Quân Toàn Thắng 41: Khai diễn từ ngày 13/4/1970 để càn quét khu vực biên giới vùng Cánh Tiên, cuộc hành quân chỉ kéo dài có 3 ngày. Bắt đầu từ 08.00 giờ sáng, lực lượng hành quân vượt qua biên giới với sự trợ giúp hỏa lực của SÐ25BB Hoa Kỳ bên này biên giới. 3 Chiến đoàn với chiến xa yểm trợ đã càn quét một vùng rộng lớn Sway-Riêng hay còn gọi là “Cánh Tiên” sát biên giới Gò Dầu Hạ Tây Ninh. Ðến buổi trưa lực lượng Việt Nam Công Hòa đã đi sâu vào quá 8km. Cộng quân chống trả yếu ớt và bỏ chạy tán loạn. Sau 3 ngày hành quân lực lượng QLVNCH đã dẫm nát cơ sở hậu cần của địch, phá hủy nhiều kho tàng to lớn gồm vũ khí, thuốc men, thóc gạo, mìn bẫy, v.v…
Trên 700 xác CS bỏ tại trận, 37 bị bắt sống, vô số quân trang quân dụng và vũ khí còn tốt bị tịch thu. Về phía VNCH có 8 binh sĩ bị hy sinh.
Ngày 20/4/1970 một cuộc hành quân khác do Lữ Ðoàn 4 Kỵ Binh tổ chức gồm 3 Thiết Ðoàn Kỵ Binh và 3 Tiểu Ðoàn BÐQ lại vượt biên giới càn quét vùng Ổ Quạ. Sau 2 ngày đụng độ dữ dội, cộng quân rút lui và bỏ lại nhiều kho vũ khí và quân dụng.
Ngày 28/4/1970, Thiết Ðoàn 2 và 6 Kỵ Binh cùng với các đơn vị Ðịa Phương Quân trở lại vùng Ổ Quạ nhưng không có cuộc đụng độ nào được ghi nhận.
Hành Quân toàn Thắng 42: Theo kế hoạch của Quân Đoàn 3, chiến dịch hành quân ngoại biên mang tên là Toàn Thắng 42 do Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn soạn thảo đã tiến hành trong vòng tối mật và các đơn vị tham chiến chỉ nhận được lệnh tổng quát vào ngày 27 tháng 3/1970 là chuẩn bị tham dự một cuộc hành quân lớn. Sư Đoàn 18 Bộ Binh là một trong những nỗ lực chính. Yểm trợ về không quân cho cuộc hành quân là các không đoàn chiến thuật của Không Quân VNCH và Không Lực Hoa Kỳ tại Việt Nam. Tổng chỉ huy chiến dịch Toàn Thắng 42 là Trung Tướng Đỗ Cao Trí, Tư Lệnh Quân Đoàn 3 và Vùng 3 Chiến Thuật.
Lực lượng hành quân:
Hành Quân Toàn Thắng 42 chính thức khai diễn vào ngày 29/4/1970 gồm 6 giai đoạn tấn công: Năm giai đoạn đầu Quân Lực VNCH phối hợp với quân đội Hoa Kỳ. Giai đoạn cuối sau ngày 30/6 do Quân Đoàn III phụ trách đơn độc. Mục tiêu cuộc hành quân giai đoạn 1 và 2 là càn quét khu Mỏ Vẹt từ biên giới tới Sway-Riêng; giai đoạn 3 càn quét từ Sway-Riêng lên đến vùng Đầu Chó (Tây Bắc tỉnh Tây Ninh); giai đoạn 4 khai thông QL-1 từ Sway-Riêng đến Kompong Trabeck; giai đoạn 5 tấn công vào đồn điền Chup và giai đoạn 6 sau cùng đưa quân tấn chiếm đồn điền Mi-mốt.
Lực lượng tham chiến gồm có Sư Đoàn 18BB, Trung Đoàn 46/SĐ25BB, Liên Đoàn 3BĐQ, 4 Thiết Đoàn Kỵ Binh và Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù. Các đơn vị này được tổ chức thành 3 Chiến Đoàn. Mỗi chiến Đoàn gồm một Thiết Đoàn Kỵ Binh, 2 hay 3 Tiểu Đoàn Bộ Binh, BĐQ hay Nhảy Dù, quân số tương đương một Trung Đoàn.
– Chiến Đoàn Đặc Nhiệm 225: gồm Trung Đoàn 46/SĐ25BB cùng một Thiết Đoàn Kỵ Binh
– Chiến Đoàn Đặc Nhiệm 318: Lực lượng xung kích gồm hai Trung Đoàn 43 và Trung Đoàn 48 thuộc Sư Đoàn 18 Bộ Binh. Lực lượng yểm trợ hỏa lực gồm có một Tiểu Đoàn Pháo Binh 105ly, hai pháo đội 155ly, một pháo đội hỗn hợp (105 và 155ly) của Tiểu Đoàn 38 Pháo Binh Quân Đoàn 3, các pháo đội Pháo Binh thuộc Sư Đoàn 18BB, 2 chi đoàn của Thiết Đoàn 18 Kỵ Binh, các đơn vị Công Binh Chiến Đấu thuộc TÐ302CBCÐ/Quân Đoàn 3 và Sư Đoàn 18 BB.
– Chiến Đoàn Đặc Nhiệm 333: gồm Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân (Liên Đoàn Trưởng Trung tá Phạm văn Phúc), Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù cùng lực lượng yểm trợ gồm có Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh (Thiết Đoàn Trưởng Trung tá Trần Văn Thoàn), các đơn vị Pháo Binh 105ly và 155ly của TĐ46PB. Trung tướng Đỗ Cao Trí đáp trực thăng xuống thăm BCH Chiến đoàn Đặc Nhiệm 333, đích thân chỉ định TĐ7ND làm “force de frappe” (lực lượng xung kích) cho các cánh quân (Tiểu Đoàn Trưởng/TĐ7ND là Thiếu tá Lê Minh Ngọc) vượt biên giới qua ngã Gò Dầu Hạ đánh từ tỉnh lỵ Soài Riêng lên thị trấn Kratie rồi vòng về Kompong Cham.
Tổng cộng quân số tham chiến khoảng 8,700 người (12 Tiểu Ðoàn).
Phóng đồ Hành Quân Toàn Thắng 42
Lực lượng địch:
Mặt trận B3 CSBV do Tướng Hoàng Văn Thái làm Tư lệnh và Phạm Hùng làm chính ủy và lực lượng phụ thuộc là Trung ương cục Miền Nam gọi tắt là cục R với thành phần chủ lực là Sư đoàn Công Trường 9 cộng sản của TWC/MN (SĐ9/CS).
Diễn Tiến:
Ngày 29/4/1970 Bộ Tư lệnh Quân đoàn III/QLVNCH và Bộ Chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ tại Vùng 3CT đã phối hợp tổ chức cuộc hành quân ngoại biên Toàn Thắng 42 tung quân vượt qua biên giới Kampuchea đánh thẳng vào các mật khu, cơ quan đầu não và hậu cứ an toàn tiếp tế chính của địch nhằm triệt hạ các căn cứ địa của quân CS trong vùng Mỏ Vẹt, giải tỏa QL 1 qua tỉnh Sway-Riêng đến tận Kompong Trabeck, sau đó tiến lên phía Bắc từ vùng Ðầu Chó đến vùng Prey Veng và giai đoạn cuối cùng tiến chiếm khu vực đồn điền Chup rồi đến đồn điền Mi-mốt.
Cuộc hành quân giai đoạn 1 bắt đầu từ lúc 07.00 giờ sáng, lực lượng Chiến Đoàn Đặc Nhiệm 318 từ tỉnh lỵ Tây Ninh hành quân về phía Bắc và Tây Bắc (hướng đồn điền Chup). Trong khi đó Chiến Đoàn 225 và 333 từ Gò Dầu Hạ hành quân phía Tây – Tây Nam (Kompong Trabeck) nhằm mục đích khai hoang và an ninh hai bên QL-1. Cuộc tiến quân của lực lượng Chiến Đoàn Đặc Nhiệm 318 Bộ Binh không gặp sự kháng cự mạnh mẽ của đối phương. Nhưng phía cánh quân của 2 Chiến Đoàn Đặc Nhiệm 225 và 333 đã gặp sự kháng cự dữ dội của các trung đoàn Công Trường 9 cộng sản Bắc Việt (CSBV).
Sáng ngày 29/4/1970, sau 2 giờ vượt biên giới, chiến đoàn 333 gồm 2 TÐ36, 52BÐQ và Thiết Ðoàn 5 Kỵ Binh đụng độ mạnh với quân CSBV, Tiểu đoàn Biệt Động Quân đi đầu đã bị cộng quân phục kích, cắt thành hai, tổn thất nặng. Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 333 tung tiểu đoàn Biệt Động Quân trừ bị và 2 Chi Đoàn Thiết Kỵ vào trận địa để tiếp cứu tiểu đoàn Biệt Động Quân nói trên. Trận chiến diễn ra rất ác liệt và kéo dài suốt 4 giờ liền. Không Quân Việt-Mỹ đã liên tục yểm trợ phi pháo.
Đến trưa ngày 29/5/1970, Chiến Đoàn 333 đẩy lùi được địch quân. Hơn 100 cộng quân bỏ xác tại trận. Nhưng về phía Chiến Đoàn 333, một tiểu đoàn Biệt động quân bị tổn thất nặng, nhiều thiết vận xa M-113 của hai chi đoàn hỗn hợp bị lún trong vùng lầy.
Sau đó hai tiểu đoàn thuộc trung đoàn 271 CSBV bôn tẩu về hướng bắc để tránh phi pháo. Khi rút ngang qua thôn Phum-Long-Giêng (phía nam Kompong Trach) đã bị TĐ7ND phát hiện. Sĩ quan liên lạc Cambodge cho biết làng không còn dân chúng và đã bỏ hoang từ lâụ. Thiếu tá Lê Minh Ngọc liền điều động TĐ7ND chia làm 3 mũi: Mũi chính gồm 2 đại đội, tùng thiết trên 1 chi đoàn của Thiết đoàn 5 Kỵ Binh, xung thẳng vào bờ làng. Mũi thứ nhì gồm 2 đại đội (do Thiếu tá Tiểu đoàn Phó Phạm Kim Bằng chỉ huy) tấn công bên sườn phía tây. Mũi thứ 3 gồm 1 đại đội án ngữ về hướng bắc, chặn đường rút. Vào lúc 2 giờ chiều khi hai Trung Đội đầu tiên của ĐĐ71 rời chiến xa dàn hàng ngang tiến gần tới bìa làng thì súng bắt đầu nổ.
Lợi dụng hệ thống phòng thủ kiên cố và chuẩn bị kỹ lưỡng nên địch nổ súng khi binh sĩ Nhảy Dù còn cách làng có mấy chục thước. Các Chiến sĩ Nhảy Dù phản công ngay tức khắc, xung phong như vũ bão, tấn công thẳng vào bìa làng. Cánh quân thứ hai của Kim Bằng dùng hỏa lực của chiến xa đánh vào bên hông làng để trợ chiến.
Chi đội thiết vận xa dùng súng phun lửa xung phong vào chính diện. Lửa cuồn cuộn đốt cháy bìa làng, lũy tre xanh vặn mình bốc cháỵ, Đại liên 50, súng phóng lựu M-79, hỏa tiễn M72 và đủ loại vũ khí khác đan những tấm thép lửa chụp xuống địch quân.
Các cánh quân TĐ7ND sau đó tiến vào làng, xác địch ngổn ngang trên các hầm hố. Lửa đã đốt hết khí trời buộc cả đại đội địch phải chui ra khỏi hầm hố để làm mồi cho đạn và lửa, Đại Đội 73 đang thanh toán bộ chỉ huy tiểu đoàn của địch. Đại Đội Trưởng Nguyễn Viết Thanh ra lệnh cho các Trung Đội Trưởng đánh bằng lựu đạn để thanh toán nốt những hầm hố kiên cố cuối cùng. Một lúc sau Đại Đội Trưởng Thanh báo cáo bắt sống hết bộ chỉ huy của địch. Mục tiêu Phum-Long-Giêng của hai Tiểu đoàn cộng quân đã bị đánh tan tác lúc 04:30 giờ chiều cùng ngày. Những toán địch quân chém vè chạy ra khỏi mục tiêu tẩu thoát về hướng Bắc, lại hoàn toàn lọt vào vùng hỏa lực của đại đội 72 Nhảy Dù của Võ Trọng Em án ngữ sẵn nơi đây, không còn một mống nào sống sót. Hai tiểu đoàn cộng quân hoàn toàn tan rã, xác địch và vũ khí đạn dược ngổn ngang, trên 40 tù binh bị bắt sống, trong số đó có cả cán bộ cấp đại đội và tiểu đoàn. Bộ Tư Lệnh Quân đoàn III đã gởi trực thăng đến lấy hết số tù binh ngay, để khai thác tin tức trận liệt. TĐ7ND có 9 chiến binh hy sinh (có Thiếu úy Nguyễn văn Thức, Trung đội Trưởng Truyền Tin) và 30 thương binh (trong số đó có Đại úy Trần Trung Nhất ĐĐT/ĐĐ71/TĐ7ND).
TĐ7ND tại Phum-Long-Giêng 4/70, từ trái sang phải:TĐP – Thiếu tá Phạm Kim Bằng,
Y sĩ Trưởng – Trung úy Nguyễn Phước Trọng,ĐĐT/ĐĐ73: Đại úy Nguyễn Viết Thanh,
SQ Ban 3: Đại úy Đoàn phương Hải,TĐ Trưởng – Thiếu tá Lê Minh Ngọc
Trước tình hình giao tranh ác liệt của Chiến Đoàn 333, Trung tướng Đỗ Cao Trí cho lệnh lực lượng Sư Đoàn 18 Bộ Binh tạm ngưng cuộc hành quân về phía Bắc và Tây Bắc hướng về đồn điền Chup, di chuyển toàn bộ lực lượng về vùng hành quân của Chiến Đoàn 333 để tiếp ứng, đồng thời đốc thúc các đơn vị Thiết Giáp tìm mọi cách để đưa lần các thiết vận xa ra khỏi vùng lún lầy. Trong khi đó, Pháo binh và Không Quân Việt-Mỹ tiếp tục oanh kích, hỏa tập vào các vị trí được ghi nhận là cộng quân đang tập trung. Theo tin tình báo, cộng quân đã phối trí hai trung đoàn của Công Trường 7 cộng sản Bắc Việt cố bám giữ đồn điền Chup để cho bộ chỉ huy Công trường này có thể rút về tuyến sau.
Lực lượng đặc nhiệm Chiến Đoàn 318, ngay khi nhận được lệnh, hai Trung Đoàn 43 và 48 Bộ Binh đã được trực thăng vận xuống vùng hành quân mới. Sáu giờ chiều ngày 29 tháng 5 năm 1970, cuộc đổ quân hoàn tất. Ngay sau đó, các đơn vị của Sư Đoàn 18 Bộ Binh tiếp tục di chuyển quân trong đêm.
Đến 4 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1970, các đơn vị của Sư Đoàn 18 Bộ Binh đã có mặt tại vị trí đã định, hai pháo đội Pháo Binh hỗn hợp 105 và 155ly đã được các phi cơ Chinook thả xuống vùng hành quân từ lúc gần tối. Ngay sau đó, hai pháo đội này đã lập ngay căn cứ hỏa lực dã chiến để yểm trợ cho cuộc hành quân. Sự tăng viện kịp thời của Chiến Đoàn 318 đã giải tỏa được áp lực của cộng quân, lập được vòng đai an toàn cho các phi đội trực thăng đáp xuống để di tản thương binh ra khỏi trận địa. Từ đó, các chiến đoàn Việt Nam Cộng Hòa đã hoàn toàn làm chủ chiến trường. Trung đoàn 88 của cộng sản bị thiệt hại nặng.
Sau hai ngày liên tục tiến quân trên đất Chùa Tháp, đến ngày 1/5/1970 cánh quân của Sư Đoàn 18 Bộ Binh và lực lượng tăng phái đã khai thông hoàn toàn Quốc Lộ 1, một vùng rộng lớn từ biên giới tới tỉnh Sway-Riêng cũng được khai quang. Lực lượng hành quân đã khám phá một căn cứ hậu cần to lớn của cộng quân tại thị trấn Ba Thu trong khu Mỏ Vẹt. Sự rộng lớn của căn cứ này khiến một SQ người Mỹ phải nói rằng “Nó lớn như là căn cứ tiếp liệu của Mỹ tại Long Bình”, tịch thu 1,146 súng cá nhân, 174 súng cộng đồng trên 140 tấn quân dụng và 45 tấn gạo bị phá hủy, 170 xác cộng quân bỏ lại trận địa.
Ngày 2/5/1970: Khởi đầu giai đoạn 2 của chiến dịch, BTL/QÐIII tung lực lượng 2 Chiến Ðoàn 225 và Chiến Ðoàn 333 tiến về phía Nam hướng về khu Mỏ Vẹt tấn công vào căn cứ địa 367 hay Mật Khu Ba Thu của VC, cả hai chiến đoàn càng tiến gần tới Mỏ Vẹt càng gặp sức kháng cự mạnh mẽ của cộng quân. Giao tranh càng lúc càng ác liệt, nhưng nhờ hỏa lực yểm trợ hùng hậu, QLVNCH đã làm chủ được trận địa và cộng quân bị thiệt hại nặng.
Ngày 3/5/1970 Chiến Ðoàn 318 do Đại tá Trần Quang Khôi chỉ huy triển khai lực lượng về phía Tây thành phố Sway-Riêng dọc theo QL-1 để giúp đỡ các lực lượng địa phương của Cambodia tại đây đang bị quân CS bao vây.
Cùng thời điểm hai mặt trận khác từ Quân khu IV và một cuộc hành quân hỗn hợp giữa SĐ1 Không Kỵ Hoa Kỳ và LĐIIIND-VN tấn công vào khu vực Lưỡi Câu cũng được khởi động. Địch quân đang bị hoang mang, lúng túng kháng cự.
Từ tỉnh Kiến Tường, lực lượng của Quân Khu IV gồm SĐ9BB, Liên Đoàn 4 BĐQ cùng 5 Thiết Đoàn Kỵ Binh vượt biên giới đánh thẳng lên hướng Bắc tiến vào khu Mỏ Vẹt để bắt tay với lực lượng hành quân của Quân Đoàn III. Trong khi đó Lữ Đoàn III Nhảy Dù từ Bình Long được SĐ1 Không Kỵ trực thăng vận để khai triển một cuộc hành quân khác mang tên là Toàn Thắng 43 tấn công vào mật khu 353 của CS trong vùng Lưỡi Câu.
Ngày 5/5/1970, 3 Ðại Ðội CIDG (Dân sự Chiến đấu) và Lực Lượng Ðặc Biệt từ Ðức Hòa Ðức Huệ đã đươc triển khai di chuyển vào hoạt động trong vùng Mỏ Vẹt.
Ngày 7/5/1970 giai đoạn 3 của Toàn Thắng 42 được khởi động, Lực lượng VNCH chuyển hướng tấn công từ QL-1 lên hướng Bắc đến tận thị trấn Kampong Trach thượng nguồn sông Kampong Spean (sang VN đổi tên là Vàm Cỏ Đông). Trung tướng Đỗ Cao Trí luôn luôn bảo mật và triệt để áp dụng chiến thuật cơ động chuyển hướng công kích. Các phóng đồ hành quân do chính tay ông vẽ và trao tận tay các đơn vị trưởng chỉ huy chiến trường. Địch quân không thể lượng định hướng tấn công của QLVNCH để chống đỡ hay điều quân cứu ứng cho nhau được. Chiến thuật cơ động ngoạn mục này được các Tướng lãnh người Mỹ vô cùng thán phục. Cuộc hành quân khởi từ Bến Sỏi Tây Ninh, Chiến Ðoàn 225 tiến về hướng Tây, trong khi Chiến Ðoàn 333 và 318 tấn công lên phía Bắc khởi từ hai thị trấn Prasot và Chiphu. Ðến giữa trưa chiến đoàn 225 đánh tan một lực lương cộng quân cách biên giới vài cây số trong lãnh thổ Kampuchea trong lúc đó chiến đoàn 333 chỉ giao tranh lẻ tẻ nhưng chiến đoàn 318 thì chạm mạnh và 150 cộng quân bị hạ tại trận.
Ngày 9/5/1970 Chiến đoàn 225 khám phá một bệnh viện dã chiến trên 200 giường với đầy đủ tiện nghi, phòng giải phẫu và thuốc men, v.v. Chiến Đoàn 225 cũng bắt tay được với Chiến Đoàn 318 của Đại tá Khôi tại thị trấn Kampong Trach. Sau đó Chiến Đoàn 318 tiến quân dọc theo hai bên tả và hữu ngạn sông Kampong Spean đánh đuổi quân của VC rút chạy về phía Bắc.
Quân CSBV hoàn toàn bị động tháo lui trên khắp các chiến tuyến, tình hình an ninh trong toàn vùng sáng sủa hơn bao hết. Ngày 11/5/1970 Tổng thống Thiệu bất ngờ tới thăm chiến trường, nghe Tướng Trí thuyết trình diễn tiến khắp các mặt trận. Tổng thống Thiệu cũng thảo luận với Tướng Trí về tình trạng Việt Kiều ngày càng bị ngược đãi tàn tệ tại Kampuchea. Trung tướng Trí nhận trách nhiệm khai thông QL-1 lên tới Phnong-Pênh để tiếp đón Việt Kiều và chuyển vận họ về VN bằng đường bộ.
Ngày 13/5/1970 giai đoạn 4 của Hành Quân Toàn Thắng 42 khai diễn, trọng tâm của cuộc hành quân nhằm giải thoát và hồi hương Việt Kiều. Trung tướng Trí cho tập trung quân quanh thị trấn Sway-Riêng. Từ đây Chiến Đoàn 318 tấn công về hướng Tây dọc theo QL-1 hướng về Phnong-Pênh trong khi Chiến Đoàn 225 cùng các Kỵ Binh tấn công trở lại vào mật khu Ba Thu ở hướng Đông Nam để làm thế nghi binh. Chiến Đoàn 333 giữ an ninh trục lộ QL-1 và làm thành phần trừ bị.
Ngày 14/5/1970 trên đường tiến quân về phía Tây dọc theo QL-1 để bắt tay với các lực lượng hành quân của Quân Khu 4, Chiến Ðoàn 318 đã giao tranh với cộng quân quanh thị trấn Kompong Trabeck, Lực lượng BÐQ và Kỵ Binh Việt Nam đã tiêu diệt 48 cộng quân và bắt sống 56 tù binh thuộc Tiểu Ðoàn D1 Tỉnh Tây Ninh.
Ngày 17/5/1970 Chiến đoàn 225 khi hoạt động tại phía Nam QL-1 trong vùng Mỏ Vẹt đã giao tranh với một lực lượng đông đảo cộng quân, 26 CS bị giết và 20 tù binh bị bắt sống khai rằng họ thuộc quân số Tiểu Ðoàn 3 Trung Ðoàn 1 CSBV.
Ngày 20/5/1970 Chiến đoàn 333 chạm địch mạnh trên dọc QL-1 khoảng giữa từ biên giới đến Sway-Riêng, 9 cộng quân bị giết, 226 bị bắt sống, họ cung khai thuộc TÐ2/Trung Ðoàn 271 Công Trường 9 VC.
Ngày 21/5/1970 Chiến đoàn 225 tiếp tục tiến về phía Nam QL-1 và chạm địch, 12 cộng quân bị giết 15 bị bắt sống. Một trong số này là một SQ cao cấp về tiếp vận của Trung ương cục Miền Nam.
Quốc Lộ 1 từ biên giới Việt Nam đến Thủ đô Nam Vang hoàn toàn được giải tỏa, một số lớn Việt Kiều được đưa về Việt Nam bằng đường bộ.
Ngày 23/5/1970 do lời cầu cứu của Bộ Tư Lệnh Quân Khu 1 Quân Đội Kampuchea khi SĐ9CSBV tập trung quân uy hiếp Kompong Chàm, thành phố lớn hàng thứ ba của nước này, cách Phnong-Pênh khoảng 70km về phía Bắc. Giai đoạn 5 của cuộc hành quân Toàn Thắng 42 được khai triển. Lực lượng Chiến Đoàn 225 được lệnh trấn giữ QL-1 từ biên giới Gò Dầu Hạ đến Sway-Riêng; Chiến Đoàn 333 tiến dọc theo quốc lộ 7 từ đồn điền Krek tiến về phía Tây; và Chiến Đoàn 318 từ Prey Veng tiến dọc theo QL-15 đánh thẳng lên hướng Bắc. TĐ7ND trong cánh quân Chiến Đoàn 333 đã giao tranh ác liệt với Trung Ðoàn 272 VC quanh khu vực đồn điền Chup. Trước sức tấn công dũng mãnh của các chiến sĩ Nhảy Dù, Trung đoàn 272 VC phải tháo chạy sau khi bị thiệt hại nặng, 26 xác bỏ lại tại trận, 16 tù binh bị bắt sống trong đó có 1 Tiểu Ðoàn Trưởng.
Ngày 27/5/1970 Chiến Đoàn 318 cùng hai Thiết Ðoàn 15 và 18 đã tiêu diệt tiểu đoàn 309 VC trên Liên tỉnh lộ 15. Ba ngày sau một tiểu đoàn thứ ba – Trung đoàn 271 của VC – cũng bị đánh bại sau 8 giờ giao tranh ác liệt tại phía Tây Nam đồn điền Chup và 110 tên bị loại khỏi vòng chiến. Cuộc bao vây của CS quanh Kompong Chàm đã bị phá vỡ.
Một hôm giữa đêm khuya ngày 29/5/1970 khi tất cả TĐ7ND còn đang ngủ thì có tiếng trực thăng chỉ huy của Trung tướng Đỗ Cao Trí vần vũ trên đầu và đáp ngay vị trí đóng quân. Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh và Tiểu Đoàn 7ND được lệnh di chuyển nội trong đêm nay để đánh vào mật khu đồn điền Chup, nơi Công Trường 9 Việt cộng đặt bộ chỉ huy. Sau đó,Trung tướng Trí ngồi trên chiến xa chỉ huy, xua quân ào ào như nước vỡ bờ trực chỉ đồn điền Chup. Trời chưa sáng chiến xa đã nghiền nát Chup. Cuộc tấn công chớp nhoáng, bất ngờ đã phá vỡ hậu cần tiếp liệu và tiêu diệt hầu hết bộ chỉ huy, bắt được một số cán bộ cao cấp nhưng Tư lệnh Công Trường 9 trốn thoát. Lực lượng Công Trường 9 của CSBV đã bị đánh bại nên phải tháo lui. Lực lượng VNCH đã tràn vào đồn điền Chup ngày 1/6/1970 và phá hủy rất nhiều hầm hố công sự phòng thủ, những kho tàng, những cơ giới cùng vũ khí, thuốc men và lương thực.
Đồn Điền cao su Chup rộng lớn diện tích khoảng 180km², cộng quân thường lợi dụng rừng cây cao su ngút ngàn rậm rạp để ẩn núp và bố trí công sự chiến đấu kiên cố chống lại quân của VNCH, vì vậy những trận đánh vừa qua đã làm cho quân số đôi bên đều bị tiêu hao. Sau khi thanh toán chiến trường lực lượng hành quân VNCH bàn giao lại cho quân đội Khmer trấn thủ.
Ngày 31/5/1970 Chiến đoàn 225 tấn công vào khu vực phía Tây Cánh Tiên đã giết 34 cộng quân bắt sống 2 tù binh thuộc TÐ308 VC.
Ngày 3/6/1970 Chiến Đoàn 318 được lệnh rút về Long Khánh để nghỉ ngơi, bổ sung quân số và tái trang bị. Ngày 12/6/1970 Chiến đoàn 318 vào vùng hành quân trở lại và di chuyển đến khu vực đồn điền Krek thay thế cho Chiến Đoàn 333 rút về VN. Trong khi đó Trung Đoàn 49/SĐ25BB được điều động thay thế Trung Đoàn 46 BB trong Chiến Đoàn 225.
Giữa tháng 6/1970, lợi dụng trong lúc các đơn vị VNCH thay quân, SÐ9CSBV mon men trở lại đồn điền Chup và đe dọa bao vây Kompong Cham. Lực lượng quân đội Kampuchea vì quá non trẻ không thể đủ sức phòng thủ khi đối đầu với lực lượng của VC và Khmer đỏ, vì vậy khi Quân Đội VNCH bàn giao các địa điểm vừa chiếm lại cho quân KPC thì một thời gian ngắn sau đó lại lọt về tay Khmer đỏ hay CSBV như cũ.
Ngày 21/6 Quân Lực VNCH đã phản công quyết liệt để giúp đỡ cho Quân Lực còn yếu kém của Quốc gia láng giềng thêm một lần nữa. Trung tướng Trí đã điều động 3 Chiến Đoàn 225, 318 và 333 cùng lúc tiến quân trên QL-7 xuất phát từ đồn điền Krek rồi chia làm ba mũi tấn công vào Chup. Trước sự tấn công như vũ bảo của các lực lượng Nhảy Dù, Biệt Động Quân, SĐ18 và 25BB cùng lực lượng Thiết Giáp và Pháo Binh của QLVNCH với hỏa lực hùng hậu, quân CSBV đã không chịu nổi nên phải tháo chạy khỏi chiến trường.
Đến ngày 29/6/1970 tình hình trong vùng hành quân hoàn toàn yên tĩnh, lực lượng VNCH hằng ngày mở các cuộc hành quân truy lùng tuần tiểu nhưng không gặp bất cứ một cuộc chạm súng nào.
Ngày 22/7/1970 Hành quân Toàn Thắng 42 kết thúc, các lực lượng quân đội Việt Nam hoàn toàn rút khỏi Kampuchea.
Trung tướng Đỗ Cao Trí cùng các sĩ quan VNCH và Hoa Kỳ
trong cuộc hành quân tiêu diệt hậu cần CS Bắc Việt tại Cam Bốt năm 1970.
Hình chụp tại thị trấn Kompong Chak gần khu Mỏ Vẹt.
Tướng Đỗ Cao Trí thuyết trình kế hoạch hành quân vượt biên Toàn Thắng
TĐ7ND tái chiếm Kompong Chàm 6/1970, từ trái sang phải:
Y sĩ Trưởng Nguyễn Phước Trọng, ĐĐT/ĐĐ73 – Đại úy Nguyễn Viết Thanh,
TĐ Phó/Thiếu tá Phạm Kim Bằng, TĐ Trưởng/Thiếu tá Lê Minh Ngọc,
SQ Ban 3: Đại úy Đoàn Phương Hải
SOURCE:
.
No comments:
Post a Comment