Đại tướng ĐỖ CAO TRÍ (1929–1971)
Tư lệnh Quân đoàn III - Vùng 3 chiến thuật
Đệ Nhất Đẳng Bảo Quốc Huân Chương
Đại tướng Đỗ Cao Trí sinh ngày 20-11-1926, tại làng Bình Tước Biên Hòa. Tốt nghiệp trung học với bằng cắp Baccalauréat Part II (Tú Tài phần hai) tại Trường Petrus Ký Sàigòn. Ông là cháu của một vị quan lại triều Nguyễn và là con của một điền chủ giàu có, Tướng Trí gia nhập quân đội năm 1947 và thụ huấn khóa đào tạo sĩ quan Đỗ Hữu Vị tại tỉnh Biên Hòa vào năm 1948. Sau đó ông được gởi sang Auvour, Pháp theo học trường đào tạo SQ Thiết Giáp và Trường SQ Nhảy Dù. Trong năm 1953 ông tham dự khóa học Chỉ Huy và Tham Mưu tại Hà Nội
Ông là một trong những Tiểu Đoàn Trưởng đầu tiên của Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, và là vị Chỉ Huy Trưởng đầu tiên binh chủng Nhảy Dù của Việt Nam Cộng Hòa, khi Quân đội Pháp chính thức bàn giao Liên Đoàn 3 Nhảy Dù (G.A.P 3: Groupement Aéroportés Parachutiste No.3) tại Nha Trang lại cho Quân đội Quốc Qia Việt Nam vào ngày 29 tháng 9/1954. Lúc bấy giờ ông còn mang cấp Thiếu Tá mới 28 tuổi và đang chỉ huy Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù.
Sau một thời gian chuyển tiếp của giai đoạn hình thành, đến ngày 1 tháng 5/1955, Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn Nhảy Dù VNCH chính thức thành lập theo bảng cấp số của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Quốc Gia Việt Nam. Ông là Chỉ Huy Trưởng của Liên Đoàn với cấp bậc Trung Tá. Ông được thăng cấp Ðại Tá sau chiến dịch Hoàng Diệu hành quân phá tan cơ sở của lực lượng Bình Xuyên tại Khu Rừng Sac vào tháng 11 năm 1955 lúc mới 29 tuổi.
Ngày 1 tháng 9 năm 1956, Đại Tá Đỗ Cao Trí được bổ nhiệm giữ chức vụ Tư Lệnh Đệ Tam Quân Khu vừa mới thành lập (gồm các tỉnh Kontum, Pleiku, Phú Yên, Bình Định. Đến năm 1961, quân khu này sát nhập với Đệ Tứ Quân Khu để trở thành Vùng 2 Chiến Thuật. Năm 1958, ông giữ chức Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 1 mà Tư Lệnh Quân Đoàn lúc bấy giờ là Trung Tướng Trần Văn Đôn.
Trong năm 1958 - 1959 ông sang Mỹ du học tại Trường Command and General Staff College, Forth Leavenworth, Kansas Hoa Kỳ..Trong cùng thời gian nầy Ông cũng tốt nghiệp luôn khóa Air-Ground Operations School tại Fort Kisler, thuộc Tiểu Bang Washington state.
Khi về Việt Nam, từ 1961 đến 1963, ông giữ chức vụ Chỉ Huy Trưởng Trường Hạ Sĩ Quan Nha Trang, được thăng Thiếu Tướng vào tháng 7 năm 1963.
Tháng 9 năm 1963 được đề cử làm Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ binh kiêm nhiệm xử lý thường vụ chức vụ Tư lệnh Quân đoàn 1 và bắt đầu nổi tiếng điều quân khiển tướng nghiêm minh tài giỏi. Ông vận dụng nghệ thuật lãnh đạo chỉ huy một cách tuyệt vời. Những đơn vị nào do Ông chỉ huy cũng đều có kỷ luật, thiện chiến và lập nhiều chiến công to lớn. Quân cộng sản rất sợ Ông. Chúng tìm cách cho tay sai len lỏi trong hàng ngũ Quốc Gia dèm pha hạ bệ Ông, nhưng vô ích, Quân Lực chúng ta vẫn kính trọng Ông. Ông vẫn cùng với ba quân xông pha trận mạc bảo vệ phần Lảnh Thổ Quốc Gia..
Ngày 2 tháng 11 năm 1963, sau cuộc đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm (1 tháng 11 năm 1963), ông được thăng Trung Tướng và chính thức giữ chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn 1 và Vùng 1 Chiến Thuật. Ông là Trung Tướng trẻ nhất (37 tuổi ) của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Bắt đầu từ tháng 1 năm 1964 đến tháng 9 năm 1964, ông được điều về giữ chức Tư lệnh Quân Đoàn 2 và Vùng 2 Chiến Thuật. Trong thới gian nầy ông đã tổ chức hành quân phá nát mật khu Đổ Xá của Cộng Sản .
Ngày 14 tháng 9 năm 1964, Tướng Đỗ Cao Trí bị giải nhiệm chức vụ Tư lệnh Quân đoàn 2 và Vùng 2 vì bị nghi ngờ có liên quan đến cuộc chính biến do Trung Tướng Dương Văn Đức cầm đầu. Đến tháng 8 năm 1965, ông bị giải ngũ và được bổ nhiệm làm đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Đại Hàn Dân Quốc.
Là Đại Sứ VNCH ở Nam Triều Tiên, Ông tình nguyện xin trở về nước sau Tết Mậu Thân được tái ngũ ra mặt trận ngày 5/8/68, Ông thay Trung Tướng Lê Nguyên Khang làm Tư Lệnh Quân Đoàn III kiêm Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô. Lúc bấy giờ quân địch ở khắp mọi nơi từ thành thị đến nông thôn. Quân chánh quy cộng sản Bắc Việt xuất hiện ngay trong các trung tâm thành phố lớn như Sài-Gòn, Chợ Lớn, Biên Hòa v.v... và Quân Đội Mỹ phải rút quân từng phần theo Kế Hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh của Tổng Thống Richard Nixon vì áp lực chống chiến tranh của nhân dân Mỹ.
Trung Tướng Đỗ Cao Trí với tài thao lược xuất chúng, chỉ trong một thời gian ngắn, vừa bình định xong lãnh thổ đem lại an ninh ở nông thôn, vừa mở các cuộc hành quân tấn công liên tục các Sư Đoàn Cộng Sản Bắc Việt: Công Trường 5, 7, 9, và các Trung Đoàn Địa Phương Việt Cộng ở các tỉnh Biên Hòa, Hậu Nghĩa, Bình Dương, Tây Ninh, Long Khánh, Phước Tuy, Bình Long và Phước Long, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề buộc chúng phải rút chạy qua trú ẩn trên lãnh thổ Campuchia.
Ông đã nâng cao khả năng chiến đấu của các sư đoàn dưới quyền, thẳng tay thay thế các vị Tư lệnh Sư Đoàn kém tài dù là người thân tín của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Trung Tướng Đỗ Cao Trí là một tài năng kiệt xuất của Quân Lực VNCH. Thật hiếm có một Tướng Lãnh nào của chúng ta vừa có mưu lược vừa có dũng khí như Tướng Trí. Ông luôn chủ động tấn công địch quân đúng vào chỗ bất ngờ nhứt và luôn xuất hiện ở điểm nóng nhứt trên chiến trường. Nếu Pháp có De Lattre De Tassigny, Mỹ có Patton, Đức có Rommel, thì VNCH chúng ta có Đỗ Cao Trí.
Kể từ tháng 3-1970, Ông đưa chiến tranh ra khỏi lãnh thổ Vùng 3 Chiến Thuật. Ngay sau đó, Ông mở cuộc "Hành Quân Toàn Thắng 42", phối hợp với Lực Lượng II Dã Chiến Hoa Kỳ, lần lượt bứng tận gốc các căn cứ của Quân Cộng Bắc Việt dọc theo bên kia biên giới Việt-Campuchia ở khu Mỏ Vẹt và Lưỡi Câu, đồng thời đẩy Cục "R" và các Sư Đoàn Cộng Sản Bắc Việt lên tận Đông Bắc Campuchia ở Dambe và Chlong.
Thừa thắng xông lên, ngày 18/2/1971, Ông trực thăng vận Chiến Đoàn 5 Biệt Động Quân cùng Ông xuống Chlong, đồng thời điều động LLXKQĐIII và Chiến Đoàn 333 Biệt Động Quân tấn công, chiếm và càn quét Dambe, buộc quân địch phải co về thế thủ.
Trong khi tin tức chiến thắng lớn lao của QLVNCH bay về Sài Gòn tới tấp Tướng Đỗ Cao Trí được ca ngợi như vị anh hùng của Quốc Gia, ông làm việc không mệt mỏi, kế hoạch hành quân được chuẩn bị rất kỹ càng, kín đáo, ( phóng đồ hành quân do chính ông vẻ và mang tay đến tận tay các đơn vị trưởng trong vùng hành quân ) và linh động, cùng sự có mặt thường xuyên ở chiến trường khích động lòng quân là những yếu tố đem lại chiến thắng cho đơn vị thuộc quyền của ông.
Tướng Trí đã dùng chiến thuật "Diều hâu" và "Nhị thức bộ binh thiết giáp" một cách thần kỳ nên đã gặt hái kết quả không thể ngờ được. Không ai can đảm và xông xáo như vị Tướng ba sao này, mặc đồ rằn ri, đội mũ lưỡi trai, tay cầm cây gậy chỉ huy, nhảy theo toán quân đổ trực thăng đầu tiên; hoặc đứng trên pháo tháp xe tăng hô to: "Xung phong! Tiến nhanh lên các em!"
Trước ngày thực sự đổ quân qua Campuchia, có lần khi đang tới thị sát BCH Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, Tướng Trí nghe báo cáo lính Miên đang "Cáp Duồn" chặt đầu thả trôi sông đồng bào Việt Nam ở vùng đồn điền Michelin bên kia biên giới. Ông vội điều động một Tiểu Đoàn Nhảy Dù cấp tốc đổ bộ bằng trực thăng Việt Nam (vì trực thăng Mỹ chưa có lệnh Tổng Thống Nixon nên không dám vượt biên) xuống sân banh trong đồn điền cao su. Khi hai đại đội vừa xuống thì chiếc trực thăng của ông cũng đáp xuống theo, ông lấy tay cầm "Can" chỉ về phía trước hô xung phong. Khiến vị Thiếu Tá Tiểu Đoàn Phó giật mình vội báo cáo về xin đổ quân xuống bảo vệ an toàn cho ông. Tướng Dư Quốc Đống, Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù cũng cấp tốc bay đến hiện trường. Binh sĩ thấy hai vị Tướng cùng có mặt tại trận địa, nên ai nấy đều hăng hái xung phong đánh đuổi giặc ác ôn và giải thoát hằng ngàn đồng bào chở về bên nây biên giới (sau này dân chúng địa phương đã tạc tượng Tướng Trí tế sống ơn cứu mạng).
Nhưng mục tiêu cuối cùng và quan trọng nhất của Ông là phá nát căn cứ địa Kratié, căn cứ chiến lược chủ yếu của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Ông nói nếu ta chiếm Kratié, chúng ta sẽ cắt đứt con đường tiếp vận huyết mạch chính từ Miền Bắc xuống tận vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ông dự định sử dụng Sư Đoàn Nhảy Dù trực thăng vận xuống Kratié, đồng thời LLXKQĐIII sẽ tấn công từ Chlong lên phía Bắc giao tiếp với SÐND ở Kratié. Liên Đoàn 30 Công Binh được lệnh của Ông đã đưa đơn vị cầu cống vào Dambe chuẩn bị bắt cầu ở Chlong yểm trợ LLXKQĐIII vượt sông.
Trong buổi lễ xuất quân đánh sang Campuchia của LĐ3KB tháng 1-1971, Tướng Trí tuyên bố là Ông sẽ sống và chết với ba quân trên chiến trường. Ông đã giữ đúng lời hứa. Ông đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho Quân Đội và Tổ Quốc.
Ngày 20-2-1971 Ông lắc đầu, có vẻ buồn rầu lo lắng vì Sư Đoàn Nhảy Dù đã được Bộ Tổng Tham Mưu điều động ra Đông Hà (tham dự cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 ở Hạ Lào), làm đảo lộn kế hoạch hành quân của Ông. Mặc dù vậy, Ông không bỏ ý định đánh Kratié. Ông ra lệnh cho BTL Quân Ðoàn sắp xếp và điều động 1 trong 3 Sư Đoàn của Quân Đoàn III để thay thế Sư Đoàn Nhảy Dù trong giai đoạn tấn công tới này.
Sáng ngày 23-2-1971 như thường lệ, Ông lên trực thăng chỉ huy bay sang Campuchia. Trực thăng vừa cất cánh bay lên hướng Bắc được vài phút thì phát nổ. Tất cả đều tử vong. Ngoài đoàn tùy tùng gồm có Trung Tá Châu Truyền Tin, Trung Tá Sỹ Trung Tâm Hành Quân Quân Đoàn, Đại Úy Tuấn Sĩ Quan Tùy Viên, còn có nhà báo Mỹ gốc Pháp nổi tiếng Francois Sully và Đại Úy Thành Pilot.
Tin Đại Tướng Đỗ Cao Trí tử trận làm xúc động dư luận trong nước và thế giới. Báo Times và Newsweek loan tin ca ngợi tài năng và lòng dũng cảm của Ông.
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu truy thăng Ông lên cấp Đại Tướng.
Đại Tướng Creighton Abrams nghiêng mình trước linh cửu Ông.
Trong quân đội, Trung Tướng Đỗ Cao Trí thuộc lớp tướng lãnh đàn anh của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Tổng Tham Mưu Trưởng Cao Văn Viên. ông được đánh giá là vị Tướng Lảnh có tầm nhìn chiến lược sắc bén, có tài cầm quân, có mưu lược, có dũng khí, có khả năng kích thích tinh thần chiến đấu binh sĩ và không có tham vọng chính trị.
Tướng William Westmoreland đã nhận định: "Tướng Trí là một con cọp của chiến trường, một tướng George Patton (tướng thiết giáp lừng danh Mỹ) của Việt Nam."
Tài liệu Tham khảo :
- Bách khoa toàn thư Wikipedia.org
- Trung Tướng Ðỗ Cao Trí Và Lực Lượng Quân Ðoàn 3 Tại Cam Bốt của Vương Hồng Anh trên trang nhà www.vietnam.ictglobal.net.
- Hồi ký Đôi Dòng Ghi Nhớ của Phạm Bá Hoa nxb Ngày Nay, ấn bản lần 4 2007.
- Hai Danh Tướng Đỗ Cao Trí và Nguyễn Viết Thanh của David Fulghum, Terrence Mailand South Vietnam on Trial - The Vietnam Experience.Boston Publishing Company, chuyển ngữ: Trương Dưỡng trên trang nhà www.generalhieu.com
Võ Trung Tín & Nguyễn Hữu Viên
SOURCE:
https://nhaydu.com/index_83hg_files/main_files/Tuong/TS-DoCaoTri.htm
TRÍCH ĐOẠN:
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, Tổng thống Thiệu cùng Đệ
nhất Phu Nhân đến dự lễ tẩm liệm. Trong buổi lễ, Tổng thống thay mặt Chính Phủ
và Quân Đội truy thăng cho ông cấp bậc Đại Tướng.
Ngày 26 tháng 2 năm 1971, lễ an táng được cử hành trọng thể với Nghi Lễ Quân
Cách.
Tổng thống Thiệu đến dự lễ an táng cùng truy tặng :
-Đệ Nhất Đẳng Bảo Quốc Huân Chương và Quân Công Bội Tinh kèm Anh Dũng Bội Tinh
với Nhành Dương Liễu.
Linh cữu được đặt trên một chiếc Thiết Vận Xa M.113 đưa đến nơi an nghỉ tại
Nghĩa Trang Quân Đội Quốc Gia Biên Hòa.
Ông là vị tướng đầu tiên cùng an nghỉ với hàng chục ngàn tử sĩ chung một nghĩa
trang theo nguyện vọng lúc sinh tiền: Huynh Đệ Chi Binh (sống chết bên nhau).
Trên
mộ ông có khắc 2 câu thơ:
"Sống Giữa Ba Quân - Thác Giữa Ba Quân"
Source:
Vinh danh Cố ĐẠI TƯỚNG ĐỖ CAO TRÍ
.
No comments:
Post a Comment