31 Tháng 7, 2010
(Vương Hồng Anh)
Tháng 3/1970, tại Nam Vang, quốc vương Sihanouk bị lật đổ, Thủ Tướng Lon Nol lên nắm quyền. Vào thời gian này, Cộng Sản Bắc Việt đã lập nhiều căn cứ địa trong nội địa Cam Bốt và tập trung một số sư đoàn chủ lực để tiến hành các cuộc tấn công vào lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa và một số tỉnh ở miền Đông Cam Bốt gần biên giới.
Nhận được sự yêu cầu của tân chính phủ Cam Bốt, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa đã quyết định thực hiện một loạt chiến dịch hành quân ngoại biên để truy quét Cộng quân. Đây là những cuộc hành quân hỗn hợp với nỗ lực chính là các sư đoàn Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) thuộc các Quân Đoàn 3 và 4, một số đơn vị tổng trừ bị của bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) và Lực Lượng 2 Dã Chiến Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Theo phân nhiệm, mỗi quân đoàn trách nhiệm một vùng hành quân. Trong phạm vi của Quân Đoàn 3, chiến dịch hành quân ngoại biên mang tên là Toàn Thắng 42 do Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn này soạn thảo đã tiến hành trong vòng tối mật và các đơn vị tham chiến chỉ nhận được lệnh tổng quát vào ngày 27 tháng 4/1970 là chuẩn bị tham dự một cuộc hành quân lớn.
Yểm trợ về không quân cho cuộc hành quân là các không đoàn chiến thuật của Không Quân VNCH và Không Lực Hoa Kỳ tại Việt Nam. Tổng chỉ huy chiến dịch Toàn Thắng 42 là Trung Tướng Đỗ Cao Trí, Tư Lệnh Quân Đoàn 3 và Vùng 3 Chiến Thuật (giữa năm 1970, các Vùng Chiến Thuật cải danh thành Quân Khu).
LƯỢC GHI VỀ TRUNG TƯỚNG ĐỖ CAO TRÍ
Trung Tướng Đỗ Cao Trí được bổ nhiệm làm tư lệnh Quân Đoàn 3 ở Vùng 3 từ tháng 8 năm 1968. Ông tốt nghiệp khóa đào tạo sĩ quan Việt Nam tại tỉnh Biên Hòa vào năm 1948. Vài năm sau, ông là một trong những tiểu đoàn trưởng đầu tiên của Quân Đội Quốc Gia Việt Nam.
Ông đã theo học khóa sĩ quan Nhảy Dù ở Pháp, và là chỉ huy trưởng đầu tiên của binh chủng Nhảy Dù của Việt Nam Cộng Hòa sau khi Quân đội Pháp chính thức bàn giao liên đoàn 3 Nhảy Dù (G.A.P) lại cho Quân đội Quốc Qia Việt Nam vào ngày 29 tháng 9/1954. Lúc bấy giờ ông còn mang cấp thiếu tá và đang chỉ huy một tiểu đoàn Nhảy Dù.
Sau một thời gian chuyển tiếp của giai đoạn hình thành, đến ngày 1 tháng 5/1955, bộ chỉ huy Liên Đoàn Nhảy Dù VNCH chính thức thành lập theo bảng cấp số của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Quốc Gia Việt Nam. Ông là chỉ huy trưởng của liên đoàn với cấp bậc trung tá. Ông được thăng đại tá vào tháng 11 năm 1955 khi chưa đến 29 tuổi.
Đầu tháng 9 năm 1956, Đại Tá Đỗ Cao Trí được bổ nhiệm giữ chức vụ Tư Lệnh Đệ Tam Quân Khu vừa mới thành lập (gồm các tỉnh Kontum, Pleiku, Phú Yên, Bình Định. Đến năm 1961, quân khu này sát nhập với Đệ Tứ Quân Khu để trở thành Vùng 2 Chiến Thuật). Năm 1958, ông giữ chức tham mưu trưởng Quân Đoàn 1 mà tư lệnh Quân Đoàn lúc bấy giờ là Trung Tướng Trần Văn Đôn. Từ 1961 đến 1963, ông lần lượt giữ các chức vụ: Chỉ Huy Trưởng Trường Hạ Sĩ Quan Nha Trang, Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh, được thăng Thiếu Tướng vào tháng 7 năm 1963.
Tháng 9 năm 1963, Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ binh Đỗ Cao Trí được Tổng Thống Ngô Đình Diệm cử kiêm nhiệm xử lý thường vụ chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn 1 và Vùng 1 thay Thiếu Tướng Lê Văn Nghiêm. Ngày 2 tháng 11 năm 1963, sau cuộc đảo chánh (1 tháng 11 năm 1963), ông được thăng Trung tướng và được chính thức giữ chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn 1 và Vùng 1 Chiến Thuật.
Từ tháng 1 năm 1964 đến tháng 9 năm 1964, ông giữ chức Tư Lệnh Quân Đoàn 2 và Vùng 2. Ngày 14 tháng 9 năm 1964, ông bị Trung Tướng Nguyễn Khánh, lúc bấy giờ là Thủ Tướng kiêm Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, giải nhiệm chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn 2 và Vùng 2 vì nghi ngờ ông có liên quan đến cuộc chính biến 13 tháng 9 năm 1964 do Trung Tướng Dương Văn Đức chủ xướng.
Sau một thời gian ở nhà chờ lệnh, vào tháng 8 năm 1965, Trung Tướng Đỗ Cao Trí bị giải ngũ cùng với Đại Tướng Nguyễn Khánh theo quyết định của Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia. Trong thời gian rời khỏi quân đội, ông được bổ nhiệm làm đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Đại Hàn.
Tháng 8 năm 1968, ông tái ngũ và được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cử thay thế Trung Tướng Lê Nguyên Khang trong chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 và Vùng 3. Ông tử nạn phi cơ trực thăng vào tháng 2 năm 1971 khi đang thị sát chiến trường Cam Bốt, được truy thăng Đại tướng. Trong quân đội, Trung Tướng Đỗ Cao Trí thuộc lớp tướng lãnh đàn anh của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Tổng Tham Mưu Cao Văn Viên.
NỖ LỰC CHÍNH CỦA QUÂN ĐOÀN 3 TẠI CHIẾN TRƯỜNG CAM BỐT
Khi khởi sự soạn thảo chiến dịch hành quân ngoại biên, Trung Tướng Đỗ Cao Trí và Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 đã chọn Sư Đoàn 18 Bộ Binh là một trong những nỗ lực chính. Tư Lệnh Sư Đoàn 18 lúc bấy giờ là Chuẩn Tướng Lâm Quang Thơ (thăng Thiếu tướng vào giữa năm 1970).
Theo kế hoạch của Quân Đoàn 3, Sư Đoàn 18 Bộ Binh VNCH chỉ để lại khu vực trách nhiệm Trung Đoàn 52 Bộ Binh để yểm trợ cho các đơn vị diện địa, hai trung đoàn còn lại tham gia chiến dịch Toàn Thắng 42. Như đã trình bày ở trên, các trung đoàn này chỉ nhận được lệnh chuẩn bị tham chiến vỏn vẹn có 48 giờ trước đó. Tất cả các phương tiện quân vận đã nhanh chóng di chuyển các đơn vị đến khu vực tập trung trước giờ G.
Đúng 7 giờ 10 sáng ngày 29 tháng 4 năm 1970, cuộc hành quân được khởi động. Lực lượng tham chiến của Quân Đoàn 3 trong giai đoạn đầu được chia thành 2 chiến đoàn đặc nhiệm: Chiến Đoàn 318 và Chiến Đoàn 333. Thành phần các đơn vị thuộc các chiến đoàn được ghi nhận như sau:
Chiến Đoàn Đặc Nhiệm 318: Lực lượng xung kích gồm hai Trung Đoàn 43 và Trung Đoàn 48 thuộc Sư Đoàn 18 Bộ Binh. Lực lượng yểm trợ hỏa lực gồm có một tiểu đoàn Pháo Binh 105 ly, hai pháo đội 155 ly, một pháo đội hỗn hợp (105 và 155 ly) của Tiểu Đoàn 38 Pháo Binh Quân Đoàn 3, các pháo đội Pháo Binh thuộc Sư Đoàn 18, Sư Đoàn 5 Bộ Binh, 2 chi đoàn của Thiết Đoàn 18 Kỵ Binh, các đơn vị Công Binh Chiến Đấu thuộc Quân Đoàn 3 và Sư Đoàn 18 Bộ Binh.
Chiến Đoàn 333: Lực lượng xung kích là Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân. Lực lượng yểm trợ gồm có hai chi đoàn thuộc Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh, các đơn vị Pháo Binh 105 ly và 155 ly.
Cả hai chiến đoàn đều tiến về phía Tây và Nam của vùng Mỏ Vẹt. Lúc cuộc hành quân khởi sự, các cố vấn Hoa Kỳ được giao trách nhiệm điều phối và kiểm soát các hoạt động yểm trợ của lực lượng Hoa Kỳ cho các đơn vị Việt Nam như: tải thương, tiếp vận quân lương, đạn dược bằng không vận, các phi vụ không kích, oanh tạc yểm trợ... Tuy nhiên do quyết định của Quốc Hội Hoa Kỳ, các cố vấn Hoa Kỳ chỉ được ở lại với các đơn vị Việt Nam Cộng Hòa trên đất Cam Bốt trong phạm vi không được quá 30 km về chiều sâu tính từ biên giới.
Sau hai ngày liên tục tiến quân trên địa thế hoàn toàn xa lạ. Đến ngày 1 tháng 5/1970, cánh quân của Sư Đoàn 18 Bộ Binh và lực lượng tăng phái đã tiến về phía Tây tỉnh Svay Rieng, tái lập an ninh trên Quốc Lộ 1 trên phần đất Cam Bốt về đến biên giới Việt Nam.
Trong hai tuần đầu của tháng 5 năm 1970, các đơn vị của lực lượng đặc nhiệm Sư Đoàn 18 Bộ Binh VNCH đã có nhiều chạm súng với Cộng quân nhưng chưa có những trận giao tranh lớn. Từ giữa tháng 5 năm 1970, theo kế hoạch của bộ chỉ huy chiến dịch, Trung Đoàn 43 và 48 của Sư Đoàn 18 Bộ Binh và các đơn vị yểm trợ đã bung rộng khu vực hoạt động trong nội địa Căm Bốt, tiến chiếm các mục tiêu trọng điểm mà bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 đã giao phó.
TRẬN CHIẾN Ở ĐỒN ĐIỀN CHUP
Ngày 29 tháng 5 năm 1970, cùng với kế hoạch hành quân của Quân Đoàn 4, bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 thực hiện giai đoạn 2 của chiến dịch Toàn Thắng 42 trong khuôn khổ của Quân Đoàn. Theo kế hoạch mới, lực lượng bộ chiến Sư Đoàn 18 Bộ Binh (Chiến Đoàn Đặc Nhiệm 318) hành quân về phía Bắc và Tây Bắc của đồn điền Chup, trong khi đó, Chiến Đoàn 333 hành quân phía Tây - Tây Nam của đồn điền này.
Cuộc tiến quân của lực lượng Sư Đoàn 18 Bộ Binh không gặp sự kháng cự mạnh của đối phương. Nhưng phía cánh quân của Chiến Đoàn 333 đã đụng độ với các trung đoàn của Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt (CSBV).
Tiểu đoàn Biệt Động Quân đi đầu đã bị Cộng quân phục kích, cắt thành hai, tổn thất nặng. Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 333 tung hai tiểu đoàn Biệt Động Quân trừ bị và 2 Chi Đoàn Thiết Kỵ vào trận địa để tiếp cứu tiểu đoàn Biệt Động Quân nói trên. Trận chiến diễn ra rất ác liệt và kéo dài trong suốt 4 giờ liền. Không Quân Việt-Mỹ đã liên tục yểm trợ phi pháo cho đơn vị Biệt Động Quân nói trên.
Đến trưa ngày 29 tháng 5 năm 1970, Chiến Đoàn 333 đẩy lùi được địch quân. Hơn 100 Cộng quân bỏ xác tại trận. Nhưng về phía Chiến Đoàn 333, một tiểu đoàn Biệt động quân bị tổn thất nặng, tất cả các thiết vận xa M-113 của hai chi đoàn hỗn hợp đều bị lún trong vùng lầy.
Khi trận chiến đang xảy ra, Trung Tướng Đỗ Cao Trí --Tư Lệnh Quân Đoàn 3, đáp trực thăng xuống ngay trận địa. Tại Bộ Chỉ Huy Hành Quân của Chiến Đoàn 333, Trung Tướng Trí đã theo dõi tình hình trận chiến, ông nhận định là Cộng quân cố mở một trận địa lớn ngay tại Tây - Tây Nam đồn điền Chup. Qua liên lạc siêu tần số, vị tư lệnh Quân Đoàn 3 đã chỉ thị cho Bộ Tham Mưu Quân Đoàn 3 ở Biên Hòa khẩn cấp điều động lực lượng trừ bị Không Quân chiến thuật thuộc Quân Đoàn để yểm trợ cho Chiến Đoàn 333.
Sau khi ra lệnh cho Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 333 thực hiện ngay những việc cần thiết, Trung Tướng Trí đã bay đến khu vực hành quân của Chiến Đoàn 318 để duyệt xét tình hình của trận địa. Tại đây, sau khi Bộ Chỉ Huy chiến đoàn báo cáo, Trung Tướng Đỗ Cao Trí cho lệnh lực lượng Sư Đoàn 18 Bộ Binh tạm ngưng cuộc hành quân về phía Bắc và Tây Bắc đồn điền Chup, di chuyển toàn bộ lực lượng về vùng hành quân của Chiến Đoàn 333 để tiếp ứng cho Chiến Đoàn 333.
Trung Tướng Đỗ Cao Trí tham khảo ý kiến cùng các sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ
trong cuộc hành quân tiêu diệt hậu-cần Cộng Sản Bắc Việt tại Cam Bốt năm 1970.
Hình chụp tại thị trấn Kompong Chak ở gần khu "Mỏ Vẹt."
Theo sự phối trí phù hợp với hiện trạng chiến trường, hai Trung Đoàn 43 và 48 của Sư Đoàn 18 Bộ Binh VNCH là nỗ lực chính để truy kích các đơn vị của Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt. Trung Tướng Trí cũng ra lệnh cho Đại Tá Trương Văn Phúc --Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 333-- phải hoàn tất việc tải thương và cho kéo tất cả thiết quân vận ra khỏi khu vực bị lún.
Cuộc di quân của Chiến Đoàn 318 được tiến hành theo đúng kế hoạch, thế nhưng Chiến Đoàn 333 vẫn gặp khó khăn. Trung Tướng Trí đã bay trở lại khu vực hành quân của chiến đoàn này để đôn đốc các đơn vị Thiết Giáp tìm mọi cách để đưa lần các thiết vận xa ra khỏi vùng lún lầy. Trời đã tối mịt, nhưng vị tư lệnh Quân Đoàn 3 vẫn đứng ngâm chân dưới bùn lầy, chia sẻ gian khó với quân sĩ cho đến gần sáng hôm sau khi mà tất cả thiết vận xa đều được kéo ra và chuyển động.
Trong kế hoạch mới của Trung Tướng Trí, các đơn vị của Chiến Đoàn 333 được sử dụng làm nỗ lực phụ, Pháo binh và Không Quân Việt-Mỹ tiếp tục oanh kích, hỏa tập vào các vị trí được ghi nhận là Cộng quân đang tập trung.
Trở lại cuộc chuyển quân tiếp ứng của lực lượng đặc nhiệm Sư Đoàn 18 Bộ Binh (Chiến Đoàn 318), ngay khi nhận được lệnh, hai Trung Đoàn 43 và 48 Bộ Binh đã được trực thăng vận xuống vùng hành quân mới. Sáu giờ chiều ngày 29 tháng 5 năm 1970, cuộc đổ quân của lực lượng bộ chiến Sư Đoàn 18 Bộ Binh hoàn tất. Ngay sau đó, các đơn vị của Sư Đoàn 18 Bộ Binh tiếp tục di chuyển quân trong đêm.
Đến 4 giờ sáng ngày 30 tháng 5 năm 1970, các đơn vị của Sư Đoàn 18 Bộ Binh đã có mặt tại vị trí đã định và chuẩn bị cuộc tấn công quy mô để tấn công các đơn vị của Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt. Theo tin tình báo, Cộng quân đã phối trí hai trung đoàn của Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt cố bám giữ đồn điền Chup để cho bộ chỉ huy Công trường này có thể rút về tuyến sau.
Về lực lượng đặc nhiệm của Quân Đoàn 3, cùng lúc với cuộc tiến quân của hai trung đoàn bộ chiến, hai pháo đội Pháo Binh hỗn hợp 105 và 155 ly đã được các phi cơ Chinook khổng lồ thả xuống vùng hành quân từ lúc gần tối. Ngay sau đó, hai pháo đội này đã lập ngay cụm hỏa lực dã chiến để yểm trợ cho cuộc hành quân.
Sự tăng viện kịp thời của Chiến Đoàn 318 đã giải tỏa được áp lực của Cộng quân, lập được vòng đai an toàn cho các phi đội trực thăng đáp xuống để chở thương binh ra khỏi trận địa. Từ đó, hai chiến đoàn đã hoàn toàn làm chủ chiến trường.
Vương Hồng Anh
SOURCE:
https://hung-viet.org/a1122/trung-tuong-do-cao-tri-va-quan-doan-iii-tai-cam-bot-mua-he-1970
No comments:
Post a Comment