Tại mặt Trận Thường Đức, mục tiêu chính mà cộng quân cần phải triệt tiêu ấy là đồi Thường Đức và cũng là hậu cứ của TĐ79/BĐQ. Chiếm được hậu cứ của TĐ79/BĐQ thì tự nhiên chiếm được trọn vùng Thường Đức.
Đồi Thường Đức bao gồm 2 ngọn đồi nằm kế cận với nhau như hình con số 8, bên lớn bên nhỏ, theo trục Đông Tây.
BCH Tiểu Đoàn được dặt trên đỉnh đồi của ngọn đồi lớn, về phia Đông. Bao quanh BCH TĐ, bên ngoài, là vị trí phòng thủ của Đại đội 2, Đại đội 3 và Đại đội 4 (còn có tên là Đại đội công vụ). Đại đội 2 có nhiệm vụ đối phó về hướng Tây Bắc. Đại đội 3 trách nhiệm hướng Đông Bắc. Đại đội 4 lo về hướng Đông Nam giáp lưng với Văn phòng Quận, cũng đồng thời là Chi khu Thường Đức.
Trên ngọn đồi kế cận nhỏ hơn, về hướng Tây, là nơi đóng quân của Đại đội 1. Nhờ được tiếp giáp với Tiểu Đoàn về phia đông nên Đại đội 1 chỉ cần phải phòng thủ 3 mặt còn lại là các hướng Nam, Tây và Bắc: Trung đội 1 trông nom về hướng Nam; Trung đội 2 phòng thủ về hướng Tây Nam; Trung đội 3 lo về hướng Tây Bắc.
Để bảo đảm chiếm được quận Thường Đức, cộng quân cần phải chiếm cho kỳ được ngọn đồi của Đại đội 1. Từ nơi đây, địch quân sẽ dùng nơi nầy làm bàn đạp, để uy hiếp và áp chế Tiểu Đoàn nằm bên ngọn đồi kế cận một cách hiệu quả hơn.
Vì địa thế của Đại đội 1 mang một lợi ích chiến lược, cho nên cộng quân quyết tâm đánh chiếm bằng mọi giá để có cơ hội chiếm đóng trọn vùng Thường Đức.
Để thực hiện được điều này, cộng quân đã xử dụng tất cả những hỏa lực chủ yếu, mà họ đã tích tụ 4 tháng trước đó, tập trung vào ngọn đồi của Đại đội 1, để hy vọng sẽ chiếm được nơi nầy. Vì vậy, trong suốt toàn thể thời gian của Trận Thường Đức từ ngày 28-7-1974 đến ngày 7-8-1974, ngọn đồi của Đại đội 1 là nơi mà tất cả những phương tiện, dụng cụ giết người hiệu quả nhất được tuần tự đem ra thực hiện liên tục một cách hăng say. Do đó, nơi đây là nơi xãy ra những trận đánh đẫm máu, khốc liệt, kinh hoàng nhất. Nói một cách đơn giản, ngọn đồi của Đại đội 1 là mồ chôn, là tử địa cho cả hai bên[3][5].
Buổi tối trước ngày Thường Đức bị tấn công, cũng là ngày mà Trung đội 1 đến phiên trực có bổn phận đi ra nằm tiền đồn bên ngoài phạm vi phòng thủ của Đại đội 1.
Tiền đồn được thiết lập như một trại đóng quân nho nhỏ, bao gồm dăm ba cái hầm nổi được bao bọc chung quanh và trên đầu bằng những bao cát. Trại được dựng lên cách Đại đội 1 khoảng non cây số về hướng Tây Bắc. Vì là tiền đồn, nên nơi đây có nhiệm vụ quan sát và báo cáo tình hình, hơn là nghênh chiến với địch quân. Cho nên hệ thống phòng thủ không được xây dựng chắc chắn và bảo trì đúng mức.
Ngay từ đợt pháo kích đầu tiên, Trung đội 1 đã báo cáo về tình trạng bi quan của họ. Mặc dù có lệnh rút về căn cứ, nhưng họ không làm sao có thể di chuyển được khi toàn cả đồi Thường Đức ngập vùi trong cơn mưa pháo. Mãi đến khi cộng quân dứt pháo cho quân tấn công vào tiền đồn, đến lúc ấy Trung đội 1 mới có cơ hội rút lui dần về phía sau.
Vì muốn làm vua làm quan với toàn quyền sinh sát trong tay, một bọn quỷ đội lốt người đã toa rập với nhau, lập mưu tính kế, lùa hết toàn thể dân chúng từ Nam chí Bắc làm thân tôi mọi cho họ. Sau khi quơ được miền Bắc trong tay, bọn này bèn lập khuôn đúc nắn, chế tạo cả một thế hệ u mê, dễ bề sai bảo, để phục vụ cho cái dã tâm của bọn ác ôn này. Thế là cả một bầy cô hồn, lâu la lục súc, đầu trâu mặt ngựa, cầm đuốc xách dao, hí hửng đi đốt làng giết người, theo lệnh của bọn chủ nhân, để được ban phát miếng cơm manh áo.
Và giờ đây, cái đám cốt đột này đã xuất hiện như những con thú, lúc nhúc chạy lăng xăng, la chí chóe bên ngoài phòng tuyến.
Không thể rút lui về bằng cách đi trở lại theo con đường mòn xuyên ngang hàng rào phòng thủ, trung đội 1 phải tạt xuống hướng nam, nơi đang có một đơn vị Địa Phương Quân/Nghĩa Quân trú đóng. Kể từ đó, Trung đội 1 bị kẹt luôn ở bên ngoài, và chiến đấu chung với đơn vị bạn cho đến khi cả hai bị tràn ngập.
Cũng cần nói thêm qua về tình trạng quân số tham chiến của Đại đội 1 trong Trận Thường Đức. Trên đường trở về trấn thủ Thường Đức khi đang hành quân tại tỉnh Quãng Tín, lúc đoàn quân xa đi ngang BCH Liên đoàn 14/BĐQ đang đóng tại Núi Đất, mặc dù tình trạng quân số của Tiểu Đoàn đã bị hao hụt, nhưng Tiểu Đoàn được lệnh phải để lại cho Liên đoàn xử dụng toàn thể Đại đội 2 và thêm Trung đội 2 của Đại đội 1.
Chắc có lẻ Sư đoàn 3 hoặc Quân Đoàn hứa hẹn, yểm trợ tích cực cho TĐ79/BĐQ, trong trường hợp Tiểu đoàn bị tấn công. Hoặc là, Quân Đoàn I cho rằng việc cộng quân tập trung chung quanh Thường Đức chỉ là một đòn nghi binh, nên đưa Tiểu đoàn về để phòng hờ chứ không ý đánh đấm. Hay là Quân Đoàn đánh giá cao khả năng chiến đấu của vài Đại Đội của TĐ79/BĐQ, thừa sức chận đứng sư đoàn việt cộng. Có vậy, cho nên Liên Đoàn mới giử lại hơn một phần ba quân số tác chiến của Tiểu đoàn trước khi trở về trấn giữ Thường Đức.
Tôi vẽ vời ra mẩu đối thoại chung quanh cái quyết định để lại Đại đội 2 và Trung đội 2 của Đại đội 1 trong một tình thế khá nghiêm trọng như lúc này.
Trung Tá Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 14 Biệt Động Quân nói với Thiếu Tá Hà Văn Lầu, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 79 Biệt Động Quân.
- Toa để lại cho moa 50 thằng lính nghen.
- Thưa Trung Tá, tại sao?
Tr/T Liên Đoàn Trưởng trả lời :
- Thì để giữ an ninh cho Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn.
- Trình Trung Tá - Tụi này mới đánh ở Tam Kỳ về, quân số bị thiếu hụt, mà lại để ở đây 50 thì làm sao tụi tui trám được cái khoảng trống đó? Hơn nữa, tụi nó kéo về cả sư đoàn thì làm sao tôi giử được Thường Đức với chừng lính nầy?
Tr/T Liên Đoàn Trưởng thân mật vỗ vai :
- Có thằng Phòng 7 ở trên đó, nó sẽ trám vào cái chỗ trống đó. Toa cứ yên trí, có gì xảy ra, thằng Sư đoàn 3 sẽ lên tiếp toa ngay. Tụi moa không bỏ toa đâu.
Thiếu Tá Lầu rời phòng chỉ huy đến gặp Đại Úy Sinh, Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 79 Biệt Động Quân, đang đứng bên ngoài với một số sĩ quan của Tiểu Đoàn.
- (vt) Liên Đoàn bắt mình phải để lại đây năm chục. Ông nghĩ để Đại đội 2 lại được không?
Đ/U Sinh thắc mắc :
- Sao lại phải để lính ở đây? Mà để ... để làm gì, Thiếu tá?
- Liên Đoàn cần lính để giữ an ninh.
Đ/U Sinh đảo mắt nhìn quanh những thôn xóm lân cận chung quanh đồi, khẻ nhíu mày nhưng cũng điềm tỉnh cố gắng vớt vát :
- Để thằng 2 thì được nhưng cũng chỉ có chừng bốn mươi. Thiếu Tá hỏi ở trển có chịu bốn mươi không, hết mẹ nó một Đại Đội rồi.
- Không được, họ đòi năm chục. Nếu mình để Đại đội 2 ở đây thì thằng 3 phải dăng mỏng ra để trám chỗ thằng 2. Vậy lấy thêm một Trung đội của Đại đội 1 vậy, được không?
Đ/U Sinh ngập ngừng nhấn mạnh vai trò cực kỳ quan trọng của Đại đội 1:
- Thiếu Tá biết, thằng 1 nó nằm một mình ở cái đồi bên cạnh. Nếu bị đánh, nó là cái mục tiêu cần phải chiếm trước bằng bất cứ giá nào. Lấy được Đại đội 1 rồi, nó sẽ dùng nơi nầy làm áp lực uy hiếp Tiểu Đoàn. Mất Đại đội 1 thì coi như mất Tiểu Đoàn, mà mất Tiểu Đoàn là mất quận Thường Đức.
Th/T Lầu bám vào lời hứa của ông Liên Đoàn Trưởng.
- Tao cũng biết vậy, nhưng mà thằng 3 bị trải mỏng quá. Mà lệnh là lệnh. Thôi ông nói thằng Tẩm để lại 1 Trung đội. Có gì, chắc họ không bỏ mình đâu.
Biết nói thêm củng không thay đổi được quyết định, Đại Úy Sinh kêu Trung Úy Tẩm, Đại đội Trưởng Đại đội 1, lại :
- Mình phải để lại đây 1 Trung đội. Mày coi thằng nào được thì kêu nó xuống xe ở lại đây.
Không một ông Đại đội Trưởng nào biết có cả sư đoàn cộng quân sắp đánh Thường Đức. Nghe thế, Trung Úy Tẩm suy nghĩ: “Trung đội 1 thì có toán của thằng Sơn, Trung đội 3 thì có tiểu đội thằng Khâm.”, bèn quyết định :
- Thôi - Để Trung đội 2 ở lại đây với Liên Đoàn.
Không một ông Đại đội Trưởng nào biết có cả sư đoàn cộng quân sắp đánh Thường Đức. Nghe thế, Trung Úy Tẩm suy nghĩ: “Trung đội 1 thì có toán của thằng Sơn, Trung đội 3 thì có tiểu đội thằng Khâm.”, bèn quyết định :
- Thôi - Để Trung đội 2 ở lại đây với Liên Đoàn.
Vào lúc 17h ngày 07/8/1974.
Sau một thời gian dài bị quân CSBV bao vây và tấn công với lực lượng đông gấp nhiều lần có cả Pháo binh và Tank.
Chi Khu Thường Đức bị Cọng quân tràn ngập và thất thủ, Trung Tá Nguyễn Quốc Hùng Quận Trưởng kiêm Chi khu Trưởng bị thương sau đó ông tự sát ngay trong hầm Chỉ huy.
*Hình ảnh của Gia đình.
(Nguồn:Fb. Nguyễn Dân Việt).
XIN BẤM " READ MORE" ĐỂ ĐỌC TIẾP
Theo hệ thống tổ chức, Đại đội 1 gồm có tất cả 4 trung đội. Trung đội 1, 2 và 3 là những trung đội tác chiến. Trung đội 4, còn có tên là trung đội công vụ, hoặc trung đội súng nặng, bao gồm một số quân nhân chuyên về súng cối. Số còn lại với những khả năng chuyên môn đặc biệt khác, có nhiệm vụ hổ trợ cho BCH Đại đội. Vì không thường đụng trận trực tiếp, nên Trung đội 4 chỉ được trưng dụng khi nhu cầu chiến trường đòi hỏi cấp bách.
Bình thường, quân số tác chiến của mỗi một trung đội vào khoảng mươi người. Sau lần hành quân tại Quãng Tín, mỗi trung đội chỉ còn lại từ khoảng 8 đến 10 người. Nay lại phải để lại cho BCH Liên đoàn một trung đội tác chiến, Đại đội 1 lãnh nhiệm vụ trấn thủ Thường Đức với quân số chưa tới 30 người, kể cả trung đội công vụ. 30 quân nhân có nhiệm vụ phòng thủ một vòng đai bao gồm xấp xỉ 25 cái lô-cốt. Mỗi một lô-cốt cách nhau trung bình khoảng 10, 15 thước.
Vào thời cực thịnh, khi quân đội Mỹ còn trấn đóng nơi đây, vòng đai phòng thủ của Đại đội 1 được bảo vệ với khoảng hơn 100 tay súng.
Giờ đây, Đại đội 1 vốn đã trải quân quá mỏng cho một phòng tuyến quá dài, nay lại thiếu đi trung đội 1, toàn thể Đại đội 1 bây giờ chỉ còn khoảng 20 mạng. Với một quân số ít ỏi, mà phải chịu trách nhiệm một vòng đai phòng thủ quá lớn, lại phải đương đầu với một lực lượng địch quân đông đảo hằng gấp mươi lần với vũ khí dồi dào bất tận.
Cán cân quân sự đôi bên đã chênh lệch thấy rõ. Câu hỏi bây giờ không phải là chừng nào thắng, mà là giữ được bao lâu? Nếu phép lạ có xảy ra, ấy là sự kiên cường của những người lính thuộc Đại đội 1 đã giữ vững bờ cõi dài thêm được một ngày nữa.
Cũng may cho Đại đội 1, một phần bên ngoài tuyến phòng thủ của Trung đội 1 và Trung đội 4 là nhà cửa của dân chúng và một cái đồn lính ĐPQ/NG. Ngay từ ngày đầu, hai tuyến này, thường xuyên bị bỏ trống để dồn quân về hai mặt Tây Nam và Tây Bắc. Thêm một may mắn nữa, là cộng quân không biết được 2 tuyến này có lúc đã bị bỏ trống, cho nên bọn chúng không lăm le tiến sang hướng này. Mãi cho đến khi đồn ĐPQ/NQ bị mất thì lúc ấy địch quân mới dọ dẫm mò qua.
Mặc dầu đã thành công đẩy lui nhiều đợt tấn công, ngược lại, Đại đội 1 cũng phải trả một cái giá không ít. Cứ mỗi lần địch quân xung phong là mỗi lần ta có thêm thương vong và sức phản công của ta bị giảm sút. Cứ một lần địch quân tấn công là mỗi lần ta phải bắn trả và đạn dược lại thêm hao hụt. Nếu địch quân cứ tiếp tục gia tăng áp lực, trong khi ta lại không được tiếp tế và bổ sung quân số kịp thời, thì cái viễn tượng thất thủ ngày càng dần thành sự thật.
Sau nhiều ngày chờ mong, cuối cùng, tin được thả dù tiếp tế làm mọi người khấp khởi vui mừng.
Lúc thả dù, nhìn từng kiện hàng thoát ra từ lòng máy bay, chở đầy những hy vọng, người lính cảm thấy vui thích lâng lâng theo những cánh dù lượn bay trong không gian.
Nhưng rồi, niềm vui đó cũng vụt chốc tan nhanh, khi tất cả những kiện hàng, khoảng 5, 7 chiếc, đều lần lượt rơi rớt bên ngoài hậu cứ. Như thấy chưa đủ làm người lính tuyệt vọng, tin tức truyền miệng cho biết không chắc có kỳ tiếp tế khác. Thường thì những lời đồn đãi không xa sự thật bao nhiêu. Đợt thả dù tiếp tế lần này, là lần đầu và cũng là lần cuối.
Có một vài chiếc dù tiếp tế bay lạc vào núi. Có một số rơi vào gần chỗ địch quân. Thấy thế, bọn chúng bèn mon men ra lấy. Người phi công A-37 đang bao vùng bên trên thấy thế bèn lao xuống phá hủy kiện hàng.
Thấy chiếc phản lực A-37 từ trên trời cao lao vút xuống, những ổ súng phòng không của địch quân từ hai dãy núi hai bên đồng loạt bắn lên liên tu bất tận. Mặc cho những đầu đạn nổ tung chung quanh thân máy bay, chiếc phản lực vẫn tiếp tục vừa bắn vừa lao xuống, thấp, thấp, thấp nữa cho thêm chính xác. Đạn khạc ra từ máy bay sủi đất chung quanh chiếc dù tiếp tế. Bọn việt cộng vội vã chạy tán loạn. Mấy ổ súng phòng không vội vã bắn theo. Những người lính nín thở há hốc theo dõi. Đột nhiên, khói bốc ra từ thân máy bay. Chiếc A-37 vẫn tiếp tục lao xuống. Người lính bên dưới lo sợ nghẹn lời:
- Chúa ơi! Nhảy ra - nhảy ra.
Chiếc máy bay vẫn không đổi hướng và tiếp tục lao xuống rồi nổ tung kế nơi chiếc dù tiếp tế. Một đống lửa to lớn nổ bùng lên. Mọi người lính đăm đăm thẫn thờ nhìn.
Đó là chiếc phản lực, cũng là chiếc máy bay duy nhất, bị bắn hạ trong Trận Thường Đức[4].
Nhìn ngọn lửa lan rộng đốt thiêu chiếc máy bay, người lính Tiểu đoàn 79 Biệt Động Quân như cảm thấy ngọn lửa đốt tan luôn tất cả những hy vọng sống còn của chính mình.
Nhìn ra bãi chiến trường, Trung sĩ Khâm thấy vũ khí cộng quân bị bỏ lại nằm la liệt bên cạnh những tử thi. Để có thể tiếp tục chiến đấu trong tình trạng thiếu thốn về đạn dược, ông bèn nảy ra ý định làm một việc mạo hiểm là đi ra nơi cộng quân bị bắn hạ, để lấy vũ khí của địch hòng có thêm phương tiện chống cự. Thấy có thể thực hiện được, ông bèn quan sát định chỗ đợi trời tối ra lấy mang về.
Được cả toán tán đồng, Tr/S Khâm bèn lần xuống gặp Tr/U Tẩm. Đến nơi, ông bèn trình bày ý kiến trên. Tuy thập phần nguy hiểm và có cơ bị thất thủ, nếu toán của Tr/S Khâm bị kẹt luôn ở bên ngoài, nhưng Tr/U Tẩm cũng phải đồng ý để cho toán của Trung sĩ Khâm thực hiện.
Biết họ tính toán đi ra ngoài, tôi thấy sao họ rủ nhau đi làm những chuyện hiểm nguy một cách quá dễ dàng. Tôi chợt nghĩ, hay là họ đã giác ngộ rồi.
Vào những ngày đầu của cuộc chiến, bản năng sinh tồn đã thúc đẩy tôi chiến đấu để sống còn. Tôi nghĩ những người khác cũng vậy. Mỗi lần phản công là mỗi lần hồi hộp, sợ sệt. Đến khi biết mình không có tiếp viện. Đến khi nhìn đâu cũng chỉ thấy tuyệt vọng. Từ khi, hy vọng đã hoàn toàn tan biến. Từ khi ý tưởng chấp nhận sự an bài thành hình. Từ khi cái chết không còn là mối bận tâm. Mình không mong mỏi nó đến, nhưng cũng không buồn tránh né. Tâm hồn mình, từ đó, bổng dưng trở nên thanh thản.
Tôi nghĩ những người khác chắc cũng vậy. Tôi đã bắt gặp những ánh mắt lạ thường qua cái nhìn của họ. Tôi thấy họ hồn nhiên cười đùa rất dễ dàng. Có lẽ vì vậy, họ thản nhiên đi vào chỗ hiểm nguy.
Khi trời còn sáng, Trung sĩ Khâm xác định và phân chia những mục tiêu để thu thập vũ khí. Trời tối hẳn, toán trinh sát tập trung lại. Họ trao đổi mật hiệu cũng như dặn dò một vài điều cần thiết với người có bổn phận theo dõi. Xong rồi, cả toán lặng lẽ ẩn mình luồn theo một lối đi họ đã vạch sẳn khi chiều.
Người còn lại bên trong hồi hộp đợi chờ lo lắng. Giả như, nếu có ai dưới chi khu bắn trái sáng lên, thì sẽ làm cho công việc của họ thêm phần trì trệ gian nan. Lo nhất là mấy cái thằng việt cộng bị thương còn nằm rên khóc ở ngoài đó. Lỡ mà nó chợt phác giác ra toán của Tr/Sĩ Khâm đi lượm súng, rồi nổi máu anh hùng mà la lối, hay rỉa một băng vào mình, làm đánh động cái đám việt cộng, thì cả toán sẽ bị thiệt thân chứ không tài nào chạy vô cho kịp.
Nửa tiếng trôi qua không động tĩnh. Người bên trong chong mắt nhìn trong đêm đen hy vọng phát hiện được bóng người. Đột nhiên, có tiếng sỏi sạn khua xào xạt vang nhẹ trong không gian. Mật hiệu hai bên được trao đổi. Toán của Trung sĩ Khâm khệ nệ mang về một lô súng ống. Khi đến gần, mùi xú uế của tử thi từ trong đống vũ khí phát ra nồng nặc.
Như chưa vừa lòng, họ lại trở ra làm thêm một chuyến nữa. Lần này, họ lại khiêng về thêm một cái máy truyền tin của đám việt cộng với hy vọng tìm hiểu tình hình của địch, nhưng tiếc rằng cái máy đã bị hư không còn xử dụng được.
Dù đã cố gắng chống cự bằng những phương tiện kiếm được chung quanh, nhưng đến khi cộng quân bén mãng lên được đến tuyến phòng thủ của trung đội 1, thì tình thế đã bắt đầu đến hồi nguy ngập.
Đại đội trưởng bị thương, lính thì chỉ còn có vài người. Lúc này, Tiểu Đoàn mới cho lệnh rút về bên kia Tiểu Đoàn cố thủ. Qua bên này rồi, tôi thấy Đại đội 3 cũng tang thương không kém.
Địch quân giờ đã có mặt trên phạm vi của Đại đội 1. Như được phấn khởi, những cánh quân khác cũng đồng thời tấn công về hướng đại đội 3 và chỗ đơn vị Nhảy toán đang phòng thủ.
Khi còn bên phòng tuyến Đại đội 1, tôi đã thấy xác cộng quân nằm rải rác từng lớp bên ngoài tuyến phòng thủ Tây Bắc. Qua bên này đồi Tiểu đoàn, với địa thế cao hơn, dù đã quá quen, tôi vẫn không khỏi bàng hoàng khi thấy xác cộng quân nằm la liệt khắp nơi kéo dài đến tận triền đồi bên kia[5].
Chắc không bao lâu nữa, đám việt cộng cũng sẽ có mặt tại nơi đây. Họ sẽ thấy xác đồng bọn của họ nằm vương vãi như thế này, liệu họ có hả hê reo hò cho cái vinh quang của họ bên cạnh những bãi thịt xương đó không? Hay họ vẫn thản nhiên nổi lửa, rú rống ca hát, cầm súng nhảy múa, chung quanh thân xác đồng bọn, để tôn vinh cho cái gọi là chiến thắng của họ.
Có những ai trong bọn họ, còn nhân tính, chợt thắc mắc vào cái giá phải trả cho cái đồi Thường Đức?
Có những ai trong bọn họ, khẻ lạnh người, nghĩ thế nào nếu nhỡ họ là một trong những con thiêu thân đang nằm ngoài kia?
Có những ai trong bọn họ, còn lương tri, đặt câu hỏi vào khả năng dụng binh của cấp chỉ huy của họ?
Có những ai trong bọn họ, bỗng rùng mình, khi nhận ra bản chất dã man, coi quân như cỏ rát của những tên đầu sỏ?
Có những ai trong bọn họ, đủ sáng suốt, nhận ra rằng họ đã bị lừa phỉnh mê hoặc làm thân trâu ngựa, để phục vụ cho cái dã tâm xâm chiếm Miền Nam của 5, 7 thằng chóp bu đang chè chén du dương trong các dinh phủ an toàn ngoài Miền Bắc?
Trận chiến sắp đến hồi ngã ngũ. Chúng tôi đã làm quá sức mình.
Thằng còn sống, nương theo hoàn cảnh đẩy đưa, quờ quạng đi tìm đường sống trong muôn ngàn lối chết.
Thằng đã chết, chắc cũng chẳng tiếc gì. Ít ra, nó cũng tóm được vài chục thằng bên kia đi theo, hộ tống nó.
Đại đội 1 bị thất thủ, kéo theo Đại đội 3 rồi Tiểu Đoàn. Chúng tôi, vài đứa, đứng tụ tập bên ngoài miệng hầm BCH Tiểu Đoàn đợi chỉ thị của Tiểu Đoàn trưởng. Thiếu Tá Hà văn Lầu, Tiểu Đoàn trưởng Tiểu Đoàn 79 Biệt Động Quân, nhìn chúng tôi rồi ra lệnh di chuyển xuống làng. Quay lưng đi, tôi nghe mang máng ông bảo người sĩ quan Ban 3 Hành quân gởi tọa độ Tiểu Đoàn cho phi pháo lên dập nát.
Tôi cùng với một vài người lính khác theo con đường mòn nối từ BCH TĐ xuống Chi Khu quận Thường Đức. Thấy chúng tôi đi xuống, những người lính của chi khu trong vị trí tác chiến trông theo chúng tôi buồn bã phân vân.
Đến bờ bên này con sông Côn, tôi và một số những người còn khả năng chiến đấu bàn tính mở đường máu qua sông.
Trước khi đi xuống chiếc ghe chở chúng tôi vượt sông, như cảm được cái may mắn của mình đang hồi về chiều, tôi ngoảnh mặt nhìn lại xem còn ai quen ai biết. Tôi thấy Trung úy Tẩm, đầu quấn đầy băng ngửa về sau, dáng mệt mỏi, ngồi lã người, bất động, trên chiếc ghế đẩu, trong một căn nhà bên kia đường. Đứng bên cạnh là Trung sĩ Khâm, có vẻ như lo âu tình trạng của Trung Úy Tẩm. Tôi bắt gặp ánh mắt của Tr/S Khâm nhìn về hướng tôi nhưng như không phải nhìn tôi. Một ánh mắt đầy u uẩn, xa xăm, tôi chưa từng bao giờ thấy từ Ts/S Khâm. Một ánh mắt, phảng phất với trăm nổi đăm chiêu, nhưng đồng thời, như không màng đến những hỗn độn xung quanh[6]. Tr/S Khâm như cũng nhận ra tôi.
Đó là lần cuối cùng tôi gặp Trung sĩ Khâm.
Vài tháng sau, tôi nhận được thư từ Trung sĩ Việt cho biết Trung sĩ Khâm đã bị bắt cùng với Trung úy Tẩm. Sau đó, ông trốn thoát được và đang nằm điều dưởng tại trại An Dưỡng Quân Đội.
Trong thư, Trung sĩ Việt nhắn tôi nên viết thư thăm hỏi để an ủi vì thấy Trung sĩ Khâm có vẻ buồn lắm. Tôi loay hoay không biết nên viết cái gì. Tôi không biết nhiều về Tr/S Khâm. Trong mấy năm cùng chung Đại đội, gặp mặt cũng thường, nhưng hình như Tr/S Khâm và tôi không bao giờ trò chuyện thăm hỏi thân mật tay đôi. Rỏ hơn, hình như ông có vẻ như không ưa thích gì tôi. Còn tôi thì cũng chẳng thích giao du với những người không ưa gì mình. Suy nghĩ mãi, nhưng rồi tôi cũng chỉ gom được, quanh đi quẩn lại, những câu thăm hỏi xã giao chiếu lệ, nhạt nhẽo, thông thường. Cuối cùng, tôi quyết định thôi không viết thư cho ông.
Trong cuộc chiến tại Thường Đức, dĩ nhiên, tất cả những quân nhân của Đại đội 1 đều chiến đấu oanh liệt và hầu hết đã hy sinh trong trận này. Nhưng dũng cảm nhất phải thuộc về những người lính của Trung đội 3. Và anh hùng hơn nữa là những tay súng của tiểu đội trinh sát do Trung sĩ Khâm chỉ huy.
Họ bươn bả dương đông, xông xáo kích tây.
Họ luôn luôn di động để bảo vệ một phòng tuyến quá dài.
Họ có mặt bất cứ trên mọi chiến hào để trực tiếp đối đầu với mủi tấn công của địch.
Họ chiến đấu hăng say trong một hoàn cảnh vô cùng bi đát và tuyệt vọng.
Họ đảm trách mọi công tác hiểm nguy mà không nề hà hay than vãn.
Tất cả đều nhờ vào sự nhận định bén nhạy, khả năng cổ xúy, đôn đốc và cách sống tình nghĩa với đồng đội của Trung sĩ Khâm.
Đây là kết quả của một con người đặc biệt. Đồi Thường Đức được giữ vững lâu dài, một phần, cũng nhờ vào tài sức của ông.
Trung sĩ Khâm mãi là người hùng của Đại Đội 1, nói riêng. Và là niềm hãnh diện của Tiểu Đoàn 79 Biệt Động Quân nói chung.
Trung Sĩ Khâm - Người Con Thường Đức
Trong trận Thường Đức, có một vài con dân Thường Đức, ý thức nông cạn, hận thù cá nhân, lú lẫn chính tà, đã vạch đường dẩn lối rước giặc tràn về tàn phá đất mẹ quê cha.
Nhưng cũng có rất nhiều – nhiều người con Thường Đức đã không ngần ngại đứng lên, anh dũng đánh đuổi giặc cướp, bảo vệ làng trên, giử gìn xóm dưới. Trung sĩ Khâm là một trong những người con anh hùng đó.
Trong suốt chiều dài trận chiến Thường Đức, Trung sĩ Khâm đã đóng góp một phần trong việc bảo vệ Thường Đức cho tới khi tất cả những tài vật và nhân sự đều kiệt quệ. Nếu được tiếp viện vào những ngày cuối, Thường Đức chắc chắn sẽ không bị lọt vào đám cộng quân. Nếu được tiếp tay, Thường Đức sẽ vẫn tồn tại hít thở không khí tự do. Được vậy, tất cả, đều nhờ vào những hy sinh, của những người như Trung sĩ Khâm.
Anh hùng có lúc vẫn bị sa cơ. Tuy thất thủ, nhưng Trung sĩ Khâm vẫn xứng đáng là một trong những người hùng, người con của Thường Đức.
Sau này, lịch sử chắc chắn sẽ được viết lại nghiêm chỉnh và trung thực bằng những sữ gia chân chính. Tôi mong rằng, những đóng góp và hy sinh của Trung sĩ Khâm, trong sứ mệnh bảo vệ Thường Đức, sẽ không đi vào trong quên lãng.
No comments:
Post a Comment