Wednesday, August 2, 2023

Tấm Thẻ Bài Người Lính (Cuong Vuong KBC 4794 )

 




Một thanh niên trình diện nhập ngũ tại Trung Tâm Tuyển Mộ Nhập Ngũ, không phân biệt sau này họ là sĩ quan, hạ sĩ quan, hay binh sĩ, người này qua giai đoạn kiểm tra có  đủ sức khỏe phục vụ trong quân đội, họ được thử máu để xác định nhóm máu, tiếp theo họ được cấp số quân.

Các dữ liệu này được ghi rõ ràng trên hai tấm kim loại kích thước chừng 4 cm x 2,5cm gọi là Tấm Thẻ Bài

Hai Tấm Thẻ Bài giống hệt nhau, xỏ vào dây kim loại, bắt đầu từ đây được đeo  trên cổ người lính.

Thẻ bài gồm: Họ, tên, số quân và loại máu (nhóm máu) của người lính

Số quân:

Số nhận dạng P.I .N (Personal Identity number) của một quân nhân (QN) gồm một dãy số  6 hoặc 8 con số tùy thuộc loại lính sau đây:

Số quân Chủ Lực Quân: Hai số cuối năm sinh cộng 20, tiếp theo là dãy 6 con số. Ví dụ sinh năm 1945 thì số quân chủ lực quân sẽ là: 65 / ……

Số quân Địa Phương Quân: Hai số cuối năm sinh,  tiếp theo là  dãy 6 con số. Ví dụ sinh năm 1945 thì số quân địa phương quân sẽ là: 45 / ….

Số quân Nghĩa quân: Không có hai số cuối năm sinh, chỉ có một dãy Sáu con số 

Nhìn vào số quân, cơ quan hữu trách dễ dàng sưu tra đầy đủ các thông tin cá nhân về người lính mang số quân đó.

Một quân nhân đi trên đường nếu gặp Quân Cảnh hoặc lực lượng Tuần Cảnh Hỗn Hợp: QN được yêu cầu kiểm tra quân phục, quân phong, yêu cầu xuất trình các giấy tờ sau:

1/Sự Vụ Lệnh hoặc Giấy (Nghỉ) Phép hoặc Giấy Tái Khám nếu QN đang là thương bệnh binh.

2/ Căn Cước Quân Nhân 

3/ Chứng Chỉ Tại Ngũ

Lực lượng kiểm tra ít để ý đến 2 tấm thẻ bài đương sự có đeo hay không, nhưng đối với cá nhân người lính, nhất là lính Tác Chiến, Tấm Thẻ Bài là vật quan trọng nhất cho sự sống còn của anh ta khi hữu sự.

Hai tấm thẻ bài cũng thường dễ lạc mất khi QN va chạm mạnh, hoạt động vùng rừng núi, sông hồ, giao thông hào. Nếu thất lạc thẻ bài, QN có thể dễ dàng ra thị trấn, thành phố gần đó để làm lại hai tấm khác, điều kiện người đó phải nhớ được số quân và loại máu.

Khi QN bị thương  ngoài mặt trận, hoặc thương tích  bất cứ lý  do gì, quân y sẽ căn cứ loại máu (nhóm máu) trên thẻ bài để truyền máu, cấp cứu tạm thời, (hoặc giải phẫu tại chỗ), sau đó tìm cách  chuyển họ về quân y viện.

Khi QN tử trận, tử nạn, một thẻ bài gắn đính vào thi hài hoặc cột phía ngoài poncho gói xác người lính. Ban Chung Sự Tiểu đoàn sẽ căn cứ thẻ bài cùng với các y chứng quân y, họ sẽ thực hiện các thủ tục kế tiếp như gởi điện tín khẩn cấp về địa chỉ thân nhân tử sĩ, lo thủ tục mai táng, cuối cùng tử sĩ sẽ mồ yên mả đẹp tại Nghĩa trang Quân Đội Biên Hoà hoặc Nghĩa trang địa phương theo nguyện vọng của gia đình tử sĩ.

Thẻ bài còn lại (nếu có) đơn vị tác chiến sẽ gởi về hậu cứ kèm theo các dữ liệu để hậu cứ lập Tường Trình Uỷ Khúc, Báo Cáo Tổn Thất (QĐ 831) hoặc kèm theo Y Chứng của quân y, giấy tờ tùy thân, vật dụng...để hậu cứ tiếp tục lập thủ tục hồ sơ xin cấp dưỡng cho Cô nhi, quả phụ, Tổ phụ (nếu có) của tử sĩ.

 


 PREVIOUS POST:

Đôi giày trận & Lịch sử tấm thẻ bài của người lính VNCH

https://mauaotran.blogspot.com/2021/01/oi-giay-tran-lich-su-tam-bai-cua-nguoi.html

.

No comments:

Post a Comment