Thursday, November 30, 2023

Henry Kissinger trong mắt học giả Mỹ và cựu quan chức Việt Nam Cộng Hoà

 


30/11/2023 

VOA Tiếng Việt 

 

" Giáo sư Larry Berman nói người miền Nam hoàn toàn có lý do để ‘cảm thấy cay đắng về sự dối trá của Tiến sĩ Henry Kissinger’ trong các cuộc thương thuyết với Hà nội. 

Và ông kết luận, nếu phải viết một câu lên mộ chí của Kissinger, thì câu đó nên là: “Một nhân vật đáng gờm nhưng gây tranh cãi, quan trọng nhưng dối trá".


Có nhiều tranh cãi về vai trò lịch sử của Tiến sĩ Kissigner trong chiến tranh Việt Nam. Nhiều người ủng hộ Việt Nam Cộng Hoà quy lỗi cho Kissinger là đã tiếp tay với cộng sản miền Bắc để thôn tính miền Nam đưa tới sự cáo chung của chế độ Việt Nam Cộng Hoà. 

 

Giáo sư Larry Berman nói người miền Nam hoàn toàn có lý do để ‘cảm thấy cay đắng về sự dối trá của Kissinger’ trong các cuộc thương thuyết với Hà nội; và, nếu phải viết một câu lên mộ chí của Kissinger, thì câu đó nên là: “Một nhân vật đáng gờm nhưng gây tranh cãi, quan trọng nhưng dối trá.” 

Một chuyên gia về chính trị và chính sách đối ngoại từng nghiên cứu về các nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ, cũng là một chuyên gia về chiến tranh Việt Nam, Tiến sĩ Larry Berman, từng nhận định về vai trò của Henry Kissinger trong lịch sử: “Tiến sĩ Kissinger là nhân vật lịch sử đáng kể, quan trọng nhưng gây nhiều tranh cãi. Ông từng là một Ngoại trưởng đầy quyền lực, có rất nhiều ảnh hưởng dưới thời Tổng thống Nixon. Trong những năm đầu của nhiệm kỳ Tổng thống Nixon, Kissinger là Cố vấn An ninh Quốc gia có thế lực và trước đó ông đóng một vai trò thiết yếu trong giai đoạn chuyển tiếp quyền lực giữa Tổng thống Johnson và Tổng Thống Nixon.” 

Sau khi Tổng Thống Nixon từ chức, Kissinger vẫn duy trì được uy tín trong tư cách là một nhà tư tưởng, một nhà diễn thuyết, một chính khách lão thành được nhiều đời Tổng thống Mỹ tham khảo ý kiến và xin cố vấn về một loạt vấn đề liên quan tới chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế. 

 

Có nhiều tranh cãi về vai trò lịch sử của Tiến sĩ Kissigner trong chiến tranh Việt Nam. Nhiều người ủng hộ Việt Nam Cộng Hoà quy lỗi cho Kissinger là đã tiếp tay với cộng sản miền Bắc để thôn tính miền Nam đưa tới sự cáo chung của chế độ Việt Nam Cộng Hoà. Tiến sĩ Larry Berman nói ông Kissinger đã không chấm dứt chiến tranh Việt Nam, điều mà ông ta làm là ‘chấm dứt sự can dự của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam’. 

“Đây có thể là một trong những vai trò gây nhiều tranh cãi nhất. Tôi nghĩ các tài liệu lịch sử đã chứng minh việc này. Đó là cá nhân ông Kissinger phải chịu trách nhiệm đã đánh lạc hướng miền Nam Việt Nam rồi nuốt lời hứa với Tổng thống Thiệu, ông ấy quan tâm hơn tới việc thương thuyết với Lê Đức Thọ của miền Bắc hơn là ông Thiệu, và giải pháp mà ông ta thương lượng bí mật với miền Bắc mà không hề tham khảo ý kiến của đồng minh Việt Nam, về cơ bản, là một ‘hiệp định tự sát’ đối với quốc gia trước đây được gọi là Nam Việt Nam.” 

 

Tổng thống Thiệu đã vô cùng giận dữ khi rốt cuộc phát hiện ra những nhượng bộ hết sức vô lý của Kissinger, kể cả rút quân đội Mỹ ra khỏi Việt Nam trong khi chấp nhận cho Hà nội duy trì các lực lượng của họ ở miền Nam. Và sau khi sự đã rồi, Kissinger tìm đủ mọi cách để tăng sức ép buộc Tổng thống Thiệu ký hiệp định để giữ những cam kết đã hứa với Lê Đức Thọ. 

 

XIN BẤM "READ MORE" ĐỂ ĐỌC TIẾP

Wednesday, November 29, 2023

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger qua đời ở tuổi 100

Nhà ngoại giao kỳ cựu và gây tranh cãi, cựu ngoại trưởng Mỹ làm việc trong hai đời tổng thống, ông Henry Kissinger đã qua đời hôm thứ Tư (29/11) ở tuổi 100.

Kissinger Associates, Inc phát đi tuyên bố cho biết ông Henry Kissinger đã qua đời tại nhà riêng ở tiểu bang Connecticut.

Ông Henry Kissinger là người gốc Do Thái, tên thật là Heinz Alfred Kissinger, sinh tại Furth, Đức vào ngày 27 tháng 5 năm 1923. Ông chuyển tới sống tại Mỹ cùng gia đình vào năm 1938 trước khi Đức Quốc xã phát động chiến dịch thanh trừng người Do Thái tại châu Âu.

Ông Henry Kissinger đã Anh hóa tên Heinz thành Henry và trở thành công dân Mỹ vào năm 1943. Thời điểm này, ông phục vụ trong quân đội tại châu Âu. Ông đã theo học Trường Harvard theo diện được học bổng và đạt được bằng thạc sĩ vào năm 1952 và lấy bằng tiến sĩ vào năm 1954. Sau đó, ông Kissinger đã có 17 năm làm việc tại Đại học Harvard.

Ông Kissinger có hai đời vợ. Ông ly dị người vợ đầu, bà Ann Fleischer vào năm 1964. Ông cưới bà Nancy Maginnes vào năm 1974. Ông có hai người con với người vợ đầu.

2023 là năm ông Kissinger tròn 100 tuổi và nhà ngoại giao kỳ cựu này đã tham gia nhiều chuỗi hoạt động kỷ niệm cột mốc này. Ông đã dự các cuộc gặp tại Nhà Trắng, xuất bản sách về phong cách lãnh đạo, thậm chí tham gia cả buổi khai chứng tại một ủy ban của Thượng viện liên bang Mỹ về mối đe dọa hạt nhân do Triều Tiên đặt ra.

Vào tháng 7/2023, ông Kissinger dù đã 100 tuổi vẫn có chuyến thăm bất ngờ tới Bắc Kinh, hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong suốt sự nghiệp ngoại giao của mình, ông Kissinger đã trực tiếp liên quan đến nhiều sự kiện lớn, mang tính chất thay đổi thời đại trên bình diện toàn cầu.

Trong những năm 1970, khi giữ chức ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Richard Nixon, ông Kissinger đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy và hiện thực hóa mở cửa Trung Quốc cộng sản, tham gia vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí Mỹ – Liên Xô, mở rộng mối quan hệ giữa Israel với các nước láng giềng Ả Rập, và hiện thực hóa Hiệp đình Hòa bình Paris, kết thúc chiến tranh Việt Nam.

Sau khi ông Nixon từ chức năm 1974, ông Kissinger tiếp tục sự nghiệp ngoại giao dưới thời Tổng thống Gerald Ford và trong suốt quãng đời còn lại sau đó, dù đã nghỉ hưu, ông vẫn đưa ra các quan điểm mạnh mẽ về chiến lược ngoại giao.

Ông Kissinger được nhận giải Nobel Hòa bình cùng với ông Lê Đức Thọ của Bắc Việt sau Hiệp định Hòa bình Paris. Ông Thọ đã từ chối nhận giải thưởng này.

Tổng thống Ford gọi ông Kissinger là “siêu ngoại trưởng”, nhưng cũng nhấn mạnh người đàn ông gốc Do Thái này có tính khí thất thường và khá là tự cao tự đại. Ông Ford thậm chí từng nói: “Henry không bao giờ nghĩ mình sai”.

Hải Đăng

 READ MORE ARTICLE:

Henry Kissinger: Người định hình thế giới đầy tranh cãi 

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cqvp9pgy2wxo 

 

.

Tuesday, November 28, 2023

Người lính Lý văn Lang & Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa (Update 28/11/2023)

 

Kính gửi quý anh/chị/bạn,

Video Clips on Fb Lý văn Lang:

https://www.youtube.com/channel/UCwlHE4vjMhHNtgC4ygQ4T1g

30 ngày nữa là tròn 74 tuổi đời - giai đoạn này tự mình dấn thân vào công việc buồn tủi, đau thương. Những ngày cuối cuộc đời mang thân phận người lính già, năm xưa từng có giai đoạn khoác áo lính.

10 năm lăn lóc trong nghĩa trang QĐBH làm công việc vì lương tâm, đạo đức làm người, chuốc lấy nhọc nhằn, lao tâm, tổn lực, thị phi.

Thời gian 1 năm vừa qua thực hiện công việc phục dựng lại bia mộ trong nghĩa trang điêu tàn, mồ hoang mã lạnh, tôi cam chịu, chấp nhận tổn thương về tinh thần và sức khoẻ, tự khép mình vào thân phận một kẻ bề dưới. Mong sao sức chịu đựng và nhọc nhằn để làm được công việc nhân văn, trọn đạo lý làm người. Nhưng hỡi ơi, khi va vào bức tường trở ngại, tôi ngạc nhiên và ngoài sự hiểu biết của tôi.

Một nỗi tủi hờn, nghẹn ngào! Tại sao ra nông nỗi như thế này? Tôi nghĩ công việc tôi phục dựng bia mộ hết sức bình thường, cũng trọn đạo lý, không làm ảnh hưởng gì thuần phong, lễ nghĩa của dân tộc.

Và tôi cũng được biết, được nghe, được phổ biến từ rất nhiều người có thẩm quyền: chủ trương, tinh thần của Nhà nước hiện nay là xoa dịu những vết sẹo chiến tranh để lại dù người sống hay đã mất... Những công việc chỉnh trang mồ mả, dù bên này hay bên kia cũng đều là những người con đất mẹ VN máu đỏ da vàng, sẽ không bị hạn chế hay cản trở.

34 lần đi, 34 lần về để chầu chực, xin xỏ, dạ thưa để được tiếp tục công việc phục dựng bia mộ.

Bất kể trời nắng, trời mưa, hay có lần lúc nằm nhà thương giải phẫu mắt chỉ cần ai hay vị nào gọi đến báo tin về công việc phục dựng bia mộ là tôi cấp tốc mang con mắt còn bịt băng trắng đi ngay.

Nhưng tôi chỉ được các quan chức tiếp hai lần. Một lần làm tờ cam kết chấp hành tất cả những điều kiện và nội quy của NT đề ra. Lần thứ hai được mời họp theo đơn yêu cầu của tôi có nhiều ban ngành tham dự buổi họp này. Tôi cũng cam kết sẽ làm đúng những gì chính quyền cho phép.

Nhưng rồi ngày tháng trôi qua lại rơi vào im lặng, tôi bị ám ảnh không hiểu công việc rồi sẽ đi về đâu???

Tôi cũng không hiểu được những gì tôi hay rất nhiều người khác được phổ biến, lan toả thông điệp nhân văn từ bấy lâu nay là nhầm lẫn?

Hoặc ai đó không muốn tinh thần nhân văn, đạo nghĩa này được tiếp tục chảy tràn trong mỗi người con dân Việt?

Thà quý ông phán một câu dứt khoát, để tôi quên đi một công việc mà tôi mơ ước sẽ làm được cho đến ngày mình không còn sức khoẻ, tâm trí ngơ ngẩn theo thời gian, sức tàn lực kiệt ...

Trong suốt thời gian gần 1 năm thực hiện chỉnh trang mộ bia, tôi biết quý vị khắp nơi còn thương tưởng đến người xưa đã nằm xuống trong cuộc chiến đau thương đã đi qua gần 49 năm. Quý vị cũng đã hân hoan, hi vọng, tin vào tình người, lòng nhân nghĩa vẫn luôn chan hoà trong mỗi con người Việt dù làm được ít hay nhiều trong việc phục dựng bia mộ.

Tôi rất tiếc là gặp quá nhiều trở ngại, khó khăn nên tôi không thực hiện được tâm nguyện của tôi dâng hết phần đời còn lại của tôi vào công việc nghĩa trang QĐBH (nay là nghĩa trang Nhân Dân Bình An)

Tới ngày hôm nay là tròn 1 năm tôi đã âm thầm làm bằng tất cả sức già để chỉ xin xỏ được làm mới lại một ngôi số nấm mộ tàn chứ nào phải xin xây cất công trình toà nhà nào đồ sộ, nguy nga? Mà sao con đường tôi đi gian nan và bế tắc quá! Tôi viết lên những dòng này để trút cạn hết những gì mình đã cố gắng để chia sẻ với quý vị đã luôn quan tâm tới công việc cũng như sức khoẻ của tôi.

Sài Gòn, 28/11/2023

Ly Van Lang - KBC 4822

 Previous posts on Blog Màu Áo Trận:

https://mauaotran.blogspot.com/search/label/Ngh%C4%A9a%20trang%20Qu%C3%A2n%20%C4%91%E1%BB%99i%20Bi%C3%AAn%20H%C3%B2a

.

Nước Mắt Cho Sài Gòn | Trình bày: Nguyên Khang | Nhạc: Nguyễn Đình Toàn | Hoà âm: Trúc Hồ

 



.
 

Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên | Trình bày: Nguyên Khang | Nhạc: Nguyễn Đình Toàn | Hoà âm: Trúc Hồ

 


 

Nhạc sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Toàn qua đời, hưởng thọ 87 tuổi

November 28, 2023

FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – Nhạc sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Toàn, tác giả bài hát nổi tiếng “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên” và từng một thời phụ trách chương trình Nhạc Chủ Đề trên đài phát thanh Sài Gòn trước năm 1975, vừa qua đời lúc 7 giờ 15 phút tối Thứ Ba, 28 Tháng Mười Một, tại bệnh viện Fountain Valley, California, hưởng thọ 87 tuổi.

Tin này được anh Nguyễn Đình Thư, con trai cố nhạc sĩ, xác nhận với nhật báo Người Việt.

Nhạc sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Toàn. (Hình: Người Việt)

 

Theo Wikipedia, ông Nguyễn Đình Toàn sinh ngày 6 Tháng Chín, 1936 tại huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Ông còn có bút hiệu Tô Hải Vân khi viết văn và Hồng Ngọc khi viết nhạc.

Năm 1954, ông di cư vào Nam.

Ông đóng góp nhiều sáng tác văn học nghệ thuật dưới nhiều dạng như tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch nói, và bút ký. Tác phẩm “Áo Mơ Phai” của ông đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam Cộng Hòa năm 1973.


 
Photos' Source:

https://sangtao.org/2015/08/03/nguyen-dinh-toan-tu-dong-co-toi-ao-mo-phai/

 

Ông cũng viết nhiều truyện dài đăng thành nhiều kỳ trên các báo miền Nam Việt Nam như tạp chí Văn, Văn Học và các nhật báo như Tự Do, Chính Luận, Xây Dựng, và Tiền Tuyến.

Sau năm 1975, ông bị bắt và giam học tập cải tạo 10 năm mới được thả. Năm 1998 ông cùng gia đình xuất cảnh sang Mỹ, định cư ở Nam California, và tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. (Đ.D.)

SOURCE:

https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/cong-dong/nhac-si-nha-van-nguyen-dinh-toan-qua-doi-huong-tho-87-tuoi/?fbclid=IwAR0P6sraEymNk0Q0PjLsVWGci9JPkX95gjPMyTxA8nZDYkTIy2-fpMwztt4

 

.