Sunday, November 5, 2023

NHÀ VĂN Y UYÊN (1943-1969)

 

NHÀ VĂN Y UYÊN (1943-1969)

Những nhà văn Miền Nam chết trẻ, so với các nước khác, trong giai đoạn 1954-1975 tại Việt Nam hay chỉ riêng Miền-Nam Việt-Nam, không thiếu những nhà văn chết trẻ, hiện chúng ta đang bước vào năm thứ 48, đây là thời gian để chúng ta tưởng niệm tới những tài năng sớm mai một ấy

NHÀ VĂN Y UYÊN (1943-1969)

Tên thật Nguyễn Văn Uy

Sinh năm 1943 tại làng Dục Nội, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên.

Là con cả trong gia đình có 9 người em.

Năm 1954 cùng gia đình di cư vào Nam, cư ngụ tại Hạnh Thông Tây, Gò Vấp.

Học Trung học tại các trường Trung học Nguyễn Trãi, Chu Văn An (Sài Gòn)

Tốt nghiệp trường Quốc gia Sư Phạm Sài Gòn năm 1964.

Dạy học tại Tuy Hòa, Phú Yên từ 1964-1968.

Nhập ngũ khóa 27 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, mãn khóa chuyển về đóng quân tại đồn Nora Phan Thiết, không lâu sau bỏ mình trong trận phục kích, bên dòng suối, dưới chân núi Tà Dôn ngày 8-1-1969.

 

Y Uyên trước hầm trú ẩn ,đồn Nora, chân núi Tà Dôn, Bình tuy năm 1969

 

Khoảng 4 giờ chiều ngày 11-1-1969, Y Uyên trở về Sài Gòn trong quan tài kẽm phủ quốc kỳ.

10g30 sáng Chủ Nhật 12-1-1969 lớp đất hửng đỏ ở Nghĩa trang Hạnh Thông Tây vĩnh viễn phủ kín anh.

Sau năm 1975, nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, nghĩa trang Quân đội Biên Hòa và Hạnh Thông Tây bị buộc phải di dời, nên hài cốt anh được hỏa thiêu và đặt tại Bảo Tháp cộng đồng chùa Vĩnh Nghiêm, Sài Gòn.

Riêng bức tượng đồng của anh được đặt tại nhà riêng của cha mẹ, anh em tại Gò Vấp.

Các tác phẩm đã xuất bản:

TƯỢNG ĐÁ SƯỜN NON, tập truyện (Thời Mới, 1966)

BÃO KHÔ, tập truyện (Giao Điểm, 1966)

QUÊ NHÀ, tập truyện (Trình Bày, 1967)

NGỰA TÍA, truyện dài (Giao Điểm, 1967)

CHIẾC XƯƠNG LÁ MỤC, tập truyện (Tân Văn, 1968)

ĐUỐC SẬY, tập truyện (Văn Uyển, 1969)

CÓ LOÀI CHIM LẠ, tập truyện (Tân Văn, 1971)

Thư Quán Bản Thảo

(tập 18 tháng 2 năm 2005, trg 3)


Từ trần 8 tháng 1, 1969, 26 tuổi, về Y Uyên, xin nhắc lại bài đọc sách dành cho cuốn Tượng Ðá Sườn Non của anh đăng trên tờ Nghệ Thuật hồi năm 1966.

Bây giờ tuy không có bài đó dưới tay, tôi vẫn nhớ những điều đã viết về người tác giả trẻ này, nhân tác phẩm đầu tay của anh, điều mà tôi viết, một năm trước đây nhà văn Túy Hồng đã nhắc lại trên trang Văn Hóa Chính Trị của báo Tiền Tuyến: bốn năm trước Viên Linh gọi “Y Uyên là người viết về chiến tranh hay nhất mà tôi được đọc.” Câu nhận định ấy về một tác phẩm mong manh của một tác giả trẻ lần đầu có sách xuất bản, là một câu nhận định rất táo bạo.

Tác phẩm Y Uyên còn dang dở, một dang dở không ai tiếp tục nổi, bởi anh là người mang chiến tranh vào văn chương như mang một hình bóng ám ảnh thầm lặng nhưng ray rứt, xao xuyến, nặng nề, dài dặc trầm trầm mòn mỏi mãi mãi không kết thúc.

Tác giả nó cũng không kết thúc cho dù có còn sống: chiến tranh ở đó không còn là đề tài mà là đời sống, tác giả không trực tiếp nhận thấy nó, bởi đó là một bóng ma lẩn quất trong đêm tối huyền hoặc, chỉ cảm thấy vì âm khí lạnh lẽo u ám, chỉ cảm thấy vì bị vây hãm nặng nề, ráo riết. Y Uyên không viết về chiến tranh “chó má” với những nhân vật không biết làm gì hơn là văng tục của những tác giả viết văn như viết phóng sự, viết hoạt cảnh sau này, chiến tranh được dựng lại như hoạt cảnh, ký sự đã đẩy độc giả làm khán giả, chiến tranh trong tác phẩm Y Uyên kéo khán giả đó vào chụp vào mũi hắn ống hơi bình dưỡng khí, và hắn cảm thấy ngay áp lực điều-kiện-hóa giữa hai lá phổi. Nhà văn không đi trước để làm chứng nhân cho những phán xét sau này, nhà văn đi trước để được sống sót, cho dù có trở thành nạn nhân và dù đã chết.

Khi Y Uyên vào Sài Gòn, không còn nhớ ở đâu, có thể là ở nhà Nguyễn Ðình Toàn gần đài phát thanh Quốc Gia, đường Phan Ðình Phùng, chúng tôi đã cùng đánh một canh xì-phé vào ban ngày. Y Uyên trầm lặng, nói ít, diện mạo hơi ngăm ngăm, nhỏ người, da tóc khô, đụng nhau vài ván, Y Uyên muốn nhường, sau khi lật bài thì tôi hiểu: anh chơi bài rất cao, khuôn mặt lại không lộ vẻ gì nên đối thủ không thể đoán được, anh có hỏi tôi nghĩ gì khi làm câu thơ “Lưng khom dáng thú bụng phơi hình người?” (anh trích dẫn trên đầu truyện Dáng Thú của anh.) Câu trả lời hình như là một câu hỏi: “Cậu không thấy khi người ta đứng thẳng, cai bụng phơi ra sao? Có con thú nào phơi bụng ra đâu? Chỉ có thú vật mới phơi lưng ra mà thôi.”

Nhà văn Y Uyên (1943-1969), mất năm 26 tuổi khi bị việt cộng phục kích gần đồn Nora, Phan Thiết, Thiếu úy.

Y Uyên - Nguyễn Văn Uy ra đời ở miền Bắc, di cư vào Nam năm 1954, sống nhiều ở Tuy Hòa, Phú Yên, tỉnh lỵ nhỏ bé ấy, trong trí nhớ của người viết những dòng này, khô và dốc, mưa to biến đường đi thành suối nước, chảy như thác cuốn, trong sáu tác phẩm của anh để lại, người đọc thấy được không khí Tuy Hòa, buồn nản, trậm trì, anh dạy học, rồi nhập ngũ, khi tử trận trong một trận phục kích của việt cộng ở bên đồn Nora, Phan Thiết, năm đó anh chỉ mới 26 tuổi, đó là ngày cuối cùng của anh ở đơn vị, người sĩ quan trẻ nằm xuống trong mình đã có giấy thuyên chuyển, song chỉ lên đường vào ngày hôm sau.

Anh đã lên đường về nơi vô định.

Viên Linh

 

 


No comments:

Post a Comment