20/10/2023
Mời đọc thử ở đây:
https://tiengquehuong.files.wordpress.com/2023/11/tuotkiemphuongxa_01-03.pdf
Lời
Người Dịch
Max
Hastings, một sử gia Anh, một ký giả đã tường trình cuộc chiến cho đến phút
chót, viết: ...Cuộc chiến Việt Nam là một
Đại Bi Kịch... Đại Bi Kịch đó khởi nguồn
thế nào? Và kết thúc thế nào? Theo sử
gia George J. Veith thì Đại Bi Kịch đó mở màn bằng cái nhìn tranh tối tranh
sáng được mô tả trong thiên Corinthian của Thánh Kinh và kết thúc bằng chuyện..Tuốt kiếm,“ trong thiên Leviticus.
Các
sử gia thường cho rằng chất liệu “lịch sử” chỉ hiện rõ sau 50 năm. Điều đó có
nghĩa là những vấn đề gây xôn xao dư luận, những vấn đề thời sự sôi bỏng, đã
tan biến để những hình ảnh rõ hơn của lịch sử từ từ xuất hiện. Sau 50 năm, chẳng
mấy ai còn bàng hoàng vì những bức ảnh thôi thúc sự suy diễn, chẳng mấy ai còn
bị ám ảnh vì những cảm xúc dày vò, dễ làm mờ trí phán đoán người nhìn, như bức ảnh
tự thiêu của thượng tọa Thích Quảng Đức, bức ảnh một tù nhân Việt Cộng bị tướng
Nguyễn Ngọc Loan bắn vào đầu, hoặc bức ảnh “Napalm Girl” của Nick Út. Những bức
ảnh đó không phải không còn giá trị, nhưng giá trị của các bức ảnh đó được đưa
vào những chỗ đúng tầm, đúng cỡ, ở những viện bảo tàng chiến tranh để vẽ lại những
sự tàn khốc của cuộc chiến, những sự tàn khốc hằng hiện hữu trong mọi cuộc chiến,
chứ không phải chỉ duy nhất trong cuộc chiến Việt Nam.
Trong
Tuốt Kiếm Phương Xa, George J. Veith không chú trọng vào những bức ảnh, những bản
tin chiến sự một thời sôi động đó. Ông
nghiêm túc tìm hiểu cuộc chiến Việt Nam qua ba nguồn tài liệu chính, tài liệu
được giải mật của CIA, của Tòa Đại Sứ Mỹ ở Việt Nam, và các tài liệu Việt Nam.
Một điểm khiến Veith khác hẳn với những sử gia Tây Phương khác là nguồn tài liệu
chính của ông được rút ra từ sự phối hợp và đối chiếu các tài liệu của CIA và
Tòa Đại Sứ Mỹ với các tài liệu của Việt Nam Cộng Hòa, kể cả những cuộc phỏng vấn
các nhân vật lãnh đạo Miền Nam Việt Nam trong suốt 20 năm. Ngoài ra, Veith còn có một lợi điểm hơn các sử
gia khác: Ông là một sĩ quan Thiết Giáp trong quân đội Hoa Kỳ đóng ở Đức. Khía cạnh đặc biệt đó khiến ông vừa có thể đồng
cảm với các sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, vừa nhìn ra được một số những điểm sai,
ít ai để ý nếu chưa từng là lính, hoặc ngồi trong xe thiết giáp. Khi nhận định việc Tổng Thống Diệm bị bắn
trong xe thiết giáp, George J. Veith viết: “Không quân nhân chuyên nghiệp nào
có thể nghĩ đến việc dùng tiểu liên để bắn người trong một khoảng không gian hẹp
như thế.”
Veith không bắt đầu ngay từ thời Đệ Nhất hoặc
Đệ Nhị Cộng Hòa. Ông lùi lại vừa đủ xa để độc giả có thể có cái nhìn khái quát
hơn trước khi vào cuộc qua những mâu thuẫn tôn giáo, những kỳ thị địa phương của
các miền, những di sản bệnh hoạn guồng máy cai trị Pháp đã để lại, những tư tưởng
bè nhóm (kể cả Thế Lực Thứ Ba của những người Việt lưu vong ở Pháp). Những khối
thành kiến bị dồn nén, đè ép đã lắng sâu trong tiềm thức người Việt, khi bị những
mũi dùi thời sự thọc vào, bất chợt bùng ra như những miểng nham thạch của hỏa
diệm sơn chôn vùi tất cả những nhân vật quốc gia kể từ Tổng thống Ngô Đình Diệm,
Văn sĩ Nhất Linh, cho đến Thủ tướng Phan Huy Quát, Dân biểu Trần Văn Văn, Ký giả
Từ Chung, Viện trưởng Nguyễn Văn Bông… Trong Tuốt Kiếm Phương Xa, Veith đã dùng
tài liệu Mỹ để lấy cái nhìn ban đầu, đối chiếu với những gì được nghe, rồi suy
ngẫm, phân tích để tìm hiểu căn nguyên của sự việc.
Mở
đầu bằng bối cảnh lịch sử Việt Nam, Tuốt Kiếm lần theo dấu một vết rạn chia rẽ
dân tộc để nói về vấn đề tôn giáo, vùng, miền. Veith đã lấy bối cảnh này làm
bàn đạp để đẩy câu chuyện về hai hướng khác nhau, một đi sâu vào những biến
chuyển thời thế, những khắc khoải nội tâm của các chính khách, các nhân vật
lãnh đạo MNVN; một tỏa rộng ra bên ngoài với ảnh hưởng tàn dần của Pháp, và ảnh
hưởng ngày càng lớn của Mỹ, của Đại Hàn, của Đài Loan.
Rồi
những hình ảnh bên ngoài, bỗng vượt lên phía trước, quành lại để biến thành áp
lực. MNVN bỗng nhiên khựng lại vì hai mũi dùi khốc liệt: Mũi dùi xâm lược của Bắc
Việt và mũi dùi Dân Chủ của Mỹ. Mỗi bước đi của MNVN là mỗi bước quằn quại,
không chỉ với hai mũi dùi này luôn luôn canh cánh bên sườn, mà còn với những
khích động, khuynh đảo bên trong bởi hàng loạt gián điệp nội tuyến, bên cạnh những
tranh chấp nảy lửa, và những chia rẽ ngày càng cay đắng của những người Quốc
Gia. Trong khung cảnh khắc nghiệt đó, những đóa hoa tiềm năng nhân bản và dân
chủ MNVN tuy vẫn nở, nhưng thường nở ở những góc khuất, không đủ ánh sáng mặt
trời, như những thành quả kinh tế của Phạm Kim Ngọc, như những nỗ lực tái định
cư cố tìm cách để người dân tị nạn vô gia cư được sống với lòng tự trọng của
bác sĩ Nguyễn Phúc Quế, như cuộc cải cách điền địa Người Cày Có Ruộng đầy sáng
tạo của Cao Văn Thân, những thành quả Nông Lâm Súc đáng nể của Phạm Quang Minh
và những chiến dịch Nhân Dân Tự Vệ khéo léo của Nguyễn Văn Thiệu.
Éo
le thay, thế giới lại chọn cách nhìn MNVN qua một lăng kính khác. Lăng kính của
các cuộc biểu tình Phật Giáo của Thích Trí Quang, lăng kính đàn áp Tổng Hội
sinh viên của Huỳnh Tấn Mẫm, lăng kính các cuộc tàn sát của lính Mỹ ở làng Mỹ
Lai, lăng kính buôn lậu có hệ thống được sự bao che của chính Thủ Tướng Trần
Thiện Khiêm và lăng kính đàn áp dân chủ của cuộc độc cử 1971.
Trong
20 năm nghiền ngẫm, đào sâu vào cái biển tài liệu của CIA, của văn khố Quốc Gia
Mỹ, của sách vở, hồi ký của những người MNVN, Veith đã vẽ lại một hình ảnh MNVN
khác, một hình ảnh chuyển dạng, biến những bức tranh Picasso loạn sắc, khó hiểu
của MNVN thành những bức tranh trong sáng, giản dị hơn, chuyển những góc khuất
về một hướng rõ hơn, chuyển những góc phóng đại về những vị trí hợp lý hơn để
đưa ra một hình ảnh MNVN ít thành kiến hơn, công bằng hơn. Trong nỗ lực đó,
Veith dường như đồng cảm hơn với những kẻ ngã ngựa.
Không
chỉ thách thức độc giả nghĩ lại về chuyện.. Được làm Vua, Thua Làm Giặc“, Veith
còn muốn nước Mỹ có một cái nhìn khác, một cái nhìn từ vị thế của thế kỷ 21,
khi những biến động thời sự đã thực sự lắng xuống, khi „Than Hồng Chiến Cuộc“
đã tàn lụi, chỉ để lại những đứa con hoang của bên bại trận còn tan tác khắp
nơi, không chỉ ở trại cải tạo, trong lòng đại dương, mà còn ở gần như khắp mặt
địa cầu, như những mảnh vụn của một bức tranh bi thảm vĩ đại chưa bao giờ được
ghép lại.
Để
tương phản với giai đoạn mở đầu của MNVN như cảnh nhá nhem tối được mô tả trong
thiên Corinthian của Thánh Kinh, George J. Veith đã vẽ lại hình ảnh tan hoang,
hoảng loạn lúc cuối của MNVN bằng cảnh tượng kinh hoàng trong thiên Leviticus
khi Thượng Đế Tuốt Kiếm để xua đuổi chính con dân của mình ra khỏi tổ ấm. Veith
đã nhìn cuộc xua đuổi đó trong thương cảm, thắc mắc và muốn kể lại một cách
công bằng: „Theo cái nhìn của kẻ bị xua đuổi.“ Qua cái nhìn ám ảnh đó, cội nguồn
giấc mơ của những kẻ chiến bại hằn rõ hơn, tâm tư của họ được ghi lại như những
bản nhạc hùng tráng, buồn bã. Veith muốn ghi lại tất cả, và kêu gọi tất cả những
người MNVN chiến bại hằng im lặng hãy lên tiếng.
Qua
Tuốt Kiếm Phương Xa, ông muốn góp những bản nhạc bi tráng, buồn bã đó thành một
Thiên Anh Hùng Ca kêu gọi con cháu của những người MNVN tiến lên, nhặt lại những
hạt giống tốt đã khô cằn của thế hệ trước, tiếp tục chăm bẵm, gieo trồng những
hạt mầm mộng mơ đó trên những miền đất lạ, để một ngày nào đó, những hy vọng
tan hoang của thế hệ trước lại theo mây gió chuyển về, vẽ lại những hình ảnh
tươi sáng đã bị chôn vùi trong quá khứ. George J. Veith hy vọng lịch sử sẽ phán
xét rộng lòng hơn với Miền Nam Việt Nam.
Một
thế hệ Sử Gia mới đang cân nhắc, nhận định lại cuộc chiến Việt Nam, và quan trọng
hơn: nhận định lại tâm tư, ước vọng của những người Việt Quốc Gia chiến bại và
con, em họ. George J. Veith là một trong những sử gia đầu tiên bắt tay vào công
cuộc vĩ đại đó. Ông đã nói với người dịch
rằng “Tôi muốn mở ra một hướng mới, một cái nhìn đứng đắn mới để bổ túc, hoặc
cân bằng với những quan niệm đã được chấp nhận.”
Sau hai mươi năm nghiên cứu, George J. Veith đã hài lòng với tác phẩm của ông. Nhưng Tuốt Kiếm Phương Xa sẽ để lại những hình ảnh nào trong tâm người đọc? Câu trả lời xin được nhường cho độc giả.
Arlington,
3/26/2023
Phan Lê Dũng
Mời đọc
thử ở đây:
https://tiengquehuong.files.wordpress.com/2023/11/tuotkiemphuongxa_01-03.pdf
SOURCE:
https://tiengquehuong.wordpress.com/2023/10/20/tuot-kiem-phuong-xa/
No comments:
Post a Comment