MỘT CHÚT NIỀM RIÊNG - Vũ Thọ TĐ32/BĐQ
Đây là bài viết của Cựu TNCT Vũ Thọ - nguyên Thiếu Tá Tiểu đoàn 32 BĐQ/Khóa 12 SQ/TB/TĐ. Tôi Vũ Hải cựu SQ/QLVNCH/Khoá 4/69 đã sắp xếp ghi lại.
Kính thưa quý anh tù hữu của các trại tù Tân Lập và Z30 D cùng quý vị cựu TNCT đã bị giam cầm trong những trại tù cộng sản sau ngày Quốc Hận 30-4-1975
Bây giờ nếu một lúc nào đó, quý anh chợt nhớ về những tháng ngày nơi chốn lao tù Cộng sản Việt Nam, quý anh có chợt nhớ đến một vài đêm văn nghệ trại tù Tân Lập do nhóm anh em tù trong đội văn nghệ trình diễn đem đến cho quý anh một vài nụ cười hiếm hoi trong những tháng ngày đọa đày cơ cực, quý anh có bao giờ chợt nhớ đến có thằng đánh trống trong ban nhạc tù, có thằng mỗi lần xuất hiện trên sân khấu chỉ để chọc cười quý anh, vâng thưa quý anh, tôi, chính tôi mà quý anh thường gọi là thằng Thọ móm hoặc thằng Thọ sún(răng chỉ còn 4 cái) đang cố gắng rị mọ viết từng chữ từng hàng để ghi lại một kỷ niệm đau buồn mà tôi mãi mãi hoài không quên…
Tháng 12 năm 1980, tôi không nhớ đích xác ngày nào tôi cùng một số anh Thu, Ngoạn, Bảo, Tuấn v.v.. xuống bệnh xá trại để nhận quan tài người bạn tù vừa mới chết đem đi chôn… Thời gian trước, công việc chôn cất do đám tù hình sự trách nhiệm, họ để quan tài lên xe cải tiến không cần ràng buộc, cứ thế họ đẩy xe đi, khi lên dốc quan tài không được ràng buộc cẩn thận, đã rơi xuống đường, ván quan tài qúa mỏng, đinh tiết kiệm đóng sơ sài và đương nhiên quan tài vỡ tung, xác tù văng ra ngoài. Thấy cảnh quá đau lòng, anh em chúng tôi ở trong đội văn nghệ làm đơn lên Ban giám thị trại yêu cầu trách nhiệm chôn cất(đương nhiên chỉ côn chất tù chính trị mà thôi) và như vậy anh em chúng tôì 2 người trước 2 người sau, khiêng quan tài bạn tù đến nơi an nghỉ. Nơi an nghỉ là một triền đồi không tên nằm cách trại tù K5 Tân Lập khoảng 3 cây số. Vào tháng 12 chưa lập xuân nên thời tiết miền Bắc vẫn còn rét đậm, mưa phùn bay bay áo không đủ ấm nên chúng tôi lạnh cóng người, đường đất đỏ nhão nhẹt khiến chúng tôi phải lột dép đi chân trần, nhắc nhở nhau cẩn thận từng bước, áo quan nặng trĩu vai gầy thân tù tội, nhưng chúng tôi cố gắng đưa bạn được bằng an đến cõi vĩnh hằng. Đến nơi chúng tôi bỏ quan tài xuống xúm nhau đào; huyệt thứ nhất gần xong thì thấy ngay hòn đà lớn nằm giữa, bỏ huyệt đó chúng tôi đào huyệt thứ hai cũng gần xong thi lại có hòn đá tảng nằm chình ình, tôi mới đứng trước quan tài khấn vái “nếu hồn anh có linh thiêng thì anh hãy phù hộ cho chúng tôi để chúng tôi đào một lần nữa có chỗ cho anh yên nghỉ”, khấn xong tôi mới cầm chiếc dép tung lên trời, chiếc dép rớt xuống đất làm trung tâm điểm, từ đó chúng tôi bắt đầu đào lại quả thật đào lại thì rất tốt, chúng tôi đã đào xong huyệt và chôn cất anh cẩn thận. Xong việc chúng tôi ra về mang lòng trĩu nặng đau thương. Riêng tôi trên đường về nỗi buồn dâng đầy, xót xa cho thân phận tù đày, tương lai mờ mịt ngày về xa xăm, chợt một vài ý nhạc ẩn hiện, nên khi về đến trại ngay trong đêm đó khi công an điểm danh vào buồng, tôi vội vã ghi lại những giai điệu cho đến khi trời hừng sáng thì tôi hoàn tất. Có điều để an tâm viết nhạc, tôi đã phải trốn vào buồng vệ sinh bởi vì tôi không thể viết ngoài buồng ngủ vì sợ bọn công an tuần tiễu. Bài hát tôi đặt tên là “Triền Đồi Cô Đơn”, người tôi hát cho nghe đầu tiên là Trịnh bá Lộc, Lộc kiến càng, Lộc nghe Lộc khóc, tôi qúa hoảng, tự trách mình sao khuấy động nỗi đau của bạn bè từ đó tôi không muốn hát cho ai nghe nữa…
Mùng 9 tết năm 1980, tôi không nhớ năm Âm lịch, gặp ngày chủ nhật được miễn lao động, một số anh em có gia đình thăm nuôi quay quần nấu nướng, riêng tôi thuộc dạng tù đầu trọc, không ai thăm nuôi nên buồn tình ôm đàn xuống nhà ăn đàn hát ngêu ngao một mình. Buổi trưa tương đối vắng lặng, một mình trong nhà ăn, tay nâng phiếm đàn dạo nhẹ những khúc nhạc tiền chiến, bỗng từng giọt nước mắt lăn dài trên đôi má lõm của tôi và tôi cất tiếng hát: “Rồi một ngày mai anh chết đi em không còn được dịp chờ mong, rồi ngày mai thân xác anh quay đầu vào núi, xin em trồng trước mộ phần một loài hoa cỏ dại không tên!” cứ thế tôi gục đầu vào cây đàn say sưa hát , bỗng tôi nghe có tiếng lao xao bước vào, ngẩng lên nhìn thấy Dân Thiếu uý cảnh sát trưởng Hòa, phó quận hành chánh, có cả Thiếu tá không quân Đào trọng Can. Dân cầm theo đàn để phụ họa với tôi, có điều tôi hơi ngạc nhiên là thiếu tá Can ở khu C, còn tôi ở khu B, khu B và khu C được ngăn cách bởi một bức tường xây cao quá đầu người, không hiểu bằng cách nào mà anh qua được. Tôi và Dân đệm cho Hòa ca những bài tình ca của Trịnh công Sơn, Hòa ca khá hay, anh say sưa với những bản nhạc Diễm xưa, Như cánh vạc bay, Mưa hồng v..v..Bạn bè nghe đàn hát hay qúa đã ùn ùn kéo vào nghe càng lúc càng đông. Có tiếng của ai đó “ê Thọ hát lại Triền đồi cô đơn” nghe lời yêu cầu, tôi thật sự cảm xúc, tôi vừa hát vừa khóc đến nỗi nghẹn lời. Bạn bè đứng ngồi nghe im phăng phắc chỉ còn tiếng đàn vang vọng của Dân, và tiếng hát uất nghẹn của tôi.
Bỗng tôi nghe từ phía ngoài cửa sổ thấy 4 tên công an với súng AK hướng súng chĩa vào chúng tôi . Chúng tôi ngồi bất động. Hai anh Tiến và Dương phục vụ trong ban thi đua bước vào với giây thừng trên tay. Có tiếng quát “ Trói chúng nó lại”. Tiến bước lại kéo quặt tôi vào sau lấy giây thừng trói chặt. Tiến siết chặt giây trói, tôi đau quá nói với Tiến: “ Anh làm ơn nới lỏng tí được không” Tiến giằn giọng “ĐM, đã vào đây rồi còn bày đặt chống đối, hát nhạc phản động”. Tay tôi có đau nhưng câu nói của Tiến khiến lòng tôi đau nhiều hơn. Các anh em đứng nghe đã mau chân chạy thóat, riêng 4 anh em chúng tôi, Thiếu tá Can, Hòa, Dân và tôi ngồi im chịu trói. Tên công an ra lệnh “ Anh Tiến dẫn họ đi”, Tiến dẫn chúng tôi lên văn phòng Ban thi đua. Bước vào, người tôi gặp đầu tiên là Bích với hàm răng vẩu, hắn là trưởng ban thi đua, Bích là bộ đội hắn phạm tội hình sự bị kết án 20 năm , hắn nhìn tôi chăm chăm rồi đưa cao nắm đấm dứ dứ vào mặt tôi. Tên thứ hai ngồi sẵn trên ghế đằng sau bàn làm việc, hắn tên Đảm, cấp bậc Thiếu uý chức vụ cán bộ Giáo dục, tên thứ ba tên Phùng viết Bảng cấp bậc Thượng uý chức vụ cán bộ chấp pháp. Đảm nhìn tôi cười khấy, hắn nói “Đúng là ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, nghe hắn nói tôi giận xám mặt, nhưng cố gắng giữ bình tĩnh, tôi chậm rãi nói với hắn ta “Thưa cán bộ, tôi chỉ mất tự do, nhưng không mất danh dự, đề nghị cán bộ không mạt sát tôi như vậy”. Đến đây thì tên Thượng uý chấp pháp cười lớn: “Hay, hay anh vẫn còn danh dự, thôi được anh ký vào biên bản đây”, tôi nói “tôi bị trói làm sao ký”, tôi được cởi trói, tôi nói tiếp khi nhận tờ biên bản: “Cán bộ cho tôi đọc trước tờ biên bản” hắn trả lời “Được anh cứ đọc đi”, tôi đọc kỹ từng lời , từng chữ, cuối cùng tôi để tờ biên bản lên bàn và không ký. Tên Đảm nói lớn “ Tội vi phạm kỷ luật lớn như vậy mà anh còn ngoan cố”, tôi trả lời “báo cáo cán bộ tội danh mà cán bộ gán ghép là tổ chức hát nhạc vàng, sáng tác nhạc tuyên truyền xuyên tạc chế độ đều không đúng, tôi không hề làm những điều này, bản nhạc của tôi, những ca từ chỉ là tâm sự của người tù cải tạo khi nghĩ về tương lai, thân phận vậy thôi, tuyệt nhiên không có lời lẽ nào được coi là tuyên truyền xuyên tạc chế độ”. Tên Phùng viết Bảng nói “Được thế bản nhạc của anh đâu?” tôi trả lời không có, tôi chỉ đàn và hát bằng trí nhớ của tôi, nghe tôi nói vậy hắn nói “Tôi muốn nghe anh hát”, tôi nhìn lên vách thấy có cây đàn guitar, tôi nói “ Cán bộ cho tôi mượn cây đàn” xây qua tên Bích, Bảng nói với Bích lấy cây đàn cho tôi. Tôi ôm đàn ngồi xuống chiếc ghế so lại giây và bắt đầu hát. Tôi hát bằng cả tấm lòng bằng sự xúc động đến chấn động tim tôi. Tôi hát để kẻ thù biết rằng dù sa cơ thất thế thì tôi vẫn là tôi.
Nghe tôi hát xong tên cán bộ chấp pháp nói “ Tôi theo cách mạng năm tôi 13 tuổi, nhưng quả thật tôi cảm thấy khó chịu khi nghe anh hát” Tôi thật sự không hiểu anh ta dùng chữ “khó chịu” với ý nghĩa gì, có điều khi tôi chấm dứt bài hát, có một khoảng khắc thật im vắng trong văn phòng. Tên cán bộ giáo dục Đảm lên tiếng “anh Đào trọng Can tại sao ở khu C lại quan hệ với khu B, anh có tham gia vào tổ chức này không” Can trả lời “tôi nhận lỗi đã vi phạm nội quy trại, tuy nhiên tôi chẳng tham gia tổ chức nào cả”, Đảm gằn giọng “thế anh biết có đám người đang tụ tập ca hát nhạc phản động, anh qua làm gì” Can đáp “Tôi là người biết thưởng thức âm nhạc, nghe hay quá là tôi đến thế thôi”. Tên Đảm bảo Bích “anh đánh trống gọi tất cả trại viên tập trung tại hội trường”. Ba hồi trống giục giã vang lên, tất cả mọi người của 3 khu A,B.C lần lượt lên hội trường. Bốn anh em tôi bị trói, cả 4 tên ban thi đua một kèm một dẫn chúng tôi đi. Hội trường có sân khấu kê sẵn một cái bàn dài, tên cán bộ Đảm bắt đầu hạch tội 4 anh em chúng tôi. Hắn nói như con vẹt, kể công ơn của đảng, của nhà nước đối với anh em tù chúng tôi, cuối cùng hắn đọc “Công Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc lệnh phạt: xét rằng,..xét rằng cứ mỗi câu xét rằng là mội cái tội to tổ bố mà chúng gán cho anh em chúng tôi, nay tuyên phạt: trại viên Vũ văn Thọ biệt giam, cùm một chân, chế độ ẩm thực 9 lạng, thời gian kỷ luật 1 tháng. Phần tôi là như vậy còn Đào trọng Can 20 ngày và hai anh Dân và Hòa mỗi người 15 ngày. Tôi và Đào trọng Can được nhốt chung một phòng. Hai tên thi đua Tiến và Dương sau khi cùm chân tôi và Can bước ra đóng cửa còn vọng lại tiếng chửi: ĐM đáng đời.
Trời đã vào xuân , nhưng trong trong phòng kỷ luật lạnh tê người, họ không cho chúng tôi đem theo bất cứ một thứ gì ngoại trừ bộ quần áo tù sọc trắng sọc xanh trên người. Nằm trên bệ xi măng, hai thằng tôi nói chuyện trên trời dưới đất cho quên đói, quên lạnh quên cả thời gian. Có đêm lạnh qúa Can lên cơn suyễn, tôi báo cáo đến khản cả cổ nhưng chẳng có tên cán bộ nào ngó ngàng đến. Rồi cũng đến ngày Can được mãn hạn kỷ luật, Can ra khỏi phòng chỉ còn lại mình tôi. Vừa đói vừa lạnh vừa cô đơn có lúc tôi nghĩ quẩn muốn chết, nhưng chết cách nào đây , cắn lưởi thì không được rồi vì răng chỉ còn 4 cái, có thể treo cổ bằng giây vải áo quần nhưng tìm quanh 4 bức tường không có chổ nào để cột giây , đập đầu vào tường, cái này qủa tình tôi có nghĩ đến, nhưng tôi sợ đau. Tôi thề là lúc đó tôi chỉ muốn chết, nhưng chỉ muốn chết nhẹ nhàng dễ chịu.
Thấm thoát cũng đã 30 ngày , 30 ngày tôi cứ ngỡ 3 năm, 30 ngày nằm trong bóng tối khi được thả ra , bước ra ngoài tôi tôi hoa cả mắt vả lại chân bị cùm một tháng đôi chân như tê dại, tôi không thể đi chỉ lết hay bò. Có bạn tù thấy vậy dìu tôi, khi di chuyển ngang qua Văn phòng Thi đua thằng Bích thấy, quát: “ê anh kia để hắn đi một mình”…
Một tuần sau tôi trở nên giàu có, bạn tù các K gởi qùa cho, Trịnh kiến Càng đem về cho tôi đủ thứ, nào là đường tán, gạo, mắm ruốc xào thịt heo v..v..nhờ vậy chỉ một thời gian ngắn tôi đã phần nào hồi sức. Người tôi mang ơn nhiều nhất là anh Lộc, cũng may anh được trại phân công lao động tự giác đánh xe trâu đi rừng lấy củi cho đội nhà bếp, nên có dịp ngao du sơn thủy có điều kiện gặp gỡ bạn bè các K khác , nhờ vậy tôi mới có qùa của bạn bè gởi cho .
Tôi chân thành biết ơn những bạn bè quen và không quen đã thương tưởng đến tôi gởi cho tôi những món quà tình nghĩa, dù giá trị vật chất không lớn, nhưng đã nói lên vô vàn ý nghĩa , ý nghĩa của tình chiến hữu, ý nghĩa của tình tù hữu. tôi chân thành tri ân cho đến ngày nhắm mắt./.
Kính tặng quý anh Cựu TNCT, cùng quý bạn đọc Nhạc phẩm “Triền Đồi Cô Đơn”
Chiến hữu Vũ Thọ cựu SVSQTBTĐ Khóa 12
No comments:
Post a Comment