Tuesday, April 30, 2024

Photos: Người Lính Miền Nam Việt Nam bảo vệ Saigon vào những khoảnh khắc cuối cùng

 

 




Những Người Lính Miền Nam Việt Nam đã cố gắng bảo vệ Saigon vào những khoảnh khắc cuối cùng… Hai giờ trước khi Saigon sụp đổ ngày 30 Tháng Tư, 1975.

Ảnh và lời chú thích copy của Pino Le

.

 

Giờ phút cuối cùng ngày 30-4, sự thật quan trọng hơn sự kiện (Nam Nguyên)

2006.04.30

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

 

30 Tháng Tư 1975, cách đây 31 năm tổng thống Dương Văn Minh, nhà lãnh đạo cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa đã đầu hàng quân cộng sản Bắc Việt. Quyết định vừa nói được mô tả là để Saigon khỏi trở thành một biển máu.

 

Tướng Dương Văn Minh ngày 5-1-1971. AFP PHOTO

 

Tổng thống Dương Văn Minh và chính phủ của ông trên thực tế chỉ tồn tại 36 giờ, nhưng là những thời khắc đầy cam go trăn trở. Giờ phút sau cùng của Việt Nam Cộng Hòa đã diễn ra như thế nào, các sử gia cho rằng sự thật quan trọng hơn sự kiện, và muốn tìm hiểu sự thật thì hãy ghi nhận từ các nhân chứng.

Trong tinh thần mỗi chế độ mỗi chính phủ gắn liền với tiếng nói chính thức của mình, Nam Nguyên phỏng vấn ông Vũ Ánh, người chứng kiến cảnh ông Dương Văn Minh bị áp giải tới Đài Phát Thanh Saigon để đọc văn kiện đầu hàng. Từ California ông Vũ Ánh phát biểu.

Vũ Ánh: Quan trọng nhất là sự thật, bởi vì tôi tin tưởng là lịch sử có tiếng nói riêng của nó. Và không ai có thể bóp méo tiếng nói của lịch sử.

Nam Nguyên: Thưa ông Vũ Ánh vào thời điểm 30/4/75 ông là cấp chỉ huy cao nhất tại Đài Phát Thanh Saigon, năm ấy ông bao nhiêu tuổi?

Vũ Ánh: Năm 1975 tôi 34 tuổi, lúc đó tôi đang giữ cương vị là chánh sự vụ một sở tương đối có tầm vóc khá quan trọng vào lúc miền Nam VN có những biến chuyển. Đó là Sở Thời Sự Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia.

Những diễn tiến cuối cùng

Nam Nguyên: Thưa ông Vũ Ánh, trên ông còn có các cấp chỉ huy cao hơn, họ không có mặt trong những ngày đó hay sao?

Vũ Ánh: Tôi cần nhấn mạnh là từ ngày 1 tháng Tư cho tới lúc 11g ngày 30/4/75, tôi không về nhà mà ở luôn trong Đài Phát Thanh Saigon. Thực sự là từ ngày 15/4 các cấp chỉ huy trên tôi không đến Đài nữa, họ chỉ gọi điện thoại vào hỏi thăm tình hình thôi.

Đứng trước trách nhiệm như thế, tôi trở thành người phải giải quyết mọi chuyện ở trong Đài. Thật ra không có ai chỉ thị là tôi phải đảm nhận công việc đó, nhưng tôi thấy đây là trách nhiệm của một người làm truyền thông. Nhất là truyền thông của quốc gia.

Nam Nguyên: Thưa ông trong những ngày 29 và 30/4 có bao nhiêu bản thông điệp, hiệu triệu, và nhật lệnh được Đài Saigon phát đi?

Vũ Ánh: Trong giai đoạn đó ít nhất có hai nhật lệnh của Tổng Tham Mưu Trưởng, 1 lời hiệu triệu của ông Phó Tổng Thống Nguyễn Văn Huyền, một số bản thông cáo của Phủ Thủ Tướng cũng như Bộ Nội Vụ.

Sau khi ông Dương Văn Minh nhậm chức ngày 28, thủ tướng mới là ông Vũ Văn Mẫu đã đọc tuyên bố yêu cầu người Mỹ quân đội Mỹ phải rời khỏi Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ.

Nên nhớ rằng người ta không thể chế ra lịch sử được, lịch sử có giá trị của nó bởi vì nhân chứng sống còn rất là nhiều trong đó có tôi vẫn còn sống, mặc dù đã trải qua một thời gian rất dài trong trại cải tạo.

Tình hình bên ngoài lúc đó rất là lộn xộn, Đài Sài Gòn phát đi nhiều thông cáo có tính trấn an người dân, lúc đó người ta dầy xéo lên nhau trước Toà Đại Sứ Mỹ để tìm một chỗ di tản.

Lịch xử bị xuyên tạc

Nam Nguyên: Thưa ông như vậy làn sóng phát thanh quốc gia của chính phủ cuối cùng vẫn được duy trì, và duy trì cho đến lúc nào?

Vũ Ánh: Điều chắc chắn, ở đây còn rất nhiều nhân chứng. Tôi thấy quyển Đại Thắng Mùa Xuân của ông Văn Tiến Dũng viết sau khi chiếm được miền Nam có những chi tiết sai.

Chẳng hạn ông ta viết rằng là quân cộng sản tiến vào Đài Phát Thanh Sài Gòn, lúc đó Đài bỏ hoang không còn ai. Điều này hoàn toàn sai, nên nhớ rằng người ta không thể chế ra lịch sử được, lịch sử có giá trị của nó bởi vì nhân chứng sống còn rất là nhiều trong đó có tôi vẫn còn sống, mặc dù đã trải qua một thời gian rất dài trong trại cải tạo.

Khi ra hải ngoại tôi vẫn còn đủ minh mẫn để nói lên điều này, cho tới 11 giờ ngày 30/4/75 tiếng nói quốc gia VNCH vẫn còn. Sau đó khi phát lệnh đầu hàng văn bản lần thứ hai của tổng thống Dương Văn Minh thu tại đài phát thanh Saigon, thì lúc đó mới chấm dứt tiếng nói của quốc gia VNCH.

Trước khi xảy ra biến cố ngày 30/4 không lúc nào làn sóng của đài phát thanh Saigon bị gián đoạn hết, ngay cả ngày 28, 29 và sáng ngày 30, mỗi khi bắt đầu phát thanh vào lúc 5 giờ sáng chúng tôi đều cử quốc thiều và lời giới thiệu ‘Đây là tiếng nói nước Việt Nam Cộng Hoà phát thanh từ thủ đô Sài Gòn.

Thứ hai nữa có một sự kiện đặc biệt là ngày 28/4/75 vào lúc 5 giờ chiều chúng tôi vẫn thực hiện buổi trực tiếp truyền thanh lễ nhậm chức của tổng thống Dương Văn Minh. Phóng viên tường thuật trực tiếp truyền thanh hôm đó là anh Nguyễn Mạnh Tiến, hai phóng viên nữa cũng có mặt.

Xin thêm rằng, trực tiếp truyền thanh ngày trứơc không phải như bây giờ, đó là một hoạt động công phu và cồng kềnh. Chúng tôi phải đem một xe lưu động tới ráp đặt hệ thống máy móc tại phủ tổng thống, ở đài trung ương đã lên sóng buổi trực tiếp truyền thanh rất đàng hoàng. Cho tới trưa ngày 30/4 hệ thống kỹ thuật nhân viên đầy đủ không trở ngại. Buổi sáng ngày 30/4 Phòng Tin Tức và Phòng Phóng Viên vẫn làm việc như thường, ngay vào thời điểm ông Dương Văn Minh tới Đài đọc văn kiện đầu hàng, người phụ tá cho tôi là anh Vũ Thành An cũng có mặt.

Bên phòng phóng viên chúng tôi vẫn còn Phạm Mạnh Đức, Lê Phú Bổn, Nguyễn Vĩnh Lộc, người sau này là bạn đời của tôi cô phóng viên yến Tuyết cũng có mặt tới giờ cuối cùng, có cả anh Hải quản đốc đài ban Mê Thuột.

Bên Tin Tức thì có chủ bút Hồ Cầu, Phí Ích Bành và 4 biên tập viên nữa. Tôi còn nhớ có cô Triều Lương Anh Phương còn làm việc đến giờ phút chót, trưa 30/4 khi tôi rời đài thì cô này cũng ra cùng.

 

Ông Dương Văn Minh (người đi giữa, cúi đầu) 

rời phủ tổng thống sau khi tuyên bố đầu hàng hôm 30-4-1975. AFP PHOTO

 

Đó là những phần hành liên quan tới phát thanh. Còn phòng sản xuất thì gồm 4 người, cô Bạch Kim Hồng, bà Ngọc Sương vợ ông Nghiêm Phú Phi, tôi thấy bà Minh Diệu, Minh Tần đều có mặt trong phòng sản xuất trong buổi sáng 30/4.

Thông điệp của TT Dương Văn Minh

Nam Nguyên: Khoảng hơn 10 giờ đài có phát một thông điệp của ông Dương Văn minh, cái đó đi thu bên Dinh hay sao?

Vũ Ánh: Tôi cần nói rõ một điều, ngừơi ta vẫn lầm vì có tới hai bản hiệu triệu khác nhau mà ông Dương Văn minh đọc. Bản thứ nhất phát đi lúc 10g15 sáng, trứơc đó lúc 10g kém 15 ông Dương Văn Minh yêu cầu tôi cử ngừơi sang số 7 Thống Nhất để thu thanh lời hiệu triệu rất quan trọng. Tôi cử phóng viên Lê Phú Bổn và kỹ thuật viên Hồ Ổn đi làm công tác này.

Bản thông điệp đó là bản viết tay do Tổng thống Dương Văn Minh tự thảo, ông đọc vấp rất nhiều lần và chúng tôi phải thu đi thu lại. Nội dung thông điệp này ông Minh kêu gọi binh sĩ, cảnh sát, quân đội giữ nguyên vị trí cũ để chờ chính phủ bàn giao trong vòng trật tự cho người anh em phía bên kia tức là cộng sản Bắc Việt.

Đó là bản thứ nhất, tôi nhận được lệnh tổng trưởng thông tin lúc đó là ông Lý Quí Chung nói rằng phải phát đúng 10g15 nếu không phát thì Saigon sẽ là một biển máu. Tôi không bao giờ quên sự kiện này, và tôi đã thi hành đúng như vậy…

Nam Nguyên: Bài hiệu triệu đó được phát mấy lần?

Vũ Ánh: Được phát một lần duy nhất vào lúc 10g 15 phút. Sau đó thì tổng thống Dương Văn Minh rời số 7 Thống Nhất (Phủ Thủ Tướng VNCH) để về Dinh Độc Lập cùng nội các mới thành lập của ông, chuẩn bị đón Cộng Sản Bắc Việt vô để bàn giao.

Tuy nhiên, khi quân cộng sản phá đổ cửa Dinh Độc Lập, những người đầu tiên đi vào đã bắt giữ tất cả, kể cả tổng thống, phó tổng thống, thủ tứơng và một số thành viên nội các, và giam vào phòng khánh tiết. Sau đó họ giải giao ông Dương Văn Minh sang Đài Phát Thanh Saigon.

Khi quân cộng sản phá đổ cửa Dinh Độc Lập, những người đầu tiên đi vào đã bắt giữ tất cả, kể cả tổng thống, phó tổng thống, thủ tứơng và một số thành viên nội các, và giam vào phòng khánh tiết. Sau đó họ giải giao ông Dương Văn Minh sang Đài Phát Thanh Saigon.

Nam Nguyên: Thưa lúc đó là mấy giờ?

Vũ Ánh: Mọi việc diễn biến rất nhanh, lúc đó khoảng 11 giờ kém 15 phút, bởi vì trứơc đó ông Nguyễn Hữu Hạnh Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH do ông Minh bổ nhiệm, đã sang Đài gặp tôi và cho biết ông sang để nhận Đài Phát Thanh và giao cho phía bên kia.

Tôi đứng nói chuyện với ông Hạnh độ khoảng dăm ba phút gì đó, thì thấy ông Dương Văn Minh từ Dinh Độc Lập bị giải giao qua Đài Phát Thanh. Khi cửa xe mở ra, thấy có hai người tay cầm súng K54 áp giải ông Minh, họ mặc quần áo tác chiến quân đội có đeo cấp hàm.

Những chứng nhân của lịch sử

Nam Nguyên: Ngoài xe chở ông Dương Văn Minh, còn có những xe nào khác?

Vũ Ánh: Sau xe đó có nhiều xe khác chở những người mặc thường phục, những người này rất trẻ, tay trái họ đeo băng đỏ. Tôi nhận ra Nguyễn Hữu Thái, Lê Văn Nuôi, Huỳnh Tấn Mẫm…

Nhiều người nữa ở phía, trong đó có một người mà anh em báo chí thường hay gặp, một người luôn xuất hiện với cái ‘búi tó củ hành’, không biết anh ta làm ở báo nào nhưng tôi biết anh ta tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm. Đó là Hà Huy Đỉnh, lúc ấy anh ta cầm một máy quay phim. Tôi và Hà Huy Đỉnh có biết mặt nhau, tôi chào và anh ta chào lại.

Ngoài ra còn có vài phóng viên nứơc ngoài, trong số đó tôi nhận ra George Asper trưởng văn phòng AP tại Saigon.

Khi hai ngừơi áp giải ông Dương Văn Minh lên phòng vi âm lớn ở trên lầu, ngừơi coi máy vẫn còn ngồi đó, thế nhưng thái độ của bà ta hết sức sợ hãi, tay lóng cóng không thể nào ghi âm được.

Lúc đó tôi thấy một người phóng viên Mỹ đưa vào một máy cassette vào để mà thu thanh riêng cho mình thôi.

Bạn hoặc người thân trong gia đình có chứng kiến giờ phút cuối cùng ngày 30-4-1975? Xin gửi email về Vietweb@rfa.org

Bên ngoài phòng máy, sau khi trấn tĩnh lại được thì họ vẫn thu bằng băng lớn như thường, tôi biết chắc khi phát thanh là băng lớn, chứ băng cassette thì sau đó người phóng viên kia mang đi.

Lúc đó khoảng hơn 11giờ, tôi thấy không còn chuyện gì liên quan đến mình nên tôi đi xúông dưới và nói với ông Nguyễn Hữu Hạnh là tôi ra khỏi Đài. Tôi còn nhớ anh Vũ Thành An còn ở lại tới giờ phút chót, tôi nói với Vũ Thành An rằng, có lẽ đây là ‘Bài không Tên Cuối Cùng’ của chúng ta rồi. Đó là lời tôi nói với Vũ Thành An, và đó là tất cả câu chuyện của ngày 30/4 ở Đài Phát Thanh Saigon, coi như là lúc chấm dứt cuộc đời công vụ của tôi đối với chế độ VNCH.

Nam Nguyên: Cảm ơn ông Vũ Ánh về thời giờ ông dành cho RFA.

© 2006 Radio Free Asia

SOURCE:

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/TruthMoreImportantThanFacts_NNguyen-20060430.html?fbclid=IwZXh0bgNhZW0CMTEAAR0hnpiVDSKRZ-s62Lnu7ynVbMqtj-OhEouLxDUX8UEK_3LmbThZ-3huDtA_aem_AUSZR9z2hqPTrHF9bmADeDVjLzkCdtjEJ7aCGIt78O5fHSdZToyW1e-gW90Tt0MEekfNh2YAbWAwdFQp19Y_uW4r

 

30/4 – Xâm lược hay giải phóng: Từ góc nhìn công pháp quốc tế


Tưởng niệm những vị anh hùng tuẫn tiết ngày 30 tháng 4 năm 1975

https://docs.google.com/document/d/1P_oWY2UgIcuoeDfXL4csbkDED3M0_6u5mTHj7O5a3Jc/edit?usp=sharing


 Vũ Thế Thành - Trả súng đạn này

https://docs.google.com/document/d/120xSMczEs__bWz7wehxUOk3ECW3zvhOwv4j5LANfmM8/edit?usp=sharing


30/4 – Xâm lược hay giải phóng: Từ góc nhìn công pháp quốc tế

https://docs.google.com/document/d/17Zky1Uo1CpEmPdLgNSaS7Rpsx5XO9JEv-rN1e5QJAOE/edit?usp=sharing

 

Cộng đồng người Mỹ gốc Việt sau gần 50 năm và những khác biệt thế hệ

Thế hệ trẻ người Mỹ gốc Việt lớn lên ở nơi giao thoa: nỗ lực xây dựng bản sắc

https://docs.google.com/document/d/1Zkm1OKAID-xC47YkvO2FCbTQdWGPOjtnG9xp_aWfPc0/edit?usp=sharing

 

Điệp Mỹ Linh – Hàn gắn vết thương 30 tháng 4 năm 1975

https://docs.google.com/document/d/10OWoxB2jVQOvoMznaOOWRFeeG5X8GJu886OSUrnshh0/edit?usp=sharing

 

Lâm Văn Bé - 30 tháng Tư, 49 năm nhìn lại

https://docs.google.com/document/d/1bTbf_EyjAA1TmAtkh0w0nl8qcEGA4nBRbwKp9F5lnJM/edit?usp=sharing

 

Phan Đức Minh - Giấc mộng kinh hoàng

https://docs.google.com/document/d/1Zz0eoJP_xJ3J0HN2tXcYRyBWRD3uTeCSjOXrv8nfA54/edit?usp=sharing

 

Thảm kịch trại cải tạo sau năm 1975

https://docs.google.com/document/d/1FXWdlrn-XrnfaKyfCZwgL4iqADkp5OF2egDzCWRhk8A/edit?usp=sharing

 

Trần Nhật Kim - Quốc Hận 30 tháng 4 năm 1975

https://docs.google.com/document/d/12KGcv8GQAipUjO8tdnjyAIHsD_5-IC15eYQwUnFgZhc/edit?usp=sharing