Tranh bút chì về Tù Cải Tạo của Phạm Hữu Đản
SOURCE:
https://baovecovang2012.wordpress.com/2023/07/07/cai-tu-viet-cong-pham-kim-khoi/
1. Như hàng ngàn nhà tù khác, Việt cộng đã dựng lên sau khi chiếm được miền Nam Việt Nam, ngày cuối cùng của hạn kỳ 10 ngày do chính chúng quy định cho Sĩ Quan cấp Úy đi “học tập cải tạo” đã qua tại nhà tù Long Giao. Nỗi hoài nghi về sự lừa gạt của Việt cộng càng ngày càng trở thành chính xác khi tuần thứ 10 cũng đã qua luôn.
Cái án tù vô hạn định không hề tuyên bố đang chính thức được thi hành để hủy diệt dần mòn số phận toàn thể Sĩ Quan của một quân đội thua trận vì bị Đồng Minh phản bội.
Trước khi chuyển tù từ các nơi tập trung ở Saigon về Long Giao, cán bộ Việt cộng phụ trách công tác tuyên bố:“nhờ chính sách khoan hồng đại lượng của cách mạng hôm nay các anh được đưa đến một địa điểm đầy đủ điều kiện thuận lợi để học tập cải tạo…”, tới nơi mới thấy địa điểm đầy đủ điều kiện thuận lợi là một chỗ không có lấy một cái cầu tiêu, không một miếng ván lót nằm.
Thêm chuyện lạ khó tin nhưng có thật với nhân chứng gồm hàng trăm ngàn người đi ở tù, đó là ở tù phải đóng tiền cơm! Chỉ sau khi đến Long Giao tới ngày thứ hai, toàn thể tù nhân bị bọn cai tù bắt nộp tiền cơm. Chúng biết thóp ai cũng mang theo vài ngàn để phòng thân nên vét trọn được một mẻ rất khá.
Đểu cáng là tuy đóng tiền cơm, nhưng hàng ngày nhà bếp tù chỉ được phát gạo mục rỗng ruột. Thứ gạo bỏ vào nước vo nổi nhiều hơn chìm. Kết quả sau một thời gian ngắn, rất nhiều người bị mắc bệnh phù vì thiếu sinh tố B1. Chân người bệnh sưng mọng lên gấp hai ba lần khiến cho việc đi lại thật khó khăn. Dã man hơn nữa, có khi Việt cộng còn phát ra những bao gạo trộn đầy đất cát.
Thứ gạo này khi nấu thành cơm cả trại đều nhăn mặt người nghĩ cách đổ đầy nước vào nửa chén cơm rồi lấy đũa khuấy thật mạnh cho sạn cát lắng xuống nhưng cũng không thể nào lọc được. Cơm và đất cát đã dính bết vào nhau rồi. Cả ngày hôm đó cơm tù còn nguyên. Anh em đợi bọn cai tù xuống nói rõ sự việc, nhưng bọn này nghe xong thản nhiên trả lời :
– Các anh phải khắc phục.
Bệnh tật phát sinh trong trại tù mỗi ngày một tăng. Phụ trách y tế trại là một con y tá vườn. Con này mới bò từ rừng ra sau ngày 30-4-75. Hàng ngày nó ngồi vênh váo bên trong khuôn cửa sổ căn nhà dùng làm trạm y tế để làm việc.
Tù bệnh buổi sáng đến ngồi chờ bên ngoài lần lượt tới khai. Bất cứ bệnh gì, con này cũng khủng khỉnh cho toa điều trị một cách quái đản. Giữa năm 1975 không ai có thể ngờ y tá Việt cộng lại có cách chữa bệnh bán khai đến như vậy :
– Bệnh gì?
– Tôi bị phù, người mỏi mệt, đau nhức toàn thân.
– Xuống nhà bếp xin nước vo gạo đun lên mà uống.
-…?!?
– Bệnh gì?
– Tôi bị tiêu chảy.
– Tiêu chảy ra làm sao?
– Tôi bị đi cầu nhiều lần trong ngày.
– Nhịn ăn, ra chỗ hàng rào, hái lá ổi đun lên mà uống.
-…
– Bệnh gì?
– Chân tôi bị lưỡi cuốc văng vào làm độc có mủ nhiều ngày nay rồi.
★
Thằng quản giáo, cai tù trực tiếp coi mỗi buồng, sau khi nghe báo cáo thiếu hai người. Mặt nó tái đi. Tuy nhiên nó cũng vào tận nơi xem xét lại chỗ nằm của 2 người. Sau đó nó chạy về Bộ chỉ huy Trại rồi trở xuống ngay với thằng cán bộ an ninh. Hai thằng chia nhau tém gọn tất cả đồ đạc của tù trốn.
Tối hôm đó cả buồng 5 phải ngồi sinh hoạt kiểm điểm, dưới sự theo dõi và chất vấn của thằng quản giáo. Mọi người đến phiên phát biểu ý kiến đều cả quyết xác nhận không hề hay biết gì về âm mưu của hai người trốn trại.
Thằng quản giáo cố nén tức giận thông báo phịa: “Tôi cho các anh biết 2 tên phản động trốn trại bị bắt lại rồi. Hiện nay trại đang có biện pháp xử lý 2 tên này. Các anh lấy đó làm gương. Đừng bao giờ dại dột mà trốn trại. Các anh có trốn cũng không thể nào thoát được. Vì khắp nơi nhân dân ta đều là tai mắt của Đảng và nhà nước.”
Mặc dù bọn cai tù Việt cộng hết sức dọa nạt để ngăn chặn nạn trốn trại, nhưng không bao lâu một vụ trốn trại đông hơn trước lại xẩy ra. Lần này anh em ở nhiều buồng đặt kế hoạch chung nhưng họ lại thiếu may mắn hơn 2 người lần trước.
Sau vài ngày, xảy ra vụ thứ hai. Cả trại chứng kiến cảnh ba người bị dẫn giải về. Cả 3 quần áo rách tả tơi, tay bị trói quặt về phía sau bằng dây kẽm gai, mặt mày sưng húp, bầm máu. Họ đi không còn vững, lúc nào cũng chỉ chực ngã chúi về phía trước.
Sau khi được nhá cho mọi người thấy, họ bị nhốt ngay vào những cái cũi tù mà muốn ngồi dậy phải cúi đầu thật thấp. Anh em dò hỏi mới hay toán vượt ngục thất bại gồm 7 người. Bốn người đã bị bắn chết trong rừng. Ba người còn lại không bị bắn nốt vì sau khi tra tấn họ chết đi sống lại nhiều lần, bọn cai tù thấy rồi cũng chết, nên mang về trại để dằn mặt những người khác.
Lần này các đội tù không bị bắt sinh hoạt kiểm điểm về việc trốn trại nữa. Bọn cai tù sợ phản tác dụng nếu công khai hóa liên tục những tin tức loại này.
Tuy nhiên thằng quản giáo vẫn lên giọng răn đe: “Hiện nay trong trại ta vẫn còn những kẻ ngoan cố, chúng muốn coi thường luật pháp XHCN, đang âm mưu trốn trại để tiếp tục chống phá cách mạng. Nhưng không được đâu. Kẻ nào có ý đồ làm những chuyện dại dột đó sẽ bị trừng trị đích đáng như các anh đã thấy. Bốn tên cực kỳ phản động, chống đối đến cùng đã bị chính nhân dân ta bắn hạ. Ba tên còn lại nhờ vệ binh can thiệp kịp thời đưa về trại. Nếu những tên này biết ăn năn thật tâm hối cải thì sẽ được hưởng chính sách khoan hồng. Đây là lần chót để các anh suy nghĩ học tập cho tốt.”
Khoan hồng đâu không thấy, chỉ thấy vài ngày sau hai người trong cũi đã chết tại chỗ. Còn một người nằm mê man, bất tỉnh không ăn không uống nổi nữa, bọn cai tù nói là cho đi viện, nhưng có lẽ là viện dưới âm ty.
Lần này bọn cai tù có vẻ yên tâm vì cả 7 người trốn trại đều bị chúng bắn hạ hoặc tra tấn đánh đập rồi cũng chết luôn trong cũi. Biện pháp đó tưởng đâu đã bóp chết được phong trào trốn trại. Trái lại vẫn có những anh em tiếp tục quyết tâm tự cứu. Trước sự gan lì này, bọn cai tù chơi trò khác.
Chúng bày ra tòa án, cố tạo không khí nghiêm trọng để xử người trốn trại. Một buổi sáng cả trại nghỉ lao động. Từng đội sắp hàng cạnh nhau trước loa phóng thanh trực tiếp truyền thanh phiên xử Đại úy Thịnh tội âm mưu trốn trại. Riêng thành phần “chức sắc” gồm các lán trưởng, tổ trưởng tù được tham dự tận mắt phiên tòa tại bộ chỉ huy trại. Nhưng xử cái gì nữa, phiên tòa chưa bắt đầu, đã có một chiếc xe Molotova chở cỗ quan tài đưa vào trại.
Mọi người nhìn nhau : “xong rồi!” và đúng như thế. Cuối cùng bản án được một thằng Việt cộng mặt đầy sát khí ngồi bàn chánh án tuyên ra 2 chữ vắn gọn: “Tử hình!”. Đại Úy Thịnh bị mang ra bắn trước sự chứng kiến bắt buộc của đồng đội.
XIN BẤM "READ MORE" ĐỂ ĐỌC TIẾP
Thấm thoát 1 năm tù trôi qua ở trại Long Giao với tất cả 3 lần tù nhân phải làm bản tự khai. Lần nào để tù nghỉ lao động làm công việc này, tên trại trưởng cũng khoác lác phủ đầu: “Hồ sơ lý lịch của các anh, cách mạng đã có đầy đủ. Bây giờ trại chỉ muốn coi xem các anh có thực thà khai báo lại hay không. Căn cứ vào lời khai của các anh, trại sẽ đánh giá chính xác thiện chí học tập cải tạo từng người”.
Sự thực thì bọn Việt cộng chẳng biết cách nào để biết rõ lý lịch từng người trong số hàng trăm ngàn tù chúng giam giữ. Thế nhưng chúng lại rất muốn biết để có yếu tố phân loại, biên chế nhằm áp dụng đúng tiêu chuẩn những biện pháp thích đáng hơn đối với mỗi thành phần.
Hòng chắc ăn, chúng bắt tù khai đi khai lại 3 lần lý lịch của từng người với cùng các câu hỏi giống nhau để khai thác mọi kẽ hở sai biệt nếu có trong lý lịch bất cứ người nào. Sau đó căn cứ vào hồ sơ lý lịch này chúng thực hiện kế hoạch chuyển trại qui mô.
Một nửa số tù đã được chuyển khỏi trại. Những người còn lại đang hoang mang lo lắng thì có lệnh tập trung lên sân Bộ chỉ huy trại để thằng trại trưởng làm việc:
– Hôm nay tôi thông báo cho các anh biết một việc hết sức quan trọng để chuẩn bị. Các anh sẽ được đưa tới một nơi khác có đầy đủ điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc đi học tập cải tạo. Bây giờ các đội trở về lán thu xếp tư trang cho thật gọn chờ quản giáo xuống hướng dẫn di chuyển.
Hàng ngàn tù nhìn nhau hỡi ôi : Lại đến một nơi có nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa!
Cái thuận lợi sơ khởi của lần này là tù được đi tàu thủy, con tàu có tên Sông Hương rất đẹp, nhưng đã được bọn cai tù Việt cộng biến thành một cái địa ngục nổi kinh hoàng.
Tù từ nhiều nơi cùng lúc được đưa tới Tân Cảng Saigon để tàu chở ra Bắc. Trên boong tàu một cửa cầu thang nhỏ được mở ra để tù xuống hầm. Dòng người nối đuôi nhau tụt xuống liên tục suốt từ chiều đến nửa đêm mới hết. Mới đầu người xuống trước còn duỗi chân ra được, nhưng dần dần tất cả phải co chân lại mới đủ chỗ ngồi. Phần cuối khoang chừa lại một khoảng nhỏ để làm nơi đại và tiểu tiện.
Chỉ sang đến ngày thứ hai là phân và nước tiểu đã bắt đầu chảy ngược lại phía người ngồi. Nắp cầu thang trổ lên boong lúc nào cũng đóng chặt. Cứ như thế hàng ngàn người đã không đủ khí trời mà thở, lại còn phải hít thêm mùi phân và nước tiểu càng lúc càng nồng nặc.
Ngày nào cũng có vài người ngất xỉu. Xỉu thì nằm đó cho đến khi tắt thở. Anh em chung quanh la hét kêu cấp cứu nhưng khoảng vài tiếng đồng hồ sau nắp thang mới mở để cho 4 người ngộp thở khiêng người hết thở lên boong tàu. Thế rồi các xác chết kia được quăng xuống biển, một nơi sạch sẽ mát mẻ hơn dưới hầm tàu, chỗ những cái xác sống đang chịu cực hình ngồi trên cức đái sình thối.
Cái thuận lợi kế tiếp là đi xe lửa Bắc Việt. Tàu vừa cập cảng Hải Phòng, tù được dồn thốc tháo từ địa ngục nổi sang địa ngục lăn. Mỗi toa xe địa ngục này có 2 thằng Việt cộng cầm súng kềm tù leo lên. Khi toa đã chật cứng, 2 cái lưỡi lê được dùng để bắt buộc những người ngồi gần cửa phải rướn người bật ngửa ra phía sau lòi chỗ cho người đang chờ dưới đất lên tiếp. Trong toa người nọ phải ngồi đè lên người kia mới đủ chỗ chứa hết số tù quy định cho mỗi toa. Cửa toa được kéo lại khóa chặt. Trong bóng đêm mù đặc, chuyến tàu đen đưa tù về nẻo Yên Bái. Tới ga khi cửa mỗi toa mở ra cho tù xuống, những người yếu sức quá đã chết ngộp từ bao giờ.
Cái thuận lợi sau cùng và lâu dài nhất là tù được đưa lên địa phận Hoàng Liên Sơn, một nơi rừng sâu nước độc vào bậc nhất miền Bắc VN. Ở đây không có người, không có nhà, không có đường đi lối lại mà chỉ có muỗi, vắt, đỉa, bọ cạp và rắn rết. Tù phải tự tay dựng lấy nhà giam chính mình. Nguyên vật liệu là gỗ, tre, giây rừng. Dụng cụ gồm vài con dao rựa với mấy cái cưa cùn. Tuyệt nhiên không hề có một cây đinh hay cọng kẽm nào!
Thằng trại trưởng chưa có trại luôn mồm đốc thúc : “Trách nhiệm trước mắt ta là xây dựng trại. Tất cả các anh phải phấn đấu tích cực nhanh chóng hoàn thành công tác được giao phó sớm chừng nào hay chừng nấy.”
Trong sự thiếu thốn dụng cụ vật liệu quá đáng mỗi khi tù gặp trở ngại hỏi thêm bất cứ thứ gì cũng được đáp ứng bằng mồm ngay :”Các anh phải biết lao động sáng tạo chứ. Phải biết tự tạo ra phương tiện mà dùng chứ. Phải biết khắc phục chứ”. Bài thuốc khắc phục đã được cai tù mang ra xử dụng trong mọi trường hợp cần cung ứng bất cứ thứ gì hiện đang thiếu thốn. Khắc phục không hơn không kém nghĩa là chẳng có gì ngoài sức lao động của con người, con vật lao động đúng nghĩa nhất dưới chế độ Cộng sản.
Sau khi có được những cái thuận lợi đặc biệt vừa kể, tù bắt đầu nhận bản án khổ sai biệt xứ đồng đều nhau. Ngay khi trại giam vừa hoàn tất, cai tù qui định chỉ tiêu lao động mới: “Kể từ nay hàng ngày mỗi người các anh phải mang về cho trại một cây gỗ dài ít nhất 5m, đường kính ít nhất 30 phân. Hôm nào có lệnh lấy vầu (một loại tre cực lớn), mỗi người hai cây dài 10m, đường kính ngọn không dưới 10 phân. Trại vừa nhận đủ số dao rừng để phát cho các anh đi lao động mỗi người 1 con. Buổi chiều công tác xong, anh nào trực đội, tập trung dao mang trả kho. Ai làm mất phải chịu trách nhiệm hoàn toàn và sẽ được xử lý thích đáng. Đây là công tác trại giao cho các anh để học tập cải tạo. Vậy anh nào tỏ ra chây lười lao động, cố tình không hoàn tất chỉ tiêu, trại sẽ áp dụng biện pháp cắt phần ăn mỗi ngày.”
2-Thật ra với chỉ tiêu này không ai một mình có thể tự hoàn tất. Muốn khỏi bị cắt phần ăn ít lắm 2 người phải cùng làm đổi công cho nhau mới nổi. Tính ra từ mờ sáng xách dao vào rừng, leo lên triền núi hạ xong một thân cột, mặt trời cũng vừa đứng bóng. Sau đó 2 người lần lượt khiêng từng chỉ tiêu về đến trại, trời vừa sụp tối. Công việc làm đó mỗi ngày một người tù chỉ được ăn vài mẫu sắn có khi thối chảy nhựa vàng khè quá nửa. Thức ăn duy nhất là muối. Cai tù bắt bếp tù hoà muối hột tan trong nước rồi mỗi phần ăn múc cho 2 thìa.
Đây là một trong những biện pháp ngừa trốn trại mà chúng nghĩ rằng có hiệu quả vì tù không thể tích trữ muối mang đi. Sau vài tháng liên tục đốn gỗ, nhiều người chịu không nổi đã nằm liệt dù phải nhịn ăn. Nhân tiện bọn cai tù lấy những người hết khả năng đi rừng để thành lập đội rau xanh.
Hôm thành lập đội, thằng quản giáo nói như xỉa xói vào mặt mọi người: “Các anh là những người được trại chiếu cố giao cho công tác tăng gia. Vậy các anh phải thi đua lập thành tích để chứng tỏ thiện chí học tập cải tạo. Triệt để từ bỏ ngay cái lối ăn kỹ làm dối. Nếu không đạt chỉ tiêu sẽ được cho ra lao động ngoài ngay lập tức. Các anh liệu đấy.”
Đội rau xanh gồm 25 người chia ra 3 tổ. Các tổ luân phiên làm các công việc gánh phân, cuốc đất trồng cây và tưới. Muốn có phân, toán công tác hàng ngày phải vét cho bằng hết các hầm cầu nổi của toàn trại rồi mang đổ vào hố ủ phân giữa vườn rau. Nước thì từng cặp xuống tận suối ngoài hàng rào trại khiêng lên. Riêng đất ngày nào cũng phải cuốc xới nếu không sẽ cứng lại rất nhanh. Tuy được trại “chiếu cố” cho trồng rau như một việc nhẹ, nhưng nhờ vậy mà nhiều người cũng đã mắc bệnh kiết ly. và ho ra máu rồi chết nhanh đến không ngờ.
Khoảng 2 tháng một lần, cai tù bắt thu hoạch rau trồng. Su hào, cải củ, phần củ mang lên nộp vào kho thực phẩm nhà bếp của bọn cai tù; phần lá được phép cung cấp cho bếp tù. Đậu đũa, bắp cải là thứ chỉ riêng nhà bếp cai tù mới được xử dụng. Tuyệt đối cấm tù đụng tới.
Khoai lang khi sắp đào củ, đọt nọn hái mang lên nhà bếp cai tù; lá già cho tù xử dụng. Nói chung tất cả sản phẩm của đội rau xanh làm ra là để cung cấp cho cai tù gồm quản giáo, vệ binh và bộ chỉ huy trại. Để bù vào đó, thỉnh thoảng trại cũng cho đội rau xanh vào rừng hái vài bồ rau tàu bay, thứ rau dại, ăn nhiều chừng nào mất máu chừng đó, để bếp tù có đủ rau xanh ăn. Sau vài lần thu hoạch, sản phẩm của đội rau xanh càng ngày phẩm chất càng kém đi. Thằng quản giáo trước còn tập họp đội lại kết tội phá hoại nhưng sau khi theo dõi thấy các tổ vẫn làm công việc đều đặn nó đến tận chỗ tìm hiểu được nguyên nhân chính làm giảm năng xuất là phân bón không đủ tốt.
Đội rau xanh được lệnh tập họp, cứ 2 người một đòn không và 1 thùng đựng phân để đi công tác xa. Trước khi đi thằng quản giáo kiểm điểm: “Hôm nay đội ta nghỉ làm việc ở nhà một buổi để đi ra ngoài mua phân bắc. Các anh đã chuẩn bị tốt đòn và thùng chưa?” Anh đội trưởng tù báo cáo đã chuẩn bị xong sẵn thắc mắc hỏi luôn :
– Sao mình không dùng phân trại mà lại phải ra ngoài mua?
– Phân của các anh không có đạm!
Khi mới ra Bắc, tù được nghỉ ngày Chủ nhật. Sau thấy để tù ở không 1 ngày như vậy uổng phí quá, thằng trưởng trại ra lệnh: “Để các anh có dịp phát huy thêm tinh thần lao động XHCN, kể từ nay mỗi sáng Chủ nhật, tất cả các anh phải đi rừng lấy cho trại mỗi người 1 bó củi năm mươi cân.”
Thế là Chủ Nhật cũng như 6 ngày thường, tù tha hồ được lao động. Lao động chẳng những đạt mức XHCN mà còn có cơ tới thẳng luôn mức Cộng sản Chủ Nghĩa nữa. Nhờ lao động như vậy nên không người nào mặt còn hột máu. Họ bây giờ bước đi trong sân trại, chân không còn để lại rõ dấu.
Những hình hài tiều tụy kia đã nhẹ đến mức gần bay lên được tới Thiên Đường đỏ rồi. Đói quá phong trào “cải thiện” (chữ Việt cộng dùng để chỉ việc kiếm thêm đồ ăn ngoài khẩu phần được cấp) ngấm ngầm hoạt động.
Số là mỗi người tù đều mang theo ít nhất một cái lon Guigoz để đựng nước uống hoặc đồ ăn từ khi bắt đầu đi tù trong Nam. Nay ra ngoài Bắc, vật tùy thân này bỗng dưng trở thành cái nồi cá nhân lưu động vô cùng hữu dụng. Thôi thì cóc, nhái, rắn, chuột, quả găng, củ mài, bất cứ thứ gì kiếm được trên đường đi lao động hàng ngày đều được cho vào nồi lén nấu chín lên ăn để khỏi phải gục ngã sớm vì những điều kiện “thuận lợi”!
Chẳng bao lâu việc làm này bị bọn vệ binh dẫn đội đi rừng hàng ngày phát giác. Người không may đầu tiên đang luộc sắn bên bờ suối bị thằng vệ binh theo tới nơi bắt quả tang. Nó dí súng vào lưng người tù quát :
– Thằng này, mày đang làm cái gì đây?
Người tù chưa kịp trả lời thì 1 báng súng như trời giáng đã nện xuống lưng. Người tù gục ngã, mồm hộc máu. Thằng vệ binh cười nham hiểm, nhìn người tù quằn quại hồi lâu nó quát tiếp :
– Đứng dậy. Một tay cầm ống bơ gô, 1 tay cầm mấy củ sắn này giơ khỏi đầu đi về trại. Mày cả gan dám ăn cắp sắn của nhân dân để cải thiện hả?
Người tù ngoái cổ lại :
– Tôi không ăn cắp. Tôi đào được bụi sắn hoang này ở trong rừng.
– Mày còn ngoan cố hả?
Một cái đạp tiếp theo của thằng vệ binh làm người tù bổ nhào. Anh loạng choạng lấy lại thăng bằng, giơ cao tang vật lảo đảo bước đi về phía trại. Thằng vệ binh vẫn dí sát mũi súng vào lưng người tù. Máu ở miệng người tù tiếp tục nhểu đầy ngực áo.
Đêm hôm đó cả trại được lệnh tập họp bất ngờ giữa lúc mọi người đang co quắp trong tấm mền mỏng không bao giờ đủ để chống lại cái lạnh tê cóng khắc nghiệt của mùa Đông. Một cái bàn được kê giữa sân, hai bên có hai bó đuốc nứa.
Các đội tù tập họp vừa xong thì thằng trại trưởng, một tay cầm cái lon Guigoz tang vật, một tay cầm thanh mã tấu xuất hiện. Giữa ánh sáng chập chờn trong đêm tối, nó lù lù tiến đến sát bàn như con quỷ đội mồ. Trước mặt cả ngàn người tù đang run vì lạnh con quỷ nghiến răng, trợn mắt, gào lên:
– Kể từ giờ phút này, không một người nào còn được phép giữ ống bơ gô. Cố tình vi phạm sẽ biết tay. Cho các anh biết tôi căm thù, căm thù cái ống bơ gô này vô cùng. Mở mắt ra mà coi đây!
Vừa nói tay trái nó vừa đập mạnh cái lon Guigoz xuống mặt bàn, tay phải vung mã tấu lên chặt đứt làm hai. Dưới ánh lửa bập bùng khi mờ khi tỏ hình ảnh con quỷ đỏ ghê khiếp, quái dị giơ thanh mã tấu lên cao khỏi đầu rồi chém xuống một cách đầy căm phẫn, man rợ khiến mọi người rợn tóc gáy.
Chặt xong mối thù, thằng trại trưởng ra lệnh tịch thu toàn bộ lon Guigoz ra để trước mặt. Cũ có, mới có. Người một lon, người hai lon lần lượt đều bị vệ binh và quản giáo tước đoạt nhét đầy vào bao bố xách theo. Từ đấy để có cái đựng nước uống, mỗi người tù phải cắt lấy một ống nứa thay thế cho lon Guigoz. Ít lâu sau, bọn cai tù công khai xử dụng những lon Guigoz còn tốt của tù. Tuyệt nhiên không thấy bọn chúng bày tỏ một dấu hiệu căm thù nào đối với vật vô tri nhưng hữu dụng này.
Ở Hoàng Liên Sơn được 2 năm, bọn cai tù phát động chiến dịch đi tiền phương. Thoạt đầu qua những lời quảng cáo úp mở của chúng, mọi người còn lờ mờ về danh từ tiền phương hoặc chỉ hiểu đây là một hình thức chuyển trại. Gần tới ngày biên chế cai tù, từng đội giải thích:
– Trại đã quyết định lựa chọn những đội tiến bộ để đi công tác ở tiền phương. Các đội đi tiền phương là những đội đã có thành tích lao động rất đáng được biểu dương. Những đội không được đi là những đội quá trình lao động chưa tích cực, năng xuất kém. Ngày mai các anh sẽ biết đội mình có được chiếu cố hay không. Tuy nhiên dù đi tiền phương hay lãnh trách nhiệm mới hay ở lại tiếp tục công tác trại, các anh đều phải chứng tỏ quyết tâm phấn đấu hơn nữa để đạt và vượt mọi chỉ tiêu giao phó.
Đến đấy, mọi người đã thấy khá rõ những gì sẽ đến trong những ngày sắp tới : một số anh em lại sắp sửa có thêm nhiều “điều kiện thuận lợi” mới.
Ba phần tư số đội trong các trại bị đưa đi tiền phương. Tiền phương không gì khác hơn là những vùng miền cực Bắc Việt Nam, giáp ranh biên giới Trung Hoa.
Sau khi các đội “tốt” được chiếu cố, các đội “kém” còn lại được dồn chung vào các trại giam gần nhau. Thời gian nặng nề trôi. Kẻ đi tiền phương với người ở lại tưởng đâu không có ngày tái ngộ. Nhưng xây dựng đâu chưa thấy, năm sau khi Trung Hoa đỏ bắt đầu dạy cho Việt cộng bài học thứ nhất thì tất cả số tù bị đưa lên vùng biên giới lại lục tục kéo về nơi xuất phát. Trại nào cũng tiếp nhận một số người về từ cõi chết. Không một ai đi tiền phương về mà còn lại được vóc dáng cũ, mặc dù cái vóc dáng trước đó cũng đã thảm lắm rồi. Đoàn tù di chuyển vào cổng trại không khác nào những bóng ma chơi vơi trên mặt đất. Bộ đồ tù của họ đã trở thành quá rộng. Từ bộ đồ nhem nhuốc lùng thùng đó, người ta đang có cảm tưởng đang ló ra một cái đầu lâu biết nói.
Anh em quen biết chạy lại hỏi thăm nhau được biết khi Tàu cộng bắt đầu tấn công Việt cộng thì các trại được lệnh di chuyển ngay. Họ đi bộ ròng rã từ miền biên giới Hoa Việt trở ngược lại các trại giam cũ. Tất cả đồ đoàn mang theo từ từ rơi dần trên đường về vì không ai còn đủ sức mang nổi bất cứ thứ gì ngoài tấm thân của mình. Mớ đồ tù tối thiểu đã trở thành quá nặng đối với những kẻ đang mất sức đến rụng rời. Dù sao họ cũng còn may mắn hơn non nửa số anh em đã vùi thây trước đó chưa đầy một năm. Tù bị đưa đi tiền phương chết như rạ.
Có trại tù chết nhiều và nhanh đến độ cai tù phải phát minh ra một sáng kiến chôn tù rất đúng với danh xưng “đỉnh cao trí tuệ loài người” của Việt cộng. Chúng tính toán nghĩ cách đóng ra một cỗ quan tài rời, gồm 2 phần.
Phần thứ nhất là miếng ván đáy mà xác chết nằm trên đó. Phần thứ hai là cái nắp gồm những miếng ván ba dài hai ngắn. Mỗi lần hạ huyệt xong, cái nắp lại được kéo lên mang về dùng lại cho lần chôn kế tiếp. Nhờ sáng kiến mang đầy tính Đảng này, trại đã tiết kiệm cho nhà nước hàng trăm ngàn đồng về khoản tiền đóng hòm chôn tù.
Việc chuyển tù từ tiền phương về không ngừng lại ở địa phận các trại cũ. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, những thằng cai tù muốn ra vẻ ta đây đã cho tù biết sớm : Các anh sắp được bàn giao cho bộ Nội vụ. Cẩn thận đấy. Bên đó họ không dễ dãi như bên Bộ quốc phòng này đâu.
Theo thói quen dưới chế độ cộng sản Việt Nam, bọn bộ đội rất ghét lũ Công an. Có lẽ chúng ganh tức nhau về phương vị. Bọn cối xanh một thời sinh Bắc tử Nam toi mạng mấy trăm nghìn thằng, trong khi đó bọn cối vàng chuyên môn tà tà ở hậu phương lớn là miền Bắc để chỉ có nhiệm vụ canh chừng cái địa ngục nhân dân này.
Chính vì vậy bọn bộ đội thường gọi tụi công an chuyên mặc đồng phục kaki vàng là mấy con “bò vàng”. Trước mặt tù bọn bộ đội cũng muốn rỏ ra rằng chúng tử tế nhân đạo hơn mấy thằng công an chuyên nghiệp coi tù. Sự thật bọn chúng đều là cá mè một lứa. Tất cả lũ ngợm này có cùng bản chất, thứ bản chất man rợ làm nên những thằng cai tù Việt cộng dù nó là bộ đội hay công an.
Cuối năm 1980 tất cả tù đều được giao cho Công an quản trị. Phân nửa số trại tù ở Hoàng Liên Sơn chuyển tù về Thanh Hóa. Khi tiếp nhận tù các biện pháp dằn mặt của bọn công an ở Thanh Hóa đã chứng tỏ ngay sự không khác biệt giữa cai tù cối xanh hay cối vàng.
Mỗi sáng, sau một đêm nhốt kín, các đội tù phải ra sân tập họp điểm danh. Một hôm có người tù bệnh ra không nổi cố ngóc đầu dậy nhờ anh buồng trưởng báo cáo bệnh với quản giáo rồi gục xuống thiếp đi. Nhưng thằng cai tù lại muốn ra oai. Nó vào tận chỗ nằm của người bệnh ra lệnh :
– Anh kia đứng dậy ra điểm danh. Ai cho phép anh ở lại buồng?
– Tôi bịnh quá ngồi dậy không nổi nữa, đã nhờ anh buồng trưởng xin phép cán bộ.
– Mày nhất định không ra hả?
– Tôi dậy không nổi chứ không phải…
Người bệnh chưa kịp nói hết câu, thằng quản giáo tay cầm sẵn cái khóa cửa đã đập thẳng vào mặt người tù. Máu me phun ra lênh láng. Cả đội đứng ngoài sân nhớn nhác khi nghe tiếng người tù bị hành hạ kêu rên thảm thiết. Ngay khi đó hai thằng vệ binh vác súng chĩa lưỡi lê chạy vào tăng cường.
Sau khi đập vỡ mặt người tù, thằng quản giáo chưa hả giận. Đợi lúc cả đội đã ra ngoài bãi, nó dặn hai thằng vệ binh ở lại quan sát cho kỹ để nó trở về buồng giam tính chuyện. Thằng khát máu này rũ thêm ba thằng quản giáo khác đội cùng về với nó để lôi người tù bệnh ra một chỗ khuất trong trại bề hội đồng tiếp. Khi đội trở về buồng sau giờ lao động, tất cả mọi người sững sờ, thất kinh trước tấm thân như một đống thịt mềm nhũn của người tù vừa bị bốn thằng cai ngục làm thịt.
Cứ vài ngày trong trại lại có người bị bọn cai tù kết án chống đối, phản động. Bản án được đọc cho cả trại nghe trước khi xuất trại lao tác. Sau đó người tù bị đưa đi cùm. Dĩ nhiên, trước đó là một trận đòn mềm xương. Khi bị cùm, hai chân người tù phải xỏ vào hai lỗ cùm mà phần trên được đè xuống bằng một thanh sắt tròn. Thanh sắt này xuyên ra bức tường phía sau ngục. Phần ló được uốn thành vòng tròn để người bị cùm không thể tìm cách rút vào hòng gỡ cùm, đồng thời cũng là phần để thằng gác ngục kiểm soát.
Cách kiểm soát của thằng này vô cùng dã man. Thỉnh thoảng nó giơ chân đạp mạnh xuống vòng sắt rồi nghe xem người tù bị thanh sắt nghiến xuống hai cổ chân có kêu rú lên không. Trường hợp có người vì trận đòn khai vị, ngất đi từ trước không kêu nổi nữa, lập tức thằng vệ binh múc nước cống tạt qua khe hở thông hơi của buồng cùm. Bị nước cống đổ xuống đầu, người tù tỉnh lại kêu ú ớ. Đó là cách và dấu hiệu để thằng vệ binh xác nhận được rằng tù còn trong ngục.
Tình hình biên giới Hoa Việt càng ngày càng nặng nề. Không khí chuẩn bị học bài học do người anh em láng giềng XHCN giảng dạy đã lan tới Thanh Hóa. Trong khi lao động chung quanh trại có lần tù đã chứng kiến cảnh những tên công an biên phòng thất tán đơn vị lẻ tẻ vào trại tù xin tá túc tại Bộ chỉ huy. Bọn cai tù cũng không cần giấu diếm. Chúng nói thẳng vào mặt tù :
– Các anh đừng mơ tưởng quân Trung quốc sẽ đến giải phóng các anh. Trong trường hợp đó, chúng tôi sẽ giải quyết các anh trước một bước!
Giải quyết trước một bước là gì thật lòng, không người tù nào lại muốn tin rằng mình đã hiểu đúng nghĩa của thuật ngữ này. Nhưng khi các đội nhất loạt phải chuyển công tác đang làm sang việc đào ao thì mọi người bắt buộc hiểu.
Cai tù từng đội giải thích :
– Hôm nay trại ta phát động công tác đào ao nuôi cá. Các đội cho người đến kho lãnh cuốc xẻng rồi ra nhận phần đất của mình. Đây là một yêu cầu khẩn trương. Các anh cố gắng hoàn thành nhanh chừng nào tốt chừng nấy. Theo quy định, ao phải sâu 4 mét. Chỉ tiêu cho mỗi người là ba mét khối đất một ngày. Anh nào không đạt năng suất, trại sẽ cho thi hành kỷ luật ngay. Trong khi lao động cấm không được bàn tán, phao tin đồn nhảm.
Lúc bắt đầu xắn đất đội trưởng tù hỏi quản giáo về độ dốc bờ ao lấy cỡ nào thì được giải thích qua loa :
– Không cần tà ly lắm, miễn sao đất trên không đổ xuống là được rồi.
Chưa đầy một tuần, chung quanh trại đã có cả chục cái ao sâu bốn thước với vách gần như thẳng đứng. Đây chính là những cái hố vĩ đại dự trù dùng vào việc chôn người tập thể. Ngày chấm dứt công tác đào ao, đoàn tù chẳng ai buồn nói với ai, nhưng những ánh mắt cùng ném vào lòng huyệt một cái nhìn lo âu. Không biết hôm nào đây chính những kẻ đào ao sẽ bị bọn cai tù bắn chết hàng loạt rồi vùi thây trong đó trước khi bọn chúng tháo chạy khỏi sự tràn ngập của quân Trung quốc. Có lẽ tình thế chiến tranh với Trung cộng đã không cho phép Việt cộng giam giữ tù quá đông tại miền Bắc. Tù được chia đợt chuyển ngược vào trong Nam. Cai tù lại tuyên truyền :
– Anh nào vào Nam chuyến này coi như được tha một nửa rồi đấy.
Trên thực tế hầu hết họ vẫn tiếp tục ở tù triền miên trong các nhà tù do Việt cộng dựng lên ở miền Nam. Trong số đó nổi tiếng nhốt đông là nhà tù vĩ đại Xuân Lộc gồm ba trại A, B, và C. A là trại chính, B và C là hai trại phụ. Bọn cai tù đặc trách việc tra tấn tập trung ở trại A, nơi có khu kiên giam, chỗ giam kín vô hạn định. Khu này là chỗ giết người chung cho ba trại. Tất cả những người bị kỷ luật của hai trại kia đều được dồn vào đây.
Màn đón tiếp sơ khởi những người mới vào kỷ luật trại A là một trận đòn tứ phương đón đả. Bốn thằng cai tù đứng bốn góc sân. Người tù tay còng bị đẩy vào giữa. Một thằng khởi động ra đòn. Người tù ngã về phía nào thì thằng tù phía đó đấm đá, lên gối tiếp. Cứ thế bao giờ nạn nhân gục xuống bất động trên vũng máu đang hộc ra từ miệng giữa một khuôn mặt đã mất hẳn hình thù thì chúng lôi vào cùm lại. Người tù vẫn trong tư thế tay còng, chân cùm, mê man bất tỉnh cho tới ngày hôm sau.
Sáng ra bọn cai tù vào, nếu thấy chết chúng cho đem chôn sau trại; còn sống chúng lôi ra tra tấn tiếp. Lần này thì chỉ một thằng làm việc thôi vì người tù đã như cái xác không hồn. Hung thần giai đoạn này tại trại Xuân Lộc là thằng cai tù Tư Ca Rô. Mỗi khi sắp ra tay nó đều hỏi:
– Mày có biết ở đây ai là Tư Ca Rô không?
Người tù chưa kịp trả lời thì đã bị nó đá tới tấp vào mạng sườn cho đến khi khuỵu xuống. Sau đó nó bắt người tù quỳ gối ngước mặt lên nhìn thẳng vào mặt nó. Khuôn mặt bầm tím sưng húp không mở được mắt vừa nhướng lên là thằng Tư Ca Rô giơ thẳng chân đá liên tiếp vào miệng người tù. Khi những chiếc răng gãy văng ra cùng với bụm máu đỏ tươi tung tóe trên nền xi măng, thằng Tư Ca Rô mới ngừng lại chỉ vào ngực nó:
– Tư Ca Rô là tao đây mày biết chưa. Từ nay chắc mày không thể quên được Tư Ca Rô. Còn sống mà ra nhớ nói cho bạn bè mày biết ai là Tư Ca Rô nghe chưa.
Tới ngày hôm nay trên khắp đất nước Việt Nam, bọn Việt cộng chưa dẹp bỏ bất cứ một nhà tù nào do chúng dựng lên từ trước cũng như sau năm 1975. Những nhà tù này hiện vẫn đang được thực thi đúng mức chính sách học tập cải tạo của Đảng cộng sản Việt Nam bởi những thằng cai tù Việt cộng đại loại như Tư Ca Rô của nhà tù Xuân Lộc.
Jan 10, 2018
Phạm Kim Khôi
(nguồn: https://hon-viet.co.uk/PhamKimKhoi_CaiTuVietcong.htm)
SOURCE:
https://baovecovang2012.wordpress.com/2023/07/07/cai-tu-viet-cong-pham-kim-khoi/
.
No comments:
Post a Comment