Wednesday, May 27, 2020

4000 Năm Văn Hiến - Trần Phước Đạt Florida


Từ ngày bước vào ngưỡng cửa trung học, chúng ta ai cũng được học về lịch sử cội nguồn dân tộc, với truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, sinh trăm người con, sau đó 50 người con theo cha xuống biển và 50 người con theo mẹ lên núi.  Theo truyền thuyết, chúng ta là dòng dõi con rồng cháu tiên và có một nền văn hiến lâu đời hơn 4000 năm.

Theo sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên, nền văn hiến Việt Nam hơn 4000 năm được đánh dấu bắt đầu từ năm Nhâm Tuất, tức vào năm 2879 trước Tây Lịch (TL),  năm Kinh Dương Vương lên ngôi nước Xích Quỷ.  

Trong khuôn khổ bài viết ngắn, chúng ta thử tìm hiểu thực hư như thế nào về mốc thời gian 2879 trước TL, là năm đầu của nền văn hiến đất nước.  Đâu là những mâu thuẫn lịch sử và trong hoàn cảnh đất nước như thế nào,  sử gia ta đã ghi chép ngày tháng về những nhân vật truyền thuyết, tổ tiên dân tộc Việt Nam.

Tài liệu về 4000 năm văn hiến

Sử gia nước ta ngày xưa phần lớn không có nhiều tài liệu để nghiên cứu.  Đọc sách của người trước, thường ghi chép lại nguyên bản, đôi lúc sửa đổi vì áp lực của vua chúa hay đạo đức luân lý xã hội thời đó,  nhưng thường không ghi chú thêm cho đầy đủ mọi góc cạnh sự kiện lịch sử.  Như trong sách Lĩnh Nam Chích Quái ghi Âu Cơ là vợ của Đế Lai, nhưng sau này, khi Ngô Sĩ Liên viết Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã sửa lại Âu Cơ là con gái của Đế Lai.  Do đó, nếu nguồn sử liệu không đúng, sai từ ban đầu, thì những cuốn sử sau, các sử gia vẫn tiếp tục ghi chép lại những sai lầm đó, may ra có ghi thêm vài cảm nghĩ của mình. 

Trong sách Việt Nam Sử Lược của cụ Trần Trọng Kim, do bộ giáo dục Trung Tâm Học Liệu xuất bản lần thứ nhất, năm 1971, cụ viết Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ vào năm 2879 trước TL, lấy Long Nữ đẻ ra Sùng Lãm.  Sùng Lãm nối ngôi vua, xưng là Lạc Long Quân, lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ, sinh một lần được một trăm người con. 

Cụ Trần Trọng Kim tiếp tục mắc cái lỗi ghi chép lại, không tra cứu thêm, khi chính cụ trong mục Đề Tựa cuốn sách, đã viết “những nhà chép sử đời trước cũng theo tục truyền mà chép lại chứ không có di tích gì mà khảo cứu cho đích xác.  Tuy vậy, soạn giả cũng theo sử cũ mà chép lại....”.
Sách Việt Nam Sử Lược của cụ Trần Trọng Kim về Kinh Dương Vương đã dựa theo cuốn sử Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên.  Sử gia Ngô Sĩ Liên, đỗ tiến sĩ trong khoa thi đời vua Lê Thái Tông (1442), một học giả Nho gia thời Hậu Lê,  được vua Lê Thánh Tông giao nhiệm vụ biên soạn quốc sử.  Trong mục lục kỷ niên, chương Kỷ Hồng Bàng Thị cho phần Ngoại Kỷ của bộ sử Đại Việt Sử Ký Toàn Thư,  sử gia Ngô Sĩ Liên đã ghi như sau:
“.....Trở lên là kỷ Hồng Bàng thị, từ Kinh Dương Vương được phong năm Nhâm Tuất, cùng thời với Đế Nghi, truyền đến cuối đời vua Hùng Vương, ngang với đời Noãn Vương nhà Chu năm thứ 57, tức năm Quý Mão (258 trước Công Nguyên) thì hết.  Tất cả là 2622 năm (2879 – 258 trước TL)” .

Ngô Sĩ Liên đã không ghi “nguồn” sử liệu nào đã dùng để khẳng định Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ bắt đầu năm 2879 trước Tây lịch. 

Sau 1000 năm bị đô hộ, gần 300 năm độc lập sau đó,  đất nước mới ra mắt bộ chính sử Đại Việt Sử Ký do Lê văn Hưu biên soạn lần đầu tiên, hoàn tất vào năm 1272 dưới đời vua Trần Thánh Tông.  Sách Đại Việt Sử Ký ghi chép bắt đầu từ thời Triệu Đà nước Nam Việt cho đến Lý Chiêu Hoàng. Sách không có viết về Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ, cũng như về vua Hùng Vương.

Sau đó, một cuốn sử khác có tên là Việt Sử Lược của một tác giả khuyết danh,  ra đời vào thế kỷ 14, cuối triều đại nhà Trần (khoảng từ 1377–1388 theo dịch giả Nguyễn Gia Tường, 1972).  Đây là bộ sách sử đầu tiên ghi chép về vua Hùng Vương và nước Văn Lang, nhưng cũng tuyệt nhiên không có đề cập đến nhân vật Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân. 
Hai bộ sử nói trên,  Đại Việt Sử Ký và Việt Sử Lược bị thất lạc khi nhà Minh xâm chiếm Đại Việt (1418 – 1427), nhưng sau này may mắn được tìm thấy trong kho lưu trữ nhà Thanh và được vua Càn Long cho in khắc lại. 

Khoảng đầu thế kỷ 15, trong một cuốn sách tên là Lĩnh Nam Chích Quái, nhân vật Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, và truyền thuyết trăm trứng lần đầu tiên xuất hiện.  Lĩnh Nam Chích Quái cũng có ghi chép những truyền thuyết khác như là truyện Phù Đổng Thiên Vương, Nhất Dạ Trạch, bánh chưng, dưa hấu, truyện núi Tản Viên, Sơn Tinh – Thủy Tinh v.v… Vì là tập truyện viết về những truyền thuyết có nhiều tính chất tưởng tượng hoang đường,  Lĩnh Nam Chích Quái không được các vua và sử gia xem là chính sử của nước ta.  Tương truyền Trần Thế Pháp, một danh sĩ cuối đời nhà Trần là tác giả sách Lĩnh Nam Chích Quái.  
Trích một đoạn viết về Lạc Long Quân và Âu Cơ trong Lĩnh Nam Chích Quái, để chúng ta thấy tính cách hoang đường của câu chuyện.
 “.....Âu Cơ ở với Lạc Long Quân giáp một năm sinh ra một bọc trứng cho là điềm không may nên đem bỏ ra ngoài đồng nội, hơn bảy ngày trong bọc nở ra trăm trứng, mỗi trứng là một con trai, bà đem về nuôi nấng, không cho ăn cho bú mà tự nhiên trường đại, trí dũng song toàn, ai cũng uy phục, bảo nhau đó là những anh em phi thường...”
Sách Lĩnh Nam Chích Quái không có ghi chép ngày tháng liên quan đến những nhân vật Kinh Dương Vương,  Lạc Long Quân và Âu Cơ.

Đến thời vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497),  Ngô Sĩ Liên hoàn tất bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư vào năm 1479.  Khi viết Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, sử gia Ngô Sĩ Liên không biết về hai bộ sử viết trước ông đó là Đại Việt Sử Ký và Việt Sử Lược vì đã bị giặc Minh mang về Tàu.  Ngô Sĩ Liên chỉ có thể dựa vào Lĩnh Nam Chích Quái để viết thêm về Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ.  Như đã nói ở trên, vì Lĩnh Nam Chích Quái không có ghi ngày tháng,  Ngô Sĩ Liên đã phải tự ý chọn năm 2879 trước TL,  để đưa Kinh Dương Vương vào sách sử, đó là năm Kinh Dương Vương lên ngôi làm vua nước Xích Quỷ, mở màn cho nền văn hiến đất nước.

Kế đến,  sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục,  bộ chính sử nhà Nguyễn do Quốc Sử quán triều Nguyễn soạn thảo (1856 – 1884), được đánh giá là bộ sử lớn thứ hai của đất nước sau Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, đã có quan điểm về Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân như sau: “...danh xưng Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân trong Hồng Bàng thị kỷ, vốn từ thời thượng cổ, thuộc thuở hồng hoang, tác giả căn cứ vào cái không và làm ra có, sợ rằng không đủ độ tin cậy...”. 

Vua Tự Đức, theo chuẩn tấu của các sử quan, đã nhận định đây là những “câu truyện đến ma trâu, thần rắn, hoang đường không có chuẩn tắc” và quyết định loại truyền thuyết Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân ra khỏi chính sử bằng cách đưa xuống phần phụ chú trong mục lục niên kỷ Hùng Vương, để “cho hợp với nghĩa lấy nghi truyền nghi”.

Giả thuyết về năm 2879 trước Tây lịch

Ngày xưa nhà làm sử cũng là người làm quan, vua sai coi việc viết sử, cho nên việc ghi chép sử sách không được tự do thường phải theo ý vua.  Hơn nữa, cách ghi chép sự kiện lịch sử thường theo lối biên niên của Tàu, nghĩa là năm tháng nào có chuyện gì quan trọng thì nhà làm sử chép vào sách.  Chép vắn tắt chứ thường không giải thích cái gốc ngọn và sự tương quan, liên hệ việc này với việc kia như thế nào.  Nhà viết sử Ngô Sĩ Liên, ghi năm 2879 trước TL, năm Kinh Dương Vương lên làm vua nước Xích Quỷ quá vắn tắt, không một lời giải thích, để lại cho hậu thế một “bí ẩn” lịch sử về 18 đời vua Hùng Vương kéo dài 2622 năm (2879 – 258 trước TL), rồi từ đó, con cháu đều tự hào đất nước Việt Nam với 4000 năm văn hiến.   

Ngô Sĩ Liên hoàn tất bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư vào hậu bán thế kỷ 15 dưới đời vua Lê Thánh Tông, một minh quân của nhà Hậu Lê.  Sau 10 năm kháng chiến chống giặc Minh, Lê Lợi dành lại độc lập cho Đại Việt lên ngôi lập nhà Hậu Lệ, tức vua Lê Thái Tổ, mở đầu thời kỳ cực thịnh cho đất nước.  Dưới thời vua Lê Thánh Tông, Đại Việt phát triển mọi mặt, từ kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, quân sự. Thời kỳ này được gọi là Hồng Đức Thịnh Thế. 

Để có một vị trí văn minh ngang hàng với người Tàu (nhà Minh lúc này bắt đầu yếu thế và đã dời kinh thành từ Nam Kinh trở về lại Bắc Kinh, xa Thăng Long), có thể do mặc cảm tự tôn sau khi đại thắng quân Minh, và cũng vì tự ái dân tộc,  Ngô Sĩ Liên có lẽ đã vâng mệnh vua Lê Thánh Tông, định năm 2879 trước TL là năm Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỹ, có bờ cõi mênh mông từ Động Đình Hồ phía bắc cho đến giáp bể Nam Hải phía đông. Lại ghi Thần Nông là ông tổ của Lạc Long Quân, tức bà con xa gần với người Tàu. Theo Ngô Sĩ Liên, năm 2879 trước TL,  năm đánh dấu hai anh em, Đế Nghi, là anh lên làm vua phương bắc và Kinh Dương Vương làm vua phương nam.  

Phải chăng,  trong lúc đất nước thịnh vượng, vua Lê Thánh Tông muốn con dân Đại Việt hãnh diện có nền văn minh lâu đời không thua kém gì người Tàu ở phương bắc?
Như chúng ta thấy,  năm 2879 trước TL chỉ là một mốc thời gian tự ý lựa chọn, không có căn cứ của Ngô Sĩ Liên theo mệnh lệnh vua Lê Thánh Tôn.  Do đó, 4000 năm văn hiến của đất nước Việt Nam bắt đầu từ năm 2879 trước TL cũng là chuyện “hoang đường không có chuẩn tắc”, như vua Tự Đức đã nhận định và đã quyết định không cho vào chính sử.
Tuy nhiên, nếu Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân là chuyện hoang đường, không có thật, vậy thì 18 đời vua Hùng Vương có thật hay không, hay cũng là chuyện hoang đường?

Hùng Vương và Nước Văn Lang

Như đã đề cập ở trên, cuốn sách Việt Sử Lược ra đời vào thế kỷ 14 cuối triều đại nhà Trần bị thất lạc (nhà Minh mang về Tàu), có ghi chép về nước Văn Lang.  Trong Quyển I của Việt Sử Lược viết “...đến đời Trang Vương nhà Chu (696-682) trước TL ở bộ Gia Ninh (phần đất Mê Linh), có người lạ dùng ảo thuật qui phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đống đô ở Văn Lang, đặc quốc hiệu là Văn Lang, phong tục thuần lương chơn chất, chính sự dùng lối thắt gút. Truyền được 18 đời đều xưng là Hùng Vương ”. 

Theo sử sách,  đời thứ 18 vua Hùng Vương của nước Văn Lang chấm dứt vào năm Giáp Thìn, tức là năm 257 trước TL, sau khi bị Thục Phán An Dương Vương xâm chiếm, rồi đổi quốc hiệu là Âu Lạc. 

Trong sách Việt Sử Lược, nước Văn Lang với 18 đời vua Hùng Vương trong thời gian là 400 năm, có vẻ hợp lý và thuyết phục hơn là sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên, kéo dài tới 2622 năm.  Hiện nay nhiều người vẫn tìm cách giải thích loanh quanh về 18 đời vua Hùng Vương trong thời gian dài 2622 năm.  Cho rằng 18 đời vua thật ra là 18 chi (nhánh hay ngành), mỗi chi có nhiều vị vua thay phiên nhau trị vì và dùng chung vương hiệu.  Tức là, mỗi chi trung bình trị vì khoảng 145 năm.  Không thấy sử liệu nào của đất nước ghi chép về 18 chi thời vua Hùng Vương.

Hàng năm, vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, lễ giỗ tổ Hùng Vương đều được tổ chức trọng thể,  vì vua Hùng Vương và nước Văn Lang có ghi rõ trong sử sách.  Tuy nhiên, trong nghi lễ giỗ tổ Hùng Vương, thường không nhắc đến Kinh Dương Vương cũng như Lạc Long Quân và Âu Cơ trong ngày lễ hội.  Những nhân vật trên chỉ được nhắc nhở trên sách vở, trong phần huyền sử của đất nước. 

Phần Nhận Định và Kết

Quả thật, khi đọc và nhận định một cách khách quan những sử liệu cổ, nhất là hai cuốn sách Lĩnh Nam Chính Quái và Đại Việt Sử Kỷ Toàn Thư,  4000 năm văn hiến của đất nước thật khó thuyết phục, nếu không muốn nói là hoang đường.  Hơn trăm năm qua, người dân Việt Nam,  già trẻ luôn luôn tự hào về đất nước với 4000 năm văn hiến, khi chính những vị quan viết sử, cũng như vua Tự Đức đều ghi nhận “căn cứ vào cái không và làm ra có”.  

Thật vậy, 4000 năm văn hiến chỉ thuộc về phần huyền sử của đất nước, dựa trên những sự kiện chưa được xác nhận, kiểm chứng bởi các sử gia, những nhà khảo cổ của đất nước và của những nhà nghiên cứu lịch sử trên thế giới.
Nếu căn cứ vào sách Việt Sử Lược, triều đại Hùng Vương bắt đầu từ thế kỷ thứ 7 trước TL cho đến ngày nay, chúng ta chỉ có hơn 2500 năm văn hiến.   Còn nếu loại bỏ 1000 năm bị đô hộ, thì số năm văn hiến nước ta chưa tới 1500 năm.

Giáo sư Liam C. Kelley, nhà sử gia chuyên về lịch sử cổ đại Á Châu và Việt Nam đã nhận xét như sau  “dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc, những truyền thuyết được sáng tạo đã và đang trở thành những sự thực khó thay đổi”. 
Trong tinh thần tôn trọng lịch sử,  khi chúng ta viết hay nói chuyện trước quần chúng về 4000 năm văn hiến,  đừng quên rằng 4000 năm văn hiến  thuộc phần huyền sử của đất nước.  Đề cập đến 4000 văn hiến trong tinh thần đã được vua Tự Đức viết  “cho hợp với nghĩa lấy nghi truyền nghi”.

Trần Phước Đạt
Tháng 6 2020, Florida

Tài Liệu Tham Khảo

Việt Sử Lược cũng có tên là Đại Việt Sử Lược của một tác giả khuyết danh, ra đời vào khoảng thời nhà Trần (theo dịch giả Nguyễn Gia Tường, 1972.   Bộ sử này và Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu bị thất lạc khi nhà Minh xâm chiếm nước ta, nhưng sau này được tìm thấy trong kho lưu trữ nhà Thanh và đã được vua Càn Long cho in khắc lại. 
Lĩnh Nam Chích Quái (những chuyện quái dị ở đất Lĩnh Nam) là tập truyện ghi chép lại những truyền thuyết và cổ tích nước Văn Lang bắt đầu từ chuyện Kinh Dương Vương,  đến Lạc Long Quân và Âu Cơ, tiếp đó là truyện Phù Đổng Thiên Vương, Nhất Dạ Trạch, bánh chưng, dưa hấu, truyện núi Tản Viên: Sơn Tinh – Thủy Tinh”. 
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên ra đời sau Việt Sử Lược và Lĩnh Nam Chích Quái.  làm vua nước Xích Quỷ?

Khâm Định Việt sử Thông giám cương mục là bộ chính sử nhà Nguyễn, do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn thảo (1856 – 1884)

.

No comments:

Post a Comment