Wednesday, May 27, 2020

NĂM THÁNG - Lê Văn Trạch


Trước khi vào truyện

Khi được tiếp xúc với văn học nghệ thuật hải ngoại, việc đầu tiên là tôi tìm đọc những tác phẩm viết về các trại cải tạo: rất nhiều người làm việc này nhưng có hai nhà văn tôi tâm đắc nhất là Phan Lạc Phúc (Sau này gom lại trong 2 tập Bè Bạn Gần Xa) và Thảo Trường với Đá Mục, Tầm Xa Cũ Bắn Đạn Thật và Tiếng Thì Thầm Trong Bụi Tre Gai. Mỗi trại có những hoàn cảnh, điều kiện, con người khác nhau nhưng cùng chung một chính sách: lưu đày, bóp chết hầu bao, ly gián và tẩy não .
Mấy năm nay tôi có ý đợi sẽ có vị nào đó viết về trại của tôi hoặc ít ra thì có một vài chi tiết liên quan nhưng chưa thấy, thỉnh thoảng có vài anh em khuyên tôi và cũng mới đây trong chuyến về Washington D.C, đề nghị đó được lập lại. Tôi lưỡng lự. Có thể. Nhưng viết về cái gì và bắt đầu từ đâu? Những nhân vật và sự kiện của hai tác giả trên tự nhiên lại hiện ra: Trong trầm luân khổ ải với một dã tâm tiêu diệt hoàn toàn ý chí đối kháng bởi chính sách nói trên, nhiều nơi nhiều lúc khi âm ỉ, khi bộc phát, biểu lộ cái nhân cách, cái can trường của một người quốc gia chân chính. Tôi định viết về khía cạnh đó. Trong khả năng hạn hẹp và trí nhớ còm cõi, tôi cố gắng trình bày ra với cả tấm lòng của mình trước hết như một nén hương để tưởng niệm quý anh đã chết tức tưởi ở khu rừng trai, trong đợt dịch kiết lỵ trực trùng, hoặc mang tấm thân tàn ma dại về chết trong vòng tay của gia đình...và chia sẻ với những anh còn ở quê nhà hay đang sống nơi hải ngoại đã một thời cùng nhau chịu bao nỗi đắng cay oan khuất ở trại tù Hoàn Cát.

***

Như thường lệ gần hai tháng nay cứ mỗi buổi sáng khi cả trại tập trung ngoài sân đi lao động, tên cán bộ thẩm cung Thanh Hiền vai mang xắc cốt, tay cầm tập giấy đi vào nói gì đó với cán bộ trực trại rồi kêu tôi ra "làm việc" . Nhưng lần này tôi không được nhận  "đề luận" và giấy viết, y hỏi tôi một số vấn đề rồi chậm rãi bằng một giọng Vĩnh Linh đặc sệt: Công việc như thế là tạm ổn, sau này cần gì sẽ bổ sung thêm, hôm nay anh được giải lao. Trong thời gian gần đây trong trại xôn xao nhiều điều anh biết không? Tôi im lặng. Các anh trao đổi với nhau là trại sắp giải tán và được đưa đi làm đường sắt thống nhất, làm thủy lợi, chặt tre ở Lao Bảo, xây dựng cơ quan Công An ở Đông Hà phải không? Có thể đúng một phần, thời gian vừa qua là thanh lọc để các anh vừa khai báo vừa làm quen với lao động trong điều kiện tương đối dễ dãi . Tôi nói điều này và anh tuyệt đối giữ bí mật: để các anh có điều kiện học tập tiến bộ trong mọi trường chính quy hơn và tùy theo mức độ gây tội ác với nhân dân trong quá khứ, các anh sẽ được chuyển trại, riêng anh và một số khác được đưa đi nghiêm giam theo quy chế thời chiến. Nghe đến đây tôi hơi lạnh xương sống và đánh bạo hỏi khi nào và đi đâu, anh ta không trả lời và lảng sang chuyện khác.

Cứ tưởng ít ra là 2 hoặc 3 hôm nhưng không ngờ khuya đó, lúc đầu nghe tiếng lao xao ở nhà bếp rồi chúng tôi bị đánh thức để chuẩn bị vật dụng cá nhân.
Núi rừng dường như thức giấc sớm hơn, tiếng chim tiếng gà cất lên từ nhiều phía, những đám mây hững hờ còn ôm lấy đỉnh núi Ba Hô, trời trong xanh và mặc dầu mới rạng sáng đã nghe được cái nóng nực của gió Lào.
Chúng tôi ngồi lặng yên bên túi đồ đạc trên sân đất với cảm giác lan man. Viên giám thị trưởng lập lại lời của cán bộ đã nói với tôi và tiếp: đất nước đã hoà bình, các anh khỏi phải đi đâu xa, mọi người lắng nghe khi đến tên của mình đứng lên bước ra ngoài.

Tất cả im phăng phắc: danh sách số 1 được dẫn vào hội trường, phần đông là tàn tật và bệnh hoạn. Sau đó chừng 20 phút danh sách số 2 được dẫn ra khỏi trại, danh sách số 3 cũng vậỵ Tôi nằm trong danh sách cuối cùng, số 4, đông nhất và cũng được một số quản giáo và Công An võ trang bảo vệ nhiều nhất. (Sau này mới biết là danh sách số 1 được cho về ngay, danh sách số 2 về Khe Mây đến 2/9/75 được thả, danh sách số 3 đi Xoa). Chúng tôi bị bắt buộc đi theo đi hình hàng dọc, cách xa nhau, hai bên CA võ trang súng AK47 cầm tay, lên đạn sẵn. Qua khỏi ngã ba đi căn cứ Carrol, chúng tôi biết là không lên Lao Bảo, ra đến chợ Cùa, rẽ phải - vị trí Đông Hà được loại bỏ - và khi qua khỏi Xoa để chuẩn bị leo dốc Làng Hạ, mọi người biết chắc chắn nơi đến là Ba Lòng. Lần đầu tiên phải đi bộ trong những địa thế dốc đồi và xa như thế, nhiều người trong chúng tôi đã ngất xỉu . Xế chiều đến làng Đá Nổi, đoàn người tả tơi thất thểu, ở ngoài nhìn vào chắc chẳn giống con giáp nào ... Chúng tôi được lệnh nghỉ chân, từ xa nơi mé rừng thấy từng nhóm bốn người trong đồng phục màu rêu xanh, mặt mũi hốc hác đang gánh những tấm ri sắt về phía trái, một số anh em thấy có người quen, kêu tên, nhưng họ lầm lũi đi, chẳng trả lời ... (đó là anh em Triệu Hải và thị xã Quảng Trị). Tất cả chúng tôi được lùa vào một căn phòng làm bằng ri sắt, kể cả chỗ nằm, cửa bị khóa lại, không ai nói với ai một lời, buổi tối nhà bếp đem cơm vào nhưng chẳng ai đụng đến. Đêm đó thật thê thảm, hậu quả của một ngày vất vả nắng gắt, uống nước lạnh, nhiều người bị tiêu chảỵ Không có cầu tiêu trong phòng, anh em tận dụng mọi phương tiện ... buổi sáng phải đợi các phòng kia đi lao động trước chúng tôi mới được mở cửa và trước khi đi phải báo cáo cán bộ ... những cầu tiêu lộ thiên không đủ chỗ cho một loạt người cùng nhu cầu .

Chúng tôi được lệnh tập họp, kiểm soát "tư trang", mọi vật dụng phải ký gởi, từ hình ảnh, thuốc men đến tiền bạc, đồ bằng kim loại ... Ông Tuynh, Giám thị trưởng đọc bản nội quy với những điều khoản nghiêm ngặt : Bất cứ lúc nào, muốn đi đâu đều phải báo cáo với cán bộ, ban đêm nằm trong phòng dậy đi vệ sinh cũng phải như vậỵ Mỗi nhóm lao động 5 người thay đổi hàng ngày có một quản giáo và một công an vũ trang đi kèm, không được tiếp xúc với bất cứ ai khác phòng: tiêu chuẩn ăn uống 9 kg kể cả độn (những điều này đúng như cán bộ Thanh Hiền đã nói). Mấy tuần sau một sự kiện xảy ra làm hoang mang, chấn động toàn trại: anh S. sau một thời gian nhiễm bệnh, đã chết, nhìn thân xác anh quấn trong chiếu đặt trên một sạp tre được bốn anh gánh đi chôn, mọi người đều nao lòng nghĩ đến bản thân mình, gia đình, vợ con ... mà rưng rưng nước mắt.

Sau 2/9/75, giám thị trại cho biết nhà nước có chính sách khoan hồng, chúng tôi sẽ được di chuyển đến một nơi khác thoải mái hơn ... vài hôm sau được biết chắc chắn là trở lại Hoàn Cát và sẽ được tổ chức thành nhiều đội khác nhau tùy theo sức khoẻ dể vận chuyển tất cả tài sản của trại đến địa điểm mới. Tôi lúc đó chưa tới 30 tuổi, được phân loại 1 có nhiệm vụ phụ trách bộ phận lò rèn, cụ thể là kéo những xe cải tiến chở sắt thép ... lên dốc đã khó, xuống dốc lại càng cực nhọc hơn ... Gần nửa đêm, chúng tôi đến trại Xoa, được gặp lại anh em, cán bộ lúc đó chắc cũng đã thấm mệt, chẳng để ý gì nữa, chúng tôi tự do tâm sự, trao đổi tin tức ...
Sáng hôm sau lên đến Hoàn Cát, cảnh quan đã đổi khác, chúng tôi được ở phía ngoài suối, bên kia chỗ trại cũ bây giờ đã có những dãy nhà xây lợp tôn cho cán bộ, khu vực kế đó đã được san ủi dọn mặt bằng, tôi liên tưởng đến sự phát triển quy mô của một trại tù lớn, ít ra là cấp tỉnh.

Chiều hôm đó, lệnh tập họp được ban ra, mọi người lót dép ngồi trên cỏ nghe cán bộ Hà lên lớp. Ông lập lại chính sách khoan hồng của Đảng và nhà nước đối với những "ngụy quân, ngụy quyền có nợ máu với nhân dân" đáng tội treo cổ vậy mà các anh không ý thức được điều đó nhiều người còn mơ hồ, thương nhớ Đế quốc Mỹ, ai trong các anh trên đường từ Ba Lòng ra đã hát hò:
Đến mùa tóc rạ rơm khô
Bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm         
  
Sau đó ông ta phân tích diễn giảng rất lớp lang để buộc tội. Mấy tuần sau việc này được tái diễn, nhưng từ lúc mở đầu cho đến nửa tiếng sau chẳng ai hiểu mục đích của ông là gì. Ông kể chuyện những công nhân khai mỏ ở Liên Xô, quặng khai thác xong được đưa vào nhà máy chế tạo xe hơi, những chiếc xe xuống tàu thủy đến cảng Hải phòng, được phân phối cho Bộ Nội Vụ, Bộ chuyển đến Công an Bình Trị Thiên, bên cạnh đó, nhà nước ta thắt lưng buộc bụng bỏ tiền mua xăng của Trung Đông ... Trại được tỉnh ưu ái, thương các anh vất vả, cho xe vào tận Ba Lòng để chở ngọn khoai ra trồng, tạo điều kiện cho các anh bồi dưỡng có sức khoẻ để lao động, học tập tốt thế mà các anh vô ý thức bỏ lại ngoài đồng khô héo, có ý đồ phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa! Lúc đó chúng tôi mới vỡ lẽ là một số anh em trồng khoai lỡ quên không mang ngọn thừa về trại, ông ta đi kiểm tra bắt gặp !!!    Lúc đầu chúng tôi được ở trong một nhà ri rất chật chội, nóng nực, tổ chức thành các đội sản xuất, kiến thiết ... Những số trẻ được xếp vào đội đi rừng để chặt cây làm doanh trại.

Một chiều nọ chúng tôi được lệnh sẽ có giám thị trưởng lần đầu đến nói chuyện. Sau khi lập lại điệp khúc khoan hồng nghe đã nhàm tai, ông ta nói: tôi biết các anh được đào tạo trong những trung tâm, học viện dạy cách giết người và chống phá cách mạng rất chính quy hiện đại, bản thân tôi cũng đã qua nhiều trường đào tạo tình báo ở Trung Quốc, đặc biệt là trường Nhận Dạng. Chiều nay một số các anh đi rừng về vào khu sản xuất của bộ đội ở trong "Sư" để hái hoa màu, tôi nhận ra từng người, đừng chối, phải tự giác, sau đó là bôi nhọ: các anh đã quen thói ăn bám, bóc lột sức lao động của người khác ...       Tôi nghiệm ra một điều về phương thức tẩy não của Cộng Sản là thiết lập một hệ thống ăng ten dày đặc, theo dõi mọi việc làm và lời nói của tù nhân, khi  "phát hiện" có gì gọi là sai trái sẽ kịp thời báo cáo, Cán Bộ căn cứ vào đó suy diễn phóng đại vấn đề để bôi nhọ, buộc tội, lập đi lập lại nhiều lần. Từ khi trại Hoàn Cát trở thành một trại của Bình Trị Thiên, giam cả tù chính trị lẫn hình sự do ông Nguyễn Quang To làm giám thị trưởng, ông thường xuyên đảm nhận công việc này ... thao thao bất tuyệt. Một hôm có người sửa câu Kiều:
Trăm năm một cuộc nhổ râu
Những điều trông thấy mà đau tới cằm

Trại lại được triệu tập ... lần này ông nhắc đến những Trần thị Tâm, Mẹ Mít, dũng sĩ  Phường Sắn và so sánh nỗi đau của bản thân họ với chúng tôi ... được tha tội chết. Câu chuyện được lập lại đến khi có đề tài mới . Anh TT QN một hôm đi khai hoang đã ngẫu hứng:
Quê ta đâu phải chốn này
Bởi vì lạc bước tới đây phải mần!

Thế là được ông ta giảng: các anh lao động để tự nuôi chưa đủ, nhà nước phải lo bao nhiêu thứ nữa nào là quần áo thuốc men, chất tươi ... các anh không cám ơn còn than van ...
Như để trưởng trại có đề tài mới cho hấp dẫn, anh X. một hồi chánh viên, người Bắc, đã tự thán:
Bực mình mà chẳng nói ra
Muốn đi ăn cỗ người ta không mời!

Ông lại phán: Anh phản bội đảng, nhân dân, đồng đội, quê hương anh, tội ấy đem bắn không thương tiếc, cách mạng đã tha cho vào đây ăn học, anh còn bực nỗi gì?
Trong mấy trăm tù nhân của QT, chỉ có một người nữ, bà HTT, người làng BG sinh trong một gia đình khoa giáo, một người đàn bà kiên cường bộc trực. Lúc mới vào trại, chưa có nơi ở riêng, công an cho làm tạm một chỗ gần ngoài cổng. Bà là vợ một cán bộ tập kết, có mấy người con. Hằng đêm bà kêu gào HCM thiếu sáng suốt, không thấy công lao của bà ở lại nuôi con, cho chồng tham gia cách mạng, đến khi thành công lại bắt giam tù ... Tôi có một đồng sự, quê Triệu Phong, anh LVT, gọi vợ Lê Duẫn bằng dì ruột, vừa trở lại quê, gặp dịp bà này về làng, anh theo mẹ đến thăm, tưởng là đi sẽ giúp khỏi đi tù nhưng khi nghe anh khai báo ban ngành phục vụ, bà bảo kiếm trại nào gần đi học một thời gian tốt rồi về. Thế là anh được lên Hoàn Cát. Một hôm anh tâm sự:
Trời thì rộng mà lòng người quá hẹp
Cũng không tránh khỏi quy luật trấn áp của cách mạng!

Nhà trưởng của tôi, anh LD một người vui tánh năng nổ, lúc nào đi làm về cũng dẫn đi vào trước, một hôm trong lúc trò chuyện, có người nói không biết chừng nào mình được về. Anh lắc đầu: "mù điên điến" (tức xa tít mù khơi) thế là bị nạo đưa vào giam với tù hình sự với tội danh không tin tưởng vào chính sách khoan hồng của đảng. (Một số các em hình sự này có lần nói đùa: mấy chú là ngụy quân ngụy quyền, còn cháu là ngụy tặc).
Ở tù cứ trông đến ngày chúa nhật để nghỉ ngơi ... nhưng đôi lúc cũng phải đi làm, có anh bực mình: đưọc ngày chúa nhật, hắn cũng lấy! Thế là chúng tôi được lệnh ăn cơm sớm, lên hội trường để nghe lại những điệp khúc cũ ...

Trong trại có một công an người Thượng, tên Mười là người không cho tù đi lao động trong lúc trời mưa, ngay cả lúc đang làm cũng đánh kẻng cho về và có anh đã xuất khẩu thành thơ:
Cải tạo nhờ trời mưa
Thợ cưa nhờ đường bìa
Sau đó thì quý vị đoán được điều gì xảy ra

Hình như sau vụ Phạm Tuân lên vũ trụ, trại nào cũng có nhiều trường hợp bị cùm, kiểm điểm vì "ăn nói linh tinh". Ở Hoàn Cát không thấy có ai bị phát hiện, mặc dầu anh em xầm xì: Phạm Tuân làm ét ; ngồi sau ghe đ ... Hôm lên hội trường nghe anh LVT đọc bài thơ  "Gởi một nhành Xuân" của Tố Hữu, trong đó có đoạn:
Bữa cơm khoai ít cá nhiều rau
Mà ngăn sông làm điện, khoan biển tìm dầu
Chân dép lốp mà lên tàu vũ trụ
Khi về phòng anh TB ghé vào tai tôi nói nhỏ:
Chân dép lốp mà cũng đòi lên tàu vũ trụ
Anh TB bị bắt trong vụ Phục Quốc (Mậu Ngọ), người Thừa Thiên, thường kể cho tôi nghe những chuyện cười ra nước mắt sau 75, nhất là chuyện tem phiếu: hàng năm chính quyền cũng bán vải cho dân, nhưng người có áo thì không có quần, được áo thun thì không có quần lót, nên trong dân gian có câu:
Bắt ở trần phải ở trần
Cho mai dô mới được phần mai dô!

Mấy lần trên không có ai nghe, nhưng một hôm đi rừng, anh lượm được cái ống liên hợp truyền tin, bèn cầm lên: "Hoàn Cát gọi An Cựu, nghe rõ trả lời", khi đưa ra kiểm điểm, bị quy kết cho không biết bao nhiêu tội!
Sau giai đoạn "dự bị" học lý thuyết và khai báo ở Hoàn Cát rồi Ba Lòng, chúng tôi đã "thu hoạch" nên thỉnh thoảng mới có cán bộ "trên" ra dạy. Một hôm, phó Công An tỉnh  - tên Vĩnh Thành - đến để xác định lại chính sách khoan hồng trước sau như một của đảng ...  Anh LVC kể lại "tay này năm 72, tôi đã đụng rồi: trong một lần răn đe chúng tôi ông ta nói: các anh chỉ là những thứ bụi bặm... tôi trả lời: có thể, nhưng những hạt bụi đó bay vào mắt cũng xốn lắm cán bộ ạ ! Sau lần đó thì anh LVC bị cùm và có lẽ do những ý tưởng như thế lâu lâu lại bộc phát nên anh đã bị giam từ năm 72 cho đến sau này, mặc dầu anh chỉ là cán bộ Nhân dân tự vệ ...

Trong trại có độc nhất một người Quảng Nam, anh HN, được ghi nhận là "phản kháng có hệ thống", anh gọi chính sách thi đua của trại là "đem kẹo phỉnh con nít", một trưa hè, nhiều anh cởi trần nằm sải tay trên rỉ sắt, anh nói với mấy người bên cạnh: ở đây y tá quá khoẻ, mỗi lần chích ven chẳng khó nhọc gì ... qua mấy năm đầu thập niên 80, đã có nhiều đợt ra trại, anh nói một mình: đến lượt mình thì có lẽ ra khỏi cổng trại, kiếm tổ ong nào đưa mặt cho đốt để về vợ con mừng ... Ra trại về quê anh bị buộc phải đi kinh tế mới ở Tây Nguyên, bị ruột thừa cáng chưa đến trạm xá đã chết!

Ở tù, mỗi sợi tóc là một cái tội, chỉ một lời nói bâng quơ, vô tình như hỏi một người bạn đang đọc báo Nhân Dân: Có gì hay không, lãnh phần ăn với mắm chợp Cửa Việt: Xương cha Xương Ông chi mà dữ ri, huýt gió một bản nhạc Phật Giáo, phân tách hành khách và bộ hành hay chỉ cái loa của Trung Cộng, khai thác đá 1 + 2 chất thành khối bảo giống hàng không mẫu hạm ... khi đưa ra kiểm điểm đều có vấn đề, đôi lúc còn gán cho nhiều bản án nữa ...

Những sự kiện trên xảy ra thường là trong khu vực hạn chế, ăng ten (kẻ làm chỉ điểm) thu được báo cáo lên, và khi cán bộ xuống tham dự lèo lái cuộc họp, để khỏi làm phiền anh em cần được sự nghỉ ngơi, đa số đều " khắc phục rút kinh nghiệm, xin hứa lao động tốt học tập tốt" ... Nhưng có một người làm ngược lại, anh trình bày những ý kiến đối kháng của mình ở chỗ đông người và trong những buổi kiểm thường có những lập luận vững chắc sắc bén để bảo vệ những giá trị của ý kiến ấy, không bao giờ nhận lời, một người mà qua bao lần kiểm soát đồ dùng cá nhân, vẫn giữ được bộ quân phục với đầy đủ phù hiệu, cấp bậc và trong hoàn cảnh tù tội đã ngang nhiên thêu sau lưng áo mình hàng chữ: “Quỷ trạng tái thế, diệt đế trừ gian", sau bao nhiêu lần bị cùm nhốt trong xà lim, cán bộ cũng phải ngạc nhiên hỏi: Anh không muốn về với gia đình sao ? Anh đã thẳng thừng trả lời: "Không, bởi trình độ cán bộ địa phương thấp lắm, không hiểu được chính sách của nhà nước, tôi về rồi cũng bị đưa lên lại... Nhắc đến Anh hôm nay, chẳng ngại ngùng gì để phải viết tắt tên Anh, dù sao thì Anh cũng chẳng còn trên thế gian này, tôi viết đầy đủ họ tên bằng chữ hoa nắn nót: NGUYỄN VĂN CỬ.

Có lẽ ít người quên hình dáng một ông già hàng ngày với đôi triêng gióng (đôi gánh) lang thang trên mọi nẻo đường để gom phân trâu bò, có hôm anh bảo: Công nhận ông già tao hồi xưa là một chiêm tinh gia đại tài, khi sinh tao ra đã biết được nghề ngỗng sau này nên mới đặt tên là Cử: tao con đầu, dứt cử (nói lái). Tôi bắt đầu chú ý đến Anh vào mùa đông năm 1977, hôm đó nhà trưởng đi họp về, cầm theo tờ báo Nhân Dân và lập lại lời của ban điều hành trại: Nhân kỷ niệm 60 năm cách mạng tháng 10, TBT Lê Duẫn có đọc một bài diễn văn rất quan trọng, các đi tìm một số người có trình độ, nghiên cứu để phổ biến đến mọi người trong đi mình. Tôi nghe tiếng anh CỬ : Ngày xưa một vị vua khi ban ra một lời gì, tất cả thần dân từ thượng tầng đến hạ cám đều hiểu, bây giờ một chính quyền gọi là của Nhân Dân mà tổng bí thư nói phải có người dịch lại thì đâu phải là minh quân!". Mọi người giật mình, nhà trưởng lập tức đi báo cáo và sau đó anh bị cùm ...

Một hôm có người kiểm điểm, Anh vi phạm nội quy vì ăn lá bánh chưng, anh không phản đối nhưng nói lại rằng: "Tôi nghĩ là chẳng vi phạm gì cả, hồi tôi đi học Thầy dạy trong vỏ trái đu đủ có loại mủ rất độc, thế mà ở đây trại vẫn để nguyên vỏ nấu canh, lá bánh chưng khi nấu nhiều giờ bao nhiêu độc tố nếu có đã thải ra ngoài, một lượng protein từ nếp thấm vào lá, chưa kể là một vài hạt nếp ẩn núp đâu đó. Tôi ăn sẽ tăng lượng calorie để lao động tốt hơn...  đúng ra các anh phải biểu dương ..."

Trong một đêm cả trại được xem phim Fidel Castro thăm vùng giải phóng. Khi về đến phòng anh nói lớn: Ông bà mình xưa có dạy:
Gà rừng, chim cú, heo rú, chớ nuôi
Râu xồm, lông ngực, chớ chơi bạn cùng "
Da vàng mũi tẹt thì đem nhốt, còn râu xồm lại ôm hôn ...
Nhà trưởng (đội trưởng) cấp thời báo cáo trực trại, được chỉ thị tối mai cán bộ giáo dục sẽ xuống làm việc. Sau khi chủ tọa tường trình sự kiện, trại viên phát biểu trước. Anh CỬ bị kết tội: nói xấu lãnh tụ, phá hoại tinh thần quốc tế vô sản với nước Cuba anh em, đứng đầu là Fidel Castro, người đang cầm lái ba giòng thác cách mạng ở Châu Mỹ, đề nghị trại có những hình phạt đích đáng, đến lượt mình, anh trình bày: Thưa cán bộ, đúng là tôi đã nói như thế, nhưng trước khi đọc hai câu tục ngữ ấy tôi xác định là ông bà mình xưa dạy, nếu như hôm nay quí vị phê bình tôi này nọ, thì phải kết án ông bà mình trước. Cả phòng nhao nhao lên, cán bộ bảo: anh phải thành khẩn nhận tội để được sự khoan hồng.

Tôi không có tội gì cả, đó là những điều chí lý mà cả cuộc đời tôi đã thể nghiệm đúng, tôi không thể phản bội chủ nghĩa thánh hiền ... Cán bộ quát: Anh ngoan cố mang tư tưởng chống đối có hệ thống, không chịu cải tạo . Anh đứng dậy và dõng dạc tuyên bố: La raison du plus fort est toujours le meilleure!... (Lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng), tôi không nói nữa. Lần này anh bị nhốt xà lim lâu hơn và bị hạ mức ăn xuống 6 kg. Khi về phòng, thân xác tiều tuỵ, ở hai cổ chân bị cùm, thịt da thối nát hôi hám.. nhưng khi vết thương chưa thành sẹo và sức khoẻ chưa phục hồi hẳn, một ngày trời mưa, anh vừa vá lại chiếc áo tù đã rách vai, vừa ngâm vịnh:
Còn trời còn đất còn non nước
Có lẽ ta đâu mãi thế này ...
Đêm kiểm điểm ấy kéo dài tới khuya, ngoài cán bộ quản giáo, có cả cán bộ lãnh đạo trại xuống dự, nhiều người phân tích:
- Trời đất đây là đế quốc Mỹ, nó còn đó và anh trông chờ một cuộc giải cứu như đã xảy ra ở Sơn Tây trước đâỵ
- Anh được CIA gài lại, đây là một lời nhắn qua anh để truyền đạt đến mọi người, ta không phải một mình mà là tất cả, nhìn lại quá trình sai trái của anh ta thấy âm mưu của Đế Quốc Mỹ rất là thâm độc, anh được sử dụng như một ngọn lửa để hâm nóng tưởng đối kháng, chống phá cách mạng; nhiều ý kiến nữa, có người đề nghị đưa ra toà.

Đến lượt anh CỬ: Xin lỗi cán bộ, mấy người vừa phát biểu đều dốt, chẳng biết gì về văn học sử. Trước khi phân tích các anh phải rõ xuất xứ của nó: Hai câu này nằm trong bài thơ Than Nghèo của Nguyễn Công Trứ lúc ông bị hàm oan cất chức phải về làm ruộng ở Thái Bình ... ông tin tưởng vào sự hiển linh của trời đất và một ngày nào đó triều đình sẽ hiểu rõ nỗi oan khuất của ông ... Khi đọc, tôi nghĩ đến hoàn cảnh đất nước hiện tại, ta đây là VN, sau chiến tranh giang sơn bị tàn phá, nhưng với lòng yêu nước, với bản cất thông minh cần cù, sáng tạo, chúng ta sẽ xây dựng lại, VN sẽ lừng danh trên thế giới. Chính những gì anh vừa phát biểu mới sai trai, suy bụng ta ra bụng người.
- Tại sao anh không đọc thơ cách mạng mà đọc mấy tay phong kiến vớ vẩn? Thơ  Tố Hữu nhiều và hay lắm.
- Tôi không biết, đây là những gì cha tôi dạy, nếu cán bộ không cho thì từ nay trở về sau những gì từ đời cha tôi trở về trước, tôi không nói nữa, tôi chỉ nói những gì từ cha tôi trở về sau. Hai lần nhắc đến chữ cha, anh nắm tay đưa thẳng vào mặt cán bộ. Lần này anh được tháo cùm trước thời hạn kỷ luật để nhập viện!...
Lẽ ra thì Anh khỏi phải tập trung cải tạo, anh chỉ là một hạ sĩ quan truyền tin đã giải ngũ, nhưng sau 75 nhân hôm huyện Hải Lăng tổ chức đua thuyền trên sông Mỹ Chánh, anh ngang nhiên hạ cờ đỏ sao vàng trên cầu xuống với lý do là cờ bị gió đánh rách, trên QL hàng ngày du khách nước ngoài vô ra thường xuyên, để vậy nhục quốc thể ... Anh bị bắt và giam chung với hình sự nhưng sau đó chuyển qua với tù chính trị.

Lúc tôi ra trại anh vẫn còn đó, không biết ở thêm mấy năm nữa. Trở về địa phương, lăn lộn với việc kiếm ăn trong hoàn cảnh bị quản chế, chẳng biết gì bên ngoài, đến lúc nhận tin về anh là một tin buồn: anh đã chết. Bản chất phản kháng trong anh không thay đổi và đối với cán bộ CS địa phương đó là điều không thể chấp nhận bởi vì chung quanh còn nhiều thành phần quần chúng cần phải giáo dục ... Anh vào phòng thuế vụ nhìn trước nhìn sau rồi tấm tắc khen: (Ông thầy phong thủy nào coi hướng nhà thật tốt, chỉ có tiền vô chứ không có tiền ra), một hôm anh mang chuối ra cho bạn, ghé vào phòng thuế vụ và mời nhân viên thu thuế ăn, anh cũng ăn với họ nhưng ăn nguyên vỏ rồi bảo: Tụi bây phải ăn như tao đây nè, chứ đâu cái thứ vừa bóc vừa lột!... Anh không bị đưa lên trại, bọn lưu manh (?) đã đón đường đánh anh, tuổi già còm cõi, anh lâm bệnh rồi qua đời ...

Trên đường về nơi an nghĩ cuối cùng, không biết có người bạn tù nào đi bên cạnh anh hay anh vẫn cứ thui thủi một mình như những năm tháng đày ải trước kia, lang thang trên đồng cỏ, sườn đồi, đêm về một mình tả xung hữu đột, vững vàng sắt son với cái tâm của kẻ sĩ, không chịu khuất phục trước bất cứ bạo lục nào: ngẩng cao đầu, hiên ngang dõng dạc. Buồn thay chẳng có tiếng nói nào đứng về phía anh, chẳng có ai có được cái khí phách như anh cả. Bây giờ cho dù bao nhiêu lời trần tình cũng không khỏa lấp được những cảnh bẽ bàng ngày ấy!

Thời gian đi thật nhanh, mới đó mà đã trên 20 năm, nhớ những ngày khốn khổ cực nhọc ở trại tù, buổi chiều cứ chờ cơm nước xong, nằm sải người để thân xác rã rời được ngơi nghĩ, tâm trí tự do bay bổng nơi này, chốn nọ ... chẳng ai thích thú gì khi được lệnh phải lên hội trường hay ra sân trại cho dù để xem phim hoặc văn nghệ. Nội quy của trại họp kiểm điểm mỗi tuần một lần, riêng nhà tôi hầu như hằng đêm ... lúc đó mọi người đều bực bội, thậm chí chán ghét. Bây giờ nghĩ lại thấy ận hận và hổ thẹn vô cùng.
Tháng năm qua đi, mọi vất vả, ray rứt đều quên hết, thỉnh thoảng gặp nhau, nhắc lại chuyện cũ là nhắc đến các anh: những người trong hoàn cảnh đày ải khốn cùng nhất vẫn giữ trọn khí tiết, phong thái của một chiến sĩ, các anh lại chỉ là người bình thường: những hạ sĩ quan, nhân viên cảnh sát, cán bộ bình định, chiêu hồi ...

Trại tù là thước đo phẩm chất con người, bởi khi vào đó rồi, anh chẳng còn gì ngoài thân xác và nhân cách, thân xác thì ai cũng giống nhau, nhưng phẩm cách được lượng giá trong lối hành xử hàng ngày với thù, với bạn.
Những sự kiện vừa nêu, thoạt trông có vẻ rời rạc, đơn điệu, nhưng nếu đưa lên trên bức tranh toàn cảnh thì đó là những đốm sáng lấp lánh trong bóng đêm dày đặc, cũng có thể là thông điệp để nhắn với những kẻ thắng cuộc rằng dù áp dụng bất cứ phương thức trả thù nào, chúng vẫn không thể tẩy não, cải tạo được những con người mặc dầu thua cuộc vẫn giữ được tiết tháo nhân bản của lý tưởng mà mình đã phụng thờ, phục vụ.
                                                           
Lê Văn Trạch


.

No comments:

Post a Comment